Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2018

Cái Tôi LÀ và Cái Tôi CÓ


Triết học phân biệt rất rõ hai phạm trù “có và là”. Tôi có nhà cửa, đất đai, bằng cấp khác với tôi là người hiền lành, nhân hậu, trung tín, hay hung bạo, gian ác, phản trắc. “Cái tôi có” không thay thế được “cái tôi là”, cái tôi là vì “là tôi nên dính chặt, đi theo tôi suốt đời, sang cả thế giới bên kia, sau khi tôi chết, nhưng “cái tôi có” không theo tôi mãi, nó phải dừng lại ở một điểm và tôi phải mất nó.
Trong đời thường, người ta háo hức, vật vã đến chóng mặt đi tìm những cái có, say sưa, điên cuồng bơi lội trong đại dương của cải vật chất, và những “cái có tinh thần” như danh dự, ảnh hưởng, tiếng tăm lừng lẫy. Và xem ra, ai cũng cần sở hữu nhiều bao nhiêu có thể, có trong tay càng nhiều càng tốt, và mức độ khao khát sở hữu sẽ chỉ tăng chứ không giảm, ngày theo ngày hối hả leo thang chứ không lơi lỏng xuống thang, bởi lòng tham thì không đáy và ham muốn sở hữu thì vô cùng.
Người ta muốn có thật nhiều, vì nhu cầu cuộc sống thì vô tận. Có voi đòi tiên, một căn nhà mặt đường chưa đủ, phải nhiều căn phố chiếm gọn hết trung tâm thành phố mới tạm hả dạ, nhưng có rồi, nhu cầu lại tiếp tục đẻ ra nhu cầu, mà nhu cầu thì “mắn con”, nên không bao giờ người ta có điểm dừng, có kết thúc, có được ý nghĩ “hằng ngày dùng đủ”.
Người ta muốn có thật nhiều, vì càng có nhiều những của cải, chức danh, tước hiệu, học vị, quyền bính, người ta càng gặt hái, thu gom về mình sự nể nang, kính sợ, cung phụng, trọng vọng, tuân phục của người khác, và ai cũng phải công nhận một tình huống sẽ hoàn toàn trái ngược khi “hết cơm hết gạo, hết ông tôi”.
Người ta muốn có thật nhiều, vì không ai dám tin vào lòng tốt và quảng đại của người khác, dù là con cái, anh em, khi họ sa cơ thất thế, hết thời, nên ai cũng phải “thủ riêng” cho mình những ngày “về chiều” không còn quyền, còn của.
Người ta cũng muốn có thật nhiều, vì ai cũng nghĩ : không cố lợi dụng cơ hội đang có, để vơ vét, kiếm chác, tích lũy của cải, thì biết đến bao giờ mới có cơ hội thứ hai ? Vì thế, cho đến chết, người ta vẫn chưa hài lòng và an tâm với những gì mình đang có, mà vẫn mãi phải bon chen, vất vả đi tìm, chiếm hữu.
Trái ngược với thống kê kết quả của “sở hữu” , người không có nhiều, không làm chủ nhiều của cải luôn là người không được nể vì, coi trọng trong xã hội. Vì không sở hữu nhiều, những người này bị coi như không thành công, và giá trị cuộc đời họ cũng theo đó mà rớt giá, sút cân, mất số, hạ điểm.
Cũng vì trọng phú khinh bần, mà xà hội ngày càng đánh mất ý thức về giá trị của “phẩm chất” tức cái “người ta là”.
“Cái người ta là” khác với “cái người ta có” như vừa trình bày. Người ta là người tốt hay xấu, hiền lành hay hung bạo, nhân từ hay ác ôn, quảng đại hay ki bo, thân thiện hay khép kín, khiêm tốn hay kiêu căng, gần gũi hay trịch thượng, sỗ sàng hay đằm thắm, cao thượng hay tiểu nhân ...
“Cái tôi là” không dễ thấy, nên không gây ấn tượng bằng “cái tôi có”, như đức tính hiền hoà không bắt mắt bằng chiếc xe đời mới, đắt tiền ; lòng tự trọng không lôi cuốn bằng biệt phủ nguy nga, và tinh thần vị tha, bác ái không hấp dẫn người đời hơn gia tài kếch xù, mặc dù chiếc xe đắt tiền, biệt phủ nguy nga, gia tài kếch xù ấy chẳng ai được xơ múi, chấm mút gì, ngoài chủ nhân của chúng. Đó là cái lạ đời rất kỳ quặc của xã hội khi thần tượng người có của, mà mình chẳng hề được hưởng chút gì của cải ấy.
“Cái tôi là” không dễ đạt được như “cái tôi có”, dù của cải có được cũng mất nhiều thời gian tìm kiếm, chắt chiu.
“Cái tôi là” không cân đo đong đếm được như “cái tôi có”, vì nó không hình dáng, không mùi vị, không mầu sắc. Nó mang sắc thái “thiêng liêng”, nên bền vững tồn tại, mà không ai, không gì, kể cả sự chết có thể phá hủy, hay lấy đi khỏi chủ nhân nó, nhưng bất tử theo chủ qua đời sống bên kia, ở đó “cái tôi là” mới thực sự có giá, khi thưởng phạt được định đoạt theo giá trị của những “cái tôi là”.
Nếu tôi là người nhân ái, có tình có nghĩa, thương yêu cứu giúp người; nếu tôi là người tận tụy hy sinh, không tiếc của, tiếc công, tiếc sức vì người; nếu tôi là người trung tín, chân thành, trọn tình vẹn nghĩa với người; nếu tôi là người giầu lòng xót thương, hay chạnh lòng trắc ẩn trước khổ đau của người; nếu tôi là người hiền hậu, vui tươi luôn cảm thông, chia sẻ gánh nặng cuộc đời với người; nếu tôi là người “có tâm có tầm”, không ganh ghét, thiển cận, nhưng nhìn xa thấy rộng, và thân thiện, bao dung với mọi người thì tôi mới thực là người đáng sống, đáng yêu, đáng nhận phần thưởng cuộc đời .
Là người Kitô hữu, ta biết chắc những gì thuộc “phạm trù là” sẽ theo ta về bên kia thế giới, và những gì thuộc “phạm trù có” sẽ bỏ ta, bởi chính Đức Giêsu đã cho ta biết chuyện gì sẽ xẩy ra khi ta chết.
Khi ta chết, ta sẽ không mang theo được những gì ta có, như Tin Mừng đã cảnh giác : “Có một người phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: Mình phải làm gì đây ? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải dư xài nhiều năm. Thôi cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống, vui chơi cho đã ! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “ Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi đã sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?” ( Lc 12, 16-20).
“Sẽ về tay ai ?” có nghĩa sẽ không còn ở trong tay mình, mình sẽ mất trắng những gì mình có, và ra đi tay không. Ra đi tay không vì phải bỏ lại những gì mình có, nhưng không mất những gì “mình là” : có cái mình là đối với Chúa : con của Ngài; có cái mình là đối với người : anh em của mọi người; có cái mình là đối với chính mình : kẻ mắc nợ Chúa và anh em.
Vì là con Chúa, ta yêu thương như Chúa muốn; vì là anh em của mọi người, ta tha thứ, sẻ chia như Chúa dậy, và như tình huynh đệ đòi hỏi; vì là kẻ mắc nợ Chúa và anh em, ta khiêm tốn phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh em.
Nhờ thế, trước Nhan Thánh giờ chung thẩm, ta có được phần thưởng đời đời Thiên Chúa dành cho những ai khi sống đã là người hiền lành, là người công chính, là người khiêm nhường, là người hy sinh, là người chịu đựng, đặc biệt là người có lòng thương xót như Thiên Chúa giầu lòng xót thương (x.Mt 5,1-12), để có thể yêu thương và thực hiện tình yêu thương bằng “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng kẻ đau yếu và tù ngục, cho khách lạ trú chân” ( x. Mt 25, 34-40).
Thực ra, ai cũng biết : sẽ chẳng mang theo được gì mình có sang bên kia thế giới, khi lìa bỏ cõi đời này. Câu chuyện đại đế Alexandre của Hy Lạp là điển hình: Khi biết mình sắp chết ở tuổi còn trẻ, vì nhiễm chất độc từ đồng, đại đế đã truyền phải thực hiện trong đám táng ông những điều ông muốn: các y sĩ sẽ khiêng quan tài, vì các y sĩ đã bất lực, không cứu sống được ông; quan tài hai bên sẽ đục hai lỗ vừa đủ rộng cho hai bàn tay thòng ra ngoài, để nói lên rằng của cải dù có nhiều như tài sản của đại đế như ông, thì khi chết cũng không mang theo được bất cứ sự gì; và theo sau quan tài , tiền bạc của đại đế sẽ được phân phát cho mọi người.
Tuy thế, giữa “cái là” và “cái có” vẫn qua lại, gặp gỡ nhau, và tương quan này rất thiết thực và có lợi cho cả hai , nếu “cái có” biết giới hạn và mục đích của mình: giới hạn là không để lòng tham biến ta thành tên nô lệ ngu xuẩn của những cái có, không đảo lộn vị thế ông chủ của ta xuống làm tôi tớ những gì ta có, nhưng biết khôn ngoan làm giầu “cái ta là” bằng những “cái ta có”, bởi “cái ta là” chính là “những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá” ( Lc 12, 33). Cùng một lúc với ý
thức giới hạn , chế ngự lòng tham vô đáy, ta hướng “cái ta có” đến việc xây dựng “cái ta là”, nghĩa là biết dùng của cải ta có như hồng ân để làm cho “cái ta là” trở nên xứng đáng hơn: xứng đáng là con Thiên Chúa, xứng đáng là anh em của mọi người.
Quả thực, khi ta chết, người sống sẽ chỉ nhớ ta đã là ai với họ: là bạn hay thù, người ơn hay kẻ làm hại; là người quảng đại đã tận tình giúp đỡ, chia sẻ hay kẻ trấn lột, lưu manh lừa đảo; là hiền nhân hào sảng hay ác nhân, đê tiện; là người có lòng hay kẻ dã tâm; là người từ tâm, thương xót hay kẻ độc địa, ác ôn ?
Và ngay cả Thiên Chúa , Ngài cũng chẳng đếm xỉa gì đến “cái ta có”, mà chỉ quan tâm đến “cái ta đã là” với Ngài khi ta ở trần gian.  Và lạ lùng thay, Ngài muốn “cái ta là” với Ngài cũng là “cái ta là” với anh em ta.
Jorathe Nắng Tím