Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

TRÔNG ĐỢI

 


Trông đợi là tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Đó là con người trong điều kiện hữu hạn của mình đã không có gì, không thấy gì, không biết gì,  không hiểu gì khi đi vào tương quan với Thiên Chúa vô biên, vô hạn. Cũng vì thế mà người ta có cớ lên án Kitô giáo là tôn giáo trông ngóng huyền hoặc, đợi chờ viển vông, và người Kitô hữu là những người khờ dại đã bỏ quên sống và hưởng thụ thế giới đời này, để điên cuồng trông đợi một thế giới đời sau chưa chắc đã có.

Qủa thực, khi đi tìm Thiên Chúa, và đi vào tương quan với Ngài, người môn đệ Đức Giêsu trông đợi vào Lời Hứa của Thiên Chúa, như Ápraham đã trông đợi vào Lời Hứa của Thiên Chúa Giavê : “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không... Dòng dõi của ngươi sẽ như thế đó!” (St 15,5) và tín  thác lên đường đến nơi Thiên Chúa chỉ ; như Môsê trông đợi vào Lời Hứa giải phóng dân ông khỏi ách nô lệ của Ai Cập : “Ta đã thấy rõ ảnh khổ cực của dân ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than, vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật…” (Xh 3,7-8), đã mạnh dạn đến gặp Pharaô và các trưởng lão của Ítraen, mặc dù ăn nói ngong nghịu, lại chẳng thần thế, ảnh hưởng ; như Đức Maria trông đợi vào Lời Hứa “Đấng Cứu Tinh sẽ đến viếng thăm dân Người” đã qủa cảm trả lời sứ thần Gabrien : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38) ; như các tông đồ trông đợi vào Lời Hứa :“Tên của anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20), “phần thưởng của anh em thật lớn lao”  (Mt 5,12), và  “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) đã liều lĩnh đến hy sinh mạng sống trong sứ vụ “đi khắp tứ phương thiên hạ làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).

Và ròng rã hai mươi mốt thế kỷ, hàng hàng lớp lớp những người đi theo Đức Giêsu đã sống cùng một lòng trông đợi này, khi triệt để tín thác vào Lời Hứa của Thiên Chúa : “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,2-12)

Sở dĩ Đức Giêsu đã mời gọi những ai đi theo Ngài sống niềm Hy Vọng, vì Thiên Chúa mà chúng ta được đi vào trong tương quan với Ngài không phải là con người hữu hạn như chúng ta, lại càng không phải báu vật vô tri, vô cảm chúng ta có thể chiếm đọat như sở hữu một món đồ, nhưng Thiên Chúa là Nguồn mọi sự Thánh Thiện, sự thánh thiện mà chúng ta được kêu gọi đạt tới, sự thánh thiện mà Thiên Chúa ban cho chúng ta ân huệ được tham dự vào như giọt nước được tan biến vào đại dương bao la.

Chính vì thế, khi một tôn giáo mang tham vọng muốn biết hết Thiên Chúa của mình, tôn giáo ấy sẽ thay thế Thiên Chúa bằng cơ chế cực kỳ độc đóan, độc tài do những con người có quyền trong tôn giáo ấy tạo ra ; khi một tín đồ tự phụ cho rằng mình sở hữu  trọn vẹn Thiên Chúa, người  nghĩ mình có đức tin “chuyển núi dời non” ấy sẽ thay thế Thiên Chúa họ tôn thờ bằng hình ảnh một Thiên Chúa do chính họ vẽ ra, và bằng mọi giá bảo vệ hình ảnh ấy như một sở hữu bất biến và bất khả chuyển nhượng ; khi một người đi tu lầm tưởng rằng mình hiểu rõ Thiên Chúa mồn một như hiểu một bài toán, họ sẽ thay thế Thiên Chúa vô hạn bằng sáng tạo môt thiên chúa theo khuôn mẫu có giới hạn của loài người. Và như thế, Thiên Chúa sẽ không còn là Thiên Chúa như Ngài là nữa, nhưng là thiên chúa như con người muốn, theo khuôn mẫu con người đúc tạc, có dáng dấp, dung mạo, đam mê, tính tình theo sáng kiến phàm tục của con người vẽ ra.

Trái ngược với hiện tượng vừa kể, người môn đệ được Đức Giêsu mời gọi sống trông đợi : sống trông đợi trong một tôn giáo trông đợi khi cầu xin và ước nguyện cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, sống trông đợi với một đức tin trông đợi khi “loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”.  

Một Giáo Hội trông đợi, khi không tự làm mình khô héo, cằn cỗi vì chỉ chú tâm xây dựng pháo đài “cơ chế”, một nhà thần học trông đợi Thiên Chúa khi không giam mình trong giáo thuyết, một Kitô hữu trông đợi, khi không tự làm mình nghèo nàn vì chỉ tin vào kinh nghiệm của riêng mình, một tâm hồn trông đợi khi luôn mở rộng cửa lòng để đón nhận Ơn Thánh Thần, hơn kiêu hãnh, ngạo mạn lấy làm đủ với những gì mình có.

Tuy thế, trông đợi không là trông ngóng mông lung, đợi chờ vô vọng, nhưng là trông ngóng một Thiên Chúa hiện hữu đích thực, đợi chờ một Đấng không chỉ dựng nên trời đất muôn vật, muôn loài, mà còn làm chủ lịch sử của từng cá nhân cũng như của toàn thể nhân loại, nên Lời Hứa của Đấng Toàn Năng ấy tự nó đã là bảo chứng chắc chắn ; niềm hy vọng đặt vào Đấng Hằng Hữu ấy tự nó đã là sự thật vĩnh cửu, và đó chính là mấu chốt, nền tảng của niềm tin Kitô.

Từ nền tảng vững chắc là Thiên Chúa toàn năng và là Đấng trung tín, không bao giờ lừa dối ai, mà cuộc sống trông đợi ở Lời Hứa trở thành hành động hiện thực Lời Hứa, khao khát hy vọng ở Lời Hứa được biến thành hạnh phúc đạt được Lời Hứa, bởi khi sống niềm trông đợi ở Lời Hứa, chúng ta đã sống niềm an ủi của chính Lời Hứa đang theo thời gian hình thành, và khi khát khao hy vọng ở Lời Hứa, chúng ta được nếm sự ngọt ngào của Lời Hứa. Nói cách khác, trông đợi trong đức tin của người Kitô hữu là cảm nghiệm Lời Hứa đang được thực hiện ngay trong giây phút hiện tại, và sống niềm hy vọng vào Lời Hứa là dự phần ngay ở đây và lúc này vào niềm vui của Lời Thiên Chúa hứa.

Thực vậy, Giáo Hội là Mùa Vọng không bao giờ kết thúc cho đến ngày Chúa trở lại trong vinh quang, là mùa trông đợi “cho tới khi Chúa đến” và muà vọng của Giáo Hội thật rõ nét nơi hình ảnh người lữ hành, hình ảnh mà Đức Giêsu đã chọn cho Giáo Hội của Ngài khi sai Giáo Hội ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân : một Giáo Hội nghèo khó, khiêm nhu, tỉnh thức, sẵn sàng với hành trang giản dị, đơn sơ, với trái tim yêu thương, tin tưởng, phó thác, với trí khôn hướng thượng, rộng mở, tích cực.

Và như thế, người lữ hành của Thiên Chúa sẽ phấn khởi đi trên hành trình Mùa Vọng, trên những con đường Trông Đợi Lời Hứa với ơn của Chúa Thánh Thần, Đấng là làn gió Canh Tân sẽ không ngừng thánh hoá, đổi mới các tâm hồn người tín thác vào Lời Thiên Chúa hứa, và hướng dẫn từng bước chân của Giáo Hội lữ hành.      

Jorathe Nắng Tím

0 nhận xét: