Mùa
thu gợi nhớ, gợi tình, và là mùa thai nghén, cưu mang những cuộc tình lãng mạng
cho mùa xuân về đơm hoa kết trái. Nhưng thu năm nay buồn thật buồn. Buồn vì rừng
thu vẫn vàng óng ả dưới nắng nhẹ, nhưng vắng những cặp tình nhân thênh thang dệt
mơ ước ; buồn vì lá thu vẫn rơi theo từng cơn gío, nhưng lòng người đã thay
mênh mang của tình thu bằng hoang vắng của thu bão lụt, thay nhung nhớ của gió
thu yêu thương bằng lo sợ của mùa thu đe dọa chết chóc…
Không
buồn sao được mùa thu năm nay, khi thế giới tan hoang vì đại dịch Covid :
không biết bao nhiêu gia đình rơi vào túng quẫn vì thất nghiệp, người trẻ mất cơ
hội vào đời khi vừa tốt nghiệp ra trường, trẻ em không còn tự do tung tăng chạy
nhảy ở sân trường, trong công viên, trên bãi biển. Biện pháp phong toả ngày càng
chặt chẽ đang làm cho đời sống ngày thêm ngột ngạt, tù túng, và mùa thu tê tái
buồn như mùa thu đau bệnh...
Không
buồn sao được khi bão tố cứ từng cơn kéo về dữ dội hất tung tất cả, phá đổ tất
cả, làm tất cả tiêu tan. Không buồn sao được mùa thu năm nay nhận chìm một phần
ba quê hương chúng ta trong nước lũ, khi lũ giận dữ đổ về tàn phá không thương
tiếc, để lại cho người dân miền Trung một cảnh tang thương không thể tưởng tượng :
tang thương gấp bội cảnh “màn trời chiếu đất”, vì còn màn trời chống muỗi và
chiếu để nằm, đàng này, lũ lụt không cho đất để đứng, cũng chẳng cho trời làm màn,
nhưng trên cao hay duới thấp, ngang hay dọc, trước mặt hay sau lưng, tất cả đều
chỉ là nước và chỉ còn nước.
Nước
cuốn trôi con người, nước nhận chìm gia súc, nước bứng rễ cây cối, bật tung nền
móng cầu đường, dinh thự, nhà cửa, công trình. Nước nổi giận và trả thù, nên chẳng
còn biết phải trái, điều độ, vừa phải với con người… Ngay cả với người chết, nước
cũng chẳng xót thương cho khô cạn để được chôn cất hay thiêu đốt thành tro bụi.
Không
buồn sao được muà thu năm nay, khi liên tiếp chưa đầy nửa tháng, hai thanh niên,
một đến từ Nga, một đến từ Tunisie đã lấy đi bốn mạng người một cách vô cùng
man rợ, trên một đất nước tự do, nhân quyền, dân chủ bậc nhất thế giới. Cả hai
bạn trẻ này đều là người Hồi Giáo, nhưng qúa khích, cuồng tín, một người được nước
Pháp cho tỵ nạn, người kia vừa trốn từ Tunisie và vào nước Pháp bất hợp pháp từ
đầu tháng 10 đã dùng dao đâm chết và cắt cổ dã man bốn công dân Pháp : ngày
16.10. 2020, Abdoullakh Anrozov, 18 tuổi đã cắt cổ ông Samuel Paty, người Pháp
47 tuổi, cha của một bé gái mới 5 tuổi, giáo sư sử địa tại thành phố Conflans-Ste-Hororine,
vì cho rằng giáo sư đã bôi bác đại tiên tri Mahômét, khi dậy về quyền tự do tư
tưởng trong lớp ; và ngày 29.10.2020, sinh nhật của đại tiên tri hồi giáo
Mahômét, khoảng 9 giờ sáng, một thanh niên người Tunisie, 21 tuổi đã vào nhà thờ
Notre-Dame de l’Assomption (Đức Mẹ Mông Triệu) giữa thành phố Nice dùng dao cắt
cổ một phụ nữ 60 tuổi, đâm chết một chị khác 44 tuổi, mẹ của ba con nhỏ trong khi cả hai đang qùy cầu nguyện. Ngay lúc
đó, ông Vincent L, 55 tuổi, “ông từ” của
nhà thờ vừa bước vào cũng bị tên khủng bố khống chế bằng dao và cắt cổ tại chỗ.
Cả hai thanh niên hồi giáo qúa khích và giết người đều hô lớn “Đức Alla thật vĩ
đại! Allah Akbar!” trước khi bị cảnh sát bắn gục, một chết tại chỗ, một bị thương
nặng.
Cuộc
thảm sát ba Kitô hữu ở Nice vừa qua đang làm người dân Pháp bàng hoàng, ghê sợ
trước làn sóng khủng bố của “hồi giáo qúa khích”, như toàn thế giới đã kinh hoàng
trước biến cố cha Jacques Hamel 86 tuổi, thuộc giáo xứ Saint Etienne-du-Rouvray
giáo phận Rouen, cách đây bốn năm, vào ngày 26.07.2016 đã bị hai người hồi giáo
qúa khích, cuồng tín, Abdel Kermiche, và Abdel Malik Boukezzoula, cả hai cùng 19
tuổi xông lên cung thánh cắt cổ đang khi Ngài dâng thánh lễ trong nhà thờ giáo
xứ.
Muà
thu năm nay buồn thật, buồn hơn nhiều mùa thu khác đã qua. Trong nỗi buồn pha lẫn
lo sợ, nhiều người cho rằng đã đến thời kỳ cuối, khi Satan được phép xổ lồng hoành
hành, khuynh đảo loài người ; có người bực bội với thiên nhiên và cho rằng
thiên nhiên đang trả thù con người vì con người đã không tôn trọng, gìn giữ thiên
nhiên ; một số không nhỏ trách móc Thiên Chúa đang nhắm mắt làm ngơ trước
sự dữ và đang tâm bỏ rơi con người.
Người
viết tôn trọng quyền đặt vấn nạn, và quyền chọn đáp án của mỗi người, nên chỉ
ghi lại ở đây sắc thái buồn của mùa thu năm nay : một mùa thu rất buồn cho
đất nước vì bão lũ, cho cả địa cầu vì đại dịch Covid, và làn sóng khủng bố nhân
danh tôn giáo, bởi đâu đâu cũng ảm đạm, tiêu điều, nơi nào cũng hốt hoảng, lo sợ,
ở đâu cũng ngộp thở, phập phồng, tưởng chừng hiện tại là kề cận nguy hiểm, và tương
lai là đối mặt rủi ro.
Nhưng
với niềm tin vào Đức Giêsu, Thiên Chúa của lịch sử, Thiên Chúa làm chủ lịch sử,
chúng ta có quyền và có lý do tin vào Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ. Ngài sẽ đến với
Bình An của buổi sáng Phục Sinh, sau những ngày sầu buồn, tang thương chết chóc
của thập giá, núi sọ, mộ phần.
Ước
gì trong những ngày thu buồn, hạnh phúc không thể mất và không chịu để mất trong
trái tim người Kitô hữu vẫn là Đức Giêsu, Nguồn Vui ơn Cứu Độ cho những ai hết
lòng tin tưởng vào Ngài.
Jorathe
Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét