Trọng tâm của tập chia sẻ này là trình
bầy giáo lý cốt yếu của Phật Giáo và Công Giáo, với duy nhất một mục đích
giúp độc giả nhận ra khuôn mặt đích thực
của Phật Giáo cũng như dung mạo chính xác của Công Giáo. Sự nhận diện trung thực
sẽ mang lại cái nhìn thiện cảm, nhận định lương thiện, chọn lựa khôn ngoan và
quyết định có trách nhiệm.
Sở dĩ trong qúa khứ đã có những xung đột
giữa một số không nhỏ con Phật và con Chúa, những dị nghị, dè dặt giữa người của
hai tôn giáo có tầm vóc lớn ngang ngửa, những hiểu lầm đã gây ra đổ vỡ khó hàn
gắn chính là do thiếu hiểu biết về nhau, thiếu thấu đáo tín lý của tôn giáo
mình và tôn giáo bạn. Đây là cái thiếu quan trọng đã tạo ra nhiều lổ hổng lớn,
và làm cho tình thân ái giữa những người không cùng tôn giáo thường xuyên bị đe
doạ.
Có nhiều chuyện buồn của qúa khứ đáng lẽ
đã tránh được; nếu mỗi người biết rõ về tôn
giáo của người khác hơn một chút. Có nhiều trượt ngã đau xót giữa các tôn giáo trên cùng một dất
nước đáng lẽ đã không xẩy ra; nếu người trong cuộc đã biết thêm một chút giáo
lý, tín điều, đòi hỏi luân lý, đạo đức của đạo mình, đạo người. Vô minh hay vô
tri đã gây ra không ít phán đoán sai lầm và quyết định liều lĩnh, vô trách nhiệm.
Sự thiếu hiểu biết luôn là nguyên nhân của hiềm khích, đố kỵ. Bất cứ hành động
nào cũng cần trí óc hướng dẫn và qủa tim nào cũng cần đến thông minh của cái đầu;
cũng như bác ái, từ bi luôn cần được soi dẫn bởi trí huệ.
Phần trên, chúng ta đã tóm tắt những điều
cần biết như cốt lõi của Phật Giáo. Trong phần này, giáo lý căn bản của Công
Giáo là nội dung chúng ta cùng chia sẻ. Cũng trên cùng một tuyến đường: Vũ trụ,
Thượng Đế, Con người và những vấn nạn cần
giải đáp, chúng ta cùng sánh vai đi tìm chân lý được mạc khải trong Công Giáo :
Công Giáo trước hết là một tôn giáo
trăm phần trăm theo như định nghiã của tôn giáo - religio trong tiếng Latinh là
một thông giao giữa con người và Thượng Đế. Định nghiã này cho ta thấy ngay vị
trí của Thiên Chúa trong Công Giáo, khác với Phật Giáo không quan tâm đến sự có
mặt của Thượng Đế trong giáo thuyết của mình mà chuyên tâm lo cho con người
thoát khổ não, sầu phiền trong cuộc sống.
Là một tôn giáo, giáo lý Công Giáo dậy
tín hữu tin ở Thiên Chúa và đặt để toàn bộ cuộc sống trong bàn tay quan phòng, yêu thương của Thiên Chúa. Sự có mặt
của Thiên Chúa trong đời sống con người không chỉ là sự có mặt mang tính thuần
tạo dựng, nhưng là sự có mặt của người cha luôn dõi mắt yêu thương trên con cái
và che chở, giữ gìn, dậy bảo, thứ tha.
Đạo Công Giáo là nguồn gốc của nhiều
tôn giáo khác đã tách ra như Tin Lành, Anh Giáo, Chính Thống Giáo. Danh xưng
Công Giáo vừa nói lên thuộc tính phổ quát: đạo cho mọi người, mọi dân tộc, mọi
nơi, mọi thời, không loại trừ ai; vừa phân biệt với các tôn giáo cùng tin thờ Đức
Giêsu Kitô, được gọi chung là Kitô giáo.
Đấng lập nên đạo Công Giáo là Đức Giêsu
Kitô, Đấng mà tín hữu Thiên Chúa giáo tôn thờ. Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống
thế làm người, như con người, ở giữa con người và đã chết trên thập giá vì bị kết
tội phạm thượng khi “tự xưng là Con
Thiên Chúa.”, bởi chính những người đồng đạo Do Thái thời Ngài, cách đây hơn
hai ngàn năm tại xứ Palestine, miền Trung Đông.
Ngài
chết để chuộc tội cho toàn thể con người, kể cả những người đầu tiên có mặt
trên trần gian từ ngày “tạo thiên lập điạ”. Máu của Ngài là giá cứu độ con người
để con ngưòi được làm hoà với Thiên Chúa sau khi tội lỗi của họ được rửa sạch trong
máu Ngài. Không có cái chết vì tình yêu vô cùng, tuyệt đối và sự sống lại vinh
hiển của Đức Giêsu Kitô, tội lỗi loài người không được tha thứ và con người
không được hưởng sự sống đời đời với Ngài sau khi chết.
Xuất thân từ gia đình có cha mẹ là ông Giuse
và bà Maria, sinh ra tại Bêlem, lớn lên ở Nazareth, bắt đầu sứ vụ rao giảng đạo
mới Yêu Thương khi tròn ba mươi tuổi ở miền Galilê thuộc nước Do Thái, Đức
Giêsu đã chọn mười hai môn đệ thân tín và huấn luyện họ thành những tông đồ để
tiếp nối công trình Cứu Thế của Ngài ở mọi nơi, mọi thời cho đến ngày tận thế.
Ngài loan báo Tin Mừng cho mọi người : “Con
người được Thiên Chúa yêu thương, cứu chuộc”, con người có Thiên Chúa là Cha và
mọi người là anh em, vì tất cả cùng
chung một Cha yêu thương trên Trời. Hiện tại của con người là “Nước Thiên Chúa ở
giữa anh em” và tương lai là “Vương quốc tình yêu đời đời đã được hứa ban cho
những ai yêu mến Thiên Chúa trong anh em”.
1. VŨ TRỤ TRONG
THIÊN CHÚA GIÁO
Nếu vũ trụ trong Phật Giáo là do
nhân duyên và không cần đến sự có mặt, can thiệp của Thượng Đế, thì ngược lại,
vũ trụ của Thiên Chúa giáo là kỳ công từ bàn tay của Thiên Chúa. Người Kitô hữu
tin rằng chính Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ, muôn vật hữu hình và vô hinh, từ
những gì bé nhỏ, tinh vi, đơn sơ nhất đến những gì lớn lao, vĩ đại nhất.
Câu chuyện sáng tạo trong sách Sáng
Thế là bài học giáo lý về việc Thiên Chúa dựng nên muôn vật, muôn loài trong vũ
trụ.Theo đó, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ, muôn vật, và loài người trong sáu
ngày, khởi đầu là ánh sáng và cuối cùng là con người (x. St 1).
Đọc trình thuật tạo dựng có tiến
trình, lớp lang, thứ tự rành mạch, người ta không khỏi không đặt vấn đề về tính xác thực của trình thuật và
tự hỏi: ai có thể biết việc Thiên Chúa tạo dựng để viết về tạo dựng, bởi có ai đã được tạo dựng ở buổi đầu
chưa tạo dựng ?
Thực vậy, nhiều người đã đọc Kinh
Thánh, nhất là phần Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và con người với bộ óc và phán
đoán của nhà khoa học; nghiã là đòi tất cả phải là sự kiện cụ thể, chinh xác,
cân, đo, đong, đếm được. Vì thế, đã có rất nhiều “vấp ngã” khi đọc Kinh Thánh của
Thiên Chúa giáo; bởi mục đích đầu tiên và trên hết của những điều đuợc ghi
trong Kinh Thánh, chính là giáo lý về đức tin thuộc phạm vi niềm tin hơn là những
chân lý thuần khoa học. Đừng quên Kinh Thánh không phải cuốn sách Khoa Học, nên
người ta không thể gặp ở Kinh Thánh những con số chính xác, những ngày tháng
chính xác, những sự kiện chính xác như một nghiên cứu toán học, vật lý hay hoá
học.
Chân lý trong Kinh Thánh tất nhiên
là chân lý, nhưng là chân lý của đức tin, chân lý của luân lý, chân lý của đạo
đức, chân lý của chính đời sống con người có linh hồn và thân xác, có ước vọng
tuyệt đối, có khao khát Vô Cùng, có thao thức Vô Biên, có lý tưởng Tuyệt Vời
và khác với chân lý khoa học là những gì kiểm chứng, thực nghiệm, “cân
đo, đong , đếm” và giới hạn trong phạm vi vật chất. Đàng khác, Khoa Học tìm sự
vật, thực tại vật chất, trong khi cốt lõi của Kinh Thánh là gieo hạt đức tin,
ươm trồng đức tin, nuôi lớn đức tin, giáo dục đức tin, củng cố đức tin mà đức
tin thì không thuộc phạm vi vật chất, nên không thể áp dụng phương pháp thực
nghiệm, quan sát, nghiệm thu của khoa học. Vì thuộc phạm vi tinh thần, chân lý đức
tin trong Kinh Thánh nhắm mục đích thiêng liêng: mang lại ơn cứu độ, hạnh phúc
đời đời cho con người và từ chối
lẫn lộn với mục tiêu, phạm vi,
phương pháp của Khoa Học.
Như thế thái độ nổi giận, phỉ báng Kinh
Thánh khi cho rằng nội dung của trình
thuật sáng tạo vũ trụ không phù hợp hoặc trái ngược với những khám phá khoa học
là thái độ không lương thiện và hàm hồ;
vì hai phạm trù đức tin và khoa học hoàn toàn khác nhau, tuy nâng đỡ, trợ lực
cho nhau, nên không thể so sánh, đặt trên cùng
một bàn cân, áp dụng chung một phương pháp, đợi chung một kết qủa.
Trường hợp nhà khoa học Galilê đã bị
giáo quyền lên án vì đã chứng minh trái đất quay quanh mặt trời, khác với mặt trời, trái đất trong Kinh Thánh đã tạo nên phong trào bài Kinh Thánh và lên án tính độc
đóan, phản khoa học của Giáo Hội.
Đây là một sai lầm lớn mà giáo quyền
thời đó đã lạm dụng thần quyền vô hạn của mình khi chen lấn vào phạm vi nghiên cứu khoa học. Giáo quyền thời đó đã lẫn
lộn đức tin với khoa học cũng như nhiều người thời nay vẫn coi những chân lý
trong Kinh Thánh là chân lý khoa học và đòi Kinh Thánh phải là một bộ sưu tập
những khám phá khoa học hơn là kho tàng chân lý đức tin. Lòng đạo quá khích do
kiêu căng, tự mãn và thiếu cởi mở lắng nghe đã đưa đến tình trạng sơ cứng trí
thức một cách kệch cỡm, lố bịch và thái độ độc tôn mù quáng. Những người hiềm
khích Thiên Chúa giáo cho đến hôm nay vẫn dùng trường hợp Galilê để chế diễu những
sai lầm và thái độ “mũ ni che tai” của giáo quyền trước khả năng ngày càng rộng
lớn, có sức thuyết phục của khoa học.
Thực ra đức tin không phủ nhận khoa
học; trái lại luôn ủng hộ và khuyến khích các nhà khoa học tìm tòi, khám phá vũ
trụ đã được dựng nên bởi Thiên Chúa. Thiên Chúa giáo tin vũ trụ là tác phẩm tuyệt
vời của Thiên Chúa và Ngài tiếp tục gìn
giữ vũ trụ mà Ngài đã tạo nên bằng tình thương của Ngài. Sự hiện diện của tinh
tú, trời đất, thực vật, động vật và con người là bài ca không ngừng chúc tụng
tình yêu quan phòng và toàn năng của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên muôn vật,
muôn loài cho vinh quang của Ngài và hạnh phúc của con người mà Ngài đặc biệt yêu
thương.
Ở đây, ta gặp một chân lý quan trọng
trong vũ trụ quan của Thiên Chúa giáo, đó là tất cả mọi sự, mọi loài được tạo dựng
cho con người, để phục vụ hạnh phúc của con người:
“Thiên Chúa chúc phúc lành cho người
nam và người nữ mà Ngài mới tạo dựng
theo hình ảnh Ngài. “Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều,
cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi
giống vật bò trên mặt đất… Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên
mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các
ngươi” (St 1, 28-29).
Kinh Thánh khẳng định Thiên Chúa ban
cho con người quyền làm chủ tất cả thiên nhiên, mọi loài thực vật, động vật và có quyền hưởng dùng cho hạnh phúc chính
đáng của mình, chính đáng khi không phá hủy, nhưng tôn trọng, bảo tồn, gìn giữ,
phát triển, xây dựng vũ trụ được Thiên Chúa dựng nên.
Vì thế, người tín hữu ý thức: quyền
làm chủ thiên nhiên, vạn vật là quà tặng của Thiên Chúa, và việc gìn giữ môi
trường sống, làm đẹp thiên nhiên, chăm chuốt vạn vật, bảo tồn, săn sóc các giống
vật là bổn phận của người quản lý trung tín đối với ông chủ là Thiên Chúa. Với
ý thức này, vũ trụ, vạn vật luôn được người tín hữu chiêm ngắm bằng cặp mắt
thán phục, ngưỡng mộ và tâm tình yêu mến, biết ơn Thiên Chúa.
Điểm
sau cùng cần chú ý là Thiên Chúa giáo phủ nhận hoàn toàn sự có mặt của
linh hồn bất tử trong các tạo vật, trừ thiên thần và con người. Vì thế, không
có thần linh nơi tạo vật, cũng không có tạo vật mang mầm sống thần linh, nên tất
cả tạo vật sẽ bị tiêu tan, hủy diệt, trừ “con người” bất tử vì có linh hồn bất
tử.
2 . THIÊN CHÚA CỦA
NGƯƠI CÔNG GIÁO
Tên gọi Giêsu tiếng Do Thái có nghiã
là “Thiên Chúa cứu”, và Kitô là danh hiệu “Đấng được xức dầu, Cứu Thế”, đấng mà
người Do Thái hằng mong đợi.
Vì thế, người có đạo Công Giáo là
người tin thờ, yêu mến, gắn bó với Đức Giêsu Đấng là “Đường, Sự Thật, Sự Sống ”
. Không tin Đức Giêsu là Thiên Chúa, không đi theo và ở với Ngài sẽ không thể
là người Công Giáo đích thực.
Bên cạnh niềm tin ở Đức Giêsu, người
công giáo còn bổn phận hiệp thông với Đức Giáo Hoàng là người kế vị thánh
Phêrô,người đã được Đức Giêsu ủy quyền coi sóc đàn chiên của Ngài ở trần gian;
bởi chính Đức Giêsu đã lập Giáo Hội của
Ngài trên nền tảng các tổng đồ và đã chọn
Phêrô làm thủ lãnh để quy tụ tất cả những
ai tin theo Ngài, tuân giữ giới răn Yêu Thương Ngài dậy, sống đời sống mầu nhiệm
của Ngài, và loan báo Tin Mừng của Ngài cho muôn dân(Mt 28,19). Ngài còn khẳng
định sự hiện diện đầy yêu thương và hoạt
động của Ngài trong Giáo Hội: “Thầy ở với
chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Đức Giêsu là ai ?
Về phương diện nhân loại, Đức Giêsu
là người Do Thái, con ông Giuse thuộc chi tộc Đavít, và bà Maria. Ngài sinh ra
tại Bêlem vào năm thứ nhất Công Nguyên,
tức cách chúng ta 2014 năm (x. Lc 2,1-20). Thời thơ ấu và trưởng thành Ngài ở làng Nazareth, vì thế, người đương thời gọi
Ngài là “ông Giêsu người Nazareth” (Lc 2,39-40). Ngài sống cuộc sống bình thường
của một người tín hữu Do Thái: chịu phép
cắt bì như luật Môsê dậy, vào hội đường nghe giảng Kinh Thánh và cùng cha mẹ lên đền thờ Giêrusalem hằng năm vào những dịp
lễ trọng (Lc 2,41-42). Đến năm ba mươi tuổi, Ngài công khai xuất hiện, tuyển
môn đệ, rao giảng một đạo mới, nhưng không hủy bỏ chân lý của đạo cũ mà chân nhận dân riêng Do Thái với những lề luật
của Môsê dậy là bước chuẩn bị cần thiết và cuối cùng cho sự viên mãn của chương
trình cứu độ khi chính con Thiên Chúa là
Ngài đến giữa con người để trực tiếp nói với con người. Ở thời viên mãn này, Con
Thiên Chúa đến như Đấng phải đến trong
thế gian, Đấng mà các ngôn sứ đã loan báo từ ngàn năm trước.
Ngài đã nói với con người: Thiên
Chúa là Tình yêu; Thiên Chúa yêu thương
nhân loại nên sai con một của Ngài xuống thể gian để cứu độ mọi người. Ngài mạc
khải cho nhân loại Thiên Chúa là cha nhân từ, giầu lòng thương xót và con đường
mọi người phải đi để được hạnh phúc đời đời là vác Thánh Giá cùng đi với Ngài
trên con đường Tình Yêu: kính mến Thiên Chúa và yêu thương đồng loại.
Ngài đã yêu thương và làm nhiều phép
lạ: chữa bệnh, trừ qủy, làm cho người chết sống lại, biểu lộ uy quyền trên thiên
nhiên. Ngài đặc biệt thương những người cô qủa, yếu đuối, bị bạc đãi, bỏ rơi; gần
gũi những người mang tiếng “tội lỗi” bị khinh khi, cô lập;
ân cần, thân thiện với những người ngoài đạo; nhưng lại rất nghiêm khắc, không
nhân nhượng đối với những người giả hình,
kiêu căng, ỷ quyền thế bóc lột, đàn áp người “thấp cổ bé miệng, nghèo
hèn, yếu đuối”, điển hình là những người
Biệt Phái: nhóm người được mọi người nể trọng vì uyên thâm lề luật Môsê
và nhiệm nhặt tuân giữ từng chi tết cỏn con của lề luật.
Cũng chính vì tự xưng là Con Thiên
Chúa và công khai chỉ trích, đả phá lối sống đạo hình thức, giả hình, kiêu
căng, thiếu bác ái mà Đức Giêsu đã bị qúy chức trong hội đồng tôn giáo Do Thái
thời đó kết án là phạm thượng, bị qủy ám, kẻ dấy loạn, tên điên khùng và tìm mọi
cách khử diệt. Những người này đã thành công khi gài Ngài vào tội xúi dân dấy lọan
chống chính quyền đô hộ Rôma. Với tội danh này, họ đã đưa Philatô, quan tổng trấn,
đại diện chính quyền đô hộ Rôma vào cuộc khi dùng áp lực quần chúng ép ông phải
công khai kết án tử hình đóng đinh Đức Giêsu ( x. Mc 14, 55,65; 15,1-15).
Đức Giêsu chết, chịu chôn trong mồ…Một
sự kiện lạ lùng đã xẩy ra: người ta đã không thấy xác Ngài sau ba ngày trong mồ
đóng kín bằng phiến đá lớn (x. Mc 16, 1-18). Những người tin Ngài thì qủa quyết
đã gặp Ngài, còn được ăn uống với Ngài vì Ngài đã sống lại. Nhiều người cho là
bịa đặt, lừa phỉnh, phao tin thất thiệt… Nhưng sau đó các môn đệ của Ngài đã
hăng say lên đường truyền giáo, loan báo “Đức Giêsu chịu đóng đinh”, tiếp nối sứ
mạng loan báo Tin Mừng của Ngài, và làm nhiều phép lạ nhân danh Ngài. Các vị đã
đi khắp nơi, đến với các dân tộc ở ngoài Do Thái. Một Giáo Hội mới được thành hình:
Giáo Hội của Đức Giêsu Kitô (Mc 16, 20).
.
a. Người Công Giáo
tin:
Về phương diện siêu nhiên, người Công Giáo tin Đức Giêsu Kitô là Ngôi Hai
Thiên Chúa, đồng bản tính với Thiên Chúa Cha. Đức Tin ấy được tuyên xưng trong
kinh Tin Kính của Giáo Hội Công Giáo bao gồm tất cả các tín điều mà người Công
Giáo tin:
“Tôi
tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu
hình và vô hình.
Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con một Thiên Chúa
sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa,
Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà
không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha; nhờ Người mà muôn vật
được tạo thành. Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời
xuống thế. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ
Maria và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi, chịu khổ
hình và mai táng thời Phôngxiô Philatô. Ngày thứ ba, Người sống lại như lời
Thánh Kinh. Người lên Trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha và Người sẽ trở lại trong
vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Nước Người sẽ không bao giờ cùng.
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh là Thiên
Chúa và là Đấng ban sự sống. Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Người
cũng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Người đã dùng
các tiên tri mà phán dậy.
Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh
thiện, công giáo và tông truyền. Tôi tuyên xưng có một phép rửa để tha tội. Tôi
trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”.
Người Công Giáo tin Thiên Chúa Ba Ngôi: ngôi Cha, ngôi Con và ngôi Thánh Thần. Đây là chân lý về Thiên
Chúa mà chỉ có Đức Giêsu, Con Thiên Chúa
làm người mới biết mà mạc khải: Ngài nói
với con người về Cha Ngài : “Thầy và Chúa Cha là một” (Ga 10,29-30), “Chúa Cha ở
trong Thầy, và Thầy ở trong Chúa Cha” (Ga 10, 37-38), “Chúa Cha gío phó mọi sự
cho Thầy. Và không ai biết rõ Chúa Con, trừ
Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Chúa Con và kẻ mà Chúa
Con muốn mạc khải cho” (Mt 12, 27); đồng thời sự có mặt tích cực của Ngôi Ba
Thánh Thần trong công cuộc cứu chuộc của Ngài: “ Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà
Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất
từ Chúa Cha” (Ga 15, 26).
Nhiều người cho rằng: chân lý Thiên Chúa Ba Ngôi là tín điều khó chấp nhận, cũng như Đức Giêsu sinh ra bởi người
mẹ còn đồng trinh là điều ngược tự nhiên; nhưng có lẽ người ta cần xác định lại
tôn giáo là gì; nếu không phải là sự gặp
gỡ, hiệp thông giữa con người và Thiên Chúa, nên những thực thể mầu nhiệm là đòi hỏi tất yếu trong tôn giáo;
bởi vì Thiên Chúa tự Ngài là mầu nhiệm vượt qúa sức thấu hiểu của trí khôn con
người.
Khi lột bỏ “mầu nhiệm” ra khỏi
tôn giáo, người ta đã lấy Thiên Chúa ra khỏi tôn giáo và biến tôn giáo thành một
định chế xã hội giữa con người với con người, một định chế không cần đến niềm
tin vì không còn mầu nhiệm bởi không còn Thiên Chúa.
Như thế, mầu nhiệm trong tôn giáo là điều tất yếu, không thể loại trừ; nếu
không, tôn giáo sẽ không còn là cuộc gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa. Trong
cuộc gặp gỡ mầu nhiệm này, Đức Tin là con đường để con người đạt tới Thiên
Chúa. Đức Tin là tình yêu con người dành cho Thiên Chúa và qua Đức Tin, con người
gặp được Ngài.
Một điểm khác nữa, đó là tự bản tính, Thiên Chúa là Đấng toàn năng tuyệt
đối, trong khi con người lả thụ tạo tương đối, nên khi đi vào gặp gỡ với Thiên
Chúa, con người cũng được thông dự vào mầu nhiệm tuyệt đối của Ngài. Cũng chính
vì thế mà con người được cất nhắc ra khỏi những gì hữu hạn, có cùng của con người
để được nên một trong Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối. Tính tuyệt đối, toàn năng của
Thiên Chúa không cho phép con người giới hạn Ngài trong tương đối của con người,
nên những điều vượt sức hiểu biết của con người ở Thiên Chúa cũng chỉ là những
điều bình thường, hoàn toàn thuộc “tầm tay” Thiên Chúa; bởi “đối với Thiên
Chúa, không có gì mà không thể làm được”.
Phủ nhận mầu nhiệm và cho là phi lý những chân lý vượt tầm hiểu biết của
mình, con người rơi vào thái độ của người thuần thực nghiệm chỉ quanh quẩn,
giam mình trong thế giới thấy được, nghe được, sờ được, cảm được, kiểm chứng được
mà bỏ quên một thế giới khác là thế giới siêu hình, siêu nhiên ngàn lần cao vời,
bao la hơn những gì kiểm chứng được khi vượt trên những giới hạn của không
gian, thời gian.
Đức Tin của người Công Giáo là lòng tin tưởng của họ đặt nơi con người Đức
Giêsu Kitô, Đấng đã đến để làm chứng Ngài là Thiên Chúa yêu thương bằng cuộc sống,
qua các phép lạ và lời giảng dậy, sau cùng bằng cái chết hiến mình vì yêu
thương và sự sống lại vinh hiển từ cõi chết như bảo chứng chắc chắn cho cuộc sống mai hậu của
tất cả những ai đi theo Ngài.
Tin Ngài là Thiên Chúa, người Công Giáo tin hết những điều Ngài mạc khải
về Thiên Chúa và Tin Mừng Cứu Độ Ngài loan báo. Tin Mừng ấy là: Thiên Chúa là
Cha yêu thương, giầu lòng thương xót muốn cứu độ mọi người, và để được cứu độ,
mọi người phải yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương mọi người. Người
Công Giáo là người dám tin và dấn thân trong niềm tin, vì với Đức Tin, họ sẽ
làm được mọi sự trong Chúa, như Đức Gỉêsu đã dậy: “Nếu anh em có niềm tin bằng
hạt cải thôi, thì anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển
kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17, 6).
Thiên Chúa của người Công Giáo còn là Thiên Chúa quan phòng. Ngài không
chỉ dựng nên mà còn chăm nom, săn sóc con người là con cái của Ngài đã dựng nên:
“ Các con đừng lo phải ăn gì, mặc gì …Hãy nhìn xem chim trời: chúng
không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha các con trên trời vẫn
nuôi chúng. Các con lại chẳng qúy giá hơn chúng sao ? ” (Mt 6, 25-26).
Nhưng điểm đặc biệt nhất là lòng thương xót nơi Thiên Chúa của người
Công Giáo. Tin Mừng của Đức Giêsu không ngớt nói về lòng thương xót vô bờ bến của
Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Đức Giêsu nhận mình là người chăn chiên vui mừng
khôn tả khi tìm được con chiên lạc của mình : “Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ
vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: “Xin chung
vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”. Và
Ngài nói thêm: “ Trên Trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn
năn sám hối, hơn là vì chin mươi chin người công chính không cần sám hối ăn
năn” (Lc 15, 5 -7).
Đức Giêsu cũng nhận mình là người cha nhân hậu đã không chấp lỗi đứa con
hoang đàng, “phá gia chi tử”, nhưng khi đứa con ăn chơi hết tiền, tơi tả, đói
rách, lê gót trở về vì không còn nơi ăn, chốn ở, “người cha đã trông thấy khi
anh còn ở đàng xa. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta mà hôn lấy hôn để.
Bấy giờ người con nói rằng: “Lậy Cha,
con thậtt đắc tội với Trời và với cha, con chẳng còn đáng gọi là con cha nữa..”. Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng:
“Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân
cậu, rồi đi bắt con dê béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây
đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 20-24).
Sau cùng, Thiên Chúa của người Công Giáo cũng sẽ là Đấng ban phần thưởng
thiên đàng cho những ai đã sống yêu thương. Quang cảnh ngày phán xét đã được Đức Giêsu mô tả trong Tin Mừng được Matthêu
ghi lại; ở đó, Thiên Chúa lấy Tình Yêu làm tiêu chuẩn để đánh giá công trạng và
phân xử mỗi người theo mức độ tình yêu của
họ dành cho tha nhân, nhất là những người yếu đuối, đói khát, tù đầy, bệnh hoạn.
Tiêu chuẩn ấy là tiêu chuẩn duy nhất và những người bé nhỏ, cô thế, bị bỏ rơi
là đối tượng của tình yêu được Thiên Chúa đánh giá cao; bởi chính Ngài đã tự đồng hoá mình với những thân phận, mảnh đời
rách nát, te tua này:
Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người công chính rằng: “Nào những kẻ
được Cha Ta chúc phúc, hãy vào hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo
thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn, Ta khát đã cho uống, Ta là
khách lạ, các ngươi đã tiếp đón; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu,
các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù các ngươi đến thăm nuôi”. Bấy giờ những người
công chính sẽ thưa rằng: “Lậy Chúa có khi nào chúng con đã thấy Chuá đói mà cho
ăn, khát mà cho uống, có bao giờ thấy Chúa là khách lạ mà tiếp đón, trần truồng
mà cho mặc, đau yếu hoặc ngồi tù mà đến thăm viếng, hỏi han đâu?”. Đức Vua sẽ
đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một
trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”
(Mt 25, 34-40).
Tóm lại Thiên Chúa của người Công Giáo là người Cha yêu thương, chăm nom
và mưu tìm hạnh phúc cho con mình, và cuộc sống của người Công Giáo trên trần
gian là bước đi trên hành trình yêu thương cùng mọi người. Trên hành trình này,
mỗi người có bổn phận yêu mến Thiên Chúa là Cha nhân từ và yêu thương mọi người
là anh em cùng một Cha. Bổn phận ấy đi đôi với quyền lợi sẽ được hưởng chính
Thiên Chúa là Tình Yêu tuyệt đối trong Nước Trời đời đời hạnh phúc.
Cuộc đời người tín hữu có khởi điểm là Tình Yêu Thiên Chúa và đích điểm là chính Thiên Chúa như gia nghiệp,
phần thưởng đời đời. Và lý tưởng của họ là sống sự sống của Đức Giêsu, Thiên Chúa, như thánh
Phaolô đã quả quyết: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà chính Đức Kitô sống
trong tôi” (Gl 2, 20).
b. Người Công Giáo
giữ luật Bác Ái:
Người Công Giáo tin Thiên Chúa
yêu thương và xác tín bổn phận đạo đức của họ là yêu thương anh chị em sống
quanh mình, dù họ là ai, kể cả là kẻ thù: “ Hãy yêu thương cả kẻ thù, và cầu
nguyện cho kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của
Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi
sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như
kẻ bất chính” (Mt 5,44-45).
Lề luật của đạo Công Giáo đặt nền tảng vững chắc trên Tình yêu: Lòng hiếu
thảo đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với mọi người. Giới luật tình yêu được
chính Đức Giêsu tóm tắt : “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn,
hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn nhất. Còn điều
răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu thương người chung quanh như chính mình vậy” (Mt 22,37-39).
Nhiều người cho tình yêu của người Công Giáo lả không tưởng vì đòi hỏi của
bác ái xem như vượt qúa khả năng con người khi phải yêu thương và tha thứ cả kẻ
thù làm hại mình. Đồng thời, coi đức Ái của người theo Đức Giêsu là một thứ tình
mơ hồ, bàng bạc, không rõ ràng, vô trật tự. Nói như vậy thì qủa thực oan uổng
cho người Công Giáo, vì đức bác ái của
Kitô giáo là một đức ái có trật tự, nghiã là mỗi người phải yêu thương trước nhất
những người mình có trách nhiệm, như con cái phải yêu mến cha mẹ, cha mẹ phải thương con cái trước người khác, cũng như vợ phải yêu chồng, chồng phải yêu vợ nhiều
hơn mọi người …. Tình yêu ấy cũng rất cụ thể vì có đối tượng là con người sống
động chung quanh, nhất là những người bé nhỏ, cơ nhỡ, đau khổ cần được yêu
thương, chia sẻ, giúp đỡ.
Lề luật của đạo được thu tóm
trong “Mười điều răn” là mười giới luật phải giữ. “Mười Điều Răn” còn được gọi
là giới luật yêu thương, vì tất cả đều quy chiếu về một đòi hỏi duy nhất là yêu
mến Thiên Chúa, và thương yêu đồng loại:
“Thứ nhất : Thờ phượng một Đức
Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự
Thứ hai : Chớ kêu tên Đức Chúa Trời
vô cớ
Thứ ba : Giữ ngày chúa nhật
Thứ bốn : Thảo kính cha mẹ
Thứ năm; Chớ giết người
Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục
Thứ bẩy: Chớ lấy của người
Th
tám: Chớ làm chứng dối
Thứ chin: Chớ muốn vợ chồng người
Thứ mười: Chớ tham của người
Mười điều răn ấy tóm về hai điều
này: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như
mình ta vậy”.
Như thế, đạo Công Giáo là đạo Bác Ái, tôn giáo Yêu Thương, nên ai chủ
trương hận thù, ghen ghét, ác độc, bất nhân bất nghiã, làm hại người, bóc lột,
đàn áp tha nhân thì không thể được gọi là người Công Giáo, vì chính đức Giêsu
đã khẳng định : “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn dệ Thầy là
chúng con thương yêu nhau” (Ga 13,35).
Bên cạnh “Mười Điều Răn” là “Tám Mối Phúc Thật”, được coi như Hiến
Chương của Nước Trời, hiến chương mà chính Đức Giêsu đã công bố trước mặt đám
đông đi theo Ngài:
“Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.
Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ đưọc
Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được
Thiên Chúa ủi an.
Phúc cho ai khát khao nên người công
chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
Phúc cho ai có lòng thương xót người
khác, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc
cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc cho ai xây dựng hoà bình, vì họ
sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc cho ai bị bách hại vì sống công
chính, vì Nước Trời là của họ.
Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị
người ta sỉ vả, và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần
thưởng dành cho anh em ở trên Trời thật lớn lao” (Mt 5, 1-12).
Đó là những điều người Công Giáo phải sống, nếu thực sự muốn là môn đệ
đích danh, xứng đáng của Đức Giêsu. Như Đức Giêsu, họ sẽ phải trở nên của lễ hy
sinh cho người khác khi sống tử tế, dễ thương, công bình, chính trực, bác ái với
mọi người. Đạo Công Giáo là đạo tình thương đi tìm an bình cho tâm hồn và nỗ lực xây dựng công lý, hoà bình trong đời
sống chung.
Như thế luân lý đạo đức của đạo Công Giáo là luân lý Tình Thương, đạo đức
Bác Ái. Ngoài tình thương, bác ái, người Công Giáo không còn một điểm tựa có
giá trị nào khác.
c. Người Công Giáo cầu nguyện:
Vì gắn bó với Thiên Chúa như con với Cha, đời sống đạo của người Công
Giáo lệ thuộc vào Thiên Chúa như con nhỏ trong vòng tay cha hiền. Vì thế, cầu nguyện là con đường đến
gặp gỡ Thiên Chúa mà không người Kitô hữu nào có thể bỏ qua. Đức Giêsu đã dậy
các môn đệ cầu nguyện và kinh “Lậy Cha ”
là kinh nguyện quan trọng nhất của người
Công Giáo:
“Lậy Cha chúng con ở trên Trời.
Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất
cũng như trên Trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ
chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa
chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Mt 6, 9-13)
d. Người Công Giáo
chịu các phép Bí Tích:
Bên cạnh cầu nguyện, người Công Giáo còn sống đời kết hiệp với Đức Giêsu
qua việc lãnh nhận các bí tích, tức là lãnh nhận chính sự sống của Đức Giêsu để
được thanh luyện, thánh hoá; bởi mục tiêu cuối cùng của đời người Công Giáo là
được sống trong Đức Giêsu, kết hiệp nên một với Đức Giêsu như thánh Phaolô đã
viết: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà chính Đức Kitô sống trong tôi”
(Gl 2, 20). Đó là phần thưởng lớn lao, là thiên đàng vĩnh cửu của người tin
theo Đức Giêsu. Họ được ở trong Đức Giêsu - Thiên Chúa, Đấng là “Đường, Sự Thật,
Sự Sống, Gia Nghiệp đời đời”.
Và các Bí Tích là phương tiện thiêng liêng Thiên Chúa ban cho các tín hữu
để họ đạt được chính Ngài:
Thứ nhất là phép Rửa tội
Thứ hai là phép Thêm Sức
Thứ ba là phép Mình Thánh Chuá
Thứ bốn là phép Giải Tội
Thứ năm là phép Xức Dầu Thánh
Thứ sáu là phép Truyền Chức Thánh
Thừ bẩy là phép Hôn Phối.
e. Giáo
Hội có phẩm trật:
Nhiều người cho đạo
Công Giáo là đạo rất khắt khe, vị lề luật và khô khan, cứng cỏi đến phi nhân. Họ
cũng lên án Giáo Hội không biết cảm thông, chia sẻ những khó khăn của con người.
Thực ra, bổn phận của Giáo Hội là loan báo và gìn giữ chân lý đã được chính Đức
Giêsu truyền dậy. Nếu có thêm điều gì thì cũng không ra ngoài đòi hỏi Yêu
Thương, Bác Ái của Đức Giêsu đã dậy.
Chính Đức Giêsu đã lập
Giáo Hội và đặt tông đồ Phêrô làm Giáo Hoàng đầu tiên để tiếp nối sứ mạng của
Ngài.
Nếu Thiên Chúa đã chọn
Abraham, tổ phụ dân Do Thái từ thế kỷ mưới tám trước công nguyện, tức 1800 năm
trước khi Đức Giêsu ra đời để mạc khải chân lý “một Thiên Chúa duy nhất và cao
cả” và đã hướng dẫn dân riêng này mọi mặt và dậy họ biết tôn thờ Thiên Chúa,
thì sau này khi ở trần gian, Ngài đích thân dậy loài người một cách hoàn hảo các
chân lý về Thiên Chúa bằng chính đời sống và lời giảng dậy của Ngài. Và để tiếp
tục sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho muôn dân của mọi thời đại, Đức Giêsu đã
thành lập Giáo Hội, một Giáo Hội "làm chứng" :
·
Để mọi người nhận biết
Thiên Chúa là Cha nhân từ mà cư xử cho
đúng đạo làm con là yêu mến Ngài trên hết mọi sự.
·
Để con người, một khi
đã nhận biết Thiên Chúa là Cha, sẽ coi nhau là anh em cùng Cha mà thương yêu,
đùm bọc, đoàn kết và xây dựng một xã hội loài người an vui hạnh phúc.
Và để thực hiện hữu
hiệu sứ mệnh được trao phó, Giáo Hội cần có phẩm trật, tổ chức; nhưng không phải
để cai trị, mà để phục vụ, như Đức Giêsu đã đến trong thế gian để phục vụ con
người : « Anh em biết : thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị
dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không
được như vậy : Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm đầy tớ anh em.
Cũng như Con Người đến không phải để được
phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người
” (Mt 20, 25-28).
Vì thế, mọi chức phận
trong Giáo Hội đều hướng về phục vụ cộng
đoàn, mà không nhằm "vinh thân phì gia" và người lớn nhất phải trở
thành người phục vụ nhiều nhất, nên khi
vô tình hay có ý đánh mất hay bỏ quên mục đích phục vụ, người có chức phận
trong phẩm trật Giáo Hội sẽ không còn sống đúng ơn gọi phục vụ của mình và sẽ
trở thành những kẻ lợi dụng thần quyền, chức thánh và không làm chứng cho Tin Mừng
Tình yêu như chức phận đòi hỏi. Trái lại, họ sẽ thoái hoá biến thành những
phần tử "phản chứng" làm hại Giáo Hội, thay vì là những chứng
nhân qủa cảm, trung thành được sai đến để phục vụ Tin Mừng Cứu Độ.
Tóm lại, luân lý, đạo
đức của đạo Công Giáo đặt trên nền tảng Tình Yêu, nên người thánh thiện là người
tràn đầy yêu thương, vì trong họ có Thiên Chúa, bởi "ai yêu thương thì ở trongThiên
Chúa và Thiên Chúa ở lại trong nơi người ấy" (1Ga 4,16).
3. CON NGƯỜI TRONG GIÁO LÝ CÔNG GIÁO
Con người là thụ tạo, được tạo nên bởi Thiên Chúa. Con người có xác, có
hồn. Kinh Thánh đã tả công cuộc tạo dựng con người của Thiên Chúa: sau khi sáng
tạo vũ trụ và mọi loài, Thiên Chúa lấy đất sét nặn tượng người, thổi hơi vào để
tượng đất thành người. Người đầu tiên ấy có tên là Ađam. Rồi từ sương sườn của
người này, Ngài làm nên người đàn bà đầu tiên là Evà. Đó là cặp vợ chồng đầu
tiên. (x. St 1, 26-27; 2, 21-24).
Vấn đề tạo dựng con người đã trở thành một đề tài nóng bỏng khi thuyết
Tiến Hoá xuất hiện. Theo thuyết này, nguồn gốc loài người được đi theo tiến
trình: vật chất vô cơ tiến hoá thành vật chất hữu cơ, rồi thành sinh vật đầu
tiên và đơn giản là loài sứa; rồi tiến lên thành cá, cá tiến lên và cứ tiếp tục
các sinh vật khác nối tiếp nhau tiến lên cho đến khi thành loài vượn; rồi vượn
thành người. Nghiã là, con người là con vật ở mức cao nhất của tiến hoá và liền
trước con người là khỉ, nên có thể nói
“con người bởi khỉ mà ra” theo thuyết Tiến Hoá này.
Nhiều người Công Giáo hốt hoảng khi bị những người theo thuyết Tiến Hoá
chất vấn. Thực ra, Thánh Kinh không có chủ đích giải thích “cách” Thiên Chúa sáng
tạo con người, vì Thánh Kinh không là cuốn sách khoa học. Công việc tìm kiếm
con người được tạo dựng cách nào là công việc của Khoa Học. Kinh Thánh chỉ dậy
chân lý đức tin, nghiã là đọan văn mô tả việc Thiên Chúa tạo dựng Ađam và Eva
trong Kinh Thánh chỉ dùng hình thức văn chương óng ả để nói lên chân lý: chính
Thiên Chúa đã sáng tạo loài người, và con người là tác phẩm ưu việt, vượt trên
mọi thụ tạo khác mà Thiên Chúa đặc biệt yêu thương: “Ta dựng nên con người giống
hình ảnh Ta” (St 1,26).
Giáo Hội hoàn toàn dành quyền cho
Khoa Học và không ngừng cổ vũ, khuyến khích Khoa Học tìm tòi cách Thiên Chúa đã
sáng tạo vũ trụ, và con người, mà không gây bất cứ một cản trở, khó khăn nào; bởi
Giáo Hội không chen vào phạm vi của Khoa Học, nhưng đứng ở vị trí gìn giữ, bảo
vệ chân lý Đức Tin.
Như thế, thuyết Tiến Hoá không mâu thuẫn với Giáo lý Công Giáo về việc sáng tạo loài người. Tuy nhiên, thuyết
Tiến Hoá chỉ được coi là phù hợp với
Giáo Lý Công Giáo khi đáp ứng hai điều kiện sau:
·
Cuộc tiến hoá
là kế hoạch của Thiên Chúa, do Ngài điều khiển.
·
Mục tiêu của kế
hoạch là tạo dựng con người, tức là một thân xác có linh hồn do chính Thiên
Chúa trực tiếp ban cho. Nói cách khác, thân xác của con người có thể ở trong tiến
trình tiến hoá, nhưng linh hồn con người thì do Thiên Chúa trực tiếp ban.
Vì con người được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, nên trong mỗi người đều
có “chất Thiên Chúa, gien của Thiên Chúa”. Cũng vì có "chất" Thiên
Chúa mà mọi người đều được mời gọi thông hiệp với Thiên Chúa, trở nên một với
Thiên Chúa. Về phiá Thiên Chúa, Ngài tự nguyện đồng hoá mình với con người, nhất
là những người yếu đuối, bé mọn, bị bỏ
rơi. Điều này muốn nói lên: Con người được
trở thành Thiên Chúa ở một nghiã nào đó, khi một việc lành, một nghiã cử bác
ái, một hành động chia sẻ, yêu thương được
thực hiện vì hạnh phúc của một người anh
em trong cơn túng quẫn, thiếu thốn là làm cho chính Thiên Chúa.
Đối tượng của hành động luân lý, đạo đức trong Công Giáo không tách rời
con người và Thiên Chúa, nhưng cả hai ở trong nhau.
Vì thế, đức Bác ái của Công Giáo trở thành nhân đức đối thần, nghiã là đụng
chạm trực tiếp đến Thiên Chúa, làm rung cảm trực tiếp trái tim Thiên Chúa, chứ
không chỉ là một việc đạo đức trong tương quan con người với con người.
Đức Bác Ái, vì thế mang một giá trị siêu nhiên và vượt xa mọi đo lường bình thường của loài người; bởi đã đạt
đến chính Thiên Chúa, và đi thẳng vào trái tim Thiên Chúa.
Con người trong đạo Công Giáo từ đó trở nên một giá trị không thể khấu trừ, hoán nhượng, thay thế hay
tiêu diệt, vì Thiên Chúa đã chọn để ở lại, để trở nên như con người, để làm “người”
trăm phần trăm.
Ý nghiã mầu nhiệm Nhập thể của Đức
Giêsu là ở chỗ từ nay con người được Thiên Chúa nâng lên làm con Chúa khi Thiên
Chúa tự đồng hoá mình với con người. Và cảnh ngày phán xét với hình ảnh Thiên
Chúa nhận mình là những người đói khát, rách rưới, trần truồng, đau ốm, tù đầy một
lần nữa nhắc nhở chúng ta: Đức Bác ái đối với tha nhân của đạo Thiên Chúa là
đòi hỏi quyết liệt mà không người tín hữu nào có thề sao lãng, bỏ qua, coi thường.
Cũng chính vì con người mang hình ảnh Thiên Chúa mà con người trong giáo
lý Công Giáo không có nhiều kiếp, hay đầu thai, tái sinh làm một sinh vật mới
trong bánh xe Luân Hồi không ngừng quay; trái lại, con người chỉ có một kiếp sống
là kiếp sống trần gian, nên khi chết thì linh hồn hoặc đi vào cuộc sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa là
Tình Yêu, hoặc đời đời khốn nạn, trầm luân, trong một tình trạng
“không có Thiên Chúa” tùy theo mức độ bác ái, yêu thương của người ấy khi còn sống
ở trần gian.
Tóm lại, những câu hỏi kèm theo giải đáp như:
·
Sự gì sẽ quyết định hạnh phúc hay đau khổ ở đời
sau? Thưa, tình yêu người ấy đã trao ban trong cuộc sống.
·
Điều gì sẽ định đoạt số phận đời đời thiên
đàng hay hoả ngục? Thưa, đời sống bác ái ở trần gian.
·
Việc gì sẽ làm
cho con người trở thành công chính trước mặt Thiên Chúa ở giờ phán xét? Thưa,
tình yêu thương đã dành cho đồng loại khi còn ở thế gian. Thiết tưởng những điều trên là những ngọn đèn đường cần
thiết để người lữ khách trên hành trình đi tìm hạnh phúc đời đời không lạc hướng.
Chính Đức Giêsu đã trả lời chính xác và rõ ràng số phận đời đời của con
người trong Tin Mừng khi nói về ngày chung thẩm, mà chúng ta đã chia sẻ ở phần
trên (x. Mt 23): Không mơ hồ, mập mờ,
đoán già đóan non, hay nghi hoặc về đời sau, vì vận mệnh của con người đã được
Đức Giêsu vạch rõ, mô tả và mạc khải: trên nền tảng Bác Ái, vận mệnh đời đời của
mỗi người phải được xây.
Người Công Giáo được mạc khải đầy đủ về cuộc đời hôm nay, và cuộc đời
mai hậu, và họ được mời gọi lên đường yêu thương và phục vụ. Trong niềm hy vọng
của người tín hữu, họ phấn khởi đi, vì có Thiên Chúa chờ họ ở cuối đường, và chỉ
trên con đường yêu thương này, họ mới thực
sự gặp được Thiên Chúa, Đấng họ không ngừng khắc khoải đi tìm.
Ở đây, ta gặp thiên đàng của người Công Giáo. thiên đàng của người tín hữu
theo Đức Giêsu không phải là một nơi chốn
nào đó, nhưng chính là tình trạng được ở trong Thiên Chúa, được kết hiệp nên một
với Đức Giêsu. Vì thế, người Công Giáo có thiên đàng ngay ở trần gian này khi họ
gắn bó thân mật với Đức Giêsu Thiên Chúa bằng đời sống chuyên chăm cầu nguyện,
và thực hành Bác Ái; bởi thiên đàng là
chính Chúa, là tình trạng tâm hồn đạt được Thiên Chúa, đụng chạm đến Ngài.
Các Thánh là những người đã được gặp Thiên Chúa trong đời mình khi các vị
hoàn toàn được Thiên Chúa biến đổi và trọn vẹn thuộc về Ngài. Các ngài cho
chúng ta chia sẻ phần nào hạnh phúc có được khi đi vào tình thân với Đức Giêsu là thiên đàng của hết
mọi người tín hữu.
Tóm lại, con người trong giáo lý Công Giáo giữ một vai trò và giá trị lớn
lao:
·
trong bản tính
con người, Thiên Chúa làm người;
·
ở giữa con người,
Thiên Chúa hiện diện;
·
với con người,
Thiên Chúa hoạt động;
·
vì con người
Thiên Chúa chết để cứu chuộc;
·
qua con người,
Thiên Chúa đánh giá công trạng và ban phần
thưởng đời đời.
Con người qủa thật quan trọng và người ta không thể nói Công Giáo không
quan tâm đến con người; càng không thể lên án người Công Giáo thờ ơ với đời sống
hiện tại mà chỉ mơ tưởng một đời sau hão huyền với cõi thiên đường không tưởng.
Bởi người Công Giáo đích thực chính là người tận tụy, hy sinh với lý tưởng phục
vụ con người, mưu tìm hạnh phúc cho con người. Họ phải là những ngôn sứ của
Tình Yêu giải phóng như ngôn sứ Isaia đã nói: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì
Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn.
Người đã sai tôi đi công bố cho người bị giam cầm biết họ được tha, cho người
mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng
ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19).
4. NHỮNG VẤN NẠN CẦN ĐƯỢC GIẢI
ĐÁP
Có một số vấn nạn thường được đặt ra với người Công Giáo, đặc biệt ở Việt
Nam. Với thao thức tìm gặp gỡ những người
anh em của các tôn giáo bạn, người viết xin được nêu lên một số vấn nạn thường
gặp:
a. Đạo Công Giáo có chống lại việc thờ cúng ông bà, tổ
tiên không ?
Thưa không, vì ngay điều răn thứ bốn, giáo lý Công Giáo đã khẳng định:
người tín hữu phải hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Hiếu thảo khi sống
đã đành, mà còn phải biểu lộ lòng thảo hiếu cả khi các ngài đã qua đời. Nhiều
người đã từ chối vào đạo Công Giáo vì cho rằng: đạo Công Giáo chủ trương bất hiếu,
không biết đến tổ tiên, ông bà. Điều này hoàn toàn sai.
Xem thông cáo sau đây của Hội Đồng Giám Mục được đồng ký tên bởi năm
Giám Mục trong ủy ban Truyền bá Phúc Âm gồm các Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim
Điền, Giuse Trần Văn Thiện, Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang,
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Phêrô Nguyễn Huy Mai, Phaolô Huỳnh Đông Các về
việc thờ cúng ông bà, tổ tiên, chúng ta sẽ thấy đạo Hiếu của người Công Giáo phải giữ đối với cha mẹ, ông bà, tổ
tiên đã khuất bóng:
“Chúng tôi, các Giám Mục chủ tọa khoá hội thảo VII về Truyền Bá Phúc Âm
tòan quốc, tại Nha Trang từ ngày 12-14/11/1974, đồng chấp thuận cho phổ biến và
thi hành trong toàn quốc, những quyết định của Ủy Ban Giám Mục về Truyền Bá
Phúc Âm ngày 19/4/1972, chiếu theo thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
ngày 14/6/1965, về các nghi lễ tôn kính
ông bà, tổ tiên như sau:
1. Bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt
dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là bàn thờ không bầy biện điều gì mê tín
dị đoan như hồn bạch …
2. Việc đốt hương nhang, đèn nến trên bàn thờ gia tiên và
vái lậy trước bàn thờ gia tiên và giường thờ tổ tiên là những cử chỉ, thái độ
hiếu thào, tôn kính, được phép làm.
3. Ngày giỗ cũng là ngày “kỵ nhật” được cúng giỗ trong
gia đình theo phong tục điạ phương, miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín,
như đốt vàng mã… và giảm thiểu, canh cải những lễ vật để biểu dương ý nghiã
thành kính biết ơn ông bà, như dâng hoa trái, hương đèn.
4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm “Lễ Tổ, lễ Gia Tiên” trước
bàn thờ, giường thờ tổ tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình
diện với ông bà.
5. Trong tang lễ, được vái lậy trước thi hài người qúa cố,
đốt hương vái theo phong tục điạ phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất,
cũng như Giáo Hội cho dốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người qúa
cố.
6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng, quen gọi
là “Phúc thần” tại đình làng để tỏ lòng cung kính, biết ơn những vị mà theo lịch
sử đã có công với dân tộc, hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải vì mê
tín như đối với các “yêu thần, tà thần”.
b. Riêng ở Việt
Nam, đạo Công Giáo có tiếp tay cho thực
dân Pháp đánh chiếm và đô hộ Việt Nam
không ?
Đạo Công Giáo được truyền bá vào Việt Nam từ thế kỷ
16, nhưng mãi đến thế kỷ 18, thực dân Pháp mới dòm ngó xâm lăng Việt Nam, cùng
lúc với phong trào đi tìm thuộc điạ của rất nhiều nước khác ở Âu Châu như Anh,
Bỉ, Hoà Lan, Tây Ban Nha…Đàng khác, ngưòi Pháp chẳng phải dòm ngó riêng gì Việt Nam, mà còn nhắm chiếm Phi
Châu và nhiều thuộc điạ khác trên thế giới. Như thế, nguyên nhân đưa người Pháp
xâm chiếm Việt Nam không phải do người Công Giáo, nhưng do phong trào tìm kiếm
thuộc điạ của các nước Âu Châu vào thế kỷ 18. Cũng như cái cớ trực tiếp mà người
Pháp dựa vào để xâm lăng Việt Nam không phải vì bênh vực người có đạo Công Giáo
đang bị cấm cách, mà vì công dân Pháp của họ bị bắt bớ, hành hạ và giết chết.
Không có đạo Công Giáo, người Pháp cũng xâm lăng Việt Nam. Không có sự hiện diện
của các nhà truyền giáo Tây phương, người
Pháp cũng thôn tính, đô hộ Việt Nam.
Cần phân biệt một cách lương thiện nguyên nhân đã đưa
đến tình trạng bị người Pháp đô hộ. Có khi nào chúng ta dám khiêm tốn nhận rằng:
chính sách tôn giáo sai lầm, cũng như chính sách ngoại giao không cởi mở, thức
thời của triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ đã đưa đến tình trạng đất nước rơi
vào tay thực dân?
Giản lược vấn đề và đơn phương kết tội người Công Giáo
nối giáo cho giặc Pháp xâm lăng đất nước
là một qủa quyết bị xem là ấu trĩ, bất công, không tôn trọng lịch sử. Đừng
quên người Công Giáo đã luôn góp mặt, đồng hành với dân tộc trong mọi hoat động.
Chữ quốc ngữ, các cơ sở từ thiện giáo dục, y tế, kiến trúc, nghệ thuật, nhân sự
trong mọi lãnh vực để đạt mục đích bảo vệ,
xây dựng đất nước và phục vụ đồng bào bất phân lương giáo đã nói lên tinh thần
yêu nước, yêu dân tộc của người Công Giáo và phủ nhận cáo trạng không nền tảng về sự đồng loã, tiếp tay của người Công
Giáo Việt Nam trong việc xâm lăng của ngoại bang.
c. Giáo Hội Công Giáo chủ trương ngăn chặn bước
tiến của Khoa Học?
Câu chuyện “vụ án Galilê”, nhà thiên văn Công Giáo nổi
tiếng đã chứng minh: trái đất xoay quanh mặt trời mặc dù đã xẩy ra từ nhiều thế
kỷ nhưng xem ra vẫn được coi là rất mới. Chính vì giả thuyết “trái đất quay
quanh mặt trời” này mà ông bị toà án Giáo Hội lên án.
Một chi tiết đáng lưu ý: khi xét xử ông, có 7 vị thì 5
vị bỏ phiếu lên án, còn Đức Giáo Hoàng
đã không có ý kiến gì.
Sở dĩ ông bị lên án là vì giả thuyết “trái đất quay
quanh mặt trời.” của ông không phù hợp với giả thuyết của Ptôlêmê là mặt trời
xoay quanh trái đất, và nhất là trái ngược với Kinh Thánh.
Quả thực, đây là một vết đen trong lịch sử Giáo Hội khi lên án một nhà Khoa Học
đã chứng minh ngược lại điều đã ghi trong Kinh Thánh. Rơi vào lỗi lầm đáng tiếc
này là vì Giáo Hội đã không phân biệt hai lãnh vực khác nhau là Đức Tin và Khoa
Học; đồng thời không xác quyết rõ rệt: Kinh Thánh không bao giờ là cuốn sách
khoa học, nhưng muôn đời chỉ là cuốn sách chứa đựng các chân lý Đức Tin như đã
trình bầy ở phần trên.
Thực ra, thuyết “trái đất xoay quanh mặt trời” hằng
trăm năm trước Galilê đã được đức hồng y
Nicolas de Cuse đề xuất, rồi linh mục Copernic chứng minh sau đó. Đến Galilê với
phát minh kính thiên văn, ông đã làm công việc xác minh lý thuyết đã được hai vị
là Hồng Y Nicolas de Cuse và linh mục Copernic nghiên cứu trước đó.
Điều này muốn nói lên: ở mọi thời, Giáo Hội Công Giáo
không ngừng đóng góp cho khoa học và việc kết án Giáo Hội Công Giáo chống lại
khoa học là một bất công không thể chấp nhận được.
d. Đạo Công Giáo
có ép buộc người ngoài Công Giáo phải rửa tội nhập đạo khi muốn kết hôn với người
Công Giáo?
Không, đạo Công Giáo là đạo yêu thương, mà yêu thương là tôn trọng tự do
của người khác, nên không thể ép buộc bất cứ ai, dưới bất cứ hình thức nào phải
bỏ đạo cũ đi theo đạo của mình. Nếu Công Giáo chủ trương thu nạp tín hữu bằng
đường lối áp chế tự do của người khác, hoặc dùng phương pháp tạo sức ép tinh thần
bắt người khác vào đạo của mình thì Công Giáo không thể được gọi là đạo của
tình thương, bác ái và giải phóng con người như Đức Giêsu muốn.
TrongTin Mừng, Đức Giêsu đã không hề ép bất cứ người “ngoài đạo” nào
Ngài gặp phải vào đạo của Ngài. Ngài chỉ chia sẻ, trao đổ chân lý cưú độ với tâm tình và thái độ trân trọng, tương
kính, cảm thông. Tin theo Ngài hay không là quyền tự do của mỗi người và Giáo Hội trong công cuộc truyền giáo cũng không thể
làm khác những gì Đức Giêsu đã làm là
tôn trọng tự do chọn tôn giáo của người khác.
e. Kinh Thánh, nhất là Cựu Ước có đáng tin không
?
Kinh Thánh Cựu Ước là cuốn sách lịch sử ghi lại những thăng trầm của dân
tộc Do Thái là dân tộc được Thiên Chúa chọn để mạc khải chân lý “chỉ có một
Thiên Chúa toàn năng”.
Lịch sử của dân tộc này đã đi từ u mê, chưa biết Thiên Chúa, chịu ảnh hưởng
của các dân tộc lân bang thờ ngẫu thần cho đến khi nhận ra Giavê là Thiên Chúa duy nhất
tòan năng. Trong suốt hành trình từ u mê đến nhận biết Thiên Chúa, đã có bao
nhiêu sa ngã, phản bội. Những lần dân đã từ bỏ Thiên Chúa để trở lại thờ ngẫu thần, những năm tháng dài đã bỏ đường
ngay nẻo chính để sống sa đoạ, bất chính; những lần Thiên Chúa nhắc nhở qua các
ngôn sứ, rồi những sửa trị, thứ tha, giáo dục, thanh luyện, tất cả đều được ghi
lại trong Cựu Ước với mục đích huấn luyện đức tin của dân Chúa.
Vì thế đọc Kinh Thánh với một tâm tình tìm kiếm Thiên Chúa sẽ khác với đọc Kinh Thánh với thái độ của
nhà nghiên cứu dân tộc học, phong tục học, hay khoa học. Những đoạn Kinh Thánh
có tính cách “sốc” phải được chú giải dưới ánh sáng của Đức Tin thì người đọc mới
hiểu được ý nghiã đích thực điều Thiên
Chúa muốn dậy. Cũng như không thể căn cứ vào một câu nặng mùi “chém giết” trong Tân Ước như : “ Anh
em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho thế
gian; Thầy đến không phải đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Qủa vậy, Thầy đến để gây
chia rẽ giũa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng.
Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10, 34-36) để rồi kết án Công Giáo là
tôn giáo gây chia rẽ, hiếu chiến, bạo động. Những kết án vội vã, vô trách nhiệm
thường đến từ những thiếu hiểu biết về nội dung đích thực của giáo lý và từ những
trái tim chật hẹp, cục bộ, thiếu từ tâm.
Tóm lại, không thể tách rời từng câu Kinh Thánh mà mình thích, hoặc hợp với chủ ý của mình, rồi
chú giải theo định kiến, chọn lựa riêng sẵn có. Làm như thế, chúng ta sẽ rơi
vào tình trạng hiểu sai điều Thiên Chúa muốn dậy trong Kinh Thánh khi từ chối
thẩm quyền cắt nghiã Kinh Thánh của Giáo Hội, là nơi Đức Giêsu ký thác kho tàng
chân lý thánh thiện và ban quyền gìn giữ tinh tuyền, rao giảng đầy đủ, cắt
nghiã chính xác giáo lý của Ngài.
Nhiều giáo phái ngày nay dùng kỹ thuật tách rời những câu Kinh Thánh khó
hiểu hay những đoạn Kinh Thánh gây xốc để bóp méo, làm lệch lạc chân lý Đức
Tin của Đức Giêsu và thuyết phục những
người không có kiến thức cơ bản về Kinh Thánh chống lại Giáo Hội. Khi trình bầy
riêng lẻ một câu Kinh Thánh bằng cách lấy ra khỏi ngữ cảnh và biệt lập khỏi toàn thể, rồi quảng diễn một cách chủ quan,
theo ngẫu hứng hay theo một bố cục được dàn dựng cho một chủ đích biện bác, đả
phá sẵn có, người ta sẽ đưa người nghe vào một “ngụy luận lý” chống lại giáo lý
Đức Tin. Thành công của các giáo phái này là cho người nghe có cảm tưởng họ đã
tìm ra những vô lý, phi lý trong giáo lý, ngay cả đã khám phá những mê tín, dị đoan, loạn luân, bạo lực
trong Kinh Thánh. Chỉ cần một số những câu, những đoạn Kinh Thánh bị nhào nặn,
cải biên cũng đủ làm chao đảo niềm tin của không ít người nghe, mà đa số là những
thanh niên đang hăm hở tìm kiếm giải đáp cho những thao thức, trăn trở của cuộc
sống tâm linh.
Vì giải đáp những “vấn nạn giáo lý” không là mục tiêu của tập chia sẻ,
nên người viết chỉ nêu ra một vài thí dụ với chủ đích lưu ý bạn đọc trước làn
sóng tự do chú giải Kinh Thánh, tự do cắt nghiã chân lý Đức Tin đang cuốn trôi
không ít những tâm hồn non nớt, đang khao khát tìm chân lý đích thực.Tiếc thay
nhiệt huyết của họ thường bị lợi dụng và niềm tin trong sáng bị đốt cháy thảm thương, khi không còn là chọn
lựa tự do và dấn thân lương thiện.