Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

Phần 1: PHẬT GIÁO

                                                         
      Phật Giáo được thành hình do Đức Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) ở miền bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên. Ở vùng này có dẫy Hymalaya hùng vĩ rất nổi tiếng như tường thành bao bọc cả một vùng bình nguyên trù phú.
Nền văn hoá chính trị thời Đức Phật chịu ảnh hưởng văn hoá Vệ Đà. Vệ Đà là một tôn giáo rất cổ của Ấn Độ xây dựng trên kinh Vệ Đà, có nghiã là Thông Hiểu. Tôn giáo Vệ Đà thờ cúng nhiều thần thánh, tin vũ trụ, thiên nhiên thần bí, và xử dụng bùa chú. Nền văn hóa đó đã dần dà làm thành tôn giáo Bà La Môn, tiền thân của Ấn Độ giáo.
Bà La Môn phiên âm từ tiếng Phạn: Brahma. Đạo Bà - La - Môn xuất hiện trước Đức Phật Thích Ca, khoảng tám trăm năm trước công nguyên, phát triển đến hết thế kỷ thứ nhất sau công nguyên thì biến thành Ấn độ giáo. Tôn giáo Bà-La-Môn của ngưòi Ấn phân chia xã hội Ấn thành nhiều  đẳng cấp:
          a.  Tăng lữ Bà-La-Môn là đẳng cấp cao nhất, tự cho mình sinh ra từ miệng của đấng Phạm Thiên tức Brahma nên dành vị trí tối cao trong xã hội và có quyền thống trị trên các giai cấp khác. 
        b. Giai cấp thứ nhì là Sát Đế Lỵ được sinh ra từ vai của đấng Phạm Thiên. Giai cấp này gồm vua chúa, công hầu, khanh tướng, trưởng giả, danh gia vọng tộc. Họ nắm quyền cai trị trong xã hội.
         c. Giai cấp thứ ba là Phệ Xá : được sinh ra từ hông của đấng Phạm thiên gồm các nhà thương mại, kinh doanh.
         d.  Giai cấp thứ tư là Thủ Đà La : sinh ra từ chân đấng Phạm Thiên gồm nông dân và công nhân nghèo khổ.
       e. Giai cấp thứ năm là Chiên Đà La là giai cấp thấp hèn nhất trong xã hội Ấn độ thường ở đợ, làm mướn vất vả
    Chính sự phân chia giai cấp đã phân hoá xã hội Ấn một cách trầm trọng và tạo ra nhiều trường phái đối chọi nhau ngay trong lòng tôn giáo Bà-La-Môn.
Vào thời Đức Phật, triết học cũng theo sự phân chia giai cấp xã hội tạo nên nhiều khuynh hướng, trường phái đối nghịch, nổi bật là  hưởng lạc thuyết, ngẫu nhiên thuyết, duy vật thuyết, hoài nghi thuyết, ma thuật huyền bí thuyết, và khổ hạnh thuyết.
Chính trong cái nôi của xã hội Ấn Độ vào thời kỳ hỗn loạn  do xung đột giữa nhiều trường phái, giai cấp mà Đức Phật đã khắc khoải muốn  tìm con đường giải quyết các vấn đề đau khổ và phiền não của con người.
     Ngài là một  hoàng tử xuất gia và học ở nhiều vị thầy tài giỏi để tìm con đường giải thoát con người khỏi bể khổ là cuộc đời nhưng mãi vẫn không tìm ra. Cuối cùng, chính ngài  đã ngộ ra "cuộc đời là bể khổ với sinh, lão, bệnh, tử" và tìm ra con đường giải thoát chúng sinh  khi ngài nhận ra chân lý ở dưới gốc Bồ Đề. Chân lý đó có thể tóm tắt như sau :  con người khổ là vì còn giữ cái tôi, tức cái Ngã; khổ là vì còn "tham, sân, si tức ham muốn, tức giận, u mê", nên để hết khổ, không gì hơn là tu luyện để đạt đến tình trạng "vô ngã", nghiã là không còn cái tôi, cái mình, cái ta nữa, và một khi không còn cái "Ta" thì không có cái "Người". Không "người", không "ta" lấy đâu khoảng cách để so sánh xa gần, lấy đâu tương quan để thị phi, hơn - thua để rồi giận khi thua, kiêu lúc được. Theo ngài, mỗi người phải tự mình  tu tập để đạt vô ngã, vì đời là "vô thường", không có gì là bền vững, tồn tại, không có gì là bất biến, vĩnh cửu, cũng chẳng có gì là độc lập, riêng rẽ một mình. Bám lấy những gì có trên đời là bám lấy "ảo" để rồi thất vọng khi không nắm bắt được điều gì, sự gì có thật.
    Nhưng tại sao con người lại bám lấy vô thường? Thưa vì con người còn nhiều ham muốn, mà còn muốn là còn khổ, vì chẳng bao giờ con người đạt được hết những gì mình muốn. Chỉ có cách làm cho hết khổ là diệt dục: không để mình bị lòng ham muốn điều khiển, chi phối, thống trị, để không sự gì, điều gì có thể làm tâm hồn chao đảo, vương vấn, âu lo. Vui hay buồn, thịnh hay suy, thành hay bại, tất cả đều không gây được gợn sóng lăn tăn nào trong tâm người đạt đạo.
    Và để khỏi khổ, con người phải tu luyện để không còn "cái mình, cái tôi, cái Ngã"  và khi không còn Ngã nữa, lòng ham muốn sẽ không còn và cái khổ sẽ tự động biến đi, khi con người không còn bị vô thường quấy nhiễu.
    Đức Phật cũng giảng về bánh xe luân hồi để cắt nghiã cuộc sống của con người sau khi chết, do chịu ảnh hưởng thuyết luân hồi của Bà-La-Môn. Theo ngài, con người tái sinh sau mỗi kiếp và thay đổi kiếp tùy theo nghiệp của mình đã thực hiện. Nghiệp là do mình tạo ra và chính nghiệp quyết định kiếp mình phải đầu thai, tái sinh trong vòng luân hồi, cho đến khi đạt đạo, nghiã là thoát ra khỏi vòng luân hồi.
Chúng ta lần lượt  đề cập đến những tiêu đề trong học thuyết của Phật Giáo để hiểu hơn chân lý đã được ngộ ra bởi Đức Phật : 
     1.   Vũ trụ
     2. Thượng Đế
     3.  Con người
     4.  Luân lý và đạo đức trong Phật Giáo
     5.  Những vấn nạn cần được giải đáp.

