Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

EM BÉ ĐANG LỚN


Em bé đã có mặt. Một con người mới. Một sự sống mới. Ba mẹ vui. Cả nhà mừng. Thế giới chào đón thành viên mới.
Em sẽ bắt đầu hành trình vào đời bằng khám phá. Ngay từ tuần đầu, ngũ quan của em bắt đầu hối hả làm việc: Em bắt đầu nghe với thính giác, nhìn với thị giác, ngửi với khứu giác, biết muì vị khi bú sữa với vị giác và cảm được êm ái của bàn tay mẹ với xúc giác. Thực ra, ngay trong lòng mẹ ở vào tuần thứ 16, em đã thấy, đã nghe, đã ngửi, đã biết vị ngọt, mặn và đã cảm được hạnh phúc khi ba âu yếm xoa đều trên bụng mẹ. Nhờ ngũ quan, em khám phá thế giới bên ngoài; đồng thời khám phá chính bản thân em.
Em khám phá cha mẹ là những người gần em nhất, rồi anh chị em trong nhà. Lúc đầu còn hỗn mang và em cười với mọi người, nhưng chỉ ba tháng sau, em không cười với người lạ, nhưng phản đối gặp gỡ họ bằng cách khóc thét lên. Em tiến từng buớc và biến đổi từng ngày. Mẹ vui lắm khi thấy em dài thêm được vài phân, và nặng hơn được một tí. Ba cười sung sướng khi em bắt đầu toe toét mỗi lần ba  ghé chơi “ú oà”, và gọi tên em.
Khoảng  tháng thứ bẩy, em bắt đầu bộc lộ cá tính qua tương quan. Thích ai em cười tươi rói. Bực ai, em hét inh ỏi. Em biết sợ và co mình trước người lạ mà em hình dung như đang muốn bắt cóc, tấn công em. Những liên đới giữa em và mẹ, cha, anh, chị dần dần được thành hình.
Công việc của em lúc này là khám phá thế gìới bên ngoài. Em cố thu nhận mọi hình ảnh chạy qua trước mắt, vui vẻ thâu nhận rồi  sàng lọc sau đó. Em học tên từng đồ vật, nhận diện từng người và chú ý từng sự kiện quanh em.   
Càng lớn, em càng đẹp, và khôn. Khôn nhất là khi nghe gọi tên, em ngẩng đầu, mở mắt. Ba mẹ cho em tên để gọi. Tên để gọi riêng em vì tên là của em. Tên em mang một ý nghiã, một kỷ niệm, một ước mơ, một kỳ vọng nào đó của cha mẹ và gia đình. Tên em cưu mang những gì đẹp, thánh thiện, may mắn, thành công và là một lời chúc tuyệt hảo cha mẹ và gia đình dành cho riêng em.  Các anh chị trong nhà không là em, nên không mang cùng tên em. Nếu có ai đó ở ngoài gia đình trùng tên, thì cũng chỉ là ngẫu nhiên trùng hợp một phần, nhưng không bao giờ là “tên em” toàn phần. Em có tên như có một thẻ căn cước và mọi người nhận ra em là em, không lầm em với bất cứ người nào khác. Tên em khẳng định em là duy nhất; chẳng thế khi gọi tên em, không ai đã phản ứng, trả lời, ngoài một mình em lắc lư cái đầu, lí lắc nhỏen miệng cười. Tên cũng là tấm danh thiếp của riêng em. Qua danh thiếp này, em tự giới thiệu mình với mọi người và với cuộc đời. Nhờ có tên, thế giới loài người gặp được và trân trọng em; bởi không có tên, rất có thể người ta gán cho em một con số nào đó như trong các trại tập trung, nhà tù. Tên cũng xác định sự có mặt sống động của em giữa cộng đồng nhân loại. Nhờ có tên, mọi việc làm, công trình của em đều mang một giá trị riêng và một trách nhiệm có đóng dấu cá nhân em. Qủa thực, ba mẹ đã chu đáo chuẩn bị tất cả cho em và tên em là lựa chọn quan trọng nhất.
Sở dĩ phải nhấn mạnh đến tên là vì tên em sẽ định vị chỗ đứng của em trong mọi tương quan. Nếu không có tên, em không biết mình là ai, sinh ngày nào, con ai, em của những anh chị nào, gốc gác làng mạc ở đâu. Nếu không có tên, em sẽ không gọi đúng tên của bất cứ một đối tượng nào xuất hiện trước mặt em. Không có tên, công việc khám phá thế giới bên ngoài của em cũng sẽ không thể thực hiện, vì để nhận thức, chủ thể là em phải được định nghiã, định vị.
Thế rồi đến một ngưỡng tuổi, em quay trở về với chính mình, trở vào nội tâm để đặt vấn đề tư duy. Được bốn tuổi, em bắt đầu làm triết gia và thỉnh thoảng bị mẹ bắt gặp ngậm ngón tay “trầm tư mặc tưởng”. Trông em chẳng khác gì Socrate, Platon, những đại triết gia của nhân loại.
Vào ngưỡng năm tuổi, em cho rằng người ta suy nghĩ bằng miệng, nhưng  liền sau đó, em bác bỏ nhận định  này và qủa quyết người ta suy nghĩ bằng đầu.
Năm 7 tuổi, em đã đủ khả năng sàng lọc thực thể nhận được bên ngoài để tinh lọc  thành tư tưởng; nói cách khác, em bắt đầu có những quan niệm về thế giới tinh thần và ý niệm siêu hình bắt đầu bàng bạc xuất hiện.
Như thế, sinh hoạt tri thức của em có mặt rất sớm, sớm hơn nhiều người đã lầm tưởng. Người lớn tuy thương con nít nhưng hay coi thường khả năng “tiềm tàng và đột khởi” của các em, và em cũng rơi vào trường hợp bị “coi thường” này. Người lớn đâu có biết rằng: ngay trong bụng mẹ, em đã tư duy như một con người toàn phần, đích thực. Bằng chứng là em đã phân biệt được tình cảm vui - buồn của cha mẹ mỗi khi cha mẹ tiếp xúc với em qua những cử động diễn tả tình cảm của đầu, mình và chân tay.
Là một thành viên của gia đình, em  hoà nhập, thích nghi đời sống gia đình bằng có mặt tìch cực trong mọi biến cố vui buồn. Em biết khóc khi mẹ đau, biết vui khi ba về  trên tay đầy quà. Những lần ba mẹ to tiếng xích mích, em rút vào phòng và ngậm ngùi khóc. Đời sống tình cảm của em lớn dần với sinh hoạt tình cảm của mọi người trong nhà. Và em học cách ứng xử trước những tình cảm đó. Chính vì thế, ảnh hưởng của cha mẹ, anh chị em có tầm quan trọng không thể chối cãi trên nhân cách và  tính tình của em. 
Em học được nhiều chuyện, nhiều điều hay có dở có trong gia đình, tuy phán đoán của em còn non nớt. Em biết thế nào là tốt, thế nào là xấu tuy chưa đủ khả năng chi tiết hóa và phân tích hành động. Có nhiều chuyện ba mẹ tưởng em không biết, không thấy, không nghe… nhưng không ai ngờ tất cả đã lọt vào mắt em, chạy vào tai em.
Thời gian trôi, em lớn hơn và muốn độc lập. Em thích thỉnh thoảng được ở một mình trong phòng với em Gấu nhồi bông mà không bị mọi người bao vây, hỏi han. Em cũng thích được mẹ thả em chơi tự do một mình, đừng ẵm bế em suốt ngày. Em cũng thích tự mình ăn, không muốn mẹ vất vả chạy theo đút từng muỗm.
Tóm lại, em đã đi vào lịch sử của thế giới, lịch sử của gia đình và đang cùng mọi người đi về một mục đích đời người. Mục đích đó là Hạnh Phúc. Vì hạnh phúc mà em có mặt ở đây. Vì hạnh phúc mà em hiện diện lúc này bên cạnh mọi nguời. Hạnh phúc là đích tới em nhắm, là động cơ thúc đẩy em đi. Cha mẹ và người lớn chắc cũng như em cùng hướng về mục đích đó. Có những non nớt, vụng dại em chưa  tự mình vượt qua được nên em cần mọi người. Có những việc em chưa làm được nên dựa vào mọi người. Và nhiều chuyện em chưa hiểu  nên học với mọi người. Vấn đề là mọi người có sẵn lòng đồng hành mà không bao sân hay bước thay em; nâng đỡ mà không ẵm mãi trên tay; dìu dắt mà không độc quyền, áp đặt; hướng dẫn mà không tước đọat tự do, yêu thương mà không đúc khuôn biến em thành phó bản…Và như thế, em sẽ được lớn lên từng ngày cho hạnh phúc của đời em.   

TẠI SAO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO ĐI THEO GIÁO PHÁI? (1)

VÌ KHÔNG NẮM VỮNG GIÁO LÝ ĐỨC TIN 
Thời gian đầu gặp gỡ, tôi luôn mời các em chia sẻ trước, và rất vui được lắng nghe các em tâm sự hàng nửa ngày, có khi suốt hai ngày liền, trừ giờ ăn, giờ ngủ. Các em đây là những bạn trẻ đã bỏ Giáo Hội để gia nhập vào một giáo phái nào đó. Và điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả, chính là niềm hăng say “thuyết phục người đối diện” của các em.
Các em đầy nhiệt huyết, nhiệt tâm và những điều các em chia sẻ đều nói lên lòng chân thành, thiện tâm thiện chí và hoàn toàn không vẩn đục những mưu mô do ích kỷ, tham vọng, nhưng qủang đại, trong sáng, hồn nhiên.
Các em nói những gì các em nghe được từ bên giáo phái, những “mặc khải mới” mà các em đắc ý “tâm phục khẩu phục”, những so sánh cụ thể, hấp dẫn mà phần sai, phần lỗi luôn  thuộc về phiá công giáo, những phản biện nghe qua rất ăn khớp, hợp lý, hợp tình, nhưng thực ra chỉ là “trò chơi chữ” được các em khẳng định, qủa quyết như đinh đóng cột.
Thú thực, sau những ngày kiên nhẫn lắng nghe, tôi phải đau buồn nhận rằng trình độ giáo lý công giáo của các em rất yếu kém, kém đến nỗi không đủ khả năng để phân định ngay cả những chuyện nhỏ, yếu đến độ chỉ đủ khả năng gật gù đồng ý, chấp thuận bất cứ điều gì mà một người chỉ cần ở mức độ bình thường, sơ đẳng “dẫn dắt”.
Sau đây là những điểm yếu điển hình thường gặp ở các em đã bỏ Giáo Hội đi theo các giáo phái:
1.   Không định hình được ba nhân đức đối thần:
Đức tin, đức mến, đức trông cậy là ba nhân đức có Thiên Chúa là đối tượng thường được các em hiểu như những đức tính nhân bản, nên giá trị siêu nhiên của ba nhân đức này không được nhìn nhận xứng đáng, mà hậu qủa tai hại là phần của Thiên Chúa không được nhắc đến, trong khi ba nhân đức đối thần này được khởi đầu từ Ơn của Thiên Chúa để con người có thể Tin, Yêu Mến và Hy Vọng ở Ngài. Nói cách khác, nếu không có Ơn Chúa, người tín hữu không thể tự mình tin, yêu, trông cậy ở Thiên Chúa, dù có phần đóng góp tích cực về phía con người.
Những lời cầu nguyện của các môn đệ với Đức Giêsu: “Xin  thêm đức tin cho chúng con” (Lc 17,5), “Xin Thầy dậy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1), “Lậy Thầy, chúng con chết mất!” (Mc 4,38) đã nói lên vai trò không thể thiếu của Ơn Chúa trong đức tin, đức mến, đức trông cậy của người Kitô hữu.
Vì không nắm vững nền tảng siêu nhiên, mà con em của chúng ta đã “đánh đồng » đức tin của mình với niềm tin khoa học, đức ái với tình yêu đời thường, và đức trông cậy với niềm hy vọng như người ta hy vọng trúng số đề, lô tô, sổ xố. Và vì không được đặt trên nền tảng siêu nhiên, ba nhân đức đối thần không còn hướng về Thiên Chúa, không còn bám chặt, ăn rễ sâu vào Thiên Chúa, nhưng hời hợt, chênh vênh, thay đổi, di dời  bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. 
2.   Không phân biệt được đức tin công giáo và các đức tin khác:
Khởi đi từ tình trạng không định hình được ba nhân đức đối thần, như Giáo lý công giáo dậy, người trẻ vấp ngã liền sau đó ở chính đức tin công giáo của mình, khi lẫn lộn đức tin công giáo với “các đức tin” vào thiên chúa của các tôn giáo, giáo phái khác.
Đức tin công giáo là đức tin của thánh tông đồ trưởng Phêrô khi ngài tuyên xưng trước mặt Đức Giêsu “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, và lời tuyên xưng đã được Đức Giêsu chứng thực: “Này anh Simôn, con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 17,16-17). 
Đây là đức tin tông truyền, nghiã là đức tin từ các thánh Tông Đồ, môn đệ trực tiếp của Đức Giêsu được gìn giữ tinh tuyền, trọn vẹn và truyền cho chúng ta, để rồi tiếp tục từ thế hệ này đến thế hệ kia, từ đời này sang đời nọ cho đến tận thế. Đây chính là đức tin các Tông Đồ đã vào tin Đức Giêsu, Đấng đã sống với các vị, đã yêu thương, dậy dỗ, căn dặn các vị, và chính các vị đã thấy tận mắt những phép lạ Ngài làm, đã nghe tận tai lời Ngài giảng dậy, đã đích thân chứng kiến những ngày tang thương khổ hình và tử nạn của Ngài, nhất là đã được gặp gỡ, chạm vào thân xác phục sinh của Ngài sau khi Ngài từ cõi chết sống lại. Cũng chính các vị được Đức Giêsu hứa ban Thánh Thần, và được sai đi loan báo Tin Mừng: Thiên Chúa yêu thương và cứu độ loài người.
Vì thế, đức tin công giáo là đức tin được bắt nguồn từ đức tin của thánh Phêrô, tông đồ trưởng  đã nhân danh Nhóm Mười Hai tuyên xưng, nên đức tin ấy cụ thể và sống động: tin vào Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người; đức tin ấy có thực: tin vào Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa có mặt trong lịch sử nhân loại: đã sinh ra, sống, chết và sống lại ở một nơi và một thời điểm chính xác, rõ rệt; đức tin ấy có nền tảng siêu nhiên vì là mặc khải của Đức Giêsu Thiên Chúa; đức tin ấy được thể hiện trong cuộc sống của những con người đã “bỏ mọi sự mà đi theo Ngài”; đức tin ấy được đảm bảo vững chắc bởi Lời Hứa của Đức Giêsu Thiên Chúa, và được củng cố qua các phép lạ do chính Ngài làm. 
Do đó, đức tin công giáo không giống các đức tin khác, và không thể trộn lẫn với các đức tin khác, khi các đức tin này tin vào những thiên chúa mông lung, những thiên chúa chung chung, tổng qúat với những thuộc tính cố hữu dành cho Chúa Tể trời đất như toàn năng, thông biết mọi sự, thưởng phạt công minh. Các đức tin ấy tin những thiên chúa xa xôi trên trời, và  không xuống thế “làm người” như Ngôi Lời nhập thế; tin những thiên chúa không hiện diện cụ thể và sống động như con người  trong chính cuộc sống của con người như Đức Giêsu, Thiên Chúa nhập thể của Kitô giáo.   
Vì lý do nền tảng đó mà giữa “Thiên Chúa làm người” của người Kitô hữu hoàn toàn xa lạ với các thiên chúa của các tôn giáo, giáo phái khác. Sự khác biệt một trời một vực này không cho phép chúng ta “đánh lận con đen, hoặc đánh bùn sang ao” khi dễ dãi coi thiên chúa nào cũng giống thiên chúa nào, và đức tin nào cũng đồng loại, đồng chủng, đồng thứ hạng như nhau.  
3.   Kiến thức non nớt về lịch sử Cứu Độ:
Thiếu kiến thức giáo lý về lịch sử Cứu Độ khởi đi từ  tổ phụ Ápraham của Cựu Ước, bạn trẻ không thể hiểu được đường lối sư phạm tuyệt vời của Thiên Chúa trong công trình cứu chuộc nhân loại, và càng không thể nhận ra sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu khi xuống thế làm người và chết để chuộc tội con người.
Những thiếu sót kiến thức về lịch sử dân Thiên Chúa trong Cựu Ước rất khó để người trẻ chấp nhận mầu nhiệm Thiên Chúa làm người trong Tân Ước, bởi  mầu nhiệm ấy đã được chuẩn bị chu đáo, được báo trước qua các ngôn sứ từ bao nhiêu đời trước, và tất cả đều quy hướng vào Đức Giêsu, trung tâm của Giao Ước giữa Thiên Chúa và con người.
Tình trạng thiếu sót kiến thức về lịch sử cứu độ ấy cũng đặt người trẻ vào những bế tắc khó vượt qua khi rơi vào những đoạn kinh thánh xem như mâu thuẫn, nghịch lý, ngược nghiã, chưa kể những trình thuật mang tính vô luân, bạo lực, mà người đọc cần một trình độ và khả năng tương đối để có thể nắm bắt những sứ điệp mà Kinh Thánh muốn chuyển tải, hơn là tìm tòi nghiã của từng chữ, ý của từng câu biệt lập, tách rời khỏi ngữ cảnh Tin Mừng.  
4.    Không nắm vững giáo lý căn bản về Giáo Hội:
Giáo Hội là gai nhọn nhức nhối hơn cả, vì Giáo Hội là nhà từ đó người trẻ bỏ đi, là mái ấm người trẻ bỏ lại sau lưng đi theo giáo phái, nên Giáo Hội là vấn đề đầu tiên được nêu ra, bị mổ xẻ khi người trẻ có ý định từ bỏ.
Một ghi nhận không thể chối cãi, đó là nguyên nhân đầu tiên đưa đến ý nghĩ bỏ đạo, theo giáo phái ở người trẻ hầu hết đều xuất phát từ những con người của Giáo Hội, hay từ cơ chế tổ chức của Giáo Hội, bởi đức tin được thể hiện nơi Giáo Hội, cũng là nơi phát sinh những vấn đề của con người…
Vì tương quan giữa Đức Giêsu và Giáo Hội là tương quan của phu quân và hiền thê, một tương quan bất khả phân ly và trường tồn bền vững, như một Thân Thể, nên ở đâu có Đức Giêsu ở đó có Giáo Hội, và người ta không thể tách Giáo Hội khỏi Đức Giêsu, cũng như không thể cách ly Đức Giêsu khỏi Giáo Hội của Ngài.
Nhưng tương quan ấy không bảo đảm sự hoàn hảo, thánh thiện của những con người thuộc Giáo Hội, bởi những gương xấu, việc xấu mãi mãi có mặt nơi những con người thuộc Giáo Hội, những lỗi lầm, tội lụy không buông tha những người có trách nhiệm trong Giáo Hội, những sai trái, lạm dụng, bất xứng vẫn  tồn tại ở những con người nắm giữ cơ cấu quyền bính trong Giáo Hội, những tính hư tật xấu như kiêu căng, cửa quyền, tham lạm, vô cảm, độc ác vẫn là những căn bệnh khó chữa nơi những người mang trọng trách quản trị Giáo Hội. Chưa kể tương quan ấy còn có mục đích cưu mang tội nhân, chứa chấp những con người bất toàn, bất xứng, vì là Nhà của Thiên Chúa cho con người yếu đuối, nơi náu ẩn của người có tội đi tìm ơn thương xót để được cứu sống, chữa lành.
Cũng chính vì Giáo Hội là đoàn thể những người đi theo Đức Giêsu gồm đủ mọi sắc dân, chủng tộc, giai cấp, địa vị, trình độ, và  mọi thành phần tốt xấu, sang hèn, hiền nhân, ác nhân, thánh nhân, tội đồ, nên đánh giá Giáo Hội qua những con người bất xứng, bất toàn của Giáo Hội, mà bỏ quên Đức Giêsu là một sai lầm nguy hiểm. Nói như thế không có nghiã đoàn thể những người đi theo Đức Giêsu không được mời gọi và thúc đẩy trở nên tốt hơn mỗi ngày theo gương Đức Giêsu. Trái lại, tất cả được tháp nhập vào Thân Thể có Đức Giêsu là Đầu để đuợc đổi mới, và trở nên thánh thiện như Cha trên trời là Đấng thánh thiện. Vấn đề là khi đồng hoá những con người yếu đuối trong Giáo Hội là Giáo Hội để khi bất mãn trước những bất công, bất chính của những con người bất toàn, bất hảo này, người ta chọn giải pháp “không giải quyết gì” là bất cần, bất trung, bất tín nhiệm, bất tuân phục Giáo Hội. Và đó là tình trạng của nhiều người trẻ công giáo đang trượt dài trên những cám dỗ bỏ đạo, đi theo các giáo phái.
5.   Không nhận ra đòi hỏi, giá trị và ý nghiã của Giáo Hội tông truyền:
Đức Giêsu không chỉ ban cho các môn đệ Tin Mừng và sai các vị đi khắp nơi loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho muôn dân, mà còn ban Chúa Thánh Thần cho họ để họ thi hành sứ vụ được trao phó: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,12-13).
Điều này có nghiã: Giáo Hội được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để tiếp tục làm cho chân lý được Đức Giêsu mặc khải trở nên trọn vẹn bằng giải thích, cắt nghiã, qủang diễn sao cho thích hợp, hầu đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho dân Chúa. Cũng vì có Chúa Thánh Thần hiện diện, Giáo Hội xác tín sứ mạng gìn giữ kho tàng chân lý được Đức Giêsu ủy thác và sứ vụ làm chứng Chân Lý ấy: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15,26-27).
Như thế, tông truyền có nghiã  được xây dựng trên nền tảng của các tông đồ, và các giám mục có trách nhiệm thừa kế để tiếp nối công trình của các thánh tông đồ trong việc rao giảng, dậy dỗ, hướng dẫn, qủan trị, chăn dắt dân Chúa là Giáo Hội, nên ngoài Kinh Thánh là nguồn mặc khải, ở đó Giáo Hội kín múc chân lý đức tin, chúng ta còn được được thừa hưởng  giáo huấn  của các tông đồ, và các đấng kế vị. Đó là lý do trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: “Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”, bởi nếu chỉ nhận chân lý từ Kinh Thánh, mà chối bỏ chân lý tông truyền, chúng ta sẽ chối bỏ luôn cả nền tảng tông đồ, trên đó Đức Giêsu xây dựng Giáo Hội của Ngài, khi nói với tông đồ trưởng Phêrô trước mặt toàn thể nhóm Mười Hai: “Phêrô, con là Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy (Mt 16,18).  
Trên đây là năm mấu chốt của giáo lý mà người trẻ công giáo cần được ăn rễ sâu, để không bị chao đảo trước những giáo thuyết sai lạc. Bởi không đào sâu chân lý “đức tin của Phêrô”, chúng ta sẽ lầm tưởng “đức tin nào cũng giống nhau, đức tin nào cũng là niềm tin ở Thiên Chúa”; bởi không nhận ra khác biệt giữa đức tin của Phêrô và các đức tin khác, chúng ta sẽ lầm tưởng Đức Giêsu, “Thiên Chúa làm người” của Kitô giáo không có gì khác  biệt các thiên chúa của các tôn giáo khác; bởi không thấu đáo giáo lý về Giáo Hội như Hiền Thê, và Thân thể của Đức Giêsu, chúng ta sẽ chấp nhận dễ dàng “tin Chúa, nhưng không theo đạo”, “làm việc trực tiếp” với Chúa, mà không cần vâng phục, cộng tác, hiệp thông với Giáo Hội của Ngài; bởi không nắm vững giáo lý về Giáo Hội tông truyền, chúng ta sẽ dễ có thái độ bất tuân ccá giáo huấn của đấng bản quyền; bởi không hiểu biết  lịch sử dân Thiên Chúa, chúng ta sẽ không thể hiểu  sự liên tục “quan phòng” của lịch sử Cứu Độ khởi đi từ Cựu Ước, và rất khó nhận ra công trình nhập thể, nhập thế của Đức Giêsu đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ nhiều ngàn năm trước  qua dòng lịch sử thăng trầm nhưng luôn được yêu thương, bảo vệ của dân riêng Thiên Chúa.
Và tất cả những lỗ hổng, kẽ hở, vết nứt “giáo lý” ấy sẽ là cơ hội tốt cho các giáo phái ngày càng nổi lên như nấm đang ra sức đánh gục “đức tin công giáo” của không ít thanh thiếu niên trong các xứ đạo, một “sự thật nhức nhối” không thể chối cãi.
Jorathe Nắng Tím

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

CON CÁI: MÓN QÙA QÚY GIÁ DUY NHẤT

Người mẹ của 9 đứa con ở miền Thất Sơn xa xôi, quê mùa vẫn say sưa kể về từng đứa con của bà. Bà nhớ từng ngày sinh của mỗi đứa, kỷ niệm đặc biệt khi sinh mỗi đứa và tiểu sử, lý lịch của từng đứa. Trong câu chuyện về 9 đứa con, bà nhớ từng chi tiết, từng tình tiết và rành mạch khúc chiết trình bầy có trật tự, lớp lang, không lẫn lộn đứa này qua đứa kia… Với bà, mỗi đứa là một đứa con duy nhất, mỗi người được sinh ra là một con người duy nhất, mỗi lần thụ thai, cưu mang, sinh nở là một biến cố duy nhất.
Có đứa lớn đứa nhỏ, đứa béo tốt, èo uột, đứa chóng lớn, dễ nuôi, đứa bệnh hoạn lấy bệnh viện làm nhà; nhưng đứa nào cũng được gọi là con, được yêu như con, được bú mớm, chăm sóc đúng “tiêu chuẩn” của con.
Quả thực, tình yêu có đôi mắt tinh anh của tình cha mẹ để nhận ra: mỗi đứa con là một món quà của Thượng Đế, món quà của mẹ cha trao tặng nhau, món quà của gia đình ban cho thế giới. Và đặc điểm của món quà này là tính độc đáo, duy nhất.
1.   Quà của Thượng Đế:
Nếu nhìn vào cơ thể con người, ta phải cúi đầu cảm tạ Thượng Đế đã để trong con người một trời mầu nhiệm. Không mầu nhiệm sao được khi tinh trùng của người cha gặp gỡ trứng của người mẹ đã sinh ra một mầm sống mới và mầm sống ấy lớn lên trong chính cung lòng người mẹ chín tháng mười ngày trước khi vào đời. Không mầu nhiệm sao được khi tinh trùng và trứng là những yếu tố xem ra tầm thường, đơn sơ đã hình thành một con người có thân xác, linh hồn với trí khôn, tình cảm, thao thức, ước mơ. Không mầu nhiệm sao được khi tình vợ chồng, tình cha con, tình mẹ con phát sinh từ cuộc hội ngộ giữa những con người này.
Là món quà của Thượng Đế, đứa con đã trở nên dấu chứng của “Trời tín nhiệm Người” khi mời gọi con người cùng cộng tác trong công trình tạo dựng. Không phải khơi khơi, vô tình mà Thượng Đế đã trao ban cho con người sứ mệnh sinh sản. Trái lại, Ngài muốn  nói lên lòng tín nhiệm và tôn trọng của Ngài đối với con người. Cho con người cộng tác vào việc truyền sinh loài người, Thượng Đế đã không coi con người là tạo vật bình thường, nhưng đã nâng con người lên hàng tạo vật cao qúy, thánh thiện, vì con người được sinh sẽ không chỉ là thụ tạo có thân xác mà còn có linh hồn thiêng liêng, bất tử.
Ý thức con cái là quà tặng của Thượng Đế cho thế giới, cha mẹ sẽ nhận con như nguồn ơn phúc từ Trời, như cây Phúc từ nay được vợ chồng cùng nhau vun xới, chăm đẵm. Cây Phúc mang đến hạnh phúc. Cây Phúc đem về lộc Trời, cây Phúc ban phát tình người. Và bao lâu thế giới còn những  cha mẹ biết trân trọng sự ra đời và sự sống của con cái, bấy lâu nhân loại còn được sống trong yêu thương, hạnh phúc.
Đón nhận con cái như món quà của Thượng Đế, cha mẹ sẽ không coi việc có thai, sinh con là chuyện “bình thường, đôi khi qúa tầm thường” trong cuộc sống. Hai người sẽ không nhìn việc thụ thai là kết qủa tất nhiên của chuyện ăn nằm, là hậu qủa khó tránh của chung đụng xác thịt, thoả mãn đòi hỏi của bản năng; nhưng trân qúy bào thai, trân trọng sự sống như kết qủa của tình yêu, như bảo chứng của dấn thân toàn phần và toàn diện của hai người tự nguyện cùng làm chung lịch sử. Có thai, có con sẽ không còn là chuyện thuần tình dục; nhưng là chuyện của một đời gắn bó, yêu thương. Em bé ra đời sẽ không là tai ương, tai nạn, tai hoạ; nhưng là tài sản qúy giá của nhân loại, tài sản tinh thần không bao giờ mất của gia đình, tài sản tình yêu ngày càng sinh sôi nẩy nở của cha mẹ.
  
2.   Quà tình yêu của cha mẹ:
Ngoài hạnh phúc nhìn thấy con mình mới sinh, người mẹ còn một hạnh phúc lớn khác, đó là được chiêm ngắm nụ cười mãn nguyện của chồng mình. Nàng hạnh phúc khi nhìn chồng ẵm con trong tay. Nàng sung sướng, cảm động khi chồng cúi xuống hôn và thì thầm: “Cám ơn em đã cho anh đứa con”. Hạnh phúc hôm nay của nàng là được trao ban hạnh phúc cho chồng mình: hạnh phúc làm cha. Nàng hãnh diện đã sinh cho chồng một người con, và tự hào đã chu toàn bổn phận đó. Nàng vui vì giá trị quá lớn và duy nhất của quà tặng là đứa con nàng vừa hạ sinh. Đó là quà tặng qúy  giá nhất nàng có thể cho chồng.
Nhìn hai người quấn quít hạnh phúc bên đứa con mới sinh, người ta không thể không đồng cảm với niềm vui lớn ấy, niềm vui của những người đã cho nhau món quà lớn nhất và duy nhất: Con.
Là món quà của yêu thương, em bé trở nên sợi giây tình thắt chặt hơn cuộc đời của  cha mẹ. Từ nay, nhìn thấy con là nhớ chồng, ẵm con trong tay là thương vợ quay quắt. Đứa con là hình ảnh, hiện thân, phó bản của chồng và vợ. Cả hai người gặp nhau và gặp mình trong đó. Con nhắc nhớ hai người kỷ niệm. Con nâng đỡ hai người trên đường đời vất vả. Con đem lại cho hai người niềm vui và hy vọng sống.
Nhưng người ta chỉ nhận được món quà hạnh phúc này khi tình yêu có mặt; nghiã là hai người sẽ chỉ nhận con cái như món quà cho nhau khi họ thực sự yêu nhau. Ngoài tình yêu, con cái sẽ chỉ còn được coi như những “xui xẻo, phiền toái, cản trở, gánh nặng, hình phạt khổ sai”. Thiếu tình yêu, con cái sẽ như những cây non không được tưới dưới trời nắng hạ, những chim non không đưọc chim mẹ mớm ăn. Chúng sẽ chết tức tưởi, thảm thương. Vắng bóng tình yêu, con cái sẽ biến thành những con tin bất hạnh bị ném như trái banh giữa hai đối thủ. Không tình yêu, em bé sẽ thoái biến thành đồ vật, món hàng và bị đổi chác, mặc cả bởi chính mẹ cha. Cạn kiệt tình yêu, con cái sẽ không là con, nhưng là dấu vết của tủi nhục, chứng cớ của hận thù, vật chứng của phản bội, nhân chứng của bất nhân, bạo hành.
3.   Quà cho nhân loại:
Khi sinh ra một con người, cha mẹ đương nhiên trở thành người ơn của thế giới khi tặng cho thế giới một con người mới. Con người mới này sẽ làm mới thế giới và cho thế giới luôn được đổi mới. “Tre già măng mọc” là thế, khi thế hệ trẻ tiến lên kế nghiệp thế hệ già để bảo đảm sự trường tồn của thế giới con người. Thiếu những chồi măng non, làm sao thế giới tồn tại và phát triển? Nhờ cha mẹ nuôi dưỡng, giáo dục, thế giới sẽ có những con người đức hạnh, tài năng để loài người ngày càng bớt bất hạnh nhờ tình yêu và khả năng của những con người được đào tạo trưởng thành. Khi ý thức mình là người ơn của nhân loại khi sinh ra và giáo dục con cái, cha mẹ sẽ trân trọng chính mình, vì biết mình mang một trọng trách và tôn trọng con cái, vì biết chúng mang một sứ mệnh.
 Hỡi những bạn trẻ lần đầu làm cha mẹ!
Tôi muốn chung niềm vui lớn với các Bạn ngày sinh của cháu bé, vì niềm vui ấy qủa thực rất lớn, lớn hơn tất cả các niềm vui khác cộng lại: niềm vui làm cha mẹ.
Tôi muốn được hôn lên trán con đầu lòng của các Bạn nụ hôn vừa chúc phúc vừa xin được chúc phúc. Tôi chúc cho cháu dư đầy ơn phúc trong cuộc đời và cũng xin cháu tràn xuống cho tôi ơn phúc đang chan hoà ở bé, vì bé là món quà vĩ đại của Tình Trời mầu nhiệm. 
Tôi muốn ghé thăm và xíết chặt đôi tay các Bạn với lời chúc “Can Đảm”, vì ngày mai trước mặt sẽ là ngày mai của tận tụy hy sinh.
Và tôi muốn cùng các Bạn chắp tay cầu nguyện cho tương lai hạnh phúc của con cái chúng ta cũng như của chính chúng ta.

TẠI SAO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO ĐI THEO GIÁO PHÁI? (2)

NGƯỜI TRẺ CẦN ĐƯỢC ĐỒNG HÀNH 
Giáo Hội là đoàn thể những người cùng đi theo Đức Giêsu, như đám đông ngày xưa đã kéo nhau đến nghe Ngài giảng “Tám mối phúc thật” (x. Mt 5,1-12), như “đám đông lũ lượt đi theo Ngài và được chứng kiến Ngài làm phép lạ cho con bà góa thành Nain sống lại” (x.Lc 7,11-17), như “những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành” (Mt 15,30), như đám đông đi theo Ngài và ở với Ngài “đã ba ngày rồi mà không có gì ăn” được Ngài “chạnh lòng thương” làm phép lạ cho bánh hoá nhiều để ai nấy được ăn no nê (x. Mc 8,1-9), như đám đông “đang vất vả mang gánh nặng nề” được Ngài kêu gọi đến với Ngài để được nghỉ ngơi, bồi dưỡng (x. Mt 11,28-30), và cũng những đám đông đã đi theo Ngài, “thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” đang “đứng trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta” trong Vương Quốc Nước Trời hằng sống (Kh 7,9-10).
Hình ảnh đám đông  đi theo Đức Giêsu trong Tin Mừng chính là hình ảnh Giáo Hội đồng hành: mọi người đồng hành với nhau trên đường theo Đức Giêsu. Đặc tính đồng hành này có nền tảng trên yếu tính Hiệp Thông của Giáo Hội, yếu tính không thể thiếu đối với một Giáo Hội được ví như  thân thể mà tất cả mọi người đều là chi thể, bởi “tất cả chúng ta đều đã được chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12,13).
Như thế, không ai thuộc về Giáo Hội mà  bị cô lập bởi Giáo Hội; không ai ở trong Giáo Hội mà bị Giáo Hội kỳ thị, khai trừ; không người Kitô hữu nào phải chịu cảnh thui thủi cô độc, lầm lũi đơn côi trên đường đi đạo, bởi Giáo Hội không chỉ là Thân Thể duy nhất, mà còn là đoàn thể cùng nhau đi theo Đức Giêsu, cùng nhau sống chết với Đức Giêsu, cùng nhau loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu, cùng nhau đi vào Nước Trời và chung hưởng hạnh phúc được chính Thiên Chúa hứa ban.
Nhưng Giáo Hội có thực sự là Giáo Hội đồng hành? Giáo Hội có sống đòi hỏi đồng hành với con cái? Giáo Hội có phát huy tinh thần đồng hành giữa đoàn chiên? Hay trong Giáo Hội vẫn còn những tín hữu bị bỏ rơi, những con chiên đơn độc, những người trẻ không được ai đồng hành?
Đây là một vấn đề không nhỏ, khi nhiều người trẻ sau khi bỏ Giáo Hội gia nhập các giáo phái đã thẳng thắn chia sẻ tình cảnh chơi vơi, lạc lõng của mình trước đó giữa lòng Giáo Hội, và không ngần ngại khẳng định lý do khiến họ bỏ Giáo Hội, vì thấy mình như người xa lạ trong nhà Mẹ Giáo Hội, như khách lạ trong gia đình Hội Thánh, như người lữ hành cô độc không bạn đường giữa cộng đoàn dân Chúa trên hành trình đức tin.
Là người trẻ còn non nớt, họ cần được những bậc cha anh trong Giáo Hội đồng hành với họ, như Đức Giêsu đã đồng hành với các môn đệ:

1.   Ngài đã đồng hành tình nghiã:
Đồng hành tình nghiã thầy trò, tình nghiã cha con, tình nghiã của Thiên Chúa, Đấng Cứu độ với con người tội lỗi cần được cứu độ. Chính trong bầu khí tình nghiã này mà các môn đệ đã được Đức Giêsu huấn luện, để lớn lên trong đời sống làm người, và trưởng thành trong đời làm con Chúa, môn đệ.
Đức Giêsu đã đồng hành tình nghiã khi yêu thương những kẻ thuộc về mình và Người yêu thương họ đến cùng (Ga 13,1), bởi chỉ có thể tình nghiã với ai, khi “yêu thương họ đến cùng”, vì yêu không đến cùng sẽ không được kể là tình nghiã, như những người yêu một khoảnh khắc, yêu một thời gian, yêu một qũang đường. Những người yêu từng phần mà không toàn phần, yêu có giới hạn mà không vô hạn, yêu được lập trình sẵn mà không là dấn thân mạo hiểm đi vào vô cùng này không được kể là người tình nghiã, vì “có tình có nghiã” phải được hiểu là trái tim yêu đến cùng, dù “đường cùng phải đến” có cùng khổ, cùng cực, cùng quẫn thế nào đi nữa.
Chính vì không dám yêu “người mình yêu” với gánh nặng của qúa khứ, với đe dọa của hiện tại, với rủi ro của tương lai, mà chúng ta không muốn yêu ai đến cùng như Đức Giêsu đã yêu những kẻ thuộc về mình. Và khi không muốn yêu đến cùng, chúng ta rất khó có thể đồng hành tình nghiã với họ.
Vì thế, tuy là đoàn thể cùng đi trên một tuyến đường, cùng chia sẻ vất vả và hạnh phúc của những người đồng hành, đồng hướng, nhưng nhiều người trong Giáo Hội đã trải nghiệm những bước chân lầm lũi, đơn độc, nặng nề giữa cộng đoàn; đã sống những xót xa, đắng đót vì bị cô lập, bỏ rơi giữa lòng Mẹ Giáo Hội, mà lý do thì nhiều vô kể, và thành phần trẻ thường chiếm đa số.
    
Người trẻ khao khát được đồng hành tình nghiã, nên khi rơi vào tình cảnh lạnh lùng, vô cảm của cha anh đồng đạo, người trẻ sẽ thất chí, nản lòng; người trẻ ao ước được cùng đi với những người cởi mở, thân thiện, nên chẳng may  đi bên cạnh những chức sắc xét nét, nhỏ mọn, hở ra là “lên lớp” dọa dẫm, đe nẹt, thì họ chẳng còn nhiệt tình, nhiệt huyết để đạt mục đích ở  cuối đường.
Vì thế, khi một cộng đoàn đức tin thiếu đồng hành tình nghiã, nghiã là vắng bóng tình yêu thương huynh đệ trên hành trình đức tin, cộng đoàn ấy sẽ mau chóng rời rạc, chia rẽ dẫn đến tình trạng tự ý ra khỏi cộng đoàn của nhiều người, đặc biệt người trẻ, và thực tế đã chứng minh: nhiều người trẻ bỏ đức tin công giáo vì không tìm được “bạn đường đức tin” đồng hành tình nghĩa, nhất là trong những thử thách cam go của đức tin, giữa sóng gió nghi nan, ngờ vực về hiện hữu của chính mình.
2.   Ngài đã đồng hành tôn trọng:
Đồng hành tình nghiã thôi chưa đủ, còn phải đồng hành tôn trọng, khi trân qúy nhân phẩm và tôn trọng quyền con người của nhau, như Đức Giêsu đã đồng hành tôn trọng với Nhóm Mười Hai của Ngài.                
Đức Giêsu đã đồng hành tôn trọng khi tôn trọng tự do đi theo Ngài của mỗi người, bởi có rất nhiều người đã nghe tiếng Ngài kêu gọi “Hãy theo tôi!”, nhưng theo Ngài chẳng có bao nhiêu, như người thanh niên đã tế nhị từ chối khi lặng lẽ “buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19,22), hay như khi Gioan Tẩy Giả giới thiệu hai môn đệ của mình cho Đức Giêsu và muốn họ đi theo Ngài, Đức Giêsu đã đồng hành tôn trọng tự do của các môn đệ này bằng mời các ông “Đến mà xem”. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy” (Ga 1,39), vì Ngài không bao giờ làm áp lực trên chọn lựa của bất cứ ai, không áp đặt, khống chế người nào phải tin và đi theo Ngài, bởi Ngài tuyệt đối tôn trọng giá trị của mỗi người và chỉ muốn đồng hành tôn trọng mọi người.
Đức Giêsu đã đồng hành tôn trọng cả khi môn đệ Phêrô chối mình, mặc dù đã được cảnh báo: “Này anh Phêrô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy” (Lc 22,34), cũng như với Giuđa, Ngài đã bảo ông: “Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22,48), khi ông lại gần để hôn khi Ngài bị bắt.
Trên hành trình đức tin với cộng đoàn dân Chúa, người trẻ cũng cần được đồng hành tôn trọng không chỉ khi người trẻ “hăng say, đạo đức”, nhưng cả lúc nguội lạnh, khô khan, khủng hoảng, vì hơn ai hết, người trẻ rất nhậy bén với những gì là độc tài, cưỡng bức, khống chế, tước đọat tự do, khinh mạn, phỉ báng, nên khi vấp phải chướng ngại trên hành trình tự do của đức tin, người trẻ sẽ rơi vào bất mãn và tìm đường thoát thân bằng rút lui, bỏ cuộc.
Thực vậy, với tâm hồn lương thiện, chúng ta sẽ phải khiêm tốn nhìn nhận những thiếu sót đối với người trẻ trong Giáo Hội khi chưa đồng hành với lòng tôn trọng, để không ít người trẻ cảm thấy bị coi thường, bị xúc phạm, bị tổn thương cách này cách khác, từ đó con đường đi tìm các giáo phái có cơ hội  mở ra.
3.   Ngài đã đồng hành cá nhân”:
Đồng hành cá nhân là đồng hành quan tâm đến từng người, như Đức Giêsu đã gần gũi với từng môn đệ, biết rõ từng người, cảm thông với từng người, và có phương án riêng để hướng dẫn, nâng đỡ, vực dậy từng người.
Thực vậy, cá nhân không bị quên trong “đám đông đi theo Chúa”, mỗi người không bị biến thành con số trong cộng đoàn Giáo Hội, nhưng cá nhân được chăm sóc, mỗi người có một sứ vụ, như mỗi chi thể có công tác, cơ năng riêng trong thân thể. Về chân lý này, không ai có thể cắt nghiã khúc chiết, phong phú hơn thánh Phaolô: Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không thể bảo tay: “Tao không cần đến mày”; đầu cũng không thể bảo hai chân: “Tao không cần chúng mày” (1 Cr 12,18-21).
Do đó, khi đồng hành cá nhân với các môn đệ, Đức Giêsu muốn nói lên địa vị và vai trò quan trọng của mỗi người trong Giáo Hội của Ngài, một Giáo Hội được ví như Thân Thể, mà tất cả các chi thể, bộ phận đều cần thiêt và liên đời với nhau, nên khi bỏ quên việc đồng hành cá nhân với người trẻ, chúng ta đã vô tình tỏ ra không cần họ, không nhìn nhận chỗ đứng và ơn gọi, sứ vụ của từng người trẻ trong Giáo Hội, để họ mang mặc cảm bị hạ giá, bị bỏ ra bên lề, bị đẩy ra ngoài sinh hoạt của Giáo Hội. Chúng ta nên chân thành tự vấn: có bao nhiêu người trẻ trong cộng đoàn đã được chúng ta tín nhiệm, giao trọng trách? Có bao nhiêu thanh thiếu niên trong giáo xứ đã được người có quyền quản trị chia sẻ công việc với niềm tin tưởng và tôn trọng? Có bao nhiêu người trẻ đã chán nản bỏ cuộc, không muốn cộng tác với chúng ta sau một thời gian, vì thái độ “hống hách, coi thường, thiếu cởi mở, kể cả vắt chanh bỏ vỏ” của chúng ta? Và có bao nhiêu người trẻ đã bỏ Giáo Hội đi theo các giáo phái vì không được Giáo Hội quan tâm đồng hành “cá nhân” với họ?     
Thực ra, không dễ để thực hiện lý tưởng đồng hành với từng người, như Đức Giêsu đã “biết từng con chiên của Ngài” và chiên nào cũng biết Ngài và nghe tiếng Ngài (x. Ga 10,3-5), vì chúng ta không có thời giờ, và khả năng có giới hạn, nhưng cản trở đáng buồn chính là tính ích kỷ và ganh tị của chính chúng ta là những người có trách nhiệm đồng hành với người trẻ. Qua tâm sự của nhiều người trẻ nạn nhân, chúng ta phải nhận một sự thật phũ phàng là không ít những người lớn đi trước có trách nhiệm xây dựng đức tin của người trẻ lại ghen tương, tranh giành, đấu đá với người trẻ khi thấy họ nổi bật hơn mình về kiến thức, khả năng. Đây là ung nhọt phải được cắt đi sớm bao nhiêu có thể, vì ảnh hưởng phá hoại rất tồi tệ của nó.
4.   Ngài đã đồng hành giáo dục khai phóng:
Các môn đệ đi theo Đức Giêsu không phải là những người hoàn hảo, nhưng tất cả đều là những con người bình thường, với những khuyết điểm, tính hư tật xấu, và lòng dạ còn nhiều điều phải sửa chữa, thay đổi.
Tin Mừng đã ghi lại những màn tìm kiếm ngôi thứ, địa vị trong Vương Quốc tương lai của Đức Giêsu (x. Mc 10,35-40), những cảnh các môn đệ nóng giận xin Đức Giêsu sai lửa từ trời xuống thiêu rụi làng này, tỉnh kia chỉ vì không ân cần tiếp đón các ông (x. Lc 9,51-55), những thái độ thiếu nhân bản khi xua đuổi trẻ em  đang náo nức muốn đến gần Đức Giêsu để đuợc Ngài âu yếm chúc lành (x. Mt 19,13-15), những câu nói thiếu tế nhị  làm tổn thương trước người đàn bà ngọai đạo kiên trì năn nỉ Đức Giêsu chữa lành con gái bà bị quỷ ám (x. Mt 15,23), và còn vô số những thiếu sót, yếu đuối nơi các ông, mà điển hình là Giuđa đã bán Thầy, Phêrô đã chối Chúa, và hầu hết các môn đệ đã trốn chạy bỏ rơi Đức Giêsu những ngày tang thương, sầu thảm nhất trên đường Thánh Giá.
Tuy vậy, Đức Giêsu vẫn thương yêu những người thuộc về Ngài và thương yêu họ đến cùng, bằng đồng hành giáo dục khai phóng họ.
Ngài nhẹ nhàng chỉ bảo các ông để các ông nhìn ra vấn đề hơn; Ngài ân cần khuyên răn các ông để các ông tử tế hơn với mọi người; Ngài khéo léo uốn nắn các ông để các ông nhận ra điều ngay lẽ phải; Ngài kiên nhẫn dậy dỗ các ông để các ông  đuợc biến đổi, hầu đón nhận Thánh Ý Thiên Chúa trong cuộc sống; nhất là Ngài khiêm tốn chịu đựng các ông khi các ông sai trái, mà không nóng giận, hằn học, trừng phạt, lên án, tẩy chay, khai trừ.
Cứ nhìn thái độ của Đức Giêsu đối với Phêrô khi ông vừa chối Ngài thì biết trái tim đồng hành của Ngài lớn thế nào: Ngay lúc Phêrô còn đang chối: không biết Đức Giêsu là ai, thì Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần. Và ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,61-62).
Trước sai phạm nghiêm trọng của môn đệ Phêrô, Đức Giêsu đã không hề phản ứng bạo lực, trái lại vẫn yêu thương đến cùng, và bằng ánh mắt buồn nhưng âu yếm cảm thông, Ngài đã nâng đỡ Phêrô, giúp Phêrô thoát khỏi cơn sóng tuyệt vọng, và dậy bảo ông thống hối trở về. Tính cách giáo dục khai phóng của Đức Giêsu khi đồng hành với các môn đệ được đặt trên tình yêu vô cùng và đến cùng. Nhờ tình yêu mãnh liệt và bền vững này, Ngài luôn hy vọng vào ơn đổi mới nơi người môn đệ yếu đuối, tội lụy, mà không hề xúc phạm, hạ thấp giá trị của người thuộc về mình.
Như thế vẫn chưa đủ, Đức Giêsu, sau khi sống lại còn làm chứng cho Phêrô và các môn đệ biết: Ngài không mượn cớ, chờ dịp để trách móc, trừng phạt, sa thải, nhưng một lần nữa giáo dục các ông tinh thần khai phóng có trách nhiệm khi nhấn mạnh với các ông tiêu chuẩn để trở nên người môn đệ xứng đáng, tiêu chuẩn để trở thành người lãnh đạo tốt, tiêu chuẩn để trao trọng trách quản trị đoàn chiên của Ngài chính là Tình Yêu, khi nói với Phêrô: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”, sau khi hỏi ông ba lần: “Con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,17).
Nhìn lại những người trẻ bỏ Giáo Hội ra đi, chúng ta có chạnh lòng khi nghĩ đến những lần người trẻ sai lỗi đã bị người có trách nhiệm trong Giáo Hội nặng lời quở trách, nạt nộ, lên án? Chúng ta có bận tâm đặt mình vào chỗ của người trẻ để hiểu phần nào nỗi buồn “thất vọng với Giáo Hội” của họ, vì những “bất ngờ, không ngờ” có sức làm sụp đổ từ phiá những người có quyền quản trị? Chúng ta có giật mình băn khoăn khi người trẻ đột nhiên không còn nhiệt huyết, không còn lửa quảng đại phục vụ Giáo Hội ?
Và câu trả lời đã không được viết thành câu, nói thành tiếng, nhưng vội vã  biến thành hành động bỏ nhà đi tìm một mái ấm khác rất xa, rất lạ với nhà mẹ Giáo Hội.     
  
Qủa thực, các bạn trẻ đã bỏ nhà Giáo Hội đi theo các giáo phái đều chung một tâm sự, đó là “buồn vì đã không được Giáo Hội quan tâm đồng hành”. Rất có thể các bạn ấy đã chủ quan, vì Giáo Hội không bỏ bê công việc này, bằng chứng là các đấng bản quyền luôn quan tâm đến sứ vụ đồng hành với giới trẻ, và rất nhiều chương trình được thực hiện để phục vụ giới trẻ trên hành trình đức tin. Nhưng vấn đề được các em đặt ra ở đây chính là phương thức đồng hành, bởi đồng hành với đám đông khác đồng hành cá nhân với từng người; đồng hành kiểu  “tổ chức sự kiện” khác đồng hành liên lỷ kiểu “mưa dầm thấm lâu”; đồng hành kiểu công bố sắc lệnh, tuyên ngôn nẩy lửa khác đồng hành đằm thắm, nhẹ nhàng; đồng hành kiểu huyên náo, sôi nổi khác đồng hành kín đáo, lặng lẽ, thâm trầm; đồng hành kiểu đại trà, hoành tráng với khẩu hiệu, biểu ngữ khác đồng hành từng bước âm thầm, từng khúc mắc được cởi, từng vấn nạn được giải thích, từng nhu cầu được đáp ứng, từng thao thức, khắc khoải được khai mở thăng hoa.
Vâng, người trẻ không luôn dễ tính và đơn giản như người lớn thường lầm tưởng khi đánh giá. Trái lại, người trẻ nghĩ khác người lớn, người trẻ lý giải khác người già, người trẻ không luôn chọn lựa như ước mơ của cha anh, nên không đồng hành với người trẻ như người trẻ khao khát, chờ đợi, chúng ta sẽ mất người trẻ; không bước cùng nhịp với người trẻ trên hành trình đức tin, người trẻ sẽ không đi với chúng ta; không gắn bó, thân thiết đồng hành với người trẻ, người trẻ sẽ không hiểu  chúng ta và kết thúc bằng chia tay từ biệt.
Chính trong tình trạng “không cảm thấy được quan tâm đồng hành” trong Giáo Hội, người trẻ sẽ đi tìm sự quan tâm đồng hành ở nơi khác. Điều đáng nói là “những nơi khác” ấy luôn biết nắm thời cơ và thực hiện những kỹ năng đồng hành rất ăn khách, tạo ấn tượng sâu đậm nơi người trẻ đang có vấn đề đức tin. Kỹ năng đồng hành thường được “những nơi khác ấy” điều nghiên kỹ lưỡng và chi tiết lập trình, khởi đi từ những nhu cầu rất nhỏ và rất bình thường của đời thường như nhu cầu an sinh, nhu cầu học vấn, nhu cầu được lắng nghe… để từ đó tiến xa dần đến nhu cầu tâm linh, mà đích điểm là đức tin.
Thế nên không lạ gì khi nhiều người trẻ công giáo không tìm được chỗ đứng trong Giáo Hội, hoặc không cảm thấy được Giáo Hội quan tâm đồng hành đã dễ dàng gia nhập các giáo phái khi được mời gọi, vì ở đây, họ được trân trọng, ở đây họ cảm thấy an tâm vì được quan tâm, ở đây họ cảm thấy bình an, vì được ân cần nâng đỡ, thân thiện đồng hành, ở đây họ cảm thấy ấm áp như con cái, anh chị em trong nhà, vì khoảng cách giữa người với người không xa, tương quan người trên - kẻ dưới không hình thức, nặng nề, nhất là ở đây, những trăn trở, thắc mắc liên quan đến niềm tin, những vấn nạn đức tin từ lâu làm bận trí, nặng lòng đều được  giải toả, tháo gỡ bằng cách thay thế đức tin công giáo được xem là “lạc hậu, cũ kỹ, nặng nề”, bằng một “đức tin mới lạ, kỳ diệu, nhẹ tênh”.
Jorathe Nắng Tím    

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

TUỔI THƠ


Tuổi Thơ, Món Quà Của THƯỢNG ĐẾ (Tác giả: Jorathe Nắng Tím)
TUỔI THƠ
Hạnh phúc lớn nhất của người mẹ là nhìn thấy con mình vừa sinh ra. Bao nhiêu đau đớn, sợ hãi tan biến khi nghe tiếng con khóc chào đời. Và hạnh phúc ấy kết tụ trong bốn chữ: “Ôi con của mẹ!”.
Ôi con của mẹ đẹp quá, dễ thương qúa! Ôi con của mẹ giống ba qúa! Ôi con của mẹ tuyệt vời qúa! Và mẹ thương con biết bao!
Tình yêu của người mẹ không lúc nào mãnh liệt như khi sinh con và càng sôi nổi, vũ bão khi bồng con trong tay. Không ai có thể lấy con ra khỏi mẹ, cũng không ai ngăn cản được tình mẹ cho con. Trời đất hôm ấy cũng phải nghiêng mình trước tình mẹ bao la, vĩ đại. Thế giới hôm ấy cũng phải nhẹ nhàng, khoan thai chân bước để đừng đánh thức giấc mơ hạnh phúc làm mẹ vừa được thực hiện …
Bên cạnh người mẹ là người đàn ông vừa làm cha một đứa con mới sinh ra, làm cha một con người mới gia nhập cộng đồng nhân loại, làm cha một sự sống vừa vào đời. Ông cũng vui khôn tả: Niềm vui của người đã đóng góp tích cực cho sự sống được thành hình và hôm nay đang có mặt. Ông vui như mẹ của em bé, vì cả hai đã chung một trái tim, một cung lòng, một hơi thở cho em bé được làm người.  
Từ khi loài người có mặt, đã có bao nhiêu em bé được sinh ra, vì tất cả đều được sinh ra làm em bé. Không ai đã lớn ngay mà không oe oe khóc, chập chững đi, bi bô tập nói. Không ai đã tự mình vào đời mà không bé bỏng, mong manh trong lòng mẹ, trên tay cha. Từ khi Ađam và Evà có con trai đầu lòng là Cain, đã có biết bao nhiêu niềm vui được làm cha làm mẹ, vì không niềm vui nào lớn hơn niềm vui sinh ra một con người.
Nhưng cũng có những lần chào đời bất đắc dĩ khi người đàn ông từ chối con người mới được sinh ra là con mình, người đàn bà không muốn nhận em bé mình cưu mang chín tháng vì đó là hậu qủa tai ương của một cuộc “mây mưa” bị cưỡng bách, hoặc vỡ kế hoạch. Và tiếng khóc trẻ thơ hôm ấy không là hạnh phúc chào đời, khi người đàn ông và người đàn bà từ chối ơn gọi và vinh dự làm cha mẹ.
Mỗi người đã làm em bé khi vào đời, và đã có một tuổi thơ; nhưng tuổi thơ thiên thần hay tuổi thơ bị đầy đọa, em bé được nghênh đón, đợi chờ hay em bé bị hắt hủi, bỏ rơi? Mỗi người một số kiếp, một “lá số”… và không ai đã hoàn toàn giống ai.
Viết về tuổi thơ là viết về nhân loại, vì mỗi người là cả nhân loại. Nhân loại mang tuổi thơ vì nhân loại được thơ trẻ từng giây phút.Yêu mến tuổi thơ là yêu mến đồng loại, vì tất cả đã một lần “làm tuổi thơ”. Phục vụ tuổi thơ là phục vụ con người vì không lúc nào thế giới loài người không cần tuổi thơ để tồn tại.
Chia sẻ với Bạn về tuổi thơ, người viết muốn được cùng Bạn trở về tháng ngày của tuổi thơ, đồng thời chiêm ngắm tuổi thơ hôm nay trên đất nước này, ở đó chúng mình đã một thời “thơ ngây, bé bỏng”.

TẠI SAO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO ĐI THEO GIÁO PHÁI?

Lời Ngỏ
Đây là đề tài không mấy vui, nên ít người đề cập. Nhưng với người viết thì lý do tránh né vấn đề, chính là vấn đề qúa tế nhị, dễ gây phiền: phiền phức cho những người có trách nhiệm muốn bảo vệ thành qủa truyền giáo “sáng chói” của mình; phiền toái cho những người giữ đạo kiểu pháo đài không chấp nhận thực trạng có người phe ta bỏ đạo, vượt rào theo giáo phái; phiền lụy cho những nhóm qúa khích sẽ mất số, mất mặt với những người thuộc tôn giáo khác; và phiền hà cho các đấng bậc khi phải đối mặt với hiện trạng chiên tự ý bỏ đàn đi hoang.
Chính vì “phiền” nhiều nỗi, mà người viết cần minh định đôi điều để bớt phiền bao nhiêu có thể, hầu mục đích xây dựng đạt được mức độ cao nhất.
Trước hết và trên hết, người viết được tình yêu Giáo Hội thúc bách để chân thành chia sẻ với qúy bạn kinh nghiệm của nhiều năm đồng hành với một số người trẻ công giáo tại Việt Nam đã bỏ Giáo Hội gia nhập các giáo phái. Tiếp đến là ý hướng muốn giúp các cha mẹ Công Giáo đi sâu hơn vào những thao thức, khắc khoải, cũng như những bế tắc, thất vọng của các bạn trẻ trên hành trình đức tin, và sau cùng qua những tâm tư rất thật, những vấn nạn rất căng, những thái độ rất “người” của các bạn trẻ giữa cuồng phong thử thách đức tin, hy vọng người lớn cũng như người làm lớn sẽ cảm thông hơn với người trẻ trong thử thách để nâng đỡ  thiết thực, hữu hiệu những người con, người em đang cần tấm lòng và bàn tay thương yêu của gia đình, và Giáo Hội.
Vì thế, những chia sẻ trong loạt bài: “Tại sao người trẻ công giáo đi theo các giáo phái?” có những sự thật làm sốc, những sự thật làm ngộp thở, những sự thật “đụng chạm, làm mất lòng”, bởi tất cả đều thật, thật trong từng chi tiết, thật ở từng khía cạnh, những sự thật đang diễn ra trong nhiều gia đình công giáo làm lo lắng, đau lòng nhiều ông bà, cha mẹ có con cháu trên đường xa Chúa, bỏ Giáo Hội, nhất là đang làm ray rứt, đau khổ nhiều bạn trẻ giữa những ngã tư, ngã năm, ngã sáu của “đức tin đủ loại”, vì không biết phân định thế nào, chọn lựa ra sao trước  khả thể: hoặc ở lại với Giáo Hội Công Giáo hoặc bỏ đạo, ra đi, gia nhập giáo phái mới.              
Ước mong đóng góp bé nhỏ của người viết sẽ đem lại cho các bạn trẻ đang ngờ vực, phân vân một chút ánh sáng giữa đường hầm hun hút, và chia sẻ với các gia đình có con cháu đang gặp khó khăn, thử thách trên hành trình đức tin nắng ấm của niềm vui hy vọng trong Đức Giêsu, Đấng là Đường, là muôn muôn nẻo đường dẫn mọi người đến với Chúa Cha. 
Jorathe Nắng Tím  

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

NGƯỜI TRẺ VÀ ĐỨC TIN (12)

