Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2019

THIÊN CHÚA CỦA SỰ SỐNG ĐÃ CHẾT !


Đây chính là tiền đề của mọi khích bác, chống đối, khườc từ, phạm thượng, ngạo mạn của con người, từ hơn hai ngàn năm nay dành cho Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa khi Ngài nhận mình là “sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25), đồng thời là “Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), nhưng thực tế Ngài lại chết tức tưởi, trần truồng, ô nhục trên thánh giá như một tội phạm. Nghịch lý ở một Thiên Chúa tòan năng lại hoàn toàn bất lực, như lời cười nhạo của lính tráng, và dân chúng đứng nhìn Đức Giêsu tắt thở : “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn” (Lc 23,35) ; nhiều người khác còn nặng lời thách thức : “Ông Kitô, Vua Ítraen ơi, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin” (Mc 15,32).
Qủa thực, không phải những người Do Thái, đồng bào, đồng đạo của Đức Giêsu cách đây 2019 năm đã “vấp phạm” vì nghịch lý này, mà chính chúng ta hôm nay cũng nhiều lần “lấn cấn, mắc kẹt” và tự hỏi : Tại sao Thiên Chúa đã phải làm người để chìm vào bóng tối tội lỗi của nhân loại, ngụp lặn trong yếu đuối của cám dỗ ? Tại sao Thiên Chúa của sự sống lại làm người, dù biết làm người thì phải chết, làm người sẽ sợ hãi, khổ đau, làm người là mang lấy mong manh, bọt bèo ? Và rất khó để giải thích nghịch lý một Thiên Chúa toàn năng, thánh thiện, nguyên ủy của sự sống đã chết cái chết của người có tội.    
Ở đây, dưới ánh sáng của Tin Mừng, chúng ta khiêm tốn đi tìm ý nghiã và giá trị cứu độ của nghịch lý : Thiên Chúa của sự sống đã chết này.
Ngay từ những ngày đầu đời công khai, Đức Giêsu đã được thánh Gioan Tiền Hô giới thiệu : “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian” (Ga 1,29), và chính Ngài đã không ngừng công bố : “Mạng sống cuả tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,18). “Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Thánh Phaolô cắt nghiã cho giáo đoàn Rôma : “Thật vậy, mọi người  đã phạm tội và bị tước vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban nhưng không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội, nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin ở Người” (Rm 3,23-25).
Như thế, Đức Giêsu Kitô, “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8), để chúng ta thấy rằng : tội lỗi của chúng ta có một sức nặng kinh khủng, đến nỗi chúng ta mất hết sự sống và hạnh phúc của Thiên Chúa dành cho, và chỉ duy nhất Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa mới có thể gánh tội, chuộc tội, xóa tội chúng ta qua công trình cứu chuộc của Ngài, ở đó Ngài đã làm người như chúng ta, ở giữa chúng ta, đổ máu và hy sinh mạng sống để chúng ta được sống nhờ được trở nên công chính trong máu cứu chuộc của Ngài. Nói cách khác, Đức Giêsu Kitô đã đi vào  mầu nhiệm nghịch lý khi thiên tính mặc lấy nhân tính, Thiên Chúa của sự sống đón nhận cái chết của con người, Chiên Thiên Chúa thánh thiện, tinh tuyền, vô tội gánh hết tội lỗi trần gian, Thiên Chúa của Hạnh Phúc, Bình An vui lòng chịu “đổ mồ hôi máu, và buồn sầu đến chết được” vì căng thẳng, hãi hùng, xao xuyến trước giờ bị bắt  (x. Mc 14,33-34), Đấng Thiên Sai “đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng » lại hoang mang phút lâm chung và hốt hoảng kêu lên: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con ?” (Mc 15,34).  
Nhưng tại sao Đức Giêsu phải đi vào con đường nghịch lý ?
Thưa vì Thiên Chúa muốn chúng ta nhận ra mỗi người chúng ta được Thiên Chúa yêu thương vô cùng và đến cùng, nghiã là lúc nào chúng ta cũng được Thiên Chúa vô cùng yêu thương và nhân hậu tha thứ, cả những lúc chúng ta tự ý bỏ Ngài, cố tình lãng quên, xúc phạm, lên án, đóng đinh Ngài. Đi vào nghịch lý, Đức Giêsu muốn chứng minh Thiên Chúa đã yêu con người đến mức con người không thể hiểu nổi, vì đó là tình yêu của một Thiên Chúa “si mê” con người đến nỗi tự nguyện  xuống thế làm người, để ở với con người, và chết như con người, cho con người được chung hưởng sự sống và vinh quang đời đời của mình.
Qủa thực, không có Thiên Chúa của tôn giáo nào đã “xuống thế làm người và chết cho con người, vì yêu con người”, như Thiên Chúa của Đức Giêsu và trong Đức Giêsu, và đợi chờ duy nhất của Thiên Chúa ấy là chúng ta “tin vào Đức Giêsu, Đấng được Thiên Chúa sai đến để hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc nhân loại”, để một khi nhận ra mình được cứu độ vì được yêu thương bởi Thiên Chúa là Tình Yêu tuyệt đối, Tình Yêu vô cùng, chúng ta sẽ không thể không khao khát ở lại trong Thiên Chúa, tháp nhập vào Thiên Chúa , muốn nên “đồng hình đồng dạng” với Thiên Chúa bằng sống yêu thương và chết yêu thương mỗi ngày như Đức Giêsu trên hành trình dương  thế.
Sống yêu thương mỗi ngày khi khiêm tốn, hiền lành, dễ thương, dễ gần, quảng đại, hào sảng, lạc quan để ai cũng có chỗ trong trái tim, trong nhà, và trong đời sống của ta ; chết yêu thương mỗi ngày khi bình an đón nhận những phiền phức, trái ý, hiểu lầm, hàm oan, vô ơn, phản bội, bất công của người khác, có thể là người thân như cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn hữu ; có thể là đức cha giáo phận, bề trên giám tỉnh, chị trưởng phụ trách cộng đoàn, cha xứ, cha phó, ông quản, ông trùm ; và cũng có thể là những người thuộc quyền, bề dưới, học trò, môn sinh “non người trẻ dạ”, “ngựa non háu đá”, “trứng khôn hơn rận”. Mỗi ngày tập sống yêu thương là không chấp nhất, so đo hơn thiệt, tranh giành, bon chen để đức ái lúc nào cũng ngời sáng, để Bình An của Đức Giêsu được lan toả xa rộng cho mọi người chung quanh ; mỗi ngày tập chết yêu thương là “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7), để Thiên Chúa là Tình Yêu được lớn lên và mọi người được hạnh phúc trong Tình Yêu Cứu Độ. Nhưng để sống yêu thương và chết yêu thương mỗi ngày, chúng ta cần biết mình yếu đuối, tội lỗi, không hoàn hảo, nhưng giữa những lỗi lầm, thiếu sót vẫn tin tưởng và khiêm tốn tiến lên với ơn phù trợ của Thánh Thần Tình Yêu.   
Tháng cầu cho các Linh Hồn là dịp để chúng ta xác tín hơn : Đức Giêsu Kitô là sự sống đã chết cho chúng ta được sống ; Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa đã làm người để chúng ta được tham dự vào thiên tính của Thiên Chúa ; Đức Giêsu Kitô đã tự nguyện gánh những phiền muộn, tật bệnh, tội lỗi của con người tội lụy để chúng ta được chung phần hạnh phúc, vinh quang của Thiên Chúa.
Tháng cầu cho các Linh Hồn cũng là dịp chúng ta nhận ra niềm an ủi lớn lao, mà có thể ít khi chúng ta nghĩ tới, đó là Đức Giêsu Kitô đã chết như con người, đã mang trọn cái chết vào “phận làm người” của Thiên Chúa, để mỗi người chúng ta được chết với Ngài, có Ngài trong giờ chết, có Ngài ẵm bế, ủi an, có Ngài nâng đỡ, bênh vực, có Ngài thương xót, thứ tha, có Ngài dìu dắt, đồng hành vượt qua kiếp sống trần gian đi vào cõi sau đời đời.
Có Đức Giêsu đã chết cho chúng ta được sống ; có Đức Giêsu đã chết như người có tội cho chúng ta được an lòng, vững dạ giờ lâm chung, chúng ta còn lo lắng gì nữa, có chăng chỉ là lo sống yêu thương mỗi ngày như người Samaritanô nhân lành đã chạnh lòng thương chấp nhận mất giờ, mất tiền, mất sức, kể cả mất mạng không chừng khi thấy người  đi đường bị bọn cướp “trấn lột, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết” (Lc 10,30), đã “lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” (Lc 10,34)  và tập chết mỗi ngày khi noi gương Đức Giêsu trên thánh giá “tha thứ cho cả những kẻ làm khốn mình” (Lc 23,34), và thiết tha cầu nguyện như người trộm lành : “Lạy Đức Giêsu, xin nhớ đến con trong Nước Ngài” (Lc 23,42).
“Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hoả ngục, xin cho các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn. Amen”.
Jorathe Nắng Tím