    1.   VŨ TRỤ TRONG PHẬT GIÁO
     Một trong những câu hỏi căn bản của con người là vũ trụ từ đâu mà có; bởi con người nhìn thấy vạn vật tuần hoàn, thiên nhiên hoạt động và toàn thể vũ trụ sinh hoạt theo một quy trình có trật tự, sắp xếp. Nhìn bầu trời với trăng sao tinh tú, trái đất với cây cỏ lá hoa, núi đồi, sông biển, đất cát với đủ sinh vật lớn, nhỏ, hiền, dữ và thời tiết bốn mùa xoay vần, người ta không khỏi bỡ ngỡ trước kỳ công vũ trụ và đặt câu hỏi về nguồn gốc của nó.
    Các triết gia thì cho rằng vũ trụ được tạo hoặc từ nước, hoặc  khí, hơi nóng. Các tôn giáo hầu hết đều khẳng định: vũ trũ là tác phẩm của Đấng Tạo Hoá hay Thượng Đế, Ngọc Hoàng, Brahma. Nhưng riêng Phật Giáo lại không quan niệm như các tôn giáo và cũng không chấp nhận một lý giải nào của các triết gia. Có thể vì Phật Giáo không hẳn là tôn giáo đúng nghiã, cũng không hẳn là một hệ thống triết học thuần túy. Chúng ta cùng chia sẻ quan niệm về vũ trụ của Đức Phật :   
    Trước hết, đối với Phật giáo, vũ trụ, vạn vật được sinh ra như thế nào  không có gì quan trọng, và đó không phải là vấn đề cần quan tâm; bởi điều quan trọng cần tìm kiếm là con người thực tiễn đang sống trong những thực tế của cuộc đời, một cuộc đời đầy khổ não và bây giờ phải làm thế nào để diệt khổ, trừ não cho con người.
Nói như thế, không có nghiã Phật Giáo phủ nhận sự hiện diện của vạn vật, vũ trụ; nhưng  sự hiện diện đó trong giáo thuyết Phật giáo chỉ là sự hiện diện mang tính hiện tượng có sinh có diệt.
    Sự hiện diện của vũ trụ được quan niệm là vạn vật tự sinh ra, không do tay một Đấng Chủ Tạo nào, cũng không có sự can thiệp thần thiêng, mầu nhiệm, cao siêu nào, mà chỉ do nhân qủa tiếp nối mà thành. Cái qủa bây giờ là do cái nhân đã có trước, cái nhân ở trước là do cái qủa ở trước nữa, cứ thế mà trở ngược lên mãi: nhân này qủa nọ không bao giờ cùng. Như thế, vũ trụ theo Phật Giáo là không có cái ban đầu, không  có khởi điểm, vì ngay thời gian cũng chỉ là một ý niệm rất tương đối.
    Tính không có khởi đầu của vạn vật và không có sự can thiệp của một Đấng được tạm gọi là Tạo Hoá đặt nền tảng trên sự “có sinh có diệt” của vạn vật trong thế giới để rồi không có thực thể, độc lập, riêng lẻ, vĩnh cửu  nào, vì tất cả mọi vật trong vũ trụ, tức “pháp” chỉ tồn tại nhờ duyên  khởi. Duyên khởi  là nguyên nhân hay lý do sinh khởi của thế giới hiện tượng; nghiã là cứ cái này là nhân của cái kia, cái kia là qủa của cái nọ, và tất cả chỉ là những hiện tượng trong pháp giới duyên khởi, từ những gì lớn lao như trăng, sao, mặt trời cho đến những vật nhỏ bé li ti đều có được do trùng trùng duyên khởi mà thành. Nói cách khác, đó là những "chủng tử" đã phải trải qua biết bao phản ứng biến thái để  kết thành vật chất mà chúng ta thấy trong vũ trụ.
   Lý thuyết duyên khởi rất quan trọng trong  Phật giáo: Con người mang nghiệp. Nghiệp là nguyên nhân sinh ra đau khổ, mà Đức Phật gọi là “hoặc nghiệp”: “hoặc” nghĩa là mê hoặc. Con người tạo nghiệp cho chính mình và tùy theo nghiệp đã tạo mà đầu thai ở kiếp sau. Nếu tạo nghiệp “lành” thì kiếp sau vẫn được làm người và vũ trụ chung quanh vẫn như thế, không biến đổi với kiếp làm người mới; nhưng nếu tạo nên nghiệp nhân dữ, thì sẽ bị đầu thai làm súc sinh và  vũ trụ chung quanh sẽ biến đổi theo tầm mắt của súc sinh.
    Nói tóm lại, vũ trụ bị biến đổi theo nghiệp của mỗi người trong vòng luân hồi, tái sinh, đầu thai: được tiếp tục làm người thì vũ trụ vẫn không thay đổi với cái nhìn của người, nhưng nếu bị đầy xuống làm súc sinh, thì vũ trụ sẽ biến đổi theo cái nhìn của súc sinh. Tính tương đối của vũ trụ trong Phật giáo hoàn toàn đặt trên nghiệp của mỗi người và làm nổi bật cái vô thường, hiện tượng của thế giới vạn vật.  
Ta có thể kết luận: định luật nhân qủa tạo nên một giây không bao giờ ngắt ngang, đứt quãng của các “sinh - diệt - diệt - sinh” và vũ trụ cứ thế với vạn vật “có rồi mất, mất rồi có”. Đó là một thế giới hiện tượng và vô thường. Hiện tượng và vô thường vì trong vũ trụ không có cái  “có “ tuyệt đối, và cái “không” tuyệt đối, nhưng tất cả đều là những cái có, cái không tương đối; nghiã là chúng phải dựa vào nhau mà thành. Thế nên, tất cả vạn vật trong vũ trụ đều có thành, có trụ, có hoại, có sinh; do đó “không” và “có ” đều có một lần, cho nên không thể có nguyên nhân đầu tiên của cái có. Một cách xác thực hơn, Phật Giáo nhìn vũ trụ trong nhãn quan "vô thường, hiện tượng và biến đổi không ngừng" theo nghiệp do duyên khởi hình thành.
    Điểm quan trọng khác trong vũ trụ quan của Phật giáo đó là người con Phật  không cần  quan tâm nhiều đến việc giải thích vũ trụ, vì đối với Đức Phật: chuyện giải thích vũ trụ bắt đầu thế nào, hình thành ra sao là chuyện không cần thiết cho mục đích giải thóat, giác ngộ của con người.
    Khi Tỳ Kheo Man Đồng Tử có lần  hỏi Đức Phật về thế giới siêu hình:
“ Bạch Thế Tôn! Thế giới thường hằng hay không thường hằng, hữu hạn hay vô hạn, linh hồn với thân xác là một hay tách biệt và ngay cả chính Như Lai, tức Đức Phật sẽ tồn tại sau khi chết hay không tồn tại? ”.
    Trước câu hỏi của vị Tỳ Kheo, Đức Phật đã im lặng, không trả lời. Sự im lặng của ngài muốn nói lên: chân lý không thể diễn tả bằng lời và mỗi người sẽ phải tự mình nghiệm ra chân lý, chứ không ai nghiệm thay cho ai. Còn đối với vũ trụ là thế giới hiện tượng, luẩn quẩn trong vòng sinh diệt thì mỗi người càng phải tự mình nghiệm ra. Theo Đức Phật, muốn nghiệm chứng chân lý thì chỉ có một cách duy nhất là tự mình tu tập để nghiệm ra chứ không thể nói hay dựa theo  bất cứ định đề, định lý nào ở bên ngoài hay vay mượn của ai.  
     Coi vũ trụ vạn vật là chuỗi dài những "sinh - diệt - diệt - sinh" do nhân qủa, và biến đổi vô thường nên Phật giáo không chấp nhận bất cứ một Thượng Đế, hay thần linh nào đã sáng tạo ra vũ trụ như một kiến trúc sư vẽ và xây dựng một căn nhà. Một lần nữa, Phật giáo nhìn vũ trụ là thế giới hiện tượng và chỉ có "bản tâm" mới chính là thế giới trường tồn, bất tử vượt khỏi thế giới hiện tượng, vô thường.
    Bản tâm hay Chơn Như  cũng được gọi dưới các tên khác là Chơn Tâm, Viên Giác, Thắng Nghiã, Phật Tánh, Giác tánh, Như Như, Nhứt Như, và chỉ có những vị đã giác ngộ mới có thể trực nhận, hay chứng được thực tại chân lý mà thôi. Cách hay nhất để trực nhận thực thể là im lặng, lià xa văn tự, ngôn từ để nhận ra bằng chính Chân Tâm. Đó chính là thái độ của Đức Phật dưới gốc Bồ Đề.
    Ta còn gặp thái độ thực tiễn nhắm thẳng nhu cầu cấp bách cứu khổ cho con người hơn là đi tìm những chuyện “viển vông, xa vời”, không đụng chạm đến đời sống thực tế. Bằng chứng là ngay trong ý niệm  siêu hình về nguồn gốc của vũ trụ, Đức Phật thay vì trả lời Tỳ Kheo Man Đồng Tử, ngài đã kể câu chuyện  người bị trúng tên độc.
Trong câu chuyện này, ngài đã dậy chúng sinh: chuyện quan trọng, cấp bách phải làm trước một người bị trúng mũi tên tẩm thuốc độc là gấp rút giải phẫu để lấy chất độc ra hầu cứu sống người bị nạn. Còn vấn đề nguồn gốc của mũi tên, hay tung tích của người bắn tên không quan trọng; bởi mục đích của Phật pháp là lo cứu chữa người bị bắn tên, hơn là truy lùng tung tích cúa thủ phạm. Như thế, nỗi đau đớn, và cơn nguy tử của con người bị trầm luân trong biển khổ mới thực là ưu tư của người con Phật, chứ không phải những câu hỏi siêu hình không thiết thực, xa vời cảnh sống thực tế.
    Cũng vậy, khi  được hỏi về Niết Bàn, mà trước đó các môn đệ của Đức Phật thường nghĩ đó là một địa chỉ, một nơi chốn nào đó mà người giác ngộ đến được sau khi đã diệt lòng tham muốn, lòng nóng giận hận thù, lòng si mê sai lạc; Đức Phật  đã dậy: Niết Bàn không phải một cõi, một cảnh, một tâm trạng, cũng không phải là hư vô; nhưng Niết Bàn không dùng ngôn từ mà diễn tả được, mà chỉ có tâm thanh tịnh và chính trực, thoát khỏi mọi nghiệp chướng, mọi ham muốn thấp hèn mới thấy được.
Chỗ khác, Tỳ Kheo Na Tiên đã trả lời vua Milinda khi được hỏi về Niết Bàn: “Tâu Hoàng Thượng, Hoàng Thượng biết gió, nhưng Hoàng Thượng không biết gió mầu gì, hình dáng ra sao, dầy hay mỏng, dài hay ngắn … Cũng thế, Niết Bàn là cái có thật mà không thể dùng ngôn từ mà diễn tả cho con người được. Chỉ có người thoát khỏi lửa của tham, sân, si sẽ hưởng cái sung sướng của Niết Bàn; người thoát ra khỏi những tâm niệm bất thiện sẽ có niềm vui của Niết Bàn; người thoát khỏi cái lo sợ sinh, lão, bệnh, tử sẽ hưởng hạnh phúc của Niết Bàn”.
    Do đó, khi bàn về vũ trụ quan, Đức Phật gần như không muốn đề cập đến, mà chỉ dậy rằng: tất cả đều là hiện tượng và hiện tượng thì “sinh ra ở đây, mà cũng diệt ở đây”. Vì thế, cái tâm thanh tịnh của con người mới là mục đích đi tìm, vì khi có được tâm thanh tịnh, người ta mới nghiệm chứng ra được chân tướng của vạn vật, tức vạn pháp, mà chân tướng thì vô sắc, vô hình, không mùi vị thì hỏi làm sao giải thích được. Vĩnh Gia đại sư trong Chứng Đạo Ca đã viết:
    “Mộng lý minh minh hữu lạc thú. Giác hậu không không vô đại thiên”. Ý nói cái tương đối khôn cùng của vạn vật trong vũ trụ quan của nhà Phật.

     2.     PHẬT GIÁO VÀ THƯỢNG ĐẾ
     Đạo Phật không có Thượng Đế, và Đức Phật đã luôn khẳng định mình là con người: “Ta không phải Thượng Đế, cũng không là thần linh, mà chỉ là một con người, nhưng là con người đã giác ngộ”.
Giác ngộ khi ngài thảnh thơi, tự tại chiến thắng được tâm mình để sống với chân tánh. Ngài là bậc Đại Giác, Đại Hùng, là người đã tìm thấy con đường thoát khổ khi diệt hết “tham, sân, si” và ngộ ra con đường đạt đến Vô Ngã. Ngài chỉ là một Đạo Sư, là ngọn đuốc sáng giúp soi sáng trí tuệ chúng sinh để chúng sinh nương theo mà tự giác ngộ, tự giải thoát chính mình.
   Đức Phật không bao giờ đặt vấn đề Thượng Đế, vì ngài chỉ muốn những điều ngài dậy được áp dụng để giúp con người thoát khỏi cảnh khổ tại thế, nghiã là ra khỏi vòng luẩn quẩn của ảo ảnh, vô thường. Chính vì thế, Phật giáo không phải là một tôn giáo và đó chính là điều Đức Phật muốn. Xuyên suốt những điều ngài dậy, ta thấy ngài muốn đem đến cho đồng loại một học thuyết sống thực tế, để giải đáp và giải quyết những nan đề của cuộc sống.
    Qủa thực, những vấn nạn  luôn ám ảnh con người, bất kể người đó là ai đều  xoay quanh : Đời là bể khổ với sinh, lão, bệnh, tử; đời là tranh giành, khổ lụy với ham muốn không cùng, giận dỗi, u mê. Và những nan đề trên cần được lý giải hợp lý, kèm theo phương cách chữa trị, đó là điều Đức Phật đã đề nghị và học thuyết của ngài được coi là một hệ thống triết học cố gắng trả lời các vấn nạn của con người.  
Không nhận là tôn giáo, Phật Giáo không có mục đích thiết lập  tương quan giữa con người và Thượng Đế, và nhất là không đặt trọng tâm ở việc biết hay đạt đến Thượng Đế, càng không tìm yêu mến Thuợng Đế. Thượng Đế là một quan niệm tuy có nhưng hầu như xa lạ với đời sống con người và ngay cả với vận mệnh tương lai của con người trong học thuyết nhà Phật.
    Thầy Thích Huệ Pháp trong “Một vài cảm nghĩ về “Quan Điểm của Phật Giáo về Thượng Đế” trong Nội San Tâm Thị số 7 đã viết:
“Thường thì người ta cho rằng, Phật Giáo là tôn giáo vô thần, và Đức Phật không tin có sự tồn tại của Thượng Đế… Trong tư tưởng Phật Giáo Ấn Độ thời xưa đã bác bỏ một cách rõ ràng ý niệm vè vĩnh cửu, và nêu lên thuyết vạn vật thay đổi mà trong đó thuyết Duyên Khởi đóng vai trò chủ đạo, vai trò của Thượng Đế toàn năng hay Đấng Sáng Tạo đã bị thay thế. Quan niệm về các vị thần linh, mặc dù có trong Phật Giáo, nhưng đó không phải là điểm trọng tâm của giáo lý hay được sử dụng như là nền tảng của giáo lý Phật Giáo.
    Đức Phật phản đối về thuyết Đấng Sáng Tạo, Thượng Đế vừa tạo ra các loài hữu hình vừa tạo ra thế giới. Trọng tâm lý thuyết của Phật Giáo Ấn Độ thời xưa nhấn mạnh rằng: các pháp là những thực thể nằm trong dòng chảy biến đổi liên tục. Kinh Khởi Thế Nhân Bổn trong Trường Bộ Kinh có nói khá rõ về cách hình thành loài người và thế giới, không phải do một Đấng Thượng Đế toàn năng nào tạo nên mà đó là sản phẩm của qúa trình tiến hoá”.
    Cũng theo thầy Thích Huệ Pháp, có  những lý do được nêu lên để phủ nhận thuyết Thượng Đế sáng tạo:
      a.  “Có một số ẩn sĩ  hay Bà-La-Môn nào đó chấp nhất tư tưởng này: “Bất cứ cảm thọ nào dù là vui thích, đau khổ hay cảm thọ trung dung thì đều được tạo ra bởi Thượng Đế”. Nhưng Đức Phật dậy họ rằng: “Nếu do Thượng Đế toàn năng sáng tạo thì Thượng Đế cũng đã tạo ra những kẻ giết người, kẻ nói dối, kẻ tà dâm, kẻ trộm cướp…Những kẻ đó cũng sẽ không thể trở nên thánh thiện, từ bỏ tâm ác của mình cũng bởi vì đã được Thượng Đế toàn năng tạo ra, không thể biến đổi. Vậy có cần thiết để có những danh từ như ẩn sĩ hay Bà-La-Môn không, khi mà  những cảm thọ hạnh phúc hay khổ đau, những hành động thiện hay ác đều do Thượng Đế tạo ra ?”
      b. “Một lý do khác: “thế giới đầy phiền muộn, và đau khổ này không thể được sáng tạo bởi một đấng Tối Cao, vì đấng Thiên Chủ luôn yêu thương chúng sanh, luôn coi chúng sanh như những đứa con của mình. Trong kinh Tam Minh, Đức Phật cũng bác bỏ cái học thuyết về Phạm Thiên của Bà La Môn… Vào thời Đức Phật, Bà la Môn tin rằng Phạm Thiên là đấng Thượng Đế toàn năng, người tạo ra thế giới và vũ trụ. Trong nhiều kinh khác nhau, Đức Phật dậy rằng: đây là tư tường sai lầm và Ngài dậy: các loài hữu hình vì nghiệp của mình mà sinh ta, do nghiệp dẫn dắt và hình thành. Nếu nói Thượng Đế tạo ra loài người thì tại sao có nhiều hạng người khác nhau, không có bình đẳng trong xã hội, chẳng lẽ Thượng Đế yêu mến người này, lại căm ghét kẻ khác ? Thuyết Duyên Khởi đã chỉ ra rằng, từ một nguyên nhân này sinh ra các nguyên nhân khác: “Vì cái này sanh, nên cái kia sanh; vì cái này diệt nên cái kia diệt”.
    Đức Phật cũng từng dậy: Chúng sinh là kẻ thừa tự của nghiệp. Những hành động có ý thức do chúng ta tạo ra chính là đấng Thượng Đế của mình. Vì thế, chúng ta chính là đấng Sáng Tạo cũng như kẻ Hủy Diệt bản thân mình và thế giới này chứ không phải ai khác. Con người sẽ không thể thay đổi nghiệp lực của mình, không thể từ ác tâm sang thiện tâm, không thể chứng qủa giải thoát nếu do một đấng Thiên Chủ tạo nên. Vì thế, Phật Giáo không bao giờ cho rằng có Thượng Đế toàn năng”.
    Lý thuyết về Thượng Đế trong Phật Giáo đã qúa rõ: Người Phật tử không tin ở Thượng Đế và không có Thượng đế toàn năng trong giáo lý Phật: “Vì sự sợ hãi bất an mà con người thần thánh hoá núi non, cây rừng ” (Pháp Cú 188). Như thế ý niệm về Đấng Thiêng Liêng là do sợ hãi, và để khỏi sợ, người con Phật chỉ cần  loại bỏ  những ham muốn và tiếp nhận những gì không thể thay đổi  trong bình tĩnh và can đảm.Và Đức Phật đã thay thế nỗi sợ vô cớ và vô lý của con người không phải  bằng một niềm tin phi lý, mê tín mà bởi chánh kiến hợp lý”.
    Đứng trước những cố gắng tìm chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa nơi các tôn giáo, Phật Giáo không làm gì hết trên con đường tìm kiếm này và không can dự đến những phán quyết liên quan đến Thượng Đế; bởi vì vấn đề giác ngộ, giải thoát của con người hoàn toàn do bản thân mỗi người và niềm tin vào Thượng Đế không đem lại lợi ích gì cho việc giải thoát này. Nói cách khác, Đức Phật đã nhìn thấy khả năng tịnh hoá tâm hồn, phát triển lòng từ bi và hoàn thiện sự hiểu biết nơi mỗi người; đồng thời gạt bỏ hoàn toàn sự chú tâm tới thiên đàng, mà kêu gọi chúng sinh tự tìm kiếm những giải pháp cho chính những vấn đề của mình. Từ khẳng định không ai cứu được mình ngoài chính mình, Phật Giáo qủa quyết: ngay cả Thượng Đế  nếu có cũng không can dự được đến sự giải thoát của con người. Thượng Đế không cứu rỗi được ai, vì Thượng Đế không toàn năng và không là tác giả đã tạo dựng nên vũ trụ và con người.  Phật giáo thực là một học thuyết con người, nghiã là đặt con người làm trọng tâm của tất cả giáo lý: Con người khổ, nên con người cần  tự mình tu tập để diệt khổ; con người loanh quanh, luẩn quẩn trong vòng luân hồi, nên phải tự mình tu tập để thoát ra khỏi vòng luân hồi và con người trở thành mục đích duy nhất của Phật Giáo và toàn bộ giáo lý được xoay quanh con người.
    Cũng chính vì chỉ chú trọng, quan tâm và tìm kiếm hạnh phúc của con người tại thế bằng diệt khổ não, phiền muộn, mà Phật Giáo không là một tôn giáo, vì lọai bỏ Thượng Đế là đối tượng của tôn giáo. Phật Giáo nguyên thủy cũng loại trừ tất cả những hình thức mê tín, dị đoan, tôn sùng thần thánh, thiêng liêng, ngay cả cầu siêu cho  người chết  cũng không mang tính “cầu thay nguyện giúp” như trong các tôn giáo khác, vì tự căn bản: mỗi người tự trách nhiệm trên thân nghiệp của mình và không ai, không thần thánh, đấng thiêng liêng nào có thể thay đổi được nghiệp của người ấy. Tính quyết định của cá nhân trong tư tưởng  Phật Giáo là điểm rất đặc biệt vừa đề cao trách nhiệm của con người, vừa nói lên tính cá thể trong việc giải thoát, giác ngộ: Ai ăn nấy no, ai tu nấy đắc, chẳng ai, chẳng Đấng nào có thể thay đổi, ảnh hưởng. Chư Phật chỉ là người dẫn đường, người đi trước đã giác ngộ nay chỉ lại cho hậu thế, chứ Đức Phật không bao giờ nhận mình là Thượng Đế, thánh thần hay một đấng siêu nhiên nào, và cũng không đặt niềm tin vào Thượng Đế, nếu có Thượng Đế như lời Phật dậy:
“ Không ai có thể cứu giúp được ta ngoại trừ chính ta. Không ai có thể và không ai có thể làm được. Chính ta phải bước vào con đường này. Chư Phật chỉ là người dẫn đường” (Kinh Pháp Cú 165).
  
    3.     PHẬT GIÁO VÀ CON NGƯỜI

    Một điểm quan trọng trong Phật Giáo là không lấy thần linh, Thượng Đế làm chủ thể, nhưng lấy chính con người làm chủ thể, làm con đường giải thoát cho chính con người. Vì thế, con người rất quan trọng trong Phật Giáo, hay nói đúng hơn: Phật Giáo là đạo của con người và chỉ thuần lo cho con người, không quan tâm đến Thượng Đế.
        a.     Thân con người:
     Nguyên Thao viết về con người trong Phật Giáo như sau: “Con người trong Phật Giáo được phân tích như một phần nhỏ của cái Chơn Tâm, là cái tâm cá thể cũng như bao nhiêu chúng sinh khác. Tất cả đều có cái Tâm, cái Tâm ấy có thể quay về với với cái khởi nguồn của nó bằng cái tên là Phật tánh… Chỉ trong một phút “vô minh” mà Tâm chúng sinh “vọng động, phân biệt ” tách ra khỏi cõi Chơn Tâm để mượn đến tứ đại là Đất, Lửa, Gió , Nước tạo thành thân xác có giác quan để nhìn ra ngoại cảnh bằng nhận thức vay mượn từ thức đại”. Vì vay mượn, nên “cái Tâm bị nhốt trong những cái đại ấy. Có thân xác thì có nhu cầu ăn uống, có ham muốn về tinh thần lẫn vật chất ngay cả đến xác thịt nữa. Có sinh ra, có lớn lên, già, bệnh, rồi chết. Những cái đau khổ đó tiếp nối không cùng với những hậu qủa từ hành động của tham, sân, si”.
    Phật Giáo còn nhấn mạnh thêm: “Chính sự Vô Minh tức là sự “mê muội, ngu si” hay “không biết” về Sự và Lý của Pháp mà Tâm đã vượt thoát ra khỏi tình trạng sung sướng, an nhiên tự tại lúc ban đầu bằng những hành động chạy theo vọng tưởng và phân biệt, tiếp theo là một chuỗi duyên sinh: “cái này có thì cái kia có, cái này là nguyên nhân của cái kia xẩy ra tiếp theo”. Một sự tiếp tục vô cùng tận !".
Đúng là thân người đã vay mượn từ những “Huyễn hay còn gọi là Ảo” đến từ Tứ đại, Kiến đại, Không đại, Thức đại mà Minh Đức đã giải thích như sau trong “Thân Bảy Đại” : Tứ đại là bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa. Bốn yếu tố này có mặt khắp nơi nên gọi là “đại”. Gọi là bốn yếu tố lớn vì nó là vật chất có mặt rộng khắp. Vật chất này ở thân con người thì gọi là thân tứ đại”.
    Ta có thể quan sát thân xác con người để thấy: trong con người gồm có đất biểu hiệu cho xương thịt, khí là hơi thở, nước là nước trong cơ thể và lửa là nhiệt độ. Thiếu một trong bốn yếu tố, thân con người không thể tồn tại. Ngoài tứ đại vừa kể, thân con người còn gồm : “Không đại, Kiến  đại, Thức đại. Đủ bẩy đại thì mới trọn vẹn một con người. Không đại là cái hư không trống rỗng, rộng lớn đến vô biên. Kiến đại là cái thấy biết của chúng sanh, cái biết này cũng rộng lớn và chu biến khắp nơi nên gọi là đại. Thức đại là cái nhận thức phân biệt làm chủ thể của cái sống của chúng sanh nên cũng gọi là đại. Phải đủ bẩy đại thì mới gọi là chúng sanh “hữu tình”. Còn hòn sỏi, đoá hoa chỉ là chúng sanh “vô tình”. Với từ ngữ “chúng sanh” thì chúng ta hiểu rằng do chủng duyên (tức là nhiều yếu tố nên gọi là chủng duyên) hợp lại với nhau mà sanh khởi nên gọi là chúng sanh…. Con người là chúng sanh hữu tình là do bẩy đại giả hợp lại mà có con người”.
    Phật Giáo cho rắng tất cả bẩy đại làm nên thân người vừa kể trên đều là giả, vì thế, chúng sanh cũng chỉ là giả danh; bởi chẳng có gì là bền vững cả: “Ví như đoá hoa thì khi nó đang là hoa thì gọi là hoa, nhưng nó héo rồi thì người ta hái bỏ đi thì người ta gọi nó là rác, khi nó rữa nát thì gọi nó là phân bón. Cái thân người xinh đẹp thì gọi là người đẹp, nhưng khi vào nghiã trang thì gọi là xác chết, khi đào mộ lên cải táng thì gọi là xương trắng. Khi ngọn lửa rời khỏi củi thì củi đã hoá ra tro tàn. Khi “Kiến đại” và “Thức đại” rời cá thân tứ đại thì cái thân này trở thành xác chết. Cái danh để gọi chúng sanh do đó gọi là “giả danh”.

    Nhà nghiên cứu Triết Học Phật Giáo Trần Văn Cường đã trình bầy yếu tố hình thành “thân” con người một cách khác trong luận án Thạc Sỹ của ông. Theo ông:
       ·        Con người là hợp thể của Danh và Sắc:
“ Danh chỉ cho phương diện tinh thần hay tâm, còn Sắc chỉ về cơ thể, thể xác hay vật chất”.
“Khi nói con người là hợp thể của Danh và Sắc, điều đó có nghiã con người chỉ được gọi là con người khi có sự tương hợp của hai yếu tố: tinh thần và vật chất”.
      ·        Con người là hợp thể của Lục Giới hay Lục đại:
“Lục giới là sáu yếu tố hình thành ra con người gồm đất, nước, gió, lửa, không và thức”… “Khi quan niệm con người là hợp thể của Lục giới hay Lục đại nghiã là con người sinh thành và hoại diệt tùy thuộc vào sự dung thông của sáu yếu tố trên. Mỗi một đại hay một giới cũng không là một yếu tố độc lập, biệt lập hay tách rời mà ngược lại chúng chứa đựng trong nhau, một đại có đủ năm đại kia dung nhập trong nhau”.
      ·        Con người là hợp thể của Ngũ Uẩn:
“Ngũ Uẩn còn gọi là Ngũ Ấm, Ngũ Chúng hay Ngũ Tụ. Ngũ Uẩn gồm có: Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tướng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn. Sắc uẩn thuộc Sắc, tức thuộc về vật chất; Thọ uẩn, Tướng uẩn, Hành uẩn, Thức uẩn thuộc về Danh, tức đề cập đến Tâm thức hay khiá cạnh tinh thần. Khác với quan niệm Lục đại nhấn mạnh khiá cạnh vật chất của con người, quan niệm Ngũ Uẩn nhấn mạnh khiá cạnh  tinh thần hay Tâm thức của con người”.
    Theo triết học Phật Giáo về yếu tố hình thành con người thì bản chất con người là vô ngã. Để hiểu Vô Ngã trong triết học Phật Giáo, trước hết ta cần hiểu Ngã:
·        “Thứ nhất, Ngã là chủ thể độc lập, tuyệt đối, không bị phụ thuộc, ảnh hưởng hay tác động bởi bất cứ cái gì.
·        Thứ hai, Ngã thường hằng, bất sinh, bất diệt. Ngã không ra đời lúc sinh và mất đi lúc chết cùng với cơ thể con người.
·        Thứ ba, Ngã vốn vô hình, vô ảnh, không thể nắm bắt hay sờ mó được, nhưng ở đâu cũng có Ngã và vạn vật sinh thành, trưởng dưỡng được là nhờ có Ngã ”.
Vì con người chỉ là hợp thể do các nhân tố hợp lại với nhau chứ không  độc lập, thường hằng, bất diệt, bất biến, nên con người là Vô Ngã. “Từ việc phủ nhận Ngã thể thường hằng, tuyệt đối độc lập và bất biến nơi con người đến việc xác định một bản chất cụ thể của con người, Phật Giáo đồng thời cũng phủ nhận luôn việc con người có một bản chất hay một “tự tính” cố định. Nói cách khác, con người là Vô Ngã tính hay    Vô Tự tính. Theo đó bản chất con người là không có Tự Tính cố định vì bản chất con người cũng do duyên mà sinh, do duyên mà diệt”.
    Tóm lại, từ những quan niệm trên về sự hình thành con người, Phật Giáo đôi khi bị hiểu lầm và  bị xếp đứng chung trong hàng ngũ Duy Vật thuyết khi chủ trương tất cả đều giả và không có gì bền vững, vĩnh cửu nơi thân của con người. Thực ra, nghiên cứu Phật Giáo, người ta thấy rằng Phật Giáo chống lại Duy Vật thuyết và cho thuyết này mang tư tưởng đọan diệt và tà kiến khi Duy Vật cho rằng con người chết là hết và không có luân hồi, tái sinh. Tín đồ Phật Giáo tin ở tái sinh, luân hồi; tin ở nhân - qủa, có gieo có gặt. Do đó họ luôn tỉnh thức gieo nhân tốt để gặt được qủa lành vì dòng thời gian thì vô tận, và con người sẽ được tái sinh trong vô tận của thời gian; cũng như luôn ý thức nghiệp qủa phải trả vay.
      b.    Nhiệp
    Nghiệp hay Karma giữ một vai trò rất trọng yếu trong học thuyết Phật Giáo. Có nhiều nghiệp như thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, tức do hành vi, lời nói, tư tưởng, ý chí… “Nếu kết hợp với quan hệ Nhân - Qủa, thì Nghiệp là năng lực được hình thành bởi những hành vi từ quá khứ kéo dài đến hiện tại và mãi tới vị lai. Nghiệp có hai loại là Biểu Nghiệp và Vô Biểu Nghiệp. Biểu Nghiệp là Nghiệp biểu hiện ra bên ngoài khiến người khác thấy được và Vô Biểu Nghiệp là Nghiệp không biểu hiện ra bên ngoài và người khác không thấy được… Mối quan hệ giữa Nghiệp nhân và Nghiệp qủa, theo Nhất Thiết Hữu Bộ thì Nghiệp từ qúa khứ do sức tác dụng mãnh liệt mà mang lại qủa báo trong hiện tại; Nghiệp hiện tại có khả năng quyết định qủa vị lai ”.
Như vậy, Nghiệp là hành vi do chính ta làm và cũng chính ta phải đón nhận những hậu qủa của những hành vi đã làm đó, như Đức Phật dậy: “Ta là chủ nhân của Nghiệp, là kẻ thừa tự của Nghiệp, Nghiệp là thai tạng, Nghiệp là quyến thuộc, Nghiệp là điểm tựa. Phàm Nghiệp nào sẽ  làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự Nghiệp ấy.” (Tăng Chi II, 77). ..Chính Nghiệp là điều kiện cơ bản để dẫn dắt con người tái sinh trong vòng luân hồi. Nghiệp qúa khứ là điều kiện để hình thành đời sống hiện tại, đời sống hiện tại tiếp tục tạo Nghiệp để quy định đời sống vị lai…
    Tuy thế, con người cũng có khả năng làm giảm đi Nghiệp ác bằng làm việc thiện. Về điều này, Đức Phật gọi là chuyển Nghiệp; nghiã là chuyển từ Nghiệp ác ra Nghiệp thiện, “như một bát muối, nếu đem hoà tan vào ly nước nhỏ thì ly nước sẽ rất mặn, nếu đem đổ vào một ao hồ lớn thì lượng muối không còn đáng là bao; cũng vậy, cùng một hành động ác, nếu đối tượng hành động không làm các việc thiện khác để bù đắp vào thì hệ qủa của hành động ác sẽ rất lớn, nhưng nếu biết tích phúc làm thiện thì việc ác đã lỡ tạo ra, kết qủa cũng sẽ giảm thiểu đi ít nhiều (x. Tăng Nhứt A Hàm Aguttara Lkaya, 249)”.
    Do đó rất khó xác định được kết qủa của Nghiệp một cách rõ ràng, vì Nghiệp lệ thuộc nhiều yếu tố như cường độ của ý thức, ý chí, hoàn cảnh, môi trường sống , thời điểm (chẳng hạn hành động lúc gần lâm chung đóng vai trò rất quan trọng đến đời sống sau khi chết).. Tất cả là những trợ duyên hay nghịch duyên góp phần tạo nên Nghiệp ác hay Nghiệp thiện.
    “Như vậy, việc xác định nguyên nhân dẫn đến sự sai khác trong đời sống của con người cũng như các yếu tố dẫn đến hình thành bản chất con người phụ thuộc vào  nhiều yếu tố khác nhau trong đó có Nghiệp là yếu tố quan trọng nhất. Bản thân Nghiệp qủa cũng có yếu tố bất định, hoàn toàn do chính con người tạo tác mà không có sự tham gia của yếu tố ngoại cảnh nên bản thân người tạo Nghiệp có thể chuyển Nghiệp cũng như tiến tới đoạn trừ Nghiệp”. Con người có trách nhiệm trên hành vi của mình và chính những gì mình làm tạo nên Nghiệp cho chính bản thân.
Con người trong triết học Phật Giáo thực sự làm chủ chính vận mệnh của mình và không một quyền năng khách quan nào có thể ảnh hưởng, can thiệp. Việc cầu nguyện cho người khác còn sống hay đã chết vì thế cũng không thay đổi được Nghiệp của người ấy.
    Tóm lại, con người mang Nghiệp là do Vô Minh chi phối khi   lầm tưởng các pháp Vô Ngã là Ngã để rồi lao mình vào và tìm cách nắm giữ những cái không thật, thường gọi là “Huyễn” trong ngôn ngữ nhà Phật. Chính những cái “giả” đã đánh lừa con người và làm con người không thoát ra khỏi  vòng khổ não, ưu phiền của Nghiệp. Chỉ một cách chân nhận ra bản chất của mình là Vô Ngã và xa lià mọi tham, sân, si, tự giải thoát khỏi thiện ác thì Nghiệp mới không còn. Và đây chính là mấu chốt quan trọng nhất trong triết học Phật Giáo về Nghiệp và là chià khóa để con người đi đến giác ngộ, giải thoát.
     c.  Luân Hồi:
     Phật Giáo giải quyết những vấn đề của con người khi sống và giải đáp thắc mắc của con người sau khi đã chết. Nếu thiên đàng, hoả ngục là cách giải quyết thắc mắc của con người nơi nhiều tôn giáo sau khi chết, thì Luân Hồi là câu trả lời của Phật Giáo.
Luân Hồi = Samsara có nghiã là tái sinh, chuyển đổi sự sống, đi từ  đời sống này qua đời sống khác, từ kiếp này qua kiếp kia được biểu hiện qua bánh xe sinh tử hay bánh xe chuyển sanh. Hoà Thượng Thích Thanh Từ quan niệm Luân Hồi là “xoay vần, cứ mãi đảo lên lộn xuống xoay vần trong khuôn khổ cố định. Mọi sự đổi thay, biến chuyển, không đứng yên một vị trí nào. Hằng biến thiên xê dịch từ trạng thái này  sang trạng thái khác, từ hình tướng này sang hình tướng khác. Tất cả sự biến thiên tùy duyên thăng trầm không nhất định là Luân Hồi”.
    Thực ra, khái niệm Luân Hồi không phải của riêng Phật Giáo. Cũng như khái niệm Nghiệp báo, khái niệm Luân Hồi được Đức Phật tiếp nhận từ truyền thống Veda - Upanishad  và Bà La Môn giáo của Ấn Độ. Tuy nhiên, khi tiếp nhận, ngài cho khái niệm này một nội dung mới. Như trong Bà La Môn, sự tái sinh của con người không thay đổi giai cấp xã hội của họ, có nghiã là ai ở giai tầng nào trong bốn giai tầng:  thì dù có tái sinh cũng không biến đổi được, nhưng cứ mãi vậy đời đời kiếp kiếp; ngược lại, Đức Phật quan niệm: con người có khả năng thay đổi giai tầng, đẳng cấp của mình  vì tất cả tùy thuộc vào Nghiệp báo của mỗi người. Nghiệp báo khác nhau mà sự ra đời của con người khác nhau, nên đẳng cấp trong bánh xe Luân Hồi cũng sẽ được thay đổi tùy thuộc vào Nghiệp thiện hay ác. Hơn nữa, chính con người còn có thể chấm dứt được vòng Luân Hồi, tức vòng tương tục sinh hoá  khi tự giải thoát mình để đạt đến Vô Ngã hoàn toàn.
    Như thế, điều ta có thể ghi nhận đầu tiên là Nghiệp và Luân Hồi đi song hành với nhau; vì thế, sẽ không thể trình bầy Luân Hồi mà bỏ Nghiệp, hay nói đến Nghiệp mà quên Luân Hồi; bởi “Luân Hồi mô tả đường đi của Nghiệp” và Nghiệp là lời giải thích của Luân Hồi.
    Phật Giáo quan niệm Nghiệp là một trong ba yếu tố  để con người có thể sinh thành, bên cạnh  hai yếu tố là : cha mẹ giao hợp và người mẹ có khả năng sinh sản. Khi con người chết thì Nghiệp dẫn dắt đến việc tái sinh đến một kiếp khác, tùy theo Nghiệp thiện, ác. Nhưng Nghiệp ở đây, tuy có bề ngoài bất tử, không phải là linh hồn bất biến và trường cửu; bởi con người có thể tiêu diệt được Nghiệp khi tự giải thoát khỏi bánh xe Luân Hồi. Theo đó, những hiện hữu liên tiếp trong chuỗi tái sinh là Luân Hồi  được coi như những con xúc xắc riêng biệt, khác nhau,  chồng lên nhau, cái dưới đỡ cái trên, liên đới với nhau nhờ những điều kiện. Xác định như vậy để tránh lầm lẫn Nghiệp với linh hồn và không coi bánh xe Luân Hồi là ngục tù vĩnh cửu mà con người không bao giờ có thể thoát ra.
    Như thế, Luân Hồi là bánh xe quay liên tục, trên đó, con người tùy thuộc vào Nghiệp báo mà mình đã tạo ra trong đời sống mà rơi vào một trong sáu cảnh giới, hay cõi giới : Địa ngục, Ngã qủy, Súc sanh, A tu la, Loài người và Cõi trời:
·        Điạ ngục do độc ác, làm nhiều tội lỗi vừa hại người vừa hại mình. Người rơi vào địa ngục phải chịu đủ mọi khổ sở, bất hạnh.
·        Ngã qủy: tạo nhân tham lam, bủn xỉn, không chịu bố thi, nhưng mưu đồ, gian ác, tham lam…
·        Súc sanh: tạo nhân si mê, sa đọa, nhục dục, tửu sắc…
·           A Tu La: gặp vệc nghiã thì làm, nhưng gặp việc sai quấy cũng không tránh, vừa cương trực vừa độc ác; tuy có làm điều thiện, nhưng hung hăng, nóng nẩy vẫn còn thì sẽ  phải luân hồi làm A Tu La, nghiã là vui sướng cũng có mà buồn khổ cũng nhiều.
·        Loài người: Được luân hồi tiếp tục là người khi tu nhân ngũ giới: không sát hại, không trộm cướp, không tà dâm, không dối trá, không uống ruợu say sưa.
·        Cõi trời: dành cho những tu nhân đã bỏ điều ác, và đạt Thập Thiện. Cõi trời theo Phật Giáo không phải là thiên đàng mà là Nghiệp của người ta lấy đó làm cảnh giới của chính mình.

       d.  Phật Tính hay Như Lai:          
     Ở trên, chúng ta đã nói đến đời sống của con người chịu sự quy định và là hệ qủa của Vô Minh mà biểu hiện của Vô Minh là Nghiệp và Luân Hồi. Tuy nhiên, bản chất của  con người là Vô Ngã, nên con người có khả năng ra khỏi Vô Minh, tức thoát khỏi Nghiệp và Luân Hồi cùng với mọi phiền não; nói cách khác, con người có thể chấm dứt vòng Luân Hồi khi đạt đến bản chất thực của mình là Vô Ngã.
    Sở dĩ có khả năng này là vì trong con người có Phật tính, cũng gọi là Như Lai tính hay Giác tính như những hạt giống có khả năng dẫn con người đến Niết Bàn. Những hạt giống này nằm sẵn trong tâm thức của mỗi người và cho con người khả năng cắt đứt mọi tái sinh, chấm dứt mọi chuyển sinh để đạt đến tình trạng hoàn toàn Vô Ngã, nghiã là trạng thái an ổn, thoát mọi khổ ải, phiền muộn.
    Đạt đến bậc giải thoát, theo Phật Giáo là khi “ ly tham, đoạn diệt, không có chấp thủ ” và “ Như Lai hay Phật tính có những đặc điểm: an ổn, rời tham ái, toàn trí, toàn kiến, tự tại, đến như vậy, đi như vậy…Chúng sinh còn trôi lăn trong sinh tử luân hồi, còn nhiều phiền não và khổ đau đơn giản là vì chưa phát hiện ra các đặc điểm của Phật tính trong mình và sống với nó mà thôi”.
Phát huy Phật tính là mục tiêu của người con Phật và đạt Vô Ngã là đích tới của mọi tín đồ Phật Giáo.
    Tóm lại, Phật Giáo chủ trương tìm con đường giải thoát cho con người và không tìm liên lạc dưới bất cứ hình thức nào với Thượng Đế, thần linh. Con người mới thực là cứu cánh duy nhất và con người mới là điều Đức Phật quan tâm. Con người được quan tâm ấy sẽ chính là con người tự thoát ra khỏi mọi phiền não của cuộc đời, bỏ được mọi trói buộc của khổ sở và ra khỏi thế giới mê muội để có tự tại, tự do. Hạnh phúc của con người được Phật Giáo quan niệm là “chấm dứt hoàn toàn các nguyên nhân dẫn đến sinh tử, thoát ra khỏi Luân Hồi vĩnh viễn, an trụ trong Niết Bàn thường tịch. Giải thoát và Niết bàn chính là biểu hiện cảnh giới cuối cùng của mọi con đường tu tập”.
    Đây là trạng thái của tâm thức Vô Ngã, trạng thái chính mình tự chứng ngộ, và chỉ tự mình thấu hiểu mà không một mô tả nào từ bên ngoài có thể diễn tả đầy đủ. Và chỉ ở trạng thái Niết Bàn, con  người mới đạt hạnh phúc đích thực; vì hạnh phúc ấy không cần đến điều kiện để sinh khởi, không bị Vô Thường chi phối, nên là hạnh phúc tối thượng và vĩnh cửu.
    Nhưng để đạt Niết Bàn, mỗi người phải phát huy Phật tính trong mình bằng tu tập theo phương pháp được Đức Phật đề ra, đó là Giới, Định và Tuệ. Cả ba hướng đến giải thoát toàn hảo và mở ra Niết Bàn tối thượng. Tất nhiên, trên con đường tu tập, mỗi người đạt mức độ giải thoát và an lạc khác nhau tùy theo cố gắng tu tập của mình. Không ai làm thay ai, không ai tu tập thay ai, cũng không ai chịu khổ thay ai; nhưng mỗi người tự trách nhiệm Nghiệp của mình và con đường giải thoát là con đường “tự giải thoát” bằng “tự phát huy” Phật tính sẵn tiềm tàng trong mình mà không thể trông cậy vào bất cứ can thiệp khách quan nào từ bên ngoài. Vì thế, vai trò cá nhân trong Phật Giáo rất quan trọng, vì mang tính độc quyền quyết định vận mệnh trên con đường giải thoát.  
  
    4.     LUÂN LÝ, ĐẠO ĐỨC TRONG PHẬT GIÁO
      Như đã trình bầy ở phần trên: Phật Giáo không quan tâm đến thần linh, nhưng chỉ chú trọng giải thoát con người bằng chỉ cho con người con đường giải thoát khỏi mọi khổ sở, phiền não của cuộc đời. Con đường giải thoát mà Đức Phật đề nghị cũng là luân lý của đời sống thực tế trong xã hội loài người, ở đó con người sống chung, nên khó tránh nhiều đố kỵ, đụng chạm, thị phi. Vì thế, muốn chấm dứt khổ đau trong cuộc sống, Đức Phật dậy con người sống một cuộc sống có luân lý, đạo đức; nghiã là một đời sống tu tập để tạo nhân duyên tốt cho kiếp sau được an vui, sung sướng. Như thế, mục tiêu của luân lý Phật Giáo là tìm đạt hạnh phúc cho con người, giúp con người ra khỏi vòng luân hồi để đi vào tình trạng Vô Ngã, Niết Bàn.    
Phần lớn những khổ não là do đời sống chung giữa con người. Người với người sinh ra nhiều vấn đề, và vấn đề phát sinh phiền não. Đây là ưu tư của Đức Phật, vì ngài chú trọng những thực tế của đời sống con người.
Luân lý, đạo đức của Phật Giáo gồm Ngũ Giới, Lục Độ và Thập Thiện. Ngũ Giới là đạo đức căn bản của con người, Lục Độ và Thập Thiện là đạo đức thăng hoa nhân cách, tịnh hoá nội tâm:

a.     Ngũ Giới:
Là năm điều cấm của Phật Giáo:
      ·        Không được sát sanh: tức không được cắt đứt sự sống của các loại hữu tình : người hay thú vật, vì sinh mạng có giá trị vô cùng qúy báu, nhất là sanh mạng con người. Bất cứ  hành động sát sanh nào đều độc ác và mang lại hậu qủa không tốt. Người sát sanh là người nhẫn tâm, không có lòng từ bi. 
      ·        Không được trộm cướp: vì mỗi người đều có quyền sở hữu trên những gì mình có, mà người khác không có quyền xâm phạm. Đó là sự công bằng. Một xã hội không công bằng sẽ không thể tồn tại.
     ·        Không được tà dâm: Đức Phật dậy: người xuất gia tức đi tu thì không được dâm dục, còn người tại gia thì không được tà dục. Người có tâm xấu xa, mê đắm sắc dục là người  trước sau cũng mất quân bình và mất hạnh phúc gia đình; bởi họ sẽ nhận qủa báo xấu.
     ·        Không được nói dối:  Nói dối trong Phật Giáo gồm bốn chi: nói dối, nói đâm thọc, nói lời vô ích, nói lời độc ác. Nói dối theo Đức Phật là không tôn trọng sự thật, ích kỷ muốn hại người, và thiếu trung tín.
     ·        Không được uống rượu: Vì những gì có chất men sẽ làm hại người và đẩy con người phạm tội. Người uống rượu vì đánh mất trí tuệ nên dễ rơi vào tà dâm, trộm cướp, nói dối, sát sanh. Tự uống rượu không phải là tội, nhưng dễ đưa đến phạm tội.    
Người giữ được Ngũ Giới sẽ là một công dân tốt, Phật tử thuần thành, ngoan đạo và được mọi người yêu kính. Trong kinh Dhamma Dhana có ghi: người giữ được Ngũ Giới sẽ được năm qủa báo: có tài sản dồi dào, được tiếng tốt, tự tin, không loạn tâm trước giờ chết, khi chết được lên Niết Bàn.

    b.     Lục Độ:
    Là sáu phương pháp đối nhân xử thế trong đời sống xã hội; bởi sống chung rất khó và đòi nhiều cố gắng từ mỗi người để đời sống không trở nên “địa ngục” ngột ngạt, khó thở, khó chịu cho nhau. Lục độ gồm:
     ·        Bố thí: để thể hiện tấm lòng thương người.
     ·        Trì giới: là để tránh nghiệp, không phạm những lỗi lầm do bản thân và miệng lưỡi gây ra.
      ·        Nhẫn nhục: là chịu đựng đến mức tột cùng mà không lời than trách.
      ·        Tinh tấn: là siêng năng chăm chỉ một cách tự nhiên.
      ·        Thiền định: là vững vàng, không để bị sa ngã.
      ·        Trí tuệ: là sự hiểu biết
Nhà thơ Hồng Lê đã viết về Lục Độ:
“Lục Độ tuân hành ắt phải nên:
Tĩnh tân, nhẫn nhục phải lòng bền
Ăn chay, niệm Phật luôn trì giới
Lánh dữ, làm lành nhớ chớ quên
Bố thí xong rồi không nhận trả
Trao cho đầy đủ khỏi bù đền
Giữ sao trí tuệ luôn minh mẫn
Thiền định nào ham của gần bên”. 

c.      Thập Thiện:
      Đức Phật dậy chúng sinh Thập Thiện, tức mười điều lành để chấm dứt cảnh khổ, vượt qua mọi phiền não do xung đột, đố kỵ, ích kỷ, dối trá, xảo quyệt, gian tham, tà dâm. Đạo đức, luân lý của Phật Giáo là làm cho con người ăn ở an bình, hạnh phúc với nhau; cũng là làm cho Tâm được tĩnh lặng, tự tại.
Thập Thiện còn được gọi là Thập Thiện Nghiệp, Thập Thiện Giới hay Thập Thiện Pháp. Tu tập Thập Thiện sẽ rèn luyện con người trở thành những nhân tố tốt cho xã hội, giúp con người điềm đạm, giản dị, có nhân cách, có sức kiên nhẫn để vượt khó. Tu tập Thập thiện sẽ biến đổi cảnh khổ của cuộc đời thành an vui, đem lại hạnh phúc thật cho người tu tập.
   Người không tu tập Thập thiền sẽ rơi vào ba nghiệp, đó là Thân Nghiệp, Khẩu Nghiệp, Ý Nghiệp; do đó sẽ gánh hết mọi nghiệp qủa khổ đau trong Lục Đạo của Luân Hồi. Những người này không những sẽ bị đầy đoạ ở kiếp sau mà ngay trong kiếp sống hiện tại đã phải lãnh những “qủa” đau khổ, nếu họ làm ngược lại Thập Thiện là mười điều ác như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói thêu dệt, nói đôi nghiã, nói lời hung ác, tham lam, sân hận, và si mê.
    Đức Phật dậy chúng sinh tu tập Thập Thiện để tạo nhân duyên, phước bảo để đời này được an vui và kiếp sau cũng được sung sướng. Thập Thiện là nấc thang quan trọng cần phải vượt qua nếu muốn đạt thành qủa tu tập cao. Các bậc đã đạt phẩm hạnh cao như Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát đều phải kinh qua Thập Thiện.
Thập Thiện bao gồm:
     ·         Ba Nghiệp về Thân tức Thân Nghiệp: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm.
      ·        Bốn Nghiệp về miệng tức Khẩu Nghiệp: không nói dối, không nói lươn lẹo hai ý, không nói lời độc ác, không vẽ vời thêu dệt.
      ·        Ba nghiệp về ý, tức Ý Nghiệp: không tham lam, không sân hận, không si mê tà kiến.
     Thực hiện Thập Thiện sẽ đạt được nhiều lợi ích mà kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo đã ghi rõ, đó là: Thân và Tâm trở thành tốt đẹp. Hành động của Thân, của Khẩu, của Ý biểu lộ đầy đủ đạo đức; được là con người từ bi bác ái, ân nghiã, thương yêu, nhẫn nhục để biến đổi hung dữ thành hiền lành, và hạnh phúc lớn lao là được hưởng phúc vĩnh cửu Niết Bàn như Đức Phật đã dậy: “Mười phương ba đời chư Phật và các bậc thánh hiền thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, chứng qủa Vô Thượng Bồ Đề đều phải tu tập Thập Thiện và lấy Thập Thiện àm nền tảng cho sự tu hành của mình”.
Tất cả những giới luật trên có mục đích giúp  con người  đạt đến tình trạng của người con Phật lý tưởng khi có ba điều qúy báu, đó là Bi, Trí, Dũng.  Phật tử thuần thành, Phật tử đat đạo  là người có ba nhân đức quan trọng: Từ Bi, Trí Tuệ, Dũng khí.

      ·        Từ bi:
     Từ là hiền lành, Bi là thương xót.Tiếng Latinh là compassio, có căn gốc là Patior, nghiã là khổ đau, đau đớn. Thực ra ý nghiã Từ Bi trong Phật Giáo không chỉ là cảm thương, xót thương trước cảnh khổ đau của con người hay thú vật; nhưng Từ Bi mang một ý nghiã tích cực hơn, dấn thân hơn khi trở thành ước vọng mãnh liệt và tha thiết thúc đẩy ta phải giải thoát cho tất cả mọi chúng sinh, trong đó có cả ta ra khỏi cảnh khổ.
Như Đức Phật, người con Phật sống Từ Bi khi ý thức rằng khổ đau không phải là định mệnh không thể thay đổi, nhưng  con người có thể tự giải thoát và chỉ cho nhau con đường tự giải thoát.
Người có lòng từ bi sẽ thương cảm mọi chúng sinh và tránh làm khổ chúng sinh. Từ Bi chẳng những là thức ăn nuôi dưỡng, mà còn là sự biểu hiện sống động của Phật tánh, Giác Ngộ.

      ·        Trí Tuệ:
     Trí tuệ còn gọi là Huệ, hay Bát Nhã. “Trí tuệ trong Phật Giáo là một tri thức tối thượng, hoàn hảo, không có gì cao hơn, không có gì so sánh được: vô thượng, vô tỷ, vô đẳng. Trí tuệ giúp người tu học nhìn thấy trực tiếp, quán nhận trực tiếp Sự Thật Tuyệt Đối của mọi vật thể và mọi hiện tượng. Sự Thật mà ta thấy chung quanh ở các sự vật, sinh vật chung quanh ta, trên thân xác ta, hay trong tâm thức ta chỉ là những sự thật tương đối luôn biến động, biến đổi, thoái hoá, bị hủy diệt, rồi lại được sinh ra bằng những điều kiện khác trong những dạng thể hay hình tướng khác.
    Trí tuệ mà Đức Phật nói đây không là sự thông minh bình thường  và có thể phát triển trên bất cứ mảnh đất nào, nhưng là trí tuệ của  một Tâm an bình, và chỉ lớn được trên mảnh đất của Từ Bi. Như thế, Trí Tuệ và Từ Bi đi đôi, gắn bó, hỗ trợ nhau: phải có Từ Bi mới có Trí Tuệ và phải có Trí Huệ, Từ Bi mới không bị lạc hướng.
Thực vậy, Phật Giáo là đạo cũa Từ Bi Hỉ Xả, nên không có Từ Bi không có đạo Phật. Kinh Pháp Cú đã ghi rõ: “Hận thù diệt hận thù. Đời này không thể có. Từ Bi diệt hận thù. Là định luật ngàn thu”. Hoà Thượng Thích Thiện Hoà đã cắt nghiã Từ Bi trong đạo Phật như sau:
    “Mặc dù thường được mọi người nói đến hai chữ Từ Bi, nhưng không ít người đã hiểu một cách sai lệch, chỉ theo quán tính của mình. Có người hiểu từ bi là một tình thương nhỏ nhặt, tầm thường nông cạn; có người hiểu từ bi là một tình thương nhạt nhẽo, lãnh đạm, tiêu cực, thua xa “tình yêu” hay “bác ái”; có người cho từ bi là một hình thức biến thể của “ích kỷ”; lại có người đi xa hơn cho từ bi là một danh từ trống rỗng là “vô nghiã”… Định nghiã theo danh từ nhà Phật, Từ nghiã là thương yêu, là làm vui cho người khác và vật; Bi là thương xót người hay vật khi thấy họ đau khổ, gặp hoạn nạn, và cố cứu họ ra khỏi hoàn cảnh ấy. Từ thuộc phạm vi tích cực (làm thêm vui); Bi thuộc phạm vi tiêu cực (trừ cái khổ). Người mẹ thương con, muốn làm cho con được vui vẻ sung sướng khi bình thường, là Từ. Khi đứa con đau đớn về tinh thần hay vật chất, thì người mẹ thiết tha thương xót, chăm sóc, cứu chữa cho nó thoát khỏi cơn đau khổ, là Bi”.
    Như thế Từ Bi là động lực chính thúc đẩy người con Phật đi tìm đạo để giải thoát chúng sinh. Như Đức Phật không thể ngồi yên khi thấy chúng sinh đau khổ: “Người tu hành Bồ Tát phải lấy Từ Bi làm gốc. Cây Bồ Đề lớn mạnh nhờ bám sâu gốc rễ trong đất, kẻ tu hành đạt giải thoát nhờ  lấy từ bi làm lẽ sống”.
      ·        Dũng Khí:
    Dũng là mạnh. Dũng là gan dạ hơn người.Từ điển Hán -Việt của Trần Văn Chánh, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1997, tr. 292 ghi : "Dũng là dũng cảm, gan dạ, gan góc, mạnh dạn, mạnh bạo, bạo dạn".
T    rang Tử  cắt nghiã cái Dũng: "Lặn xuống đáy biển mà không biết sợ giao long, đó là cái Dũng của người chài lưới. Vào rừng mà không biết sợ hổ, báo, đó là cái Dũng của người thợ săn. Thấy gươm bén mà không biết sợ, xem tử như sanh, ấy là cái Dũng của người liệt sĩ. Biết được chỗ cùng thông là Thời, Mệnh và bất cứ ở vào cảnh nguy hiểm nào cũng không biết sợ, đó là cái Dũng của thánh nhân…" ("Cái Dũng của Thánh Nhân", Nguyễn Duy Cần, NXB Thuận Hóa, 1993, tr. 11).  
    Như thế, Dũng được hiểu với nghiã thông thường trong xã hội là người gan dạ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu.
    Điều cần phân biệt ở đây là Dũng Khí trong đạo Phật không phải là bạo lực, hung hăng, sát khí; nhưng sức mạnh, cái Dũng , hay “đại hùng, đại lực, đại từ bi” của Phật Giáo không cậy vào bất cứ một lực lượng, sức mạnh nào khác ngoài Từ Bi.  Chính Từ Bi tạo nên Đức và Đức tạo thành Trí và Dũng.  Người có Dũng Khí là người dám thực hiện những điều tốt, việc thiện để giải thoát mình và chỉ đường giải thoát cho người khác, dám lao mình vào khó khăn vì người khác để thực hiện đạo Từ Bi và quên mình vì lợi ích của xã hội.
    Quả thực giáo lý của Đức Phật thì nhiều, nhưng tựu trung đều nhắm đến ba điểm: Từ Bi, Trí Tuệ, Dũng Khí tức mở rộng tình thương, mở rộng trí tuệ, mở rộng nghị lực và cứ thế mở rộng, cho đến khi nào không còn thấy biên cương, ranh giới nữa là thành Phật. Thiếu một trong ba điểm trên sẽ không bao giờ thành chánh qủa. Vì thế, người theo Phật có câu: Trí không Bi là trí điêu xảo, Bi không Trí là bị mù loà. Cả hai Bi và Trí được thực hiện nhờ Dũng khí là nghị lực làm điều thiện, thực hành Từ Bi Hỉ Xả.
Để kết luận phần về đạo Phật, xin được nhấn mạnh một lần nữa về giáo lý “giải thoát” của Phật Giáo. Giáo lý Giải thoát  rất quan trọng và gồm:
·        Chân lý cơ bản của người muốn giải thoát là Tứ Diệu Đế:
-         Khổ vì sanh lão, bệnh, tử
-         Tập là dục vọng như nguyên nhân của khổ
-         Diệt là tiêu diệt cái khổ
-         Đạo là quét sạch phiền muộn.

·        Con đường Giải Thoát là Bát Chánh Đạo :
-         Chánh kiến : Xem đúng sự thật
-         Chánh tư duy : Suy nghĩ chân chính, không tà ý
-         Chánh nghiệp : Việc làm phải chính đáng, ngay thẳng
-         Chánh tinh tấn : Tin theo sự thật, không được mê tín, dị đoan
-         Chánh mạng : Sống xứng đáng nhân phẩm, biết tự trọng, có liêm xỉ, không trụy lạc, sa đọa, bê tha.
-         Chánh ngữ : Nói sự thật, không nói dối, điêu ngoa, không vu oan, lừa gạt.
-         Chánh niệm : Suy tưởng trong sáng, không lợi danh, không tham lam bất chính.
-         Chánh định : Chỉ suy nghĩ những điều chân chính, loại trừ khỏi trí óc những tư tưởng hại người, xấu xa.
Đạt được Giải Thoát là mục tiêu của người Phật tử; bởi chỉ trong tình trạng Giải Thoát, con người mới thực sự hạnh phúc thật khi ra khỏi mọi ràng buộc, ghì trói của Luân Hồi.

     5.     NHỮNG VẤN NẠN CÂN ĐƯỢC GIẢI ĐÁP    
     Đến đây, sau khi chia sẻ căn tính của đạo Phật,  chúng ta có thể rút ra nhiều hệ luận về Phật Giáo mà không sợ sai lầm; trái lại, nhờ rút ra những hệ luận từ giáo lý nguyên thủy của Đức Phật, hay nói đúng hơn từ luân lý, đạo đức của đạo Phật, người ta giải toả được vô số những hiểu lầm, những gán ghép bất công phần lớn vì Vô Minh đối với đạo Phật.
    Có những điều mà Phật Giáo không hề chủ trương, không hề truyền dậy, nhưng lại tràn lan trong đời thường, nơi cảnh Chùa. Những điều “mắt thấy tai nghe” rất tiêu cực ấy không ít thì nhiều đã phần nào làm lu mờ  giáo lý nguyên thủy của đạo Phật và gây nên những cái nhìn lệch lạc về  Phật tử. Người viết đan cử một vài điểm thường gặp và gây nên thắc mắc ở nhiều người:

a.     Đạo Phật mê tín, dị đoan ?
    Nhiều người qủa quyết đạo Phật là đạo mê tín, dị đoan khi thấy ở nhà chùa những cảnh xin săm, giải săm, giải hạn, đốt vàng mã, cúng kiếng cơm nước cho người chết, xem ngày, chọn tháng…
    Qủa thực, sinh hoạt của Phật  Giáo ở Việt Nam với những tập tục, lễ nghi “không phải là niềm tin trong sáng, đích thực” được phô diễn ngay trong nhà chùa đã làm nhiều người có cảm tưởng Phật Giáo cổ võ những hình thức mê tín, dị đoan, nhất là đối với quần chúng ít học, nhưng sùng  đạo. Tuy nhiên khi nghiên cứu đạo Phật, chúng ta có cái nhìn khác trung thực và chính xác hơn:
      ·   Đạo Phật không mê tín, dị đoan; vì giáo lý nhà  Phật phủ nhận tất cả thần linh, và ngay cả Thượng Đế; đồng thời đặt chính con người là trọng tâm, cứu cánh: con người tự giải thoát chính mình, không dựa vào thần thánh, không cậy vào người khác “cầu thay nguyện giúp”; bởi tất cả đều do Nghiệp mình đã tạo. Người khác cùng lắm cũng chỉ  phụ  được một chút rất nhỏ, không mang tính quyết định.
Chính vì phủ nhận vai trò của thần thánh, nên Phật Giáo không tìm đến sức mạnh của thần linh, và nếu không cần đến thần linh thì tại sao lại phải tin để rồi có tình trạng dị đoan, mê tín?
    Những việc làm được coi là mê tín trong Phật Giáo chỉ là tập tục đến từ văn hoá Trung Hoa, và vì tôn trọng nền văn hoá, nhà Phật đã làm ngơ. Điều đáng nói ở đây là những tập tục "tiêu cực" ấy đã lấn sân và tạo nên bầu khí mê tín  và lâu ngày làm mờ nhạt giáo lý nguyên thủy của Đức Phật.
    Một thí dụ vể tập tục đốt hình nhân khi an táng người chết: Ngày xưa, trong xã hội Trung Hoa, khi người chủ chết thì các nàng hầu phải chết theo để tiếp tục hầu hạ ông chủ ở bên kia thế giới. Thấy cảnh phải chết theo kinh hoàng, thương tâm và phi nhân qúa, các thầy trong Phật Giáo Trung Hoa mới nghĩ ra cách dậy cho tín đồ thay vì người thật phải chết theo thì làm những hình người nộm bằng giấy, rồi đốt, làm như đã có người chết theo rồi. Tập tục này đã chấm dứt  hủ tục bắt những người hầu phải chết theo chủ rất phi nhân, nhẫn tâm, quái đản. Và tập tục đốt hình nhân  đã lưu truyền qua Việt Nam như ngày nay chúng ta vẫn còn thấy.
    Cũng trong ý tưởng về mê tín, Hoà Thượng Thích Thanh Từ trong “Một số thái độ sai lầm của phật tử” đăng trong “Phật Giáo trong mạch sống dân tộc”  ở mục số 2 : “Tin Phật như vị thần linh” đã viết: “Người bình dân đến với đức Phật để cầu ban phước, che chở, ủng hộ hơn là tìm giác ngộ… Quan niệm Phật như vị thần linh chỉ coi việc ban phước, giáng họa. Vì vậy, người ta không ngại gặp Phật thì cúng, gặp thần thì lậy, gặp qủi thì cầu xin. Bởi trên cương vị ban phước, giáng họa, họ không phân biệt đâu trọng đâu khinh, miễn vị nào đem lại được những điều cầu nguyện của họ là linh thiêng, bằng không thì hết linh ứng. Hết linh ứng thì họ bỏ không theo nữa, dù Phật cũng thế. Do đó, trong dân gian những cốt Cô, cốt Cậu đã báo cho họ biết những tai nạn sắp đến và đã cho họ bùa chú để họ dán trong nhà khiến con cháu mạnh giỏi, làm ăn phát đạt. Niềm tin Phật như vậy, họ rất dễ tin mà cũng rất dễ bỏ, nếu một sở nguyện đưọc thành, hoặc không toại nguyện”.
    Trong đoạn 3 với tựa đề : “Tin Phật qua những hình thức tà giáo”, Hoà thượng viết tiếp: “Có những  người dến với Phật, không do hiểu Phật pháp mà nhờ ông Đồng, bà Cốt mách phải quy y Phật sẽ khỏi tai nạn chẳng hạn, họ liền lên chùa xin quy y. Hoặc có người do xin xăm hay bói quẻ, trong xăm quẻ dậy theo Phật hay thờ Phật thì mọi sự được an lành…, họ liền phát nguyện quy y Phật. Hoặc vị trụ trì có học buà chú trừ ma, ếm qủy, người có con bệnh đến nhờ thầy trị chữa, nếu con lành bệnh liền xin quy y Phật…”. 
      ·        Đạo Phật không mê tín, dị đoan, vì không chủ trương có thiên đàng, như một thực thể ngoại tại và hạnh phúc của con người là tình trạng nơi tâm thức của mỗi con người do chính người ấy tạo nên nhờ tu tập để thoát khỏi vòng sinh tử của Luân Hồi. Nếu không có thiên đàng như một nơi để thưởng  hay điạ ngục là nơi để phạt và sự thưởng - phạt được thực hiện từ một ai đó, hay một sức mạnh nào đó ở  ngoài Tâm Thức, thì hà cớ gì phải tin ở ai, hay tin ở thần thánh, thượng đế nào? Tính vô thần trong đạo Phật rất quan trọng và làm nền tảng cho con đường tự giải thoát của mỗi người: ngoài chính mình, không ai  giúp ta tự giải thoát, vì con đường giải thoát phải được đi bằng chính đôi chân của ta. Như thế, mê tín dị đoan, tức dựa vào sức mạnh bên ngoài, “mua chuộc” thần thánh bằng những  hành vi sai lệch, mù quáng, bệnh hoạn  của niềm  tin sẽ không có lý do đứng vững trong Phật Giáo.

b.    Phật Giáo: triết học yếm thế?
     Vì chủ trương tất cả đều vô thường và không nên bám víu vào bất cứ một sự vật, sự việc, con người nào trong đời sống đầy hiện tượng không ngừng biến đổi, biến động, trùng trùng sinh - diệt, nên Phật tử đôi khi bị coi là những người yếm thế, chán đời, không dấn thân phục vụ con người, xã hội. Quan niệm này coi nguời  con Phật là những người tránh  né cuộc đời, xa lánh cảnh khổ của đời người và thu mình ích kỷ chỉ lo cho riêng  mình được giải thoát. Cũng do đòi hỏi tự giải thoát; nghiã là không cần đến người khác, hay thần linh, Thượng Đế mà Phật Giáo dễ bị coi là một triết học yếm thế chỉ nhắm hạnh phúc cá nhân.
    Nhìn Phật Giáo với cái nhìn “yếm thế, ích kỷ ” là bất công với Phật Giáo và không hiểu thấu đáo giáo lý của Đức Phật khi ngài nhắc bảo những người đi theo đường lối tu tập của ngài phải dấn thân, hy sinh, nhẫn nhục và nỗ lực đem hạnh phúc cho người khác khi  dũng cảm, gan dạ dám lao mình vào nơi khó khăn, cực nhọc vì tha nhân.
    Những đức tính của người con Phật như từ bi, hỉ xả, dũng cảm… đều biểu hiện tính năng động, xông pha, quên mình vì người khác. Vì thế, người Phật tử hoàn toàn không yếm thế, ích kỷ vì tất cả luân lý, đạo đức của Phật đều hướng đến việc tạo nên bầu khí ấm êm, vui vẻ và mưu tìm hạnh phúc cho người  chung quanh. Nhìn vào Ngũ Giới, Lục Độ, Thập Thiện là hệ thống đạo đức, luân lý của Phật Giáo, ai dám nói Phật tử là người ích kỷ, không sống vì người khác ?
     Cũng trong tinh thần từ bi, hỉ xả, người Phật tử tìm sống một cuộc sống an hòa bằng gieo rắc tinh thần hoà bình, tương kính, tương trợ, công bình trong môi trường sống. Người Phật tử thuần thành tránh tất cả những lời nói, hành động, ý nghĩ gây bất hoà, mất trật tự, tiếp sức, tiếp tay cho bạo lực; trái lại, họ tìm xây dựng cái Tâm an bình, hoà thuận, tự tại, thư thái, vì đây chính là nguồn vui cho chính bản thân và cho mọi người chung quanh.
     Tóm lại, thế giới hoà bình là cảnh giới Phật tử tìm đạt, tinh thần bạo động, hung dữ, giết chóc là điều con Phật tuyệt đối từ bỏ, tránh xa, nên Phật Giáo có nền tảng vững chắc để xứng đáng là một triết sống từ bi, hỉ xả, dấn thân, vị tha, hoà bình và khôn hề chủ trương yếm thế, trốn tránh cuộc đời.

c.      Phật Giáo, một thực thể vô tổ chức ?
    Phật Giáo đã được Đức Phật xác định rõ chủ đích, đó là chỉ cho chúng sinh con đường tự giải thoát. Chủ đích đó không thể lẫn lộn hay mơ hồ lý giải. Theo Đức Phật, mỗi người phải tự tìm giải thoát mình khỏi vòng sinh tử Luân Hồi. Những người đắc đạo như chính ngài cũng chỉ là người hướng đạo nhờ đã đi trước, và có kinh nghiệm nay chỉ lại cho mọi người con đường tốt nhất để đạt Niết Bàn. Chính vì con đường giải thoát là con đường mỗi người phải tự bước đi, với chính nỗ lực của mình, nên Phật Giáo không chủ trương trở thành một tổ chức cầu kỳ, phức tạp, nhiều đẳng cấp. Kinh nghiệm phân hoá trong tôn giáo Bà La Môn mà Đức Phật đã chứng kiến những hệ qủa đau buồn cho xã hội Ấn thời ngài đã ảnh hưởng trên chủ trương “không  nặng nề với cơ cấu tổ chức và nghi lễ, phẩm trật rườm rà” của Ngài.
Cũng chính vì thế, Phật Giáo không quan trọng đến chức tước, phẩm trật; càng không  nặng nề với guồng máy tổ chức. Tín đồ  Phật Giáo hoàn toàn tự do hành đạo, không bị lệ thuộc vào bất cứ quyền lực lãnh đạo  nào trong đạo, cũng không bị bó buộc phải thuộc về chùa này hay  chùa nọ, Thượng Toạ này hay Đại Đức kia. Đạo của Phật là con đường trong Tâm mỗi người, vì Phật chính là hạt giống tiềm tàng trong mỗi người.
Tóm lại, Phật Giáo không quan tâm đến tổ chức, guồng máy, cơ cấu; nhưng chú trọng chính Tâm của mỗi người. Với Tâm Phật, mọi người con Phật tìm chung về gặp gỡ để cùng nhau phục vụ nhân sinh trong Từ Bi, Trí Tuệ, Dũng Khí  như Đức Phật dậy để đạt Giải Thoát.