Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019

ĐỨC GIÊSU Rất Tình !

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT III PHỤC SINH (Ga 21,1-17) 
Tin Mừng Gioan hôm nay làm nổi bật chân dung một Đức Giêsu Rất Tình với các môn đệ và với Phêrô, môn đệ đã chối mình. 
Được gọi là có tình, rất tình với nhau khi người ta quan tâm đến nhau. 
Đức Giêsu sau khi sống lại đã biểu hiện tình yêu của mình với các môn đệ khi hiện ra với các ông và quan tâm đến hiện trạng của các ông khi lắng nghe các ông than thở : “không có gì ăn” (Ga 21,5), vì “đêm ấy họ không bắt được con cá nào” (Ga 21,3).
Một nhóm ngư phủ chuyên nghiệp mà suốt đêm không bắt được con cá nào thì quả thực chết đói đến nơi. Và tình trạng thiếu thốn của các môn đệ đã là mối bận tâm hàng đầu của Đức Giêsu khi Ngài hiện ra thăm các ông. 
Quan tâm đến việc làm, sinh kế, Đức Giêsu còn quan tâm đến tình trạng đói no của các ông hôm nay, khi hỏi các ông : “anh em có gì ăn không ?” (Ga 21,5). Hỏi “có gì ăn không ?” là cách hỏi tế nhị tránh cho các môn đệ câu trả lời khó nói, vì Ngài biết các ông vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào.
Quan tâm đến ai là muốn biết người ấy có hạnh phúc, bình an không. Nhưng quan tâm không chỉ dừng lại ở biết, mà được thôi thúc đi đến việc làm : làm tất cả để người mình yêu được hạnh phúc lớn nhất, trọn vẹn nhất. 
Đức Giêsu đã không quan tâm để chỉ biết các môn đệ là những người mình yêu đang gặp khó khăn kinh tế, nhưng giúp các ông ra khỏi bế tắc bằng chỉ cho các ông : “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá” (Ga 21,6) và làm phép lạ cho cá vào lưới nhiều đến độ “không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá” (Ga 21, 6). Và bữa ăn có cá tươi vừa bắt từ biển hôm ấy ngay trên bờ biển đã đem lại niềm vui khôn tả cho cả Thầy và trò. 
Tuy vậy, quan tâm đến sinh kế, miếng cơm manh áo mới chỉ là một phần bổn phận của tình yêu nơi những con người sống rất tình với người khác. Còn một quan tâm khác bên cạnh không kém quan trọng , đó là bình an trong tâm hồn. 
Đức Kitô sống lại đến thăm các môn đệ và ban bình an cho các ông. Ngài biết các môn đệ của mình vừa trải qua một cơn thử thách nặng nề hơn nghìn lần ác mộng, vì những gì xẩy ra quả thật vượt xa những tang thương, đổ nát và ê chề thất bại các ông có thể tưởng tượng. Hỏi ai trong các môn đệ Đức Giêsu đã có thể nghĩ có ngày Thầy mình sẽ bị kết án là tên phiến loạn, trong khi Ngài vẫn tôn trọng chính quyền và công khai trả lời : “Trả cho Xêda những gì thuộc về Xêda” (Lc 20,25), nghĩa là Ngài không xách động dân làm loạn, chống lại nghĩa vụ đóng thuế cho chính quyền Rôma ; hỏi ai trong các ông có thể nghĩ. Thầy mình sẽ bị toàn dân đả đảo nguyền rủa lộng ngôn, phạm thượng mặc dù suốt đời Ngài chỉ làm theo thánh ý Chúa Cha và hỏi ai trong họ có thể nghĩ sẽ có ngày Thầy mình bị đem đi đóng đinh, ô nhục trần truồng chết trên thập giá, trong khi cả một đời chỉ rao giảng và thực hiện Yêu Thương. Chẳng thế mà đã ba lần báo trước : “Thày sẽ lên Giêrusalem để chịu chết” (Mt 16,21), nhưng không môn đệ nào đã tin, và Phêrô, anh trưởng nhóm còn tỏ ra khó chịu, can ngăn (Mt 16,22-23). 
Vì thế, tâm hồn các môn đệ những ngày sau biến cố tử nạn của Đức Giêsu vẫn còn tan nát, héo hắt, hoang mang, hoảng sợ, không chỉ vì mất Thầy, mất người lãnh đạo, mất chốn tựa nương, mà còn mất hướng đi, mất lẽ sống, mất điểm tựa, mất tinh thần, mất niềm tin, mất hy vọng, mất những gì đã xây dựng và mất luôn những gì ấp ủ, ước mơ.
Đức Giêsu biết các ông khổ lắm, khổ vì mất hết đã đành, mà còn khổ vì miệng đời nguyền rủa, ngạo nghễ, cười chê. Và trong tất cả Phêrô là người đau khổ nhất. Phêrô không chỉ khổ nỗi khổ chung của anh em môn đệ, mà còn đau vì mặc cảm phản bội, vì đã yếu đuối chối  không quen biết Đức Giêsu . Biết Phêrô  đau khổ rất nhiều, Đức Giêsu đã đặc biệt rất tình với ông. Với ba lần cùng một câu hỏi : “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không ?” (Ga 21,15.16.17), Đức Giêsu đã cho ông biết tình Ngài bao la và ngàn triệu lần lớn hơn tội ông. 
Ba lần gặng hỏi đến nỗi Phêrô phải ngượng ngùng, Đức Giêsu cố ý tạo cho Phêrô cơ hội công khai tuyên xưng tình yêu của mình để ra khỏi mặc cảm trước anh em vì đứng đầu nhóm mà hèn nhát chối Thầy. 
Quả thực, ba lần kiên quyết, vững mạnh tuyên xưng : “Lạy Thầy, con yêu mến Thầy” đã xoá sạch vết tích tội lỗi và mặc cảm của ba lần yếu đuối, nhát đảm lầm lỡ thốt ra lời phản phúc : “Tôi thề là không biết người ấy là ai !” (Mt 26,74). 
Ở đây, chúng ta cần nắm bắt một điều rất quan trọng là nền tảng cho sự sống của các cộng đoàn Kitô trong mọi thử thách, đó là dù thế nào đi nữa, dù bị bách hại đến đâu, dù mất hết không còn gì, dù bị chính quyền truy lùng, giáo quyền xua đuổi, bỏ rơi, trục xuất, các môn đệ của Đức Giêsu sau những ngày Thầy tử nạn vẫn gắn bó ở với nhau trong tình yêu huynh đệ, bằng chứng là các ông no đói có nhau, cùng tìm về nghề cũ, cùng kiếm kế sinh nhai. Khung cảnh Đức Giêsu hiện ra hôm nay, chính là khung cảnh gắn bó huynh đệ giữa các môn đệ. Đó là điều quan trọng nhất các ông đã giữ lại được cho mình trong khi tất cả đều đã mất hết. Các ông đã giữ được điều cốt yếu học được từ Thầy là  “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). 
Khung cảnh yêu thương giữa các môn đệ với nhau và rất tình giữa Đức Giêsu và các môn đệ năm xưa là ước mơ, cố gắng và lời cầu xin của chúng ta mỗi ngày cho Giáo Hội.
Xin Chúa thương xót và tiếp tục “rất tình” với chúng con. Ước gì chúng ta biết làm chạnh lòng Thiên Chúa bằng cố gắng sống tình với nhau mỗi ngày, như Chúa dạy. 
Jorathe Nắng Tím