Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT I, Năm A
Tin
Mừng Mátthêu thuật lại : “Khi
Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người
thấy Thần Khí đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán :
Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17).
Qủa
thực, đây là buổi “tỏ mình” hết sức long trọng không chỉ
của Đức Giêsu mà thôi, nhưng của cả Ba Ngôi Thiên Chúa.
Khi
xin Gioan Tẩy Giả rửa tội cho mình, Đức Giêsu đã muốn công khai tỏ mình ra cho đám
đông thiện tâm kéo đến với Gioan. Họ là những người lắng nghe lời cảnh báo của
Gioan về hình phạt sắp đến, nếu không sám hối : “Cái rìu đã đặt sát gốc cây : bất cứ cây nào
không sinh qủa tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10), và đã “thú tội”, chịu phép rửa, “để
tỏ lòng sám hối” (x. Mt
3, 6-8). Có mặt và cùng chịu phép rửa với đám đông thiện tâm đang sám hối, Đức
Giêsu đã tỏ cho họ : Ngài là Con của Thiên Chúa Cha, và chính Chúa Cha đã
chứng thực sự thật này, khi từ trời ban ra Lời yêu thương, trìu mến : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta
hài lòng về Người.” (Mt
3,17).
Về
phần Chúa Cha, Ngài hài lòng về Đức Giêsu, Con yêu dấu của Ngài, vì người con “không kêu to, không nói lớn,
không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy,
tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Người sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý.
Người không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lậpcông lý trên địa cầu” (Is 42,1-4) ; Người được
Thiên Chúa chọn để “làm ánh
sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những
người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.” (Is 42,6-7), bởi Ngài hiền lành
và khiêm nhường, thương xót và bao dung, trung tín và vâng phục, như lời giới
thiệu của Gioan Tẩy Giả : “Đây
là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29).
Khi
lên tiếng bầy tỏ tình yêu của mình với Chúa Con, Chúa Cha đã tỏ mình cho nhân
loại để chứng thực nguồn gốc từ trời và sứ mạng Cứu Thế của Đức Giêsu, Con yêu
dấu của mình. Sứ điệp Chúa Cha ban cho nhân loại ấy, chính là Ngài đã yêu thương
chúng ta, nên “đã sai Con
Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1 Ga 4,9).
Cùng
với Chúa Cha, Chúa Thánh Thần cũng tỏ mình ra khi “đáp xuống như him bồ câu” và ngự trên Đức Giêsu (x. Mt 4,16). Ngôi Ba Thiên
Chúa, ngay từ buổi đầu tạo dựng đã có mặt, và Ngài có mặt trong mọi lúc với Đức
Giêsu trong nhiệm cuộc cứu thế, và tiếp tục ở lại với Giáo Hội của Đức Giêsu
cho đến tận thế.
Trong
cuộc tỏ mình của Ba Ngôi Thiên Chúa, khi Đức Giêsu chịu phép rửa, có hai sự kiện
quan trọng, đó là khi Đức Giêsu vừa ở dưới nước lên thì “tầng trời mở ra”, và “chim bồ câu ngự trên Ngài” (Mt 4,16).
Tầng
trời mở ra, vì từ nay, nhờ có Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, mà trời mở ra
cho đất, trời mở lòng tha thứ cho đất, trời mở rộng tay yêu thương đất, trời đất
không còn biền biệt xa cách, nhưng thân tình nối kết, vì đất trời đã được giao
hoà nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, khi “Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội” (Rm 3,25), và “nhờ máu Đức Kitô đổ ra, chúng
ta được cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa...”, bởi “Thiên Chúa đã để cho Con của
Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người” (Rm 5, 9-10) như
thánh Phaolô đã khẳng định.
Sự
kiện thứ hai là “Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và
ngự trên Người” (Mt 3,
16) chứng thực Đức Giêsu là Đấng Trung Gian Hoà Giải Thiên Chúa với con người,
nhịp cầu nối liền trời và đất. Chim bồ câu là biểu tượng của Hoà Giải, Hoà Bình,
và Đức Giêsu chính là ơn Bình An của Thiên Chúa Ba Ngôi cho nhân loại.
Như
Đức Giêsu, mỗi người chúng ta khi chịu phép rửa cũng nhận được tình yêu và sự hài
lòng của Chúa Cha, và cùng một lời trìu mến đã dành cho Đức Giêsu, Chúa Cha cũng
nói với từng người : “Đây
là con yêu dấu của Ta”, bởi
phép rửa cho chúng ta được trở nên con của Ngài, “được Thần Khí làm cho trở nên nghiã tử, nhờ đó được
kêu lên : Ápba ! Cha ơi !” với Thiên Chúa (Rm 8,15), bởi
khi được dìm vào nước thanh tẩy, chúng ta thuộc về Đức Kitô (x. Rm 6,3) để được
“nên một với Đức Kitô, nhờ
được chết như Người…, sống lại như Người đã sống lại” (Rm 6,5).
Hơn
thế nữa, với phép rửa, chúng ta “đã
chết đối với tội lỗi” để “nay lại sống cho Thiên Chúa
trong Đức Kitô Giêsu” (Rm
6,11), nên chúng ta được kêu gọi và tuyển chọn để tham dự vào sứ vụ cứu thế của
Đức Giêsu, khi trở nên tôi tớ trung tín, khiêm nhường, hiền hậu, biết chạnh lòng
thương cảm và phục vụ đồng loại như ý muốn của Thiên Chúa.
Ước
gì khi mừng lễ Đức Giêsu chịu phép rửa, chúng ta suy nghĩ về hồng ân vô cùng trọng
đại, mà chúng ta đã nhận được khi chịu phép rửa tội : hồng ân được Thiên
Chúa tha thứ, giao hoà, yêu thương, hồng ân được làm con Thiên Chúa, hồng ân được
tham dự vào sứ vụ cứu thế với Đức Giêsu, và đừng bao giờ quên : chúng ta đã
trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa Ba Ngôi, khi “được dìm mình vào trong cái chết của Đức Giêsu Kitô”, Đấng Cứu Độ chúng ta (x. Rm
6,3).
Jorathe
Nắng Tím