Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 25 TNB (Mc 9,30 - 37)


Tin Mừng hôm nay được chia làm hai phần rõ rệt:
1. Phần đầu, Đức Giêsu dậy các môn đệ của Ngài một lần nữa: Ngài sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.
Cũng như trong Tin Mừng chúa nhật  tuần 24, Đức Giêsu đã công khai dậy : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị loại bỏ, bị giết chết và ba ngày sau sống lại” (Mc 8,31), nhưng cũng như lần này, các môn đệ  “đã không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người” (Mc 9,32).
Trước viễn cảnh thê lương của đau khổ và chết chóc đang rình rập Đức Giêsu, các môn đệ rất hoang mang, sợ hãi. Các ông không chỉ sợ cho Thầy, mà còn sợ cho an toàn tính mạng và tương lai đen tối của chính các ông. Và một lần nữa các môn đệ của Đức Giêsu cho chúng ta thấy các vị đã không hiểu hoặc đã hiểu rất nông cạn sứ vụ và đường lối cứu thế của Đức Giêsu. Chính vì thế, khi được dậy về cuộc tử nạn sắp tới của Thầy, các ông hoặc đã hoang mang vì sợ, hoặc đã tỉnh bơ vì không tin.

2. Thái độ không quan tâm, không màng tới lời loan báo cuộc tử nạn sắp tới nơi đa số các môn đệ được khẳng định qua cuộc đụng chạm, cãi  nhau giữa các ông “xem ai là người lớn hơn cả”  (Mc 9,34).
Vì không quan tâm đến chuyện Thầy mình sắp bị giết chết “bởi các kỳ mục, thượng tế, cùng kinh sư” (Mc 8,31), nên các môn đệ mới hăng say đấu đá về chuyện thứ bậc, trên dưới, cao thấp, to nhỏ. Thế mới biết, đã là con người thì dù ở ngay bên Chúa, là tông đồ cùng sống cùng chết với Chúa, chỉ làm những công việc đạo đức, thánh thiện thuộc về Chúa cũng vẫn bị cám dỗ “vinh thân phì gia”, tìm kiếm vinh danh chính mình, và ganh ghét, kiêu căng không muốn phụ thuộc, dưới quyền ai.
 Nhưng tại sao chúng ta tìm kiếm chỗ đứng chỗ ngồi quan trọng, tranh giành thứ bậc, đấu đá tưng bừng để nắm giữ quyền hành trọng yếu? Thưa vì chúng ta muốn được người khác phục vụ và không muốn phục vụ người khác. Vì muốn được phục vụ, nên phải tìm kiếm quyền hành ; vì không muốn phục vụ ai, nên phải tìm cách đứng đầu mọi người, để ai cũng phải tuân lệnh và hầu hạ, phục dịch mình.
Chính vì thế, khi gọi Nhóm Mười Hai lại, Đức Giêsu đã nghiêm nghị nói : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Khi nhấn mạnh hai chữ Phục Vụ, Đức Giêsu đã đi thẳng vào tim đen của các ông, vì qủa thực, người ta tìm kiếm, tranh giành ngôi thứ, quyền lực chỉ vì ích kỷ, muốn được mọi người nể sợ, hầu hạ, phục vụ nhu cầu và những đòi hỏi hưởng thụ cá nhân. Cám dỗ và nguy cơ không phục vụ, mà chỉ muốn được phục vụ là nguyên nhân của mọi chia rẽ, tỵ hiềm, đấu đá, phủ nhận, loại trừ nhau trong các cộng đoàn, bằng chứng là ngay cả cộng đoàn Nhóm Mười Hai của Đức Giêsu cũng không mấy ngày là không sôi sục, nóng bỏng chuyện “ai là người lớn nhất”, quan trọng nhất, có quyền nhất.     
Và để các ông hiểu thấu đáo điều Ngài dậy, Đức Giêsu “đã đặt vào giữa” các ông một em nhỏ, rồi “ôm lấy nó”  và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc 9,36 - 37).
 Hình ảnh em bé là hình ảnh không chỉ khiêm tốn, đơn sơ, trung thực, trong sạch, mà còn là hình ảnh của bé nhỏ, yếu đuối, thiếu thốn, luôn cần được giúp đỡ. Đức Giêsu đặt em bé giữa Nhóm Mười Hai, như đặt các tông đồ ở giữa những người thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tình thương, thiếu hy vọng, thiếu tương lai, thiếu tất cả. Ngài ôm hôn em bé, như nhắn nhủ các tông đồ phải biết yêu thương, và chạnh lòng trước những người đau khổ, bất hạnh. Và sau cùng Ngài bảo các ông hãy đón tiếp em bé này như đón tiếp chính Thiên Chúa.
  Đức Giêsu đã cho các tông đồ một bài học về phục vụ. Theo Ngài, phục vụ trước hết và trên hết là đón tiếp : đón tiếp với thái độ thân thiện, kính trọng, cởi mở ; đón tiếp với tình yêu thương chân thành ; đón tiếp với tinh thần phục vụ, hy sinh. Người phục vụ không nghĩ cho mình, nghĩ về mình, nhưng nghĩ đến người khác, và để dễ nghĩ đến người khác, dễ làm vì người khác, chúng ta rất cần khiêm tốn để dám chọn chỗ rốt hết, chỗ thấp nhất để phục vụ hữu hiệu. Chẳng thế mà Đức Giêsu đã không làm gương rửa chân mình, nhưng dậy các tông đồ rửa chân cho nhau, tức khiêm tốn cúi mình xuống phục vụ nhau, bởi trong phục vụ, khiêm tốn luôn giữ vai trò quyết định.
 Tin Mừng hôm nay cũng làm chúng ta liên tưởng đến đọan Tin Mừng  Mátthêu (25,31- 46)  mô tả ngày phán xét chung , ở đó, mỗi người đều  được Thiên Chúa hỏi về tinh thần và thái độ yêu thương, phuc vụ anh em đồng loại, mà đối tượng được ưu tiên số một  phải là “những người bé nhỏ nhất trong anh em”, bởi “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Và ngược lại : “mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,45). “Làm như thế”, nghiã là : “Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến hỏi han” (Mt 25, 35-36).
Lậy Chúa Giêsu, Chúa biết chúng con sợ thử thách, đau khổ, và không thích dưới quyền ai, cũng không muốn phục vụ ai, nhưng muốn nắm đầu, nắm cổ mọi người và được mọi người phục vụ.  Như đã dậy Nhóm Mười Hai ngày xưa, xin Chúa dậy chúng con mỗi ngày và giúp chúng con trở nên người rốt hết, bé như em nhỏ, nhỏ như em bé và làm người phục vụ mọi người.
Chương trình học khiêm tốn và phục vụ với Chúa tuy qúa  khó, nhưng vì Chúa đã chọn con đường quên mình để yêu thương, hiến mình để phục vụ, mất mình vì hạnh phúc của mọi người, nên chúng con không thể đi theo Chúa trên những con đường khác. Vì tin yêu, chúng con liều lĩnh lên đường với ơn phù trợ của Chúa. Xin thương xót và đồng hành với chúng con trên đường theo Chúa, phục vụ mọi người.  
Jorathe Nắng Tím

Các Bài đọc Chúa Nhật 25 TNB, Quý vị tham khảo tại đây : https://tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/13999-chua-nhat-xxv-thuong-nien-nam-b.html