Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

LỜI HỨA HY VỌNG


Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV, MÙA VỌNG, Năm A
Lời Hứa luôn đi với Hy Vọng, bởi khi hứa với ai điều gì, ta dự phóng thực hiện Lời Hứa ấy trong tương lai, nên phải có niềm hy vọng thực hiện Lời Hứa ; cũng như người được hứa luôn mong mỏi, đợi chờ Lời Hứa với niềm hy vọng Lời Hứa sẽ được trọn vẹn và tốt đẹp thực hiện.
Vì thế khi hứa mà không hy vọng thực hiện được lời hứa, người ta trở thành người hứa hão, hứa lèo, hứa xạo, hứa tào lao, hứa ba láp, tàm xàm, hứa cho sướng miệng, hứa cho yên chuyện, hứa cho người ta vui, hứa để lừa đảo, hứa để lợi dụng, nên hứa mà không biết mình hứa gì, hứa mà không hy vọng thực hiện được lời hứa, người ta không chỉ coi thường giá trị của lời hứa, mà còn tự hạ thấp giá trị giá trị của chính mình, khi biến mình thành người không đáng tin, kẻ lừa dối. 
Qủa thực, người hứa mà không làm, hứa mà không giữ lời hứa, hay hứa một điều, một việc vượt qúa khả năng, nói tắt, hứa mà không hy vọng, hứa mà trong tay không mảy may khả thể đạt hiệu qủa lời hứa thì đều gây thiệt hại cho người được hứa, khi làm họ vỡ mộng, hụt hẫng, chao đảo, thất bại, có khi mất hết cả danh dự, gia đình, sự nghiệp, tương lai vì đặt hết niềm tin, hy vọng vào những lời hứa không bao giờ được thực hiện.
Cuộc đời đã đặt chúng ta không nhiều thì ít trước những đau khổ khi bị người khác cho leo cây, lật kèo : họ hứa mà không làm, hứa mà không giữ, kể cả thề non hẹn biển mà cũng cao bay xa chạy, quất ngựa truy phong bỏ quên lời thề, xóa sạch lời hứa. Và có thể chính chúng ta cũng đã đặt người khác vào tình huống bẽ bàng, cười ra nước mắt, nuốt lệ vào trong khi làm họ thất vọng, bởi hứa mà không làm, hoặc vội hứa, mau quên, nhất là khi chúng ta là kẻ có chức quyền dễ  bị cám dỗ coi thường và không trọng lời hứa đối với người thuộc cấp, và những ai thua kém mình.
Tin Mừng Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng đưa chúng ta vào bầu khí hy vọng của Lời Hứa, không phải lời hứa nửa đáng tin nửa đáng ngờ của con người hứa với nhau, nhưng là Lời Hứa trăm phần trăm chắc chắn, vì là Lời Hứa tràn đầy hy vọng của chính Thiên Chúa.
Kinh Thánh đã cho thấy Lời Hứa cứu độ tràn đầy hy vọng của Thiên Chúa đã được hứa với ông bà nguyên tổ ngay sau khi ông bà phạm tội, khi Thiên Chúa tuyên phạt Rắn độc Satan : Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy ; dòng giống ấy sẽ đạp giập đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót chân nó (St 3,15). Và dọc lịch sử dân riêng của Thiên Chúa, các ngôn sứ, trong đó có ngôn sứ Isaia đã nói với nhà Đavít về người đàn bà này : Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu : Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel (Is 7,14).   
Tin Mừng Luca đặt chúng ta trong bối cảnh của những ngày Lời Hứa sắp được thực hiện trong lịch sử cứu độ, một bối cảnh hết sức đặc biệt làm nổi bật niềm hy vọng của những con người tuyệt đối tin tưởng vào Lời Hứa.
Trước nghịch lý vợ mình có thai trước khi hai ông bà về chung sống (Lc 1,18), thánh Giuse đã phải gồng mình vượt qua thử thách, để niềm hy vọng vào Lời Hứa của Thiên Chúa đến cứu dân Ngài không bị lay chuyển, bằng chứng là thánh Giuse đã chọn giải pháp của người chồng yêu thương vợ mình vô cùng và đến cùng, khi âm thầm chịu đựng tất cả, và kín đáo ra đi (x. Lc 1,19).
Đức Maria cũng không khác gì chồng mình, khi thách đố đặt trọn niềm hy vọng vào Lời Hứa cứu độ lên cao tột điểm : đồng trinh mà có thai, không biết đến người nam mà làm mẹ, thôn nữ bé nhỏ, vô danh tiểu tốt mà làm thân mẫu Đấng Cứu Thế (x. Lc 1,26-38), nhất là Mẹ thừa biết nỗi đau khổ của thánh Giuse, bạn mình khi thấy mình có thai.
Cả hai vị đều bị đặt vào chính tâm bão của cuồng phong nghịch lý khủng khiếp nhất, mà chỉ có những tâm hồn tuyệt đối  hy vọng vào Lời Hứa của Thiên Chúa, hy vọng vào quyền năng của Chúa Thánh Thần, hy vọng vào công trình cứu chuộc nhân loại đã được Thiên Chúa hứa qua miệng các ngôn sứ của Ngài : Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghiã là Thiên Chúa - ở - cùng - chúng ta (Lc 1,23) mới có thể đứng vững, ngẩng cao đầu, và khiêm tốn, can đảm xin vâng như lời thiên sứ truyền dậy (Lc 1,38).
Thực vậy, Lời Hứa của Thiên Chúa hầu như đều đặt con người được hứa vào một tình huống khó hiểu, khó lý giải, nếu không muốn nói là nghịch lý, và luôn đòi con người đặt trọn ven niềm hy vọng vào Lời Hứa trung tín ấy.
Ápraham được Thiên Chúa hứa cho làm tổ phụ một dân riêng đông đảo khi Ngài nói với ông : Hãy ngước mắt lên trời và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không ?, và Dòng dõi của ngươi sẽ như thế đó ! (St 15,5-6), trong khi ông đã già, vợ ông cũng chẳng trẻ hơn ông, và ông bà không có con nối dõi. Chẳng thế mà khi nghe Thiên Chúa hứa cho vợ ông là Xara có thai và sinh con nối dõi, Ông Ápraham đã cúi rạp xuống ; ông cười và nghĩ bụng : Đàn ông trăm tuổi mà có con được sao ? Còn bà Xara đã chín mươi tuổi mà sinh đẻ được sao ? (St 18,17).
Môsê được Thiên Chúa chọn làm nhà giải phóng Ítraen, và được giao sứ mệnh đưa dân ra khỏi Ai cập (x. Xh 3,7-10) trong một hoàn cảnh đầy nghịch lý : ông phải đến gặp Pharaô, vua Ai Cập để thuyết phục Pharaô trả tự do và cho dân Ítaren rời bỏ Ai Cập, nơi họ đang phải lao động cực nhọc, và chịu mọi ngược đãi, trong khi Môsê chỉ là người chăn chiên (x. Xh 3, 1), ăn nói lại khó khăn, ngọng nghịu như chính ông tự nhận : Lạy Chúa, xin xá lỗi cho con, vì từ hồi nào đến giờ, ngay cả từ lúc Chúa ban lời cho tôi tớ Ngài, con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng, cứng lưỡi (Xh 4,10). Nhưng điều Thiên Chúa cần nơi ông, chính là ông đặt trọn niềm hy vọng vào Lời Hứa của Thiên Chúa khi Ngài nói với ông : Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành ha. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật ong (Xh 3,7-8). Chính niềm hy vọng vào Lời Hứa cho ông tin mình được Thiên Chúa sai đi, và không sợ gì, vì biết có Thiên Chúa ở cùng (x. Xh 3,12).
Trong Tân Ước, rất nhiều người đã đặt hy vọng vào Lời Hứa của Đức Giêsu, và họ đã được toại nguyện. Họ là những người đã hy vọng vào Lời Hứa của Thiên Chúa với cha ông, vì biết Thiên Chúa luôn nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và con cháu đến muôn đời (Lc 1,56) ; họ là những người đã đi theo Đức Giêsu vì hy vọng vào Lời Hứa Nước Trời sẽ được ban cho họ làm gia nghiệp, Vương Quốc Thiên Chúa làm quê hương, và chính Thiên Chúa là phần thưởng (x. Mt 5, 1-12) ; họ là những người như người đàn bà bị băng huyết hy vọng tuyệt đối vào Thiên Chúa của lời Hứa Cứu Độ khi tự nhủ : Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu (Mc 5, 28) ; họ là những người như chị phụ nữ tội lỗi đã được tha nhiều vì yêu nhiều (x. Lc 7,36-50), bởi hy vọng tuyệt đối vào Lời Hứa của Đức Giêsu : Tôi không đến để  kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối, ăn năn (Lc 5,32) ; họ là những người như Mátta ở làng Bêtania đã hy vọng vào Đức Giêsu khi cô thưa với Ngài trên đường ra mộ Ladarô, em trai cô : Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây thì em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy (Ga 11,23).
Mùa Vọng về, mùa của Lời Hứa Cứu Độ, mùa Thiên Chúa thực hiện Lời Hứa của Ngài không chỉ với toàn thể nhân loại khi Ngôi Hai từ trời xuống thế, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Ngài đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người (Kinh Tin Kính), mà còn với mỗi người chúng ta, bởi có những Lời Hứa kín đáo, thân tình mà chỉ một mình Thiên Chúa và người được Thiên Chúa hứa biết ; có những lời hứa giữa ta với Chúa, chỉ Chúa biết với ta ; có những lời hứa ta hứa  riêng với Chúa, và Lời Hứa Chúa hứa riêng với ta. Trong bất cứ hoàn cảnh, tình huống, thời thế nào, lời hứa của chúng ta, tức lời hứa của con người có thể đổi thay, không được thực hiện, nhưng Lời Hứa của Thiên Chúa thì mãi mãi bền vững, không dời đổi, nhạt phai, vì Thiên Chúa là Đấng trung tín, chẳng bao giờ lừa dối ai, và luôn giữ Lời Ngài đã hứa.
Xin Chúa cho chúng ta luôn Hy Vọng vào Lời Chúa hứa, như Giôsuê đã nói với dân Ítraen ngày xưa : Anh em hãy nhìn nhận với tất cả tấm lòng và tâm hồn là trong mọi Lời tốt lành mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã hứa với anh em, thì không một Lời nào đã ra vô hiệu, nhưng tất cả đều đã ứng nghiệm cho anh em (Gs 23,14). Và như Đức Maria, người nữ được chúc phúc hơn hết mọi người nữ vì đặt niềm tin nơi Thiên Chúa, và luôn Hy Vọng ở Lời Hứa Cứu Độ của Ngài.
Jorathe Nắng Tím