I.
Ma quỷ rất đáng sợ
Đó là câu
trả lời của các thánh, những người đã chiến thắng ma quỷ nhờ ơn Chúa, và cho
chúng ta những kinh nghiệm chiến đấu để như các ngài chống trả, và chiến thắng
Satan và bè lũ.
Trước hết, chúng ta phải sợ ma
quỷ, vì:
1. Ma quỷ
xảo trá, gian ngoa, mưu mô, ác độc, ranh mãnh, cáo gian, bỏ vạ.
2. Ma quỷ là
loài thụ tạo thiêng liêng, nên biết chúng ta muốn gì, tìm gì, đợi chờ gì, điểm
mạnh điểm yếu ra sao, sở trường sở đoản thế nào và vì thế, chúng biết đánh
trúng tim đen, và gãi đúng chỗ ngứa của ta. Đó là lý do nhiều người khi có nhu
cầu đều được chúng tìm đến đề nghị giúp đỡ. Chỉ khổ nỗi: Ở ma quỷ luôn có giá
phải trả, những giá cắt cổ, giá xiềng xích, giá gông cùm,
giá hỏa ngục, giá bất hạnh đời đời một khi mang nợ “ân nghĩa” với chúng.
3. Ma quỷ
khao khát sự diệt vong của con người, sự chết đời đời của các linh hồn, nên
tích cực săn lùng, cám dỗ. Và vì quyền lực của chúng vẫn còn, lại dẻo miệng,
khéo nói, nên chúng có thể thành công trong việc chiêu dụ con người, vì thế,
tốt nhất là tìm cách xa lánh, tảng lờ chúng, đừng lân la thân thiện, cũng đừng
ngập ngừng, không dứt khoát trước cám dỗ của chúng, vì chúng đủ thủ đoạn để
chớp thời cơ, lật ngược thế cờ khi chúng ta phân vân, do dự “nghe hoặc không
nghe chúng”.
Evà,
nguyên tổ của chúng ta đã sa ngã cũng chỉ vì nấn ná đứng lại “tám” với Rắn độc
- Satan
4. Ma quỷ
ngoài việc cám dỗ, còn có thể làm thân xác chúng ta đau đớn, như trường hợp cha
thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ đạo Ars, cha Padre Piô, và nhiều vị thánh
khác đã bị ma quỷ hành hạ thân xác. Hình thức hành hạ thân xác này không ảnh
hưởng đến linh hồn. Chúng chỉ quậy phá để chúng ta khiếp sợ mà thần phục quyền
lực của chúng.
Ma quỷ
cũng có thể hoàn toàn chiếm trọn thể xác, chỉ thể xác thôi chứ không chiếm được
linh hồn, khi nhập vào nạn nhân, dù nạn nhân không biết, cũng không đồng ý. Đó
là hình thức quỷ nhập (demonic possession).
Bên cạnh
hình thức quỷ nhập là quỷ ám (diabolic obsession), khi nạn nhân bị quằn quại
trong những tư tưởng tuyệt vọng, cứ muốn tự tử, trí khôn ra
đờ đẫn, tư tưởng không ngừng bị ám ảnh bởi những hình ảnh xấu xa và đe dọa.
Người bị quỷ ám không thể tự giải thoát, nhưng cần được trừ khử bởi người khác
với năng quyền trừ quỷ.
Ma quỷ
còn có thể kiếm chuyện hành hạ con người. Nạn nhân không bị ám, không bị nhập,
cũng không mất ý thức, hay nói nhảm, nhưng bị thiệt hại như đau bệnh, mất con
cái, của cải, danh dự, chức vị, quyền hành, như trường hợp ông Gióp trong Cựu
ước.
Ma quỷ có
thể trêu chọc, làm cho sợ hãi, để phải cúng vái, tôn thờ chúng.
Sau cùng,
người ta có thể rơi vào tình trạng bị ma quỷ điều khiển, nếu tự nguyện thần
phục, phục vụ chúng. Hình thức thường thấy nhất là “cắt máu ăn thề” và hiến
mình cho Satan.
Nhìn qua
những việc làm xấu xa, tồi bại và ác độc ma quỷ có thể làm cho con người, chúng
ta không thể không sợ chúng. Chúng ta sợ ma quỷ vì chúng là sự dữ, tai ương,
bất hạnh. Sợ để phải tránh xa, không giao du, qua lại, hợp tác với chúng. Chúng
ta sợ, vì chúng là tai hoạ cho ta, vì ở chúng chỉ là dối trá, lọc lừa, ghen
tuông, thù oán. Cũng nhờ sợ, chúng ta không liều mình bén mảng đến gần sào
huyệt, lãnh địa của chúng. Nhờ thế, chúng ta tránh được nhiều cạm bẫy nguy
hiểm.
Nhưng bên
cạnh cái sợ khôn ngoan vừa kể, còn một nỗi sợ cần phải tránh khác, đó là sợ ma
quỷ làm hại, sợ ma quỷ quấy nhiễu, nên phải thỏa hiệp với chúng. Rất nhiều
người, ngay cả người có đạo rất sợ ma quỷ căm phẫn và trả
thù. Những người này sợ ma quỷ, vì thiếu đức tin. Trong mọi trường hợp, chúng
ta phải nhớ rằng: ma quỷ là sự dữ, nên chỉ gây sự dữ, nhưng khi sợ ma quỷ trả
thù, mà chấp nhận thỏa hiệp với chúng, chúng ta đã minh nhiên từ bỏ Thiên Chúa.
Người ta
thỏa hiệp với ma quỷ vì bị ám ảnh bởi ý nghĩ: Thế giới này toàn quỷ, và đâu đâu
cũng có ma, nên tốt hơn hết là “có kiêng có lành”. Có kiêng ở đây là tin và
thực hành những tục mê tín dị đoan, nặng hình thức sùng bái Satan và tỏ lòng
khiếp sợ quyền lực ma quỷ. Các hình thức cúng sao cúng hạn, xin xăm bói quẻ,
coi ngày chọn giờ và nhiều thực hành mang tính ngưỡng mộ, xin xỏ, tham vấn
quyền lực của đêm tối đều là thỏa hiệp với Satan vì sợ hắn và bè lũ của hắn.
Chúng ta cũng biết: Ma quỷ dùng mọi cách để lôi kéo các linh hồn đi theo và
phụng sự, thờ lạy chúng. Vì thế, chúng có thể năn nỉ, ve vuốt, tán tỉnh, nhẹ
nhàng, nhưng cũng có thể đe dọa, tỏ ra tức giận, căm thù, côn đồ, thô lỗ cốt để
chúng ta sợ mà thỏa hiệp, đi theo chúng.
Tóm lại,
chúng ta sợ ma quỷ chính là tại chúng ta tự làm cho mình sợ, khi chúng ta gắn
bó với tiền bạc, của cải, thú vui xác thịt, quyền lực, vinh quang, và sợ ma quỷ
lấy mất “kho tàng thế gian” đó của ta. Để giữ được kho tàng hay hư mất này,
chúng ta, vì sợ bị ma quỷ lấy đi, đã thỏa hiệp với chúng để tất cả được tồn
tại. Chính chúng ta đã liên kết ma quỷ với những giá trị vật chất phù du, và
trao cho ma quỷ cái mà chúng ta đang cần và tha thiết gắn bó, để rồi ma quỷ đã
dùng chính những cái ta đang cần giữ làm vũ khí đe dọa, giết chết chúng ta.
Nhưng trước khi xảy ra chết chóc, đe dọa, tự chúng ta đã
run rẩy, sợ hãi chúng. Ngược lại, nếu chúng ta không màng chi đến những sự thế
gian này vì Thiên Chúa, vì Nước Trời, vì Giáo hội và vì mọi người, bằng bám
chặt vào Thánh giá Đức Gêsu, và hết lòng phụng sự Ngài thì ma quỷ sẽ chạy trốn,
vì chúng không thể đến gần Thánh giá và không dám bén mảng lại gần Đức Giêsu.
II. Ma quỷ sợ chúng ta
Chúng ta
khẳng định ma quỷ là loài đáng sợ, hiểu theo nghĩa, chúng không mang lại bất cứ
một sự tốt đẹp, may lành, hạnh phúc thật và bền vững nào, nên lân la, chung
đụng với chúng sẽ chỉ rước hoạ vào thân. Vì thế, chúng ta sợ: Sợ chúng là sự
dữ, sợ chúng là cạm bẫy, sợ chúng là tai hoạ, đó là cái sợ khôn ngoan, cái sợ
của người muốn tránh xa dịp tội, xa khỏi tội lỗi, cái sợ của con cái Thiên Chúa
luôn nghe lời Thiên Chúa, và không để ma quỷ có cơ hội cám dỗ, lôi cuốn phản
nghịch.
Cựu ước
răn dạy: “Các ngươi không được hướng về tà thần” (Lv 29,4), nghĩa là không được
mon men, tiếp cận với ma quỷ và những người thuộc về ma quỷ, cũng như công việc
của chúng. Nói cách khác, chúng ta phải biết sợ lây nhiễm “chất quỷ” từ ma quỷ,
và những người thuộc về ma quỷ. Nhờ sợ bị lây nhiễm, chúng ta không cho chúng
cơ hội làm hại chúng ta, bằng cách tránh xa chúng bao nhiêu có thể. Đó là tránh
dịp tội, bởi hầu hết chúng ta phạm tội vì trước đó đã tự nguyện tiếp cận dịp
tội.
Như thế,
chúng ta không sợ ma quỷ theo nghĩa sợ hãi, kinh sợ, nhưng sợ vì chúng ghê tởm,
sợ vì chúng quá gớm ghiếc như sách Đệ Nhị Luật đã viết:
“Tượng các tà thần của chúng, anh em phải bỏ vào lửa mà thiêu. Đừng ham muốn
bạc vàng trên các tượng ấy, mà lấy cho mình, vì anh em sẽ bị mắc bẫy, vì đó là
vật ghê tởm đối với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. Anh em đừng đưa một vật
ghê tởm vào nhà anh em, vì anh em sẽ trở thành của tru hiến như nó. Nhưng anh
em phải kỵ nó, và ghê tởm nó” (Đnl 7,25-26). Chúng ta cũng phải ghê tởm ma quỷ
như vậy và sợ phải ở giao lưu, ở gần chúng.
Khẳng
định ý nghĩa của “sợ ma quỷ”, vì chúng là loài tồi tệ, xảo trá, thô bỉ, gớm
ghiếc, chúng ta xác tín niềm tin của chúng ta nơi Thiên Chúa, Đấng là sức mạnh
của chúng ta:
1. Chúng ta không sợ ma quỷ, vì có Thiên Chúa ở
cùng
“Thầy sẽ
cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) là lời hứa của Đức Giêsu.
Chính lời hứa ở với con người cho đến tận cùng thời gian của Đức Giêsu làm cho
chúng ta không còn biết sợ ma quỷ, cũng như sợ bất cứ sự gì, bởi “dù sự chết
hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất
cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác,
không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi
Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).
Tình yêu
Thiên Chúa, và tình chúng ta yêu Thiên Chúa bảo đảm hạnh phúc đời làm con Thiên
Chúa của mỗi người. Và trong hạnh phúc của những đứa con được yêu thương, cưng
chiều, chúng ta không sợ gì ma quỷ.
a. Thiên Chúa ở cùng chúng ta qua
Lời Hứa của Ngài
Lời hứa:
“Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và Người Nữ, giữa dòng dõi mi và dòng dõi Người Nữ.
Người của dòng dõi ấy sẽ đạp giập đầu mi” (St 3,15) đã khai mở cuộc chiến giữa
Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ loài người và Satan, và trong cuộc chiến này, Satan và
bè lũ phải là kẻ bại trận. Chúng không thể thắng được Đức Giêsu và những ai tin
theo Ngài, cũng như không thể làm lung lay, sụp đổ Hội Thánh của Đức Giêsu, vì
chính Đức Giêsu đã long trọng đảm bảo sự trường tồn vĩnh cửu của Hội Thánh:
“Phêrô, con là Đá, trên Đá này, Thầy xây Giáo hội của Thầy, và hỏa ngục sẽ
không làm gì nổi”.
Chúng ta
thừa nhận sức công phá của ma quỷ ngày đêm nhắm vào Giáo hội, những người thuộc
về Giáo hội, và con người, vì chính Thiên Chúa đã cho biết: Rắn độc là Satan sẽ
tìm cắn gót chân Người Nữ (St 3,15), và quỷ hỏa ngục sẽ nổi lên, lồng lộn chống
phá bằng đủ cách đủ kiểu qua tay những người chấp thuận đi theo và làm việc cho
chúng: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.
Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì thuộc về nó.
Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn và tách anh em khỏi
thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 15,18-19). Đức Giêsu cũng cảnh báo các
môn đệ: “Tên Thủ Lãnh thế gian đang đến, nhưng nó không làm gì được Thầy” (Ga
14,30). Thủ Lãnh thế gian chính là Satan. Nó đến và người ta xúm lại thờ lạy nó
như thánh Gioan tông đồ đã viết về Satan: “Mọi người trên mặt đất sẽ thờ lạy
nó” (Kh 13,8). Nhưng sự hiện diện cứu độ của Đức Giêsu với
con người cho đến tận thế đã vô hiệu hóa tất cả cố gắng, và công việc của
Satan.
b. Thiên Chúa ở cùng chúng ta qua sức mạnh của Ngài
Trên
đường về đất hứa, dân Do thái đã dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa Giavê, và
chính Ngài đã khẳng định với dân: Mọi chiến thắng đều do sức mạnh từ tay Thiên
Chúa:
“Nghe
đây, hỡi Ítraen! Hôm nay anh em sắp qua song Giođan để vào trục xuất những dân
tộc lớn và mạnh hơn anh em. Hôm nay, anh em phải biết rằng: Chính Đức Chúa,
Thiên Chúa sẽ đi qua trước mặt anh em như ngọn lửa thiêu; chính Người sẽ tiêu
diệt chúng; chính Người sẽ hạ chúng xuống trước mặt anh em… Khi Đức Chúa trục
xuất chúng cho khuất mắt anh em, thì anh em đừng bảo rằng: “Chính vì tôi công
chính mà Đức Chúa đã đưa tôi vào chiếm hữu đất này”; thật ra chính vì các dân
tộc ấy có tội mà Đức Chúa trục xuất chúng cho khuất mắt anh em, nên anh em phải
biết rằng không phải vì anh em công chính mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em
ban cho anh em miền đất tốt tươi ấy” (Đnl 9,1-6).
Đối với
ma quỷ, Thiên Chúa ra lệnh, cấm đoán, trừng phạt, trừ khử (Mc 9,25), và chúng
thất kinh trước uy nhan Ngài, hoặc “nài xin Ngài” (Mt 8,31).
Chúng ta
phải làm sáng tỏ sức mạnh của Thiên Chúa trên ma quỷ. Ngài đã đánh bại Satan
nhờ sự chết, phục sinh và giáo huấn của Ngài (Lc 11,20). Ngài đã trói buộc
Satan (Mc 3,27), đã hạ bệ và tán phá vương quốc của chúng. Ngài cũng ban quyền
trừ quỷ cho các môn đệ của Ngài (Mc 16,17).
Công đồng Vaticanô II nhắc lại cho chúng ta: “Thiên
Chúa đã sai Con Ngài xuống thế gian mặc lấy xác phàm chúng ta, để nhờ Chúa Con,
Ngài giải thoát nhân loại khỏi quyền lực tối tăm và Satan” (Ad Gentes số 3).
“Chính Đức Giêsu đã chịu chết, và sống lại để bẻ gẫy xiềng xích của Ác Thần.”
(Gaudium et Spes, số 2).
Vì thế,
nếu dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, nếu có Thiên Chúa “chống lưng”, phù trợ,
ai sẽ đánh bại được chúng ta, kể cả Satan và bè lũ, ngay cả khi chúng ta thấy
mình yếu đuối, vì “Ơn Ta đủ cho con, vì sức mạnh của Ta được biểu lộ trọn vẹn
trong sự yếu đuối” (2Cr 12,8) để như Phaolô, chúng ta nói được rằng: “Tôi rất
vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng
khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì
khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,9-10).
c. Thiên Chúa ở cùng chúng ta với Bình An của Ngài
Ma quỷ là
một trong những lý do làm chúng ta lo sợ trong cuộc sống. Thường con người sợ
sự dữ, tai ương, khổ đau, bất hạnh. Tương lai vô định cũng làm con người sợ, và
trong xa xăm của tương lai đó phảng phất bóng dáng của sự chết. Sợ là đặc điểm
của con người, và phần lớn bất hạnh của con người là do sợ những điều không
đáng sợ, kinh hãi những chuyện vu vơ, mơ hồ, linh tinh, không đầu không đuôi.
Trong
thực tế, người ta sợ rất nhiều sự, nhiều chuyện, nhiều người, và nỗi sợ ám ảnh
một phần lớn qũy thời gian sống. Sợ làm hồi hộp, xao xuyến, và tâm hồn mất bình
an. Không có bình an sẽ không có hạnh phúc, vì hạnh phúc
đích thực chính là tự tại, thanh thản, thư thái của tâm hồn.
Đức Giêsu
biết con người hay khiếp sợ, biết môn đệ dễ hoảng hốt, lo âu, nên đã không
ngừng trấn an, căn dặn: “Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi!” (Ga 14,27).
Đừng xao xuyến trước những thử thách của thế gian; đừng sợ hãi trước những đe
dọa của ma quỷ, nhưng tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Giêsu, Đấng đến để ban
bình an cho mọi người: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban bình an của
Thầy cho anh em, bình an mà thế gian không ban được” (Ga 14,27). Với ơn Bình An
của Đức Giêsu, người môn đệ phấn khởi ra đi, đến cả những nơi khó khăn, nguy
hiểm để loan báo Tin mừng Cứu Độ, và lòng họ lúc nào cũng vui mừng, vì niềm vui
của họ không ai có thể lấy mất được (Ga 16,22).
2. Chúng ta không sợ ma quỷ vì “nhân danh Đức
Giêsu” chúng ta trừ được quỷ
Có người
giật mình thảng thốt: “Làm sao tôi trừ được quỷ?”; có người không tin chuyện
“con người trừ quỷ” là thật. Nhưng điều làm người ta giật mình thảng thốt, điều
người ta không tin là thật lại là điều thật trăm phần trăm, đáng tin ngàn phần
trăm, có chứng cớ khả thi vạn phần trăm trong Tân ước:
“Đức
Giêsu gọi nhóm Mười Hai lại, và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban
cho các ông quyền trừ quỷ” (Mc 6,7)… Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho
nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6,13).
Quyền trừ quỷ là quyền đầu tiên Đức Giêsu ban cho
các tông đồ. Thánh Máccô nhắc lại một lần nữa ở phần cuối: “Người nói với các
ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ
tạo. Ai tin và chịu phép Rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết
án. Đây là dấu lạ đi theo những người có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ
được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống
nhầm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh,
thì những người này sẽ được mạnh khoẻ” (Mc 16,15-18).
Qua Tin
mừng Máccô, chúng ta có thể xác tín: Đức Giêsu không chỉ ban quyền trừ quỷ, trừ
tà cho các tông đồ, mà còn ban cho tất cả
những người có lòng tin ở Ngài. Lòng tin ở Đức Giêsu và nhân danh Đức Giêsu
là điều kiện để trừ quỷ. Thực hiện hai điều kiện này, ma quỷ phải vâng lệnh
chúng ta và ra khỏi nạn nhân bị chúng nhập vào. Thực tế và kinh nghiệm mục vụ
đã chứng minh: Những người tin ở Đức Giêsu và nhân danh Ngài đều trừ được ma
quỷ, tà thần ra khỏi những người bị chúng ám nhập.
Không
phải ngẫu nhiên mà Đức Giêsu đã đặt quyền trừ quỷ lên hàng đầu, trước cả quyền
chữa bệnh, nói tiếng lạ… Điều này nói lên trừ quỷ là một đặc sủng được ban sớm
nhất cho tất cả những ai tin ở Đức Giêsu, Thiên Chúa.
Tuy nhiên
để làm tăng hiệu lực của quyền trừ quỷ được Đức Giêsu ban, Giáo hội lập ra phép
trừ quỷ. Phép này được thi hành bởi Giám mục và bởi Linh mục được Giám mục, với
nghi thức trừ quỷ của Giáo hội (Giáo luật số 1172 và 1167).
Ở đây,
chúng ta cần dừng lại giây lát để đề cập vấn đề: Tại sao có chuyện bị ma quỷ
ám, và nạn nhân bị quỷ ám là ai?
Như chúng
ta đã trình bày ở các chương trên: Ma quỷ có thể nhập vào thân xác con người và
làm khổ con người, nói cách khác, ma quỷ có quyền gây ra sự dữ cho con người,
chỉ vì chúng còn giữ nguyên quyền năng của thiên thần, mặc dù chúng đã ra hư
hỏng, phản nghịch Thiên Chúa. Sở dĩ Thiên Chúa cho phép ma quỷ gây nên sự dữ là
vì Ngài đã tạo nên con người có tự do để lựa chọn lành - dữ, xấu - tốt, và đồng
thời Ngài không bao giờ hủy bỏ các tạo vật của Ngài, dù chúng có bất trung,
phản nghịch Ngài đến đâu, như trường hợp Luciphe và bè lũ là các thiên thần
đồng phản nghịch.
Sự dữ do
ma quỷ, vì bản chất của ma quỷ là sự dữ. Chúng gieo sự dữ trong loài người.
Phần Thiên Chúa, Ngài chống lại sự dữ, nhưng không bó buộc can thiệp bắt ma quỷ
dừng tay gây sự dữ, một phần vì ơn sủng của Ngài ban cho con người luôn đủ để
họ chống lại ma quỷ và thoát khỏi sự dữ, nếu họ đến kín múc nơi Ngài; phần
khác, Ngài muốn con người sử dụng tự do của mình để đến với Ngài hay theo ma
quỷ. Điều này có nghĩa: những người sống trong ân sủng, những người cầu nguyện,
sống bác ái rất khó có thể rơi vào cạm bẫy của ma quỷ, trong khi những người
sống bê tha, nguội lạnh, thiếu đức tin chắc chắn sẽ là mồi ngon của ma quỷ.
Cũng có
những trường hợp rất đặc biệt khi người bị qùy ám lại là người rất thánh thiện,
đạo đức, như trường hợp cha Giovanni Calabria và Di Mary of Jesus crucified. Cả
hai đều có những thời kỳ bị quỷ nhập, và trong thời gian bị quỷ nhập, các vị đã
nói và làm những điều không phù hợp với sự thánh thiện của
các ngài. Nhưng các ngài không hề có trách nhiệm và mang một lỗi nào, bởi vì
chính ma quỷ đã hoàn toàn hành động qua thể xác của các ngài. Cả hai đã được
Đức thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II phong thánh. Trường hợp hai vị cũng không
khác thánh Gióp trong Cựu ước, chỉ khác thánh Gióp bị chúng gây thiệt hại, mà
không xâm chiếm thân xác với hình thức ám nhập.
Vì thế,
phải rất khôn ngoan khi nhận định mức độ trách nhiệm của nạn nhân bị quỷ ám, vì
có thể, họ chẳng có trách nhiệm nào, khi đời sống của họ phù hợp với đức tin,
và sự việc họ trở thành nạn nhân do ma quỷ ám cũng chỉ là một việc nằm trong ý
muốn của Thiên Chúa.
Người bị quỷ ám thường có những
triệu chứng sau:
● Đau đầu
và đau bao tử.
● Mất khả
năng nhạy cảm và học hành.
● Biết và
hiểu tiếng lạ một cách hoàn hảo.
● Biết
những việc xảy ra từ xa.
● Trả lời
những câu hỏi hóc búa, khó khăn, vượt xa khả năng, và tuổi tác.
● Có một
sức mạnh siêu phàm. Họ có thể bẻ gãy dễ dàng xiềng xích.
● Căm ghét
những gì thánh thiêng.
● Bỏ cầu
nguyện, bỏ nhà thờ, khinh mạn, bổ báng Giáo hội.
● Tâm trạng
u buồn thống khổ, căng thẳng, mất ngủ và muốn chết
Trừ quỷ như đã nói là quyền Thiên Chúa ban cho tất
cả mọi người tin ở Chúa và nhân danh Ngài. Ở đây, người viết xin ghi lại những
kinh nghiệm trừ quỷ của cha Gabrieli Amorth, người trừ quỷ nhiều kinh nghiệm
trong cuốn “An exorcist tells his story”.
Theo cha G. Amorth,
1. Về Phía người bị quỷ ám
Ma quỷ
thường gây những xáo trộn thể lý trên nạn nhân, và các bác sĩ không có thể chẩn
bệnh một cách đích xác. Vì thế, nạn nhân thường chạy đến các thầy bùa, thầy
ngải, thầy cúng, thầy lang băm, tệ hơn nữa là thầy phù thủy. Sự can thiệp của
những người này không những không làm nhẹ đi, mà còn làm cho thêm nặng, bởi
chính những người này là những cánh tay nối dài của ma quỷ. Không ít người sau
những lần xin bùa, đeo ngải, khấn vái cô hồn, cầu xin vong linh, xì xụp trước
bàn thờ quỷ đã bị quỷ nhập. Cha kể trường hợp của bà Giovanna bị quỷ nhập sau
ba lần bị bỏ bùa. Nỗi khổ của những nạn nhân bị quỷ ám là không còn kiểm soát
được những tư tưởng xấu luôn hành hạ nạn nhân.
Năm lãnh
vực ma quỷ tấn công nạn nhân là sức khoẻ, việc làm, tình cảm, hạnh phúc, ước
muốn chết, nhưng mãnh liệt hơn cả là ý muốn tự tử. Ma quỷ là đứa tuyệt vọng, vì
đã bị đuổi khỏi thiên đàng kèm theo hình phạt hỏa ngục, nên gieo thất vọng,
tuyệt vọng cho mọi người. Mục tiêu là làm cho con người mất hết niềm hy vọng
được thương yêu, chữa lành, cứu rỗi. Những lời của nạn nhân thường nói đang khi
được trừ quỷ là “Tôi chết, tôi chết mất, tôi không chịu nổi
nửa rồi. Đủ rồi, ông đang giết tôi. Hỡi tên linh mục sát nhân. Hãy để tự tôi
chết một mình…”. Đại loại là sự từ chối mọi giúp đỡ và ý muốn tự diệt.
Điều quan
trọng nhất với cha G.Amorth, đó là việc cầu nguyện của chính nạn nhân bị quỷ
ám, nhất là sau khi đã trừ được quỷ. Sự giảm bớt cầu nguyện, lười biếng chịu
các bí tích và khô khan, nguội lạnh trong đời sống Kitô hữu sẽ là cơ hội tốt để
quỷ trở lại tấn công mạnh hơn và xâm nhập sâu hơn, như trong Tin mừng Mátthêu,
Đức Giêsu đã cảnh báo: Quỷ sẽ trở lại với cả một bầy quỷ dữ tợn hơn nó: Khi
thần ô uế xuất khỏi một người, nó đi rảo quanh mà không tìm được chỗ nào nghỉ
ngơi, nó liền trở lại nơi nó vừa bị đuổi ra. “Khi đến nơi, nó thấy nhà để
trống, …Nó liền đi, kéo thêm bảy thần khác dữ tợn hơn nó, và chúng vào ở đó.
Rốt cuộc, tình trạng của người ấy còn tệ hơn trước” (Mt 12,43-45).
Theo cha
G. Amorth: Sự hợp tác của nạn nhân là nền tảng của thành công: 90% là do đương
sư, người trừ quỷ chỉ đóng góp đươc 10%. Điều đó có nghĩa: Người bị quỷ ám cần
phải cầu nguyện nhiều, năng lãnh nhận các bí tích, sống đời sống phù hợp với
Tin mừng, thực hành các việc đạo đức tư như lần chuỗi, đi hành hương, nhất là
làm việc bác ái và cầu nguyện cho những kẻ ghét bỏ mình. Cũng theo cha G.
Amorth, cầu nguyện cho kẻ thù là vũ khí mạnh nhất, hữu hiệu nhất làm ma quỷ
phải run sợ, vì đây là cao điểm của Đức Ái, là tột điểm của Bác Ái, là điểm khó
khăn nhưng cao đẹp nhất của giới luật Yêu Thương như Đức Giêsu dạy: “Anh em đã
nghe Luật dạy rằng: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo
anh em: Hãy yêu kẻ thù, và cầu nguyện cho những kẻ ngược
đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự
trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như
người tốt, cho mưa xuống trên người công chính, cũng như kẻ bất chính” (Mt
5,43-45).
2. Phía người trừ quỷ
Điều phải
làm đầu tiên là người này phải được sai đến trừ quỷ bởi Đức Giám mục Giáo phận,
vì người trừ quỷ sẽ trừ quỷ nhân danh Đức Giêsu Kitô, Đấng đã trao quyền trừ
quỷ cho Giáo hội của Ngài. Lý do khác là việc trừ quỷ không có tính cách cá
nhân, nhưng là việc làm biểu lộ sự hiệp thông của Giáo hội: Tất cả mọi thành
phần Dân Chúa tiếp sức cho người anh chị em nạn nhân bị ma quỷ khống chế bằng
cầu nguyện, hy sinh, dâng thánh lễ. Đây là cuộc chiến chung của cả Giáo hội, và
Giáo hội đứng về phía nạn nhân bị quỷ ám để chống lại ma quỷ.
Người trừ
quỷ phải có đời sống thánh thiện, đức tin vững chắc, luân lý không thể chê
trách, siêng năng cầu nguyện, hãm mình hy sinh, như Đức Giêsu đã dạy: Giống quỷ
này chỉ có thể trừ được bằng ăn chay, cầu nguyện. Nhưng một điều rất quan trọng
mà người trừ quỷ không được quên, đó là quyền năng trừ quỷ đến từ Thiên Chúa,
từ danh Đức Giêsu Kitô, chứ không do khả năng của người trừ quỷ, cũng không do
cố gắng của nạn nhân. Vì thế, việc xưng tội, rước lễ, cầu nguyện có giá trị
quyết định. Kinh nghiệm cho thấy: Sau mỗi lần rước lễ, những đau đớn do ma quỷ
gây cho nạn nhân lập tức biến mất. Người trừ quỷ do đó sẽ biết kiên trì, không
nao núng, ngay cả khi mọi việc có vẻ như sẽ không mang lại
kết quả. Đừng tin rằng Thiên Chúa bỏ con cái Ngài trong cuộc chiến chống lại
đối thủ của Ngài là Ma quỷ. Luôn cần bình tâm cầu nguyện để thấy Thiên Chúa
luôn ở cùng, và tích cực hoạt động để cứu giúp những đứa con đáng thương đang
bị ma quỷ hành hạ.
Người trừ
quỷ cần lời cầu nguyện, hy sinh hãm mình của nhiều người, và cộng đoàn. Tất cả
mọi tín hữu đều có bổn phận cùng trừ quỷ với linh mục được ủy thác trừ quỷ bởi
Đức Giám mục đang thi hành nhiệm vụ giải thoát nạn nhân bị quỷ ám. Việc tôn
kính Thánh giá, chuỗi Mân Côi, ảnh tượng, nước thánh, di vật của các thánh đều
rất hữu ích, vì làm cho ma quỷ khiếp sợ. đặc biệt việc kêu cầu danh thánh Chúa
Giêsu, Đức Maria, mẹ Thiên Chúa, tổng lãnh thiên thần Micae.
Tóm lại,
Giáo hội được trao ban quyền trừ quỷ, vì lợi ích của các linh hồn. Năng quyền
ấy lan toả trên tất cả mọi người tín hữu, như lời kinh của các giáo hữu của
Giáo hội thuở ban đầu đã làm chứng:
“Lạy
Chúa, xin giơ tay chữa lành, và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, nhân danh
tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu” (Cv 4,30).
3. Giáo hội căn dặn con cái mình
Giáo hội
là Mẹ, nên thương con cái và lo lắng con cái bị quỷ dữ săn lùng, hãm hại. Giáo
hội như gà mẹ ấp ủ, chở che con cái dưới cánh trước tấn công hung bạo của từng
đàn quạ đen tìm bắt gà con. Những răn đe, ngăn cấm, cảnh giác, khuyên can của
Giáo hội luôn cần thiết, vì Giáo hội biết rất rõ ma quỷ là ai, quyền lực của
chúng đến cỡ nào, chiến thuật của chúng tinh vi ra sao, phạm vi hoạt động của
chúng rộng lớn đến mức nào, nhất là chúng tồi tệ, gian ác, lưu manh và nguy
hiểm cho hạnh phúc của loài người như thế nào.
a. Giáo hội nhắc nhở con cái đừng
quên lời hứa “từ bỏ ma quỷ và tất cả mọi việc làm của ma quỷ”
Phần thứ nhất của lời hứa có lẽ dễ giữ, vì chúng ta
không hề thấy ma quỷ hiện ra với sừng đen, mắt long sòng sọc lồi hẳn ra ngoài
kinh tởm, với lưỡi dài đỏ như lửa, chân tay lông lá, móng dài và nhọn như dao
bao giờ. Trái lại phần thứ hai của lời tuyên hứa thì chúng ta rất dễ dàng sai
phạm. Lý do: ma quỷ làm việc qua tay con người, thực hiện kế hoạch chống phá
Thiên Chúa qua chính con người là thụ tạo của Ngài, nên chúng ta không dễ phân
biệt việc nào là việc của quỷ, việc nào là việc của người. Chẳng thế mà nhiều
người có đạo, sau khi đi lễ, vẫn hẹn hò nhau cùng thuê xe đi gặp ông thầy bói
này, bà đồng cốt kia, đến nhà ông thầy pháp ở chỗ nọ, ghé viếng ông thầy phù
thủy ở tỉnh kia, với một lương tâm “tự dàn xếp êm ả, không ngượng ngùng, cắn
rứt” khi tránh nhìn thẳng vào sự việc để chân nhận: Tất cả những công việc này
đều là việc của ma quỷ đang thực hiện qua bàn tay con người.
Việc làm
của ma quỷ thì đa hệ, đa diện, đa chiều, đa hiệu, đa năng, và được che đậy bởi
vỏ bọc rất tinh vi, nên nhiều người tín hữu sa bẫy với những lý luận thiếu
lương thiện và thái độ “cho qua, chuyện nhỏ, không ảnh hưởng đến đức tin”.
Chúng ta quên khả năng lừa đảo, biến không thành có của ma quỷ. Vì thế, rất
nhiều việc làm của chúng đã thành công ngoài ý muốn của chúng nơi con người.
Ngoài những cám dỗ, ám nhập, ma
thuật, hội kín thờ Satan, phong trào phò Satan chống Giáo hội, hỏi quỷ, gọi
hồn, ma quỷ còn làm những việc mà chúng ta tưởng không phải chúng làm:
Bỏ bùa,
yểm bùa
Đó là
việc tạo ra những đồ vật với chất liệu lạ. Những đồ vật này được dâng cho Satan
để Satan in dấu độc ác của nó trên đó. Trong việc bỏ bùa, yếm bùa, ma quỷ dùng
tay thầy pháp, thầy bùa để làm hại con người.
Có hai
cách bỏ bùa: Trực tiếp khi để được đồ vật được dùng làm bùa vào đồ ăn, hay thức
uống của nạn nhân, cốt để chất bùa vào hẳn trong cơ thể của nạn nhân. Vật làm
bùa có thể là xương người chết, tóc, kinh huyết, các bộ phận của súc vật, các
loại tro từ những đồ được ma quỷ in dấu, và nhiều thứ đồ vật khác…; gián tiếp
là yểm bùa những đồ dùng của nạn nhân, hoặc dùng hình nộm để chuyển tải sự hành
hạ độc ác đến nạn nhân. Thí dụ như thầy bùa đâm chi chít đinh vào đầu của hình
nộm, tượng trưng cho nạn nhân để nạn nhân ở xa phải cảm thấy đau đầu dữ dội.
Có nhiều
thứ bùa như “bùa chia rẽ” làm cho hai người đang yêu nhau tự nhiên kiếm chuyện
rồi chia tay nhau; “bùa yêu” khiến người ta phải lòng, say mê nhau; “bùa bệnh
hoạn” làm cho nạn nhân bị đau bệnh một cách bất thường, kỳ lạ; “bùa phá hoại”
làm cho công việc làm ăn, kinh doanh gặp trắc trở, thua lỗ.
Mục tiêu của ma quỷ là nạn nhân phải tìm đến thầy
bùa để xin được giải. Và đó là thành công của ma quỷ khi từ nay nạn nhân bị bỏ
bùa hoàn toàn lệ thuộc vào thầy bùa, là tay sai của ma quỷ. Thầy bùa sẽ theo
lệnh của Satan mà ra những chỉ thị cho nạn nhân, mà chỉ thị quan trọng nhất
chính là bỏ Thiên Chúa, xa lánh Giáo hội, bằng việc không được cầu nguyện,
không được đeo ảnh tượng, tràng hạt, không được đi nhà thờ, không được đọc kinh
chung trong gia đình mỗi tối, không được tham dự hoạt động hội đoàn trong xứ
đạo… Ngược lại, từ nay thầy bùa yêu cầu nạn nhân phải mang trong người “bùa phù
hộ”, phải nhang đèn cúng kiếng theo kỳ hạn, phải tuân thủ một số thực hành mê
tín.
Con số
người có đạo đánh giá cao bùa ngải và tin chuyện bùa ngải ngày càng đông. Đây
là dấu hiệu cho thấy ma quỷ đang thành công bằng cách che giấu bộ mặt gian
manh, và việc làm ác độc của chúng, để mọi người không chú ý, quan tâm mức độ
phá hoại và tai họa khôn lường của việc chúng làm. Càng đánh giá thấp ma quỷ,
chúng càng thành công, vì không ai phát hiện. Càng không bị phát hiện, chúng
càng bắt được nhiều linh hồn, vì nhiều người sẽ sa vào cạm bẫy mà lương tâm vẫn
ung dung, thanh thản, không ray rứt gì.
Tóm lại, đến với
bất cứ thầy bùa nào để bỏ bùa, giải bùa, chúng ta đều đã vi phạm lời tuyên hứa
“từ bỏ tất cả công việc của ma quỷ” mà chúng ta đã long trọng tuyên xưng, hoặc
được người đỡ đầu lên tiếng tuyên xưng thay ta trong ngày nhận bí tích Thánh
Tẩy. Vấn đề là khi chúng ta chạy đến chúa quỷ để xin hắn trừ quỷ (Mt 12,25-29);
cũng như chạy đến thầy bùa này để xin giải bùa của thầy pháp kia, thì chẳng
khác nào chúng ta mở cửa đón cả bầy quỷ dữ dằn, hung tợn hơn vào cuộc đời chúng
ta, như Đức Giêsu đã cảnh báo trong Tin mừng (x. Mt 12,43-45), mà quên điều
chúng ta phải tìm kiếm, đó là “dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ” (Mt
12,28), vì triều đại của Thiên Chúa đã ở giữa chúng ta.
Bói toán, gieo quẻ, xem ngày,
chọn giờ
Những
thực hành tuy bề ngoài tưởng như không mang mức độ vi phạm trầm trọng đức tin
như xem ngày, xem giờ, gieo quẻ, rút bài bói tương lai, nhưng lại rất nguy hiểm
vì:
- Làm chúng
ta không còn tin tưởng, hy vọng ở Thiên Chúa quan phòng (Lc 12,22-31).
- Nghi ngờ
công trình và mầu nhiệm sáng tạo, cứu độ của Thiên Chúa.
- Đặt chúng
ta liên lỷ trước những lo âu vô lý như hôm nay có tốt cho tôi không? Đặt giường
tủ trong nhà thế này có bị ma quỷ quấy nhiễu không? Ăn những món này có làm mất
lòng các vong hồn không?
- Dần dà
trói buộc chúng ta vào sinh hoạt của ma quỷ, như không xem bói hàng tháng không
được, không đi coi thầy không yên, không kiêng kỵ, cúng kiếng không an lòng.
Nhưng
điều quan trọng nhất vẫn là chúng ta mở cửa cho ma quỷ dắt nhau vào, có thể
không mở to cửa chính, nhưng mở cửa sổ, cửa hông, cửa sau, và cửa nào thì ma
quỷ cũng vào được để ở lì, và quậy phá mãi trong nhà ta.
Thánh Bộ
Giáo Lý Đức Tin luôn nhắc nhở việc giáo dục các tín hữu ý thức sự hiện hữu của
ma quỷ, và qua các thế kỷ, Giáo hội không ngừng lên án, trừng phạt các hình thức
mê tín dị đoan khác nhau, được dựng nên bởi một bàn tay Satan. Những thực hành
mang tính huyền bí, ma thuật, hoang đường đều bị Giáo hội nghiêm cấm, trước hết
để ngăn chặn sự giao lưu, thỏa hiệp với ma quỷ có thể xảy ra do đức tin yếu
đuối của con cái, sau nữa là để tránh gương mù gương xấu, và ảnh hưởng cực xấu
cho cộng đoàn, đồng thời bảo vệ phần rỗi của con cái trước sức tấn công luôn vũ
bão và xảo quyệt của Satan và bè lũ.
b. Ngoại cảm, thấu thị
Xã hội
Việt Nam có một thời rộ lên phong trào các nhà ngoại cảm đi tìm xác những người
đã chết trong chiến tranh. Một cuộc chiến quá dài đã để lại nhiều thương đau,
trong đó có nỗi đau của gia đình khi xác người thân chết trong chiến tranh vẫn
còn vùi lấp, vật vờ đâu đó, chưa được yên nghỉ nơi phần mộ ở quê nhà. Nhiều nhà
ngoại cảm đã tìm ra nơi chôn của người đã chết cách đây mấy chục năm trước. Vấn
đề được đặt ra là những nhà ngoại cảm này làm việc cho ai? Ma quỷ hay Thiên
Chúa?
Như đã
trình bày ở phần trên: Ma quỷ là thụ tạo thiêng liêng, lại giữ nguyên bản chất
và quyền lực của thiên thần, nên vẫn được phép làm những điều kỳ lạ, vì thế mà
nhiều người bị dụ, và đi theo phục vụ chúng làm những điều gian ác, gieo sự dữ,
phá hoại hạnh phúc của loài người.
Chính vì
vậy, trong hoạt động ngoại cảm, thấu thị, người ta vẫn phải thận trọng để phân
biệt đâu là nhà ngoại cảm, thấu thị tay sai của ma quỷ, đâu là nhà ngoại cảm,
thấu thị do đặc sủng từ Thiên Chúa.
Trước hết, chúng ta phải hết sức thận trọng để đừng
rơi vào một trong hai cạm bẫy cực kỳ nguy hiểm của Satan, đó là:
● Hoặc
không tin có ma quỷ, không tin việc làm của ma quỷ thực hiện qua những người
thuộc về chúng, kế hoạch phá hoại của Satan được thi hành bởi những người đã
bán linh hồn cho ma quỷ, để ma quỷ tự do, thoải mái xâm nhập, đào tường khoét
vách, bứng luôn nền nhà của linh hồn ta, mà ta vẫn không hay biết.
Hệ quả
của việc không tin có ma quỷ sẽ là việc coi thường sức công phá, mức độ hủy
hoại của ma quỷ, đồng thời đưa đến thái độ dung túng, bê tha, hưởng thụ vì
không có ý thức về trách nhiệm, thưởng phạt, đời sau, thiên đàng, hỏa ngục.
● Hoặc quá
tin vào quyền lực ma quỷ đang bao phủ thế giới, và để tinh thần bị khủng bố bởi
những ý nghĩ đen tối, bi quan. Khuynh hướng thần tượng, tôn sùng ma quỷ và
ngưỡng mộ công việc của chúng dẫn đến tình trạng phủ nhận hoàn toàn sự có mặt
của Thiên Chúa toàn năng, phủ nhận ơn cứu độ, và sức mạnh giải thoát con người
khỏi xiềng xích Satan của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người. Thế giới dưới mắt
những người thuộc khuynh hướng này là thế giới đầy quỷ, thế giới của quỷ, thế giới
hoàn toàn bị đặt dưới quyền lực của đêm tối, trong vòng kiểm soát của Satan. Hệ
luận sẽ rất tai hại, khi quên rằng chính Đức Giêsu đã đánh bại, trói buộc, hạ
bệ Satan (Mc 3,26-27), bẻ gãy gông cùm tội lỗi, và uy lực của sự chết trên con
người, nhờ cái chết của Ngài, như Giáo hội tuyên xưng trong thánh lễ:
“Lạy Chúa, Chúa đã dùng Thánh giá mà giải thoát
chúng con. Xin cứu độ chúng con!”.
Quả thực,
cạm bẫy của Satan đang giăng khắp lối ngõ của con người thời đại là: hoặc quên
hẳn sự hiện diện của chúng, hoặc xoá sạch dấu vết sự có mặt của Đức Giêsu. Nó
làm cho con người quên lịch sử loài người đã là giao tranh với Ác Thần ngay từ
khởi thủy. Con người mặc dù đã được Thiên Chúa dựng nên trong tình trạng thánh
thiện, nhưng ngay từ bình minh của loài người, con người đã lạm dụng tự do để
nghe theo thần dữ. Con người đã nghe Satan tự mình chống lại Thiên Chúa và đi
tìm sự viên mãn ngoài Thiên Chúa. Từ đó, mặc dù con người biết Thiên Chúa,
nhưng đã không tôn vinh Ngài như Thiên Chúa; trái lại, tâm hồn con người nên
tối tăm đã phụng sự tạo vật hơn là phụng sự Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Vì thương
con người, và không muốn tạo vật yêu quý là con người bị hư đi, Thiên Chúa đã
sai Con của Ngài mặc lấy xác phàm nhân loại để giải thoát nhân loại khỏi quyền
lực của Satan.
Vì thế,
người ta sẽ không thể hiểu được những chiến công của Đức Giêsu, nếu từ chối sự
hiện hữu và hoạt động chống phá của ma quỷ? Cũng như không thể hiểu giá trị sự
chết, sự sống lại của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ, nếu không nhìn nhận sự gian ác,
tồi tệ của Satan? Bởi Thiên Chúa “đã biểu dương nơi Đức Kitô, khi làm cho Đức
Kitô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. Như vậy, Người
đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có
được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai.
Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô…” (Ep 1,20-22).
Phải nắm vững chân lý nền tảng này, nếu không,
chúng ta sẽ rơi vào cạm bẫy của Satan.
Chính vì
lý do trên, chúng ta phải dựa vào những tiêu chuẩn đức tin để đánh giá những
công việc khó phân định ranh giới giữa Thiên Chúa và Satan như trong vấn đề
những nhà ngoại cảm, thấu thị.
Trong vấn
đề này, chúng ta dựa vào Kinh thánh, và giáo huấn của Giáo hội để xác tín:
Chúa Thánh Thần hằng hoạt động
trong Giáo hội, và ban nhiều đặc sủng trong Giáo hội để phục vụ
“Có nhiều
đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau,
nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên
Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là
vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người
thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban
cho lòng tin; kẻ thì cũng được Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để
chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ
thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ
khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy
làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của
Người” (1Cr 12,4-11).
Ơn ngoại cảm, thấu thị cũng là một trong những đặc
sủng được Chúa Thánh Thần ban để phục vụ cộng đoàn. Trong lịch sử Giáo hội, rất
nhiều vị thánh, cũng như tín hữu đã được ban đặc sủng này.
Thẩm quyền của Giáo hội công nhận các đặc sủng
Công đồng
Vaticanô II trong Hiến chế Lumen Gentium khẳng định: Chúa Thánh Thần phân phát
đặc sủng cho các tín hữu ở mọi thứ bậc. Những đặc sủng này phải được đón nhận
với lòng tri ân, và với tinh thần phục vụ cộng đoàn. Các vị có thẩm quyền trong
Giáo hội có nhiệm vụ phán quyết về tính chân thực và sự sử dụng hợp lý các đặc
sủng đó, đặc biệt phải khảo sát, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để gìn
giữ những điều thiện hảo.
Áp dụng
nguyên tắc giáo huấn này, Công đồng quy định: bất cứ ai, dù là linh mục, tu sĩ,
giáo dân được lãnh nhận đặc sủng đều có quyền và bổn phận thi hành đặc sủng,
dưới sự hướng dẫn sáng suốt của Đức Giám mục Giáo phận, vì mọi đặc sủng đều đến
từ Chúa Thánh Thần trong Giáo hội và để phục vụ Giáo hội, là Nước Trời mở rộng
cho mọi người.
Có những
tiêu chuẩn, qui tắc được Giáo hội đề ra để phân định việc gì của ma quỷ, việc
gì thuộc Thánh Thần:
- Đương sự
phải là người sống Đức Tin một cách sâu xa, có đời sống luân lý đáng tin tưởng,
và thực hành Bác Ái với tinh thần của Tin mừng.
- Đương sự
thực hiện công việc do đặc sủng đòi hỏi một cách hoàn toàn vô vị lợi, không
kinh doanh, kiếm lợi nhuận, bổng lộc dưới bất cứ hình thức nào.
- Phương
tiện, phương pháp thực hiện công việc phải là phương tiện, phương pháp thông
thường, không có dấu hiệu bất thường, mê tín, dị đoan, như không được sử dụng
ma thuật; trái lại, luôn cầu nguyện, chạy đến Thánh giá, dùng nước thánh, ảnh
tượng đã được làm phép, nhất là “Nhân Danh Đức Giêsu Kitô” trong tất cả mọi
việc làm, và suốt thời gian thực hiện công việc.
- Các kết
quả phải tốt, và đem lại niềm vui, hạnh phúc thiêng liêng theo nguyên tắc: Cây
tốt sinh trái tốt, cây xấu cho quả xấu (Mt 12,33).
- Thái độ
khiêm tốn của đương sự khi quy chiếu về Thiên Chúa tất cả vinh quang, danh dự
sau khi thực hiện tốt đẹp công việc cũng là dấu chỉ của đặc sủng. Bởi nguyên
tắc để biết một người thánh thiện là: Người thuộc về Thiên Chúa chỉ biết nhân danh Thiên Chúa và vinh danh Thiên Chúa trong mọi việc
làm, và mọi hoàn cảnh.
- Một dấu
chỉ cuối cùng, đó là người nhận đặc sủng sẽ không mệt nhoài đến độ kiệt sức khi
thực hiện xong công việc phục vụ do đòi hỏi của đặc sủng, bởi thành công không
phải do sức họ, nhưng là ơn Chúa, và do sức mạnh của Thiên Chúa.
Để kết
luận, chúng ta nhắc cho nhau lời Đức Giêsu nói với các môn đệ của Ngài năm xưa,
cũng là Lời Ngài đang nói với mỗi người chúng ta hôm nay: “Thầy đây, đừng sợ!”.
Đừng sợ,
bởi sẽ chẳng có ma quỷ, thần dữ nào cám dỗ, làm hại được ta, nếu có Chúa ở
cùng. Ở với Chúa hay có Chúa ở cùng, chính là sống lề luật Yêu Thương của Ngài:
“Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lời Thầy, và cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha
Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).
Ma quỷ là hận thù, nên không thể đến gần Yêu
Thương; ma quỷ là ghen ghét, nên dị ứng với Bác Ái, Quên Mình; ma quỷ là gian
trá, nên không chịu nổi ánh sáng của Sự Thật; ma quỷ là sự chết, nên không thể
sống chung với nguồn mạch Sự Sống; ma quỷ là hỗn loạn, bạo lực, nên lẩn tránh
trật tự, bình an, và Đức Giêsu chính là Tình Yêu, Sự Thật, Sự Sống, và Bình An
viên mãn, đời đời.
Xin cho
tất cả chúng ta sống Đức Giêsu trong đời sống, như thánh Phaolô thường nhắc
nhở: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà chính Đức Kitô sống trong tôi” để
ma quỷ chẳng bao giờ dám bén mảng làm hại chúng ta, vì đêm cũng như ngày, chúng
ta hằng cầu nguyện:
“Lạy
Chúa, con yêu mến Chúa, vì Chúa là sức mạnh của con; là núi đá, là thành lũy,
là Đấng giải thoát con. Lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là
khiên mộc, là Đấng Cứu Độ toàn năng, là thành trì bảo vệ con” (Tv 18,2-3).