Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

TIN MỪNG BÌNH AN


1.      Bình an của Giáng Sinh và Phục sinh
Đêm Noel chúng ta long trọng và phấn khởi, hân hoan hát kinh Vinh Danh : “Vinh Danh Thiên Chùa trên các  trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.  Sau 4 tuần muà vọng im lìm tiếng hát Vinh danh. Chúng ta hát vang Bình An của Hài Nhi Giêsu, là Con Thiên Chúa mang đến cho nhân loại trong đêm Ngài xuống trần gian làm người.
Chúng ta hát Bình An là mơ ước của con người, vì hạnh phúc lớn nhất của con người là được bình an : bình an trong tâm hồn, bình an trong gia đình, bình an trong cộng đoàn, bình an trong thôn xóm, bình an trên quê hương, đất nước, bình an cho toàn thể nhân loại, cho hết mọi quốc gia. Người ta có thể có tất cả mọi thứ, mọi sự, mọi quyền hành, phương tiện xa hoa, sung túc, nhưng thiếu bình an, dù là bình an trong tâm hồn rất kín đáo, âm thầm, hay bình an trong gia đình mà ai cũng thấy được, chúng ta sẽ không được kể là người hạnh phúc. Và mức độ có bình an, được bình an đánh giá, định lượng, đo lường hạnh phúc của chúng ta.
Rồi đêm vọng phục sinh, cũng với niềm vui khấp khởi, rạo rực, chúng ta lại cùng cất tiếng hát kinh Vinh Danh, sau mùa chay dài lặng lẽ xám hối, ăn năn, và tuần thánh tử nạn im lìm, nặng nề một gánh tang thương, chết chóc.  Tất cả các bài Tin Mừng trong lễ phục sinh và trong tuần bát nhật phục sinh đều kể về những lần Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các tông đồ, môn đệ, và lần nào có mặt giữa các ông, Đức Giêsu phục sinh đều âu yếm chúc bình an, ân cần ban bình an của Ngài cho họ. Chỉ trong một đoạn trình thuật ngắn, có đến hai lần Đức Giêsu phục sinh nói với các môn đệ : Bình an cho anh em : “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái”. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.”. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em. Như Chúa Cha sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20, 19-21).   
Khi sinh ra, vì còn bé qúa, chưa biết nói, nên Đức Giêsu đã nhờ các thiên thần xuống báo tin vui : Bình an cho người thiện tâm dưới thế. Nhưng khi sống lại từ cõi chết, thì chính Ngài đã ban Bình an của Ngài cho các môn đệ.
Từ khởi điểm của công trình nhập thể cứu chuộc là biến cố Giáng Sinh cho đến đích điểm là biến cố phục sinh từ cõi chết, Đức Giêsu chỉ loan báo một Tin Mừng Bình An. Xem  chừng bình an là  món qùa lớn , rất lớn mà Thiên Chúa muốn ban cho con người. Và nếu là qùa của Thiên Chúa ban, thì nhất định, bình an không thể là một ý niệm vu vơ, một bánh vẽ chúng ta tạo ra để lừa phỉnh nhau, hay một quan niệm trừu tượng, mơ hồ, không thực và bất khả thi; trái lại, nếu Đức Giêsu đã bắt đầu cuộc đời làm người của Ngài qua tin vui Bình An cho người thiện tâm được các thiên thần loan báo trong đêm Giáng Sinh, và kết thúc nhiệm cuộc làm người để cứu độ của Ngài bằng ân cần âu yếm ban Bình An như qùa tặng cho nhân loại, qua trung gian các tông đồ, thì chắc chắn bình an phải là một giá trị có thực, một thực tại gắn liền với con người, một  sự thật sống động và có mặt trong đời người, đặc biệt bình an phải là một giá trị rất qúy báu, một kho tàng vô giá mà con người của mọi thời, mọi nơi hằng khao khát, miệt mài, dầy công đi tìm, vì cuộc đời sẽ không thể là cuộc đời có ý nghiã, cuộc đời đáng sống, cuộc đời đẹp,  nếu thiếu bình an.

Vâng, quả thực bình an là hạnh phúc đích thực mà con người ở mọi nơi,  mọi thời, từ  ông bà nguyên tổ đến người sau cùng rời bỏ sự sống trên thế giới này đều mong ước đi tìm. Chúng ta nhìn vào ông bà nguyên tổ trong vườn Địa Đàng, sau khi phạm tội, để hiểu rõ hơn giá trị của Bình An. Sách Sáng Thế đã chi tiết trong tường thuật này và mạch lạc diễn tả: 
·         Ađam , Evà đã một thời rất bình an, nhưng chỉ một thời bình an khi còn ở trong tình nghiã cha con với Thiên Chúa, nhưng rồi sau đó “mất bình an”; mất bình an nên mới ngượng ngùng , bối rối trả lời Thiên Chúa  khi Ngài hỏi : “Ngươi ở đâu ? ”: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi, vì con trần truồng, nên con lẩn trốn” (St 3,10).
-           Con nghe tiếng Ngài: Nghe thấy tiếng Thiên Chúa lúc này thật là một hình phạt, vì tiếng ấy xé nát tâm can con người bất tuân, phản bội.
-          Con sợ hãi: Tâm can bất ổn vì tội phản nghịch đã làm mất “thiện tâm” nơi con người, vì thế khi đánh mất thiện tâm,  con người sẽ “không dám giáp mặt Đức Chúa là Thiên Chúa”, nhưng sợ hãi, hốt hoảng, lo âu (St 3,8).
-          Vì con trần truồng.”: Người ta không bình an khi sợ hãi, nhưng tại sao con người sợ hãi ? Thưa vì thấy mình trần truồng. Từ ngữ trần truồng trong Kinh Thánh có một ý nghiã đặc biệt : con người không còn nơi bám víu, nương tựa; là tình trạng hoàn toàn trống vắng, cô độc, mất điểm tựa, mất hướng đi, mất hy vọng, mất  tất cả. Ở trong tình trạng này, không ai có thể bình an. Đức Kitô trần truồng trên thánh giá cũng đã trải nghiệm giây phút cô độc, trống vắng, mất hy vọng này khi Ngài đau đớn thốt lên : “Lậy Cha, sao Cha bỏ con ? ”. Trần truồng của ông bà nguyên tổ là tình trạng mất hết tương quan Cha Con với Thiên Chúa, mất hết thiện tâm, thiện ý, thiện chí. Tắt một lời là mất chính Thiên Chúa.
-          Nên con lẩn trốn”: Và việc làm sau cùng của tiến trình mất bình an, chính là lẩn trốn. Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta thấy: bất cứ cuộc bỏ trốn nào cũng là dấu chỉ, dấu hiệu, dấu chứng của mất bình an. Trốn chủ nợ,  trốn thuế, trốn nghiã vụ quân sự, trốn quân địch, trốn công an truy lùng, trốn đi vượt biên, trốn người quen vì thay đổi lý lịch, trốn kẻ thù, trốn dư luận, trốn con mắt người đời… Tóm lại, bất kỳ trốn ai, trốn cái gì đều làm con người bất an, lo âu, sợ hãi. 
Như thế, con người bị tội lỗi làm mất bình an, nhưng tội lỗi đã làm gì để con ngưòi phải mất bình an ?
a.    Tội lỗi đã vào thế gian qua đường bất vâng phục Thiên Chúa:
Có 2 loài thụ tạo có khả năng bất tuân phục vì có tự do lựa chọn, đó là thiên thần và con người:  
·         Vì bất tuân phục mà Luciphe đã bị cắt đứt tương quan tình nghiã  với Thiên Chúa. Luciphe và bè lũ không còn là  “thiên thần phục vụ trước Thiên Nhan” vì không còn tình nghiã với Thiên Chúa.
·         Vì bất tuân phục, nguyên tổ cắt đứt tương quan tình nghĩa với Thiên Chúa, khi ăn trái cấm, nên không còn là con Thiên Chúa nữa, vì vơi ơn cạn tình với Thiên Chúa.
b.    Bất tuân phục vì không tín nhiệm và yêu mến:
Nếu đã tin và yêu mến người nào, ta sẽ vâng phục người ấy, vì trước hết không muốn người ấy buồn, không muốn người ấy nghi ngờ tình yêu của ta dành cho họ, vì tin người ấy dù làm gì, làm cách nào, làm kiểu nào, làm khi nào, làm ở đâu cũng làm vì thương ta, yêu ta, vì muốn xây dựng cho ta . Tóm lại, ta tin người ấy lúc nào cũng mong muốn ta được hạnh phúc, “được sống và sống phong phú, dồi dào” (Ga 10, 10).
* Luciphe đã không tin Thiên Chúa là Chủ Tạo và mình là thụ tạo, nên đã kiêu căng  “muốn bằng Thiên Chúa.”
* Nguyên tổ đã không tin Thiên Chuá dành hết mọi loài, mọi sự cho hạnh phúc của mình, nhưng nghĩ Thiên Chúa còn dấu mình nhiều sự, nhiều điều, mà nếu mình tự khám phá ra, mình sẽ không thua gì Thiên Chúa. Nghiã là không chấp nhận chỗ đứng chủ tạo và Cha nhân từ, yêu thương của Thiên Chúa.
Như thế, căn nguyên, cội rễ của tội là không tín nhiệm Thiên Chúa, không yêu mến Thiên Chúa , nên không muốn vâng phục Ngài. Tội bắt nguồn từ thiếu tình yêu, vắng tình yêu, cạn kiệt tình yêu, hạn hán tình yêu, không còn tình yêu đối với Thiên Chúa, với anh em và với chính mình. Như thế, là tội nặng khi tình yêu bị tổn thương, xúc phạm  nặng nề, và tội nhẹ khi bổn phận đối với tình yêu không được chu đáo, trọn vẹn thi hành.
c.    Không tình yêu, tín nhiệm, mọi tương quan sẽ bất ổn :
 Bất ổn trong tương quan với Thiên Chúa, bất ổn trong tương quan với tha  hân, bất ổn trong tương quan với chính mình:
·         Mất tương quan Cha - Con với Thiên Chúa, ra khỏi vùng phủ sóng của lòng thương xót.
·         Mất tương quan anh em với người khác, vì ghen  tương, ganh ghét:  Qua câu chuyện Cain - Abel trong Sáng Thế 4,1-10, chúng ta nhận thấy :
-          Cain và Abel là con cùng cha cùng mẹ là Ađam và Evà, nhưng không vì thế mà tự nhiên sẽ thương yêu nhau. Trái lại, Cain ganh ghét em Abel đã đi đến bạo lực giết em mình. Điều này cho thấy: người ta không là anh em một cách tự nhiên, nhưng phải học làm anh em, dù là anh em cùng cha cùng mẹ.
-          Tình yêu không tự nhiên mà có, nhưng phải kiếm tìm, xây dựng bằng đề phòng cẩn mật lòng ganh ghét, ghen tuông luôn rình rập và “nằm ở ngưỡng cửa nhà” mỗi người.
-          Tội lỗi bắt đầu từ thiếu tình yêu, là cơ hội cho lòng ghen tuông, ganh ghét bùng lên thống trị, lộng hành.  Ghen tuông là sự vắng mặt của tình yêu, là tội chống lại tình yêu, là chính tội lỗi đã hủy hoại tất cả bình an, hạnh phúc của con người, đốt cháy mọi tương lai, hy vọng.  Ghen tuông đưa đến bạo lực vì đích tới của ghen tuông luôn là tiêu diệt, khử trừ đối phương, xoá tên địch thủ. Bởi thế, khi ghen tuông, người ta luôn  tìm cách diệt đối thủ, lập trình âm mưu và ma giáo thủ đoạn để làm cho đối phương không còn hiện hữu.
-          Do đó, điểm tới của ghen tuông, ganh ghét chính là bạo lực tiêu diệt, như Cain đã dụ em mình ra đồng để giết chết.
-          Hậu qủa của ghen tuông là làm xáo trộn, mất trật tự, không còn bình an:  làm xáo trộn và hủy hoại tương quan anh em ruột giữa Cain và Abel; gây ra sự chết cho Abel, đau buồn cho ông bà Ađam, Evà, và nhất là hình phạt bất an trong lương tâm, bất ổn trong đời sống cho chính hung thủ Cain : “Giờ đây, ngươi bị nguyền rủa bởi chính đất đã từng há miệng hút lấy máu em ngươi, do tay ngươi đổ ra. Ngươi có canh tác đất đai, nó cũng không còn cho ngươi hoa mầu của nó nữa. Ngươi sẽ lang thang, phiêu bạt trên mặt đất”. Cain thưa với Đức Chúa : “Hình phạt dành cho con qúa nặng, không thể mang nổi. Đây hôm nay Ngài xua đuổi con khỏi mặt đất. Con sẽ phải trốn tránh để khỏi giáp mặt Ngài, sẽ phải lang thang phiêu bạt trên mặt đất, và bất cứ ai gặp con sẽ giết con ” (St 4,11-14).
Cũng lại giống cha mẹ mình, Cain bị Thiên Chúa xua đuổi, không còn dám giáp mặt Ngài, phải trốn tránh mọi người, nếu không sẽ bị giết.
    Qủa thực, bình an là hạnh phúc đích thực của con người, bởi đói mà có bình an vẫn hơn no đủ, sung túc mà lo ngay ngáy, sợ thấp thỏm; nghèo mà có bình an vẫn hơn đại gia mà đêm ngủ không yên vì lo sợ kẻ này rình rập, người kia theo dõi, truy lùng, tố cáo, vạch trần; vất vả mà bình an vẫn thấy đời đáng sống, đáng yêu hơn có tất cả mà nơmn nớp lo âu, hồi hộp sợ hãi.
d.    Bình an là hạnh phúc của tình yêu, như người ghen tuông, ganh ghét chẳng bao giờ có được bình an:
Đêm Noel Thiên Chúa chỉ hứa ban bình an cho người thiện tâm, tức những người có lòng nhân, những người biết yêu thương, có thiện chí yêu thương; cũng như Đức Giêsu chỉ ban bình an của Ngài, sau khi Ngài đã chết vì yêu thương, để nói lên chân lý:  bình an là hoa trái của tình yêu quên mình; bình an là trái ngọt của cây thập tự tình yêu; bình an là kết qủa của cuộc chiến đấu chống lại cám dỗ của ghen ghét, hận thù, bạo lực ; bình an là đất hứa chảy sữa và mật ong sau tháng ngày vượt qua biển đỏ nguy hiểm và sa mạc hoang vu, đêm lạnh cắt da, và ngày nắng  cháy thịt, như chúng ta hằng ngày phải chiến đấu với chính mình, với hoàn cảnh bên ngoài,  để lòng ghen tuông, ganh ghét, hận thù không chế ngự được mình , nhưng mình chế ngự nó, như  sách Sáng Thế đã ghi: “Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục  ở cửa, nó thèm muốn  ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó.” (St 4,7). Tội lỗi đây chính là lòng ganh ghét, ghen tuông.   
2.      Yêu thương để có bình an:
Đơn giản là yêu thương sẽ có bình an. Người yêu thương là người thiện tâm, nên có được bình an mà thiên thần loan báo trong đêm giáng sinh. Người yêu thương là môn đệ Đức Giêsu, nên mới nhận được bình an phục sinh của Ngài. Cả hai đều thuộc về Đức Giêsu, vì thế, ơn bình an của đêm giáng sinh, cũng là ơn bình an của buổi sáng phục sinh sẽ được ban cho những người thiện tâm, biết yêu thương, cố gắng yêu thương và dám yêu thương, bởi yêu thương không dễ,    con người luôn bị thúc đẩy ganh ghét, bị cám dỗ thị phi, bị lôi kéo ghen tuông, nên dễ rơi vào căm phẫn,  hận thù, như kinh thánh đã qủa quyết : “Tội lỗi, tức lòng ganh ghét, đố kỵ, tị hiềm nằm phục sẵn ngay cửa nhà ngươi”.
Yêu thương là cuộc vượt qua nhiều thứ, vượt qua xác thịt thích được nuông chiều, cung phụng, để  sẽ không trở thành nô lệ của dục tính, đồng thời không biến người khác thành nô lệ phục vụ những đòi hỏi bất chính của thân xác mình. Vượt qua rào cản của vật chất, để của cải không thành ông chủ, và mình cũng không tàn ác, bất nhân làm giầu bằng cách bóc lột ngừơi khác. Yêu thương còn đòi vượt qua chính mình, tức “cái tôi” luôn mang nhiều xác xuất ích kỷ, nhiều khuynh hướng khép kín, nhiều cơ hội kiêu căng, nhiều luận chứng ngụy biện để không phải chia sẻ, hiến trao, đồng hành.
Tóm lại, yêu thương không dễ, nên phải cố gắng hằng ngày, liên lỷ phải vác thánh giá mình; yêu thương không đơn giản, nên đôi lúc phải gồng mình toát mồ hôi máu như Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu, khi quyết định lên đường chịu nạn để thực hiện đến cùng tình yêu cứu độ; yêu thương không nhẹ nhàng, nên không thiếu những phút giây nặng nề, căng thẳng, tan nát tim gan, rối bời óc não để có thể liều lĩnh thứ tha cho kẻ thù. Nhưng cũng vì khó, vì đòi hỏi hy sinh, đổ máu, mà hoa trái của tình yêu là hoa thơm trái ngọt, là hạnh phúc, là trọn vẹn thiên đàng, là qùa tặng qúy giá của Đức Giêsu phục sinh: ơn Bình An.
Như những con người thiện tâm đi tìm bình an theo ánh sao giáng sinh chỉ đường dẫn lối, cũng như các môn đệ của Đức Giêsu phục sinh đóng kín cửa, thấp thỏm chờ đón ơn bình an phát sinh từ hiến lễ thánh giá, chúng ta cũng muốn mở lòng đón nhận tin mừng bình an, ơn bình an của Đấng Cứu độ. Ơn ấy giúp chúng ta “ nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật” (1Cr 13,4-6). Được những điều tốt đẹp, tích cực ấy, chúng ta là những người có phúc vì được yêu thương, và yêu thương; có phúc vì được bình an mọi lúc, mọi nơi, “khi tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 7).
Những điều tốt đẹp tuyệt vời này vừa là hoa trái của tình yêu, vừa là điều kiện của tình yêu, để nhận được ơn Bình An đích thực của chính Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người.     
Jorathe Nắng Tím