Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

ĐƯỜNG SỐNG



        Đời sống mỗi người là một hành trình, vì đời sống không tĩnh lặng, ù lì, đứng yên một chỗ, nhưng sinh động, biến chuyển, di dời, thay đổi liên tục : từ hôm qua sang hôm nay để đến ngày mai, từ tuổi thơ ở đầu đường sống đến tuổi già ở cuối đường sống. Vì thế sống là lên đường, sống là chân không ngừng bước tới từ khởi điểm đến đích điểm, nên đời sống chính là đường sống. Trên con đường sống này, ai nấy đều muốn và cố giữ sự sống ; ai nấy đều tìm mọi cách để bảo toàn mạng sống ; ai nấy đều đầu tư cho hạnh phúc cuộc sống ; và ai nấy đều ước mơ đường sống của mình có một ý nghiã và giá trị tuyệt vời.
Chính vì đời sống là đường sống, mạng sống là hành trình sống, sự sống là những bước chân trong đời sống, nên người ta có thể không cần dùng đến súng đạn, gươm đao, thuốc độc, ghế điện để giết người, để tước đọat mạng sống, tiêu diệt sự sống của người khác, mà dùng một phương cách khác bề ngoài xem ra rất sạch sẽ, văn minh, nhân văn, nhưng thực chất là sát nhân chính hiệu, giết người đích danh và cũng tàn bạo, dã man, ác độc như bao vụ giết người máu me, thê thảm, tàn nhẫn, kinh hoàng khác, đó là chặt đường sống, cắt đường sống, bịt đường sống của người khác.
Cắt đường sống của người đàn bà bị bắt qủa tang ngoại tình vừa bị giải đến, chúng ta chỉ cần chiếu theo luật Môsê, rồi ung dung, thanh thản gật đầu, và oai phong, nghiêm nghị phất tay cho xứng danh người lãnh đạo có uy quyền và khôn ngoan. Và chỉ cần có bấy nhiêu từ người lãnh đạo « vị luật mà không vị nhân », chỉ lo bảo vệ luật lệ, nguyên tắc mà không quan tâm đến sự sống con người, thì tức khắc làn mưa đá sẽ giập vùi tấm thân liễu yếu đào tơ « lỡ ngoại tình vì trót yêu », khi cắt đứt không tiếc thương con đường sống của một con người rất đáng thương đang thống thiết nài xin lòng thương xót của đồng loại để được tiếp tục bước đi trên « hành trình sống » với chồng con (x. Ga 8,1-11).
Qủa thực, chiếu theo Luật sẵn có mà làm thì dễ hơn trăm ngàn lần như Đức Giêsu đã phải « se dạ thắt lòng », phải gồng mình đối phó với đám thượng tế giả hình và kỳ hào ác ôn đang nhao nhao đòi ném đá người đàn bà có tội, trong khi chính họ đầy tội để tìm ra một luật trừ, một kẽ hở cho người đàn bà sắp bị thi hành án tử một lối thoát, một lỗ nhỏ chui ra khỏi tử lộ tìm lại con đường sống.
Họ hoàn toàn khác Đức Giêsu, Thiên Chúa của lòng thương xót đã vượt lên Lề Luật để cứu sống người đàn bà tưởng phải chết trong vài phút tới, khi mở cho chị con đường sống với ơn bình an của Ngài : « Con hãy đi bình an và đừng phạm tội nữa » (Ga 8,11).
Chặt đường sống của cô gái điếm tìm đường hoàn lương khi cô lấm lét mon men đến gặp người có quyền để xin một lối nhỏ trở về làm người tử tế, chúng ta chỉ cần dựa theo dư luận, nghe theo đám đông, nghiêng theo ban cố vấn gồm toàn những « diều hâu » đói xác người, những trái tim cạn máu thương xót, những đao thủ mặt lạnh tanh nguyên tắc, điều lệ, những cặp mắt vô hồn, vô cảm để đanh thép lườm thẳng mặt người phụ nữ tội lỗi và hét to cho mọi người cùng nghe: « Cô là hạng người trắc nết, không nên đến gần chúng tôi là những người đã được thánh hiến ». Và chỉ cần thái độ lạnh lùng, nghiêm khắc, khinh bỉ của kẻ có quyền « tha tội » như thế thôi cũng đã đủ chặt đứt phăng đường sống của cô gái « đứng đường » đang sướt mướt khóc, ăn năn .
Chọn lựa này hoàn toàn khác chọn lựa đầy trắc ẩn và kính trọng tội nhân của Đức Giêsu, Đấng thực sự có quyền tha tội, chứ không chỉ có quyền vì được ủy quyền bởi người có quyền như chúng ta, khi Ngài mở cho chị một con đường sống : « Ai yêu nhiều thì được tha nhiều » (Lc 7,47), và « lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an » (Lc 7,50).
Bịt đường sống của người con phung phá « thân tàn ma dại » trở về thì chỉ cần đanh nét mặt lại, gầm gừ một chặp, rồi thẳng tay xua đuổi : « Đồ con mất nết, hoang đàng. Cút đi khỏi mặt tao. Thà mày đừng sinh ra thì hơn ! ». Chỉ cần những lời chua chát, cay độc, đắng đót như thế từ miệng của người được người khác gọi là cha cũng đã quá đủ để bịt đường sống của đứa con đang « dở sống dở chết » cố lết thân về để tạ tội, xin được thứ tha. Vì qủa thực, nếu nhân danh uy tín gia đình, danh dự gia tộc, truyền thống giáo xứ để xua đuổi, loại trừ người con lỡ làng, tội lụy, chúng ta sẽ được khen là cứng rắn, có lập trường, có kỷ cương, có đường lối, dám nói dám làm, mà không mang tiếng là người cha nhu nhược, yếu đuối, lụy con ; không bị những đứa con « ngoan » khác trong nhà so bì, trách móc, hờn dỗi ; không bị hàng xóm « tiếng chì tiếng bấc » cho là chiều con, sợ con ; không bị họ hàng thân thuộc chê cười là « đã không biết dậy con, lại còn bị con xỏ mũi »
Một lần nữa, thái độ chọn lựa này hoàn toàn khác với những gì mà người cha nhân hậu của Đức Giêsu đã làm khi con ông trở về sau những ngày đi hoang : «Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng : « Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, con chẳng còn đáng gọi là con cha nữa… ». Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : « Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy » ( Lc 15, 20 -23).
Sự khác biệt càng rõ nét giữa Đức Giêsu và chúng ta và trước anh mù từ lúc mới sinh vừa được Đức Giêsu chữa lành (x. Ga 9, 1 - 41).
Ai trong chúng ta cũng biết, người mù đi đường khổ sở thế nào, mà sống là phải từng ngày bước đi trên đường sống, nên mù loà là một mất mát, thiệt thòi, thử thách lớn. Vì thế khi được sáng mắt, người mù như tìm lại con đường sống mới và anh ta ngập tràn hạnh phúc. Thế mà những người Pharisêu như chúng ta đã không vui khi thấy người mù được sáng, nhưng giận dữ khi anh ta từ nay được thấy rõ, nhìn rõ con đường sống của mình.
Không vui, nhưng giận dữ trước hạnh phúc của người khác tức là muốn phá hoại hạnh phúc đang có của họ ; không hài lòng vì người mù được sáng mắt để thấy đường đi tức muốn triệt phá đường sống vừa bừng sáng của người này ; không chấp nhận việc Đức Giêsu cho ngtười mù được nhìn thấy là một phép lạ tức muốn người mù phải đầy đọa mãi trong bóng tối, và không bao giờ được thấy rõ con đường sống.
Rất nhiều lần, chúng ta đã cùng các ông Pharisêu trưng dẫn luật Thiên Chúa của sự sống để giết chết sự sống ; quy chiếu điều khoản này, chú thích kia trong bộ Giáo Luật dầy cộm được nâng niu, giữ kỹ để ngang nhiên đặt con người thấp hơn ngày Sabát khi lên án Đức Giêsu : «Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày Sabát » khi Ngài mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh rất tội nghiệp, đáng thương (Ga 9,16).
Vâng, đường sống chính là sự sống, vì khi cắt đường sống, người ta không thể tiếp tục sống, như người đàn bà ngoại tình đang run rẩy trước « đường trở về với đời sống làm vợ làm mẹ » sắp bị cắt đứt bởi những người đàn ông nắm giữ thần quyền nhưng thiếu từ tâm, nghiã khí, cao thượng. Vâng, đường sống chính là con người sống, vì khi đường sống bị chặt, con người đang sống sẽ phải chết, như những người « thấp cổ bé miệng » bị cường quyền dồn vào đường cùng đã phải chọn cái chết để tự giải thoát. Vâng, đường sống bảo đảm sự sống, nên người ta không thể sống, nếu không còn một ngõ ngách, một lối nhỏ, một khe rãnh được bố thí cho, để có thể đi đến ngày mai, đi về một nơi có bình minh sự sống.
