Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

ĐẦU XUÂN, NHỚ QUÊ HƯƠNG

Là con dân Việt, dù xa quê hương vạn dặm, tôi vẫn một niềm nhung nhớ quê cha đất tổ, trường xưa, làng cũ, mái ấm đơn sơ ấp ủ tuổi thơ ; vẫn nôn nao niềm vui ngày Tết và khấp khởi hạnh phúc đón Năm Mới trước bàn thờ Chúa và tổ tiên giây phút Giao Thừa.
Với niềm nhung nhớ, nôn nao, khấp khởi ấy, đêm nay tôi hướng lòng về quê hương ngàn đời yêu dấu có tên Việt Nam, ở đó, có mồ mả ông bà, cha mẹ, anh chị, có bạn bè năm xưa cùng quê, cùng lớp ; ở đó đang vươn cao niềm hy vọng của tuổi trẻ ra sức phấn đấu để đi kịp bạn bè năm châu, mà chiến thắng vô địch bóng đá  SEA Games 2019 vừa qua đã là bằng chứng hùng hồn ; ở đó còn có những con người rất nghèo nhưng trong sạch, liêm khiết ; có những dáng dấp mảnh khảnh, bé nhỏ, tưởng yếu đuối, nhưng vô vàn can trường, qủa cảm đang sống cho và vì hạnh phúc của người khác như những cô giáo chôn đời ở buôn làng hẻo lánh vì tương lai của đám trẻ người dân tộc thiểu số, những chị y tá đồng lương không đủ ăn, nói chi đến áo quần, phấn son ngày đêm tận tụy quên mình bên những bệnh nhân nghèo, cô thế ; ở đó có những bà mẹ lưng còng bán vé số nuôi đàn con học đại học, những người cha “xe ôm”, phu hồ chai sạn sương gió, nắng mưa để hằng ngày có bữa ăn đạm bạc cho vợ con ở nhà ; ở đó cũng có những tấm lòng vui vì được phục vụ, hạnh phúc vì được chia sẻ, trao ban, và ở đó, ngày ngày dân tôi vẫn vui vẻ chuyện trò, vẫn niềm nở đón tiếp, vẫn rộn rã chung vui, vẫn ân tình, hào sảng, vẫn lạc quan, hồn nhiên, vẫn hy vọng, nhẫn nại, vẫn tự tại, ung dung, dù bóng tối vẫn rình rập, đêm đen vẫn bủa vây, mây mù vẫn giăng kín.    
Nhưng cùng lúc, khi hướng về quê hương vào những ngày “năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến”, tôi không tránh khỏi nghe mắt mình cay sè một nỗi đau khôn tả : tôi đau nỗi đau của dân tôi bị bóc lột đến tận xương tủy, bị ăn chặn đến bắp ngô lép, củ sắn sùng, bởi những đại quan tham ô như hai bộ trưởng và nhiều quan chức lớn trong đại án AVG mà tòa án Hà Nội vừa tuyên xử ngày 28 tháng 12/2019 ; tôi đau nỗi bất hạnh của dân tôi, khi người bệnh bị chính quan chức bộ Y Tế bắt mua thuốc giả, như  Nguyễn Thị Thu Thủy, quản lý Dược của Bô Y Tế đã cho dân uống thuốc trị ung thư giả, vừa bị khởi tố ngày 18 tháng 12, hay như Nguyễn Thị Minh Châu, trưởng phòng tổ chức hành chính bộ Giáo Dục, bị khởi tố ngày 29 cùng tháng 12/ 2019, vì lợi dụng chức quyền để làm giầu khi cấp bằng đại học giả ; tôi đau nỗi lo của dân tôi khi thực phẩm không còn được kiểm soát, và người ta giết dần dân tôi bằng hóa chất độc hại biến thịt heo thối rữa thành thịt bò tươi ngon, biến trái cây xanh lè thành qủa thơm chín mọng, nên nhà thương nào cũng chật kín, chen chúc xếp hàng lấy vé khám bệnh từ 3 giờ sáng, và bệnh viện nào cũng ồn ào, huyên náo như trẩy hội.  
Tôi còn đau nỗi khổ của dân tôi luôn bị những nhóm lợi ích, gồm những người gian ác, có tiền có quyền lừa bịp, bán đứng ; tôi đau nỗi buồn của những gia đình đang êm ấm bỗng bị côn đồ ập vào nhà cướp của, đè phụ nữ ra hãm hiếp, rồi giết chết, những đứa em bị anh trai đâm chết chỉ vì dăm thước đất hương hảo, những nữ sinh bị hiếp ngay trong lớp học, bị đánh hội đồng giữa sân trường, giờ ra chơi, và không ít những thiếu nữ bị những người đáng tuổi cha chú bắt cóc, hãm hiếp đến kiệt sức, rồi xiết cổ bằng cây côn sắt, như trường hợp nạn nhân Cao Mỹ Duyên, nữ sinh trong vụ án với sáu án tử hình mà toà án Điện Biên vừa xét xử ngày 29 của tháng cuối năm 2019.
Tôi cũng đau nỗi xót xa của những người dân hiền lành, những hàng xóm tử tế, thân thiện, ăm ắp tình làng nghiã xóm đã bị đâm chết vô tội, vì can gián, khuyên bảo vợ chồng đang mâu thuẫn, như vụ án vừa xẩy ra ngày 26 tháng 12/2019, ở Thái Nguyên, trong đó cả bốn người hàng xóm đã bị anh chồng là Hoàng Văn Chín, 43 tuổi đâm chết, khi những nngười này ngăn cản anh trong khi anh hành hung và dùng dao giết vợ là bà Ma Thị Hồng.
Bên cạnh nỗi lo, nỗi buồn, nỗi xót xa làm đau, tôi còn sợ hãi trước hiện tượng rất mới ở những tháng cuối năm, khi trẻ em vị thành niên trong nước thi nhau nhẩy lầu, uống thuốc, cắt gân máu tự tử với thư tuyệt mệnh, mà hầu hết đều chung một nguyên nhân, đó là không chịu nổi áp lực của người lớn, và xã hội.
Chính hiện tượng tự tử ở tuổi thiếu niên rất mới này bắt tôi khựng lại giòng suy tư đau buồn về bất hạnh của dân tôi, và đặt tôi trước một vấn đề lớn hơn, đó là tương lai của dân nước.
Tôi lo cho tương lai của dân tôi, khi nhận ra : không chỉ tuổi trẻ bất hạnh đi tìm cái chết, vì không chịu nổi áp lực từ người lớn, mà nhiều người lớn cũng đang “muốn chết” vì không chịu nổi nhiều thứ áp lực rất kinh khủng, nặng nề.
Có những thứ áp lực từ bên ngoài như đòi hòi bức bách của một xã hội vật chất, tiêu thụ, thực dụng. Trong xã hội, mà đồng tiền là giá trị cao nhất, có sức mạnh vô song, không gì có thể chống lại, và nguyên tắc sinh hoạt của xã hội ấy là : người có tiền luôn có quyền, có lý, thì người nghèo, người không có của chỉ còn là cặn bã, nô lệ ; trong xã hội mà kẻ có tiền làm được tất cả vì xã hội coi những kẻ có tiền là thượng đế, như gặp thấy nhan nhản đó đây những bảng hiệu “có cánh”  : “khách hàng là thượng đế”, thì “nhân, lễ, nghiã, trí, tín” chỉ còn là hàng dổm, phế phẩm cần loại bỏ.
Vì sống trong xã hội đòi phải có tiền, cần phải có tiền, nên đồng tiền tạo nên áp lực rất nặng nề trên đời sống. Nặng nề khi thương trường trở thành chiến trường ; nặng nề khi muốn có tiền phải đấu đá, tranh giành, thủ đọan, bất chính, bất công, bạo lực ; nặng nề khi để có tiền, người ta phải bán rẻ lương tâm, hủy bỏ lương thiện, từ chối lương tri. Đồng tiền còn đẩy con người đến tham lam vô độ, và làm con người xa cách nhau vì “ganh ăn tức ở”, ghen ghét, đố kỵ, hận thù.
Nhưng có lẽ áp lực lớn nhất, căng thẳng nhất do xã hội vật chất gây ra, chính là con người không còn tin nhau. Không còn tin nhau khi đồng tiền làm người này nghi ngờ người kia, người kia ngờ vực người nọ, chỉ vì ai cũng dành phần lợi vật chất về mình, ai cũng tham, cũng muốn nhiều tiền và rất nhiều tiền. Cũng vì tham mà Nguyễn Văn Đông đã không tin em trai mình là Nguyễn Văn Hải nên đã vung dao giết nhiều người của gia đình em trai ; cũng vì không tin nhau, mà các phe nhóm rình rập trừ khử nhau để tránh hậu họa phản bội, vợ chồng đầu độc nhau, để bóc gỡ nguy cơ bất trung, bất tín, bởi một xã hội vắng bóng niềm tin là một xã hội nặng nề áp lực, vì không gì căng thẳng, ngột ngạt hơn khi phải sống với người mình không tin, không tin mình.
Những ngày cuối năm là thời điểm kết toán thu họach, tính sổ lời lỗ. Công ty, xí nghiệp tư nhân cũng như cơ quan Nhà Nước, tổ chức từ thiện, tôn giáo, cũng như gia đình, bản thân mỗi người, tất cả đều chọn một thời khắc dừng lại, nghỉ chân ở những này cuối năm để nhìn lại, xem lại, suy tính lại, sắp xếp lại, phân bổ lại, kế hoạch lại sao cho hợp tình, hợp lý, tốt đẹp, hài hoà, và đạt chỉ tiêu, hiệu qủa.
Thiết tưởng sẽ là một sắp xếp hợp lý, khi dân nước không còn chịu áp lực nặng nề của lòng tham không đáy của những quan chức tham ô chiếm đoạt tài sản quốc gia, bóc lột xương máu của đồng bào để vinh thân phì da ; sẽ là một phân bổ hợp tình, khi lòng tham được kiểm soát, giới hạn một cách có nhân văn, để không ai là sát thủ, không ai là nạn nhân, vì mâu thuẫn quyền lợi vật chất ; sẽ  là một kế hoạch xứng tầm, khi quyền lợi của mọi người được tôn trọng và bảo đảm, để không ai vào bệnh viện để được chữa trị lại chết, vì phải uống thuốc giả, không còn những sinh viên được đào tạo bởi những ông thầy không học mà có bằng tiến sĩ, cao học.
Vâng, Năm Mới là cơ hội thuận tiện để xem lại lối sống duy vật chất, tôn thờ đồng tiền, thần tượng kẻ giầu sang đang được ưa chuộng trên quê hương, để thang giá trị nhân bản được tái lập, hầu đem lại cuộc sống có giá trị nhờ tính nhân văn, nhân ái ; Năm Mới là khởi điểm cần thiết tìm lại động cơ phát triển các tương quan đặt trên niềm tin, lẽ công bằng, tình tương thân tương ái, hầu bảo đảm một đời sống an bình, hạnh phúc cho đất nước, dân tộc.  
Trước thềm Năm Mới, tuy còn đầy dẫy những chuyện buồn ở quê hương ; lôm côm những đại án tham quan ; tang thương, đẫm máu những cảnh giết lát, hãm hại  trong nhà ngoài ngõ, tôi vẫn vững một niềm hy vọng : đất nước tôi sẽ khá hơn trong Năm Mới, khi mọi người ý thức : chúng ta chỉ có thể khá hơn, nếu bớt tham lam, bớt ganh ghét, bớt cạnh tranh bất chính, bớt lấy thịt đè người, bớt nham hiểm thủ đoạn, bớt hành xử phi nhân, bớt coi người nghèo, kẻ yếu là sâu bọ, đồ bỏ, bớt hống hách, cửa quyền, bớt côn đồ, bạo lực. Bởi chỉ bớt những thứ độc hại đó, đất nước mới lành mạnh, đồng bào mới hạnh phúc, quê hương mới bình an, và Xuân về mới rạng ngời, tươi sáng.
Bởi thế, lời chúc Năm Mới dâng về Quê Hương, kính gửi về Đất Mẹ của tôi sẽ chỉ là niềm Mơ Ước : “Dân Việt từ nay biết thương nhau hơn, tin nhau hơn, cho Hạnh Phúc bất tận của Mùa Xuân quê hương”.
Jorathe Nắng Tím

Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2019

ĐỨC GIÊSU, CÂY CẦU HÒA BÌNH

 
         LỄ ĐỨC MARIA – MẸ THIÊN CHÚA - Cầu nguyện cho Hoà Bình Thế Giới
Người ta chỉ có thể giao thông, qua lại giữa hai bờ của một giòng sông, hai bên của một thung lũng, vực thẳm bằng một cây cầu. Cầu làm cho hai bên, hai bờ xa cách gần lại nhau ; cho hai bên, hai bờ cách trở thông thương với nhau ; cho hai bên, hai bờ bế tắc không còn tường ngăn, rào cản. Cầu làm được công việc nối kết, nối liền, nối lại trên, vì bản chất của cầu là nối : nối hai bên, nối hai bờ, nối hai đầu, nối hai bến.
Đức Giêsu là Cây Cầu nối Thiên Chúa với Con Người, nối thiên tính với nhân tính, nối thiên đàng với trần gian, nối đời người hữu hạn, yếu đuối, tội lụy với Thiên Chúa vô cùng, toàn năng, thánh thiện, nối cuộc đời làm người chóng qua, như hoa sớm nở tối tàn với hạnh phúc làm con Thiên Chúa trong cuộc sống vĩnh cửu, bất diệt. Ngài còn là Cây Cầu  nối sự chết là bất hạnh lớn nhất, và đáng sợ nhất của con người với Thiên Chúa là sự sống lại và là sự sống (Ga11,25), nối tương đối của phận người với tuyệt đối của Thiên Chúa, nối trái tim ích kỷ, hay ganh ghét của mỗi người với trái tim tràn đầy yêu thương, bao dung, nhân hậu của Thiên Chúa.
Đức Giêsu là Cây Cầu nối được tất cả, vì Ngài là Thiên Chúa làm người, bởi chỉ có thể nối được Thiên Chúa với con người, khi vừa là người vừa là Thiên Chúa ; chỉ có thể nối được Đất với Trời khi vừa là Thiên Chúa ngự trên trời vừa làm người sống dưới đất ; chỉ có thể nối được sự chết với sự sống, khi vừa là Thiên Chúa hằng sống vừa là con người phải chết .
Và qủa thực, chỉ một mình Ngài mới là Cây Cầu nối kết giữa Thiên Chúa thánh thiện và con người tội lỗi, Cây Cầu nôi liền giữa Thiên Chúa giầu lòng thương xót và con người luôn cần được xót thương, Cây Cầu chuyển tải sự sống  của Thiên Chúa là Tình Yêu đến cho con người phải chết và khổ đau, bất hạnh. Ngài thực là Cây Cầu Giao Hoà, Cây Cầu Cứu Độ đem lại Bình An của Thiên Chúa cho con người, như lời hát của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh : Bình An dưới thế cho người thiện tâm (Lc 2,14), và như Đức Giêsu sau khi Phục Sinh đã nói với các tông đồ : Thầy ban cho anh em Bình An của Thầy (Ga 14,27).
Đây là Bình An của Thiên Chúa, Bình An từ Trời, Bình An từ sự chết và sống lại của Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ, Bình An mà thế gian không có, không ban được (Ga 14,27). Đây là Bình An của thiên đàng, Bình An của Ba Ngôi Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc  tuyệt vời, vô tận cho nhân loại.
Khi ban Bình An của mình cho nhân loại, Thiên Chúa muốn con người được hưởng ngay hôm nay, và tại dương thế này Hạnh Phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa ; được chung hưởng ngay trong cuộc sống trần thế này Hạnh Phúc thiên đàng với thần thánh trên trời, bởi từ nay, vì có Đức Giêsu làm người, có Cây Cầu Hoà Giải, Cây Cầu Cứu Độ là Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1,23), Thiên Chúa và Con Người không còn xa tít tắp, không còn cách trở khó khăn, không còn bất khả giao lưu, gặp gỡ, nhưng con người được tha thứ, được hoà giải với Thiên Chúa, được Thiên Chúa kêu gọi đi theo Ngài, ở lại với Ngài, lớn lên trong Ngài, đồng hình đồng dạng. Với Ngài, trở nên một với Ngài.
Đây là cốt lõi của mầu nhiệm Giáng Sinh, khi Thiên Chúa làm cho con người được chung phần thiên tính với Ngài, khi ban cho con người vinh dự làm con Thiên Chúa. Cao vời khôn ví ở cốt lõi mầu nhiệm Thiên Chúa xuống thế làm người để mang đến cho con người toàn thể thiên đàng, ban cho con người trọn vẹn Hạnh Phúc của triều thần thiên quốc là Bình An của Thiên Chúa Ba Ngôi, và quan trọng hơn cả là được yêu thương bằng chính tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi và được ở  ngay trong nhà của Ba Ngôi Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã qủa quyết : Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy (Ga 14,23), Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy (Ga 15,9).
Vì thế, Bình An của Giáng Sinh, cũng là Bình An của Phục Sinh : Quà Tặng vô cùng qúy báu của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người đã ban cho con người. Thiên Chúa ban Bình An, vì không có gì qúy cho con người hơn Bình An, không hạnh phúc nào vĩ đại với con người hơn hạnh phúc được Bình An, không niềm vui nào sâu sa, bền bỉ, vững chắc cho con người hơn được sống Bình An. Bình An là món quà Thiên Chúa chọn cho con người, nên không thể là món quà dổm, rẻ rúng, tầm thường, nhưng tuyệt với qúy báu, vì là chính Thiên Chúa làm người.
Khi ban Bình An cho các tông đồ, Đức Giêsu phục sinh đã ban chính mình Ngài, chính con người Thiên Chúa mới sống lại sau cuộc khổ hình và tử nạn để cứu chuộc nhân loại, và Bình An của Thiên Chúa, cũng là Thiên Chúa, Vua Bình An ấy sẽ ở lại đến tận thế với nhân loại, và với mỗi tâm hồn đón nhận Ngài (x. Mt 28,20).
Chọn ngày đầu năm là ngày kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, đồng thời là ngày cầu nguyện cho Hoà Bình Thế Giới, Giáo Hội nhắc nhớ chúng ta :
1.   Đức Maria chính là Mẹ của Thiên Chúa :
Vì trong Đức Giêsu cả hai bản tính Thiên Chúa và loài người cùng hiện diện, nên không có Đức Giêsu chỉ là loài người, hay Đức Giêsu chỉ là Thiên Chúa như Công Đồng Êphêsô năm 431 đã tuyên tín.
Chính vai trò Cây Cầu nối Đất Trời, sứ mạng nối Thiên Chúa với Nhân Loại của Đức Giêsu còn cho chúng ta xác tín hơn Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người, và Đức Maria, vì là Mẹ của Đức Giêsu, khi sinh hạ Ngài ở Bêlem, nên cũng là Mẹ Thiên Chúa, vì Đức Giêsu vừa là người vừa là Thiên Chúa.
2.   Nhân loại chỉ có Hoà Bình khi đón nhận Thiên Chúa trong đời sống :
Thế giới khao khát hoà bình, nhưng Hoà Bình chỉ có mặt và bền vững khi ơn Bình An của Thiên Chúa tràn đầy, nói cách khác : không có Chúa, sẽ không có hoà bình, bởi trái tim con người luôn có ganh ghét nằm phục, có tham vọng bất chính đóng quân, có đố kỵ, hận thù đóng chốt. Vì thế, không dễ để yêu thương, không đơn giản để tha thứ, không đủ qủang đại, thân thiện để xây dựng những cây cầu thông cảm, những nhịp cầu nối kết giữa người với người, như Cây Cầu Hoà Giải, Yêu Thương là Đức Giêsu. Vì thế, phải có Chúa, phải gắn bó với Cây Cầu Hoà Giải, Cứu Độ là Đức Giêsu, Đấng sẽ đổi mới trái tim, tâm hồn mỗi người để tất cả  trở nên những cây cầu hoà giải, yêu thương như Ngài cho thế giới nền Hoà Bình chân chính, trường tồn.
Cùng với Giáo Hội trong ngày đầu năm mới, chúng ta phó thác cuộc sống trong tay Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Cây Cầu Hoà Giải, Cứu Độ là Đức Giêsu, và xin Mẹ dạy chúng ta biết xây cầu hơn xây tường : xây những cây cầu thân thiện thay vì xây những bức tường ganh ghét ; xây những cây cầu bác ái, bao dung thay vì xây những bức tường đố kỵ, thù hận ; xây những cây cầu tình người, tình nghiã, tình thân, tình vợ chồng, tình phụ tử, tình mẫu tử, tình huynh đệ, tình bạn hữu, tình đồng hương, tình đồng đạo, tình làng nước thay vì xây những bức tường giam hãm, cô lập, ngăn cách, chia lià, đọan tuyệt, khai trừ, tẩy chay, thanh trừng, tiêu diệt. Bởi chỉ với Cây Cầu nối kết Thiên Chúa và Con Người, Cây Cầu liên kết mọi người với nhau trong Thiên Chúa làm người, thế giới mới có được hoà bình, chúng ta mới được sống những tháng ngày bình an, vì Bình An ở ngoài Thiên Chúa sẽ chỉ là bình an nhất thời, tạm bợ, vay mượn, vá víu, nếu không muốn nói là bánh vẽ, giả tạo, vu vơ, mơ hồ, che giấu ích kỷ, ganh ghét, tham vọng, và thủ đọan đàn áp, thống trị.
Cầu nguyện cho hoà bình thế giới, chính là cầu nguyện cho mọi người biết mở lòng đón nhận Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, con của Đức Maria, Cây Cầu Hoà Giải với ơn Bình An đích thực là hạnh phúc của Thiên Chúa Ba Ngôi cho nhân loại.
Jorathe Nắng Tím

Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

MÁI NHÀ NGÀY XUÂN


Những năm tháng còn bé, ở nhà với cha mẹ, không ai nghĩ đến hạnh phúc được ở nhà, có nhà, về nhà, nhưng khi lớn khôn vào đời, rồi bôn ba, phiêu bạt đó đây, người ta mới hiểu thế nào là hạnh phúc có được mái nhà, niềm vui được ở nhà với mẹ cha, và nỗi nhớ  nhà quay quắt những ngày đầu năm, Tết đến.
Qủa thế, không người con nào quên được nhà mình vào dịp đầu xuân : nhà mình rộn ràng, xôn xao những ngày trước Tết ; nhà mình được sơn phết, dọn dẹp, trang hoàng ; nhà mình sân trước vườn sau gọn gàng, sạch sẽ ; nhà mình khói hương ngào ngạt bàn thờ tổ tiên ; nhà mình ấm cúng chuyện trò bên nồi bánh chưng, bánh tét ; nhà mình mai, đào rực rỡ, hoa trái xum xuê ; nhà mình khấp khởi mong ngóng anh trai, chị gái từ xa về ; nhà mình rộn rã tiếng cười và chất ngất hạnh phúc đoàn tụ, yêu thương .
Chẳng thế mà cứ mỗi độ Xuân về, người xa quê lại chạnh lòng nhớ quê, người đi xa tìm về mái ấm, người tha hương thổn thức niềm thương nỗi nhớ mái nhà xưa, làng quê cũ, với gốc tre, bụi chuối, khóm trúc, luống khoai, rặng dừa. Và nhớ hơn cả là hình bóng ông bà, cha mẹ đã khuất với rất nhiều kỷ niệm ấm êm những năm tháng được sống với ông bà, cha mẹ.
Như bất cứ người con nào, chúng ta gắn bó với nhà mẹ cha, vì ở đây, chúng ta được sinh ra và nuôi lớn ; ở đây chúng ta được học làm người và từ đây chúng ta bước chân vào cuộc đời sau nhiều năm được chuẩn bị kỹ lưỡng, nên trách làm sao được, khi đứa con bị người ta đuổi ra khỏi nhà cha mẹ mình đã uất ức, điên cuồng phản ứng dữ dội ; khi cả nhà lăn lộn, hoảng lọan vì bị cưỡng chế ra khỏi nhà, trước khi nhà bị giật sập, san bằng theo lệnh quy họach. Cũng thế, không ai đã không khỏi ngậm ngùi, tiếc xót khi bất đắc dĩ phải bán nhà mẹ cha, miễn cưỡng phải chia năm xẻ bẩy mái ấm gia đình, bắt buộc phải để người xa lạ chiếm cứ, phá rỡ ngôi nhà tổ vô cùng qúy báu, thân thương.
Vâng, nhà cha mẹ, còn gọi là nhà tổ thực là một kho báu qúy giá mà không gì có thể mua được, đối với những đứa con có tâm hồn, và hiếu thảo. Sở dĩ phải có tâm hồn, vì ở vào cái thời thực dụng tận chân răng này, thì cha mẹ chưa chết, con cái đã nhao nhao đòi bán nhà chia của, hay ngọt ngào dụ dỗ cha mẹ nhường nhà đang ở, để những đứa con tham lam “chia năm xẻ bẩy” mái ấm, nhà tổ. Đây là sự thực đáng buồn ngày ngày xẩy ra trong xã hội hôm nay, bởi nhan nhản  những cha mẹ già chỉ ao ước được nhắm mắt trong ngôi nhà của mình đã tạo nên bằng mồ hôi nước mắt, thế mà cũng không được toại nguyện, vì những đứa con không có tâm hồn và bất hiếu của thời đại  thực dụng.
Vì thế, giữ được nhà tổ, giữ được mái ấm của cha mẹ đã xây dựng không còn là việc dễ làm và chuyện dễ có hôm nay nữa, bởi tiền của đã trở thành yếu tố quyết định, vượt xa giá trị gia đình, cũng như tương quan giữa các thành viên trong gia đình không còn mang tính thiêng liêng, bất khả xâm phạm, khi cha mẹ không còn được yêu kính, phụng dưỡng hết lòng, anh lớn không còn được em út yêu mến, vâng phục, và trật tự, nề nếp, gia phong bị đảo lộn, hủy hoại một cách khủng khiếp và tận gốc rễ. Những thảm cảnh tội ác gia đình như anh giết em, con hãm hại mẹ, cháu xiết cổ ông bà đến tắt thở, mà báo chí hằng ngày phải ngao ngán đăng tải là bằng chứng cho tình trạng xuống dốc của gia đình và số phận hẩm hiu của Mái Nhà.   
Nhưng không có mái nhà để nhớ, không còn mái nhà để ước mơ trở về, không nhà tổ để niềm hy vọng một ngày được sống lại kỷ niệm ấu thơ, niên thiếu trong chính nơi mình đã được sinh ra, được ẵm bế yêu thương, được chăm nom, dạy dỗ, nhất là được thở làn khí năm xưa của cha mẹ một đời tận tụy, hy sinh vì đàn con thơ dại, được hít hà mùi hương dịu dàng của cây mận “cổ thụ” gần giếng phiá sau nhà do chính tay mẹ trồng, được trèo lên cây xoài do tay cha chăm bẵm, và nhắm mắt tưởng nhớ tình cha ngọt ngào, những người con vô phúc xa nhà, xa quê cảm thấy hụt hẫng, chênh vênh, như thiếu vắng một cái gì quan trọng lắm trong cuộc đời mình.  
Không có mái nhà để nhớ, không còn mái nhà để thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người con xa xứ, xa quê sẽ buồn lắm mỗi độ Xuân về, vì Xuân găn liền với Nhà, Xuân không thể “không nhà”, Xuân chỉ rực rỡ, rộn ràng, nao nức, khấp khởi, vui tươi, hạnh phúc khi Xuân có Nhà, Xuân có người nhà, Xuân đón người đi xa về nhà, Xuân ngóng đợi người nhà ở xa, Xuân quây quần, tụ họp mọi người trong nhà. Không có nhà, Xuân bất hạnh vì thiếu tình cha, tình mẹ ; không còn nhà, Xuân thất thểu vì không bến đỗ bình yên ; không được ở trong nhà, Xuân cô đơn, lạc lõng ; không được vào nhà, Xuân ngậm ngùi, nức nở phận lang thang.   
Hôm nay Xuân về, là người con xa xứ, con kính cẩn cúi mình trước Chúa Xuân, là niềm vui của mọi người !
Xin Chúa Xuân ban cho dân con “Mái Nhà Quê Hương, Dân Tộc” an bình, cho mọi gia đình có mái  ấm yêu thương, cho cha mẹ già an nhàn trong nhà mình, cho con cái, cháu chắt quây quần, xum họp quanh ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, cậu mợ, anh chị em dưới mái nhà tổ an vui. Và con thiết tha xin Chúa Xuân ban hơi ấm mùa Xuân, và tình Xuân hy vọng cho tất cả những ai không nhà, vì bất cứ lý do nào.
Jorathe Nắng Tím
        

THÁNH GIUSE TRONG GIA ĐÌNH THÁNH

Mỗi lần chiêm ngắm Gia Đình của Đức Giêsu, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về thánh Giuse, khuôn mặt quan trọng của Thánh Gia nhưng luôn mờ nhạt, kín đáo, âm thầm, và yên lặng. Không một lời về ngài, ngoại trừ là người công chính (Mt 1,19), còn tất cả các lời khác về ngài đều  là những Lời trong mơ, Lời thì thầm trong giấc ngủ.
Tin Mừng lễ Thánh Gia làm nổi bật thái độ chăm chú lắng nghe và hăng hái thực hiện Lời Thiên Chúa của thánh Giuse khi tường thuật tỉ mỉ về cuộc chạy trốn trước  lệnh truy lùng gắt gao của vua Hêrôđê, sau khi biết các đạo sĩ đã tìm đường khác về nhà, mà không trở lại Giêrusalem để gặp lại và cho Vua hay về nơi Hài Nhi Giêsu sinh ra :
Khi các đạo sĩ đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho Giuse rằng : Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập và cứ ở đó cho đế khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy ! Ông Giuse liền trỗi dậy và đang đêm, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà … (Mt 2,13-15)
Thái độ của thánh Giuse cho chúng ta nhớ lại thái độ tuyệt đối vâng lời Thiên Chúa của Môsê đã đem vợ con về lại Ai Cập, khi Đức Chúa phán với ông ở Mađian : Đi đi, hãy trở về Ai Cập, bởi vì mọi kẻ tìm cách làm hại mạnh sống ngươi đã chết cả rồi (Xh 4,19).
Như Môsê, thánh Giuse đã tin tưởng tuyệt đối vào Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành. Ngài là con người của đức tin, khi đặt hết niềm tin vào Thiên Chúa, vào Lời Thiên Chúa và không nghi ngại lên đường với Hài Nhi và mẹ Ngài trốn khỏi cơn giận dữ và truy lùng tìm giết Hài Nhi của vua Hêrôđê, để bảo vệ tuyệt đối ngai vàng.
Như Đức Maria, người nữ có phúc hơn mọi người nữ đã kiên trì trong đức tin từ buổi Truyền Tin đến Lễ Hiện Xuống, ngang qua đường Thánh Giá và biến cố Phục Sinh, thánh Giuse đã không ngừng chú tâm lắng nghe Lời Thiên Chúa chỉ bảo, hướng dẫn để từng ngày, và ở bất cứ tình huống nào, ngài vẫn trung tín chu toàn bổn phận làm cha nuôi Đấng Cứu Thế, và làm bạn thanh sạch Đức Trinh Nữ Maria trong chương trình cứu độ mầu nhiệm.
Suốt đời làm gia trưởng, Thánh Giuse đã chỉ được nghe thiên sứ nói cho biết điều Thiên Chúa muốn trong giấc ngủ, giữa cơn mơ, và Tin Mừng ghi lại ba lần Ngài được báo mộng :
Lần thứ nhất khi thánh Giuse phân vân muốn bỏ Đức Mẹ cách kín đáo để giữ thanh danh cho Đức Mẹ khi thấy Đức Mẹ có thai : Đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ (Mt 1,20-21). Và ngài đã đón Đức Mẹ về nhà mình, như Lời sứ thần dậy.
Lần thứ hai là lệnh thiên sứ truyền phải trốn qua Ai Cập, và ngài cũng nhanh chóng tuân hành, thực hiện (x.Mt 2, 13-15).
Lần thứ ba là, sau khi vua Hêrôđê băng hà, thiên sứ lại hiện ra với ông Giuse bên Ai Cập, báo mộng cho ông rằng : Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi. Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen (Mt 2,19-21). 
Biến cố Lời Thiên Chúa được nói với thánh Giuse trong giấc ngủ, giữa giấc mộng cho chúng ta thấy : đức tin là ơn sủng của Thiên Chúa, nhưng đức tin luôn đặt chúng ta trước một chọn lựa, và chọn lựa này không luôn dễ, bởi đức tin không luôn minh bạch, rõ ràng, chắc chắn, như kết qủa của khoa học thực nghiệm được  cân, đo, đong, đếm, nhưng đức tin đòi chúng ta phó thác ở Thiên Chúa khi đức tin được trình bầy và mời gọi trong tình trạng luôn đủ ánh sáng để chúng ta thấy, đồng thời đủ bóng tối để chúng ta tin, bởi nếu thấy rõ mồn một, nhìn được tỏ tường trên dưới, ngang dọc, thì cần gì đến tin, như khi ta gặp gỡ, chuyện trò, ăn uống với một người nào rồi, thì ta đâu cần phải tin vào lời của người khác nói về người này nữa. Cũng vậy, đức tin luôn đòi sự liều lĩnh dấn thân, tín thác của ta vào một mình Thiên Chúa, nhờ đó, hành vi đức tin mới có giá trị cứu rỗi, và như thế mới được gọi là đức tin.
Sở dĩ gia đình của thánh Giuse, Mẹ Maria và Đức Giêsu được gọi là gia đình thánh, không phải vì gia đình gồm toàn thánh, nhưng vì gia đình gồm những người luôn chú tâm lắng nghe Lời Thiên Chúa, tin vào Lời Chúa và đem ra thực hành, như Đức Giêsu đã qủa quyết trong Tin Mừng : Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành (Lc 8,21).
Vâng, Thánh Gia hôm nay mời gọi chúng ta lắng nghe Lời Thiên Chúa và thực hành Lời hằng sống ấy bằng yêu mến cha mẹ như bài đọc thứ nhất nhắc nhở : Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu… Hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già ; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì lòng hiếu nghiã với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con… Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan (Hc 3, 3-4.12-15), và thực hiện điều Thiên Chúa muốn trong tương quan với các thành viên gia đình, cũng như với anh chị em trong cộng đoàn, như thánh Phaolô căn dặn trong bài đọc thứ hai : Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3, 12-14).  
Nơi thánh Giuse, người gia trưởng của đức tin, chúng ta noi gương chú tâm lắng nghe và trung thành thực thi Lời Thiên Chúa, bằng nhạy bén nhìn ra những dấu chỉ của Thiên Chúa trong lịch sử, cũng như qua con người. Với thánh Giuse, chúng ta học nhìn mọi sự, mọi biến cố với đôi mắt Đức Tin, và như ngài, chúng ta tập đi trên con đường tự do, bởi chỉ có Lời Thiên Chúa mới cho chúng ta được tự do đích thực trong Đức Tin.
Lạy thánh Giuse, vị gia trưởng rất yêu mến của Thánh Gia !
Xin  phù hộ và ban tràn đầy niềm vui trên ông bà, cha mẹ chúng con, và cho chúng con biết học với Thánh Cả gương thinh lặng xóa mình, bài học kín đáo quên mình, thái độ âm thầm hiến mình cho hạnh phúc của mọi người trong gia đình thân yêu của chúng con.
Jorathe Nắng Tím

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

TẠI SAO CHÚNG TA BỊ LỪA TIỀN ?

    Qua mang xã hội, và truyền hình an ninh chính thống, hằng ngày chúng ta xem, nghe không biết bao nhiêu vụ lừa đảo kỳ tình. Có những chiêu lừa bị  rồi vẫn không tin đó là sự thật ; có những màn lừa, thấy rồi cũng chưa dám nghĩ người ta có thể lừa giỏi đến thế. Và kết thúc mỗi câu chuyện lừa, người ta đều  được nghe  lời cảnh báo, dặn dò : phải  thận trọng đề phòng, phải đề cao, cảnh giác !
Nhưng đề phòng thế nào được khi chính người bị lừa đảo, trước đó đã là người đi tìm cho bằng được kẻ lừa đảo để được “gửi thân gửi phận”, như một thời người ta chen chúc nhau gửi tiền vào một công ty lừa đảo, vì tiền lời hàng tháng cao ngất ngưởng , hoặc hết lời năn nỉ, dấm dúi tiền cho đám cò, để được làm thân với tên lừa đảo siêu hạng và tự nguyện nộp hết gia sản cho hắn, vì mê man lãi xuất cực kỳ cao. Đề phòng đã khó, cảnh giác còn khó hơn, bởi dù có nghi ngờ, nghi vấn, nghi hoặc thế nào đi nữa, nhưng khi bị dụ dỗ, lại thấy người này người kia hớn hở “đầu tư”, góp vốn, nạn nhân bị lừa đảo thường đổi ý, tự trấn an, khi xóa đi ý nghĩ tiêu cực về tên lừa đảo chính hiệu, để rồi tự mình sa vào cạm bẫy.
Như thế, phương án tránh bị lừa không chỉ nằm ở “đề phòng, cảnh giác”, nhưng hệ tại ở một nguyên nhân khác, sâu sa hơn, nằm ngay trong ta, có sức thôi thúc, điều khiển quyết định của ta. Đó là lòng tham trước bả tiền bạc.
Quan sát các cú lừa ngọan mục của những Siêu Lừa thời đại, chúng ta nhận thấy lòng tham là mục tiêu được nhắm, lòng tham là đích phải đạt, bởi chỉ lừa được thiên hạ khi khơi dậy thành công ở thiên hạ lòng tham. Lòng tham như cò súng, nếu bật được cò, thì mới có con nhạn trúng đạn, mới có nạn nhân sập bẫy lừa đảo.
Qủa thực, lòng tham ở mỗi người là mồi ngon của đám thợ săn lừa đảo. Chúng biết hầu hết đều tham : nghèo thì tham để giầu, giầu thì tham để giầu hơn ; thiếu thì tham để có, có thì tham để thừa, bởi lòng tham thì vô tận, không đáy : có bao nhiêu cũng còn thiếu, có bao nhiêu cũng chẳng thừa. Và được mấy người biết mình đủ, nên đa số không biết dừng thu gom, vun vén, chắt bóp, nhặt nhụm của cải cho mình. Đó là cơn cám dỗ dai dẳng, kín đáo nằm phục trong tâm hồn mỗi người, mà không phải ai cũng đủ khả năng chiến thắng, vượt qua.
Không dễ vượt qua, vì lòng tham mạnh hơn lý trí, khi bầy ra một tương lai huy hoàng của người “không làm ăn vất vả, nhưng được ngồi mát, ăn bát vàng”, bởi lòng tham bao giờ cũng liên minh với tính lười biếng : không làm mà có ăn. Vì muốn giầu nhanh, bốc lẹ, mà lòng tham sẵn sàng lao vào bẫy lừa của “vốn nhỏ, nhưng lãi xuất cao chót vót”, đầu tư nhỏ giọt nhưng lời đậm, lãi kếch sù.
Không dễ chiến thắng, vì lòng tham lấn át ý chí, khi làm cho ý chí trở nên yếu đuối, suy nhược trước bả giầu sang, để sẵn sàng gạt đi những dấu hiệu, khả thể của thất bại trước những mạo hiểm liều lĩnh được thúc đẩy, hướng dẫn bởi lòng tham không đáy. Ý chí trong hoàn cảnh này còn bị tấn công bởi những người chung quanh cũng tham lam vô độ. Những lôi kéo, dục dã, đề nghị của nhân tố bên ngoài có sức tạo nên áp lực nặng nề, để nạn nhân mủi lòng, nhẹ dạ a dua theo.
Có rất nhiều trường hợp ta bị lừa vì chạy theo người chung quanh, hoặc nghe hàng xóm trầm trồ ca ngợi đường giây lừa đảo, mà chính họ không hề biết. Chẳng thế mà một trong những chiêu lừa có hiệu qủa cao của các tay “siêu lừa” là chúng luôn có dưới tay một đạo quân cò mồi “khéo mồm, dẻo miệng”.
Như thế, lòng tham làm lý trí lu mờ, dù lý trí có nhận ra nguy hiểm ; làm ý chí yếu đuối, dù ý chí trước đó cũng đã “mạnh mẽ” từ chối điều không nên làm. Không mấy người sau khi bị lừa, đã đau đớn, thờ thẫn thốt lên : “Lúc đầu, mình đã không muốn góp vốn, không muốn liều rồi, nhưng không hiểu sao lại đâm đầu vào, để chết đẹp, mất hết !”.
Thế mới biết mãnh lực của lòng tham. Nó có thể đánh gục cả lý trí, ý chí và xô đẩy cả những người được coi là khôn ngoan, đạo đức, kinh nghiệm, từng trải vào bẫy lừa tang thương.
Trong cuộc chơi lừa đảo thiếu văn hoá, đạo đức, và không nhân văn này, cả kẻ lừa đảo và người bị lừa đảo đều bị lòng tham khống chế, điều khiển : kẻ lừa đảo “lừa” người khác vì tham lam, mong có nhiều tiền nhờ trúng mánh, người bị lừa đảo “bị lừa” cũng vì tham lam, mong thu về món tiền lớn, nhờ trúng qủa. Trúng mánh hay trúng qủa đều là sản phẩm của cuộc chơi lừa đảo được kích động, kích cầu bởi lòng tham.
Tóm lại, khi lòng tham không được be bờ, ngăn chặn, nó sẽ bùng nổ và làm đảo lộn cuộc sống vốn bình yên, bởi đã có nhiều cuộc đời mất lẽ sống, mất lý tưởng, mất sự nghiệp, mất thanh danh, mất người thân, mất gia đình, có khi mất cả mạng sống, vì liều lĩnh gieo mình xuống vực thẳm của tham lam, khi nghe lời đường mật của những kẻ lừa đảo.
Ý thức lòng tham là nguyên nhân chính khiến chúng ta bị lừa đảo, chúng ta cần đặt ra  hàng dậu cần thiết để tránh những bước chân sa đà lọt bẫy :
1.                      Chúng ta cần kiểm soát lòng tham bằng ý thức lương thiện, công bình :
Ý thức công bình nhắc nở chúng ta tôn trọng quyền lợi của người khác, và lương thiện trong mọi hành vi. Với ý thức này, chúng ta sẽ không để lòng tham nổi cộm, bành trướng, khi dễ dàng đầu tư, góp vốn vào những thương vụ không trong sáng, thiếu minh bạch, bởi bất cứ phi vụ lừa đảo nào cũng có những dấu hiệu của bất công, bất chính : bất công vì chiếm đọat quyền lợi của ai đó, ở chỗ nào đó, và bất chính ở phương cách thực hiện, như khi góp vốn ít mà tiền lời qúa nhiều, chúng ta hiểu ngay : đây là một hành vi bất thường, vì không bình thường như pháp luật cho phép, nên xác xuất bất chính, bất công ắt phải rất cao.
2.                      Chúng ta cần be bờ tham vọng bằng biết đủ và giới hạn đúng mức các nhu cầu :
Tham vọng thì ai cũng có, bởi ai cũng muốn tiến thân, tiến tới, tiến nhanh tiến mạnh, nhưng nếu chiều theo tham vọng, thì tham vọng sẽ nhận chìm chúng ta trong biển sâu của chính tham vọng, khi chúng ta đánh mất chính mình vì mê mải chạy theo nó. Cũng như nhu cầu với con người thì vô cùng, vô tận, nếu không biết giới hạn đúng mức các nhu cầu, người ta sẽ đuối sức vì chạy theo giòng chảy không bao giờ ngưng nghỉ của nhu cầu.
Vì thế, người hạnh phúc là người biết be bờ tham vọng, không để tham vọng trở thành sóng thần cuốn trôi , bằng ý thức “biết đủ”, bởi “tri túc hà thời túc”, có biết đủ mới nhận mình đủ, còn người không bao giờ biết mình đủ, nghiã là không có khả năng tự giới hạn những nhu cầu sẽ chẳng bao giờ bình an, hạnh phúc vì luôn thấy mình thiếu, mãi mãi thấy mình chưa đủ. Và vì thấy còn qúa nhiều nhu cầu chưa được đáp ứng, nên sẽ suốt đời tham lam cố tìm cho đủ, cố tìm cách thoả mãn mọi nhu cầu, nhưng rất tiếc, tham vọng thì không cùng, nhu cầu thì vô tận, nên sẽ không bao giờ đủ đối với người không “biết đủ” cho mình.
Rơi vào vòng xóay của tham vọng không đáy và nhu cầu bất tận, chúng ta vô tình lạc vào vùng của tham lam, ở đó cạm bẫy lừa đảo giăng đầy, phủ kín.
Tóm lại, bao lâu còn sống, chúng ta còn phải đối diện, đối đầu với những chiêu trò lừa đảo đủ loại, nào là lừa tình bằng những lời ngọt ngào, có cánh, nào là lừa tiền bằng những thủ đoạn đánh thức lòng tham, và khả thể sập bẫy  hoàn toàn tùy thuộc sự tinh tế, khôn ngoan, và khả năng làm chủ bản thân của mỗi người. Khả năng làm chủ đó dựa trên ý thức lương thiện, công bình để giảm bớt lòng tham luôn hừng hực sôi nổi, và trên chọn lựa “biết đủ cho mình” để giới hạn cách hợp lý các nhu cầu trong cuộc sống.
Với tinh thần “tri túc hà thời túc”, và quyết tâm giới hạn các nhu cầu, chúng ta sẽ giảm thiểu mãnh lực của lòng tham là nguyên nhân chính đưa ta vào cạm bẫy của vô số những kẻ lừa đảo tiền bạc, mà xã hội hôm nay dường như không còn đủ khả năng kiểm soát, chế tài.
Jorathe Nắng Tím                                     

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

VĂN HÓA THANH LỊCH


Kinh nghiệm bản thân cho phép chúng ta khẳng định : không gì khổ hơn khi  phải sống với người thô lỗ, bậm trợn, sàm sỡ, sỗ sàng, dơ dáy, bẩn thỉu, “ăn tục nói phét” ... Thế mới biết gánh nặng ngàn cân phải gánh của người vợ có chồng “ăn nói” ngang ngược, lại thêm tật vũ phu, cái tròng khó gỡ của những đứa con có cha “ăn ở” bừa bãi, “ăn mặc” không giống ai.
Thanh lịch ở đây được hiểu là thanh tao, lịch thiệp. Đó là tình trạng, thái độ, nếp sống ngược lại với những gì bị coi là không xứng hợp với con người trong cách ăn ở, ăn nói, ăn uống, ăn mặc, nên người ăn ở bẩn thỉu, hôi hám vì biếng nhác dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc thân thể, người ăn nói tục tĩu, ngang ngược, người ăn uống bê tha, thô lỗ, người ăn mặc lếch thếch, lôi thôi hay diêm dúa, lập dị như “lên đồng” đều bị coi là người thiếu văn hoá thanh lịch.
Văn hoá thanh lịch là dấu ấn của một xã hội văn minh, vì càng văn minh, con người càng thấy mình phải nâng tầm đời sống, trong đó đời sống tinh thần nắm phần quan trọng. Nhờ đời sống được nâng cao, con người không cư xử với nhau như thời còn “man di mọi rợ” ; nhờ ánh sáng văn minh, người ta biết đối xử nhân văn hơn ; nhờ môi trường văn minh, con người trở nên thanh nhã, lịch thiệp  trong mọi sinh hoạt.
Trong mọi sinh hoạt có nghiã toàn diện đời sống sẽ được nâng cấp, nâng tầm, để đời sống chung trở nên nhẹ nhõm, dễ chịu, vui vẻ, hạnh phúc, ở đó, mọi sinh hoạt, từ hôn nhân, gia đình, đến các sinh hoạt bên ngoài xã hội như học đường, đòan thể, nghể nghiệp, chính trị… đều dễ thở, khoan khoái, đơn sơ, tốt đẹp, mang lại niềm vui sống và nghị lực thăng tiến cho mọi người.
Như thế, văn hoá thanh lịch còn là kết qủa của giáo dục, đào tạo, vì bất cứ nền văn minh nào cũng phải đi qua ngưỡng cửa giáo dục, bởi không giáo dục, con người như măng non sẽ thành những cây tre bất trị, những buị tre gai góc, không ích lợi cho ai.
Chúng ta hãy nhìn vào nếp “ăn ở” của người thiếu văn hoá thanh lịch, khi nhà cửa bừa bãi, không ngăn nắp, trật tự, không sạch sẽ, nề nếp ; đồ ăn, thức uống nhơ nhớp, mất vệ sinh, bầy bừa từ bếp đến giường nằm, xông lên mùi tanh tưởi. Chúng ta không thể viện cớ nghèo mà tự cho phép ăn ở dơ dáy, không thể dựa vào thiếu thốn mà  buông thả, bệ rạc, vì ngăn nắp, trật tự trong nếp “ăn ở” là đòi hỏi tối thiểu đối với mọi người, không trừ ai.  
Tiếp theo, hãy quan sát cách “ăn nói” của người không có văn hoá thanh lịch. Họ sẽ nói năng cộc cằn, sống sượng, nói không suy nghĩ, và bạ đâu nói đó, nói “tầm bậy tầm bạ”, tục tĩu, thô bỉ, hồ đồ, sàm sỡ. Không được mọi người tôn trọng vì ăn nói “không ra làm sao” đã đành, họ còn làm cho người đối diện phải ngượng ngùng, mắc cở, vì những lời thô tục, hàm hồ, nhăng cuội, bốc phét của họ. Họ là những người không những không kiểm soát được tính khí, mà còn không nắm bắt được điều gì mình nói ra, chỉ vì thiếu hẳn một nền giáo dục làm người thanh lịch trong một xã hội có văn hoá, văn minh.
Cả trong cách ăn uống, người ta cũng cần được giáo dục ở gia đình, ngay từ tấm bé, để không trở thành người ăn uống thô lỗ, “phàm phu tục tử”, ăn “không trông nồi, ngồi không trông hướng”, ăn không ra người thanh nhã, lịch sự, nhưng bị khinh bỉ và bị đời đánh giá : ăn không như người ăn.  
Sau cùng, chúng ta quan sát cách ăn mặc của người thiếu văn hoá thanh lịch. Họ sẽ ăn mặc hoặc như người thiếu thốn, “khố rách áo ôm”, quần áo không giặt giũ đến nặng mùi  hôi hám, hoàn toàn khác với điều cha ông đã căn dặn : “đói cho sạch, rách cho thơm” ; hoặc mầu mè sặc sỡ, nhố nhăng, diêm duá, lập dị, khác người. Cả hai cách đều qúa đáng, vì lệch lạc, khi không tôn trọng chuẩn định thanh tao, trang nhã, và lịch sự của xã hội.
Tính cách thiếu văn hoá thanh lịch còn được nhận ra cả trong cách ăn xài, ăn chơi, bởi  người có văn hoá thanh lịch, dù ở hoàn cảnh nào, với điều kiện nào cũng luôn có dáng dấp thanh nhã, tư thế thanh tao, phong cách lịch sự của người văn minh, có văn hoá thanh lịch.
Để làm người có văn hoá thanh lịch, chúng ta cần đến giáo dục, khởi đầu là giáo dục con em ngay từ nôi ấm gia đình, để các em hiểu thế nào là thanh tao, trang nhã, lịch sự, không chỉ trong tư tưởng, mà còn  qua cách ăn ở, ăn nói, ăn uống, ăn mặc … Và điểm quan trọng nhất là khi sống có văn hoá thanh lịch, chúng ta không chỉ xây dựng vững chắc giá trị bản thân, làm tăng lòng kính trọng của người khác, tạo thêm nhiều tương quan tốt đẹp, gây nhiều tình cảm qúy báu, giúp mau chóng thành công, mà còn là một nghiã vụ đối với xã hội loài người, bởi khi sống thanh lịch, chúng ta thể hiện tinh thần vị tha, tôn trọng, yêu mến người khác một cách cụ thể, sống động và hữu hiệu nhất, bởi nhờ ăn ở ngăn nắp, trật tự, khách đến nhà sẽ vui vì cảm nhận được ta trân trọng đón tiếp ; nhờ ăn nói thanh lịch, người đối diện cảm thấy hạnh phúc, vì những lời dễ thương, những câu nói thắm đặm tình nghiã, và sâu sắc lòng tôn trọng của ta ; nhờ ăn uống thanh lịch, người đồng bàn sẽ “ăn ngon”, vì có ta là bạn hiền, bạn biết “ăn sạch, ăn đẹp, ăn vui”, ăn trong hạnh phúc được cùng nhau đồng bàn ; nhờ ăn mặc thanh lịch, ta không làm người chung quanh phải khó chịu, bực bội, tránh né  hoặc vì diêm dúa, lập dị  lôi kéo những ánh mắt khinh bỉ, thị phi, hoặc vì áo quần nặng mùi, hay thân xác không được chăm sóc, tắm rửa bốc mùi hôi.
Tóm lại, sống trong xã hội văn minh của thế kỷ XXI, thời đại của kỹ thuật cực kỳ tân tiến, chúng ta không thể bỏ qua văn hoá thanh lịch, vì văn minh loài người đòi buộc con người phải thanh lịch, bởi không thanh lịch, ta không thể là người văn minh. Có thanh lịch trong đời sống, sinh hoạt thường ngày giữa người với người mới rộn rã vui tươi ; có thanh lịch trong ứng xử, đời sống xã hội mới rộn ràng hạnh phúc ; có thanh lịch trong lời ăn tiếng nói, cuộc sống chung mới tránh được căng thẳng, đố kỵ, tỵ hiềm.
Nếu một xã hội ngày càng ngột ngạt vì qúa nhiều mâu thuẫn, bạo hành phần lớn do con người không cư xử thanh nhã, lịch thiệp với nhau, thì một xã hội mà mọi người đều được trang bị văn hoá thanh lịch sẽ đem lại niềm vui sống, nghị lực để thành công, nhờ ai nấy đều trở thành chất xúc tác tuyệt vời của niềm vui, hy vọng, hạnh phúc trong đòi sống.
Ước mong những thanh toán đẫm máu, những chém giết lãng xẹc vì ngôn từ qua lại thô lỗ, vì thái độ sàm sỡ, vì cách ứng xử không chút thanh lịch sớm chấm dứt trên đất nước chúng ta, để mọi người không còn phải sợ hãi, khớp cơ, tránh mặt, xa lánh nhau, nhưng thân thiện, chan hoà, ân cần chia sẻ, tương trợ, khi văn hoá thanh lịch được đón nhận như nền tảng xây dựng một xã hội văn minh, nhân bản, điều kiện không thể thiếu để sống chung an bình, hạnh phúc. 
Jorathe Nắng Tím     

BẠO HÀNH TRẺ EM TRONG GIA ĐÌNH

Từ năm 1990, Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á, và quốc gia thứ hai trên thế giới ký Công Ước Quốc Tế về Quyền Trẻ Em. Tuy thế, các cuộc bạo hành trẻ em trong gia đình, ở học đường, cũng như ngoài xã hội ngày càng gia tăng với  tốc độ chóng mặt. Nguyên nhân nào đã và đang đưa trẻ em chúng ta vào vùng bạo hành đầy đe dọa, nguy hiểm này ?
Thực vậy, nạn bạo hành trẻ em đang làm nhức nhối rất nhiều trái tim. Làm sao tim người yêu trẻ không nhức nhối trước những  Lương Văn Tĩnh ở Cao Bằng  đã  thường xuyên gánh chịu những trận đòn vô cớ của người cha bê tha rượu chè, suốt tuổi thơ cho đến ngày cha qua đời, những Đỗ Doãn Lập ở Bắc Ninh bị cha đánh bể đầu  bằng điếu cầy inox tháng tám năm 2015, những Phan Văn Sỹ ở Nghệ An bị  mẹ xích chân, đánh bầm mình bằng đòn gánh. Tháo được xích, em bỏ nhà đi hoang từ dạo mới bẩy tuổi. Làm sao lòng người yêu trẻ không quặn đau trước những bé gái như Nguyễn Thị Kim Linh ở Bình Thuận bị mẹ đổ xăng đốt sống chỉ vì không bán hết vé số mẹ giao, những bé thơ như Trần Phương Đại mới bốn tuổi đã  bị  cha bóp cổ chết, rồi vùi xác dưới cát, chỉ vì em thấy cha đi chơi với bồ nhí. Làm sao nước mắt cảm thương không xót xa chảy khi em bé Khương Minh Khôi, hai mươi lăm tháng tuổi bị bà ngoại là Thạch Thị Sương bạo hành  phải chuyển đến khoa cấp cứu của bệnh viện đa khoa Bạc Liêu ngày 6. 12.2019 trong tình trạng nguy kịch, và vụ việc xẩy ra gần  nhất, vào trung tuần tháng 12/2019  tại Sóc Trăng, khi  người cha  đã ép con trai tám tuổi uống rượu rồi đăng clip, để làm áp lực trên vợ, khi chị giận chồng bỏ đi. Đó là chưa kể những cảnh làm tan nát lòng người có trái tim yêu trẻ khi phải nghe kể những màn hành hạ dã man trẻ em tự kỷ ở một số trung tâm tự kỷ ngay tại thành phố Hồ Chí Minh.
Qủa thực, con số trẻ em bị bạo hành ngày càng tăng. Theo số liệu chính thức của cơ quan chức năng Việt Nam, thì mỗi năm có trên bốn ngàn vụ bạo hành nghiêm trọng phải xử lý trước pháp luật, nghiã là bên cạnh con số “bốn ngàn” này, còn rất nhiều “ngàn” vụ bạo hành chưa đạt đến mức trầm trọng để pháp luật phải nghiêm minh xử lý, nhưng điều này không có nghiã  không đem lại hậu qủa nặng nề cho nạn nhân.
Các nạn nhân đáng thương của bạo hành hầu hết đều còn ở tuổi thơ, cái tuổi phải được nuôi nấng, cưng chiều, ân cần dậy bảo ; cái tuổi quấn quýt bên mẹ cha, ngồi trên gối mẹ, trong vòng tay cha.
Các nạn nhân ở tuổi thơ bé bỏng đã không thể hiểu tại sao mình lại bị đối xử dã man, bị đánh đập như thú vật, bị xua đuổi như kẻ gian ác, bị chửi bới như kẻ thù bởi chính những người đã sinh ra mình ? Các nạn nhân thơ ngây ấy sẽ chỉ biết ghi nhớ vào da thịt từng cú đấm, từng cái tát, từng trận đòn, và khắc ghi vào xương tủy từng lời đay nghiến, từng ngày bị bỏ đói, từng đêm bị đuổi ra đường, từng lần bị lột trần truồng làm trò cười cho đám đông hàng xóm hiếu kỳ. Và tất cả những đau đớn trên thân xác, cũng như những đau khổ tinh thần được ghi nhớ, ghi khắc đó sẽ mãi ám ảnh suốt cuộc đời nạn nhân, mà hậu qủa là tính tự ty, nhút nhát, thiếu tự tin, tiêu cực trước mọi tình cảm, dè dặt, nghi ngại đối với mọi người, nhất là một mối căm thù không tên ngày càng lớn dần, chờ cơ hội bộc phát thành hành vi tội ác.
Vì thế, người ta không ngạc nhiên khi phần lớn nạn nhân bị bạo hành trong gia đình khi còn bé đã trở thành tội phạm khi trưởng thành. Những hình ảnh bạo hành khó tẩy xóa trong óc não, những vết thương, vết sẹo tình cảm bị tổn thương hằn sâu trong tâm hồn đã đánh thức các nạn nhân trở lại vùng bạo lực, đồng thời thôi thúc lòng căm thù và biến nạn nhân của bạo lực ngày xưa thành tác nhân của bạo lực hôm nay.          
Nếu quan sát kỹ lưỡng, người ta sẽ nhận ra một số nguyên nhân tâm lý  gây ra các vụ bạo hành trẻ em trong gia đình :
1.   Do cha mẹ tự cho mình độc quyền sở hữu con cái :
Vẫn biết con cái thuộc về cha mẹ và cha mẹ có quyền trên con cái. Nhưng ngoài quyền trên con, cha mẹ còn bổn phận nuôi dưỡng, giáo dục, mà bổn phận cao cả, quan trọng, nền tảng hơn hết, chính là Yêu Thương. Thiếu đi bổn phận yêu thương, cha mẹ không còn là cha mẹ đích thực ; sao lãng bổn phận yêu thương, cha mẹ không còn được coi là cha mẹ của con cái, bởi yêu thương bao trùm tất cả đời con, yêu thương ấp ủ đời con, yêu thương cho con lớn thành người, yêu thương xây dựng bản ngã, nhân vị, tương lai của con, yêu thương chuẩn bị cho con đôi cánh để con tự bay trong trời rộng thênh thang thuộc về con, yêu thương tập cho con từng bước để vào đời, yêu thương chấp nhận ở lại nhà dõi bóng con trên hành trình đời sống mà không trói buộc đôi chân con, không giam giữ tự do lựa chọn cuộc sống của con, và một khi đã yêu thương thì  loại bỏ “trước tiên, ngay lập tức và mãi mãi” những gì dính dáng đến bạo hành độc ác, bạo lực dã man, hung bạo làm sợ hãi.
Khi tự cho mình độc quyền sở hữu con cái, cha mẹ dễ quên ơn gọi làm cha mẹ để yêu thương, vì con cái cần ở cha mẹ tình yêu, lòng thương xót hơn tất cả những gì khác, do nhu cầu thiết yếu ở con cái chính là nhu cầu tình yêu.
Vì thế, một em bé, dù được ăn ngon, mặc đẹp, nhưng thiếu tình yêu của cha mẹ, cũng vẫn bất hạnh trong cuộc sống và mất quân bình trong tiến trình hình thành nhân cách. Tự cho mình độc quyền sở hữu con cái, cha mẹ sẽ biến con cái thành sở hữu vật hoặc phương tiện, và toàn quyền xử lý, sinh sát trên phương tiện, sở hữu vật đó. Đây là lý do nhiều cha mẹ khi được người ngoài can gián, khuyên nhủ đừng đánh đập, hành hạ con cái, đã ngang nhiên trả lời : “Con tôi, tôi sinh ra nó, nên tôi muốn làm gì trên nó thì làm”. Thế ra, hễ cứ sinh con là có toàn quyền cho con sống, hoặc bắt con chết ; hễ cứ làm cha mẹ là có quyền cho con làm con hoặc bắt con làm nô lệ. Não trạng thật đáng sợ và kinh khiếp đã và đang đe dọa biết bao cuộc đời con cái !
2.   Cha mẹ lầm lẫn giáo dục với trừng phạt :
Hình phạt trong giáo dục không bao giờ được mang tính bạo hành, bạo lực, vì giáo dục luôn được thôi thúc bởi tình yêu, và phải ở trong bầu khí yêu thương. Ở ngoài tình yêu, giáo dục không còn là giáo dục. Đây là nguyên tắc căn bản của giáo dục, nên khi không yêu thương, người ta không giáo dục.
Cha mẹ giáo dục con tất nhiên phải yêu thương con, nên khi sửa trị con bằng những hình phạt không mang tính tôn trọng nhân phẩm của con như sử dụng nhục hình, đọa đầy thân xác, chẳng hạn lột trần truồng, trói tay, xích chân, không cho ăn, hoặc đổ đồ ăn xuống đất và bắt con ăn như chó ; cũng như những hình phạt làm tổn thương tinh thần như chửi bới, nguyền rủa nặng lời, đại loại như : mày đừng sinh ra thì hơn, tao khổ vì mày, vì mày mà tao phải cơ cực, nuôi chó còn có lợi hơn nuôi mày, mày không phải con tao, mày là đồ vô tích sự, mày chết cho rồi, đi cho khuất … Tất cả đều không giáo dục, vì là bạo lực, bạo hành, và hoàn toàn ở ngoài,  đối nghịch với yêu thương.
Nếu đặt mình vào vị thế của con cái đang bị đánh đập, chửi rủa, cha mẹ sẽ thấy mình  không còn là con cái của cha mẹ yêu thương, không còn là thành viên của mái ấm gia đình, không còn là người được quyền làm con cái của cha mẹ, nhưng đơn thuần là kẻ thù không đội trời chung của cha mẹ, người đang la hét rủa xả và dã man đánh đập con cái.
Bị đặt vào hoàn cảnh bị cha mẹ trừng phạt tàn nhẫn như đang đánh quân thù ấy, hỏi có người con nào dám nghĩ mình là con cái được cha mẹ yêu thương, dám tin mình là con được sinh ra “từ lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, từ công cha cao vời như núi Thái Sơn”. Chắc chắn là không, và mãi mãi là không trong tâm khảm những đứa con bị cha mẹ giáo dục bằng hành hình, tra tấn.
Tóm lại, không thể sử dụng bất cứ hình phạt nào phảng phất bạo lực khi sửa dậy con cái, bởi  giáo dục luôn dị ứng với bạo lực. Giáo dục đòi tình yêu, cần tình yêu và chỉ thành công với tình yêu. Do đó, cha mẹ đừng lầm lẫn giáo dục với trừng phạt, hiểu như phương tiện bạo lực để giáo dục con cái, bởi hành vi bạo lực dù với cách thế, hay mức độ nào cũng hoàn toàn phản giáo dục, vì đem lại những hậu qủa cực kỳ bất lợi cho con cái, và tai hại lâu dài trong tương quan giữa con cái với cha mẹ.
Ở đây, chúng ta cần thay đổi não trạng : “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Có thể nguyên tắc đã áp dụng cách đây năm chục năm mà không gây bức xúc, khi mà ý thức nhân phẩm, nhân vị còn chưa rõ nét, nhưng ở vào thời đại mới, khi ý thức về quyền con người, quyền trẻ em, quyền cá nhân, quyền sống và hưởng hạnh phúc cuộc sống phát triển cao và mạnh, thì nguyên tắc giáo dục bằng roi đòn, thiết tưởng không còn hợp thời, vì cuộc sống ngày càng phát triển bắt buộc ta phải bỏ lại sau lưng những gì không còn xứng hợp với đòi hòi, nhu cầu mới của con người. Chúng ta cũng đừng quên : có rất nhiều cách sửa trị mang tính yêu thương và đạt hiệu qủa giáo dục cao, mà đã là cha mẹ, ai cũng biết phải làm gì cho hợp tình, hợp lý, hợp cảnh, một khi đã nằm lòng ý thức : bổn phận và quyền lợi chính yếu của cha mẹ là yêu thương con cái đến cùng, và tình yêu không bao giờ đội trời chung với bạo lực.
3.   Cha mẹ không sống cuộc sống của con :
Khi cho mình độc quyền sở hữu con cái, cha mẹ đã sai lầm cho mình có cả quyền trên toàn thể cuộc sống của con, khi dành độc quyền làm chủ đời con. Cha mẹ quên rằng không ai sống thay ai, chết thay ai, nhưng  mỗi người có cuộc đời riêng, phải sống cuộc đời riêng, và một mình làm cuộc đời  ấy. Người khác, dù cha mẹ cũng chỉ là người chuẩn bị, hướng dẫn, nâng đỡ, đồng hành, nhưng không bao giờ thay thế.
Vì thế, cha mẹ sẽ như chim mẹ tập cho chim con bay, để con tự mình bay trong trời rộng thênh thang, vì cả bầu trời ấy thuộc về con, và con được tự do, tha hồ bay lượn, làm cuộc đời mình trong đó. Sống thay con, nói cách khác, bắt con sống theo kiểu sống, nếp sống của mình, mà không cho con tự do chọn lựa cuộc sống, đó là xâm phạm quyền sống, chiếm đoạt quyền làm người của con. Và điều đó không xứng hợp với tình yêu chân chính của cha mẹ dành cho con cái, bởi cha mẹ yêu con cách chân chính phải biết chuẩn bị cho con vào đời bằng đôi chân của con, chuẩn bị cho con nhập cuộc bằng  khối óc, bàn tay của con, chuẩn bị cho con thành người  bằng tạo cho con niềm tin vào sứ mệnh làm người, trang bị cho con tình yêu đối với bản thân, với người và cuộc sống, đặc biệt lòng tự tin vào khả năng, và thiện chí. Cha mẹ yêu thương sẽ không lấy cánh đại bàng của mình mà che kín bầu trời tương lai của con, cũng không dùng nanh vuốt sắc nhọn đe dọa ước muốn mạo hiểm trước cuộc đời của con, càng không trở thành hàng rào, tường cao ngăn chặn, giam hãm hạnh phúc dấn thân nhập cuộc của con trên hành trình làm người.
Tóm lại, chỉ tình yêu đích thực của cha mẹ mới chấm dứt thảm trạng bạo hành trẻ em trong gia đình ; chỉ lòng thương của cha mẹ mới giải phóng con cái khỏi  nỗi sợ và đe dọa bị đánh đập, nguyền rủa ; chỉ hy sinh của cha mẹ mới cho con niềm vui và hạnh phúc được lớn lên làm người tự tin, tự trọng, tự trách nhiệm đời mình ; chỉ tâm hồn bao dung của cha mẹ mới cho con chắp cánh bay vào trời tương lai hy vọng ; chỉ tinh thần khai phóng, cởi mở của cha mẹ mới thực sự giáo dục con trở thành những con người đứng vững và bước nhanh trên đôi chân của mình ; chỉ tấm lòng nhân hậu và tâm tình trìu mến, dịu ngọt của cha mẹ mới sửa chữa những sai lầm, lấp đầy những khiếm khuyết, làm tròn trịa những thiếu sót của con, và chỉ trái tim yêu thương đến cùng của cha mẹ mới thực sự cho con hạnh phúc suốt đời được làm con cái của cha mẹ.
Noel về, mùa của tình yêu gia đình, mùa của niềm vui bé thơ, mùa hạnh phúc của những trái tim đang yêu và được yêu.
Xin Ánh Sáng Tình Yêu xua đi đêm tối của bạo lực trong các gia đình, để không một bé thơ nào còn bị bỏ đói, bị đánh đập, bị xua đổi, bị nguyền rủa, bị tống khứ khỏi  nôi ấm tình yêu là Cung Lòng Cha Mẹ, khỏi mái ấm tình yêu là Gia Đình An Vui, Hạnh Phúc kể từ Mùa Giáng Sinh Tình Yêu này.
Jorathe Nắng Tím     

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

BIẾN CỐ ĐAU BUỒN MÙA GIÁNG SINH

Giáng Sinh là lễ của niềm vui Cứu Độ, khi  Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thế, nhập thể để cứu con người khỏi chết đời đời; Giáng Sinh là ngày hân hoan, hạnh phúc, khi Tin Mừng : Thiên Chúa yêu thương loài người được loan báo. Vì thế Giáng Sinh rất vui, vì là mùa của Tình Yêu ; Giáng Sinh rất mừng, vì là mùa của Sự Sống !
Nhưng một biến cố tang tóc, đau buồn đã xẩy ra giữa mùa Giáng Sinh vui mừng. Biến cố đã làm nghẹn ngào tiếng hát : Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm của các thiên thần (Lc 2,14), bởi Thiên Chúa vừa mới sinh ra, chưa kịp được mọi người vinh danh, thì kẻ ác tâm đã lấy đi nhiều mạng sống vô tội ngay  tại Bêlem, nơi Thiên Chúa hạ sinh làm người ; biến cố đã làm khựng lại chân sáo phấn khởi, hân hoan vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa của các mục đồng (Lc 2,20), sau khi gặp được Hài Nhi  bọc tã, đặt nằm trên máng cỏ (Lc 2,16), bởi  hàng trăm hài nhi vô tội ở Bêlem và vùng lân cận đã bị giết chết oan uổng (x. Mt 2,16-18) ; biến cố đã làm hoa mắt các đạo sĩ trên đường từ Bêlem trở về xứ sở, khi nghe tin các hài nhi dưới hai tuổi ở Bêlem, nơi các vị vừa rời gót đã bị thảm sát theo lệnh của Hêrôđê, người đã khôn khéo dặn dò các vị : xin qúy ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cùng đến bái lậy Người (Mt 2, 8) ; biến cố đã làm thánh Giuse và Đức Maria  mất ăn mất ngủ, và ngay trong đêm phải đưa Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai Cập (Mt 2,14) theo như lời thiên sứ  khẩn báo trong giấc mộng (Mt 2,13) ; và biến cố  đã lấy đi sự sống vừa nẩy mầm của hàng trăm trẻ thơ hoàn toàn trong trắng, ngây thơ, không can dự gì đến chuyện của người lớn, không biết gì đến chuyện triều đình, quốc gia, không liên quan gì đến chuyện ngai vàng, quyền lực, để  niềm đau, nỗi khổ  cùng với máu vô tội dâng cao ngút trời, làm chết ngất bao trái tim, tan nát bao cuộc đời ở Bêlem và vùng lân cận như Tin Mừng Mátthêu mô tả : Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ : tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa (Mt 2,18).
Vâng, tác giả của biến cố tang tóc, đau thương giữa mùa Giáng Sinh hồng phúc chính là Hêrôđê, vua dân Do Thái (x. Mt 2,16). Ông là vua, nên khi nghe có vua dân Do Thái sắp sinh ra, ông đã hỏang hốt, lo sợ mất ngai vàng, và tham vọng quyền lực đã thúc đẩy ông đi đến quyết định giết hết các trẻ thơ dưới hai tuổi.
Thủ đọan thật tinh vi, khi ra lệnh giết hết các trẻ thơ từ hai tuổi trở xuống ở Bêlem và các vùng lân cận, để bảo đảm trăm phần trăm việc thủ tiêu Hài Nhi Giêsu, vị vua tương lai của dân Do Thái. Theo tính toán thâm độc này, sẽ không có bất cứ xác suất dù nhỏ đến đâu, cũng như không còn bất cứ kẽ hở nào để lọt Hài Nhi Giêsu, đối tượng phải khẩn trương tiêu diệt.
Là vua, và tự cho mình là Sao, nên khi biết có Vì Sao Cứu Thế vừa xuất hiện ở Bêlem, trên lãnh thổ của mình đang trị vì, Sao Vua Hêrôđê đã quay cuồng, điên đảo tìm truy diệt cho kỳ được Vì Sao lạ, có tiềm năng đối đầu, đối kháng. Và ông đã thần tốc ban lệnh tiêu diệt Vì Sao lạ bằng ra lệnh tàn sát tất cả trẻ thơ trong vùng.
Dưới con mắt của phàm nhân, Hêrôđê là người nhìn xa trông rộng đã bao quát được cả thời gian và không gian để Hài Nhi Giêsu, vua tương lai của dân Do Thái không thể thoát khỏi bàn tay sát thủ của ông. Với suy tính của loài người, Hêrôđê là người khôn ngoan, khi thấy  trước, lường xa những bất trắc, nguy cơ cho ngai vàng, bằng cách diệt ngay lập tức và  tận gốc mọi mầm mống  bạo loạn, chiếm quyền, cướp ngôi. Trong tầm nhìn của con người, Hêrôđê là người biết tính toán, sắp đặt, khi không để bất cứ  bất ngờ bất lợi nào gây ảnh hưởng xấu đến uy quyền và vinh quang của mình. Tóm lại, ông là con người hoàn hảo, ông vua tuyệt vời, lãnh tụ tài giỏi. Ông có tất cả những điều kiện thành công theo kiểu thế gian, và như thế gian đòi hỏi, nhưng ông thiếu một điểm rất quan trọng để thành người, đó là lòng nhân ái.
Thực vậy, không phải tất cả những ai thành công là thành nhân, không phải cứ công thành danh toại là thành người, không phải cứ đạt địa vị cao, chỗ đứng tốt là người tốt và cao thượng. Bằng chứng là trước mắt chúng ta, không biết bao nhiêu người thành đạt mà gian ác ; không ít người làm lớn mà tầm thường, đáng kinh tởm , và được mấy người  nắm giữ vị thế cao ngất ngưởng trong thế gian mà nhân ái, dễ thương. 
Như Hêrôđê, làm vua  đáng lẽ để lo cho dân hạnh phúc, quốc gia phú cường, nhưng ông lại thủ đọan, nham hiểm ra lệnh giết cả những công dân bé bỏng, vô tội, tuổi đời chưa qúa hai năm, vì tham vọng cá nhân và  cơn giận điên cuồng. Rất nhiều người thế giá khác cũng đã dùng quyền, dùng tìền, dùng ảnh hưởng của mình để  tiêu diệt người khác không kém dã man, tàn bạo như Hêrôđê.
Hôm nay, Giáng Sinh về, chúng ta không quên biến cố tang tóc, đau thương đ xẩy ra ở Bêlem và vùng lân cận vào mùa Giáng Sinh cách đây hơn hai ngàn năm, và qua đó, chúng ta nhận ra:
1.   Tội ác là do chính con người gây ra :
Biến cố thảm sát hằng  trăm trẻ thơ vô tội được Tin Mừng Mátthêu tường thuật chi tiết chắc chắn chống lại ý muốn của Thiên Chúa, vì Ngôi Lời  giáng sinh cốt đem sự sống cho con người, và làm cho sự sống con người đạt giá trị linh thánh, và tuyệt đối, khi chính Thiên Chúa đã tự nguyện mang lấy sự sống con người ấy.
Cũng vì Thiên Chúa làm người như chúng ta, sống sự sống của loài người  chúng ta, mà sự sống con người không còn bị coi là rẻ rúng, tầm thường, vô vị, không giá trị, không ý nghiã. Trái lại, sự sống ấy được nâng cao, được tuyệt đối tôn trọng và giữ gìn, bảo vệ, để  không ai có quyền hủy hoại sự sống ấy, dưới bất cứ hình thức nào, dù là sự sống của mình hay của người khác, bởi sự sống thuộc về một mình Thiên Chúa, và chỉ một mình Thiên Chúa có quyền trên sự sống, sự chết của con người.
Do đó, khi có tội ác chống lại sự sống, thì chắc chắn tội ác ấy phát sinh từ gian ác, bạo lực của con người, như Cain đã giết chết em mình là Aben, và như Hêrôđê đã ra lệnh thảm sát hằng trăm trẻ thơ vô tội.
2.   Đau khổ là hậu qủa của tội ác :
Ở đâu có tội ác, ở đấy có đau khổ, cũng như ở đâu có tình yêu, ở đó có Thiên Chúa, và ngược lại : khi có phúc đức của lòng nhân ái thì có bình an, và có Thiên Chúa thì có niềm vui thiên đàng, nên phần lớn đau khổ là do chính anh em gây ra cho ta, hoặc chính ta gây ra cho anh em.
Nếu Cain không ghen tức và không giết em mình, thì Aben đã được sống, và cả Cain cũng không bị Thiên Chúa phạt, đến nỗi phải đau đớn than thân trách phận : Hình phạt dành cho con qúa nặng không thể mang nổi. Đây, hôm nay Ngài xua đuổi con khỏi mặt đất. Con sẽ phải trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất, và bất cứ ai gặp con sẽ giết con (St 4, 13-14) ; nếu Hêrôđê không ra lệnh giết các em bé, thì cha mẹ các em đâu phải chết ngất vì khổ đau, khi con không còn nữa ; nếu cậu thanh niên mười tám tuổi bốn tháng Nguyễn Hữu Tình không vì tự ái khi bị bà chủ trách mắng vì biếng nhác công việc, và bê tha bia rượu đã nhẫn tâm giết hết  năm người của gia đình bà chủ, thì  chẳng ai phải chết, và không bao giờ có bản án tử hình khắc nghiệt cho chính bản thân.
3.   Tội ác và đau khổ vẫn có mặt trong thế giới loài người cho đến tận thế :
Đau khổ lớn nhất của con người là sự chết, và sự chết đã theo tội lỗi vào thế gian, nên bao lâu còn con người thì còn tội lỗi, bao lâu còn tội lỗi, bấy lâu còn đau khổ, sự chết. Vì lẽ đó, Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu loài người ra khỏi tội lỗi để con người được hạnh phúc ngay ở đời này, khi tội lỗi không còn khống chế những con người biết mở lòng đón nhận ơn sủng cứu độ của Ngôi Lời Thiên Chúa (x. Rm 5,12-19).
Điều này cũng có nghiã : Tội ác và đau khổ vẫn có mặt trong thế giới loài người, chứ không tự động biến mất, khi Ngôi Lời xuống thế, bởi Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của mỗi người để mỗi người tự chọn hoặc Thiên Chúa hoặc thế gian, hoặc gian ác hoặc nhân hậu, hoặc làm người thiện tâm hoặc làm người ác tâm, hoặc thuộc về Thiên Chúa hoặc thuộc về Satan, hoặc sống hoặc chết, hoặc lên thiên đàng hoặc xuống hoả ngục.
Khi Tin Mừng được loan báo Đấng Cứu Thế đã sinh ra, các thiên thần đã cho chúng ta biết : Bình An của Thiên Chúa chỉ dành cho những người thiện tâm, những người được Thiên Chúa thương. Thiện tâm hay được Thiên Chúa thương chính là những người có lòng tốt, có ý ngay lành, có nhân ái, có bác ái - yêu thương, có từ bi - hỉ xả. Họ là những người sống chân thật với tấm lòng vị tha, biết cảm thông và giúp đỡ, dám rộng lượng và khoan dung, bởi ơn An Bình của Ngôi Lời nhập thể không tuôn đổ bừa bãi trên thửa đất cằn khô của ganh ghét, trong những  trái tim sào huyệt của thủ đọan, mưu mô ác độc, ở những góc tối kiêu căng của quyền lực, danh vọng, nơi những con người ích kỷ, tham vọng, hãm hại tha nhân.
Thực vậy, xuống thế giữa thế giới loài người đầy tội ác và đau khổ, Thiên Chúa làm người đã trở nên Ơn Cứu Độ, Ơn Bình An cho tất cả những ai tội lỗi, đau khổ biết chạy đến và tin ở Ngài. Ngài chính là nơi nương náu cho tội nhân, chốn ủi an của người bất hạnh, đau khổ (x. Mt 5, 3-12), đồng thời cũng là Tiếng Gọi để mọi người đi theo Ngài lên đường loan báo Tin Vui cho toàn thể nhân loại : Hôm nay Thiên Chúa thương loài người, hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em (Lc 2,11), hôm nay đoàn chiên bơ vơ, ngơ ngác có Mục Tử nhân lành đến ở cùng và hiến mạng sống cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10, 10). Và chỉ nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, con người mới ra khỏi  vùng tăm tối của tội ác và thung lũng nước mắt khổ đau.
Để chạy đến với Đức Giêsu, tin Đức Giêsu và theo Đức Giêsu, chúng ta phải trở nên những con người thiện tâm, tức có lòng nhân ái, là điều kiện thiết yếu để được Thiên Chúa làm người thương và ban tràn đầy ơn Giáng Sinh của Ngài, ơn giải thoát khỏi cạm bẫy của tội ác và hậu qủa khổ đau, khi có Chúa là Chúa Chiên lành, có Nước Trời là gia nghiệp, có Lòng Thương Xót là bến đỗ hạnh phúc, Bình An.  
Ước gì thế giới sẽ giảm nhanh, thưa dần những biến cố tang tóc, đau thương hằng ngày làm nhói tim, đứt ruột, khi tội ác không ngừng lan rộng, hoành hành. Và điều ước ấy luôn đợi chờ sự cộng tác của mọi người thiện tâm trong việc loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ, Đấng đến để cho thế gian được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).
Jorathe Nắng Tím