Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

BÃO LỤT - BÃO LÒNG


 


Nhiều tỉnh miền Trung Việt Nam bị bão lụt, dồn dập hết cơn bão này đến cơn bão khác lấy đi không biết bao nhiêu sinh mạng, nhà cửa, gia sản, hoa mầu ruộng vườn, và để lại một trời thương đau, một miền đất nước thê lương, điêu tàn, một tương lai mịt mờ, ảm đạm cho hàng chục triệu con dân Việt Nam.

Trước cảnh lầm than, khốn khó do bão lụt gây nên, rất nhiều tấm lòng từ khắp nơi, không chỉ trên vùng trời đất nước, mà khắp địa cầu đang thổn thức hướng về miền trung để cùng đau nỗi đau của quê nhà, cùng khổ nỗi khổ của người mất tất cả vì bão lụt.

Những thổn thức, cảm thương ấy không dừng lại ở tình cảm, nhưng biến thành hành động chia sẻ thiết thực, cụ thể, khi cả nước, cả cộng đồng Việt Nam trên toàn thế giới lòng đồng lòng, tay trong tay đóng góp tiền của, vật dụng cần thiết để cứu trợ miền trung bão lụt.

Người ta có dịp được sắn cao ống quần lội nước với các siêu sao, người mẫu, ca sĩ nổi danh, nghệ sĩ tên tuổi đến từng nhà để trao tặng lương thực, tiền bạc ; người ta phấn khởi đi cùng Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ, Thượng Tọa, Đại Đức, Ni sư trên những chuyến xe đầy ắp đồ cứu trợ từ miền tây, miền đông ngày đêm nối đuôi tiến thẳng ra miền Trung bão lụt ; người ta được tận mắt nhìn những em bé tự nguyện không ăn qùa để dành tiền giúp bão lụt miền trung ; người ta xúc động trước tuổi trẻ Việt Nam khắp năm châu yêu quê hương, đồng bào đã quyên góp từng đồng, từng đôla, từng euro gửi về đất mẹ để sẻ chia nỗi đau hoang tàn, mất mát của nạn nhân bão lụt ; và người ta có quyền cùng mơ một tuơng lai tốt đẹp hơn khi được chiêm ngắm từng đoàn người gồm đủ thành phần xã hội lên đường cứu trợ các gia đình nửa sống nửa chết trong giông bão, lũ lụt…

Nhưng ngoài nỗi đau của bão lụt, người dân miền trung bất hạnh còn đau thêm nỗi đau của bão lòng, khi đồng tiền ít oi nhận được từ những tấm lòng hảo tâm thình lình bị trấn lột bởi những kẻ tự cho mình cái quyền thu hồi tiền cứu trợ vì “công ích” ; nạn nhân bão lụt bất ngờ gánh thêm nát tan của bão lòng, khi khám phá  không ít người đã lợi dụng bão lụt để ăn chặn, cắt xén qũy cứu trợ, do lòng tham không đáy, lương tâm băng hoại, tình người cạn kiệt ; người dân nghèo xác xơ vì bão lụt, nay bão lòng kéo về cuốn phăng đi niềm tin còn sót lại mà bấy lâu đặt hết vào những người  tưởng là tử tế, “có lòng” bỗng bị bão lụt làm rơi mặt nạ,  hiện nguyên hình là kẻ đã mượn bão để cào cấu xác thân tiều tụy của người dân bị nạn, mượn lụt để hút máu trẻ em nghèo chết đuối trong nước lũ tử thần ; miền trung  đất khổ quằn quại trong thiên tai bão lụt bất ngờ co giật đau đớn khi nhận diện “lòng lang dạ thú” ở những dung mạo từ tâm, đạo hạnh, bởi chính họ đang kinh doanh bão tố, đầu tư lũ lụt để vinh thân phì da, củng cố thế lực,thu gom ảnh hưởng của phe cánh, băng đảng.

Và giữa những cơn bão đang làm đau lòng người dân miền Trung bất hạnh này, cơn bão “độc quyền phân phát cứu trợ” là bão lòng đáng sợ nhất, bởi nó lấy quyền khóa chặt hàng triệu trái tim yêu thương cần được “tự nguyện” hướng về vùng bão lụt, buộc chặt những cánh tay muốn được “tự vươn” đến miền trung chìm trong lũ, trói chặt mọi bàn tay muốn được “tự chia sẻ”, cứu trợ, tái thiết miền trung bị tàn phá, hủy hoại tận cùng.

Tội nghiệp cho dân mình, tội nghiệp người miền trung năm nào cũng phải gánh chịu hết bão tố đến lụt lội, tội nghiệp người dân nghèo vùng đất khổ lắm thiên tai… Và tội nghiệp lắm, tội nghiệp vô cùng, nếu thiên tai bão lụt cứ từng ngày trở nên qúa nặng nề đối với sức người có hạn của người dân miền trung đau khổ, khi những cơn bão lòng do tham lam, ích kỷ, vô cảm, vô tâm cứ đua nhau đổ về nhẫn tâm càn quét.

Jorathe Nắng Tím      

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

VẼ NGƯỜI

 


Thế giới càng văn minh, người ta càng thích vẽ : nghệ thuật trang điểm là vẽ cho đẹp mắt mũi, môi miệng ; nghệ thuật xâm mình là vẽ đủ thứ mình thích, mình ước mơ trên da thịt ; nghệ thuật hóa trang là vẽ thế nào cho thiên hạ không còn nhận ra mình. Và càng ngày người ta càng say mê vẽ vời trên mình, để rồi quen tay tô vẽ đủ thứ hình ảnh, mầu sắc trên người khác.

Nếu vẽ trên mình nhằm mục đích che dấu những vết nhăn, vết nứt, vết nhám, vết lồi lõm trên thân thể, thì vẽ trên người khác lại thường có khuynh hướng làm xấu đi những nét đẹp sẵn có trên thân xác tha nhân ; nếu vẽ trên mặt mũi mình với ước muốn làm đẹp mình hơn, thì vẽ trên mặt thiên hạ lại mang ý đồ “bôi tro trát trấu”, làm xấu đi dung nhan vốn không đến nỗi của người chung quanh ; nếu vẽ mình với sắc mầu rực rỡ, tươi thắm, thì vẽ người khác luôn được dùng gam mầu tối đen, ảm đạm, khô héo, tàn úa ; nếu bút mầu dùng để vẽ mình nhẹ như tơ, mềm như nhung, thì cây cọ dùng để vẽ mặt người lại  ngắn dài tua tủa những gai nhọn như bàn chông sắt ; nếu hình ảnh được dùng để vẽ mình thơ mộng, quyến rũ, thì  khi vẽ người sẽ biến thành thô kệch, bỉ ổi,  xấu xa, kinh dị ; nếu nét vẽ thanh tao, trang nhã được dành để vẽ mình, thì bợm trợm, lưu manh, gian ác, bần tiện, điếm đàng sẽ được dành để vẽ người.

Qủa thực, chúng ta không còn nhiều may mắn để biết được sự thật trong xã hội ngập tràn gian dối này : không biết người khác thật, giả đã dành, nhưng không biết cả  mặt mình, thân xác mình, lịch sử  đời mình đã bị thiên hạ vẽ vời ra sao, tô vẽ như thế nào…, nên có khi mình “dốt đặc cán mai”, khờ khạo như cục đất khi cần lại được thiên hạ vẽ thành tên phù thủy quyền năng, gian ngoa, thủ đọan ; có khi chỉ biết dăm ba chữ để kiếm cơm qua ngày, nhưng bất chợt được thiên hạ cần đến đã cho vào sổ phong thần, khi vẽ nên một nhân vật cực kỳ đáng ngại, một siêu  lừa đảo thượng thặng, vô đối…    

Vì thế, sống trong một xã hội mà ai cũng nhăm nhăm cây cọ với thùng sơn, và lấy làm thích thú, hả dạ khi bôi được lên mặt người khác, lên cuộc đời người chung quanh những hình ảnh “rác rưới” dơ bẩn mình muốn, và những ước muốn thấp hèn của bản năng ích kỷ, thì qủa thực chúng ta đang phải sống một cuộc sống không được bình yên, trong một thế giới loài người mất dần “nhân tính”.

Mất dần nhân tính vì người ta không còn lương tri khi tự cho phép mình lấy đi dung mạo “con người” của người khác, bằng biến họ thành dị nhân, ma quái, ác qủy dưới cây cọ phóng đại gian dối ; mất dần nhân tính vì người ta không còn lương tâm, khi cho mình cái quyền đúc tạc, vẽ vời, tạo khuôn, tạo hình cuộc đời người khác, bằng bôi trét nham nhở, trắng trợn bóp méo hình ảnh “con người” của tha nhân ; mất dần nhân tính vì người ta không còn lương thiện để ngượng ngùng khi thêm răng nanh, sừng nhọn, móng vuốt trên con người của người khác ; và đến một lúc nhân tính sẽ không còn khi người ta làm tất cả công việc họa hình, tô vẽ người khác với ý đồ làm nhục, vu khống, chụp mũ, hãm hại, tiêu diệt người khác, cho thoả cơn say ích kỷ hại nhân.

Trước tình trạng đáng ghê tởm “vẽ người” ngày càng rôm rả, ăn khách, được mùa, chúng ta phải làm gì?

Thưa chúng ta chẳng cần quan tâm, vì những hình ảnh xấu xa người khác vẽ lên ta cũng chỉ là đống rác bẩn thỉu của chính con người họ, mà những gì là cặn bã, rác rưới tự nó sẽ bị tiêu hủy, mà chẳng cần chúng ta nhúng tay nổi lửa đốt ; những nét vẽ nham nhở, thô kệch, châm biếm họ vẽ trên người chúng ta cũng chỉ là những tính cách đặc trưng, đặc thù của chính con người họ, nó sẽ trở về với họ, mà không thể ở lâu với ta, vì không có đất sống, cũng không có chỗ trụ lại trên mình chúng ta ; những râu ria, nanh vuốt, đuôi sừng  họ cắm trên thân thể chúng ta cũng chỉ là những phần cốt yếu của chính con người họ, nên dù có xả cảng đi đâu, có cắt bỏ rồi  ném thật xa qua nhà người khác, nó cũng có chân, có cánh mò về với chủ nhân của nó ; những nét vẽ “kinh tởm, kinh hãi, kinh khủng, kinh hoàng, kinh khiếp, kinh dị, kinh thiên động địạ” họ gán cho chúng ta thực chất chỉ là những gì họ đã lâu ngày cưu mang, nuôi lớn, chúng đã mọc sâu, ăn rễ chằng chịt trong tâm hồn họ, nên có cố bứng đi, nó cũng không chịu rời con người, ở đó chúng  đã chiếm cứ, thao túng.

Không quan tâm đồng nghĩa với không chấp những việc của những kẻ “chưa lớn nổi thành người”, vì trí khôn qúa chật hẹp, và trái tim “ao tù” thiên thu ; không quan tâm còn đồng nghiã với tha thứ, bỏ qua cho kẻ kiếm chuyện “vẽ người” , vì qủa thực họ không đủ khả năng để biết và trách nhiệm trên những gì họ vẽ vời, bôi bác trên mặt và cuộc đời người khác.

Và cuối cùng, một lý do mạnh khác để chúng ta không cần quan tâm đến những người chuyên lo “vẽ người” với dã tâm, ác ý, đó là ngay cả Thưọng Đế là Đấng vô hình, vô tượng, mà con người không hề biết, không hề gặp, không hề thấy, không hề nghe bao giờ cũng còn bị  những kẻ “không tâm, không tầm”, phản phúc, vô ơn vẽ vời, đúc tạc thành hình con vật, như dân Do Thái trong sa mạc, trên đường về Đất Hứa năm xưa đã đúc tượng bò vàng và lập bàn thờ bái lậy bò vàng, như thần đã đưa họ ra khỏi đất Ai Cập (x. Xh 32,3-5), huống hồ chúng ta là “con người”, nên chuyện bị “người khác” vẽ vời, thêu dệt, đúc tạc hình tượng theo “tối kiến” của họ với mục tiêu bôi nhọ hình ảnh và làm ô uế cuộc đời chúng ta ắt là điều khó tránh khỏi, nên phải được coi là chuyện “tàm phào, tào lao”, không đáng chúng ta quan tâm.

Ước gì thế giới bớt dần đạo quân “vẽ người” để mọi người được sống những ngày bình yên với sự thật của chính mình.

Jorathe Nắng Tím    

   

 

 

   

 

NIỀM AN ỦI

 

Lễ cầu cho các Linh Hồn, Năm A





Thật là nỗi đau buồn không kể xiết, khi mất ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn hữu trong năm 2020. Đau buồn vì ở xa không về được, mà có ở kề bên cũng không được phép tập trung đông người, nên không lo liệu chu đáo hậu sự cho các vị, cũng  không được tổ chức lễ an táng như lòng mong ước. Tang quyến còn đau buồn khi thấy người thân ra đi cô đơn, nhà thờ trống trải, những ngày quàn xác ít người thăm viếng, cầu nguyện, và người đưa tiễn ra mộ phần thưa thớt, vội vã đến tang thương ngậm ngùi…

Qủa thực, chết buồn lắm, nhưng chết trong mùa Covid còn buồn hơn gấp bội. Nhiều bạn tôi mất cha, mất mẹ trong mùa dịch đã chỉ biết ôm mặt nức nở khóc ở quê người, vì không một phương tiện cho phép những người con đau khổ  được về quê hương chịu tang cha mẹ.

Hôm nay Giáo Hội nhớ đến những người con đã ra đi cũng là dịp Giáo Hội an ủi những người con còn ở lại đang buồn thương, nhung nhớ, luyến tiếc người thân đã qua đời bằng niềm hy vọng vào sự sống lại và tình yêu trung tín của Đức Giêsu :

1.   Đức Giêsu phục sinh là nền tảng của đức tin :

Chính Đức Giêsu đã  xác quyết ở Bêtania ngay trước khi gọi bạn Ladarô đã chôn được bốn ngày ra khỏi mồ : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25). Thánh Phaolô quảng diễn chân lý này trong thư gửi giáo đoàn Côrinthô : “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại” (1 Cr 15,13.20).

2.   Đức Giêsu  muốn tất cả chúng ta được sống lại với Ngài như ý muốn của Chúa Cha :

Đức Giêsu khao khát mọi người được sống lại với Ngài khi nói với người Do Thái về “Bánh bởi trời : Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,37-39).

Như thế ý muốn đời đời của Chúa Cha là tất cả chúng ta được sống lại, vì chúng ta thuộc về Thiên Chúa, và ý muốn thánh thiện đó đã được Đức Giêsu thực hiện bằng chương trình cứu chuộc, để không ai phải chết đời đời, nhưng được sống lại với Đức Giêsu hầu hưởng vinh quang của Thiên Chúa hằng sống.

3.   Đức Giêsu muốn tất cả chúng ta ở với Ngài :

Trong lời cầu nguyện thánh hiến trước khi lên đường Thương Khó, Đức Giêsu đã thân thưa với Chúa Cha : “Lậy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17,24).       

Khi yêu nhau, người ta không muốn và không thể xa nhau, nhưng muốn ở với nhau, ở trong nhau để được chung phần với nhau trong tất cả. Đức Giêsu muốn chúng ta ở với Ngài để chung hưởng vinh quang với Ngài trong tình yêu vô cùng của Cha Ngài. Ngài chia sẻ tất cả vinh quang, hạnh phúc của Ngài cho chúng ta, vì Ngài yêu chúng ta như Chúa Cha yêu thương Ngài. Chẳng thế mà Ngài chỉ ao ước : “Tất cả  nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21).

Được Đức Giêsu bảo đảm sẽ được sống lại, được ở nơi Ngài ở, được hưởng niềm vui vinh quang Thiên Chúa của Ngài, nỗi buồn của chúng ta, những người đang sống khi nhớ đến thân nhân, ân nhân, bạn hữu, và mọi gười đã qua đời sẽ nguôi ngoai, vì tin tưởng ở lòng thương xót, bao dung vô bờ bến của Thiên Chúa, và ơn cứu độ vô giá, vô cùng của Đức Giêsu, Đấng “đến để phục vụ và hiến dâng  mạng sống làm giá chuộc muôn dân” (Mt 20,28). Chúng ta có cơ sở để hy vọng, một niềm hy vọng không phù phiếm, giả tạo, lừa dối, nhưng là hy vọng của đức tin : tin vào Thiên Chúa yêu thương loài người và không để một ai phải mất đi, nếu tin vào Ngài.

Chúng ta vui mừng trong niềm hy vọng khi tin những người thân yêu, quen biết đã ra đi sẽ được Chúa thương lau sạch nước mắt và mặc cho áo trắng tinh đã  giặt trong Máu của Con Thiên Chúa giầu lòng thương xót. Chúng ta tin lòng thương xót của Chúa vượt xa mọi yếu đuối, tội lụy và có sức xóa hết mọi tỳ vết để làm cho tất cả nên “trắng hơn tuyết”.

Sau cùng, trong sự hiệp thông của Hội Thánh, chúng ta tin vào tình yêu được chia sẻ giữa các chi thể của Thân Thể Giáo Hội, để công phúc của người này bù đắp những thiếu sót của người kia, lời cầu của nguời này kéo ơn phù trợ của Chúa xuống trên người nọ, vì tất  cả chúng ta chỉ là một Thân Thể có Đức Giêsu là Đầu.

Tháng Mười Một với thu buồn, lá vàng đổ! Sự sống nào ở thế gian rồi cũng phải bước qua ngưỡng cửa sự chết để đi vào sự sống đời đời. Xin Chúa cho chúng ta niềm hy vọng ở Đức Giêsu phục sinh, Đấng đến để chúng ta “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), vì chính Ngài đã phán : “Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù có chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).

Jorathe Nắng Tím

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

TRÔNG ĐỢI

 


Trông đợi là tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Đó là con người trong điều kiện hữu hạn của mình đã không có gì, không thấy gì, không biết gì,  không hiểu gì khi đi vào tương quan với Thiên Chúa vô biên, vô hạn. Cũng vì thế mà người ta có cớ lên án Kitô giáo là tôn giáo trông ngóng huyền hoặc, đợi chờ viển vông, và người Kitô hữu là những người khờ dại đã bỏ quên sống và hưởng thụ thế giới đời này, để điên cuồng trông đợi một thế giới đời sau chưa chắc đã có.

Qủa thực, khi đi tìm Thiên Chúa, và đi vào tương quan với Ngài, người môn đệ Đức Giêsu trông đợi vào Lời Hứa của Thiên Chúa, như Ápraham đã trông đợi vào Lời Hứa của Thiên Chúa Giavê : “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không... Dòng dõi của ngươi sẽ như thế đó!” (St 15,5) và tín  thác lên đường đến nơi Thiên Chúa chỉ ; như Môsê trông đợi vào Lời Hứa giải phóng dân ông khỏi ách nô lệ của Ai Cập : “Ta đã thấy rõ ảnh khổ cực của dân ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than, vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật…” (Xh 3,7-8), đã mạnh dạn đến gặp Pharaô và các trưởng lão của Ítraen, mặc dù ăn nói ngong nghịu, lại chẳng thần thế, ảnh hưởng ; như Đức Maria trông đợi vào Lời Hứa “Đấng Cứu Tinh sẽ đến viếng thăm dân Người” đã qủa cảm trả lời sứ thần Gabrien : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38) ; như các tông đồ trông đợi vào Lời Hứa :“Tên của anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20), “phần thưởng của anh em thật lớn lao”  (Mt 5,12), và  “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) đã liều lĩnh đến hy sinh mạng sống trong sứ vụ “đi khắp tứ phương thiên hạ làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).

Và ròng rã hai mươi mốt thế kỷ, hàng hàng lớp lớp những người đi theo Đức Giêsu đã sống cùng một lòng trông đợi này, khi triệt để tín thác vào Lời Hứa của Thiên Chúa : “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,2-12)

Sở dĩ Đức Giêsu đã mời gọi những ai đi theo Ngài sống niềm Hy Vọng, vì Thiên Chúa mà chúng ta được đi vào trong tương quan với Ngài không phải là con người hữu hạn như chúng ta, lại càng không phải báu vật vô tri, vô cảm chúng ta có thể chiếm đọat như sở hữu một món đồ, nhưng Thiên Chúa là Nguồn mọi sự Thánh Thiện, sự thánh thiện mà chúng ta được kêu gọi đạt tới, sự thánh thiện mà Thiên Chúa ban cho chúng ta ân huệ được tham dự vào như giọt nước được tan biến vào đại dương bao la.

Chính vì thế, khi một tôn giáo mang tham vọng muốn biết hết Thiên Chúa của mình, tôn giáo ấy sẽ thay thế Thiên Chúa bằng cơ chế cực kỳ độc đóan, độc tài do những con người có quyền trong tôn giáo ấy tạo ra ; khi một tín đồ tự phụ cho rằng mình sở hữu  trọn vẹn Thiên Chúa, người  nghĩ mình có đức tin “chuyển núi dời non” ấy sẽ thay thế Thiên Chúa họ tôn thờ bằng hình ảnh một Thiên Chúa do chính họ vẽ ra, và bằng mọi giá bảo vệ hình ảnh ấy như một sở hữu bất biến và bất khả chuyển nhượng ; khi một người đi tu lầm tưởng rằng mình hiểu rõ Thiên Chúa mồn một như hiểu một bài toán, họ sẽ thay thế Thiên Chúa vô hạn bằng sáng tạo môt thiên chúa theo khuôn mẫu có giới hạn của loài người. Và như thế, Thiên Chúa sẽ không còn là Thiên Chúa như Ngài là nữa, nhưng là thiên chúa như con người muốn, theo khuôn mẫu con người đúc tạc, có dáng dấp, dung mạo, đam mê, tính tình theo sáng kiến phàm tục của con người vẽ ra.

Trái ngược với hiện tượng vừa kể, người môn đệ được Đức Giêsu mời gọi sống trông đợi : sống trông đợi trong một tôn giáo trông đợi khi cầu xin và ước nguyện cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, sống trông đợi với một đức tin trông đợi khi “loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”.  

Một Giáo Hội trông đợi, khi không tự làm mình khô héo, cằn cỗi vì chỉ chú tâm xây dựng pháo đài “cơ chế”, một nhà thần học trông đợi Thiên Chúa khi không giam mình trong giáo thuyết, một Kitô hữu trông đợi, khi không tự làm mình nghèo nàn vì chỉ tin vào kinh nghiệm của riêng mình, một tâm hồn trông đợi khi luôn mở rộng cửa lòng để đón nhận Ơn Thánh Thần, hơn kiêu hãnh, ngạo mạn lấy làm đủ với những gì mình có.

Tuy thế, trông đợi không là trông ngóng mông lung, đợi chờ vô vọng, nhưng là trông ngóng một Thiên Chúa hiện hữu đích thực, đợi chờ một Đấng không chỉ dựng nên trời đất muôn vật, muôn loài, mà còn làm chủ lịch sử của từng cá nhân cũng như của toàn thể nhân loại, nên Lời Hứa của Đấng Toàn Năng ấy tự nó đã là bảo chứng chắc chắn ; niềm hy vọng đặt vào Đấng Hằng Hữu ấy tự nó đã là sự thật vĩnh cửu, và đó chính là mấu chốt, nền tảng của niềm tin Kitô.

Từ nền tảng vững chắc là Thiên Chúa toàn năng và là Đấng trung tín, không bao giờ lừa dối ai, mà cuộc sống trông đợi ở Lời Hứa trở thành hành động hiện thực Lời Hứa, khao khát hy vọng ở Lời Hứa được biến thành hạnh phúc đạt được Lời Hứa, bởi khi sống niềm trông đợi ở Lời Hứa, chúng ta đã sống niềm an ủi của chính Lời Hứa đang theo thời gian hình thành, và khi khát khao hy vọng ở Lời Hứa, chúng ta được nếm sự ngọt ngào của Lời Hứa. Nói cách khác, trông đợi trong đức tin của người Kitô hữu là cảm nghiệm Lời Hứa đang được thực hiện ngay trong giây phút hiện tại, và sống niềm hy vọng vào Lời Hứa là dự phần ngay ở đây và lúc này vào niềm vui của Lời Thiên Chúa hứa.

Thực vậy, Giáo Hội là Mùa Vọng không bao giờ kết thúc cho đến ngày Chúa trở lại trong vinh quang, là mùa trông đợi “cho tới khi Chúa đến” và muà vọng của Giáo Hội thật rõ nét nơi hình ảnh người lữ hành, hình ảnh mà Đức Giêsu đã chọn cho Giáo Hội của Ngài khi sai Giáo Hội ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân : một Giáo Hội nghèo khó, khiêm nhu, tỉnh thức, sẵn sàng với hành trang giản dị, đơn sơ, với trái tim yêu thương, tin tưởng, phó thác, với trí khôn hướng thượng, rộng mở, tích cực.

Và như thế, người lữ hành của Thiên Chúa sẽ phấn khởi đi trên hành trình Mùa Vọng, trên những con đường Trông Đợi Lời Hứa với ơn của Chúa Thánh Thần, Đấng là làn gió Canh Tân sẽ không ngừng thánh hoá, đổi mới các tâm hồn người tín thác vào Lời Thiên Chúa hứa, và hướng dẫn từng bước chân của Giáo Hội lữ hành.      

Jorathe Nắng Tím

MỪNG LỄ CÁC THÁNH (Chúa Nhật 31 Thường Niên, Năm A)

 


Một bầu khí vui mừng, phấn khởi bao trùm Giáo Hội, không chỉ Giáo Hội chiến thắng trên trời với các thánh nam nữ mà chúng ta mừng kính hôm nay, mà cả Giáo Hội lữ hành là chúng ta, và Giáo Hội thanh luyện với những người đã đi trước chúng ta đang chờ được Thiên Chúa cho diện kiến Ngài trong Vương Quốc Nước Trời, khi tất cả đều hiệp lời tung hô : “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta” và “xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời! Amen!” (Kh 7,10.12).

Hình ảnh thiên đàng mà sách Khải Huyền mô tả cho chúng ta thấy các thánh không phải là một đám đông “nịnh thần” vây quanh một ông vua lạnh lùng, quyền uy, nhưng các thánh là những vị có một tương quan thân thiết, chí tình với Thiên Chúa : “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao” với Con Thiên Chúa ; “họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14),  là Đức Giêsu, “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”.

Như thế họ không xa lạ gì với Ngôi Lời Thiên Chúa, vì đã cùng trải qua cơn thử thách lớn lao với Đức Giêsu, và được tắm gội, thanh tẩy trong chính Máu Ngài, “vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh” (Kh 7,17).

Từ hình ảnh đến ngôn từ đều cho chúng ta thấy hạnh phúc làm con Thiên Chúa của các thánh khi các ngài “không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa”, nhưng được “Thiên Chúa lau sạch nước mắt” (Kh 16-17) và được ở trong vòng tay ấm áp yêu thương của Thiên Chúa là người cha nhân hậu. Như thế, ở thiên đàng, các thánh không phải lấm lét, sợ hãi như những thần dân khốn nạn bị trị run rẩy trước uy nhan đức vua nghiêm khắc, hay thịnh nộ, nhưng các ngài hưởng hạnh phúc của những đứa con được cưng chiều, bởi như thánh Gioan khẳng định : Thiên Chúa yêu chúng ta “đến nỗi cho chúng ta là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1 Ga 3,1), nên “chúng ta biết rằng khi Đức Giêsu xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3,2).

Thực vậy, thiên đàng là đích tới của hành trình đi theo Đức Giêsu tiến về hạnh phúc đích thực. Hành trình ấy đã được Đức Giêsu công bố trong Hiến Chương Nước Trời mà  người môn đệ Đức Giêsu phải sống nếu muốn hạnh phúc với Ngài trong nhà của Thiên Chúa, Cha Ngài.

Đó là hạnh phúc của những con người bé nhỏ, nghèo khó, hiền lành, khiêm nhường ; hạnh phúc của những tâm hồn sầu khổ vì yêu thương ; hạnh phúc của những trái tim chịu rạn nứt vì đi tìm công lý, xây dựng hoà bình ; hạnh phúc của  những cõi lòng tan nát vì xót thương đồng loại và dấn thân quên mình, bỏ mình vì anh em ; hạnh phúc của những cuộc đời chịu đủ mọi sỉ vả, bách hại, vu khống, thiệt thòi, mất mát vì Tin Mừng Nước Thiên Chúa (x. Mt 5,3-11).

Trong nước mắt hôm nay của ngưòi lữ hành trên hành trình vất vả, có thể chúng ta chưa biết “chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ” (1 Ga 3,2), nhưng với đôi mắt đức tin, và tâm hồn trong sạch, hồn nhiên, tín thác, Thiên Chúa đã cho chúng ta được “lờ mờ” thấy Ngài để vui mừng hớn hở khi tin vào phần thưởng lớn lao Thiên Chúa dành cho chúng ta ở trên trời (x.Mt 5,12), nơi đó đã có mặt đông đảo các thánh tổ tiên, ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh chị, bạn hữu của chúng ta.         

Jorathe Nắng Tím

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

 

Nước Pháp bàng hoàng, người dân Pháp phẫn nộ, tuổi trẻ Pháp  kinh tởm, toàn thế giới  rùng mình  trước vụ thảm sát xẩy ra  thứ sáu ngày 16.10.2020 tại thành phố Conflans-Sainte-Honorine, thuộc vùng ngoại ô Paris : kẻ thủ ác là anh Abdoullakh Abouyezidvicha, 18 tuổi, sinh qúan Moscou, người Nga, gốc Tchétchène, tỵ nạn chính trị tại Pháp cùng với cha mẹ, và hiện sống tại Evreux.

Anh và gia đình thuộc thành phần tín đồ Hồi Giáo cực đoan. Bức xúc trước những video đăng tải sự kiện tiên tri Mahômét bị “xúc phạm”, anh đã cùng nhiều người trong gia đình đến trước cổng trường trung học truy tìm, áp tải một khoảng xa,  rồi dùng dao đâm chết và chặt đứt đầu thầy giáo Samuel Paty, người Pháp 47 tuổi, có vợ và một con trai 5 tuổi, giáo sư Sử Địa của trường trung học cơ sở Bois d’Aulne.

Nguyên nhân đưa đến thảm sát là trong giờ học, thầy giáo Samuel đã trình bầy quyền tự do tư tưởng và ngôn luận của công dân theo giáo án của lớp Sử Học và đã đưa ra nhiều tài liệu nói lên quyền tự do tư tưởng và diễn đạt tư tưởng, trong đó có bức  hí họa vẽ  Mahômét, vị tiên tri vĩ đại của Hồi Giáo  của tuần báo Charlie Hebdo, một tờ báo có đường lối cứng rắn chống lại các tổ chức khủng bố và Hồi Giáo qúa khích, cực đoan.  

Trước hành động man rợ trên đất của một dân tộc văn minh nổi tiếng tôn trọng nhân quyền và có truyền thống  tranh đấu cho lý tưởng Tự Do, Bình Đẳng, Huynh Đệ rất hào hùng, toàn dân Pháp đồng loạt xuống đường lên án tội ác không thể tha thứ, và quyết tâm không chùn bước trước đe dọa của các thế lực sự dữ, khi cùng thủ tướng Pháp Jean Castex vang dội hô to trong cuộc biểu tình chiều ngày 17 tại Paris : “Các người không làm chúng tôi sợ!” một ngày sau cuộc thảm sát man rợ.

“Không làm chúng tôi sợ!”, vì các người chỉ là những kẻ cuồng tín man rợ đã nhân danh một Thiên Chúa mà chính các người tôn vinh là “xót thương, nhân hậu” để lấy đi sự sống qúy giá của những người không cuồng tín, man rợ như các người !

“Không làm chúng tôi sơ!”, vì các ngươi rất ngu muội đã không hiểu rằng tôn giáo nào cũng dậy ăn ngay ở lành, sống tử tế, lương thiện và nhân ái, nhân hậu với đồng loại. Chỉ các người mới man rợ đến độ làm nhơ bẩn dung mạo Thiên Chúa của các người, và xóa bỏ giáo lý của tôn giáo các người đi theo.

“Không làm chúng tôi sợ!”, vì chỉ những kẻ ngược ngạo, ngông cuồng, “không còn tính người” như các người mới có thể phủ nhận tiếng nói của lương tâm, khi đánh mất nhân tính và hành xử như ác qủy, vì chỉ ác qủy mới có thể hành động man rợ như các người đã hành động .

“Không làm chúng tôi sơ!”, vì các người là những kẻ bất nhân, bất nghiã và vô ơn  đến đáng sợ, khi nhuốm máu và triệt hạ không gớm tay cả những người đang mở lòng, đưa tay đón tiếp và giúp đỡ các người trên đất nước, và trong nhà họ.

“Không làm chúng tôi sơ!”, vì chủ nghiã bạo lực khủng bố mượn danh Thiên Chúa, mượn tiếng tín đồ trung thành với Đức Alla để đổ máu người vô tội của các người chỉ là trò hề rẻ tiền của những tên ngu si đần độn trong một thế giới văn minh, tự do, nhân quyền.

“Không làm chúng tôi sơ!”, vì những người có lương tri sẽ không bao giờ chấp nhận hành vi man rợ, tàn nhẫn, quái đản, kinh dị của các người, những con người bị nhồi sọ, rửa óc bởi những kẻ lợi dụng đầu óc non nớt, ấu trĩ, khờ dại của các người cho mục đích chính trị.

“Không làm chúng tôi sơ!”, vì chỉ những con người không bình thường, thiếu quân bình tâm lý như các người mới hoang tưởng cho rằng : thiên đàng chỉ dành cho những kẻ cầm dao giết đồng loại để bảo vệ Thiên Chúa, một Thiên Chúa không cần ai bảo vệ, nhưng chính Ngài là Đấng bảo vệ và thương xót “đồng loại” của các người, mà chính các người đã ra tay cắt cổ, chặt đầu khi nhân danh Ngài.

“Không làm chúng tôi sợ!”, vì niềm tin tôn giáo của các người là thứ niềm tin đặt không đúng chỗ, thứ niềm tin dùng bạo lực để khống chế, áp đặt niềm tin của người khác, khi ngu muội không biết rằng : dưỡng khí của niềm tin là tình yêu và tự do. Nhưng rất tiếc, ở các người, không hề có làn khí trong lành cần thiết này để niềm tin đích thực được tồn tại.

“Không làm chúng tôi sợ!”, vì man rợ chặt đầu người khác giữa thời đại văn minh là hành động không ai có thể quan niệm, tưởng tượng, và người ta chỉ có thể xếp các người vào hạng “bị qủy ám”, bởi chỉ có qủy mới đủ sức thổi vào các người lửa của hận thù, sức nóng của bạo lực phi nhân.

 

Tôi lọt vào giữa đám đông các giáo sư từ tiểu học đến đai học trong dòng người xuống đường biểu tình vinh danh giáo sư Samuel Paty, anh hùng của Tự Do Ngôn Luận, người hùng của Tự Do Tư Tưởng, vị tử đạo của tôn giáo nhân ái, bao dung, trái ngược với những kẻ mong được là “thánh tử đạo”, vì đã đâm chém, cắt cổ, xả súng bắn vào con người, khi nhân danh “bảo vệ” một Thiên Chúa giầu lòng thương xót.

Thật không còn gì ghê tởm, hợm hĩnh và lố bịch, ngu xuẩn hơn!

Muà thu Paris năm nay buồn hơn mọi năm, không chỉ buồn vì dịch Covid trở lại đợt hai, đe dọa nhiều rủi ro, nguy hiểm hơn, mà thu Paris còn buồn vì cuộc thảm sát kinh tởm, hãi hùng của kẻ cuồng tín, phi nhân tính đã vô ơn với đất nước đã đón tiếp mình như người tỵ nạn, và man rợ cắt cổ người con ưu tú của dân tộc, một dân tộc không bao giờ biết sợ trước bất cứ thế lực ma quái nào chống lại lý tưởng Tự Do, Bình Đẳng và Huynh Đệ.

Jorathe Nắng Tím    


Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

MỘT TÌNH YÊU DUY NHẤT

 

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 30 Thường Niên, Năm A



Nét độc đáo của Tình yêu trong Kitô giáo chính là duy nhất tính của tình yêu khi Mến Chúa và Yêu người là một, điều mà người ta rất khó chấp nhận, nhưng lại là điều Thiên Chúa muốn.

Là điều rất khó chấp nhận, vì ai cũng muốn phân biệt rõ rệt Thiên Chúa là Thiên Chúa và con người là con người : Thiên Chúa chí thánh chí tôn, con người yếu đuối, tội lụy ; Thiên Chúa toàn năng, cao cả, con người bất toàn, bất xứng, và một khi rành rọt phân biệt như thế, người ta sẽ có thể yêu Thiên Chúa mà không phải yêu con người ; có thể tử tế với Thiên Chúa mà không  tử tế với những người không cần phải được đối xử tử tế ; có thể “mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” (Mt 22,37), mà vẫn bình an tự cho phép ghét những người làm hại mình, và khinh những ai bị coi là đáng khinh ; có thể phụng sự Thiên Chúa bằng hết sức lực, tiền của, mà vẫn không áy náy khi ki bo, bần tiện, keo kiệt với người thân và tham lam, lọc lừa chiếm đọat tài sản của người xa lạ ; có thể hiến mình cho Thiên Chúa, mà chẳng bận tâm, nặng lòng khi cùng lúc “hy sinh” người khác vì vinh quang, quyền lợi của bản thân mình ; có thể chết sống với Nước Trời, nhưng cùng lúc phá họai nước đời, cộng đồng nhân loại ; có thể là con Chúa, nhưng đồng thời là kẻ thù của con người, bởi giữa tình yêu dâng Thiên Chúa và tình yêu cho đồng loại được phân ranh cẩn thận, và hai tình yêu không qua lại, ảnh hưởng trên nhau.

Nhưng đó là phiá con người, về phiá Thiên Chúa thì khác hẳn, và chủ trương Yêu Thương của Thiên Chúa đã bị nhiều người lên án là “huyên thuyên, nhập nhằng, lẫn lộn Thiên Chúa với con người” khi nghe Đức Giêsu đã công bố : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”, khi một người thông luật hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng : “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” (Mt 22,36-39).

Đây là cốt lõi giáo lý mới của Đức Giêsu, điều mà người Do Thái còn xa lạ và bỡ ngỡ khi nghe Ngài công bố, bởi Luật Môsê chỉ dừng lại ở công bình trong tương quan giữa người với người, mặc dù với Thiên Chúa thì phải “mến yêu hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”, khi cho phép trong tương quan con người với nhau thì “mắt đền mắt, răng đền răng” (Mt 5,38), yêu người thương mình và ghét kẻ thù mình (x. Mt 5,43), nghiã là “ăn miếng trả miếng, ân oán sòng phẳng”, trong khi Luật mới của Đức Giêsu lại dậy : “Đừng chống cự người ác… Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,39.44).

Đức Giêsu còn đi xa hơn khi “đồng hoá” Thiên Chúa với những con người bé mọn, nghèo hèn, ốm đau, tù đầy, vô gia cư, tha phương cầu thực, và tuyên bố tình yêu cũng như việc làm tốt được thực hiện cho những con người yếu đuối, bần hàn, vô danh tiểu tốt, sa cơ thất thế này là làm cho chính Thiên Chúa (x. Mt 25,31-46). Cũng vậy, Thiên Chúa lấy chính con người làm thước đo tình yêu đối với Ngài và mức độ ân sủng, lòng thương xót của Ngài đối với chúng ta cũng tùy thuộc vào lòng qủang đại và thương xót của chúng ta đối với người khác, như Đức Giêsu đã khẳng định trong Tin Mừng : “Anh em đong cho ai đấu nào, sẽ được Thiên Chúa đong lại đấu đó”, “Xin tha tội chúng con như chúng con cũng tha cho những người mắc lỗi với chúng con” (Mt 6,12), “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).

Thực vậy, mầu nhiệm tình yêu trong Kitô giáo là chân lý được mặc khải từ Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu (1 Ga 4,16). Mầu nhiệm tình yêu ấy tuy là mầu nhiệm, nhưng là mầu nhiệm nhập thế, nhập thể, nên được biểu hiện sống động và cụ thể trong đời sống thực sự và thường ngày của con người. Mầu nhiệm tình yêu từ Thiên Chúa đến trong thế giới loài người  không mơ hồ, viển vông, mây khói, nhưng có chỗ đứng, bãi đáp hộ khẩu trên da thịt, trong tâm hồn, ngay giữa sinh hoạt của con người, những con người bằng xương bằng thịt, cá vị, độc lập. Mầu nhiệm Tình Yêu ấy đã được Cựu Ước xây dựng nền tảng khi đòi hỏi tín hữu Do Thái : “không được ngược đãi và áp bức người ngoại kiều, không được ức hiếp mẹ goá con côi, không được cho vay nặng lãi người nghèo” (x. Xh 22,20-24) để rồi khi Đức Giêsu đến, Ngài đã kiện toàn Giới Luật duy nhất và đời đời của Thiên Chúa : Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu thương anh em như mình vậy, bởi “Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,40).

Vâng, là người Kitô hữu, chúng ta thuộc về và được tháp nhập vào Đức Giêsu, Thiên Chúa Tình Yêu, và tình yêu Thiên Chúa được thực hiện khi chúng ta yêu thương anh em mình, nhất là những anh em hèn mọn, kém cỏi, yếu đuối, xấu số, bất hạnh nhất, bởi đó là Thánh Ý Thiên Chúa. Ngài muốn chúng ta xác định và làm chứng tình yêu đối với Ngài bằng yêu thương anh em, nếu không chúng ta là những kẻ xảo trá, lừa lọc, như thánh Gioan tông đồ đã viết : Nếu ai nói : “tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20).   

Vẫn biết yêu Thiên Chúa dễ hơn yêu anh em cận kề chung sống với bao nhiêu chuyện không hài lòng, vừa ý, bao nhiêu điều chướng tai gai mắt và yếu đuối, lỗi lầm, trong khi Thiên Chúa vô hình, lại toàn năng, thánh thiện, có quyền sinh tử trên mọi loài, nhưng Chúa muốn tự đồng hoá mình với người anh em hèn yếu ; Chúa muốn lấy người anh em bất xứng, bất toàn làm thước đo tình yêu của ta với Ngài ; Chúa muốn chọn người anh em nghèo khó, cơ bần làm đấu đong ơn phúc ; Chúa muốn ta chuẩn bị hành trang để ra trước tôn nhan Ngài ngày chung thẩm nơi người anh em bị coi là đồ bỏ, vô tích sự, không sinh lợi cho ai, không giúp ích được người nào, có khi còn là gánh nặng của mọi người, nên chúng ta hãy vui vẻ  tập sống mỗi ngày Yêu Chúa trong Anh Em, Yêu Thương anh em vì Yêu Mến Chúa, vì đó là Ý Muốn thánh thiện của Thiên Chúa.

Jorathe Nắng Tím

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2020

TẤM LÒNG NGHỆ SĨ

 

Số phận người nghệ sĩ qủa thực vô thường, khi gặp thời thì “lên voi” với đám đông “fan cuồng” say mê, thần tượng, nhưng khi hết  thời, thì tang thương “xuống chó” ra vào chẳng người dòm ngó, đón đưa.

Số phận ấy còn buồn thảm hơn, khi liên tục phải  lãnh những cú đấm thôi sơn của dư luận, vì “ghen ăn tức ở”, hay những châm biếm cay đắng đến lặng người : “xướng ca vô loài”.

Thật không gì làm tổn thương người nghệ sĩ hơn “cụm từ” rất xúc phạm và phản cảm này, trong khi tấm lòng nghệ sĩ ở bất cứ thời nào đều rất đáng được trân qúy.  

Bởi không có tấm lòng nghệ sĩ của ngày xưa đã rung động trước vẻ đẹp thiên nhiên, thì làm gì có những kiệt tác nghệ thuật để ngày nay trầm trồ ngắm nghiá, thưởng ngoạn? Không có tấm lòng nghệ sĩ khiêm tốn ngước nhìn bầu trời đầy trăng sao đêm hè, thì bao giờ thế gian mới biết duyên dáng của nàng trăng, và ngàn sao nhí nhảnh chân sáo? Không có tấm lòng nghệ sĩ trào dâng niềm cảm xúc trước đàn én giăng kín trời, hỏi làm sao hậu thế cảm được nắng ấm tưng bừng của hạnh phúc ngày xuân?

Bởi rất nhiều và rất nhiều những tấm lòng nghệ sĩ đã làm tươi đẹp ước mơ, đã làm phấn khởi lòng người, đã đưa hồn người lên cao tít tắp đến tận truyệt đối, tuyệt vời Chân Thiện Mỹ. Vì thế, không nghệ sĩ nào “vô loài”, không tâm hồn nghệ sĩ nào vô cảm, cằn cỗi, vì nghệ sĩ cho thế giới nguồn cảm hứng, gieo vào đất người hạt giống nhiệm mầu, kỳ diệu là hình ảnh không phôi phai, là dấu ấn không nhạt nhoà của Tạo Hóa trong hình hài con người “cát buị”.

Cũng bởi có rất nhiều con người nghệ sĩ có tấm lòng mà những em bé dân tộc của vùng sâu vùng xa được đến trường mỗi sáng, những bà mẹ neo đơn, cô qủa được ấm lòng ở tuổi già, những thân phận tật nguyền phải cậy nhờ lòng tốt của người khác để sống còn được bớt buồn tủi, cả những người chết trong túng bấn, nghèo nàn cũng bớt lạnh lẽo, tức tưởi với tấm áo quan trên đường về bên kia thế giới.

Những tấm lòng nghệ sĩ ấy cũng đang sắn quần lội nước đến từng nhà, và trao tận tay từng nạn nhân lũ lụt những chia sẻ cần thiết. Và hình ảnh những con người có nghiã tình cao cả mang tâm hồn nghệ sĩ ấy đã thực sự gây nhiều ấn tượng đậm nét trong tim óc nhiều người, trong đó có tôi.

Tuy thế, tôi vẫn nghe tim mình se thắt vì ấm ức. Tôi ấm ức trước những thị phi vô cảm của những “anh hùng bàn phím” rảnh đến mức không biết làm gì ngoài thả những ngón tay vô hồn “gõ” những vu khống chát chúa vào mặt người nghệ sĩ đang miệt mài vì sự sống của những phận người bất hạnh ; tôi ấm ức khi nghe những bới móc thô lỗ của đám “thánh soi” đêm ngày soi mói, “móc lò” những nghệ sĩ có tấm lòng, mà lịch làm việc của “các thánh” là hết đêm đến ngày, hết ngày lại đêm những vu vơ, lơ lửng, lâng lâng mơ màng những chuyện “ruồi bu”, chẳng ích lợi cho ai, mà chẳng hề bận tâm nhúc nhích vài ngón tay giúp đời bớt khổ ; tôi cũng ấm ức trước đạo quân “mồm loa mép dải” say máu phê bình, chỉ trích thiên hạ như một nghề kiếm sống, trong khi cuộc sống của những tay chuyên nghiệp “ném đá” này chỉ là chuỗi dài vô tận những “vô tích sự”.

Trong nỗi buồn rất ấm ức, tôi muốn nhắc bạn, những người vì không làm được “chuyện lớn” như thiên hạ, nên siêng năng kiếm cớ “làm lớn chuyện” : Bạn lên án rất nặng nề những nghệ sĩ không làm từ thiện, nhưng khi họ làm, bạn lại kết tội họ mượn cớ từ thiện để “đánh bóng” tên tuổi ; bạn trách móc sự thờ ơ, nhưng khi nghệ sĩ dấn thân đóng góp tiền bạc, thời giờ, công sức chia sẻ với bà con, bạn lại bực bội cho rằng họ “đóng kịch, trình diễn” mà không thật tình khi mượn hình ảnh người nghèo, lợi dụng nỗi đau của người bất hạnh để  phô trương, qủang cáo. Bạn còn lố bịch hơn khi muốn biết nghệ sĩ nào làm từ thiện, nghệ sĩ nào không, cứ như thiên hạ “nhất cử nhất động” đều phải kính báo bạn, mặc dù bạn thuộc thành phần “vô danh tiểu tốt” biết hết mọi người, nhưng chẳng mấy người rảnh rỗi quan tâm, biết  bạn.

Ôi rõ thật thói đời, với những miệng đời thị phi kinh niên, ganh tỵ mãn tính, và nếu cứ mãi thế này thì không biết đến bao giờ lòng người mới bình an, người nghèo mới hết khổ, người sầu buồn mới được nguôi ngoai, bởi bao la như tiếng hát, thênh thang như giọng hò, dạt dào như vần thơ, hào sảng như tình thân của tấm lòng nghệ sĩ mà còn bị tan nát, bầm dập, thử hỏi sẽ te tua, tơi tả đến cỡ nào những tấm lòng “không tên tuổi” khác ?

Jorathe Nắng Tím 

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

“CỦA XÊDA, TRẢ CHO XÊDA ; CỦA THIÊN CHÚA, TRẢ VỀ THIÊN CHÚA”

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 29 Thường Niên, Năm A



Căng thẳng giữa Đức Giêsu và những người thuộc nhóm Pharisêu ngày càng trầm trọng và hầu như hết thuốc chữa. Nhóm này thường xuyên cùng giáo quyền Do Thái tấn công Đức Giêsu. Nhưng hôm nay, những người Pharisêu giả hình và độc ác ấy quyết định “tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mt 22,15), khi họ “cùng đi với những người phe Hêrôđê” là vua Do Thái đang trị vì, để cùng với người của Nhà Nước, dựa vào thế lực của chính quyền quyết tâm gài cho bằng được Đức Giêsu sập bẫy chính trị, hầu có cớ cáo gian, truy tố, lên án, triệt hạ Ngài như tội phạm chính trị : xúi dân nổi loạn, làm mất trật tự chung.

Ý đồ gài Đức Giêsu vào tội chính trị : kêu gọi dân chống chính quyền bảo hộ Rôma thật qúa rõ. Cũng như bao nhiêu vụ việc lừa đối phương vào vòng lao lý trong trò chơi tranh giành quyền lực, ảnh hưởng chính trị, các người Pharisêu đã xử dùng cùng một thủ đọan “xông hương, bốc thơm đối thủ” để đưa Đức Giêsu vào chỗ chết khi nói với Ngài : “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dậy đường lối của Thuên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta” (Mt 22,16).

Có lẽ không lời nào ngọt ngào, hợp lý, xứng đáng hơn cho vị đại Ngôn Sứ là Đức Giêsu ; không ngôn từ nào trân trọng, cung kính hơn trước “Người được Thiên Chúa sai đến” ; không hái độ nào khiêm hạ, vâng phục, ngoan ngùy hơn đối với “Đấng giảng dậy có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7,29) mà nhóm Pharisêu và những người đi theo họ dành cho Đức Giêsu. Nhưng mưu hèn, kế bẩn của họ đã bị Đức Giêsu lật tẩy bẽ bàng : “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!” (Mt 22,18).  

Họ thử Đức Giêsu để có bằng chứng tố cáo Ngài với chính quyền đế quốc Rôma đang cai trị họ, vì họ biết Ngài khó thoát khỏi cạm bẫy cực kỳ tinh vi họ sắp giăng ra. Tuy cung giọng đầy khiêm tốn của môn đệ đến thỉnh ý Thầy, nhưng thực ra họ đã nắm chắc phần thắng, vì nghĩ rằng Đức Giêsu sẽ  rơi vào một trong  hai câu trả lời đều nguy hiểm trước câu hỏi “bẫy” của họ : “Xin Thầy cho biết ý kiến : có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (Mt 22,17).

Là con dân một đất nước bị ngoại bang thống trị, người Do Thái phải nộp thuế cho đế quốc Rôma mà Xêda là đại đế, nên nếu trả lời “phải nộp thuế cho Xêda”, Đức Giêsu sẽ bị chụp mũ là tay sai đế quốc, phản nước hại dân, bưng bô cho ngoại bang, và tất nhiên Ngài sẽ bị dân chúng kịch liệt khinh bỉ, lên án, tẩy chay, trong khi Ngài xưng mình là “Đấng Thiên Chúa sai đến cho nhà Ítraen” (x. Mt 15,24). Nhưng nếu trả lời “không nộp thuế cho Xêda”, Đức Giêsu sẽ bị  ghép tội xúi dân chống lại nghiã vụ nộp thuế cho chính quyền đế quốc đang thống trị, và với tội danh này, chắc chắn Ngài sẽ bị truy tố và lãnh án nặng nề từ phiá chính quyền  Rôma.

Ngày nay trong xã hội chúng ta đang sống cũng có rất nhiều người lợi dụng hoàn cảnh chính trị phức tạp, tế nhị như tiền đề cho những mưu hèn kế bẩn để hại người, chẳng khác gì đám Pharisêu đã gài Đức Giêsu vào một thế cờ khó gỡ, một cạm bẫy khó thoát thân năm xưa.

Thực vậy, khi trả lời “Của Xêda, trả về Xêda ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”, Đức Giêsu không chỉ làm ngỡ ngàng đám Pharisêu và những người đi theo họ với âm mưu hãm hại Ngài, khi “vô hiệu hoá đòn phép nham hiểm, ác độc » của họ, mà còn nhắc họ  nhớ đến một nghiã vụ thiêng liêng rất quan trọng, đó là trung thành với một Thiên Chúa duy nhất theo Giao Ước của Thiên Chúa với các tổ phụ của họ, mà ngôn sứ Isaia không ngừng kêu gọi, cảnh báo : “Ta là Đức Chúa, không con chúa nào khác ; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta” (Is 45,5).

Sở dĩ Đức Giêsu nhấn mạnh : “Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”, vì lúc bấy giờ, các đại đế của đế quốc Rôma bắt đầu coi mình là thần thánh, và bắt buộc dân chúng thực hành các nghi thức thờ lậy đại đế như một thiên chúa. Đó là lý do những Kitô hữu ở thế kỷ thứ nhất đã bị bắt bớ, hành hình vì từ chối thực hành nghi thức tế tự các đại đế, do trung thành với niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất. Đây cũng là một vấn đề khá phức tạp trong các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, khi các tín hữu bị giằng co giữa đòi hỏi phải tôn trọng quyền bính chính trị và bổn phận tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất. Tuy thế, trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thêxalônica được coi là tài liệu Kitô giáo cổ xưa nhất, thánh Phaolô đã chỉ nói  đến đức tin, đức ái, đức trông cậy của các tín hữu, mà không đề cập đến áp lực căng thẳng giữa chính trị và đức tin, khi ngài viết : “Chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô” (1 Tx 1,3).    

Xin Chúa cho chúng ta ơn khôn ngoan trong mọi thời thế, hoàn cảnh, ở đó các thế lực chính trị thường tạo nên những căng thẳng làm chúng ta mất đi niềm xác tín : hạnh phúc đích thực là được tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, Đấng mà các dân nước phải bái thờ, run sợ, bởi “Chúa thiết lập địa cầu... Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng…, xét xử muôn dân theo chân lý của Người” (Tv 95,10.13).

Jorathe Nắng Tím

Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

ƠN AN BÌNH

 


Chưa lúc nào Bình An lại cần thiết đến mức cấp bách như những ngày này, khi mà khắp nơi trên thế giới an ninh trật tự không còn được bảo đảm, và hoà bình ngày càng trở thành ưóc mơ khó thực hiện.

Trên quê hương thì bạo lực dưới mọi hình thức, trong mọi lãnh vực, ở mọi thành phần ngày càng gia tăng với tốc độ chóng mặt biến đổi người dân ở làng quê xa xôi hôm nào còn chất phác, hiền hoà thành những con người nham hiểm, thủ đọan, tham lam, tàn ác sẵn sàng chém giết anh em, cháu chắt ruột thịt vì một vài mét đất cha mẹ để lại ; những em học sinh ngày trước còn  chăm chỉ, vâng lời thầy cô nay không ai còn nhận ra các em trước toà vì tội đâm cô, chém bạn ; những địa danh sinh ra anh hùng hào kiệt mà ngày xưa chỉ nghe cũng đủ xúc động, nức lòng nay biến thành hang ổ trộm cướp với những băng đảng hung ác, man rợ như dã thú.

Cũng quê hương ấy được xếp vào một trong những nước bệnh nhân ung thư nhiều hàng đầu trên thế giới, phần vì lương thực hầu như hoàn toàn bị xử lý bằng chất độc trước khi bán, phần vì nỗi lo hiện tại, tương lai ngày càng qúa tải.

Người dân ở đất nước này lo đủ thứ, lo đủ cách, đủ thể loại, vì không có gì không chạm đến nỗi lo, bởi ở đây không thứ gì được bảo đảm an toàn, không ai được bảo vệ đúng mức, không việc gì được bảo hiểm công bằng, minh bạch. Chính vì không có gì an ninh, an toàn, mà người ta lo sợ, khi không còn khả thể để an tâm, an lòng.

Nhìn ra thế giới, bức tranh Hoà Bình cũng không sáng sủa, tươi đẹp hơn, khi bạo loạn xuống đường đe dọa, bạo lực tràn lan như vết dầu loang từ thành phố này qua thành phố nọ, từ quốc gia này đến quốc gia khác biến thế giới thành một chảo dầu sôi sục hận thù, chiến tranh.

Trước thực tại bất an, bất ổn của đất nước và thế giới, nhiều người ngao ngán hỏi : đâu là nguyên nhân chính?

Trả lời câu hỏi, người thì đổ tội cho Trời, người khác quy tội láng diềng chung quanh, thiên hạ xa gần, nhưng không mấy người nhận về mình chút phần lỗi, hay vài gam trách nhiệm, bởi xã hội được làm nên bởi những cá nhân, nên xã hội tốt hay xấu cũng do những cá nhân đã làm nên xã hội ấy tốt hay xấu.

Qủa thực, bình an của đất nước, hay bình an của nhân loại đều xuất phát từ bình an tâm hồn của mỗi người. Nếu mỗi người đều tìm kiếm và xây dựng bình an thì xã hội sẽ có bình an, và ngược lại, ai cũng sắm kiếm đao để đâm chém, trang bị súng ống để bắn giết, tiêu diệt thì chiến tranh, hỗn loạn tất phải xẩy ra, bùng nổ.

Thánh Phanxicô thành Assisi, vị thánh của Hoà Bình với kinh nguyện Hoà Bình bất hủ, mà mỗi lần tiếng kinh ấy được cất lên, ai nghe cũng chạnh lòng khao khát một trời mới bình an, một đất mới an bình, một nhân loại mới an hoà, hạnh phúc.

Ở thánh nhân tâm hồn nghèo khó và xây dựng hoà bình là hai đặc điểm nổi bật đồng hành với nhau.

Thánh nhân đã sống tinh thần nghèo khó của Tin Mừng khi tự cởi bỏ khỏi của cải vật chất, và những giầu có của ích kỷ, tham vọng, bởi chính những giầu có ấy đẩy con người đến những bất công, bất chính trong tương quan với tha nhân, và từ đó phát sinh những ganh ghét, đố kị, hận thù, bạo lực.

Thánh nhân đã sống tinh thần yêu chuộng  hoà bình và nỗ lực xây dựng một cộng đoàn bình an, một thế giới hoà bình, khi làm trống trải trái tim khỏi những ý nghĩ ích kỷ, toan tính hưởng thụ, thủ đọan vinh danh cái tôi, nhưng làm đầy con tim bằng những cảm thương, chạnh lòng, những bao dung, thứ tha, những ủi an, chia sẻ, những bỏ mình, quên mình, những thiệt thòi vì hạnh phúc của người khác, những mất mát vì bình an của tha nhân, những  lần chết đi cho đồng loại được sống.    

Ước gì ngay hôm nay mỗi người chúng ta noi gương thánh nhân để  biết sống nghèo cái tôi hầu làm giầu cái chúng tôi ; biết từ bỏ chính mình để gặp được tha nhân và tìm lại chính mình trong an bình, vì Thiên Chúa chỉ ban ơn Bình An của Ngài cho những người thiện chí biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.

Jorathe Nắng Tím

YẾN TIỆC NƯỚC TRỜI

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 28 Thường Niên, Năm A



Càng gần những ngày cuối của ba năm rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu càng cảm thấy áp lực nặng nề từ phía giáo quyền Do Thái, khi các thượng tế, ký lục và nhóm Pharisêu ngày càng công khai dồn sức tấn công và tìm mọi cách giăng bẫy Ngài với hy vọng giao nộp Ngài cho chính quyền đế quốc Rôma và ước mơ thấy Ngài lãnh án tử hình đóng đinh, hầu triệt tiêu một khuôn mặt gây nhiều phiền phức, có sức đảo lộn toàn bộ sinh hoạt xã hội, tôn giáo, và làm sụp đổ thành trì “cơ chế” vững chắc bảo đảm an toàn chỗ đứng của họ.

Ở thời điểm căng thẳng này, Đức Giêsu nhiều lần nói với những chức sắc tôn giáo ấy bằng một cung giọng ngày càng cứng rắn, và không ngại lột trần dã tâm đen tối, xấu xa của họ, như dụ ngôn “Tiệc Cưới Nước Trời” được ghi lại trong Tin Mừng Mátthêu.

Dụ ngôn được coi như bản cáo trạng thu gọn lên án thái độ khinh bạc và quyết định khước từ của Ítraen, dân Chúa trước lời mời vào dự tiệc Nước Trời của Thiên Chúa. Qua hình ảnh những khách được mời đã viện đủ lý do để từ chối, đã tìm mọi cách để không đến dự tiệc, dù “cỗ bàn đã dọn xong, bò tơ, thú béo đã hạ rồi, và mọi sự đã sẵn” (Mt 22,4). Không đếm xỉa và coi thường lời mời của Thiên Chúa đã đành, Ítraen còn bắt bớ, hành hạ và giết cả những người của Thiên Chúa sai đến để mời họ, và Đức Giêsu đóng lại bản cáo trạng bằng một kết luận đanh thép : “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng” (Mt 22,8).

Trước lửa hận thù đang sôi sục trong tâm hồn những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái lúc bấy giờ, lời tuyên bố không nể nang, nhân nhượng của Đức Giêsu về một dân riêng không còn xứng đáng với tình thương và lòng trân trọng của Thiên Chúa khác nào đổ thêm dầu để ngọn lửa bùng phát ngàn lần dữ dội, khủng khiếp. Bằng chứng là ngay sau đó “những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mt 22,15).

Khi nghe Đức Giêsu tố cáo như vậy, chắc chắn một số trong họ đã nghĩ đến ngôn sứ Giêrêmia, người mà cha ông họ đã bạc đãi, đối xử tồi tệ, bất công, đồng thời nhớ lại đội quân hùng mạnh của Nabucodonoso gần 6 thế kỷ trước (năm 587 trước công nguyên) đã tàn phá Đền Thờ và dẵm nát quê hương “Đất Hứa” của họ. Và  nhiều người trong họ đã coi đó là hình phạt của Thiên Chúa Giavê đổ trên dân riêng “bất xứng, ngỗ nghịch”.

Riêng Đức Giêsu, hôm nay Ngài chính thức cho họ biết có một dân mới được mời gọi vào yến tiệc Nước Trời thay thế họ ; có những người khách mới được Thiên Chúa đích thân đón vào dự tiệc cưới ; có những con người mới xứng đáng hơn họ được Thiên Chúa yêu thương, trân trọng cho đồng bàn. Và những khách mới, người mời, dân mới ấy chính là “bất cứ ai gặp được ở các ngã đường”, bởi đã đến lúc Thiên Chúa “gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” trong Vương Quốc của Ngài (Mt 22,9).

Hình ảnh những người khách mới gặp được ở các ngã đường để thay thế những “khách mời bất xứng” chính là Giáo Hội của Đức Giêsu, một dân tộc mới “gồm muôn dân” được mời vào dự tiệc của Chiên Thiên Chúa như ngôn sứ Isaia đã loan báo : “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc : tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25,6), vì Thiên Chúa, Đấng thiết đãi muôn dân yến tiệc Nước Trời là Mục Tử nhân lành, Đấng dẫn đoàn chiên đến đồng cỏ xanh tươi, bên dòng nước trong lành ; Ngài dắt chiên đi trên đường ngay nẻo chính, và dọn sẵn cho chiên “bữa tiệc ngay trước mặt quân thù” (x. Tv 22,1-5). 

Nhưng khi các khách mời đã vào bàn tiệc, thì một biến cố buồn bất chợt xẩy ra : “nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy : Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?”. Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch : “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 22,13).

Biến cố thật bất ngờ và đáng buồn chắc chắn đã làm sững sờ nhiều người, nhất là thực khách bị nhà vua chiếu tướng, điểm mặt và ra lệnh bắt giam, đem đi hành hạ. Ngay cả chúng ta cũng chung một tâm trạng hụt hẫng ấy, bởi cứ sự thường  những vị “khách mới” bất ngờ giờ chót được mời ở các ngã ba, ngã tư đường đã vào bàn tiệc với y phục thường ngày, vì không  ai trong họ đã được biết trước mình sẽ được nhà vua mời dự tiệc cưới trong hoàng cung. Thái độ nổi giận và hình phạt nặng nề của nhà vua trên vị khách không mặc y phục lễ cưới qủa thật làm sốc  không ít và chúng ta cảm thấy có chút gì bất công về phiá nhà vua.

Thực ra, Đức Giêsu đã mượn hình ảnh y phục lễ cưới để nói lên một chân lý quan trọng đó là Nước Trời từ nay được mở ra cho tất cả mọi người, không trừ ai, không phân biệt sắc dân, chủng tộc, trình độ, hoàn cảnh, nhưng điều đó không có nghiã những người được nhận vào Nước Trời không còn phải đáp ứng bất cứ đòi hỏi nào. Trái lại, luật mới của Tin Mừng, luật của Giao Ước Mới, luật mới của Đức Giêsu, tuy khác Luật cũ Môsê, nhưng vẫn đòi hỏi không kém, vẫn có những điều kiện buộc người muốn vào dự tiệc Nước Trời phải tuân giữ, thực hiện. Và Luật đó chính là Luật Yêu Thương, y phục lễ cưới đó chính là Đức Ái, điều kiện để được Thiên Chúa yêu thương cho đồng bàn với Ngài trong Vương Quốc, như thánh Tông Đồ Gioan  đã khẳng định : “Thiên Chúa là Tình yêu : ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”, và “đây là điều răn mà chúng ta đã nhận từ Người : ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4,16.21).

Xin Chúa cho chúng ta đừng bao giờ quên mang sẵn trên mình y phục lễ cưới là Đức Ái, để bất cứ giờ nào, ở đâu Thiên Chúa mời gọi vào dự Tiệc Cưới Nước Trời, chúng ta đều đến với Ngài trong y phục Tình Yêu lộng lẫy, xinh đẹp, để  xứng đáng đồng bàn với chính Thiên Chúa và các thánh của Ngài trên Thiên Đàng.

Jorathe Nắng Tím