Và vì thế, giết người kiểu văn minh nhất chính là bịt kín đường sống của đối phương ; sát nhân kiểu tân kỳ, ngoạn mục nhất là đóng kín đường sống của người mình muốn tiêu diệt ; đánh gục người khác cách « nhân văn, có học » nhất chính là khoá kín đường sống của họ. Với cách này, chẳng ai sẽ cho ta là gian ác, bất nhân, tàn nhẫn ; chẳng người nào nhận ra bàn tay nhuốm máu và lòng dạ nham hiểm, ác thú của ta ; nhất là chẳng ai đủ nhậy bén để nhìn ra con người thật « sát nhân » đáng sợ và rất kinh tởm của ta.
Trong cuộc sống, bạn cũng như tôi, chúng ta đã ít nhiều nghe nói, chứng kiến, hoặc đối diện với những con người dùng quyền lực để đóng đường sống của kẻ không cùng phe cánh ; dùng thế lực để cắt đường sống của người bị nghi ngờ không cùng quan điểm, đường lối ; dùng ảnh hưởng bao trùm trời đất để bít kín đường sống của người không gập lưng, cúi đầu « nâng bi », nịnh bợ, xông hương, thuần phục ; dùng thủ đọan ma mãnh để triệt phá không thương tiếc đường sống của người dám lên tiếng nhắc nhở, cảnh tỉnh mình. Và chắc chắn, tôi cũng như bạn, chúng ta cũng đã gặp trong cuộc đời đầy bất công, bạo lực này những thân phận ngắc ngoải chết, ngậm ngùi chết, tức tưởi chết, quằn quại chết vì hết đường sống, vì đường sống bị phong toả, triệt hạ bất công, bất chính, bất nhân.
Và cũng như chúng ta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận diện cả kẻ đóng đường sống của anh em và người bị anh em đóng đường sống khi nói về Giuđa, người môn đệ đã bán Thầy mình, trong bài giảng ngày 11.04.2016 tại nhà nguyện thánh Mátta : Ngài đã lên án thái độ đóng đường sống của các thượng tế và luật sĩ trong đạo Do Thái ở Giêrusalem, khi thẳng thừng từ chối lời xin « trả lại tiền » của Giuđa , và thay vì đưa tay cho Giuđa bám trong khi tuyệt vọng, đã tạt vào mặt Giuđa gáo nước « lạnh lùng, đầy khinh bỉ » khi sẵng giọng xua đuổi: « Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh », mặc dù Giuđa đã tự thú với họ: « Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan » (Mt 27,4).
Chính thái độ đóng đường sống của các thượng tế và luật sĩ đã đẩy Giuđa đến đường cùng, ở đó, ông đã phải « ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ » (Ga 27,5), bởi đừng quên : Giuđa « khi thấy Người », tức Đức Giêsu, Thầy mình, « bị kết án, thì hối hận » (Ga 27,3). Đây là dấu chứng không thể chối cãi Giuđa đang muốn được cứu sống bằng một bàn tay nâng đỡ, bằng một lời có thể là lời trách móc nhưng chia sẻ, có thể là lời với cung giọng nóng giận nhưng rộng lượng thứ tha. Nói đúng hơn, Giuđa đang đợi chờ một bàn tay dắt ông trở về con đường sống vừa đánh mất. Nhưng rất tiếc và rất đáng thương, Giuđa, tuy hối hận và nhận mình có tội vì làm người vô tội phải chết oan, đã không tìm được một bàn tay nâng đỡ, một lời ủi an, chia sẻ cực kỳ cần thiết mang tính cứu sinh trong lúc « thập tử nhất sinh » vì tuyệt vọng.
Chia sẻ không rụt rè, mặc cảm của Đức Thánh Cha muốn nói lên rằng : ngay trong Giáo Hội hôm nay vẫn không thiếu những « thượng tế, luật sĩ » chai cứng lòng thương xót, cằn cỗi tình huynh đệ, khô héo tình mục tử nên sẵn sàng giải quyết mau chóng, ruốt ráo vấn đề của con người bằng đóng luôn đường sống của con người. Và nếu trong đạo, hiện tượng đóng đường sống vẫn còn nhan nhản , thì ngoài đời không biết « đường sống » bị đóng nhiều và đe dọa kinh khủng đến mức nào ?
Jorathe Nắng Tím

0 nhận xét: