Ngày
tiễn con rời bỏ quê hương sang Úc du học cách đây năm năm đã là ngày ba mẹ lo
sợ nhất, lo hơn cả chạy bom tránh đạn,
sợ hơn cả những ngày đất nước còn chiến
tranh. Nỗi lo trước đó đã không có mặt khi cả nhà háo hức, bận rộn lo giấy tờ
xin visa du học cho con. Nỗi lo trước đó đã không lộ diện khi ba mẹ ao ước, vận
dụng mọi khả năng để con của ba mẹ sớm lên đuờng du học. Nỗi lo trước đó đã
không xuất hiện khi ba mẹ đầy ắp trong đầu một
nước Úc văn minh sẽ mang lại cho con gái ba mẹ một trời tương lai, một
đời hạnh phúc. Nỗi lo trước đó đã không
quấy nhiễu, lộng hành khi cả nhà đều ngụp lặn trong giấc mơ con sẽ thành
đạt ở nước ngoài.
Chính
vì đã không nghĩ đến một ngày phải xa con, không nghĩ đến buổi tiễn con lên đường một mình, đơn độc đến một
xứ sở, một đất nước, một miền đất hoàn toàn xa lạ, khác biệt về khí hậu, văn
hoá, tiếng nói, tâm thức, sinh hoạt mà ba mẹ đã dám để con đi. Cũng chính vì
không ngờ sẽ phải trải qua những phút cuối não lòng, đứt ruột khi nhìn con vào
phòng cách ly với tâm trạng và nước mắt bất lực trước những bước chân còn non
dại của con gái đang dần mất hút vào một
không gian rất xa, ở đó ba mẹ và con chỉ có thể nghe nhau qua diện thoại, thấy
nhau qua skype mà không thể săn sóc, chăm nom, âu yếm, bao bọc con như những
ngày con ở trong gia đình, mà ba mẹ đã liểu lĩnh để con ra đi phiêu lưu làm
cuộc đời mình. Bởi nếu biết rõ những nỗi lo chất ngất , quặn thắt ngày tiễn con
gái bé bỏng bỏ lại sau lưng quê hương, gia đình, đơn độc cầu học ở phương trời hoàn toàn xa lạ; chưa chắc ba mẹ
đã dám để con đi.
Nỗi
lo sợ theo chân ba mẹ từ sân bay về nhà từ buổi chiều tiễn đưa ấy để rồi trong
lặng lẽ của tình cha, trong xao xuyến của tình mẹ, nỗi lo cứ lớn dần và gặm nhấm trái tim ngày càng
nhậy bén mỗi khi nghĩ đến con. Mà cũng chẳng phải “mỗi khi ” nữa, nhưng là mọi
lúc; có nghiã là lúc nào cũng nhớ con, ở đâu cũng nhớ con, làm gì cũng nhớ con,
ăn gì cũng nhớ con, thấy ai cũng nhớ con, nghe ai nói về con lại càng quay quắt
nhớ con gấp bội.
Nỗi
nhớ đi chung nỗi lo. Nỗi lo lớn theo nỗi nhớ, nên hở ra là lo con lạnh; chợt
nhớ con là sợ con đói, con bệnh. Một mẩu tin vu vơ về thời tiết nước Úc cũng đủ
làm tim mẹ thót đau; một cú điện thoại bất ngờ, ngoài giờ quen thuộc, không
đúng thông lệ cũng đủ làm ba giật mình hoảng hốt. Thế mới biết tình mẹ cha bao
la và lo âu sâu thẳm khôn lường khi con
xa nhà, xa vòng tay mẹ cha âu yếm. Ba mẹ đâu
ngờ ngày con đi, ba mẹ đã khủng hoảng, chao đảo, lo lắng đến thế. Ba mẹ
đâu có lường cái mất mất, khoảng trống
mênh mông trong nhà, tâm trạng bồn chồn, lo lắng, “đứng ngồi không yên” khi con
biền biệt nơi xứ lạ. Vẫn biết con đi vì tương lai và đó là niềm vui lớn, nhưng
không có con trong bữa ăn tối, thiếu con
buổi sáng chúa nhật khi cả nhà cùng đi lễ, vắng con trong căn phòng “con gái ”,
ba mẹ thấy buồn và hụt hẫng làm sao !
Không
hụt hẫng sao được khi con còn non dại
quá. Mười tám tuổi chưa phải là lớn, mười tám năm ở với ba mẹ đã không việc gì
không cần đến bàn tay cha, không chuyện gì không nhỏ to, thỏ thẻ với mẹ.. Thế
mà đùng một cái con phải tự mình xoay sở tất cả, quyết định tất cả, lãnh tất cả
trách nhiệm trước mọi người, Không buồn sao được khi cánh tay ba mẹ không đủ
dài để bao bọc, bảo vệ con nơi xứ người và
thân gái dặm trường, một mình con phải tự bươn trải, phấn đấu.
Cũng
mất cả tháng, nhà mình mới nguôi ngoai
nỗi lo trộn chung nỗi nhớ, mới nhẹ bớt quắt quay, da diết nhớ nhung con. Ngày
con gửi những bức hình chụp đầu tiên trên đất Úc là ngày mẹ tìm lại nụ cười và
ba trở lại qúan càphê mà mỗi sáng từ hai mươi năm nay không một ngày ba lỡ hẹn
với bạn bè. Hôm ấy, ba mang theo những tấm hình
con gái ba mặc đầm trắng, khoác hờ áo lạnh mầu xanh trên vai rất tự tin
đứng trước trường đại học để khoe với
mọi người; một tấm khác con gái ngồi với
các bạn sinh viên người Úc trong phòng khách ký túc xá đại học, ba đã gửi về Hố
Nai cho ông bà, các bác. Nhìn miệng con gái cười rất tươi mà lòng ba mẹ mở hội
vui mừng, vui như Tết và mừng như ngày nào con mới chào đời.
Có
lẽ con biết ba mẹ hay bối rối, lo lắng nên con năng viết mail, nhắn về những
tin vui học tập. Con biết không, niềm an ủi của ba mẹ lúc này là con, là thành
công của con, là hạnh phúc của con, nên chẳng lạ gì mẹ con trước đây được tiếng
là ít nói nay huyên thuyên kể đủ chuyện về con với người này người nọ. Ba không
ngờ mẹ con “cởi mở, yêu đời” như vậy. Mẹ thay đổi nhờ con, vui nhờ con, hạnh
phúc vì có con đang chăm chỉ phấn đấu,
vươn lên thành công ở xứ người. Còn ba thì khỏi nói, ba hãnh diện về con gái
rượu của mình và con trở thành đề tài khi ba ngồi với bạn bè thân thiết.
Ôi,
con gái của ba mẹ, ước gì con hiểu
đuợc hết tình yêu ba mẹ dành cho con.
Ước gì con đo được hạnh phúc của ba mẹ chìm lắng trong hạnh phúc của con. Ước
gì con cảm nghiệm được phần nào hy vọng của ba mẹ khi nghĩ đến ngày mai của
con; đồng thời ba mẹ cũng ước ao con
chia sẻ được một phần rất nhỏ nỗi lo ngút ngàn của ba mẹ trên từng bước con đi. Càng thương, càng yêu, càng vui, càng
kỳ vọng, ba mẹ càng bồn chồn, khấp khởi, hồi hộp, thao thức. Những tình cảm này
phủ kín tâm tư ba mẹ, chiếm hữu sinh hoạt hằng ngày của ba mẹ, lấn lướt suy
nghĩ của ba mẹ, chỉ vì một lý do duy nhất: con gái yêu luôn ở trong trái tim ba
mẹ.
Là
trái tim của ba mẹ, nên không một hình ảnh, một sự kiện, một tâm trạng, một
biến cố vui buồn, thành bại nào của con
không tạo nên những cơn chấn động dữ dội, khủng khiếp cho ba mẹ. Tình yêu dành cho con đã thực sự
cuốn hút ba mẹ đến phương trời con đang sống, nhập cuộc vào đời sống tha phương
cầu học của con. Ba mẹ như đang sống với con từng ngày từng giờ, để con đi đâu
thì ba mẹ đi đấy: con vào lớp học, ba mẹ đi theo vào lớp; con về nhà cặm cụi
học bài, đánh vật với vệ sinh phòng ốc cuối tuần, hay chợ búa, bếp núc, ba mẹ
cũng không chịu rời xa con… Tội nghiệp
mẹ, nhiều lúc đờ đạc, thẫn thờ vì thương con gái vất vả, loay hoay xào rau, kho
thịt, công việc mà ở với mẹ, con chỉ nhìn
chứ chưa một lần thân chinh lăn vào bếp tự tay nấu nướng thay mẹ.
Những
tháng đầu, tuy không nói vì sợ ba mẹ lo lắng, nhưng ba mẹ biết: con đã vô cùng
chao đảo: chao đảo tình cảm, vì lần đầu tiên con xa gia đình, lần đầu tiên con
ở một mình, lần đầu tiên con làm người lớn; chao đảo sinh hoạt, vì phải hội
nhập vào nếp sống mới, với những người mới, môi trường, đòi hỏi, điều kiện mới.
Tất cả đều xa lạ, mới mẻ với con và con phải lần mò từng bước trước khu rừng
nhiều bí mật kỳ thú, nhưng cũng không thiếu thách đố này.
Đời
sống mới sẽ đưa con đến những đại lộ, xa lộ của văn minh nhân loại, và trên
những con đường thênh thang này, con làm đời mình khi hướng về một tương lai.
Nhưng cũng trên hành trình này, con sẽ gặp nhiều người, vàng thau chen chúc ;
gặp nhiều sự, xấu tốt lẫn lộn. Vì thế, con gái của ba mẹ sẽ phải biết lựa chọn
đúng sai; nếu không đường đi sẽ trở thành “đường đi không đến”: không đến được
đích đợi chờ, không đến được chân trời hạnh phúc, không đến được bến bờ an vui.
Mỗi
buổi chiều đi làm về, ba mẹ thường ngồi uống trà nói chuyện con gái phương xa.
Mẹ nhớ con hay nhõng nhẽo với mẹ; ba nhớ con hay nũng nịu với ba, dù con đã
mười bẩy, mười tám. Càng nhớ, ba mẹ càng thương con khi nhìn con một mình đảm đương mọi việc mà chẳng còn ai bên cạnh để nhõng
nhẽo, nũng nịu. Con gái “bé nhỏ” bỗng phải làm người lớn; con gái thơ ngây còn mê chơi búp bê, đọc truyện hoạt hình
“con nít” bỗng phải làm hết những việc
của người trưởng thành từ đi chợ, lau
nhà, đến nấu ăn, tính toán tiền chợ, tiền nhà, tiền học, tiền xe buýt, tiền bảo
hiểm. Đã không có bước chuyển tiếp, không giai đọan qúa độ, không buổi giao mùa
mà tất cả đều bỗng nhiên, đột xuất, bất ngờ, thình lình…như may mắnb du học đã
thình lình đến với con. Chính vì thế mà ba mẹ thương con và ngưỡng mộ nghị lực
và khả năng hội nhập của con.
Nói
về nghị lực thì phải nói con gái của ba mẹ là cô bé giầu nghị lực từ thưở bé.
Không mấy khi con chịu buông xuôi, đầu hàng một công việc gì mà con đã bắt đầu.
Rất hiếm hoi thấy con thở dài, chán nản, chủ bại, tiêu cực trong tất cả những
gì liên quan đến đời con. Chẳng thế mà mẹ vẫn thường nòi với ba : “con bé Thư
Thư nhà mình bản lãnh qúa” . Mẹ khen con
đúng ý ba, nhưng ba còn nhận ra ở con cái bản lãnh của một tâm hồn đơn sơ,
khiêm tốn, luôn biết giới hạn của mình.Con biết đó, có nhiều thứ bản lãnh, có
thứ bản lãnh đậm nét kiêu căng, thứ bản
lãnh sánh đôi với ngược ngạo như hình với bóng, hay kiểu bản lãnh trùng tu “cái
tôi”, đầu tư khuynh hướng thống trị, kể cả bộ diện bản lãnh che giấu cái trống
rỗng đáng sợ của tâm hồn. Riêng con, con biết mình, biết giới hạn biết yếu
đuối, biết sở đoản, sở trường của mình, nên bản lãnh của con được quân bình vì
được xây trên nền móng nhân bản vững chắc là thái độ khiêm tốn của người biết
mình, biết xin lỗi khi sai phạm, biết cúi đầu tạ tội khi vấp ngã, biết đứng dậy
sau yếu đuối.
Từ
những ngày thơ bé, ba vẫn luôn nhắc nhở con phải khiêm tốn: khiêm tốn vì biết
mình có giới hạn, khiêm tốn để tôn trọng người khác, và con đã không quên lời
ba căn dặn, nên đi đến đâu, ở vào hoàn cảnh nào, con vẫn giữ được tâm hồn khiêm
tốn làm nền tảng cho đời sống của con. Cảm tạ Chúa đã giữ con đứng mãi trên nền
tảng khiêm nhường qúy báu và cần thiết này để mỗi ngày con trở nên người tử tế,
làm con hiếu thảo, làm vợ hiền thục, làm mẹ thương yêu, làm người tín hữu đạo hạnh, ngoan ngùy hơn.
Có
bản lãnh, con đã vượt qua những năm
tháng khó khăn khi gia đình mình gặp hoạn nạn. Ba mẹ còn nhớ, con đã đi
học mà không có gì dằn bụng, vì nhà mình nghèo qúa. Ba gặp nạn, mẹ tần tảo một
mình không đủ nuôi hai anh em con…Hôm nay nhớ lại những tháng năm thử thách,
khốn quẫn, cùng cực, nghèo nàn của nhà mình, ba mẹ còn thấy rùng minh khiếp sợ
và tự hỏi: làm sao đã có thể vượt qua mà không bị nghiền nát ? Ngoài ơn Chúa, tình yêu gia đình, nghị lực,
ba còn ghi nhận lòng qủa cảm, ý chí sắt đá, niềm tin phó thác và bản lãnh của
con.
Nhờ
được trui luyện trong gian khổ, thiếu thốn, con đã thành công sau vài tháng đến
Úc. Cụ thể là con đã tự đi tìm việc làm và nhờ đồng lương tuy bé nhỏ, vì con
vừa học vừa làm, con đã không cần đến trợ cấp hàng tháng
của ba mẹ. Trong thư gửi ba mẹ khi kiếm được việc, con đã vui mừng, hớn hở thưa
với ba mẹ : “Ba mẹ ơi, con vui lắm, vì công việc con làm vưà sức; lại thích hợp
với thời khoá biểu của con ở đại học. Lương tháng cũng khá, nên con đủ để trang
trải mọi chi phí. Nhưng điều con vui nhất, đó là từ nay, con xin phép ba mẹ cho
con được tự lo, và ba mẹ không cần phải gửi tiền sang cho con nữa”.
Đọc xong thư con gái mà ứa nước mắt. Con gái hôm
nào còn bé bỏng, nay đã ra đời và đi làm, có tiền tự nuôi thân, mà còn mua được
qùa biếu ba mẹ. Ôi, con gái của ba mẹ ơi, làm sao có thể tả được niềm vui của
ba mẹ khi thấy con trưởng thành,
tự bước đi trên đôi chân của mình và ý thức con đường trước mặt phải đi. Làm sao nói hết niềm tự hào ba mẹ
đang có về con, khi con gái yêu nơi xứ người xa xôi đang ngẩng cao đầu đi giữa
mọi người trên hành trình hướng về tương lai tươi sáng, ở đó con thực hiện được
giấc mơ đời mình và đạt lý tưởng mà từ tấm bé ba mẹ đã kín đáo và thận trọng
gieo trong con.
Ngày
con về nước thăm gia đình sau ba năm du học, ba mẹ và gia đình anh con mừng đến khóc khi đón con ở sân bay. Cũng sân bay này, ngày con
ra đi, ba mẹ đã khóc rất nhiều. Chỉ khác một điều là nước mắt hôm đón con về
thăm nhà đã mang hương lúa ngào ngạt của
hạnh phúc đang vỡ toang trong trái tim của người gieo giống sầu khổ hôm nào nay
vui mừng trở về với bó luá thơm vàng óng. Con về năm ấy đã đem một sinh khí mới
cho gia đình. Mẹ con vui như chưa bao giờ được vui. Niềm vui của mẹ hiền gặp lại con yêu. Con như bơi lội trong đại
dương tình mẫu tử, tình phụ tử, tình huynh đệ, tình bằng hữu. Ai cũng thương
con và “tranh giành” con… vì con thật
đáng yêu, đáng được cưng chiều. Con đáng yêu vì thay đổi nhiều, chững chạc hơn,
tế nhị hơn, siêng năng phục vụ hơn, và nhất là rất dễ thương. Con dễ thương
trong dáng dấp nhanh nhẹn, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ mọi người tong mọi công
việc. Con dễ thương trong ngôn từ thưa gửi đằm thắm, dịu dàng. Văn minh nước Úc đã ảnh hưởng trên con rất nhiều, đã
biến con gái của ba mẹ thành cô thiếu nữ yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống; nếp
sống nhân bản, nền văn hoá tình thương của xứ người đã đóng góp xây dựng tinh
thần phấn đấu, lạc quan, vị tha, bác ái nơi con. Ba mẹ vui vô cùng khi thấy con
năng động, tràn đầy nghị lực và ăm ắp niềm hy vọng. Chính những nét đẹp của một
con người tử tế nở rộ trong con đã làm ba mẹ hạnh phúc. Quà tặng lớn nhất con
đã cho ba mẹ ngày về thăm quê hương năm ấy chính là tinh thần yêu thương, phục
vụ, và thài độ khiêm tốn, tế nhị của
con, mà đến cuối đời món qùa ấy vẫn luôn
tuỳệt vời, qúy báu đối với ba mẹ.
Trong dịp về thăm nhà ấy, ba thấp thoáng thấy
suy nghĩ của con về con người, về cuộc đời, về hạnh phúc và những suy tư, nhận định của con đã chin chắn, trưởng thành, sâu sắc hơn nhiều
so với những năm trước khi con còn ở Việt Nam. Có lẽ cuộc sống tự lập đã dậy
con nhiều điều: Con không còn hời hợt khi đánh giá về giá trị cuộc sống; con
không vội vàng kết luận đúng sai; nhưng nhân từ hơn, bao dung hơn, cảm thông
hơn, nhẹ nhàng hơn… Và qua đó, ba hiểu, con đã chạm mặt và có kinh nghiệm nhiều
với truân chuyên, thất bại. Tuy kín đáo, ngắn gọn khi chia sẻ về cuộc sống sinh
viên bên Úc, nhưng ba mẹ đủ hiểu con đã gặp rất nhiều khó khăn và khó khăn lớn nhất chính là ngôn ngữ: tuy viết được, đọc được nhưng nghe
không hiểu gì, nên mỗi lần đến lớp là mỗi lần phải căng thẳng “chiến đấu”; bên
cạnh là khó khăn trong giao tế khi con
chưa quen với tâm thức, tập qúan, lối nhìn, cách suy nghĩ, chọn lựa của người
bản xứ. Nhiều cái mình cho là đúng thì với họ là sai. Nhiều điều mình nghĩ nên
làm thì họ xem như điều cấm kỵ phải tránh. Không thiếu những “trật giuộc, lệch phai”
giữa văn hoá á đông và văn hoá Úc đã làm thẹn thùng, khó nghĩ cả hai bên. Đời
sống với người ngoại quốc ít nhiều đã làm con “choáng” vì những “hiểu lầm”
trong ngôn ngữ, sinh hoạt, lối nghĩ, cách làm. Nhưng sau cùng thì con cũng vượt
qua tất cả…
Có
lần con gọi điện kể ba mẹ nghe việc con đón tiếp, hướng dẫn một số anh chị sinh
viên Việt Nam mới đến Úc trong vùng con ở. Nghe con kể, ba mẹ rất mừng vì thấy
con không ích kỷ, co cụm, nhưng biết chia sẻ những kinh nghiệm qúy báu của mình
cho người khác và tận tâm, chu đáo giúp đỡ những người đến sau. Ở quê người,
giữ được tình đồng hương là việc làm cao qúy. Ba mừng vì con gái của ba mẹ đã
không vội quên nguồn gốc và từ chối đồng hương của mình. Hãy tiếp tục sống tinh
thần tương trợ, yêu thuơng dân tộc, quê hương này nghe con. Đừng mất gốc, đừng
chối bỏ nguồn gốc Việt Nam của mình, vì chối bỏ cội nguồn, quê hương là điều
đáng khinh, đáng buồn hơn cả.
Thế
rồi, con ra trường sau 5 năm miệt mài đèn sách, tuy vẫn đi làm thêm để có tiền
trang trải tiền nhà, tiền ăn, tiền học. May mắn tìm được việc đúng ngành học,
con thực sự vào đời một cách toàn diện và gia đình rất đỗi vui mừng, phấn khởi
trước thành công của con.
Vào
một ngày cuối thu, con gọi điện về xin thưa chuyện với ba mẹ. Vừa nghe chất
giọng trang nghiêm, ba hiểu ngay con
muốn nói gì … Ôi thêm một niềm vui lớn nữa, sau niềm vui con có việc làm vững
chắc. Ba mẹ chỉ còn biết tạ ơn Chúa khi con trình bầy về người con yêu và quyết
định đi đến hôn nhân của con với người ấy.
Ai
đã bảo con không nghĩ đến tương lai? Ai đã bảo con hời hợt, nông nổi, vô lo ?
Ai dám nghĩ con mơ mộng, thiếu thực tế ? Không, ngàn lần không. Bằng chứng là
con đã phấn đấu rất nhiều để có một tương lai và trong “tương lai” ngày càng
sáng đó, con đã kín đáo chuẩn bị một mái
ấm gia đình.
Con
đã không nói với ai, ngay cả với ba mẹ nhưng chờ khi tất cả
chín mùi, con mới “mạc khải” chuyện trăm năm. Nghe con kể về chàng và
gia đình chàng, ba mẹ thật sự an lòng. Đón nhận tin vui với tất cả niềm tri ân,
cảm tạ Thiên Chúa, ba mẹ xin phó thác đời sống mới của con cho Ngài và gửi gắm
con một vài tâm sự của người đã yêu thương, sinh ra và dưỡng dục con, trước khi
con vào đời làm vợ, làm mẹ, làm con dâu.
Con
gái yêu qúy của ba mẹ,
Ngày
tiễn con đi du học đã là ngày con đi rất xa đối với ba mẹ, nhưng sắp tới đây
khi con theo chồng, với ba mẹ ngày ấy
con còn đi xa hơn nữa, không chỉ xa về độ dài không gian, mà còn xa trong
khoảng cách tâm lý. Vẫn biết con đi lấy chồng là đại hỉ, nhưng tâm hồn ba mẽ
nghe mênh mang, da diết thế nào ấy, con ạ …
Lấy
chồng, con sẽ bưóc vào cuộc đời mới, với nếp sống mới, gia đình mới, điều kiện
mới, nhu cầu mới, đòi hỏi mới, bổn phận mới và thêm một lần nữa con sẽ bỡ ngỡ vì xa lạ, chưa
quen. Con sẽ bỡ ngỡ với đời vợ chồng, xa lạ với nếp sống nhà chồng. Con sẽ
“chân ướt chân ráo” bước vào nhà chồng, như đã ngỡ ngàng bước chân xuống sân
bay Sidney ngày nào.Vì thế, ba mẹ sẽ lại một lần nữa cùng con băn khoăn, khắc khoải, Chính
trong khắc khoải, băn khoăn này, ba mẹ gửi gắm con những dòng tâm sự.
Thư Thư ơi,
Hãy
ghi nhớ những điều ba mẹ dặn. Những điều này không chỉ là kinh nghiệm sống mà
ba mẹ đã từng trải, mà còn là tâm tình sâu sa, tha thiết, dấu ái nhất ba mẹ gửi
con:
1.
Con hãy nhìn
tất cả những gì xẩy đến trong đời con như
Hồng Ân:
Có thể đôi lúc vì say men chiến thắng khi đứng
trước những thành qủa sáng chói của mình,
con đã chợt quên mình là người đã nhận được rất nhiều từ người khác và
tính háo thắng nổi cộm có thể đã làm con
ngạo mạn, kiêu căng. Ngôn ngữ thời thượng gọi là « chảnh » …Vì thế,
ba mẹ dặn con hãy luôn biết nhận ra đời mình là một hồng ân vô cùng lớn lao
được Thiên Chúa ban tặng. Có ý thức đời mình là một hồng ân, con mới trân qúy
cuộc sống, trân qúy sự sống, trân qúy mọi người sống quanh con.
Trước
hết, con hãy trân qúy sự sống của con, vì hơn tất cả, đó là giá trị tuyệt đối,
tuyệt đối ở chỗ : con chỉ nhận sự sống một lần, nên đánh mất sự sống, con
sẽ không sống nữa. Sự có mặt của con trong dời là một ơn gọi : ơn gọi làm
người. Trong ơn gọi làm người, con sẽ chu toàn bổn phận làm con, làm vợ, làm mẹ,
làm tín hữu. Ơn gọi đến từ Thiên Chúa và được đáp trả bởi con. Chính trong
tương quan Gọi –Thưa này mà con được hạnh phúc ; bởi chính Chúa là nguồn
của mọi hạnh phúc và chỉ trong Ngài, con mới tìm được hạnh phúc tròn đầy, viên
mãn, vĩnh cửu.
Trân
trọng sự sống của con, cũng chính là trân trọng những sự sống do con và từ con
được phát sinh ; vì Thiên Chúa trao cho con sứ mệnh làm vợ làm mẹ để cộng tác với Ngài trong việc tạo nên sự sống,
sinh ra những con người sống. Hãy trân qúy và tận tình chăm nom những sự sống,
con người sống này, vì mỗi sự sống được sinh ra từ cung lòng con là một nụ hoa
làm đẹp đời con, trang điểm tâm hồn con, làm giầu gia nghiệp thiêng liêng của
con.
Hồng
ân được sống làm người là hồng ân lớn nhất mà mỗi người phải ý thức để không
ngừng tạ ơn. Ý thức sự sống là hồng ân, con sẽ yêu mến sự sống, tôn trọng sự
sống, bảo vệ sự sống, và nhất là phát triển ; xây dựng sự sống. Con hãy
tập nhìn mọi người sống chung quanh con là qùa tặng qúy báu của Thiên Chúa và
tìm kiếm hình ảnh tốt đẹp của Thiên Chúa trong họ. Đức bác ái bắt đầu nẩy mầm từ cái nhìn đức tin khi con nhìn
người khác như đang chiêm ngưỡng chính Thiên Chúa trong họ và bài học con
thường xuyên phải ôn tập là quang cảnh ngày thế giới loài người gặp lại Đức
Kitô trong vinh quang của Ngài, ở đó, mỗi người, trong đó có con, có ba mẹ sẽ
được khen thưởng do ý nghĩ tốt, cái nhìn tốt, việc làm tốt đã thực hiện nơi
những người anh em bé nhỏ, thiếu thốn, bị bỏ rơi. Con hãy nhớ : Thiên Chúa
sẽ chỉ hỏi ta về tình yêu ta dành cho
người khác, và khi người khác được yêu thương, chính là sự sống con người được
gìn giữ, tôn trọng. Bởi Thiên Chúa là nguồn sống, là Đấng ban sự sống, là Thiên
Chúa của người sống, Thiên Chúa hằng sống, nên sự sống của con người là vinh
quang của Thên Chúa. Con hãy làm vinh danh Thiên Chúa bằng trân qúy sự sống của
người khác bằng làm cho cuộc sống của họ xứng đáng hơn, đời sống của họ tốt đẹp
hơn, lẽ sống của họ sáng ngời hơn, và hạnh phúc sống của họ được dồi dào, tròn
đầy, viên mãn. Và đứng đầu danh sách những
sự sống được con tận tụy chăm
sóc, chính là chồng và con cái của con sau này.
2.
Giới
hạn của con người :
Tuy
là một hồng ân, nhưng kiếp người có giới hạn, vì con người là thụ tạo, không
phải Thiên Chúa. Chính vì là thụ tạo mà con người bị ràng buộc bởi không gian
và thời gian. Thời gian bắt con người đi từ trẻ đến già, từ tuổi thơ đến tuổi
già. Ở vào tuổi già khắc nghiệt, con người sẽ ngao ngán sống khi không còn đủ
sức tự lập, tự quyết. Nơi chốn cũng trói
chặt chân người : ở đâu biết đó, không thể một lúc có mặt ở nhiều nơi.
Những giới hạn từ đó phát sinh sẽ làm con người hoảng hốt, kinh hãi, có khi
trốn tránh cuộc đời, nguyền rủa sự sống, từ chối kiếp nhân sinh làm người. Khi
đó, hồng ân được làm người biến thành tai họa làm người, định mệnh bất hạnh, số
kiếp đầy tai ương.
Riêng
con, con hãy ý thức mình có giới hạn. Giới hạn tức không vô hạn. Giơi hạn tức
tương đối, không tuyệt đối. Ý thức giới hạn của con người sẽ giúp con bình an
trước những thiếu sót, khiếm khuyết, lỗi lầm của chính mình. Ý thức con người hữu hạn để cảm thông, bao dung những yếu
đuối, sơ suất của người khác và không bao giờ vội vàng, hồ đồ, nhẫn tâm khắt
khe lên. Ý thức đời người có giới hạn giúp con khiêm tốn dựa vào Chúa, và cậy
đến lòng tốt của nguời khác; đồng thời
cho con biết mở cửa lòng để nhận lãnh và cho đi. Đừng chỉ biết nhận, vì
chỉ nhận mà không cho đi, con sẽ là người ích kỷ, chỉ ki bo, co cụm, vun vén
cho mình. Cũng đừng chỉ cho đi mà không biết nhận, vì chỉ cho mà không nhận sẽ
đẩy con đến kiêu căng, ngạo mạn khi nghĩ mình chẳng cần ai, chẳng phải nương
cậy, trông chờ bất cứ một người nào. Người « bất cần đời, phớt tỉnh ăng lê
thiên hạ » thường là người tự phụ, tự mãn, khinh người, hách dịch. Trái
lại,hãy sống tình tương trợ, biết đón nhận và biết cho đi, biết chịu người khác
phiền đến và cũng khiêm tốn phiền người khác khi không thể tự lo, tự giả quyết.
Vì cuộc sống có giới hạn và cánh tay mỗi người không đủ dài để tự lo cho mình
hết mọi sự, tự giải quyết cho mình hết mọi cảnh huống, nên con người cần đến
nhau để tồn tại vaàphát triển, cũng như hạnh phúc của mỗi ngươi tùy thuộc ở
nhiều người và không người nào đã có thể sống hạnh phúc đơn độc, nhưng luôn cần
đến người chung quanh để được hạnh phúc.
Ý
thức giới hạn làm người khi ấy trở thành chià khoá vạn năng mở cửa lâu đài hạnh
phúc. Người biết mình có giới hạn sẽ không thất vọng trước thất bại, không nản
chí trước thử thách, không suy sụp trước đổ vỡ, không bỏ cuộc khi gặp khó
khăn.Nhưng có khiêm tốn, hy vọng, can
đảm, kiên nhẫn như hành trang vào đời. Với khiêm tốn, họ biết mình yếu, luôn
cần được trợ giúp, yêu thương. Với hy vọng, họ xác tín không bao giờ đường đời
là đường cùng. Với can đảm, họ lên đường bằng đôi chân tin tưởng. Với kiên
nhẫn, họ chờ ngày hạt luá nẩy mầm, lớn
lên sau khi đã lặng lẽ, âm thầm chịu thối rữa trong đất.
Biết
mình có giới hạn, con sẽ hiền lành, dịu dàng hơn với chồng con, sẽ nhân bản, dễ
chịu hơn với mọi người. Thái độ đơn sơ, hồn nhiên, và cung cách dễ gần, dễ cảm
thông sẽ làm mọi người thích ở gần con, thích cộng tác với con, và như thế, con
sẽ là người hạnh phúc, vì được mọi người kính trọng, yêu thương.
Biết
mình có giới hạn sẽ giúp con thăng tiến mỗi ngày ; bởi người kiêu căng
không nghĩ mình còn thiếu, còn cần, nên chẳng thèm học hỏi, xây dựng, phát huy
nhân cách, khả năng. Khác những người kiêu ngạo « coi trời bằng vung, nhìn
đời bằng nửa con mắt », con hãy tận dụng thời giờ để tự hoàn chỉnh, tự
nâng cấp, tự cải thiện để hôm nay tốt hơn hôm qua, và ngày mai kiện toàn hơn
hôm nay. Cứ « nhẩn nha » và từng bước một, ba mẹ tin chắc con gái cưng
của ba mẹ sẽ là người vợ đảm đang, người mẹ hiền, người con ngoan đem ại hạnh
phúc yêu thương cho gia đình và mọi người.
3.
Phục
vụ trong niềm vui :
Trước
mắt con là tương lai làm vợ, làm mẹ. Để thực hiện ơn gọi này, con sẽ đi chung
tuyến đường của ba mẹ đã đi, đúng ra là con đường Chúa muốn chúng ta đi. Con đường này mang tên
đường tình yêu, bởi làm vợ là thực hiện thiên chức yêu thương, làm mẹ cũng là
thể hiện ơn gọi yêu thương. Có yêu thương, vì yêu thương, con mới đi vào hôn
nhân để xây dựng một tổ ấm yêu thương; có yêu thương, muốn yêu thương, con mới
dấn thân chuẩn bị đời làm mẹ để yêu con, thương con, sống chết vì hạnh phúc của
con.
Yêu
thương đòi phục vụ, vì không tình yêu nào không đòi hy sinh vì người mình yêu,
mà hy sinh tức phục vụ quên mình. Khi yêu nhau, người ta hy sinh chính mình cho
người mình yêu, chứ không hy sinh người yêu vì mình. Đường tình yêu chỉ có một
chiều “hy sinh phục vụ”, chứ không ngược xuôi
chen lẫn chiều ích kỷ, hưởng thụ.
Tuy
phục vụ là điều kiện và dấu ấn của một tình yêu đich thực, nhưng không phải
tình yêu nào cũng cùng một mức độ, và phục vụ nào cũng chung một kiểu cách. Có
nhiều mức độ cao thấp khác nhau trong tình yêu: có thứ tình chung chung, vừa
phải; có thứ tình bay bướm xôn xao nhưng chẳng đi về đâu; có thứ tình khít
khao, đủ điểm để không bị đánh rớt; bên cạnh là tình hy sinh hết mình, tình tận tụy hết sức, tình trung tín đến cùng.
Phục vụ cũng không cùng thái độ, cung cách: có kiểu phục vụ hình sự; nghiã là
phục vụ với bộ mặt buồn rầu đưa đám; phục vụ chằm dằm, bực bội; nghiã là phục
vụ một cách bất đắc dĩ, bị bó buộc, cưỡng chế; có cả kiểu phục tiếp thị, thiều
chân thực, phục vụ thủ lợi, ăn người, tính toán. Bên cạnh những kiểu phục vụ bị
thoái hoá vừa kể là phục vụ quên mình, phục vụ vô vị lợi, phục vụ chân thành,
phục vụ kín đáo âm thầm, phục vụ trong niềm vui.
Phục
vụ trong niềm vui là cách phục vụ tuyệt vời nhất của một trái tim yêu thương
nồng nàn, tha thiết, say mê nhất. Đầy tớ cũng phục vụ ông chủ đấy chứ, nhưng đó
là phục vụ ở mức độ tình yêu thấp, không thể so sánh với phục vụ hết mình của
một trái tim yêu thương hết tình như con đang yêu chồng và sẽ yêu con cái, cháu
chắt sau này.
Hãy
chọn cung cách phục vụ trong niềm vui; bởi niềm vui sẽ làm nhẹ gánh “vất vả”,
niềm vui ban thêm nghị lực, tăng sức chịu đựng, nhất là niềm vui luôn cưu mang, sinh sản và nuôi lớn
các niềm vui khác. Chồng con sẽ vui vì thấy con vui. Phục vụ chồng con mà bẳn
gắt, bực bội, cau có, đay nghiến, giận dữ thì phục vụ mất hết ý nghiã của một
tình yêu tự nguyện dâng hiến. Phục vụ gia đình mà bai bải kể công, oang oang
thách thức, luôn miệng nạt nộ, đe dọa thì còn gì giá trị của tình yêu quên
mình. Phục vụ người thân yêu mà gào thét, sừng sổ, nặc mùi khói lửa, bạo lục
thì hòi tình yêu làm sao còn đất sống trong phục vụ. Vì thế, phục vụ mà thiếu
nụ cười trên môi, thì người được phục vụ sẽ chẳng mấy vui và hạnh phúc. Phục vụ
mà vắng tiếng cười hào sảng, vắng hài hước vui tươi thì người được phục vụ
tưởng mình là tù nhân đang bị tra tấn. Hãy phục vụ trong niềm vui để con được
là người vui thứ nhất; sau đó là những người thân yêu của con, họ sẽ được hạnh
phúc trong niềm vui sung mãn, dồi dào của con.
Cũng
như “của cho” và “cách cho”. Của cho không quan trọng cho bằng cách cho. Quà
tặng có qúy giá, đắt tiền, qúy hiếm đến đâu, nhưng không biết cách trao tặng
thì món quà ấy cũng chẳng mang lại một giá trị hạnh phúc nào. Cũng thế, phục vụ
là giá trị không thể chối cãi, nhưng cung cách và thái độ khi phục vụ lại là
điều kiện quan trọng để phục vụ giữ được giá trị đích thực của mình.
4.
Tình
yêu giải quyết được tất cả:
Nếu
tất cả những gì con “là”, con “có” hôm nay và sẽ “là”, sẽ “có” ngày mai đều là
hồng ân, thì nguồn mạch của hồng ân ấy chính là tình yêu. Con làm người là do
tình yêu Thiên Chúc gọi con vào đời. Con nên người là do tình yêu ba mẹ sinh
ra, nuôi dưỡng, giáo dục và ủ ấp, bao
bọc con. Con có được kiến thức, và bạo dạn bước đi trên đôi chân của mình trên
đường đời muôn lối là do gia tộc, thầy cô, ân nhân, bạn hữu yêu thương đồng
hành. Không gì đã đi ngoài qũy đạo của tình yêu, không cánh én nào đã bay lệch
đường băng của trái tim, nếu muốn đóng góp làm nên muà xuân cuộc đời.
Có
những khó khăn tưởng đã không thể vượt qua, nhưng khi tình yêu xuất hiện, khi
trái tim rộn ràng, xôn xao, bùng nổ, tất cả những khó khăn ấy, dù khó đến đâu
xem ra đều phải nhường bước, thối lui; bởi tình yêu là một sức mạnh không gì có
thể chống cưỡng được. Con đã có kinh nghiệm này khi bước vào đường tình. Những
chông gai, trắc trở trên đường đến với người yêu đã không hề làm chùn bước chân
con. Những rào cản , tường thành, hàng rào kẽm gai giăng kín, kiên cố đã không
làm nản lòng con muốn gặp người con yêu, vì tình yêu vũ bão, điên cuồng, khủng
khiếp đến nỗi người ta có thể chết cho nhau khi hết tình, hết mình yêu nhau.
Bước
vào đời hôn nhân, con gái của ba mẹ sẽ
yêu hơn bao giờ hết; vì hôn nhân là chọn lựa hiến thân của hai người yêu nhau. Họ tự nguyện hiến thân để trở nên
một trong nhau, hiến thân để chia sẻ cho nhau tất cả. Hiến thân để biểu lộ mức
độ tột cùng của hiệp nhất. Họ “hiến thân được” cho nhau, và “được hiến thân”
cho nhau là vì họ đã lên đến cao điểm của một tình yêu được bình bầu là tình
yêu lý tưởng, tình yêu tuyệt vời, tính yêu vợ chồng, tình yêu trăm năm, tình
yêu vĩnh cửu, tình yêu bất tử, tình yêu thần thánh.
Tĩnh
từ nào trong tình yêu đôi lứa, ngôn từ nào trong tình yêu hôn nhân cũng cực tả
độ cao ngút ngàn và độ sâu thăm thẳm của
tình hai người cho nhau. Chính vì thế, hôn nhân đánh dấu bước ngoặt quan trọng
của tình yêu hai người, cũng như tạo nên ấn tượng khó phai trong lịch sử của
đời hai người yêu nhau. Từ nay, họ trở nên “một xương một thịt”, đồng hành trên
một tuyến đường, cùng nhìn về một
hướng, chia sẻ một thân phận, gánh chung
một số kiếp, mang nặng một định mệnh, chung hưởng một tương lai. Vì thế, phải
yêu nhau rất nhiều, yêu nhau rất sâu, yêu nhau rất đậm, yêu nhau rất thiết tha,
mặn nồng mới có thể chung một đời làm chồng làm vợ; nghiã là suốt đời “nên một
trong thân xác, tâm hồn”; trọn đời son sắt, thủy chung.
Cũng
chính trong tình yêu hôn nhân lớn lao, vĩ đại, và mạnh hơn sự chết này mà con
có quyền tin tưởng đời con sẽ hạnh phúc; bởi nhờ có tình yêu, con có khả năng,
nghị lực giải quyết mọi vấn đề dù nhiêu khê, rướm máu, nghiệt ngã đến đâu. Nếu
ngưòi ta hy sinh hết được cho nhau, và
chết vì yêu nhau thì những tai nạn,
sự cố không thể tránh được trong đời
sống hôn nhân đâu có thể trở thành lý do làm hai người yêu nhau hết thương
nhau, hay nguyên nhân dẫn đến ly hôn, ly dị. Nếu tình yêu có sức mạnh thần
thánh để hoá giải tất cả và hoà giải mọi người, mọi nơi, mọi lúc thì những yếu
đuối, vấp váp, sơ sót, khiếm khuyết khó tránh được trong đời sống gia đình
không thể biến thành nguy cơ đưa đến bất hoà, xung đột, đổ vỡ. Nếu tình yêu là
thần dược của hạnh phúc thì những trái gió trở trời khó tránh trong đời sống
chung sẽ không có cửa để di căn, đột biến thành trầm kha, nan y, hết thuốc
chữa.
Vì
thế, tin vào tình yêu, con cũng hãy tin vào sức mạnh vạn năng, nhiệm mầu của
tình yêu có thể chữa lành tất cả, băng bó tất cả, xoa dịu tất cả, sửa chữa tất
cả, đổi mới tất cả, hoàn thiện tất cả; bởi tình yêu đích thực, như thánh Phaolô
viết, thì “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự
đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi
hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.
Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1
Cr 13, 4-7). Tin vào tình yêu với tâm tình thánh thiện của người tín hữu, ba mẹ
chắc chắn con sẽ vượt qua được tất cả những thách đố của đời sống hôn nhân luôn
đòi nhiều cố gắng, phấn đấu, hy sinh.
Thư
Thư ơi,
Ba
mẹ ước mong tình yêu trong tim con đang ngùn ngụt cháy bỏng trong chuyến tầu
hạnh phúc sắp tới bên chồng. Trong chuyến đi này, con sẽ kiều diễm bên hoàng tử
của lòng con; sẽ xinh xắn trong trang phục của ngày vui nhất đời; sẽ rạng rỡ
trong vòng tay âu yếm của người con đã
chọn làm chồng. Và mọi người sẽ được chung niềm vui ngày cưới của con.
Hôm
ấy trời sẽ thanh, mây sẽ xanh, nắng sẽ lành và con gái của ba mẹ sẽ đẹp như
tranh..Con sẽ đẹp trong tình yêu của chồng, và tình thương của mọi người. Con
sẽ đẹp trong lời thề hứa trang trọng, thánh thiện trước mặt Chúa và Giáo Hội.
Con sẽ đẹp trong dáng dứng dấn thân giữa lời kinh, tiếng hát từ nhiều tâm hồn đang khẩn khoản van nài cho
con ơn phù trợ. Con sẽ đẹp trong giọt lệ tri ân lăn nhẹ trên má. Con sẽ đẹp
trong nụ cười mãn nguyện của người được yêu. Và con sẽ đẹp như con thơ nhỏ bé
dưới mắt nhìn âu yếm của Thiên Chúa, cha chúng ta.
Ngày
vui ấy, ba mẹ sẽ một lần nữa cùng con dâng lời cảm tạ: cảm tạ Thiên Chúa đã cho
con làm người; cảm tạ tổ tiên, ông bà, gia tộc đã nâng niu, uơm trồng tuổi
đời con; cảm tạ ân nhân, bạn hữu và mọi
người đã chở che, đồng hành trên đường
đời con dong duổi. Và gia đình mình sẽ ngụp lặn trong niềm vui tri ân ấy.
Con
gái yêu của ba mẹ,
Viết
cho con những dòng tâm sự trong ngày con thành hôn, ba mẹ muốn chia sẻ niềm vui đang xôn xao dâng trào trong
tim ba mẹ. Ba mẹ vui vì con đã lớn và thực sự trưởng thành. Niềm vui lớn thấy
con thành đạt cộng chung niềm vui bao la ngày con thành hôn làm ba mẹ lâng
lâng, ngây ngất như đi trong mơ. Và đúng như thế, con đã cho ba mẹ vinh dự
vinh dự được sống trong đời thực giấc mơ
lớn nhất của đời làm cha mẹ : Hạnh Phúc của con gái dấu yêu, Lê Phạm Thư Thư.
Viết thay ba mẹ Lê
Văn Quang- Phạm Thị Nguyệt