Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 22, Thường Niên, Năm C. (Luca 14, 1.7-14)


    Hôm nay Đức Giêsu dạy chúng ta bài học ăn tiệc, bài học khôn ngoan để sống ở đời : Khi anh được mời dự tiệc, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và trồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng : ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này’. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. (Lc 14,7 -9).
  Nếu tình huống quê xệ này xẩy đến cho ai đó trong chúng ta thì qủa thực chỉ còn nước độn thổ, chui xuống đất cho bớt quê. Đức Giêsu là một nhà sư phạm tuyệt vời đã dùng câu chuyện ăn tiệc mà ai cũng biết, chọn khung cảnh đám cưới mà ai cũng đã một lần dự để trình bày đòi hỏi của Tin Mừng Ngài loan báo, đó là khiêm tốn, xóa mình trong mọi hoàn cảnh để phục vụ hữu hiệu.
    Ngài dậy chúng ta khiêm tốn xoá mình trong mọi hoàn cảnh, khi nhắc nhở chúng ta không những đừng dại dột chọn chỗ cao nhất trong bàn tiệc khi được mời, kẻo chẳng may bị mời đứng dậy nhường chỗ cho người quyền qúy, quan trọng, thân thiết hơn đối với gia chủ, mà còn dậy chúng ta khiêm tốn xóa mình cả khi chúng ta thiết tiệc, chiêu đãi người khác nữa : Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, hay bà con, hoặc láng giềng giầu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc : vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại (Lc 14,12-14).
     Thật không còn gì rõ hơn, minh bạch hơn ý Thiên Chúa muốn chúng ta khiêm tốn xóa mình hơn kiêu kỳ, khoe mình khi được mời ăn tiệc, cũng như khi thiết tiệc người khác. Và tinh thần khiêm tốn, xóa mình đó nhắm đến mục đích phục vụ những người anh em bé nhỏ, đau yếu, bị bỏ rơi là khách qúy của yến tiệc Nước Trời, là những người anh em đáng yêu của Thiên Chúa, và là chính Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã qủa quyết trong Tin Mừng Mátthêu, chương 25, khi nói về ngày chung thẩm : Ta bảo thật, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy (Mt 25,40). Đó cũng  là lý do Đức Giêsu đề nghị chúng ta nghĩ đến những người thiếu may mắn, bị bỏ rơi, bất hạnh khi chúng ta mở tiệc.     
    Vâng, chỉ với tinh thần khiêm tốn xóa mình, chúng ta mới có thể phục vụ  người anh em bé nhỏ, hèn mọn như Chúa muốn, bởi kẻ kiêu căng chỉ nghĩ đến mình, nên muốn được mọi người phục vụ ; bởi kẻ kiêu căng chỉ tìm kiếm vinh quang mình, nên muốn mọi người lớn tiếng tuyên dương, nhiệt liệt ca ngợi. Nhưng Chúa không muốn chúng ta kiêu căng, tìm mình và bắt người khác phục vụ, nhưng Chúa chống lại kẻ kiêu căng, đạp đổ phường kiêu hãnh, và thi ân cho những ai hiền lành, khiêm nhường, biết xóa mình, quên mình để phụng sự Chúa trong những anh em hèn yếu, bé mọn.
   Xin Chúa nhắc nhớ chúng con nguyên tắc vàng của Tin Mừng : Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. (Lc 14,11).
Jorathe Nắng Tím

PHONG TRÀO “GIẢI THÍCH” LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT


Sau những tháng ngày xôn xao, huyên náo, ồn ào với phong trào lòng Chúa thương xót, cộng đồng mạng lại khởi động ồn ào, huyên náo, xôn xao với một phong trào rất mới lạ, đó là phong trào giải thích lòng Chúa thương xót. Quan sát phong trào này, người ta nhận thấy hiện tượng giải thích lòng Chúa thương xót đã không theo một quy tắc, tiêu chuẩn nào có giá trị, mà hầu như đều theo cảm tính cá nhân và quan điểm, chọn lựa của phe nhóm. Nhiều người đưa ra nhiều nội dung giải thích lạ đến đáng ngại, và hậu qủa là nhiều người bé nhỏ, hèn mọn chập chững đi tìm Thiên Chúa của lòng thương xót lại một phen hoang mang, mất hướng. 
Người viết chỉ dám mạo muội chia sẻ chút suy tư.
Khi đề nghị cùng bạn đi tìm nội dung đích thực của giải thích đúng nhất, người viết không thể dựa vào bất cứ giải thích nào về lòng thương xót, ngoài giải thích của Tin Mừng, cũng như không thể quy chiếu vào bất cứ  nội dung lòng thương xót nào, ngoài nội dung của Lời Đức Giêsu nói với nhân loại về lòng thương xót của Thiên Chúa, Cha Ngài, vì chỉ một mình Ngài, Thiên Chúa làm người, là dung mạo đích thực của Chúa Cha, Thiên Chúa của Lòng Thương Xót, mới định nghiã và cắt nghiã chính xác thế nào là lòng thương xót, như mặc khải về chính mình.     
Trước hết, để tránh mất thời giờ và công sức đi loanh quanh tra cứu, tìm tòi, tham chiếu đó đây, chúng ta được Giáo Hội mời gọi tìm về Tin Mừng Luca, ở đó, thánh sử đã dành hẳn chương 15 mang tựa đề : Ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa.
Chương 15 của Tin Mừng Luca với ba dụ ngôn về lòng thương xót do chính Đức Giêsu nói với nhiều người, trong đó có các người thu thuế và các người tội lỗi đến nghe Người giảng (Lc 15,1), những người Pharisêu, và các kinh sư đang xầm xì với nhau về chuyện Ngài đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng (Lc 15,2-3). Như thế, thính giả nghe Đức Giêsu nói về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa hôm đó gồm hai thành phần đối nghịch : một bên là những người tội lỗi tìm đến lòng thương xót vì biết mình cần được Thiên Chúa xót thương ; bên kia là những chức sắc cho mình là đạo đức, thánh thiện, hoàn hảo, không cần đến lòng thương xót đang xầm xì công kích lòng thương xót và thái độ tôn trọng, gần gũi, chân tình của Đức Giêsu dành cho những người bị họ coi là phường gian ác, tội lỗi.    
Dụ ngôn thứ nhất, Đức Giêsu cực tả lòng xót thương của Thiên Chúa khi Ngài là chủ chăn đích thân hối hả đi tìm cho kỳ được con chiên đi lạc, mà bỏ chín mươi chín con ngoan ngoãn ở lại, và khi tìm được con chiên lạc, Ngài vui mừng âu yếm  vác lên vai, lại hứng khởi mời mọi người : Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó (Lc 15,6).
Dụ ngôn thứ hai cũng tương tự : người đàn bà có mười đồng quan, chẳng may đánh mất một đồng đã thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được (Lc 15,8), và khi tìm được, bà cũng xin mọi người chung vui với bà.
Trong cả hai dụ ngôn, con chiên và đồng quan đều bị lạc, bị mất, nhưng chiên lạc không tìm đường về, và đồng quan thì tất nhiên rớt đâu phải nằm yên đó, bởi không có chân, có cánh. Duy chỉ người chăn chiên mất chiên, người phụ nữ mất tiền đã hối hả  lên đường, vội vàng moi móc mọi ngõ ngách trong nhà để tìm cho kỳ được chiên đi lạc, đồng quan rơi mất.
Đối tượng của lòng thương xót ở đây xem ra có vẻ thụ động, chỉ chủ thể của lòng thương xót là Thiên Chúa mới hoạt động, chủ động đi tìm. Tuy thế, khi tìm được con chiên đi lạc thụ động không biết đường về, đồng quan bị rớt mất nằm yên một chỗ, Đức Giêsu vẫn công bố một tin mừng vô cùng lớn lao : trên trời, ai nấy đều vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối (Lc 15,7.10).
Như thế, ngay cả khi đối tượng của lòng thương xót chưa ý thức đủ sự cần thiết phải được Thiên Chúa thương xót cứu vớt, thì Thiên Chúa vẫn chủ động lên đường đi tìm họ, vì một lý do duy nhất, như chính Đức Giêsu đã khẳng định : vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó (Lc 15,6).
Con chiên của tôi nghe dễ thương, trìu mến, thiết tha ân tình, thổn thức, chạnh lòng làm sao ! Con chiên của tôi là hạnh phúc của Thiên Chúa khi nói đến con người, là niềm vui của Đấng Chủ Tạo khi nhớ về thụ tạo yêu dấu nhất do chính tình yêu mình tạo dựng. Con chiên của tôi cũng là niềm an ủi vô giá của con người, đảm bảo chắc chắn ơn cứu độ cho người tội lỗi, vì biết mình là con yêu của Thiên Chúa, được Thiên Chúa nhận và gọi là con chiên của tôi.
Vì là của tôi, nên tôi yêu thương, dấu ái ; vì là của tôi, nên tôi không chịu để mất, đi lạc ; vì là của tôi, nên tôi không muốn rời xa ; vì là của tôi, nên tôi chỉ muốn thông ban hạnh phúc ngập tràn. Và đó chính là đặc tính vô biên, vô điều kiện của lòng thương xót Chúa dành cho con người : đích thân đi tìm và đến với người tội lỗi trước, như Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người đã đích thân đi tìm và đến với nhân lọai trước khi nhân loại nhận biết Ngài là Đấng Cứu Độ, như Tin Mừng Gioan đã xác tín : Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận (Ga 1,9-11). Và cho dù chưa nhận biết, Thiên Chúa vẫn yêu thương, và mở lối cho ơn cứu độ, vì với Thiên Chúa, mỗi con người đều là con chiên của tôi, con chiên bị mất đó (Lc 15,6).    
Nhưng với dụ ngôn thứ ba, dụ ngôn người cha nhân hậu, chúng ta thấy có nhiều điểm khác với hai dụ ngôn trên, và nhờ những điểm khác này, chúng ta hiểu sâu sa hơn thế nào là lòng thương xót của Thiên Chúa :
1.   Khởi điểm hành trình trở về của người con thứ hoang đàng là cảnh túng thiếu vật chất, và cơn đói của thân xác (Lc 15, 14-20)
Chúng ta đều biết, người cha có hai con trai. Cả hai đang sống hạnh phúc trong yêu thương và sung túc của Cha, thì bỗng dưng người con thứ xin cha chia gia tài và bỏ nhà đi hoang. Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch tiền, thì xẩy ra trong vùng ấy một ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng ; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đồ ăn của heo mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói (Lc 15, 14-17).
Như thế, anh chàng phá gia chi tử kia đã vì đói mà có ý định trở về nhà cha, vì sợ chết đói mà phải đứng lên trở về tổ ấm an toàn. Anh hoảng sợ vì đói de dọa sự sống của anh ; anh bàng hoàng vì đói dữ dội tấn công, ào ào xông tới như muốn lập tức nghiền nát, ăn tươi nuốt sống anh. Trước đây, anh không biết đói là gì, vì có bao giờ lâm cảnh túng thiếu để biết những cơn đau của ruột gan khi đói, để cảm nhận những quặn thắt của bao tử trống rỗng, để trải nghiệm cảnh chân tay run lẩy bẩy, đứng ngồi không vững, mắt cay sè, đầu óc chóang váng. Hôm nay biết đói, nên anh hiểu : đói là thiếu thốn vật chất, là khốn khổ của thân xác, là cơn đau khủng khiếp và nhục nhằn không thể tả của con người. Hôm nay đói, anh nhận ra :  đói là hình ảnh của nhu cầu thân xác không được đáp ứng ; đói sinh bệnh tật ; đói làm thân xác yếu nhược, tiều tụy ; đói làm suy sụp tinh thần, làm tiêu tan ý chí tiến thủ ; đói làm lu mờ lương tâm, làm người ta dễ mất nhân cách ; đói đẩy con người đến trộm cắp, lừa đảo, ăn gian nói dối. Nói chung, đói là tai hoạ của thân xác, là tình trạng khốn nạn của một con người không có điều kiện vật chất để sống như con người phải sống. Và anh rụng rời sợ hãi cái khốn nạn tột cùng của con người phải chết vì đói.  
Cũng chính vì rụng rời sợ hãi cái đói của thân xác đang đe doạ sự sống, mà anh đã quyết định lên đường trở về với cha mình. Hình ảnh hồi tâm và quyết định trở về từ khi lâm cảnh túng thiếu, phải đi ở đợ của người con thứ hoang đàng đã nói lên một sự thật rất thật, đó là không thiếu những người tội lỗi đã trở về với Thiên Chúa của lòng thương xót do bởikhởi đi từ một tình cảnh đáng thương của thân xác như bệnh tật, nghèo túng, bị mất việc, vợ con nheo nhóc bữa đói bữa no, bị chủ nợ săn lùng đêm ngày, bị bồ đá, vợ bỏ, bị xã hội dồn vào đường cùng, ngõ bí…, và từ đó, họ đã gặp được Thiên Chúa của lòng xót thương ra đón họ ở đầu ngõ, trên đường họ trở về, để không chỉ cho họ được ăn no, được mặc áo mới, được đeo nhẫn đẹp, được thơm tho, duyên dáng, mà còn cho họ khám phá ra  tình cha nhân hậu của Thiên Chúa và hạnh phúc được làm con Thiên Chúa của họ, như người con hoang đàng đã nhận ra địa vị làm con vô cùng cao qúy của mình khi anh thưa với cha : Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, con chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. (Lc 15,21). Nhưng anh đã lầm, vì chưa bao giờ cha có ý lấy đi địa vị làm con của anh, dù anh đã làm đủ chuyện tồi tệ, xấu xa. Và hơn những gì anh mường tượng trước khi trở về, khi anh còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để (Lc 15,20)  
Cũng như người con thứ, rất nhiều người đã trở về từ hoàn cảnh thê lương, bết bát, ở đó không còn ai thông cảm, sẻ chia, không còn người thân, bạn bè nâng đỡ, an ủi đã chợt nhớ ra mình còn một nơi nương tựa, một chỗ náu thân, một tình yêu trung tín đến cùng, một Thiên Chúa là Cha nhân hậu và quyền năng vô cùng luôn thương nhớ và chờ đón bước chân con trở về với tình cha bao dung, thương xót.       
Vì thế, chúng ta hãy biết từ tâm để đặt mình vào cơn đau bàng hoàng, khủng khiếp của  người cha trẻ, của người mẹ  mới sinh con đầu lòng, của chàng sinh viên vừa tốt nghiệp trước tin sét đánh ung thư giai đọan cuối ; hãy nhân hậu để hiểu hơn những đau đớn kinh hoàng của thân xác sau những cơn ho cháy phổi, những sáng sớm xất bất xang bang chạy tiền tạm ứng cho bệnh viện để cứu đứa con tám tuổi bị tai nạn giao thông trên đường đi học, những té ngã, ngất xỉu vì bất lực trước cái chết gần kề của đứa con duy nhất trong cơn bạo bệnh ; hãy tập biết chạnh lòng thương cảm nỗi nhục bẽ bàng khi người mẹ góa bụa nghèo khó bị chủ nợ cầm cây rượt đánh giữa chợ, để đừng bắt ai phải đến với Thiên Chúa của lòng thương xót với một lý trí tượng đồng, trong một thân xác vô cảm để chỉ xin Chúa một điều duy nhất là vác thánh giá cho nên, mà không được khóc lóc van xin Ngài chữa lành bệnh tật, không được sấp mình năn nỉ xin Ngài cứu sống, không được thút thít khẩn khoản Ngài ban cho một bàn tay ân nhân giúp đỡ, bởi ngoài Thiên Chúa, trong cơn khốn quẫn đe doạ sự sống của thân xác, họ biết chạy đến ai có thể cứu họ, biết tìm ai thắp sáng ngọn nến hy vọng được cứu sống ?  
Nếu người con hoang đàng đã vì sắp chết đói mà trở về, và đã nhận ra tình xót thương vô bờ bến của cha mình, khi thấy cha chạy ra ôm cổ anh mà hôn lấy hôn để, thì rất nhiều người trong chúng ta cũng chỉ nhận ra tình thương và lòng bao dung, nhân hậu của Thiên Chúa, sau khi đã chạy đến nài xin Ngài chữa bệnh thân xác, và khẩn khoản Ngài cứu khỏi những hoàn cảnh bế tắc, éo le, nghiệt ngã của đời thường.  Nếu vì  khốn cùng, khốn quẫn, khốn nạn phần xác mà ta  chạy đến với lòng  thương xót, thì cũng từ bước đầu với lời cầu xin các ơn phần xác này, Thiên Chúa sẽ cho ta nhận ra ơn làm con cái Ngài, là hạnh phúc thiêng liêng, đích thực của đời chúng ta, như bao nhiêu người trong Tin Mừng đã nhận ra ơn làm con Thiên Chúa sau khi đã được Đức Giêsu chữa các bệnh tật trên thân xác. Đàng khác, chúng ta làm người có hồn có xác, như Đức Giêsu xuống thế  làm người có xác có hồn, nên ngượng ngùng, ngần ngại xin Chúa ban ơn phần xác, hay khó chịu khi thấy người khác chạy đến lòng thương xót để xin ơn chữa lành bệnh tật phần xác thiết tưởng là điều không hợp lý chút nào ; chưa kể Thiên Chúa muốn chúng ta đến với Ngài với tất cả thiếu thốn của con người toàn diện, toàn phần ; như con thơ đến với mẹ hiền, như tội nhân với linh hồn loang lổ và thân xác te tua đến với Đấng Cứu Độ, nên chẳng có gì được coi là cấm kỵ, chẳng có yếu đuối, tật nguyền  hồn xác nào bị coi là không được phép thân thưa, hoặc cấm không được nài xin Ngài thi ân giáng phúc, băng bó, chữa lành.
Thực vậy, có ở vào hoàn cảnh khốn khó, khốn khổ, bị mọi người khinh bỉ, xa lánh của người bị phong hủi, chúng ta mới thông cảm sự liều lĩnh khi anh bất chấp đám đông chạy lại sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà nài xin : Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch (Lc 5,12) ; có thương cảm cảnh tù túng, và mặc cảm lệ thuộc, làm phiền mọi người của người bị bại liệt lâu năm nằm trên giường, chúng ta mới hiểu tại sao người nhà của anh vì thương anh đã dám liều dỡ ngói trên mái nhà để thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giêsu (Lc 5,21) để được Ngài cứu chữa, vì qúa đông người, không tìm được lối đem người ấy vào ; có bị ung thư, viêm gan, sưng phổi, đái tháo đường, huyết áp cao, tay chân run rẩy, nhồi máu cơ tim, nhiễm HIV, chúng ta mới hiểu niềm hy vọng của những người  đau yếu, mắc đủ thứ bệnh, mặc dù mặt trời đã lặn, mà vẫn nườm nượp tìm đến Đức Giêsu để xin Ngài đặt tay chữa lành (x. Lc 4,40), và mới lý giải được hiện tượng đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được Người chữa bệnh (Lc 515) ; có mắc bệnh nan y lâu năm, đi đủ thầy, chạy đủ thuốc mà vẫn không thuyên giảm như người đàn bà bị băng huyết suốt mười hai năm và không ai có thể chữa được, chúng ta mới hiểu được lòng tin đơn sơ nhưng sắt đá của bà, khi bà tiến về phiá sau Đức Giêsu và sờ vào tua áo của Ngài. Bà tưởng không ai biết, nhưng chính Đức Giêsu phát hiện có người đã sờ vào áo Ngài với niềm tin rất mạnh, khi Ngài nói : Có người đã đụng vào Thầy, vì Thầy biết có một năng lực tự nơi Thầy phát ra (Lc 8,46), và bà đã được chữa lành với lời khen của Đấng đã thương xót chữa bà khỏi bệnh: Lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy đi bình an (Lc 8,48) ; có ở vào hoàn cảnh của người cha chỉ có một đứa con duy nhất, thế mà cháu lại bị kinh phong, bị ma qủy nhập vào hành hạ, vật lên vật xuống, đến nhừ tử, sùi cả bọt mép (x. Lc 9, 38-39), chúng ta mới cảm được nỗi lòng của người cha bất chấp đám đông len lỏi đến trước mặt Đức Giêsu và  thảng thốt kêu lên : Lạy Thầy, tôi xin Thầy đoái nhìn đứa con trai tôi, vì tôi chỉ có một mình cháu (Lc 9,38).
Vì thế, chúng ta không nên lên án những người đến xin Chúa ơn chữa lành bệnh thân xác là những người mê tín, không có đức tin, không hiểu lòng thương xót, hoặc làm sai lạc lòng thương xót Chúa. Chúng ta cũng đừng quên, ngày phán xét, Thiên Chúa sẽ kể ra một danh sách những khốn nạn, khốn khổ trên thân xác của con người như đói khát, trần truồng, đau yếu, ngồi tù … và hỏi mỗi người chúng ta về những gì chúng ta đã làm cho những người anh em  mang những vết thương đau đớn trên thân xác này (x. Mt 25,31-46). Và một điều rất quan trọng là tất cả những người nhận được ơn chữa lành phần xác đều đã nhận ra Đức Giêsu Kitô là Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa, và qua ơn chữa lành bệnh tật phần xác, mọi người đều kinh ngạc  trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa (Lc 9,43), và tôn vinh Thiên Chúa (Lc 13,13).
2.   Đích tới của hành trình trở về là nhận ra Cha mình giầu có, nhân hậu, bao la  lòng thương xót (Lc 15, 20-24) :  
Hành trình sống lòng thương xót của Thiên Chúa phải hướng chúng ta đến mục tiêu : nhận ra Thiên Chúa là Cha nhân hậu, giầu lòng thương xót. Đây là điều chúng ta không được sao nhãng, bỏ quên.  
Trong dụ ngôn người cha nhân hậu, người con thứ đã không nhận ra mình có một người cha nhân hậu, nên đã cảm thấy mái ấm là nhà tù, nhà cha là địa ngục, tình cha là xiềng xích trói buộc. Vì thế, anh đã đòi chia gia tài và bỏ cha, bỏ nhà đi hoang. Bởi không nhận ra cha mình là người cha tuyệt vời và tháng ngày ở bên cha, trong nhà cha, dưới bóng cha là hạnh phúc vô cùng lớn, nên anh đã lạnh lùng yêu cầu cha chia của, và ngang nhiên bỏ nhà đi (Lc 15,11-13). Rồi suốt năm tháng đi hoang, anh đã không một lần nghĩ đến cha, cho đến khi túng quẫn, thiếu thốn cùng cực, phải ở đợ nhục nhã, và đói rã họng, đến cám heo mà không được ăn no, anh mới nảy sinh ý định trở về để khỏi chết đói. Anh trở về  hoàn toàn không vì nhớ thương cha già ở quê nhà vò võ ra đầu làng mỗi chiều ngóng tin anh, nhưng trở về để được ăn no như những  người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa (Lc 15,17), và chỉ khi thấy cha già tiều tụy, mắt ngấn lệ vui mừng vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy (Lc 15,24), đã chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh và hôn lấy hôn để khi anh  còn ở đằng xa (Lc 15,20), thì người con thứ hoang đàng mới chợt tỉnh cơn mê hoang đàng, bất hiếu, mà nhận ra mình là con của một người cha rất bao dung, nhân hậu, và khám phá ra hạnh phúc được làm con của người cha trên cả tuyệt vời này.
Anh con trai thứ đã đứng lên từ khởi điểm của thiếu thốn vật chất, đã lên đường trở về từ  khốn nạn của một thân xác đói rách, tiều tụy, bệ rạc, và đã đạt được mục tiêu của đường về là nhận ra mình là người con được thương xót, thứ tha, được phục hồi quyền làm con, được chung phần gia nghiệp và hạnh phúc của cha khi được cha ôm chặt và hôn lấy hôn để. Như thế, anh đã thành công vì đã nhận ra tình cha bao la, ơn cha hải hà, và hạnh phúc tuyệt vời được làm con cha, và từ nay mãi mãi ở trong nhà cha.
Người con trai lớn, tuy không hoang đàng, nghiã là được tiếng rất ngoan và hiếu thảo, vì luôn ở bên cha, trong nhà cha, phụng dưỡng cha, nhưng có một điều rất lạ, mà không ai ngờ, đó là anh cũng như em trai, không nhận ra cha mình là người cha nhân hậu, cũng không cảm thấy hạnh phúc được làm con của cha. Bằng chứng là không rời cha một bước, không vắng cha một ngày, nhưng anh không biết tất cả những gì cha anh có là anh có, vì tất cả những gì của cha đều là của con (Lc 15, 31), như cha anh nói với anh, khi anh giận dỗi, tị nạnh : Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con  hầu hạ cha,và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con trai của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng ! (Lc 15,29-30).
Thế ra ở với cha bấy lâu, mà anh con trai cả vẫn không nhận ra cha mình nhân hậu ; sống sung túc trong cơ nghiệp có người ăn kẻ làm của cha, mà anh vẫn chưa nhận ra  sự giầu có, và lòng quảng đại của cha ; toàn quyền trên của cải trong nhà cha, mà anh vẫn tưởng mình bị o ép, xử tệ, hà hiếp bất công. Tóm lại, anh không thiếu ăn thiếu mặc như người em trai khi lâm cảnh túng thiếu, nhưng anh thiếu  điều rất quan trọng, thiếu đòi hỏi quan trọng nhất để được hạnh phúc, đó là nhận ra cha mình nhân hậu và hạnh phúc được làm con của cha. Sở dĩ anh tị nạnh, bực tức, giận dỗi bỏ ra ngoài, không thèm dự tiệc mừng em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy (Lc 15,32), như cha nói với anh bằng niềm vui vỡ toang trong trái tim đang mở hội của ông, là vì anh không nhận ra địa vị và vinh dự làm con của cha mình, một người cha tuyệt vời nhân hậu, giầu lòng thương xót con cái mình và càng không nhận ra người em tưởng đã chết nay sống lại, tưởng đã mất nay lại tìm thấy đích thực là em mình. Tính ích kỷ, lòng ganh ghét, ghen tuông đã đào hầm hồ, đặt chướng ngại trên đường về để đường về gặp gỡ cha và em của anh con cả mỗi ngày một xa hơn, và diệu vợi, trắc trở.   
Cuối cùng, cả hai anh em đều giống nhau vì không ai đã nhận ra cha mình tuyệt vời nhân hậu và hạnh phúc được làm con cha. Nếu người em đã bỏ phí thời gian ở bên cha, và bỏ nhà đi hoang vì không nhận ra cha mình nhân hậu, thì người anh cũng bỏ phí những năm tháng ở bên cha, ngay trong nhà  cha, được tình cha bao phủ đêm ngày, được ơn cha gìn giữ an toàn, không mảy may nguy hiểm, không một ngày đói rách, mà không hề  biết cha mình bao dung, nhân hậu, quảng đại, giầu có. Bi kịch của cả hai anh em là không biết gì về cha mình, không nhận ra cha mình, không nhận ra mình là con cha, nên cả hai đều chung nỗi bất hạnh, vì không đạt tới mục tiêu cuối cùng của hành trình đời người : nhận ra Thiên Chúa là Đấng từ bi, nhân hậu và chúng ta là con cái  được thương xót của Ngài. Cũng may là cả hai đã được lòng thương xót của Cha mở mắt ở cuối hành trình !
     Như thế, lòng thương xót chỉ được giải thích trong hướng nhìn của Đức Giêsu khi Ngài mặc khải cho người con thứ hoang đàng  dung mạo thương xót của Cha, và hạnh phúc được làm con Cha, khi anh trở về  xin được Cha chữa lành vết thương thân xác ; cũng như đánh thức  người con cả, tuy  được tiếng là con ngoan vì không đi hoang, phung phá, nhưng trái tim anh hoang vắng, vì đã không ấp ủ ơn cha hải hà ; trái tim anh lạnh lùng, vì không ăm ắp hình bóng cha yêu thương, nhân hậu ; trái tim anh ích kỷ chai đá, vì  thiếu nồng nàn, rạo rực tình cha bao dung, thương xót, và tình huynh đệ của con cái cùng một cha.
Để khép lại chia sẻ, chúng ta có thể nói : bất cứ giải thích nào về lòng thương xót Chúa không nhắm đến con người toàn diện, mà đòi phân thây xẻ hồn con người hầu biện minh cho quan điểm thuần lý trí nào đó sẽ vấp phải duy nhất tính của con người là hữu thể gồm hồn và xác, như Đức Giêsu Thiên Chúa làm người có xác và hồn. Lòng thương xót Chúa còn phải được hiểu là chính Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu thương xót, như thánh Gioan đã khẳng định (x. 1 Ga 4,8), nên không thể hiểu lòng thương xót như một phụ thể của Thiên Chúa, để có thể tách rời khỏi Thiên Chúa khi cần. Sau cùng, và cũng là điều rất quan trọng, đó là tất cả mọi người đều bơi lội suốt đời mình trong đại dương thương xót bao la của Thiên Chúa, Cha chúng ta, ngay cả khi chúng ta ngỗ nghịch, phản bội, tự ý bỏ Chúa như người con thứ. Tuy cuộc đời anh có nhiều giai đọan được đánh dấu bằng nhiều thái độ khác nhau đối với Cha, nhưng tình Cha vẫn không đổi dời, ơn Cha vẫn không giảm bớt ; trái lại, tình ấy vẫn tràn đầy thương xót, ơn ấy vẫn đời đời  bao phủ, vì Cha là Thiên Chúa trung tín và vô cùng khoan  dung, nhân hậu. Với người anh cả cũng vậy, tuy ở bên Cha, nhưng lòng xa lắc xa lơ. Anh tưởng mình có hiếu và yêu Cha lắm, nhưng rốt cuộc, cũng không hơn gì người em hoang đàng bất hiếu, bỏ nhà đi hoang. Nhưng dù thế nào thì Cha cũng vẫn yêu anh trọn vẹn, khi qủa quyết : Tất cả những gì của cha đều là của con (Lc 15,31).
Xin cho chúng con hiểu : đường đến với lòng thương xót chính là đường đến với Chúa, đường vào  trái tim Chúa, để Chúa ở đâu, thì con xin được ở đó với Chúa (x. Ga17,24), để tất cả những gì của Cha đều là của con (Lc 15,31), để không sự gì có thể tách chúng con ra khỏi tình yêu Chúa (x. Rm 8,39), và để con sống nhưng không phải con sống, mà chính Chúa sống trong con (Gl 2,20), bởi chỉ khi đứng dậy, lên đường về với lòng thương xót, trở về với Thiên Chúa là Cha giầu lòng xót thương như người con thứ, và cũng như người anh cả chợt nhận ra mình còn xa Cha lắm để  cũng hồi tâm và lên đường trở về với Cha dù ở ngay bên Cha,  chúng ta mới hiểu được bao la của tình Chúa thương xót, và hạnh phúc được Thiên Chúa  mời gọi làm con yêu dấu của Ngài.
Vâng, chỉ duy nhất một con đường dẫn chúng ta đến gặp Chúa, Đấng từ bi, nhân hậu, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung là con đường trở về : trở về với lòng mình để nhận ra mình còn xa Chúa, trở về với anh em để thấy mình cũng cần được xót thương như anh em đang cần được thương xót. Chính trên con đường Trở Về này, Thiên Chúa từ đằng xa sẽ thấy chúng ta như người cha nhân hậu đã thấy con trai mình khi anh ta còn ở đằng xa. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta mà hôn lấy hôn để. Và như người con trên đường trở về đã mạnh dạn thú tội : Thưa Cha, con thật đắc tội với Trời và với Cha, con chẳng còn đáng gọi là con cha nữa, chúng ta sẽ nhận được hạnh phúc bất ngờ  khi Thiên Chúa trả lại cho chúng ta tất cả những gì chúng ta đã tự đánh mất, khi Ngài cho gia nhân đem áo đẹp nhất, nhẫn qúy nhất, dép sang nhất trang điểm cho ta, và mở tiệc ăn mừng vì chúng ta đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy, nhờ lòng thương xót bao la vô cùng của Thiên Chúa, Cha chúng ta, Đấng không chịu mất một người con nào, nhưng đi tìm cho kỳ được (Lc 15, 4.8).
Jorathe Nắng Tím       

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 21 Thường Niên, Năm C (Lc 13,22-30)

Tin Mừng hôm nay đặt thẳng vấn đề với người Do Thái về vị thế dân riêng mà bấy lâu họ hãnh diện, tự mãn và thái độ Đức Giêsu cảnh báo họ phải có, nếu muốn được vào Nứơc Trời.
Bối cảnh của câu chuyện là trên đường về Giêrusalem, thành thánh của người Do Thái, người ta hỏi  Đức Giêsu về số lượng người sẽ được vào Nước Trời : Thưa Thầy, những người được cứu thoát thì ít, có phải không ? (Lc 13,23). Thay vì trả lời thẳng câu hỏi bằng cho ra một con số, hay phần trăm những người được cứu độ, thì Đức Giêsu đã trả lời : Hãy chiến đấu để qua đươc cửa hẹp mà vào (Lc 13, 24).
 Trả lời như thế, Đức Giêsu từ chối một con số định sẵn, một phần trăm giới hạn những người được cứu rỗi. Trái lại, Ngài đã gián tiếp khẳng định : Nước Trời không bao giờ thiếu chỗ, vì tất cả mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương mời gọi vào Nước Trời. Khẳng định này được công khai và trực tiếp ngay sau đó ở câu 29 : Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. (Lc 13,29), và phúc cho ai đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa (Lc 14,15).
Qủa quyết Nước Thiên Chúa mở ra mời đón mọi người, Đức Giêsu chỉ cho mọi người con đường để vào Nước Trời : con đường qua cửa hẹp.
Cửa hẹp là cửa nhỏ bên cạnh cửa lớn khi vào Giêrusalem. Cửa lớn vì rộng lớn, nên ra vào dễ dàng với hnàh lý cồng kềnh, của cải mang theo, nhưng khi cửa lớn đóng lại, vì hết giờ mở cửa, thì cửa hẹp, cửa nhỏ là cửa phải đi ngang qua để vào. Đặc điểm của cửa nhỏ  này là hẹp : người ta không thể mang theo hành lý cồng kềnh, vì rất hẹp, chỉ vừa  đủ để lách mình lọt vào.
Kêu gọi mỗi người hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào, Đức Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta phải qủa cảm chiến đấu với lòng tham vô đáy, để từ bỏ của cải vật chất bất chính, vì cửa vào Nước Trời hẹp,  không cho phép mang theo những hành trang cồng kềnh này ; Chúa nhắc chúng ta phải kiên cường  chiến đấu với lửa háo danh lúc nào cũng hừng hực ngút trời, vì cửa Thiên Đàng hẹp, không đón tiếp những người đầy danh vọng vĩ đại, hoành tráng ; Chúa kêu gọi chúng ta phải nhẫn nại chiến đấu với cái tôi ích kỷ luôn tự mãn, tự phụ, tự kiêu, tự tác, vì cửa Nước Thiên Chúa hẹp, không đủ cao, rộng để đón vào những nhân vật quan trọng bệ vệ với mũ mão, cân đai, áo xống ; Chúa bảo chúng ta phải nằm gai nếm mật chiến đấu với thói hãnh tiến, trich thượng, chảnh choẹ , cao ngạo cho mình là người được tuyển chọn, thánh hiến, qúy chức, lãnh đạo, dân riêng để phân biệt kỳ thị, coi thường người thấp cổ bé miệng , không tiếng nói, tẩy chay những người không đứng chung hàng ngũ với chúng ta, vì cửa Nước Trời hẹp, không cho phép chúng ta vừa vào vừa dao to búa lớn inh ỏi hô háo, biểu dương lực lượng ; Chúa cũng dậy chúng ta phải gan lì chiến đấu với tính háo thắng, vì cửa Nước Thiên Chúa hẹp, không thể vào với đoàn tùy tùng đếm không hết tiền hô hậu ủng, với ngựa xe như nước, áo quần như nêm.
Và người Do Thái hôm ấy đã trở thành đối tượng bị Đức Giêsu cảnh báo những cản trở để vào Nước Trời, và những khó khăn trên đường về Nước Thiên Chúa, khi Thiên Chúa sẽ nói với họ : Ta không biết các ngươi từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính ! (Lc 13,27), bởi muôn dân sẽ được ở trrong Nước Thiên Chúa, còn họ lại bị đuổi ra ngoài (x. Lc 13,28) ; bởi Nước Thiên Chúa sẽ chỉ dành cho những người bé nhỏ, và từ chối những ai kiêu căng,  không cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa.
Đức Giêsu đã thẳng thắn cảnh cáo thái độ không xứng hợp với Nước Trời của số đông người Do Thái lúc bấy giờ, và công khai cho họ biết : tuy họ là những người được chọn, đang đứng hàng đầu, đứng đầu sổ, ngồi hàng ghế trước, nhưng coi chừng : có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót (Lc 13,30).
Qủa thực, tất cả chúng ta đều phải đi qua cửa hẹp để vào Nước Trời, và cửa hẹp là cửa chỉ dành cho trẻ nhỏ, vì nhỏ mới vào được, bé mới lọt qua : nhỏ bé như con thơ trước mặt Thiên Chúa là Cha, bé như trẻ thơ : chẳng tham lam, tích trữ, tìm kiếm danh vọng, quyền hành, thế lực, ảnh hưởng gì, nhưng ngây thơ, non dại, chỉ biết tín thác ở cha mẹ mình ; nhỏ như em bé nên chẳng toan tính, mưu đồ , manh động làm hại ai, nhưng chân thật, hiền lành, khiêm tốn ; và vì là trẻ nhỏ, chúng ta mới được chọn làm ứng viên của Nước Trời, như Đức Giêsu đã qủa quyết : Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không trở nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai, tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời (Mt 18,3-4).  
Xin Chúa cho chúng con mỗi lần nhắc đến phải qua Cửa Hẹp để vào  Nước Trời, liền nhớ ngay bổn phận phải trở nên như Trẻ Nhỏ như Chúa đã ân cần căn dặn để chắc chắn được ở với Chúa đời đời.  

Jorathe Nắng Tím         

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2019

LỬA CỦA THÁNH THẦN TÌNH YÊU

                                                            
                                   
      Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 20 Thường Niên, Năm C
  Tin Mừng chúa nhật này đặt ra cho chúng ta nhiều vấn nạn với hai điều Đức Giêsu công bố :
Thầy đã đem lửa vào thế gian và Thầy ước mong phải chi lửa ấy  đã bùng lên ! (Lc 12,49), và Anh em tưởng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao ? Thầy bảo cho anh em biết : không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba (Lc 12,51-52).
   
    Trong Kinh Thánh, lửa biểu tượng sự phán xét, trừng phạt, thiêu hủy như Đức Chúa làm mưa diêm sinh và lửa  từ trời xuống Xôđôm và Gômôra. Ngưòi phá đổ các thành ấy và cả Vùng, cùng với toàn thể dân cư các thành ấy và cây cỏ trên đất (St 19,24-25). Thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu thành Thêxalônica lửa báo oán của Thiên Chúa trong ngày Đức Giêsu trở lại : Việc ấy sẽ xẩy ra, khi Đức Giêsu từ trời xuất hiện cùng với các thiên thần hùng mạnh của Người, trong ngon lửa cháy bừng, để báo oán những kẻ không chịu nhận biết Thiên Chúa (2 Tx 1,7- 8). Điều này cùng nghiã với lửa của hoả ngục trong Tin Mừng Mátthêu : Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa ; ở đó chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng (Mt 13,41-42).
       Lửa còn để thanh luyện, thử nghiệm, như công việc của mỗi người sẽ được phơi bầy ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa ; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu hủy, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa (1 Cr 3,13-15).
      Lửa cũng biểu  tượng sự hiện diện của Thiên Chúa : Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Môsê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. Ông tự bảo : « Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được. Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông : Môsê ! Môsê ! Ông thưa : Dạ, tôi đây ! (Xh 3,2-4), hoặc như Cả núi Xinai nghi ngút khói, vì Đức Chúa ngự trong đám lửa mà xuống ; khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh (Xh 19,18). Lửa còn biểu tượng sự hiện diện của Lời Thiên Chúa như ngôn sứ Giêrêmia tự thú : Có lần con tự nhủ : Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa. Nhưng Lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt (G 20,9)
     Lửa còn là biểu tượng sự hiện diện và  sức mạnh thánh hoá của Chúa Thánh Thần như Công Vụ các Tông Đồ đã kể lại : Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi ngưéơi đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho (Cv 2,1-4). Và lửa Thánh Thần này chính là lửa mà Gioan Tẩy Giả đã loan báo : Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa (Lc 3,16-17).
         Vâng, lửa mà Đức Giêsu muốn làm cháy bùng lên, chính là lửa của Chúa Thánh Thần : lửa nghe trong mình nung nấu tự tâm can, càng nghĩ ngợi, lửa càng bừng cháy, miệng lưỡi tôi phải thốt nên lời: Lạy Chúa, xin dạy cho con biết : đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế (Tv 39,4-5), để biết đặt niềm hy vọng vào một mình Thiên Chúa, để biết kêu cứu một mình Ngài ; để duy nhất mình Ngài suốt đời tôi phụng thờ, yêu mến.
      Vâng, lửa mà Đức Giêsu đã muốn được cháy bùng lên trong thế giới này là lửa Tình Yêu của Chúa Thánh Thần, mà sách Diễm Ca đã hết lời diễn tả : Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần, cơn đam mê dữ dội như âm phủ. Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy, một ngọn lửa thần thiêng. Nước lũ không giập tắt được tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp (Dc 8,6-7). Đó cũng là lửa bác ái, lửa của đức mến mà thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Côrintô :
    Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe, xoang xỏang. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi  dời non, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tư đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất (1 Cr 13,1-8), và hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến (1 Cr 13,13).
     Như thế, Đức Giêsu công khai cho chúng ta biết : Lửa mà Ngài muốn làm bùng lên, muốn mỗi người chúng ta tiếp tay với Ngài làm bùng lên  mãi mãi, cho đến tận thế, tận chân trời góc biển trong trái tim mọi người, đó là lửa Tình Yêu, bởi chính Ngài là Tình yêu. Chính Ngài đã xin Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa đến trong thế giới để làm bùng lên Tình Yêu Thiên Chúa cho hết mọi người được yêu thương và cứu độ. Chẳng thế mà thánh Phaolô đã nghiêm nghị nhắc bảo chúng ta : Anh em đừng dập tắt Thần Khí (1 Tx 5,19). Đừng dập tắt Thần Khí tức đừng dập tắt Lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần trong chúng ta và cũng đừng dập tắt Lửa Thần Khí ấy nơi người khác, điều mà chúng ta rất thường lỗi phạm vì ích kỷ, ganh ghét, ghen tương khi thấy người khác làm tốt, làm giỏi hơn chúng ta.
   Và nếu Đức Giêsu đã qủa quyết lửa mà Ngài muốn làm bùng lên trong thế giới chính là Lửa của Thánh Thần Tình Yêu, thì nguyên nhân phát sinh chia rẽ giữa cha mẹ, con cái, anh chị em, bà con, lối xóm, cũng như giữa các quốc gia cũng chính là sự bất đồng trước ước mong cho Lửa ấy bùng lên của Đức Giêsu, khi  trong cùng một gia đnìh, có người chấp nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa Tình Yêu, có người khước từ, phủ nhận ; khi trong một thôn xóm, có gia đình ủng hộ giáo lý yêu thương của Đức Giêsu, nhưng có gia đình khác kịch liệt lên án, chống lại.
    Thực vậy, Tin Mừng Yêu Thương của Đức Giêsu đã trở thành cớ chia rẽ nhiều người, nguyên nhân đưa đến bất đồng, lý do làm người ta xa cách, tẩy chay nhau, như chúng ta thấy trong thế giới hôm nay, khi Giáo Hội của Đức Giêsu không ngừng bị bôi nhọ, phỉ báng, tấn công, truy diệt. Qủa đúng như lời tiên tri của cụ già Simêon đã nói về Đức Giêsu, khi cha mẹ Ngài ẵm Ngài lên Đền Thờ Giêrusalem tiến dâng cho Thiên Chúa : Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng ; và như vậy những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà (Lc 3,34-35).  
   Vâng, Thiên Chúa tôn trọng quyền tự do của mỗi người. Chính vì thế, sẽ có những  người đón nhận Lửa của Thần Khí và cùng Thần Khí làm bừng cháy Lửa Tình Yêu và Cứu Độ của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng đã mang lửa xuống thế gian để thanh luyện và cứu thế gian,  nhưng cũng không thiếu những người từ chối và tìm dập tắt Lửa ấy.
      Còn chúng ta, chúng ta sẽ có thái độ nào trước ước muốn cháy bỏng : Phải chi lửa ấy đã bùng lên ! của Đức Giêsu (Lc 12,49), và lời mời gọi của Chúa Thánh Thần, Lửa Tình Yêu của Thiên Chúa ?   

     Jorathe Nắng Tím