NIỀM HY VỌNG KHÔNG BAO GIỜ LÀM THẤT VỌNG
Các môn đệ khi xưa đã không ít lần bâng khuâng tự hỏi: Theo Đức Giêsu, các ông được gì, vì đường dài và gian nan, trong khi tương lai không có dấu hiệu huy hoàng, ngời sáng. Tâm trạng mênh mang một nỗi niềm khó đặt tên khi lòng chùng xuống ấy chắc ít nhiều cũng đã chiếm cứ tâm hồn người trẻ nói riêng và người Kitô hữu nói chung, bởi tất cả chúng ta đều là môn đệ Đức Giêsu, nên chung một đức tin, một đức ái, một niềm hy vọng, một thử thách.
Sở dĩ chúng ta hy vọng vì thất vọng đang rình rập bủa vây; sở dĩ đi tìm hy vọng, vì dáng dấp thất vọng đã quanh quẩn đâu đó đe dọa, bởi sẽ không có ý niệm hy vọng, nếu trước đó đã không có tư tưởng thất vọng, không có mơ ước “hy vọng”, nếu thất vọng, tuyệt vọng đã không một lần làm chúng ta hoảng sợ, rùng mình.
Kinh hãi thất vọng vì bị phản bội, hoảng sợ thất vọng khi bị bán đứng, bỏ rơi, và chúng ta hiểu thế nào là kinh nghiệm đắt giá của tính trung thực, lòng trung tín, và biết rõ nguyên nhân của hầu hết thất vọng chính là lời hứa không được tôn trọng.
Tất nhiên chúng ta cũng thất vọng vì nhiều nguyên nhân khác, như thất vọng vì thiếu sót, lầm lỗi của chính mình, thất vọng vì “lực bất tòng tâm”, thất vọng vì  khả năng giới hạn của người khác mà mình đã lầm khi đánh giá qúa cao, thất vọng vì không gặp “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, thất vọng vì hoài bão không thành… Nhưng nguyên nhân chính của thất vọng vẫn là “lòng người đổi trắng thay đen”, con người không trọn lời thề, không giữ lời hứa, thất tín, bất trung với nhau.
Chính vì “chết lên chết xuống” do những tai nạn trong tương quan giữa ta với người ở đời thường, mà chúng ta bị ám ảnh cả trong đời sống tâm linh, khi “phân vân, nghi ngờ” Lời Hứa của Đấng chúng ta tin, và trên con đường theo Đức Giêsu, con người “đức tin” của chúng ta đã có những lúc mệt mỏi, chán chường, hoang mang, mất hướng, như thách đố phải vượt qua, như cám dỗ phải lướt thắng, như thử thách để trưởng thành. Nhưng chính trong những thách đố, cám dỗ, thử thách tưởng không thể vượt qua đó, có Đức Giêsu “toát mồ hôi máu” trong vườn  Cây Dầu khi sấp mặt xuống xin Chúa Cha cất đi chén đắng khổ hình Ngài sắp phải uống (x. Mt 26,39), có Đức Giêsu đau đớn rướn mình thổn thức trên Thánh Giá: “Lậy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46) hiện diện và đồng hành với chúng ta. Cũng chính lúc không còn thắm thiết, nồng nàn, không còn nhiệt huyết, hăng say với ơn gọi và sứ vụ lại là lúc trái tim quặn thắt của Đức Giêsu trước thinh lặng xa vắng, lạnh lùng của Chúa Cha đang chung nhịp đập với qủa tim muốn vỡ toang, nát vụn vì thử thách của chúng ta. Điều đó nói lên Đức Giêsu thương yêu đến cùng, và không quên Lời Ngài đã hứa, không bỏ rơi những ai đi theo Ngài, không thay mặt đổi lòng như phàm nhân bất trung, bất tín, vì Ngài là Đấng hằng trung tín, yêu thương đến cùng và không bao giờ làm ai phải ngã lòng, thất vọng.
1.   Đức Giêsu là Hy Vọng của chúng ta ở đời này và đời sau:
Nhiều người vô thần lên án người có đạo là những người không sống đời này, không quan tâm đến cuộc sống hôm nay, với những vấn đề của thế giơi hiện tại, nhưng chỉ mơ màng đời sau, mơ ước viển vông cuộc sống ở thế giới bên kia, một thế giới không biết có hay không, thực hay hư, chắc chắn hay hão huyền. Và người ta nhìn người Kitô hữu như những con người không bao giờ sống, không biết sống, không trân trọng cuộc sống, sống bên trên và  ngoài lề cuộc sống.
Thực ra, lý tưởng sống, lẽ sống, ý nghiã sống của người Kitô hữu chính là thế giới này, cuộc đời này, với những con người đương thời, đồng thời đang sống, bởi giới luật duy nhất của Kitô giáo là “mến Chúa yêu người”, và mến Chúa chỉ có giá trị khi yêu người, bởi Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20)
Hơn nữa Đức Giêsu, Thiên Chúa của Kitô giáo là “Thiên Chúa làm người”, một Thiên Chúa không chỉ ở trời, chỉ ở trên cao, nhưng xuống thế gian làm người, sống như con người giữa thế giới loài người, nên làm người Kitô hữu chính là làm người như Đức Giêsu Thiên Chúa, trở nên con người như con người Đức Giêsu, khi trân qúy, xây dựng cuộc đời, và yêu mến, phục vụ con người cùng sống trong thế giới.
Vì thế, niềm hy vọng được hạnh phúc ở đời này cũng thúc bách người tín hữu như hy vọng được hạnh phúc đời sau. Cả hai “đời này và đời sau” đều quan trọng và  cùng lúc khơi dậy trong lòng người Kitô hữu niềm hy vọng ở Lời Hứa mà Đức Giêsu đã hứa cho những ai đi theo Ngài.
Trước câu hỏi của Phêrô: “Phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,27), Đức Giêsu đã khẳng định niềm hy vọng hạnh phúc của chúng ta ở đời này và đời sau là có nền tảng: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy thì sẽ được gấp bội, và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19,29). Thánh sử Luca còn nhấn mạnh: “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con, hay ruộng đất gấp trăm… và sự sống vĩnh cửu đời sau” (Lc 10,29-30).
Như thế, niềm hy vọng hạnh phúc đời này và đời sau của chúng ta được bảo đảm do Lời Hứa của Đức Giêsu. Và đức tin mời gọi chúng ta tin Đức Giêsu không thất hứa, không nuốt lời, không lừa dối, bịp bợm, không thay dạ đổi lòng, nhưng thực hiện trọn vẹn Lời Hứa, như đã sống lại ngày thứ ba đúng y lời Ngài đã hứa, mà các môn đệ của Ngài đã không nhớ và không tin.
Chính sự sống lại từ cõi chết như Lời Hứa của Đức Giêsu đã đảm bảo lẽ sống của cuộc sống hôm nay, và hạnh phúc đời sau đối với những ai tin ở Ngài.
2.   Đức Giêsu đã làm chứng Ngài là Thiên Chúa trung tín với Lời Hứa:
Suốt cuộc đời dương thế, Đức Giêsu đã không làm ai phải thất vọng, nếu tin vào Ngài: Ngài không làm thất vọng những người đau ốm, tật bệnh: khi “thiên hạ mang đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa họ” (Mt 4,24); Ngài không làm thất vọng viên sĩ quan đại đội trưởng ngoại đạo, khi ông khiêm tốn xin Ngài: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng đón rước Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8,8); Ngài không để niềm hy vọng của người đàn bà ngoại đạo xứ Canaan biến thành tuyệt vọng, khi bà một mực tin tưởng con bà sẽ được chữa lành, mặc dù Ngài đã tỏ ra lạnh lùng để thử lòng tin của bà (x. Mt 15,21-28); Ngài đã biến tuyệt vọng của bà goá thành Nain, và chị em Mátta, Maria ở Bêtania thành niềm vui khôn tả, khi cho con trai bà goá, và em trai hai chị em Mátta, Maria sống lại (x. Lc 7,11-15 ; Ga 11,1-44).
Là Đấng được Thiên Chúa sai đến, để “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ giam cầm biết họ đươc tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức…” (Lc 4,18), Đức Giêsu đã trung tín với sứ vụ của Ngài khi được Chúa Cha sai đến thế gian. Không những chữa lành bệnh tật, xoa dịu những đau đớn của thân xác, Ngài còn là niềm Hy Vọng cho những tâm hồn đau khổ vì nghèo khó, bị ăn hiếp vì hiền lành, chịu thiệt thòi vì sống và làm điều công chính, bị bắt bớ, truy lùng vì xây dựng công lý, hoà bình, bị vu khống, bách hại vì sống ơn gọi và thực hiện sứ vụ được Thiên Chúa trao phó, để tất cả những ai tin theo Ngài sẽ gặp được ở Ngài niềm ủi an, lòng thương xót, bình an đích thực, và phần thưởng vô cùng lớn lao là được thấy Thiên Chúa và hạnh phúc trong Vương Quốc của Ngài (x. Mt 5,1-12).  
Là Thiên Chúa của lòng thương xót, Đức Giêsu đã không để ai tin tưởng Ngài phải thất vọng, vì không được Ngài  xót thương, như đôi lúc chúng ta thấy mình tội lỗi quá, và ý nghĩ “khó có thể được Chúa thứ tha” làm chúng ta lo sợ, hoảng hốt, thất vọng.
Tâm trạng lo lắng do chưa đủ tin tưởng ở Lời Hứa của Đức Giêsu: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13), cũng như “không đến để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28) rất thường ám ảnh chúng ta, và đó là đòn rất thâm độc của ma qủy, khi đánh phá niềm hy vọng được Thiên Chúa thương xót, bởi đánh gục được niềm hy vọng, ma qủy nắm chắc phần thắng, như đã cướp mất niềm hy vọng vào Thầy mình của Giuđa, sau khi bán Thầy và nghe tin Thầy bị kết án đóng đinh. Chính vì để mất niềm hy vọng vào lòng thưong xót, bao dung, yêu thương vô cùng và đến cùng của Thầy, mà Giuđa đã bỏ cuộc, và tuyệt vọng đi thắt cổ tự tử. Khác với Phêrô, tuy cũng phản bội như Giuđa khi chối Thầy, nhưng Phêrô  giữ được niềm hy vọng vì biết đón nhận lòng thương xót từ ánh mắt của Đức Giêsu, nhờ đó, đã không tuyệt vọng gục ngã (x. Lc 22,61-62).
Là Thiên Chúa bao dung với Lời Hứa: “tìm  cho kỳ được con chiên bị mất, tìm cho kỳ được đồng tiền không may bị đánh rơi” (Lc 15,4.8), và mở tiệc ăn mừng “vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24), Đức Giêsu đã không làm thất vọng bước chân trở về của Giakêu, người thu thuế tham ô, tội lỗi, khi đến tận nhà dùng bữa với gia đình ông, và âu yếm chúc lành: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này… Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất” (Lc 19,9-10).
Là Thiên Chúa nhân hậu với Lời Hứa “không lên án ai”, Đức Giêsu đã ban lại niềm hy vọng được sống cho người đàn bà ngoại tình bị bắt qủa tang đã hoàn toàn tuyệt vọng trước các kinh sư, Biệt Phái và đám đông rất hung dữ tay cầm sẵn đá để xử tử chị theo luật Môsê, khi Ngài  hỏi các ông quan toà giả hình, gian ác: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Còn Ngài chỉ vắn tắt nhẹ nhàng nói với chị: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).
Là Thiên Chúa yêu thương sẵn sàng “hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13), Đức Giêsu đã không để người tử tội cùng chịu đóng đinh với Ngài phải tuyệt vọng, khi anh nài xin: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”, nhưng đã hứa cho anh Nước Trời: “Tôi bảo thật anh, ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,42-43).
Thực vậy, không ai phải thất vọng khi tin vào Lời Hứa của Đức Giêsu, bởi Ngài là Thiên Chúa trung tín, như ngày xưa trên dương thế, Ngài đã không làm ai phải thất vọng, nhưng ban hạnh phúc của niềm hy vọng cho tất cả những ai tin vào Ngài.
3.   Giáo Hội làm chứng Đức Giêsu là Hy Vọng không bao giờ làm thất vọng:
Lịch sử Giáo Hội, tức lịch sử của đoàn thể những người đi theo Đức Giêsu, lịch sử của Dân Chúa từ bao đời đã làm chứng Đức Giêsu là niềm Hy Vọng của nhân loại, và hành trình đi theo Ngài chính là hành trình tràn đầy hy vọng.
Vì là hành trình tràn đầy Hy Vọng trong Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, mà dân Chúa  từ đời này đến đời kia, người Kitô hữu từ thế hệ này qua thế hệ khác đã không chùn bước Vượt Qua bao nhiêu thử thách cam go để xây dựng một thế giới được đổi mới nhờ lắng nghe Tin Mừng, một nhân loại hạnh phúc với “trời mới, đất mới”, ở đó “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa...” (Kh 21,4).
Với niềm hy vọng trong Đức Giêsu, người Kitô hữu không còn sợ gian truân, khốn khó, vu khống, bách hại, không nản chí bỏ cuộc, buông tay đầu hàng sự dữ, thần dữ trên đường yêu thương phục vụ anh em, bởi chung quanh họ, không ít người đã thất vọng trước vô ơn, đã tuyệt vọng trước tráo trở phản bội, và thu mình vào vỏ ốc an toàn, an thân, an phận vì qúa sợ tha nhân, qúa ngại tình đời, qúa ngao ngán lòng người đổi trắng thay đen.
Những nhân chứng sống động của niềm hy vọng nơi Đức Giêsu trong Giáo Hội thì vô kể. Họ là những Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ tận hiến đời mình để làm chứng niềm hy vọng Nước Trời, đã trao dâng đời mình để đem niềm hy vọng của Tin Mừng, Lời Hứa của Thiên Chúa đến với muôn dân, đã hy sinh chính mạng sống mình để niềm hy vọng của Tin Mừng tình yêu được gieo vãi, nẩy mầm, lớn lên giữa lòng thế giới đầy bạo lực, như bẩy tu sĩ Pháp đã bị giết dã man năm 1996 tại Tibéhirine, Algérie, nơi các vị phục vụ những người dân nghèo, bởi những người hồi giáo qúa khích. Họ cũng là những giáo dân làm chứng niềm hy vọng nơi Đức Giêsu, khi tin vào Lời Hứa được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ; là những người thành tâm thiện chí thao thức, khắc khoải và nỗ lực đi tìm niềm hy vọng ở Lời Hứa của Thiên Chúa. Và mãi mãi đến tận thế, đoàn thể những người  khao khát sống niềm hy vọng ở Lời Hứa vẫn theo nhau lên đường, tiếp nối nhau và cùng đi trên hành trình tràn đầy hy vọng của Đức Giêsu.
Qủa thực, không đặt niềm hy vọng nơi Đức Giêsu là Thiên Chúa trung tín với Lời Ngài hứa, người môn đệ khó có thể vượt qua những thử thách cam go, những thách đố kinh khủng, những cám dỗ không luôn dễ lướt thắng. Không hy vọng ở Đức Giêsu là ơn phù trợ và quan phòng của người cha nnhân hậu thương yêu con cái mình, chúng ta khó kiên trì để “bắt đầu lại” mỗi ngày, “trở lại” liên lỷ, sau vô số những vấp ngã vì yếu đuối. Và không hy vọng ở Lời Hứa bao dung thứ tha, chúng ta làm sao dám ngẩng mặt nài xin ơn tha tội và khiêm tốn lên đường trở về nhà cha, như người con hoang đàng trong Tin Mừng Luca? (x. Lc 15,11-32), không hy vọng ở tương lai cuối đường hầm có Thiên Chúa giang tay đợi chờ như người cha nhân hậu hằng ngày ra đầu ngõ ngóng con, chúng ta làm sao có thể chết bình an như người trộm lành khi giờ Chúa đến?
Vâng, đời chúng ta tuy ngắn nhưng cũng đủ dài để thấm thiá những thất vọng do cuộc đời, người đời và do chính chúng ta gây ra cho mình và cho anh em; qũy thời gian tuy không lớn, nhưng cũng đủ để chúng ta “ngậm đắng nuốt cay” vì những giờ phút ngã lòng, thất vọng. Tuy thế, những kinh nghiệm chán chường, nản chí, thất vọng với tình đời, người đời, chuyện đời ấy ít nhiều cũng thúc bách chúng ta lên đường đi tìm Niềm Hy Vọng không bao giờ làm thất vọng là Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng luôn có mặt và đồng hành với những ai tin vào Ngài.
Nếu đời không tin ta và ta không tin đời, và hy vọng của ta với người đời lịm tắt thì đây là đau khổ lớn của đời làm người, đau khổ mà chỉ một mình Đức Giêu, nguồn Hy Vọng mới chữa lành được vết thương Thất Vọng; nếu ở đời, tin người là tự sát, hy vọng ở người là mang vào mình tuyệt vọng thì qủa thực đời là biển khổ, là đại dương sầu buồn, và đó là bất hạnh lớn của thân phận người, mà chỉ một mình Đức Giêsu, Thiên Chúa của Lời Hứa mới ban lại cho chúng ta niềm vui sống, niềm tin tưởng ở cuộc đời, lòng tín nhiệm người chung quanh, bởi trên đường đời muôn lối, giữa muôn người đời, không mấy ai luôn gặp may mắn để chẳng bao giờ phải thất vọng.
Và lời Đức Giêsu luôn văng vẳng bên tai người môn đệ trên từng cây số đường đời nhiều rủi ro thất vọng: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1), “Cứ yên tâm, có Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6,50) để niềm hy vọng chúng ta có trong Đức Giêsu, Thiên Chúa không bao giờ làm chúng ta thất vọng.
Jorathe Nắng Tím