Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

XÉ NHÁP!


Bắt đầu vào tháng 12 , khắp nơi từ trong nhà đến ngoài phố, đi đâu chúng ta cũng thấy bầu khí rộn ràng chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh và năm mới .
Ở vào cái tuổi sáu mươi, tôi không còn nôn nao mừng lễ như thưở thanh xuân, cũng không háo hức mong chờ năm mới như thời thơ trẻ, nhưng tâm hồn đã chứa nhiều suy tư đan chen với ít nhiều tiếc nuối cho phần đời mình đã trải qua.
Nhìn Chúa Hài Đồng trong hang đá, tôi chợt nghĩ giá mà mình cũng được trở lại ngày mới chào đời để có thể lớn lên, trưởng thành và bắt đầu làm lại đời mình như người ta có thể “xé nháp” một bài viết sai, không như ý .
Thật vậy, khi đã trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, đã nếm đủ mùi vị của thành công và thất bại, đã cảm nghiệm được đầy đủ giá trị của hạnh phúc và khổ đau thì đa phần chúng ta đều rút ra được ít nhiều kinh nghiệm sống và ước muốn được xé nháp để làm lại từ đầu . Có khác nhau chăng, là khác ở số lần muốn xé nháp tuỳ thuộc mức độ sai lầm trong đời của mỗi người .
Riêng bản thân tôi có lẽ số lần phải xé nháp là không ít. Không ít, bởi lẽ tôi đã mắc quá nhiều sai lầm trong chọn lựa, thiếu can đảm trong quyết định và nhiều thiếu sót trong cách cư xử .
1/ Sai lầm trong việc chọn nghề :
Thường thì cha mẹ nào cũng muốn con mình có một nghề nghiệp ổn định, vững chắc có thể mang lại cuộc sống an nhàn sung sướng. Ước muốn chính đáng đó không sai, nhưng tiếc là các bậc phụ huynh đã quên một việc rất quan trọng là không nhìn vào khả năng và năng khiếu riêng của con cái. Thậm chí, còn có những ông bố, bà mẹ muốn gửi gắm, trao phó vào con mình cái nhiệm vụ phải thực hiện ước mơ mà mình đã không đạt được. Trong những gia đình có truyền thống “cha truyền con nối” thì sự áp đặt này càng nặng nề hơn.
Nghe theo lời bố mẹ để học hành, theo đuổi một nghề nghiệp mà mình không thích, không phù hợp với khả năng và đam mê là không ít những trường hợp đã xảy ra trong nhiều gia đình. Và tôi đã thuộc một trong số những trường hợp này .
Ngày đó, mẹ tôi muốn tôi phải thi vào trường y, mặc dù tôi chưa bao giờ nghĩ đến ngành này. Tôi có khiếu về sinh ngữ, thích đi đây đi đó, và ước mơ lúc bấy giờ của tôi là học văn khoa để sau này theo ngành ngoại giao. Ước mơ là vậy, tương lai đã được vẽ ra như thế, nhưng ngày ấy tôi đã không đủ can đảm để nói lên ước muốn của mình, không đủ cương quyết để đấu tranh cho công việc mình yêu thích. Tôi ngoan ngoãn nghe theo quyết định của mẹ để thi vào trường y. Vì không thích, không hứng thú, không tha thiết, nên cả hai lần thi tôi đều rớt. Không bỏ cuộc, mẹ tôi vẫn cương quyết muốn tôi phải theo ngành y vì theo bà đó là ngành có ích cho xã hội. Và tôi đã nhu nhược để trở thành kỹ thuật viên gây mê trong miễn cưỡng.
2/ Sai lầm trong hôn nhân :
Không biết có phải để “ rút kinh nghiệm” sau việc chọn ngành học hay không mà lần này trong hôn nhân tôi lại hoàn toàn không nghe theo lời khuyên của ba mẹ . Và một lần nữa, tôi lại phạm sai lầm, một sai lầm nghiêm trọng trong đời tôi.
Tôi đã sai lầm khi chọn lựa cho mình một đời hôn nhân không trọn vẹn, một hạnh phúc không viên mãn. Trái ngược hoàn toàn với việc chọn ngành học, lần này tôi không ngoan ngoãn nhưng lại ương ngạnh cứng đầu, bất chấp lời khuyên bảo của mẹ tôi . Tôi yêu cuồng, yêu dại, bỏ ngoài tai ý kiến của ba tôi. Cái sai lầm của tôi là tự cao, hiếu thắng, cứ cho mình đúng còn ba mẹ thì lạc hậu lỗi thời. Tôi quên một điều là ba mẹ mới chính là những người từng trải, nhiều kinh nghiệm, và ba mẹ mới là người hiểu rõ tôi hơn ai hết, để có thể nhận biết ai sẽ mang lại hạnh phúc cho con mình.
3/ Thiếu sót trong cư xử:
Khi đã đi hơn hai phần ba đời người, ngồi kiểm lại đời mình tôi tiếc nuối rất nhiều vì đã không còn cơ hội để sửa sai cho những lần thiếu sót.
Tôi ân hận rất nhiều vì những muộn phiền mang đến cho ba mẹ, tôi tiếc nuối vô cùng khoảng thời gian tôi mê say với hạnh phúc riêng mà quên đi đấng sinh thành, tôi day dứt khôn nguôi vì những lần thất lễ với các ngài. Và tôi luôn tự trách mình vì những điều đã không làm được cho ba mẹ khi các ngài còn tại thế.
Trong đời sống gia đình tôi cũng tự trách mình không ít. Giá mà ngày đó tôi trầm tĩnh như bây giờ để đừng gây gỗ lớn tiếng, tranh giành thắng thua. Giá mà tôi có đủ nhẫn nhịn để chịu đựng được tính xấu của người phối ngẫu. Giá mà tôi biết ôn hoà bao dung trước lỗi lầm, sa ngã của người bạn đời... Và còn rất nhiều lần “giá mà” như thế nữa thì hôn nhân tôi đã không đổ vỡ, hạnh phúc tôi đã trọn vẹn, viên mãn hơn.
Trong giao tiếp hằng ngày tôi cũng có quá nhiều thiếu sót khi không ít lần đã lớn tiếng hỗn hào với anh chị trong nhà, chỉ vì chút tự ái, tự cao, hiếu thắng của mình .
Với đồng nghiệp chung chỗ làm, tôi càng thấy xấu hổ hơn khi nhớ đến những lần mình so đo ganh tỵ trong công việc, tự trách mình hơn khi đã khinh khi xem thường những người yếu kém, thua mình.
Nhìn lại đời mình, nếu có phép mầu cho phép được bắt đầu lại, tôi thấy mình sẽ phải xé nháp rất nhiều.
Ước gì các bạn trẻ hôm nay đừng như tôi. Các bạn hãy cố sống sao để quyển sách đời mình được viết lên một cách hoàn hảo mà không phải xé nháp lần nào hay ít nhất là số lần xé nháp không quá nhiều như tôi .
Mây Tím