LÊN ĐƯỜNG
Khi
Thiên Chúa Giavê trong Cựu Ước gọi ai, Ngài đều muốn người ấy Lên Đường (x. St
12,1 ; Xh 3,10); Đức Giêsu trong Tin Mừng cũng gọi các môn đệ “Hãy đi theo
Tôi” (Mc 1,17).
Lên
đường là đi, nên đức tin của chúng ta không là đức tin bất động, đức tin ù lì, ươn
lười, biếng nhác, đức tin chỉ thích ngồi chơi uống trà, “nằm chờ sung rụng”, “cơm
bưng nước rót”, nhưng là đức tin xông xáo lên đường, đức tin dấn thân mạo hiểm,
đức tin nhập cuộc quên mình, đức tin hăng hái hoạt động, đức tin lớn lên từng
ngày nhờ hành động.
Vì
thế, không có đức tin thụ động với chỉ hai lần trong đời được người khác đưa đến
nhà thờ: một lần rửa tội khi còn bé được mẹ ẵm, và một lần an táng khi nằm yên
bất động trong quan tài; không có đức tin hờ hững, lạnh lùng: đút tay túi quần
nhìn người khác sống đạo, truyền giáo; không có đức tin vô cảm, vô trách nhiệm:
không quan tâm đến việc chung của giáo xứ, giáo họ, nhưng hùng hổ phê bình, to tiếng chỉ trích, lên án; không có đức tin vụ
lợi, tính toán, so đo, kiểu “giữ đạo vừa đủ để lên thiên đàng”; không có đức
tin ích kỷ, ki bo chỉ lo cho phần rỗi của riêng mình, mà bất cần cộng đoàn, người
chung quanh; không có đức tin “chỉ trông cậy vào lòng thương xót Chúa” nhưng mình
lại chẳng thương xót ai; không có đức tin thích đấm ngực người khác “lỗi tại
anh, lỗi tại chị” hơn đấm ngực mình “lỗi tại tôi” và lên đường trở về; không có
đức tin khéo viện đủ lý do, quy chiếu mọi lề luật, trích dẫn mọi hướng dẫn, quy
tắc để thân khỏi “liên lụy”, tay khỏi nhúng chàm, chỗ ngồi chỗ đứng không bị
lung lay, vì công lý và bác ái; không có đức tin đồng loã, a dua, “ai sao tôi vậy”,
mà không bao giờ dám nói thật, làm chứng cho sự thật để giải cứu người bị áp bức
oan sai; không có đức tin hời hợt, cạnh tranh không lương thiện, say mê tổ chức
sự kiện hoành tráng để biểu dương uy lực, và kiêu căng thách thức; nhất là không
có đức tin “ghen tương, ganh ghét, gian tham, bạo lực”…
Nếu
đức tin rơi vào một trong những tình trạng trên, thì chúng ta biết đức tin của
mình đang bị thương, hoặc què, hoặc bại liệt, bởi đức tin không còn “đôi chân” để
lên đường, như Ápraham đã vâng lệnh Thiên Chúa Giavê: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng
và nhà cha ngươi, mà đi tới đất ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1), như Môsê vâng lời
Thiên Chúa: “Bây giờ ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pharaô để đưa dân
ta là con cái Ítraen ra khỏi Ai cập” (Xh 3,9), như các tông đồ đã vâng lời Đức
Giêsu: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người”
(Mt 4,19), như tất cả các môn đệ thực hiện bài sai của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi
và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28,19).
Thực
vậy, đức tin đòi lên đường, đòi hoạt động, vì không có đức tin ngủ say, ngủ vùi.
Nhưng hoạt động thế nào, và hoạt động cho ai, vì ai?
Thưa
hoạt động với Đức Giêsu cho người khác, vì người khác, bởi đức tin là tương
quan giữa mỗi người với Đức Giêsu luôn quy hướng về người khác, và đức tin ấy
chỉ thực sự sống, chỉ thực sự là đức tin sống động khi yêu thương tha nhân bằng
hành động, như thánh tông đồ Giacôbê đã qủa quyết: “Đức Tin không có hành động
là đức tin chết” (Gc 2,17), bởi nếu tự phụ mình có đức tin mà không có hành động
của đức ái, thì chẳng khác gì “có người anh em hay chị mê không có áo che thân
và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình
an, mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang
cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,15-16).
Chúng
ta cần xác tín điều căn bản trên, đó là đức tin luôn đòi được sống bằng hành động
của đức ái, như Đức Giêsu đã khẳng định: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy
giữ giới răn của Thầy” (Ga 14,15). Khẳng
định này đồng nghiã với: Ai tin Thầy, thì hãy giữ giới răn của Thầy, và giới
răn ấy là “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Vì thế, đức tin không thể tách rời đức ái, bởi không có đức ái
là sự sống, đức tin sẽ là đức tin chết, không ích lợi cho ai.
Như
thế, người trẻ phải lên đường với hành trang là con tim yêu thương, và đôi bàn
tay trao ban, phục vụ, như Đức Giêsu đã đến trong thế gian để yêu thương và phục
vụ: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng
mạng sống làm giá cứu chuộc mạng sống mọi người” (Mt 20,28).
1.
Người trẻ lên đường yêu
thương - phục vụ bất cứ nơi nào có con
người:
Bài
sai của Đức Giêsu cho các môn đệ là đến với muôn dân, nghiã là không có cấm địa,
không có vùng cấm vào, không có nơi cấm đến, nhưng mọi ngõ ngách, mọi hang cùng
ngõ hẻm đều là địa sở của người môn đệ Đức Giêsu.
Người
trẻ là môn đệ Đức Giêsu, nên ở đâu có con người, ở đó có sứ mệnh phục vụ của người
trẻ; chỗ nào có con người, chỗ đó có nhu cầu phục vụ và người trẻ được Đức Giêsu
sai đến để làm chứng Ngài là Thiên Chúa yêu thương bằng hành động yêu thương,
phục vụ họ.
Đây
là sứ vụ của người trẻ tin vào Đức Giêsu, tin vào ơn gọi Kitô hữu của mình, bởi
với đức tin, người trẻ nhập cuộc yêu thương, phục vụ tha nhân với Đức Giêsu, nhân
danh Đức Giêsu.
Sở
dĩ chúng ta luôn gắn Yêu Thương với Phục Vụ, bởi phục vụ không vì yêu thương,
phục vụ sẽ biến thành một kiểu hình phạt, một gánh nặng bất đắc dĩ phải mang, cũng
như yêu thương không phục vụ, yêu thương chẳng có ý nghiã, giá trị gì, vì chỉ là
“yêu thương mình”, yêu thương đãi bôi, môi miệng.
Với
sứ vụ yêu thương, phục vụ con người ở bất cứ nơi nào, trong hoàn cảnh nào: những
con người thân yêu trong gia đình, những con người quen biết ở lối xóm, những
con người đồng song ở trường học, những con người cùng chia sẻ công việc ở văn
phòng, nhà máy, những con người thân thương ở xa, những con người cần đến sự giúp
đỡ trên đường phố, những con người nghèo đói, thất học nơi buôn làng heo hút, cả
những con người đang gây phiền phức, phá hoại…, chúng ta không thiếu cơ hội để
làm chứng đức tin, không thiếu nguồn sống để nuôi dưỡng đức tin, không sợ đức
tin thất nghiệp, và không để đức tin phải chết như lời cảnh báo của thánh Giacôbê:
“Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động
là vô dụng không? Ông Ápraham, tổ phụ chúng ta, đã chẳng được nên công chính nhờ
hành động, khi ông hiến dâng con mình là Ixaác trên bàn thờ đó sao? Rakháp, cô
gái điếm cũng vật: há chẳng phải nhờ hành động mà đã được nên công chính, vì đã
đón tiếp các sứ giả và đã đưa họ đi lối khác sao? Thật thế, một thân xác không
hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết”
(Gc 2,20-21. 25-26).
2.
Cộng tác với Thiên Chúa
trong công trình cứu chuộc:
Nguời
trẻ không lên đường một mình, nhưng luôn có Thiên Chúa cùng đi, vì được Ngài
sai đi, như khi Môsê lo lắng trước sứ vụ giải phóng dân, đã thưa với Thiên Chúa:
“Con là ai mà dám đến với Pharaô và đưa con cái Ítraen ra khỏi Ai Cập?”, và lập
tức Thiên Chúa đã phán với ông: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3,11-12), cũng
như Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ của Ngài: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày
cho đến tận thế” (Mt 28,20). Vì thế, người môn đệ không sợ gian
khó, nguy hiểm, kể cả bị vu khống, bách hại vì: “Khi người ta nộp anh em,
thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa
sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần
Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10,19-20).
Có
Thiên Chúa trên đường loan báo ơn Cứu Độ cho muôn dân, làm chứng Tin Mừng: Thiên
Chúa yêu thương họ, bằng yêu thương, phục vụ, người trẻ thực sự được Thiên Chúa tha thiết mời gọi cộng tác với
Ngài. Nhưng để cộng tác không trở thành phá hoại, cộng tác mà không làm hỏng công
trình của ông chủ, cộng tác mà không gây khó khăn, phiền phức cho công việc
chung, cộng tác mà không biến thành cạnh tranh bất chính, người trẻ cần thực hiện
công trình đào tạo:
a. Tự
đào tạo mình:
Vì
phải làm chứng, nên người chứng muốn thuyết phục người nghe, phải sống thế nào
cho xứng hợp với điều mình làm chứng, bởi nếu chứng cứ không vững chắc, người chứng
không đáng tin thì có làm chứng đến đâu, làm chứng hùng hồn cỡ nào cũng chẳng làm
ai “tâm phục, khẩu phục”, nếu không muốn nói ngược lại là làm mất uy tín của chính người mình làm chứng, và hạ
thấp đối tượng mình giới thiệu.
Cứ
tưởng tượng người môn đệ Đức Giêsu được sai đi làm chứng Đức Giêsu, Thiên Chúa “hiền
lành, khiêm nhường, giầu lòng thương xót, đơn sơ, giản dị, chân thành, tận tụy,
hy sinh” lại kiêu căng, hống hách, tự mãn, tự phụ, ăn nói hồn đồ, hung hăng, ứng
xử thô bạo, diêm dúa, khoe khoang, gian xảo, lười biếng, tham lam, hưởng thụ. Nếu
nghe những môn đệ này hô hoán “hãy thương yêu, phục vụ như Chúa”, thì thiên hạ
hoặc sẽ cho họ là bọn giả hình, bốc phét, hoặc xếp họ thuộc hạng “kinh doanh đức
tin, buôn thần bán thánh”, và tất nhiên không ai sẽ nghe họ.
Do
đó, những đức tính làm người căn bản như trung thực, hiền hậu, ăn ở có tình có
nghiã, có trước có sau, sống đơn sơ, lịch thiệp, không ích kỷ, lợi dụng, không
tham lam, vơ vét, không trên đội dưới đạp, không theo gió trở cở, không hèn nhát
phản bội, không vô ơn bạc nghiã, họăc chỉ phù thịnh chẳng phù suy… Tóm lại, trước
khi là “con Chúa”, người môn đệ phải
là “con người”, nghiã
là phải là người tử tế, có phẩm hạnh để người khác có thể tin, bởi những chuyện
của “đời thường” đã không đáng tin, không tin nổi thì mong gì người khác tin
chuyện “phi thường”, siêu nhiên, tin Thiên Chúa, tin hạnh phúc Nước Trời mình
loan báo, làm chứng, giới thiệu.
Một
khi đã là người tử tế, như nền tảng cho “con Chúa” đặt chân lên, người trẻ sẽ lớn
nhanh trong đời sống thiêng liêng, từ một nguyên tắc không thể thay đổi, đó là Đức
Giêsu đã làm người, nên người Kitô hữu phải trân qúy giá trị con nguời,
vinh dự được làm người, và bổn phận phải trở nên con người tử tế, xứng đáng với
ơn gọi làm người, như Đức Giêsu suốt ba
mươi năm ở Nadarét đã được cha mẹ là thánh Giuse và Đức Maria đào tạo để “ngày
càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghiã đối với Thiên Chúa và người
ta” (Lc 2,52).
Chúng
ta đừng bao giờ tách rời đời sống nhân bản với đời sống thiêng liêng, cách ly “con
người” với “con Chúa”, nhưng cả hai phải là một, như Đức Giêsu là Thiên Chúa làm
người, nghiã là con người và Thiên Chúa cùng có mặt nơi Đức Giêsu, nhân tính và
thần tính đồng hiện diện ở Ngài. Do đó, không thể có hai đời sống ở một con người:
một đời sống làm người không nhân nghiã, và một đời sống làm Kitô hữu tuyệt vời
thánh thiện. Nói cách khác, sẽ chỉ có những người vừa là Kitô hữu thánh thiện,
vừa là người tử tế, mà không thể có Kitô hữu thánh thiện nơi con người “bất nhân,
bất nghiã, bất hiếu, bất trung”, nên bổn phận đầu tiên của người môn đệ chính là
tự đào tạo để cùng lúc là “con người tử tế, và Kitô hữu thánh thiện”.
b. Nỗ
lực xây dựng đào tạo người khác:
Tự
đào tạo mình gắn liền với công tác đào tào người khác, để họ cũng được trở nên
người tốt, người Kitô hữu đạo hạnh, thánh thiện, bởi đức tin của người Kitô hữu
luôn luôn hướng đến tha nhân, chứ không đứng yên một chỗ ở “cái tôi” ích kỷ, pháo
đài, khép kín, hoặc nhắm đến “cái tôi” riêng lẻ, riêng biệt, và tìm cứu rỗi một
mình “cái tôi” được rào dậu cẩn thận, được tường cao, chó dữ đêm ngày canh chừng,
bảo vệ.
Vì
thế, người trẻ được mời gọi lên đường đến với người khác để cùng họ trở nên môn
đệ tốt lành của Đức Giêsu, bằng cùng nhau học với Đức Giêsu “hiền lành và khiêm
nhường tận đáy lòng” (Mt 11,29), học với Đức Giêsu, mục tử nhân lành “đến để
cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), học với Đức Giêsu “rửa chân
cho nhau” (Ga 13,14), học với Đức Giêsu bài học “không có tình thương nào cao cả
hơn tình thương của người đã hy sinh tinh mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13),
để “trở nên tất cả cho mọi người, để cứu được nhiều người” (1 Cr 9,22).
3. Cho
một “thế giới mới” trong ơn Bình An của Đức Giêsu phục sinh:
Tất
cả công trình của Đức Giêsu, ở đó chúng ta được kêu gọi lên đường cộng tác đều
nhắm đến việc loan báo Tin Mừng bình an của Đức Giêsu cho thế giới, và Tin Mừng
ấy sẽ làm mới bộ mặt thế giới, đổi mới tâm hồn mọi người, để có một “trời mới, đất
mới” trong ân sủng của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của loài người.
Con
người được đổi mới, thế giới được đổi mới sẽ được sống bình an, hạnh phúc trong
nền văn minh sự sống và văn minh tình thương.
Xây
dựng một nền văn minh sự sống, vì “Thiên Chúa là sự sống” (Ga 14,6), Thiên Chúa
của kẻ sống, Thiên Chúa ban sự sống và trân qúy, bảo vệ sự sống. Thiếu văn minh
sự sống, người ta sẽ coi thường, làm tổn thương, phá hoại, tiêu diệt sự sống; sẽ
vi phạm quyền sống của người khác khi biến người khác thành dụng cụ, phương tiện
phục vụ những ham muốn đê hèn, bất chính của mình; sẽ không đón nhận sự sống như
ân huệ, nhưng sẵn sàng hủy bỏ sự sống vì ích kỷ, để rồi dẫn đến một thế giới luôn
bất an, bất ổn vì sự sống của bất cứ ai cũng không được trân trọng, bảo vệ an
toàn.
Đức
Giêsu xưng mình là “sự sống”, Ngài còn qủa quyết là “sự sống lại” (Ga 11,25). Điều
đó nói lên sự sống cao qúy biết bao và Thiên Chúa trân qúy sự sống thế nào! Chính
vì muốn con người được sống, mà Đức Giêsu đã hiến mạng sống để chuộc tội chết của
con người; chính vì thương con người phải chết, mà Ngài đã chết thay con người,
để con người “được sống và sống dồi dào (Ga 10,10), nên sự sống phải là ưu tiên
của mọi hoạt động ở người môn đệ Đức Giêsu”.
Vì
thế, khi tham gia các công tác bảo vệ sự sống, giúp những người mẹ đang bế tắc,
thất vọng muốn hủy hoại thai nhi tìm lại niềm vui sống và hạnh phúc làm mẹ, người
Kitô hữu trẻ đích thực là những chiến sĩ của Tin Mừng sự sống, tông đồ của Thiên
Chúa là sự sống, và xứng danh những con người góp công xây dựng một thế giới bình
an, hạnh phúc với nền văn minh sự sống được lớn lên, lan rộng nhờ sức sống của
Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho mọi loài được sống.
Ngoài
ra, thế giới còn cần tình yêu, vì con người được sinh ra từ tình yêu Thiên Chúa,
được cứu chuộc nhờ tình yêu Thiên Chúa, được hy vọng ở tình yêu Thiên Chúa, và được
hạnh phúc trong Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4,8), nên ở ngoài tình yêu, thiếu
vắng tình yêu, loại bỏ tình yêu, con người không thể hạnh phúc, vì nơi bản tính
con người đã mang lấy gien của Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng tạo dựng nên con người.
Bạn
trẻ có kinh nghiệm về hạnh phúc của tình yêu, cũng như đau khổ khi đánh mất tình
yêu, nên hiểu bất hạnh của loài người, tai ương thế giới phải chịu khi nền văn
minh tình thương bị gạt bỏ, ở đó không ai còn biết thương ai, không người nào
hiền lành, nhân hậu, cảm thông, thương xót, cứu giúp người nào, nhưng tất cả đều
vô cảm và đối xử với nhau như loài lang sói lúc nào cũng rình rập, ghanh ghét,
tìm cách thanh toán, đạp đổ, vùi dập, truy diệt lẫn nhau; ở đó không ai tin ai,
không ai muốn hiểu ai, không ai chịu nhường nhịn ai, không ai “xuống nước” chịu
thua thiệt, và quyền lực duy nhất thống trị thế giới loài người sẽ là Ganh Ghét,
Hận Thù, Bạo Lực, Chết Chóc, mà Luciphe và bè lũ ma qủy không ngừng hoạt động
giữa loài người để dành độc quyền.
Là
môn đệ của Đức Giêsu, Thiên Chúa của sự sống và tình yêu, hơn nữa, Ngài còn là
chính Sự Sống và Tình yêu, chúng ta không thể đi ngược hay chống lại sự sống và
tình yêu, khi chủ trương hoặc đồng loã với những phong trào, tổ chức “phò sự chết,
cổ võ ghen ghét, tiếp sức cho hận thù, bạo lực” dưới bất cứ hình thức và bằng bất
cứ phương tiện nào. Chúng ta càng không thể cho phép mình quên bổn phận được kêu
gọi lên đường, được sai đến với mọi người để làm chứng Tin Mừng sự sống và tình
yêu, để loan báo sứ điệp tình yêu và sự sống, để giới thiệu Đức Giêsu, Đấng đã
yêu thương loài người vô cùng và đến cùng đã tự nguyện hiến mạng sống mình, chết
trên Thánh Giá cho mọi người được sống.
Tóm
lại, đức tin đòi người trẻ phải lên đường, vì đức tin cần đôi chân “dấn
thân, nhập cuộc, đi theo Chúa, đến với mọi người”. Và hành động lên đường của đức tin là Yêu Mến, hành trang của đức tin
là Mến Yêu.
Với
đức ái, đức tin được sống và lớn lên, người môn đệ được sai đi sẽ lên đường đến với muôn dân để làm “Men”
trong “đấu bột” thế giới, cho thế giới dậy lên men “Sự Sống và Tình Yêu của Đức
Giêsu”, hầu ơn Bình An phục sinh của Ngài tràn đầy các tâm hồn và biến đổi tất
cả cho một “trời mới, đất mới” (Kh 21,1), thế giới mới được cứu chuộc, được yêu
thương và được sống dồi dào.
Và
xin Đức Giêsu phục sinh luôn đồng hành với các Bạn!
Jorathe
Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét