Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

MẸ NÀO CON NẤY


MẸ NÀO CON NẤY



   Ẵm trên vai đứa con 2 năm tuổi bụ bẫm, kháu khỉnh luôn miệng nghêu ngao : “Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba”, người mẹ trẻ rạo rực niềm vui và mỉm cười mãn nguyện, hạnh phúc. 
Phải rồi, người mẹ trẻ này có quyền mãn nguyện vì đứa con do bà sinh ra đã không giống ai khác, mà chỉ giống chồng bà và giống bà. Và từ ngày hạ sinh bé, gia đình bé nhỏ lúc nào cũng vui như tết, vì cả bà và chồng đều hạnh phúc, hãnh diện về đứa con giống cha, giống mẹ của mình.

   Đức Maria, mẹ Đức Giêsu cũng vui niềm vui làm cha mẹ ấy, niềm vui khôn tả của hằng ngàn tỷ các cha mẹ trên thế giới, kể  từ ngày khai thiên lập địa đến giờ, bởi đó là hạnh phúc Thiên Chúa ban tặng riêng  cho bậc cha mẹ, là những cộng tác viên của Ngài trong việc sinh ra những con người mới.
Nhưng còn một điều làm cho Đức Mẹ vui hơn, đó là Đức Giêsu, con trai duy nhất của Mẹ đã tuyệt đối giống Mẹ như hai giọt nước trong tiếng  Xin Vâng.


    Qủa thực, hạnh phúc lớn nhất của Đức Mẹ là đã huấn luyện Đức Giêsu trở thành một người con luôn vâng phục thánh ý và sẵn sàng Xin Vâng trong mọi tình huống, và đúng như ước muốn của Mẹ,  Đức Giêsu suốt đời không những đã vâng phục cha mẹ trần gian của Ngài, mà còn tuyệt đối vâng phục Chúa Cha trên trời, Đấng đã sai Ngài đến trong thế gian để vâng phục và thực hiện thánh ý.
     Là người nữ được Thiên Chúa chúc phúc và tuyển chọn làm mẹ Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Mẹ Maria đã khiêm tốn và can đảm đón nhận một sứ mạng vô cùng khó khăn của Thiên Chúa trao. Sứ mạng ấy cực kỳ khó khăn vì đầy những mâu thuẫn, bởi có đời nào trinh nữ mà  làm mẹ ; không ăn ở với đàn ông mà có thai, thiếu nữ tầm thường của thôn làng Nazareth vô danh tiểu tốt mà bỗng chốc trở thành mẹ Đấng Tối Cao,  không thuộc hàng ỡ danh gia vọng tộc “mà bỗng dưng làm mẹ Đấng Thiên Chúa sai đến để ỡ trị vị nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 30 -33) ; thế nên khi nghe thiên sứ Gabriel nói : “Maria, xin cô đừng sợ, vì cô đẹp lòng Thiên Chúa.Vì này đây, cô sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu” (Lc 1,31),  Đức Maria đã không khỏi  sửng sốt thưa lại với thiên sứ : “Việc ấy xẩy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”  (Lc 1,34). Và qủa thực, chỉ riêng một chuyện không  biết đến việc vợ chồng thôi cũng đủ làm Đức Maria hoảng hốt, rét run, nổi da gà, khi nghe thiên sứ loan tin được Thiên Chúa chọn làm mẹ Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế.

     Mẹ run là phải, nổi da gà là điều không thể tránh, hốt hoảng là tất nhiên, nhưng càng run, càng rét, càng hoảng, Mẹ càng chăm chú lắng nghe, và khiêm cung đón nhận giải thích của sứ thần : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên cô, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên cô, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kià Êlisabéth, người chị họ của cô, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một con trai : bà ấy mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 35-37). Và Đức Maria đã khiêm tốn thưa với thiên sứ Gabriel : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa  cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).

