Ngày cưới
của hai người năm xưa đã không chỉ là ngày vui của riêng hai người yêu nhau; lấy
nhau làm vợ chồng, mà còn là niềm vui lớn của hai gia đình cô dâu, chú rể, mà từ
nay được gọi là thông gia.
Thông
gia là hai gia đình thông cảm, thông đồng, thông tin, thông thương, thông giao
với nhau. Nhờ hôn nhân của hai người con
mà cha mẹ hai bên trở thành thân thuộc, gắn bó. Nhờ có hai người nam nữ của hai
gia đình kết hôn mà hai gia đình từ nay có tương quan thân mật, thân ái, thân
tình, thân thương. Người ta trân qúy thông gia và không muốn làm mất lòng thông
gia, bởi vì ở bên nhà ấy có con của mình.
Nếu
ngày thành hôn của con cái, cha mẹ hai bên hạnh phúc bao nhiêu khi trở thành
thông gia, thì ngày ly hôn của hai đứa, thông gia sẽ đau buồn bấy nhiêu. Họ đau
buồn vì từ nay mối giây liên kết hai gia đình đã bị đứt, nên dù muốn dù không,
liên đới của họ không còn thông thoáng,
nhẹ nhàng, cho dẫu con cái của vợ chồng ly hôn vẫn mãi là cháu nội bên này,
cháu ngoại bên kia.
Liên đới
không còn thông thoáng, vì từ nay ra vào gặp mặt, hai bên thông gia như chạm phải
nỗi đau của con gái, hay con trai mình và nổi cộm những than thở, trách móc có
thể không thành tiếng, nhưng không hẳn không chua chát hằn học.
Quan hệ
không còn nhẹ nhàng, vì sau ngày hai đứa ly dị, cha mẹ hai bên mang một
mặc cảm lạ kỳ, thứ mặc cảm khó gọi tên nhưng
nặng chình chịch như khối đá cứ ngày đêm đeo đẳng.
Bởi ly
hôn tách hai người, nên ly hôn của hai người cũng ngăn cách “thông gia”. Đó là
điều tất nhiên, nên mới xẩy ra nhiều cảnh dở khóc dở cười khi thông gia đổ tội,
bắt lỗi, ăn vạ, trả thù nhau chỉ vì mù
quáng bảo vệ quyền lợi của con gái, hay con trai mình.
Nghe
con trai, hay con gái luận tội đối
phương vừa ly dị, người ta sẽ bất kể phải trái, bất xét tình nghiã, bất chấp
danh dự để gay gắt lên án, hay quyết một phen “ăn thua đủ” với thông gia để đòi lại những gì
con mình đã mất vì lấy vợ hoặc theo chồng. Người ta hạch nhau từng chuyện nhỏ,
bới từng vết nám trên đời nhau, đồng thời thêu dệt, thổi phồng đủ thứ giai thoại
có hại cho đối phương. Kết qủa là cuộc chiến của hai người trở thành cuộc chiến giữa hai “thông gia”.
Nêu lên
vấn đề này để lưu tâm đến hậu qủa của
thái độ nơi vợ chồng ly dị đối với gia
đình hai bên. Chính thái độ của hai người là yếu tố quyết định tương quan sắp tới
và bầu khí giữa hai thông gia. Nếu vợ chồng, sau khi ly dị vẫn duy trì tương
quan tình nghiã đối với gia đình hai bên bằng cách tránh để chuyện ly dị là
chuyện riêng của hai người ảnh hưởng trên hai gia đình thì liên đới thông gia
không bị xuống cấp. Trái lại, những lý do đưa đến ly dị nếu bị khai thác với ác
ý bởi hai bên sẽ dẫn đến đổ vỡ tình thân giữa hai nhà, vì không bên nào chịu nhận
con mình lỗi, nhưng quy trách nhiệm, đổ tội cho gia đình bên kia. Đại loại như:
con ông bà chỉ ăn bám, lười biếng, bê tha, hoang đàng, vợ nọ con kia, không biết
lo chồng con, lẳng lơ, dâm đãng…Mỗi tiếng
nói là mỗi phát súng, mỗi âm thanh là mỗi nhát dao, nhát búa bắn vào đời nhau,
đập vào uy tín, danh dự của nhau.
Vì thế,
cần tránh biến chuyện ly dị thành nguyên nhân những bất hoà mang tầm vóc gia tộc
với tính cách truyền kiếp bằng ý thức trách nhiệm tình cảm của mình đối với cha
mẹ, gia đình hai bên:
1.
Ý thức trách nhiệm tình cảm khi nhân danh một
thời là dâu, rể để
không nhẫn tâm chà đạp tình cảm của cha mẹ, gia đình vợ hoặc chồng. Người tử tế
không vội vô ơn, không nỡ phụ ơn, nhưng mãi mãi biết ơn, dù ơn ấy rất nhỏ. Thực
ra không có ơn nhỏ, chỉ có tấm lòng người thụ ơn nhỏ. Sẽ nhỏ lắm nếu thẳng tay
chặt đứt ân tình của cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng khi vợ chồng chia tay, ly dị.
Cũng sẽ nhỏ đến lố bịch, nếu đang tâm phỉ nhổ vào tình thương của những người
đã một thời tận tụy và ân cần gầy dựng tình yêu, hạnh phúc của mình. Đừng quên: ly dị
là quyết định riêng của vợ chồng mà cha mẹ hai bên đã không có quyền can dự.
2.
Ý thức trách nhiệm tình cảm khi nhân danh sự
có mặt của con cái, bởi chúng vẫn mãi là sợi giây huyết thống nối
kết gia đình hai bên. Coi thường “thông gia” là bất công đối với con cái, vì
xâm phạm đến ông bà, chú dì, cô cậu, anh em họ hàng của chúng. Nếu đã cho các
con ra đời, cha mẹ, dù không còn ở với nhau, vẫn có trách nhiệm tôn trọng và bảo
vệ liên đới gia tộc, họ hàng của con
cái. Chúng có quyền đòi hỏi được đặt trong bầu khí an toàn và hạnh phúc của gia
tộc. Chúng có quyền được đáp ứng nhu cầu tình cảm gia tộc và quyền lưu giữ những
chất tố của tổ tiên, nòi giống.
3.
Ý thức trách nhiệm tình cảm khi nhân danh gia
đình là nền tảng của xã hội loài
người để không vì lý do ly dị mà phá bỏ tình yêu gia đình; trái lại, chính lúc
không còn chung sống lại là thời người ta cần đến gia đình hai bên để bù đắp những
thiếu hụt, khoảng trống tình cảm, nhất là tình trạng quân bình tình cảm của con cái. Bao nhiêu ông bà đã có mặt để
gánh đỡ gánh nặng con cái khi cha mẹ ly dị. Bao nhiêu chú dì, cô cậu đã kề vai
chia sẻ những khó khăn của những ngày hậu
ly dị khi mọi sự đều xáo trộn, mọi việc đều dang dở, mọi người đều khủng hoảng,
hoang mang.
Nhờ ý
thức trách nhiệm tình cảm đối với gia đình hai bên, vợ chồng sau ly dị vẫn giữ
được chỗ đứng của mình trong lòng gia đình hai bên và đây chính là chỗ đứng an
toàn, vững chắc nhất cho phép tâm hồn hai người ly dị tìm được bình an thực sự,
nhờ tránh được những căng thẳng do mẫu thuẫn, đố kỵ giữa hai thông gia.
Cũng
trong ý hướng gìn giữ và bảo tồn tình cảm đối với gia đình hai bên mặc dù đã ly
dị, người ta được mời gọi vượt lên những xích mích nhỏ mọn, những tranh chấp cỏn
con giữa hai gia đình để hàn gắn bao nhiêu có thể những đổ vỡ do ly dị mà người
nhận hậu qủa nhiều nhất vẫn luôn là con cái. Trong hoàn cảnh này, hai người
trong cuộc nên tự hỏi: Hôn nhân của
chúng ta đã đổ vỡ không lẽ sẽ kéo theo đổ
vỡ tình cảm của hai gia đình chúng ta?
Kéo
theo đổ vỡ tình cảm giữa hai gia đình, vợ chồng ly dị sẽ mất điểm tựa thăng bằng
không những của đời sống tình cảm, mà còn cho đời sống vật chất, xã hội; bởi hậu
ly dị là lúc hầu như tất cả đều xáo trộn, thay đổi. Vì ly dị nên chỗ ở có thể
phải thay đổi do đòi hỏi của việc làm, và điều kiện di chuyển; vật chất có thể
thiếu hụt do chi phí sẽ nhiều hơn vì hai người hai chốn; khả năng đáp ứng nhu cầu
sinh hoạt thường ngày có thể giảm sút.
Vì thế, gia đình hai bên càng trở nên phao an toàn, chỗ dựa cần thiết cho những
ngày giông bão. Đừng vì tự ái mà để rơi vào tình trạng cô đơn, trống trải trước
phong ba bão tố thời hậu ly dị. Đừng giận chồng cũ, vợ cũ mà chém cha mẹ chồng,
bố mẹ vợ. Cũng đừng lôi hết mọi người thuộc gia đình người xưa ra mạt sát. Làm
như thế, cư xử như vậy là thiếu lương thiện, công bằng và nhân ái. Trái lại, phải
lương thiện chân nhận công ơn của cha mẹ hai bên; phải công bằng
nhìn nhận những thiếu sót của mình đã góp phần gây nên đổ vỡ và phải nhân ái để
không bạc tình phụ nghiã đến độ “cạn tầu ráo máng” với những đấng bậc đã cưu
mang, yêu thương, xây dựng đời mình.
Kéo
theo đổ vỡ giữa hai gia đình là làm mất cơ hội thăng tiến bản thân của hai người
ly dị, bởi hơn lúc nào hết, thời hậu ly dị, gia đình hai bên như thành cầu rất an toàn để bám vịn cho dẫu những
bước chân ly dị có chuyếnh choáng, chao đảo, liêu xiêu, điên dảo đến đâu.
Chia sẻ
về nguy cơ đánh mất thông gia sau khi ly dị, người viết muốn đề nghị một cái
nhìn cởi mở hơn, cái nhìn của những tâm hồn quảng đại không chấp nhất, câu nệ,
gò bó vào bất cứ lề thói tiêu cực nào; bởi khi tâm thức bị trói buộc vào một định
kiến, nó sẽ không thông thoáng, thảnh
thơi để vươn lên tầm nhân ái. Không biết bao nhiêu hôn nhân đổ vỡ đã kéo theo đổ
vỡ tình nghiã thông gia. Có cần thiết và hợp lý để xoá tên nhau, phụ tình nhau
như thế không ? Thiết tưởng là không để
không nhận chìm con cái sau khi
cha mẹ ly dị trong bầu khí căm phẫn độc hại vì những căng thẳng không nền tảng
giữa gia đình hai bên; để không phí phạm tình cảm của cha mẹ, gia đình hai bên
trong khi tình cảm “hôn nhân” đang cạn nguồn, khánh kiệt.
Ước
mong ly dị không là tiền đề cho những hủy bỏ quan hệ tình cảm, liên đới yêu
thương, kết nối ân tình giữa hai gia đình “thông gia”. Và thời hậu ly dị của
hai người thôi chung sống như vợ chồng không là thời của bom đạn đổ trên mái ấm
bình an của cha mẹ hai bên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét