Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO KHÔNG BIÊN GIỚI (8)

                                             LẠC QUAN
Lạc quan là cái nhìn tích cực về một sự việc, một biến cố, một hoàn cảnh, một con người, khác với bi quan là cái nhìn tiêu cực. Lạc quan không mang tính đầu hàng, buông xuôi, không trầm trọng một vấn đề vốn đã nặng nề, không làm khó hơn tình huống vốn đã ngặt nghèo, bế tắc, không cường điệu hoá bi kịch cuộc đời vốn đã tang thương, sầu thảm, như ý nghĩ và hành động tiêu cực của người bi quan. Lạc quan còn là tâm tình vui tươi, và chọn lựa Vượt Qua không ngừng trước cái khó, cái khổ của cuộc sống, mà không chán chường, bi lụy, sợ hãi, chủ hoà, hèn nhát, thất vọng.
Vì cuộc sống là đường dài xa tít tắp nhiều  hiểm trở, là cuộc chiến liên lỷ đầy nguy hiểm, đe dọa, nên không lạc quan, bước chân người lữ khách sẽ nặng trĩu âu lo, tinh thần người ra trận sẽ sụp đổ vì hoang mạng, sợ hãi.
Người môn đệ Đức Giêsu không những là người lữ hành trên đường đời như bao người khác, mà còn được kêu gọi  đi với Đức Giêsu trên con đường Từ Bỏ và vác Thập Giá (x. Mt 10,37-39); không chỉ xông pha giữa trận mạc như người lính bình thường, mà còn phải là người lính giỏi, qủa cảm của Đức Giêsu trong cuộc chiến dành phần thắng đời đời cho mình và mọi người, nên lạc quan là đức tính không thể thiếu cho người môn đệ, để nhẹ bước lên đường, nhẹ lòng chiến đấu.
Thực vậy, người môn đệ trên đường truyền giáo sẽ bớt lo lắng, xao xuyến khi biển dậy sóng, vì lạc quan tin tưởng: “Thầy ngủ, nhưng đang ở đây” (x. Mt 8,23-25); người môn đệ sẽ bớt thắc mắc tìm tòi và phán đoán tiêu cực, bất công trước yếu đuối, khiếm khuyết của người khác, nhưng lạc quan tin tưởng đường lối của Thiên Chúa qua bề ngoài thiếu sót, bất toàn của con người, như lần kia, khi thấy “một người mù từ thuở mới sinh”, các môn đệ đã hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”. Và Đức Giêsu đã trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ ra nơi anh ta” (Ga 9,2-3).
Người môn đệ trên đường truyền giáo cũng sẽ bớt nặng lời chê bai, lên án và nhẹ tay trừng phạt người tội lỗi, vì lạc quan tin tưởng ở tình yêu thống hối, như hôm nao có người Pharisêu mới Đức Giêsu đến dùng cơm. Trong bữa ăn, “bỗng một  phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Lc 7,37-38). Trước cảnh tượng ấy, ông Pharisêu đã nhìn Đức Giêsu với ánh mắt nghi ngờ về khả năng của Ngài, vì nghĩ Ngài không biết gì về nhân thân không mấy tốt đẹp của người phụ nữ trắc nết đang hôn chân mình, đồng thời  ném cái nhìn khinh bạc về phiá người đàn bà tội lỗi.
Khác với cái nhìn bi quan, tiêu cực của ông Pharisêu, Đức Giêsu đã lạc quan nhìn rõ trái tim sôi sục tình yêu thống hối của chị khi nói với ông Pharisêu: “Tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều” (Lc 7,47).    
Thực vậy, lạc quan là đức tính cần thiết của nhà truyền giáo, vì sứ vụ loan Tin Mừng đòi hỏi. Bởi  thiếu tinh thần lạc quan, người môn đệ bi quan không thể loan báo Tin Vui mà không làm Tin Vui bị bóp méo thành tin buồn; không thể rao giảng Nước Trời hạnh phúc mà không bẻ cong đường hạnh phúc thành lối ngõ bất hạnh; không thể công bố Tin “rất đáng mong đợi” mà không nhập nhằng, do dự biến thành tin “chẳng nên đợi chờ”; không thể khuyến khích “Anh em hãy vui lên trong Chúa” đang khi mình ủ dột, yếm thế, tiêu cực, bi quan.
Nói cách khác, nhà truyền giáo không thể làm chứng Đức Giêsu là Tình Yêu cứu độ, và giáo huấn yêu thương của Ngài nếu không xác tín và thực hiện đòi hỏi của đức mến như thánh Phaolô đã tóm tắt và qủa quyết trong thư gửi giáo đoàn Côrintô: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7), và nhờ tinh thần lạc quan, nhà truyền giáo sẽ dễ dàng thực hiện đòi hỏi yêu thương của người môn đệ. 
1.   Lạc quan để dễ dàng tha thứ tất cả:
Đường truyền giáo không tránh khỏi nhiều cay đắng, nặng lòng: nặng lòng vì những thị phi, đố kị, bất công của người đời; cay đắng vì hiểu lầm, thờ ơ, lạnh nhạt, vô ơn, phản bội của người nhà thân quen, nên luôn cần đức mến để tha thứ tất cả, nếu không, tâm hồn người môn đệ không thể nâng lên cao, và đôi chân nhà  truyền giáo không thể nhẹ nhàng cất bước.
Bởi tha thứ không dễ, vì tha thứ là “thua cuộc, thua đậm, thua thiệt, thua xa, thua đứt” dưới mắt người đời, nên người bi quan khi phải tha thứ sẽ dễ rơi vào cám dỗ bi thảm hoá hiện trạng, vấn đề, đồng thời trầm trọng hoá tổn thương mình phải gánh chịu, và nghiêm trọng hoá lỗi lầm của người mình phải tha thứ. Vì thế, vết thương sẽ hoắm sâu hơn nên khó lành, tội sẽ nặng nề hơn nên khó xóa, người gây ra tội sẽ ghê gớm, tởm lợm, đáng nguyền rủa hơn nên khó tha.
Khác với người lạc quan luôn thấy tương lai sáng hơn qúa khứ, tin ngày mai của tội nhân sẽ đẹp hơn hôm qua và hôm nay, và đường trượt té hôm nao sẽ mở ra đường lên hôm nay của người yếu đuối, để nhìn vào và làm nổi bật những điểm mạnh, điểm sáng, điểm tốt của người khác thay vì soi mói, tìm lòi, lục lọi những điểm yếu, điểm tối, điểm xấu nơi họ, như Đức Giêsu đã không a dua với nhóm Kinh Sư và Pharisêu áp giải đến trước mặt Ngài người đàn bà ngoại tình bị bắt qủa tang, khi không nhìn thân xác tội lỗi của chị như họ nhìn, nhưng cúi xuống để chìm sâu vào huyền nhiệm con Thiên Chúa của chị; không lớn tiếng chửi rủa thậm tệ, lên án gắt gao người đàn bà lăng loàn, nhưng yên lặng cảm thông nỗi nhục nhằn không thể tả xiết của thân phận yếu đuối, mỏng dòn, dễ vấp ngã, bởi Ngài lạc quan tin vào ơn trở về của Thiên Chúa trên đời chị, và đã nói với chị: “Chị hãy về bình an và đừng phạm tội nữa” ( Ga 8,11).  
Chính vì tha thứ không dễ, nên cần lạc quan để tha thứ trở nên nhẹ nhõm, đơn giản, dễ dàng hơn, nhờ những chọn lựa tích cực được nâng đỡ bởi tinh thần lạc quan.
2.   Lạc quan để dễ  dàng tin tưởng tất cả”:
Người lạc quan trong những hoàn cảnh, tình huống khắc nghiệt, khó khăn luôn tìm ra ánh sáng, không như người bi quan rất dễ rối loạn, hoảng hốt, mất tinh thần, và nghĩ nhiều đến giải pháp tiêu cực: “bàn ra”, buông xuôi, thất thủ, phó mặc, và chấp nhận thua cuộc trước khi nhập cuộc.
Sở dĩ người lạc quan bình an trước thách đố và vượt qua thử thách dễ hơn người bi quan, vì họ dễ tin tưởng tất cả, khi tâm hồn mở rộng, nhờ nhìn mọi sự, mọi việc, mọi người dưới lăng kính hào sảng, thông thoáng, nhẹ nhàng.
Qủa thực, niềm tin là then chốt của tâm hồn truyền giáo, và “tin tưởng tất cả” là đòi hỏi quan trọng không thể thiếu ở nhà truyền giáo, vì truyền giáo là chuyển tải giới luật Yêu Thương đến mọi người.  Nhưng với một trái tim bi quan, một tinh thần tiêu cực, nhà truyền giáo sẽ rất khó tin tưởng tất cả, vì “ở tất cả, trong tất cả” đều có những điều đáng nghi ngờ, khó tin: việc khó tin, người đáng nghi ngờ. Điều này sẽ làm lòng dạ nhà truyền giáo xốn xang, bối rối đưa đến nghi ngại mọi sự, nghi nan mọi việc, nghi kỵ mọi người, nếu không được trang bị tinh thần lạc quan.
Và một khi rơi vào tình trạng không dám tin tưởng, làm sao nhà truyền giáo có thể loan báo Đức Giêsu chịu đóng đinh vì Ngài đã tin tưởng mọi người, tin tưởng mỗi người, “tin tưởng tất cả”, dù tất cả đều bất xứng, tội lụy.
3.    Lạc quan để dễ dàng “hy vọng tất cả”:
Không có niềm hy vọng nếu thiếu lạc quan, vì người bi quan là người thiếu hy vọng trầm trọng.
Vì bi quan nên Giuđa đã đánh mất hy vọng được tha thứ, trong khi Phêrô  lạc quan đã tìm lại hy vọng trở về qua ánh mắt cảm thương, bao dung của Thầy; vì bi quan, Giuđa đã rơi vào tuyệt vọng, trong khi Phêrô lạc quan đã tìm về và dìm mình trong Đức Giêsu là đại dương của lòng thương xót. Hai môn đệ cùng Thầy, hai tội nhân cùng phản bội, nhưng lạc quan đã cứu Phêrô và trả lại cho ông niềm hy vọng cứu rỗi, và bi quan đã đẩy Giuđa vào cái chết tang thương tuyệt vọng.
Là người đem đến cho người khác niềm hy vọng được sống lại với Đức Giêsu, nhà truyền giáo không thể nhút nhát, dè dặt trong niềm hy vọng, nhưng phải “hy vọng tất cả”, vì tin vào Lời Hứa của Đức Giêsu. Chính Lời Hứa làm nên niềm hy vọng của dân Chúa, Lời Hứa là động lực cho mọi hoạt động tông đồ, Lời Hứa  mang lại niềm vui lên đường rao giảng, Lời Hứa thúc đẩy nhà truyền giáo dấn thân mạo hiểm: xuống thuyền ra sâu, ra xa, ra mãi với Đức Giêsu, mà không sợ sóng gió, không cần ngày về cập bến.
4.   Lạc quan để dễ dàng “chịu đựng tất cả”:
Không ai chịu đựng bằng nhà truyền giáo, vì truyền giáo không chỉ “không nhà cửa cố định, không hộ khẩu vĩnh viễn”, như Đức Giêsu nay đây mai đó, không được như “con chồn có hang, chim trời có tổ” (Lc 9,58), mà còn “làm dâu trăm họ”, phục vụ mọi người thuộc đủ giai cấp, thành phần, trình độ, nên phức tạp vô cùng, nhiêu khê hết chỗ nói, đôi khi rối rắm không biết giải quyết thế nào cho đẹp mọi bề, êm mọi phiá, vì “chín người mười ý”, và ai cũng muốn ý mình được trọn vẹn thể hiện. Vì thế, không chịu đựng, nhà truyền giáo không thể truyền giáo, vì qúa căng thẳng.
Nhưng chịu đựng không dễ, bởi có những lúc “chịu hết nổi”, có những khi vượt qúa sức người có hạn, nhất là khi “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng”. Chẳng thế mà có nhiều nhà truyền giáo đã sa sút sức khỏe thân xác lẫn tinh thần, vì không còn khả năng chịu đựng những căng thẳng do anh em trong nhà, do người của cộng đoàn, hoặc người ngoài, đối phương gây ra.
Biết mình phải “chịu đựng tất cả” như đòi hỏi của Tin Mừng yêu thương, và phải trở nên gương mẫu yêu thương của Tin Mừng, người môn đệ sẽ  khôn ngoan trang bị cho mình tinh thần lạc quan để sức chịu đựng dẻo dai hơn, đôi vai “chịu đựng” bớt ê ẩm hơn, gánh gồng “chịu đựng” bớt nặng nề, nhưng nhẹ nhõm hơn, như Đức Giêsu hằng mời gọi: “Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng… Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28.30), bởi nơi Ngài có lạc quan phát sinh từ hoa trái của đức ái là hiền lành và khiêm nhường.
Như thế, lạc quan ở nhà truyền giáo không còn là thứ lạc quan của người “vô lo, mơ mộng, không thực tế, không dám nhìn sự thật, và thiếu khôn ngoan phân định”. Trái lại, lạc quan của người môn đệ, nhà truyền giáo chính là tinh hoa của đức ái, thái độ  tinh thần của Yêu Thương. Lạc quan giúp  người môn đệ thực hiện “Giới Luật mới” cách vui tươi hơn, và làm cho người khác sẵn sàng đón nhận Tin Mừng hơn, vì lạc quan luôn giúp giải quyết nhẹ nhàng, ổn thoả mọi khúc mắc, bế tắc của tương quan, đồng thời mang lại  niềm vui cho người chung quanh, và bình an cho người môn đệ trên đường truyền giáo.
Lậy Đức Giêsu, xin ban cho các nhà truyền giáo niềm vui của người được sai đi, và trang bị cho các vị tinh thần lạc quan được lớn lên mỗi ngày trong Đức Ái và triển nở nhờ niềm Hy Vọng vào Lời Hứa của Thiên Chúa: “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thuởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao” (Mt 5,12).
Jorathe Nắng Tím      

0 nhận xét: