Cứ
mỗi lần tai họa thiên nhiên hay chiến tranh bùng nổ chỗ này, chỗ kia, nhất là
khi đại dịch hoành hành đe doạ tiêu diệt toàn thể nhân loại trong một thời gian
ngắn như hiện trạng của Covid-19, chúng ta lại được nghe chuyện tận thế, bị ám ảnh
bởi thảm cảnh tận thế, và run sợ do hình ảnh hãi hùng về ngày tận thế được vẽ
ra.
Thực
ra, không phải vô lý mà nhiều người nói về ngày tận thế, không phải ngẫu nhiên
mà không ít người lo sợ bước chân dồn dập ngày càng gần của tận thế, cũng không
phải vô ý, vô tình mà người này rỉ tai người kia mua sẵn nến để đốt trong những
ngày trước tận thế, chuẩn bị áo trắng trước khi thiên thần tạt qua từng nhà và
chỉ cứu những ai mặc áo trắng, theo lệnh của Thiên Chúa, càng không phải vô căn
cứ mà người ta lo lắng ngày tận thế không xa, trái lại, tất cả đều có lý do.
Lý
do là có nhiều tiên báo của những người được gọi là tiên tri của thời đại đã xẩy
ra đúng, như bà Vanga, một người đàn bà mù người Bungari, mà một số lời tiên báo
về đại hoạ trên thế giới đã được nhiều người công nhận, thí dụ: như vụ đánh bom
tháp đôi ở New York ngày 11.09.2001, và
năm 2020, Âu Châu sẽ vắng bóng người qua lại trên đường phố…
Nhưng
lý do có sức thuyết phục hơn cả là những cảnh báo về ngày tận thế được ghi lại trong
Kinh Thánh, nhất là được chính miệng Đức Giêsu nói với các môn đệ trong Tin Mừng.
Những lời này được coi như nền tảng vững chắc cho những quyết đoán của nhiều
người về ngày tận thế không xa.
Trong
Cựu Ước thì ngôn sứ Đanien nói nhiều về viễn cảnh ngày cuối cùng, đặc biệt từ
chương 8 đến chương 12. Ở Tân Ước thì Tin Mừng Máccô ghi lại những gì Đức Giêsu
trả lời các môn đệ về “những gì sẽ xảy ra và những điềm báo khi tất cả sắp đến
hồi chung cục” (x. Mc 13,4).
“Qủa
thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có động đất ở
nhiều nơi, sẽ có những cơn đói kém. Những sự việc ấy là khởi đầu các cơn đau đớn.”
(Mc 13,8), hoặc “Khi anh em thấy Đồ - Ghê - Tởm đứng ở nơi nó không được phép đứng
- người đọc hãy lo mà hiểu! – thì bấy giờ ai ở miền Giuđê hãy trốn lên núi; ai ở
trên sân thượng thì đừng xuống và đừng vào lấy gì ra khỏi nhà; ai ở ngoài đồng
đừng trở lại lấy áo choàng của mình. Khốn thay những người mang thai và những
người đang cho con bú trong những ngày đó! Anh em hãy cầu xin cho những sự ấy đừng
xảy ra vào mùa đông. Vì những ngày đó sẽ là những ngày gian nan đến mức từ lúc
khởi đầu, khi Thiên Chúa tạo thành vạn vật cho đến bây giờ, chưa khi nào xảy ra
và sẽ không còn xảy ra như vậy nữa” (Mc 13,14-19). Và “trong những ngày ấy, sau
cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng,
các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Bấy giờ
thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”
(Mc 13, 24-26).
Trước
những lời tiên báo về ngày chung cuộc, ai trong chúng ta cũng đều nơm nớp lo âu
cho số phận chung của cả nhân loại, và âu lo về số phận của bản thân mình.
Trong
lo âu cho mọi người và âu lo cho riêng mình, khi không ít những dấu chỉ, điềm
báo như ngày càng tỏ lộ rõ ràng và sát cạnh, người Kitô hữu phải có chọn lựa nào?
1.
Những
đau đớn, khổ sở, tai họa xẩy ra cho cá nhân hay cho cộng đồng nhân loại không
được hiểu là những điềm báo mang thuần tính cánh chung:
Bởi
khi nói về những tai ương khốn khó, Đức Giêsu đã lập tức cảnh giác các môn đệ: “Anh
em hãy coi chừng, kẻo bị người ta lừa gạt. Sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính Ta đây!”, và họ sẽ lừa
được nhiều người. Khi anh em nghe có giặc giã, thì đừng khiếp sợ. Những việc đó
phải xẩy ra, nhưng “chưa phải là chung cục”
(Mc 13,5-7).
Đàng
khác, Ngài đã đặt những gian truân, vất vả, đe dọa được loan báo đó trong bối cảnh truyền giáo, ở đó nhà
truyền giáo, cũng là những môn đệ của Ngài không ngừng bị bách hại, như chiên ở
giữa bầy sói (x. Mt 10,16 ): “Phần anh em, anh em hãy coi chừng! Người ta sẽ nộp
anh em cho các hội đồng và các hội đường; anh em sẽ phải ra trước mặt vua chúa
quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ được biết” (Mc 13,9).
Sở
dĩ truyền giáo luôn đi liền với tai ương, khốn khó, vì Ngôi Lời “đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11); vì “nếu thế gian ghét anh em, anh
em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước… Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ
anh em” (Ga 15,18.20).
Cũng
như ngôn sứ Đanien trong Cựu Ước đã nói về những tai ương, khốn khó trong thời
của kẻ dữ hoành hành, thống trị: “Những kẻ hiểu biết trong dân sẽ dậy dỗ nhiều
người; nhưng họ sẽ ngã gục vì gươm đâm lửa đốt, sẽ bị đầy ải, bị cướp bóc trong
một thời gian. Khi họ ngã gục, những kẻ đến trợ giúp họ thì ít, còn những kẻ liên
kết với họ vì xảo quyệt thì nhiều” (Đn 11,33-35). Đó cũng là thời kỳ “Vua sẽ mặc
sức hoành hành, sẽ tự cao tự đại, tôn mình lên trên hết các thần. Y sẽ nói những
điều kỳ quặc chống lại Thiên Chúa...” (Đn 11,36).
2.
Lời
cầu nguyện và đời sống chứng nhân của những người thuộc về Thiên Chúa rút ngắn
những ngày gian nan, khốn khó:
Thiên
Chúa là Tình Yêu, nên Ngài không thể làm gì khác ngoài yêu thương; Thiên Chúa là
người Cha nhân hậu, nên không lẽ “khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà
cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bọ cạp?” (Lc 11,11-12).
Tai
hoạ mang đến khổ đau cho con người, ngoài một phần rất nhỏ do bất toàn, giới hạn,
tương đối của thiên nhiên, vạn vật, còn phần lớn đều do con người, vì thiếu yêu
thương đã gây ra cho nhau.
Bạn
cứ nhìn vào những đau khổ Bạn chịu, những khốn khổ cộng đòan phải chịu, những
tai ương thế giới phải chịu đã phát sinh từ đâu? Nếu không phải từ tâm hồn vô cảm,
từ trái tim không biết chạnh lòng thương xót, từ kiêu căng, ngạo mạn muốn mọi
người quy phục, hầu hạ mình, từ ích kỷ chỉ nghĩ đến “cái tôi”, mà hành xử bất công,
bất chính, từ tham lam vô độ khi cướp của, chiếm đọat tài sản của người khác,
nước khác, từ tham vọng bá chủ, toàn trị khi tìm cách truy diệt các dân tộc khác,
quốc gia khác, từ khuynh hướng ganh ghét, bạo lực phủ nhận quyền sống và làm tổn
thương sự sống của đồng loại, ngay cả những tai họa tự nhiên cũng từ tay con
người gây ra, khi không tôn trọng thiên nhiên và tàn phá môi trường sống.
Tuy
thế, Thiên Chúa vẫn dành cho con người quyền cầu xin để những khổ đau, tai họa
được giảm bớt, những ngày gian nan được rút ngắn lại, như Tin Mừng Máccô khẳng định:
“Nếu Chúa không rút ngắn những ngày ấy lại, thì không ai được cứu thoát; nhưng vì những kẻ Người tuyển chọn, Người
đã rút ngắn những nngày ấy lại” (Mc 13,20).
Đó
là lý do Giáo Hội kêu gọi chúng ta cầu nguyện trong cơn gian nan, khốn khó của
thế giới cũng như trong thử thách của chính bản thân.
Nhiều
người bĩu môi thiã bãi khi nghe Đức Thánh Cha phát động phong trào lần chuỗi cầu
xin ơn giải thoát thế giới khỏi đại dịch, có người phì cười khi các Nữ Bề Trên
Tổng Quyền các Dòng kêu gọi dành ngày Chúa Nhật 22.03.2020 là ngày “Liên Đới cầu
nguyện” cho các nạn nhân bị Covid-19 làm tổn thương; nhiều người cho rằng cầu
nguyện chỉ làm mất thời giờ của người khác, vì theo họ: cầu nguyện ích gì cho
buổi ấy, cầu nguyện giải quyết được gì, nhất là cầu nguyện chỉ là việc làm mê tín,
viển vông, ảo tưởng, tự lừa dối, phỉnh gạt mình, khi qúa lo lắng, sợ hãi.
Với
chúng ta, người Kitô hữu, cầu nguyện là sức sống của Thiên Chúa tràn đầy trong
chúng ta, cầu nguyện là tình yêu của chúng ta được hoà quyện trong tình yêu Chúa,
cầu nguyện là sức mạnh của Ba Ngôi Thiên Chúa trong thân phận người yếu hèn, dòn
mỏng, bởi chỉ cầu nguyện, chúng ta mới được ở lại trong Đức Giêsu và Chúa Cha để
niềm vui được trọn vẹn (x. Ga
15,10-11); chỉ cầu nguyện, chúng ta mới được kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu để
Ngài ở đâu thì ta cũng ở đó với Ngài
(x. Ga 17,24), và sinh nhiều hoa trái, như
cành nho sinh hoa kết trái, nếu gắn liền với cây nho (x. Ga 15,4-5); chỉ cầu
nguyện, chúng ta mới nên bạn hữu của Đức
Giêsu để được biêt tất cả những gì Đức Giêsu nghe được từ Chúa Cha (x. Ga
15,15); chỉ cầu nguyện, chúng ta mới khỏi
sa chước cám dỗ, không rơi vào cạm bẫy của Satan (x; Mc 14,38); chỉ cầu
nguyện, chúng ta mới được ở trong bình
an của Đức Giêsu, dù sẽ phải gặp nhiều gian nan, khốn khó (x. Ga 16,33).
Vâng
Giáo Hội là Giáo Hội cầu nguyện, nhờ cầu nguyện Giáo Hội ở trong Thiên Chúa và đi
dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, Đấng đã ngự đến làm tràn đầy tâm hồn các tông
đồ tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa khi các vị đang cầu nguyện (x. CV 1,14;
2,1-5).
Do
đó, trong gian nan, thử thách của cá nhân, của Giáo Hội cũng như của thế giới, như
tình trạng đại dịch Covid-19 hiện nay, việc làm quan trọng của toàn thể Giáo Hội
là cầu nguyện, vì Chúa đã hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy,
cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,7), và tin vào tình yêu đặc biệt Thiên Chúa dành
cho “những kẻ Người đã tuyển chọn” (Mc 13,20).
3.
Trông
đợi ngày Chúa đến, với Niềm Vui hy vọng
của người được cứu rỗi:
Đức
Giêsu, ngay khi cảnh báo những gian nan, khốn khó sắp xẩy đến, cũng không quên
đặt tất cả vào bối cảnh, đòi hỏi và ưu tiên của Truyền Giáo: “Người ta sẽ nộp
anh em cho hội đồng, hội đường; anh em sẽ bị đánh đòn… Nhưng trước tiên, Tin Mừng phải được rao giảng cho mọi dân tộc”
(Mc 13,9-10).
Tiếp
đến Ngài nhấn mạnh: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được
cứu thoát” Mc 13, 13).
Như
thế, Đức Giêsu muốn Giáo Hội đặt ưu tiên của việc truyền giáo trên tất cả mọi công
việc, và lo lắng khác, kể cả chuyện ngày tận thế, và những ý nghĩ băn khoăn muốn
biết khi nào Chúa đến, bởi ngày tận thế,
Thiên Chúa “sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển
chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời” (Mc 13,27).
Hình
ảnh này rất tích cực, rất phấn khởi và không có gì làm sợ hãi, bởi đông đảo những người được tuyển chọn “từ
bốn phương, từ đầu mặt đất đến cuối chân trời” sẽ tụ họp quanh Nhan Thánh Thiên
Chúa để nhận phần thưởng, như thị kiến của thánh Gioan trong sách Khải Huyền:
“kià một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc,
mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và Con Chiên, mình mặc áo trắng,
tay cầm nhành lá thiên tuế” (Kh7,9), “Bấy giờ tôi thấy trời mới, đất mới, vì trời
cũ, đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh Giêrusalem
mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón
tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có
tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng
với họ. Họ sẽ là dân Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa -ở-cùng- họ. Thiên
Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu
than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,1-4).
Thực vậy, Niềm
Hy Vọng ngày Chúa trở lại được bảo đảm trăm phần trăm là ngày hạnh phúc,
vì không chỉ tin ở Lời Hứa: “Thầy ở cùng với anh em mọi ngày cho đến ngày tận
thế” (Mt 28,20), chúng ta còn tin vào lời trấn an của Đức Giêsu: “Còn về ngày hay
giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Người Con cũng
không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13,32).
Điều này nói lên tính “không quan trọng” của việc biết trước hay đoán trước ngày tận thế so với sứ vụ loan báo Tin Mừng (x. Mc 13,10),
so với việc tỉnh thức cầu nguyện (x. Mc 13,33), so với bổn phận sống Đức Ái (Ga
15,12), so với lòng trông cậy, bền chí trong gian nan, thử thách của đời người
Kitô hữu trên đường làm chứng Nước Trời (Mc 13,13), bởi niềm hy vọng không
gì có thể lay chuyển ở chúng ta, chính là: “Đức Giêsu đã tự hiến tế chỉ một lần,
để xóa bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ
xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xóa bỏ tội lỗi, mà để cứu
độ những ai trông đợi Người” (Dt 9,28).
Ước gì mỗi người luôn sống bình an trong niềm hy vọng “trông
đợi ngày Chúa đến”, bằng cố gắng và bền chí mỗi ngày để trở nên “chứng nhân” của
Thiên Chúa tình yêu, Đấng đến không phải để “ăn trộm, giết hại và phá hủy” (Ga
10,10), và làm đoàn chiên hoảng sợ, tán loạn, nhưng để yêu thương, băng bó, chữa
lành, phục vụ và hiến mạng sống để chiên
được bình an, được no nê, ấm áp, “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Jorathe Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét