Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

Chương III MỤC ĐÍCH CỦA TÌNH YÊU CHA MẸ



     Người ta không thể yêu khơi khơi, yêu lơ mơ, yêu kiểu mây gió mà không nhắm một mục đích khi yêu, để đạt được mục tiêu khi trao phó trái tim cho một người nào. Tình yêu không hướng tới là tình  yêu “bèo dạt mây trôi”, nghĩa là thế nào cũng được, ra sao thì ra, thứ tình của cảm xúc nhất thời, của nắm rơm  bùng cháy rồi tắt ngúm liền sau đó.  Không thiếu những tình kiểu này trong đời sống, và  hậu quả là nhiều trái tim nông nổi, thơ ngây đã bị tổn thương, tan nát vì bị là nạn nhân của những tình không  mục đích.  Thực ra, chỉ được gọi là tình yêu khi mục đích “hạnh  phúc của người mình yêu” đã có sẵn; bởi yêu là ước  muốn và mưu tìm bằng hành động cụ thể hạnh phúc cho  người mình yêu. Hạnh phúc của người được yêu là mục  đích của người yêu, như cha mẹ vì yêu thương, nên chỉ  khao khát và nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc cho con. Có người mẹ nào mang thai mà không ước muốn con mình  vào đời dưới một ngôi sao sáng? Có người cha nào ôm  con trong tay mà không mơ ước ngày mai đời con sung  sướng? Có cha mẹ nào không nuôi hy vọng con mình sẽ  thành danh, thành tài? Và đó chính là căn bản của tình  yêu phụ mẫu.  Nhưng con cái đợi chờ ở cha mẹ trao ban hạnh  phúc nào?  Câu trả lời muôn thuở vẫn là: Hạnh phúc được cha  mẹ yêu thương. Đó cũng là ước mơ của mọi người: Được  người khác yêu thương. Và hạnh phúc được yêu thương  ấy có thể được dàn trải theo những bước thời gian của  cuộc đời:
1. Hạnh phúc được bảo vệ, chở che
    Tuổi thơ non dại của con cái rất cần được cha mẹ  bảo vệ, chở che, vì thế giới rộng lớn, xô bồ dễ làm em  sợ. Em bé sợ đủ thứ, sợ đủ người, vì em chưa đủ khả  năng nhận định ai xấu ai tốt, chỗ nào nguy hiểm, nơi  nào an toàn. Em non dại nên cần cha mẹ bảo vệ, chở  che. Từ miếng ăn, giấc ngủ, đến từng bước đến trường,  em cần tình yêu cha mẹ bảo vệ, chở che. Em sống được  là nhờ cha mẹ đề phòng cho em khỏi mọi rủi ro lớn nhỏ;  lớn được là do cha mẹ tránh cho em mọi nguy hiểm,  cạm bẫy; có được tuổi thơ thần tiên là do vòng tay quan  phòng của phụ mẫu.
     Bảo vệ em, nhưng cha mẹ không khống chế, kiểm  soát em như cai tù canh can phạm. Chở che em, nhưng  em không mất khả năng lớn khôn như một đứa con tự  do. Tình yêu bảo vệ khác tình yêu bảo bọc tận răng đến  độ biến em thành một đứa con “phỗng” bạc nhược, thụ  động, tầm gửi, không sáng kiến.  Chính khi bảo vệ, chở che em với tinh thần tôn trọng  tự do của em mà cha mẹ dạy cho em sống kỷ luật, vì kỷ  luật là hàng rào an toàn sẽ chở che đời em, nhất là khi  cha mẹ không còn nữa.  Giáo dục con bằng tập cho con sống kỷ luật là điều  tiên quyết cha mẹ phải quan tâm và thực hiện. Bởi khi  không dậy con kỷ luật đời sống, con sẽ không biết sống,  và khi không biết sống, con sẽ sống một đời bất hạnh, vì  rơi vào nhiều sai lầm khi sống với người khác.  Nhiều cha mẹ lầm tưởng: Chỉ cần cho con ăn uống  đầy bụng, kiến thức đầy đầu là chu toàn bổn phận làm  cha mẹ. Không ít con cái đại gia được “ăn” cao lương  mỹ vị, “học” trường quốc tế, nhưng đời sống xã hội,  cách đối nhân xử thế thì “chẳng ra làm sao”, vì sống vô  kỷ luật.  Vô kỷ luật khi cha mẹ không chỉ cho con những con  đường phải đi, có thể đi, và không được phép đi. Đường  đời muôn lối, và con phải được học chọn đường mình  đi theo thang giá trị, và tiêu chuẩn đạo đức. Kỷ luật là  những bài học căn bản về quyền lợi của mỗi người mà con phải tôn trọng, những bổn phận đối với chính mình  và tha nhân, những giới hạn không thể vượt qua, những  điều cấm không được vi phạm. Một em bé không bao  giờ biết mình có giới hạn sẽ thất bại trong cuộc đời,  khi em vượt tuyến xâm phạm quyền lợi của người khác.  Một em bé muốn gì được nấy, đòi gì cha mẹ cũng cho,  yêu sách gì cha mẹ cũng đáp ứng sẽ tưởng mình cũng  có quyền yêu sách, đòi hỏi, vòi vinh với mọi người. Hậu  quả tai hại chắc chắn sẽ đến với em là phản ứng cứng  rắn, cơn thịnh nộ, và sự cô lập của mọi người, vì em đã  quá trớn, quá đa lấn sân, lấn lướt.  Đứa bé như măng non cần được uốn nắn. Không  uốn, măng sẽ thành tre xơ cứng, ương ngạnh, bất trị. Để  uốn nắn đời sống, người ta cần kỷ luật sống.  Kỷ luật sống trước hết là những đòi hỏi của chính  bản thân: một thân xác khỏe mạnh, một tinh thần minh  mẫn, một nếp sống đạo hạnh, bởi người ta không thể  sống hạnh phúc nếu những nhu cầu chính đáng của bản  thân không được đảm bảo, đáp ứng. Khi nuôi dưỡng,  cha mẹ không chỉ nuôi lớn thân xác con, nhưng còn  quan tâm đến sức khỏe tinh thần, mức độ trưởng thành  của đời sống đạo đức, vì con người có hồn có xác. Xác  có khỏe, hồn có mạnh, thì con người mới hạnh phúc,  vui tươi. Cứ nhìn một người có tiền của, sức khỏe,  nhưng tâm hồn thiếu bình an, họ sẽ không có một đời  sống hạnh phúc.
     Để có sức khỏe thân xác, trưởng thành tinh thần, nền  tảng đạo đức, con cái phải được giáo dục một nếp sống  kỷ luật, nghia là tuân theo những nguyên tắc vàng để  thành công, bước đi trên những con đường không nguy  hiểm nhờ những hàng rào đã được dựng hai bên. Nhờ  kinh nghiệm của bao đời trước, những kinh nghiệm đã  phải trả bằng máu va nước mắt của cha anh, những đứa  con có kỷ luật sẽ tránh được rất nhiều thiệt hại, mất mát,  và thăng tiến nhanh trên đường hạnh phúc.  Giúp con một ý thức kỷ luật là làm cho con hiểu giá  trị tích cực và cần thiết của kỷ luật để con yêu mến kỷ  luật và coi kỷ luật là người bạn tốt, trung thành, và giúp  con thành công. Uốn nắn con theo kỷ luật là tránh dùng  kỷ luật như một đe dọa, một công cụ của bạo lực, hay  như thùng rác để cha mẹ trút bỏ tức giận.  Kỷ luật sống không dừng chân ở bản thân, mà còn  hướng đến tha nhân, xã hội, bởi con người sống là “sống  với”. Sống với đòi một nghệ thuật biết sống với người  khác. Và nghệ thuật biết sống này chỉ có thể có được,  khi nếp sống đã được xây dựng vững chắc trên nền tảng  kỷ luật.  Nền tảng kỷ luật của nếp “sống với” là công bình  và bác ái. Công bình khi biết tôn trọng quyền lợi của  người khác, và biết dừng ở giới hạn quyền lợi của mình;  cũng như biết trách nhiệm trên việc làm của mình, và  chấp nhận thành quả của người khác. Nói một cách nôm na, người công bình là người lương thiện trong quyền  lợi cũng như trách nhiệm. Lương thiện với chính mình  và với người khác. Lương thiện trong phán đoán đúng  sai, trong nhận định tội phúc, trong tương quan ứng xử.  Lương thiện là nét đẹp của người có giáo dục, và người  ta chỉ có thể trưởng thành, đáng được yêu mến khi biết  sống lương thiện. Bên cạnh công bình là bác ái, vị tha.  Sống với người khác mà không có lòng tốt, thiếu quảng  đại thì cuộc sống chung sẽ biến thành điạ ngục. Lòng tốt  và quảng đại là chìa khóa của thiên đang tại thế trong  cuộc sống xã hội. Có biết bao người khổ vì không sống  được với ai, nhưng họ quên nguyên nhân chính của câu  chuyện khổ này là thái độ khép kín, ki bo, không tốt,  thiếu bác ái, thiếu bao dung với tha nhân của chính họ.  Vì thế, để con cái có được một đời sống vui tươi,  hạnh phúc sau này khi vào xã hội, ngay tuổi thơ còn trên  gối mẹ, cha mẹ phải giúp con sống một kỷ luật “sống  với”, như thành trì vững chắc bảo đảm một đời hạnh phúc  nhờ nếp sống quân bình và hài hòa trong tương quan.
2. Hạnh phúc được âu yếm, vỗ về
    Không tình nhân nào không khao khát được âu yếm,  không người con nào không mong được mẹ cha vỗ về.  Tình yêu đòi nên một, nên âu yếm, vỗ về, cưng nựng là  những biểu hiện cần thiết làm cho tình yêu phong phú,  triển nở, thăng hoa. Con cái cần được cha mẹ âu yếm, vỗ  về, vì từ cung lòng cha mẹ, con cái đã được cưu mang thành người. Tình yêu cha mẹ cần cho con như sương  mai cần cho búp non, chồi mới nhú. Những đứa con mau  lớn là những đứa con được thường xuyên âu yếm, vỗ về.  Nếu âu yếm, vỗ về cần thiết bao nhiêu thì chiều  chuộng nguy hiểm bấy nhiêu. Cha mẹ cần phân biệt  cưng và chiều, hai việc làm khác nhau, mang lại hậu quả  trái ngược:  Cưng con là âu yếm, vỗ về, một việc làm cần cho sự  phát triển quân bình tâm lý của con cái. Cha mẹ không  quan tâm âu yếm sẽ làm tình cảm của con bị lệch lạc,  thiệt thòi rất nhiều. Đứa trẻ sẽ không cảm nghiệm được  tình của cha mẹ dành cho em, cũng không hiểu thế nào  là tình yêu, vì thái độ “câm lặng, bất động” không có  khả năng diễn tả tình yêu đối với một em bé. Em bé chỉ  có thể hiểu: mẹ hôn em vì yêu em, bố yêu em nên nựng  em. Ngược lại, hôm nào bố không nựng, mẹ không hôn  là hôm đó bé nghi mình không được bố mẹ yêu. Trí óc  non nớt của em chỉ có khả năng đánh giá, thẩm định mọi  sự qua việc làm cụ thể.  Âu yếm, vỗ về là nghia vụ tình yêu của cha mẹ đối với  con cái, vì đó không là “một cái gì đó thêm vào”, nhưng  là nhu cầu chính đáng con cái có quyền được cha mẹ thỏa  đáng. Như cây cần gió, năng, mưa, con cái cần những âu  yếm, cưng nựng của mẹ cha để lớn lên hạnh phúc.  Nếu âu yếm là nhu cầu, thì chiều chuộng là điều nên  thận trọng; bởi hầu hết con cái hư là vì cha mẹ đã quá chiều chuộng. Chúng ta có thể vắn tắt định nghia: Chiều  chuộng là sự bất lực nói “không” của cha mẹ trước yêu  sách không chính đáng của con cái.  Người viết đã quan sát một em bé 10 tuổi trong một  quán ăn: Sau khi ăn hết một tô phở, uống một chai coca,  em đòi ăn thêm hột vịt lộn. Người mẹ lí nhí vài tiếng rồi  cũng gọi vịt lộn. Vừa ăn xong vịt lộn, em nằng nặc đòi  thêm một chén bò viên và một chai coca thứ hai. Người  cha chau mày, nhưng rồi cũng gọi bò viên cho em…  Cha mẹ chưa ăn xong, em đòi tiền đi qua tiệm tạp hóa  bên cạnh mua bánh. Mẹ vừa ăn vừa móc tiền đưa cho  em. Và em chỉ kết thúc bữa tối gia đình ở quán ăn bằng  một ly kem tráng miệng to đùng. Nhìn em ăn mà tôi phát  sợ, sợ cho kiểu chiều con của cha mẹ em, và sợ cho tình  trạng béo phì em đang là nạn nhân.  Một dịp khác, đi chơi với một gia đình người bạn,  con bé ba tuổi đòi cho bằng được điện thoại của bố. Con  bé thích bấm điện thoại như một đồ chơi. Tôi tưởng ông  bố sẽ cứng rắn không cho, vì ông cần điện thoại để giao  dịch, vì ông là doanh nhân, thế mà ông đã làm tôi chưng  hửng khi chịu thua con bé. Hậu quả là khi điện thoại reo,  con bé nhất định không đưa lại cho bố… Ông chỉ còn lắc  đầu đanh lỡ cuộc gọi.  Quả thực, không ít cha mẹ đã quá nuông chiều con  đến độ trở thành nô lệ của con một cách đáng thương.  Vì chiều chuộng, cha mẹ quên bổn phận giáo dục, mất khả năng nói không, và trở thành “con rối” trong tay con  cái. Khi nuông chiều con cái quá độ, cha mẹ không còn  thi hành quyền giáo dục, uốn nắn, sửa sai con cái, nhưng  đồng loa tiếp tay cho con hư hỏng, bất trị. Sở di xã hội  phải gánh hậu quả quậy phá của những “ông, bà trời  con” là vì cha mẹ đã buông tay đầu hàng con cái ngay  khi chúng còn thơ trẻ khi quá nuông chiều, cung phụng  chúng một cách vô lý, ngờ nghệch.  Các nhà tâm lý chung một quan điểm: Đứa con được  quá nuông chiều sẽ có nguy cơ thất bại trong cuộc sống  gấp 6 lần những đứa con bình thường khác. Kết quả  nghiên cứu trên ít nhiều nói lên bất lợi của việc nuông  chiều con cái.  Sau cùng, nuông chiều làm cho con cái coi thường  cha mẹ, vì thái độ hèn yếu không dám sửa phạt, cũng  như thái độ nhu nhược không dám cứng rắn can ngăn  của cha mẹ cho chúng lý do để ngạo mạn: Cha mẹ khiếp  sợ, nể vì, qụy lụy chúng, vì chúng là những “siêu sao”,  nhân vật quan trọng.
3. Hạnh phúc được an ủi, nâng đỡ
    Yêu thương con là cho con biết trước đường đời  không luôn bằng phẳng, nhưng quanh co, trắc trở. Người  lữ khách trên đường đời phải đương đầu với không ít  gian lao, thử thách, rủi ro. Thế nên, đường đời con cái  cũng sẽ không tránh được những vấp ngã, chao đảo, liêu xiêu, những nghịch cảnh tang thương, những hoàn cảnh  dở khóc dở cười, những tình thế bế tắc, những thói đời  chua cay, đắng đót, những tình đời bạc trắng như vôi. Ở  vào những cây số này, con cái khó tìm được nơi nương  thân, chốn cậy dựa ngoài tấm lòng mẹ cha; khó cập được  bến đỗ bình an, ngoài trái tim cha mẹ; khó gặp được  vòng tay che chở ngoài mái ấm gia đình. Thương con  trong những hoàn cảnh khắc nghiệt này là mở rộng vòng  tay từ mẫu, rộng mở trái tim cha hiền để con được ủi an,  nâng đỡ.  Không ai không có mẹ cha, nhưng không phải ai  cũng có được mẹ cha yêu thương, nên thật hạnh phúc  cho những đứa con được yêu thương bởi cha mẹ, vì  không tình yêu nào bền vững, sâu đậm, thiết tha và tràn  đầy bình an hơn tình cha mẹ. Những lúc buồn thê lương,  buồn muốn “đứt bóng”, nhưng có mẹ, buồn sẽ nguôi  ngoai. Những vấp ngã bể mặt, những dập vùi te tua trên  “đấu trường” cuộc sống lắm lúc tưởng đo ván, đầu hàng,  nhưng có mẹ nâng đỡ, vực dậy, đời con lại vui sống. Mẹ  cha là thuốc thần cho con khỏe mạnh, là niềm tin cho  con không gục ngã, là hy vọng cho con vững chí vượt  qua tất cả. Ở vào tuổi già sức yếu, thế lực không còn,  tiền bạc không dư, cha mẹ xem ra chẳng làm được gì cho  con, chẳng giúp con được nhiều, nhưng thực ra, sự có  mặt yêu thương của cha mẹ mới quan trọng, vì là nguồn  ủi an, nâng đỡ hữu hiệu của đời con; bởi tình yêu cha mẹ  có sức nhiệm lạ biến đổi được hoàn cảnh đang bi đát ra hạnh thông. Tình yêu ấy thiêng liêng và toàn năng, vì  là phiên bản rõ nét nhất của tình yêu nơi Thượng Đế.  Chính Thượng Đế đã ban cho cha mẹ tình yêu mang bao  la của đại dương, cao vời của tinh tú, bầu trời, và khôn  ví, khôn lường của Tuyệt Đối để loài người được hạnh  phúc trong yêu thương.
4. Hạnh phúc được dõi bước, đồng hành
     Dù có khôn lớn, thành đạt trong cuộc đời, người con  nào cũng mong được cha mẹ đồng hành, dõi bước, vì  tình yêu cha mẹ ngày càng quý báu với con, khi con  đã cảm nghiệm và thấm thía những thất bại, khổ đau  của những thứ tình khác. Có vào đời, có lớn khôn làm  người lớn, con cái mới hiểu thế nào là công ơn trời biển  của cha mẹ. Nhưng điều con cái thấu đáo hơn cả là tình  yêu ấy không thể so sánh được. Không so sánh được bởi  tình ấy nhiệm mầu, thiêng liêng: nhiệm mầu trong bản  chất của tình, thiêng liêng trong ý hướng của tình. Bản  chất là cho đi vô điều kiện, hy sinh không tính toán, tận  hiến không do dự. Ý hướng là duy nhất, đơn thuần: hạnh  phúc của con.  Vì thế bao lâu còn sống, con cái còn cần tình yêu  cha mẹ, vì chỉ có tình cha mẹ mới kiên trì, trung thành,  âm thầm lặng lẽ đồng hành, dõi bước chân con. Mẹ già  bại liệt nằm một chỗ, nhưng trái tim mẹ vẫn tỏa sáng lối  con đi ở xa xôi vạn dặm. Cha già đau bệnh, nhưng tâm  hồn vẫn là nguồn nghị lực và hy vọng cho con. Ngay cả mẹ cha đã khuất bóng, “trăm tuổi”, linh hồn các ngài  cũng vẫn hiện diện để yêu thương, phù hộ. Chẳng thế  mà vào những ngày giỗ cha mẹ, ông bà, con cháu sum  họp, không chỉ để tỏ lòng yêu mến, biết ơn, kính nhớ,  mà con để cầu xin với các ngài, vì tin rằng: Tình yêu cha  mẹ bất diệt đã đi vào Vinh Cửu để mãi mãi được đồng  hành với đan con, và dõi bước phù hộ.  Qua phần chia sẻ trên, chúng ta thấy: Mục đích của  tình yêu là đem lại hạnh phúc cho người mình yêu. Cha  mẹ thương con, nên mong ước và kiếm tìm cho con  hạnh phúc. Nhìn vào mục đích Hạnh Phúc, người ta  nhận ra ngay cha mẹ có thực tâm thương yêu con, hay  lợi dụng con như phương tiện phục vụ cái tôi ích kỷ,  hưởng thụ của mình. Những đứa con bất hạnh trong  tình yêu không thể là những đứa con của cha mẹ yêu  thương; bởi tình yêu cha mẹ không chịu để con mình  trong tình trạng bất hạnh. Nói cách khác, tình của cha  mẹ có sức bù đắp những thiếu sót ở các tình khác cho  con, nếu con không may mắn bị phụ tình, bạc tình bởi  những người khác. Kinh nghiệm cho thấy: Bao lâu còn  tình yêu cha mẹ, còn được cha mẹ đồng hành, dõi bước,  con cái không sợ bất cứ một thất bại nào, ngay cả thất  bại trong hôn nhân, vì Thượng Đế đã nhờ cha mẹ yêu  thương để không ai rơi vào tuyệt vọng vì vẫn còn cha  mẹ là bến bờ an toàn, hy vọng.  Như thế, hạnh phúc của con là điều kiện không thể  thiếu để tình cha mẹ là tình thật, tình trong sáng, tình đích danh, đích thực. Hạnh phúc ấy cũng đem lại vinh  dự, niềm vui cho cha mẹ, vì ngoài hạnh phúc của con,  cha mẹ không tìm một lợi nhuận nào khác khi suốt đời  hy sinh.  Để bảo đảm hạnh phúc của con, cha mẹ đã dạy con  sống kỷ luật như những bảng chỉ đường cần thiết tránh  tai nạn cho người lái xe, như hàng rào tránh nguy hiểm  trượt chân xuống vực thẳm khi trèo núi, như phao an  toàn tránh cho con bị chết đuối. Kỷ luật rất cần thiết để:
5. Con cái ý thức giá trị của chính bản thân mình
     Nhờ sống kỷ luật bản thân, con cái biết mình là  người có ích, đáng sống, phải sống để phục vụ. Kỷ luật  làm lớn nhân cách, phát huy tinh thần tự trọng, tính liêm  sỉ, trọng danh dự. Người vô kỷ luật, trái lại, tự hạ uy tín, tự xoá giá trị, tự hủy khả năng của mình, vì kỷ luật là  phương thế duy nhất giúp mỗi người nhận ra chính mình  là một giá trị không thể hoán nhượng, thay thế.  Có nhận ra mình là một giá trị, người ta mới tự tin, tự trọng. Có tự tin, mới tin được người khác, có tự trọng  mới biết trọng tha nhân. Có tự tin, tự trọng, biết tin người,  trọng người, cuộc sống chắc chắn sẽ là nguồn vui.
6. Để có thể tự lập và trách nhiệm
     Tất cả mọi chương trình, công trình giáo dục đều  nhắm đến tự lập và trách nhiệm của người được đao tạo. Cha mẹ giáo dục con với kỷ luật của tình yêu để con tự  mình bước đi trên chính đôi chân của chúng khi vào đời;  để con tự hoạch định và thực hiện cuộc đời mình; để  con có trách nhiệm trên những gì mình đã quyết định và  thực hiện; để con không là thân tầm gửi, ăn bám ở nhờ  ai; để con không phải nhục nhã quy lụy, lệ thuộc ai vì  miếng ăn, manh áo; để con không trở thành gánh nặng  cho ai; để con không mất giá trị làm người giữa xã hội  loài người; nhất là để con la “người lớn” hạnh phúc, như  đã là “con nhỏ” hạnh phúc trong vòng tay yêu thương  của cha mẹ ngày nào.
7. Để có thể sống tử tế, tốt đẹp với mọi người
     Kỷ luật yêu thương còn giúp con trở thành người  tử tế. Người tử tế là người có những đức tính nhân bản  như công bằng, nhân ái, khiêm tốn, thành thực, quảng  đại, bao dung… Những tính tốt làm nên con người tốt  để sống tốt với mọi người. Có tốt, con mới được mọi  người kính trọng, yêu mến, tin tưởng, trọng dụng, cộng  tác, và đó là thành công, hạnh phúc của con. Đứa con  ma mãnh, gian tham, kiêu ngạo, bủn xỉn, ganh ghét, thù  hận làm sao có thể là người tử tế và sống tốt với mọi  người sau này trong xã hội? Tương lai thành công của  con đọc được ngay khi con còn nhỏ; hạnh phúc của con  cũng vẽ được ngay khi con còn ở với cha mẹ. Bởi thế,  người chuẩn bị thành công, hạnh phúc cho con là cha  mẹ, và cũng cha mẹ sẽ là người xây nhà tù bất hạnh cho con sau này, nếu không chu toàn nghia vụ yêu thương,  giáo dục con.
8. Để được sống một đời bình an tận đáy sâu tâm hồn
     Khi con cái được cha mẹ yêu thương, chúng sẽ tiếp  tục khám phá một tình yêu nguyên ủy của tình yêu cha  mẹ. Tính nhiệm mầu, thiêng liêng của tình yêu cha mẹ  thúc đẩy chúng đi xa hơn để truy tìm đâu là nguồn mạch  tình yêu đã tuôn đổ tình yêu bao la, hải hà trên cha mẹ  chúng. Sở di con cái không dừng chân ở tình yêu cha  mẹ, cũng không tự lấy làm đủ dù đã được tròn đầy yêu  thương là vì tận thâm tâm, ở đáy sâu tâm hồn, con người  luôn khắc khoải một tình yêu tuyệt đối, một nguồn mạch  của tất cả mọi tình yêu. Nhờ khắc khoải đi tìm, con người  sẽ nhận được bình an sâu lắng, bình an ẩn sâu trong tâm  hồn, bình an như phần thưởng của cuộc đời vất vả, bình  an như ơn phúc của từng ngày tháng hy sinh, bình an  như núi đá vững chắc, kiên cường trước mọi thách đố,  phong ba, bình an đích thực vượt trên tất cả, bình an của  con người hiểu được lý lẽ của Trời Đất, thấu đáo được  tôn ý của Thượng Đế Chủ Tạo.  Người ta sinh ra không chỉ có chân đạp đất mà còn  có đầu đội trời. Hạnh phúc dưới đất réo gọi hạnh phúc  trên trời, hạnh phúc hôm nay mời gọi đi về hạnh phúc  mai hậu, hạnh phúc tương đối nhắc nhở hạnh phúc tuyệt  đối, hạnh phúc có thể tàn phai thúc bách hướng về hạnh  phúc trường tồn, vinh cửu. Vì đã là người có chân đạp đất, đầu đội trời, nên con người chỉ thực sự và trọn vẹn  hạnh phúc khi cả đất trời đều là nguồn hạnh phúc, miền  hoan lạc, đồng cỏ bình an.  Ở đây, chúng ta đề cập đến giáo dục tâm linh. Đó  cũng là mục tiêu không thể thiếu của giáo dục, bởi con  người là con vật có nhu cầu tâm linh, nên bỏ quên tâm  linh, con người sẽ que quặt, hụt hẫng trong đời sống. Để  là giáo dục đích thực, nhà giáo dục phải nhắm đến hạnh  phúc toàn diện của con người. Khoa tâm lý đã chứng  minh: Những đứa bé được giáo dục tôn giáo, nghia là có  niềm tin tôn giáo, là những em bé có tâm lý quân bình  hơn những em bé không được niềm tin tôn giáo hướng  dẫn. Trong xã hội, tỷ lệ tội phạm phần lớn tập trung ở  những người thiếu niềm tin tôn giáo. Chứng minh trên  hoàn toàn có tính khoa học đáng để chúng ta, những cha  mẹ và nhà giáo dục suy tư…  Tóm lại, hạnh phúc là đích tới của tình yêu, nhưng  để đến đích, con người cần được giáo dục bằng đời sống  kỷ luật của yêu thương. Gọi là kỷ kuật yêu thương vì kỷ  luật này không đứng riêng lẻ, đơn độc, nhưng ở trong  vùng phủ sóng, dưới quyền chỉ đạo, điều phối của tình  yêu.       Vì thế, kỷ luật sẽ đề nghị, hướng dẫn chứ không áp  đặt, cưỡng ép; uốn nắn chứ không bẻ gãy; chữa lành, hàn  gắn chứ không đập nát, vùi dập; khai phóng, đồng hành  chứ không kềm kẹp, đan áp, thống trị. Kỷ luật đồng thời  giúp cha mẹ biết khen thưởng chứ không tôn vinh con,  cưng nựng chứ không chiều chuộng, giúp đỡ chứ không làm thay, đao tạo chứ không đồng loa, tập cho con đứng  trên chân mình chứ không đứng mãi trên chân người  khác, tập để tự gánh vác trách nhiệm, chứ không lười  biếng, ỷ lại, thụ động. Với tình yêu, kỷ luật trở thành  thần dược, hàng rào an toàn để hạnh phúc vào đời làm  người của con cái được trăm phần trăm bảo đảm.

Quý độc giả vui lòng đọc tiếp chương 4 : http://tinmungduongpho.blogspot.com/search/label/CMYT-chuong4