     Tiếng Xin Vâng đầy tin yêu, can đảm và khiêm tốn phó thác của Mẹ đã thay đổi toàn bộ cục diện nhân loại. Thiên Chúa lại có thể can thiệp vào tự do của con người để cứu độ con người, vì Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do và đợi chờ sự cộng tác của con người trong chương trình yêu thương, cứu độ nhân loại của Ngài. Chính nhờ Đức Maria đã tuyệt đối phó thác và vâng phục thánh ý mầu nhiệm của Thiên Chúa khi trả lời Xin Vâng với thiên sứ, mà Đức Giêsu mới có thể nhập thể làm người trong cung lòng một trinh nữ, hầu thực hiện mầu nhiệm “Thiên Chúa yêu thương loài người đế nỗi đã sai Con Một của Ngài xuống thế gian” (Ga 3,16)  làm người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi để cứu độ mọi người . Với Đức Maria, nữ tỳ hiền lành và vâng phục , Đức Giêsu, Thiên Chúa mới có thể làm người để mặc khải và làm chứng :  Thiên Chúa là Tình Yêu thương xót,  và Ngài  được Thiên Chúa Cha sai đến để làm Chiên gánh tội và xóa tội trần gian, làm Của Lễ tuyệt đối chuộc hết lỗi lầm của  con  người ; làm cho mọi người được sống, được sống lại và sống đời đời sau cuộc sống  trần gian này.
Đức Maria đã không nói  tiếng Xin Vâng một cách vô tình, ngẫu nhiên, máy móc, nhưng tiếng Xin Vâng từ môi miệng Mẹ là kết qủa của niềm tin tuyệt đối vào Lời Hứa của Thiên Chúa với cha ông từ bao thế hệ, đồng thời là chứng cứ  tình yêu phó thác vô điều kiện của Mẹ ở Thiên Chúa toàn năng. Nhờ tuyệt đối tin yêu và phó thác, Mẹ đã ý thức tính cao qúy nhưng vô vàn khó khăn của sứ vụ làm Mẹ Đấng Cứu Thế, và cùng lúc, Mẹ sẵn sàng dấn thân, can đảm lao mình vào cuộc mạo hiểm yêu thương, cứu độ với Thiên Chúa, bởi biết rằng : “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37). 

    Và suốt cuộc đời Đức Maria, từ buổi Truyền Tin làm Mẹ Đức Giêsu cho đến giây phút đứng nhìn, rồi ôm xác con nát tan, bê bết máu và nước vừa được  tháo xuống từ thánh giá, Mẹ đã luôn sống triệt để  lời Xin Vâng đã thưa với sứ thần.
Sống lời Xin Vâng, Mẹ cũng đã dậy Đức Giêsu, con mẹ sống Xin Vâng như Mẹ. Mẹ dậy Đức Giêsu, con Mẹ  không chỉ vâng phục cha mẹ trong nhà, vâng phục ông bà, chú bác, cô dì trong họ, vâng phục Lề Luật trong Đạo, mà còn kiên trì dậy Đức Giêsu vâng phục tuyệt đối thánh ý của Chúa Cha, thánh ý mà Mẹ nắm bắt chính xác và kín đáo ôm ấp trong lòng. Mẹ biết Đức Giêsu đến trong thế gian để làm gì ; biết Chúa Cha muốn gì nơi Đức Giêsu; biết sứ mạng của  con Mẹ khó khăn, cam go, và đầy chông gai, thử thách như thế nào ; biết số phận của Đức Giêsu sẽ ra sao ; biết tình đời đen bạc, lòng người khó đo lường,    thiên hạ sẽ đối xử tệ bạc đến cỡ nào với con Mẹ ; nhưng đồng thời Mẹ cũng biết vinh quang của Đức Giêsu, con Mẹ sẽ rực sáng, khi hoàn tất sứ mạng cứu thế bằng chết trên thánh giá.

     Đức Giêsu đã học ở Mẹ mình bài học căn bản và nằm lòng là Vâng Phục. Và Ngài đã vâng phục thánh ý Chúa Cha cho đến chết, và chết trên thập giá (Pl 2,8).Không còn vâng phục nào vĩ đại và trọn vẹn hơn  vâng phục cho đến chết, chết để chứng minh lòng vâng phục. Đức Giêsu, với nhân tính, sẽ không thể vâng phục đến cùng và  toàn tâm toàn ý, toàn phần như thế, nếu đã không được Mẹ mình là Đức Maria giáo dục huấn luyện, uốn nắn. Là người như mọi người, trẻ thơ như bao trẻ thơ, thiếu nhi như bao thiếu nhi, thanh niên như bao thanh niên, Đức Giêsu đã trở nên con người trăm phần trăm, nên khôngđược miễn trừ bất cứ một điều kiện, một đòi hỏi nào của con người, trừ tội lỗi. Vì thế, ngài cũng cần được cha mẹ, thầy cô, người lớn bảo ban, nhắc nhở, xây dựng để trưởng thành. Đức Maria đã không chỉ sinh ra Đức Giêsu, nhưng là Mẹ trăm phần trăm, Mẹ còn bổn phận nuôi dưỡng, giáo dục, đào tạo Đức Giêsu, nên người, nên con Chúa. Điều đó muốn nói lên rằng : Đức Maria thực sự là Mẹ Đức Giêsu ở trần gian và Mẹ đã chu toàn sứ mạng làm Mẹ Thiên Chúa, danh hiệu vô cùng cao qúy mà Giáo Hội vui mừng tôn vinh Mẹ.

    Được Mẹ dậy bảo vâng phục, Đức Giêsu đã tập sống từng ngày, từ thưở thơ ấu tinh thần vâng phúc ấy, nhờ thế, Ngài mới có thể  can đảm đón nhận chén đắng sắp phải uống với tinh thần tuyệt đối vâng phục  trong vườn Cây Dầu trước giờ bị bắt và chịu khổ hình, tử nạn:  “Lậy Cha, nếu có thể được thì xin cất chén đắng này cho con, nhưng xin đừng theo ý con, nhưng xin  vâng ý Cha mọi đàng” ( Mt 26,43).  Trên thánh giá, Đức Giêsu cũng  biểu lộ lòng vâng phục tột độ khi đau đớn rướn người thân thưa với Chúa Cha trong cô đơn tột cùng : “Lậy Thiên Chúa, lậy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ rơi con?” (Mt 27,47). Đây không phải lời than thở, trách móc trong tuyệt vọng, nhưng là lời cầu khẩn tha thiết nhất trong thử thách cuối cùng và tận cùng của trái tim dạt dào yêu mến, và tuyệt đối vâng phục thánh ý. Đức Giêsu đã sống vâng phục và luôn trả lời Xin Vâng với Chúa Cha trong mọi thử thách thể xác cũng như tinh thần, vì đó là mục đích của đời Ngài : đến để thi hành thánh ý Chúa Cha, như Ngài đã qủa quyết trước đám đông : “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38).

     Qủa thực, trên đời này không gì dễ thương, đáng mơ ước hơn hạnh phúc  “Mẹ nào con nấy” khi  mẹ dễ thương, con dễ mến ; mẹ hiền lành, đằm thắm, con nhu mì, thùy mị ; mẹ khiêm nhường, đảm đang, con công -dung- hạnh, khiêm tốn ; mẹ vui vẻ, dễ gần, con thân thiện, cởi mở ; mẹ bao dung, ân cần,  con cảm thông tha thứ ; mẹ tần tảo, chịu khó, con nhẫn nại, hy sinh ; mẹ thương người, rộng lượng, con quảng đại sẻ chia ; mẹ trung tín, thật thà, con nghiã hiệp, thành tín ; mẹ tin tưởng phó thác, con hy vọng, lạc quan ; mẹ can đảm dấn thân, con mạnh mẽ, dũng cảm ; và tuyệt vời thánh thiện, tuyệt đối cao đẹp “Mẹ nào con nấy” của  Mẹ - Con Đức Giêsu, khi cả mẹ và con đã suốt đời cùng chung tiếng Xin Vâng : vâng phục đến cùng, vâng lời đến chết.

    Xin cho chúng con cũng được diễm phúc “Mẹ nào con nấy” để luôn được đồng hành với Mẹ trong tinh thần vâng phục, và mãi mãi cùng Mẹ Xin Vâng trước mời gọi của Thiên Chúa.
Jorathe Nắng Tím