Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

MẦU NHIỆM CỦA TÌNH YÊU

Suy Niệm THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Chi tiết rất quan trọng về phiá các tông đồ trong bữa ăn Vượt Qua, trước khi Đức Giêsu rời bỏ thế gian và những người Ngài yêu thương và yêu thương đến cùng (x. Ga 13,1), đó là Phêrô đã không thể cầm lòng khi Đức Giêsu đến chỗ ông và qùy xuống rửa chân ông: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu”. Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Đức Giêsu đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13,6-8).
Việc làm của Đức Giêsu chắc chắn làm ngạc nhiên các tông đồ, và các ông không hiểu chuyện gì sắp xẩy ra, cũng như chuyện gì Thầy các ông muốn nói, nên phản ứng “không để Đức Giêsu rửa chân cho mình” của Phêrô cũng là phản ứng tự nhiên của Nhóm Mười Hai, và của chúng ta nữa, nếu hôm nay Chúa cũng đến và qùy xuống rửa chân chúng ta.
Nhưng tại sao các ông đã vâng lời để Đức Giêsu rửa chân? Thưa vì nếu không để Ngài rửa chân, các ông sẽ không được chung phần với Ngài (x. Ga 13,8).
Bởi trong bữa ăn sau cùng này, Đức Giêsu muốn đánh dấu một cách trang trọng con đường Vượt Qua của Ngài, con đường mà chính Ngài sẽ đi, cũng như tất cả những ai muốn đi theo Ngài.
Như dân Do Thái xưa đã lên đường Vượt Qua đất nô lệ Ai Cập để về Đất Hứa, và cuộc Vượt Qua này đã được ghi dấu bằng một bữa ăn của người lữ hành sắp lên đường, như sách Xuất Hành đã ghi lại: “Bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tùy theo số người” (Xh 12,3-4), và “các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa” (Xh 12,11).
Cũng trên con đường Vượt Qua, như dân Thiên Chúa đã vượt qua biển đỏ, Đức Giêsu đã muốn các tông đồ chung phần Vượt Qua với Ngài trên con đường Vượt Qua của Ngài: vượt qua sự chết để sống lại vinh quang với Ngài.
Đây chính là Con Đường Vượt Qua của Đức Giêsu, và trên con đường này, mỗi người Kitô hữu cùng Đức Giêsu vượt qua khi “loan truyền Chúa chịu chết, và  tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”.
Con đường Vượt Qua ấy được chính thức thiết lập và công bố trong bữa ăn mừng lễ Vượt Qua cuối cùng của Đức Giêsu trên dương thế (x. Ga 13,1). Con đường Vượt Qua ấy đã được xây dựng bằng ba mầu nhiệm:

1.   Mầu Nhiệm Thánh Thể:
Đức Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể để Mình và Máu của Ngài trở nên lương thực cho lữ khách trên đường Vượt Qua: vượt qua cõi thế gian, vượt qua mưu chước ma qủy, vượt qua các tính hư tật xấu, vượt qua cái tôi lười biếng, gian tham, kiêu ngạo, và mục đích của Vượt Qua là đến được với Đức Giêsu, Thiên Chúa cứu độ.
Như dân Do Thái xưa cần “của ăn đường” trên hành trình Vượt Qua, đoàn chiên của Đức Giêsu cũng cần “của ăn đường”, nhưng khác với dân Do Thái, đoàn chiên được ăn và uống chính Thịt và Máu của Ngài, Mục Tử nhân lành sẵn sàng hiến mạng sống mình vì đoàn chiên, để chiên được “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). 
2.   Mầu nhiệm thiên chức Linh Mục:
“Được chung phần” mà Đức Giêsu nói với Phêrô và các tông đồ không chỉ là Thánh Thể, mà còn là thiên chức Linh Mục mà Ngài ban cho các ông, thiên chức tư tế để tế lễ, thiên chức thừa tác viên của ơn cứu độ do lòng thương xót được tuôn đổ từ mầu nhiệm Thánh Thể, trung tâm của đời sống Kitô hữu.  

3.   Mầu nhiệm Đức Ái Kitô giáo:
Khi rửa chân cho các môn đệ, và cắt nghiã: Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa” điều đó là phải lắm, vì qủa thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,13-14), Đức Giêsu đã nâng đức ái Kitô giáo lên hàng mầu nhiệm, vì đức ái ấy không còn là hành vi bình thường, tự nhiên nhưng từ đây là hành vi siêu nhiên, mang một giá trị siêu nhiên, bởi đó là chính hành vi của Thiên  Chúa.
Khi truyền cho các môn đệ “hãy làm như Thầy đã làm cho anh em”, Đức Giêsu đặt việc rửa chân cho nhau giữa các ông là việc làm phải được thực hiện; tinh thần  khiêm tốn phục vụ nhau là một bắt buộc đối với những ai đi trên con đường tình yêu của Ngài, nên không khiêm tốn phục vụ nhau, người môn đệ không xứng đáng đi theo Thầy mình, vì con đường Ngài đi, cũng là con đường những ai theo Ngài phải đi, đó là “yêu thương đến cùng” và “chết cho người mình yêu”.
Thực vậy, cả ba mầu nhiệm đều phát xuất từ một mầu nhiệm lớn: Thiên Chúa là Tình yêu. Vì yêu thương, Đức Giêsu đã ở lại với nhân loại đến tận thế bằng trở nên Thịt, Máu trong bí tích Thánh Thể; vì yêu thương, Ngài đã lập bí tích truyền chức để ban cho nhân loại thừa tác viên của Tình Yêu thương xót; cũng vì yêu thương, Ngài đã ban một giới luật mới, thay thế luật lệ xưa, lề lối cũ, đó là: “Anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).
“Ở điểm này”, và chỉ ở điểm này là lòng yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương, chứ không yêu thương như kiểu con người, theo quan niệm tình yêu của con người, được thúc đẩy bởi động cơ trần thế, chúng ta mới  được gọi là môn đệ Đức Giêsu, mới xứng đáng đón nhận mầu nhiệm Thánh Thể, mới là những thừa tác viên chân chính của Tình Yêu Thiên Chúa, dung mạo của Đức Giêsu nhân hậu, như Ngài là dung mạo đích thực của Chúa Cha giầu lòng thương xót.

Jorathe Nắng Tím      

0 nhận xét: