Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2018

GIÁNG SINH VÀ SỰ SỐNG


   Trước sự sống, có nhiều suy nghĩ và thái độ khác nhau: có người coi nhẹ, xem thường, dửng dưng, lãng phí, căm thù, hủy hoại sự sống; người khác yêu mến, trân trọng, tìm kiếm, giữ gìn, níu kéo, bảo vệ. Và số phận của sự sống thường bấp bênh đục trong, hên xui may rủi.

     Sở dĩ sự sống không được trân quý, vì người ta coi việc tạo ra "sự sống mới" là việc hầu hết đều biết làm và làm được dễ dàng. Vì dễ dàng nên coi thường; vì không khó nên hủy bỏ cũng không tiếc nuối, làm hư hỏng, thiệt hại củng không nặng lòng.
    Bên cạnh những người không trân trọng sự sống vì dễ dàng “làm ra” sự sống là những người ích kỷ, không quan tâm, không can dự bất cứ sự sống của ai, ngoài sự sống của riêng mình. Vì ích kỷ, sự sống của người khác trở nên phiền phức, rầy rà với họ và họ sẵn sàng làm giảm bớt những sự sống bị họ coi là vô tích sự. Những người ích kỷ này dần dà bị dẫn đến tư duy và thái độ mang khuynh hướng bạo lực và khi cần sẽ không ngại làm tổn thương hoặc hủy diệt sự sống của người khác.
     Số còn lại là những người chán sống, hoặc vì bất mãn cuộc đời, người đời, hoặc vì không thành công trong cuộc đời. Tâm trạng chán sống đưa đến tâm lý sợ sống. Sợ nên muốn bỏ cuộc bằng thu mình, cô độc, trốn tránh sợ nên tự hủy diệt sự sống của mình và của những người thân vì không muốn họ cũng khổ như mình vì phải sống.
     Thực ra, nhóm người này không phải không có lý khi nghĩ rằng sư sống làm ra được dễ dàng thì cũng sẽ tan biến dễ dàng, nhưng tan biến ở đây có nghĩa sẽ không còn gì, không lưu trữ bất cứ dấu vết nào của sự sống khi sự sống đã qua đi.
    Với ý nghĩ chết là hết, chết sẽ không còn gì, những người này nhìn sự sống chỉ như một giá trị rất tương đối được đóng khung trong một khoảng khắc thời gian và phía sau khoảng khắc giới hạn này, tất cả đều là hư vô. Và vì tất cả sẽ là hư vô, nên ngay trong khi sống, dáng dấp của hư vô đã thấp thoáng xuất hiện.
     Tóm lại, nền tảng và động cơ của nhóm là tính cách hư vô của sự sống. Tính hư vô của sự sống mà họ chủ trương cho phép họ hành xử như sự sống không mang một giá trị bền lâu, vĩnh cửu nào, và đó là lý do sâu sa của những ý nghĩ, thái độ, chọn lựa tiêu cực của nhóm người này trước sự sống.
     Nhóm người thứ hai thì trái lại, họ là những người hết mình với sự sống: yêu mến, tìm kiếm, giữ gìn, trân quý, nâng niu, chăm sóc, bảo vệ, xây dựng sự sống. Họ hy sinh xả thân tranh đấu cho sự sống, quyền sống của mọi người, và không ngại mất sự sống vì lý tưởng sự sống.
     Với suy tư, họ nhận ra giá trị không thay thế được của sự sống, và ý thức trách nhiệm trên sự sống của mình và của mọi người. Đối với họ, vi phạm quyền sống, làm tổn thương hoặc hủy diệt sự sống của mình hoặc của người khác dưới bất cứ hình thức nào đều là trọng tội, và hoàn toàn bất xứng với phẩm giá con người, phẩm giá mà họ tin rằng được bảo kê bởi Đấng Thiêng Liêng nào đó, được nhận ra qua những kỳ diệu của sự sống và khát vọng tuyệt đối cũng như bất tử của con người.
   Chính vì sự sống được đón nhận trong niềm tin vào vĩnh cửu, trường tồn, bất diệt, mà sự sống được tôn trọng, bảo vệ, yêu mến trong cuộc sống.

  Riêng với người Kitô hữu, sự sống còn được trân quý, giữ gìn, bảo vệ vì nhiều lý do khác quan trọng hơn:

  1/ Sự sống con người có giá trị tuyệt đối vì Thiên Chúa là Sự Sống đã ban cho con người sự sống :

   Thiên Chúa là Nguồn Sống, nguyên ủy của mọi sự sống. Ngài ban sự sống cho con người, và sự sống con người đang sống là do tay Ngài gìn giữ để được tồn tại .

  2/ Sự sống con người có giá trị tuyệt đối vì Thiên Chúa đã trân quý và mang lấy sự sống của con người :

    Khi xuống thế làm người, Thiên Chúa đã mang lấy chính sự sống của con người và làm người bằng sự sống ấy. Vì thế, sự sống con người được trở thành sự sống của Thiên Chúa, và mang một giá trị đời đời, tuyệt đối. Cũng nhờ Thiên Chúa đã làm người và mang lấy thân phận của cuộc sống con người mà con người được đưa vào đời sống mới viên mãn, tràn đầy hạnh phúc của Thiên Chúa. Sự chết từ nay không còn uy lực thống trị và chỉ còn là ngưỡng cửa nhỏ cho sự sống đời này bước vào sự sống đời sau.

  3/ Sự sống con người có giá trị tuyệt đối vì Thiên Chúa đã làm người để cứu chuộc sự sống của con người :

   Mầu nhiệm nhập thể là mầu nhiệm Thiên Chúa làm người như con người , sống sự sống và cuộc sống của con người. Thiên Chúa còn đi xa hơn đến mầu nhiệm cứu độ để chuộc lại sự sống con người đã làm mất đi, và khi được chuộc lại, sự sống ấy mang một giá trị tuyệt đối vì sự sống ấy đã được chuộc lại bằng chính máu của Thiên Chúa.

    Như thế, sự sống trong Kitô giáo có một giá trị và ý nghĩa đặc biệt hơn bất cứ tôn giáo nào khác. Lý do rất đơn giản nhưng là nền tảng: Thiên Chúa của Kitô giáo đã sống sự sống của con người và đã cứu sống “sự sống” ấy.
    Chiêm ngắm Thiên Chúa làm người, với sự sống của con người, và sống như con người trong máng cỏ Bêlem đêm Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi yêu mến và dấn thân phục vụ sự sống, như Đức Giêsu suốt cuộc đời dương thế đã kêu gọi mọi người trân trọng, bảo vệ sự sống. Chính Ngài đã chữa các bệnh nhân, làm cho kẻ chết sống lại, xua đuổi tà thần ra khỏi con người để mọi người được “sống và sống dồi dào” ( Ga 10,10).
    Giáng Sinh cũng là lễ mừng Thiên Chúa của Sự Sống, chúng ta cũng nhìn lại chọn lựa và thái độ của mình trước sự sống, và tự hỏi: Liệu chúng ta đã trân trọng, bảo vệ và phục vụ sự sống một cách đầy đủ và xứng đáng? Liệu chúng ta đã nhìn và đón nhận cách trung thực những kỳ diệu của sự sống nơi ta và người khác? Liệu chúng ta đã quan tâm và hết lòng chăm sóc những sự sống èo uột, khô cằn, héo úa, và chân nhận giá trị tuyệt đối của những sự sống tưởng như vô ích, vô dụng, đáng bỏ đi ấy?
  Quỳ trước Hài Nhi Giêsu, Đấng đến cho thế gian được sống, chúng ta xin cho trái tim mình biết nhậy cảm chạnh lòng trước những sự sống đang gặp thử thách, đe dọa; cho đôi môi biết rung lên lời hay ý đẹp ca tụng kỳ công sự sống; cho bàn tay luôn mở ra đón nhận và xây dựng sự sống, và đôi chân không ngại lên đường đồng hành với Đức Giêsu và mọi người phục vụ sự sống, để vinh danh Chúa, Thiên Chúa của Sự Sống.

Jorathe Nắng Tím