Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2019

Bình An

https://www.youtube.com/watch?v=qQXj2CbAyfs
“Trông anh như người chết rồi!”
Câu nói kinh khủng quá khi khai tử một người đang sống, câu nói sợ hãi quá khi gọi một người sống bằng tên của một thi hài, câu nói nghe “mất lòng” quá khi gán cho người ham sống sợ chết một hình hài quá cố. Tuy “kinh khủng, sợ hãi, mất lòng”, nhưng câu nói định giá, định hình, định loại trên không thuộc hàng “danh ngôn hiếm quý”, nhưng vẫn thường nghe trong câu chuyện đời thường đây đó.
Nhìn một người không còn sức sống, thấy một người không còn muốn sống, người ta bảo “như người chết rồi”. Chết rồi là không còn sống, chết rồi là hết sống, chết rồi là tàn cuộc đời. Nhưng căn cứ vào đâu để bảo người khác không còn sức sống, không còn muốn sống để kết luận ngon ơ: như người chết rồi?
Thay câu trả lời, mời các bạn nhìn vào các tông đồ những ngày sau khi Đức Kitô tử nạn.
Bỏ trốn ngay khi Thầy bị bắt, các tông đồ, ngoại trừ Gioan, không những đã lánh mặt Đức Kitô trên đường Thánh Giá mà còn biệt tăm không ra mặt lo liệu an táng Thầy. Các ông sợ những người đã giết Đức Kitô tiếp tục truy lùng, bắt bớ; sợ những người Do Thái khác tố giác, chỉ điểm; sợ Hội Đồng Kỳ Mục truy diệt “nhổ tận gốc” những môn đệ thân tín của tên tử tội phạm thượng Giêsu. Nhiều nỗi sợ làm các ông lo âu, nhiều đe doạ làm các ông quẫn trí, nhiều nguy hiểm làm các ông bối rối và các ông bảo nhau đóng kín cửa, trốn tránh mọi người trong lo lắng, hốt hoảng, kinh hãi. Bên cạnh lo âu, đe doạ, các ông còn ê chề, ngao ngán cho “ngày mai phải sống”, vì không biết dựa vào ai, cậy vào thế lực nào. Thần quyền, thế quyền đã nhất trí lên án Giêsu cùng bè lũ. Đạo, đời đều muốn xoá tên Giêsu và nhóm môn đệ được coi là tổ chức bất hợp pháp đã làm đảo lộn trật tự xã hội và nguy hại cho thần học, giáo lý. Các ông lạc lõng như đám con thơ bị đem bỏ chợ, khi Thầy bị đóng đinh. Các ông như những người chết đuối giữa dòng, chẳng còn ai để bám víu, trông cậy khi xác Thầy đã chôn kín trong mồ.

Lo âu và thất vọng đã làm các tông đồ “như những người chết rồi”. Lo âu và thất vọng đã làm các ông mất hết thần sắc, sinh khí, nhuệ khí của người sống. Lo âu và thất vọng đã làm các ông “xanh mặt tái da”, thất thần, thất sắc như người chết. Lo âu và thất vọng đã lấy đi bình an là hạnh phúc lớn nhất của đời người.
Thực vậy, khi không có bình an, người ta sẽ sống như đã chết rồi vì ăn không ngon, ngủ không yên, nằm trên giường mà như chơi vơi giữa biển cả, ở trong nhà mà như cháy bỏng trên cát nóng sa mạc. Ở đây mà lo chuyện bên kia. Hôm nay mà sợ việc hôm qua, hãi việc sắp tới. Sống rụng rời như chết, vì sợ trả thù, thanh toán, lộ tẩy. Sống tiêu điều, héo hắt như đã chết, vì không tin ai, không được ai tin, buông đời thất vọng. Sống như sống “cái chết được triển hạn” vì chỉ nhìn xuống bàn chân gầy yếu, tí teo mà viển vông mơ đại sự.
Bình an là tình trạng ổn định, thư thái của tâm hồn khi không chịu áp lực của lo âu, thất vọng. Người lo âu dù ở cung điện, lâu đài cũng không bình an, hạnh phúc. Người thất vọng dù nắm hết quyền lực cũng không hạnh phúc, bình an. Trái lại, người bệnh, người tù, người nghèo, người cô thân, thất thế vẫn có bình an và là người hạnh phúc khi không bị lo âu, thất vọng trấn áp, khuynh đảo. Bao nhiêu người đã bình an trong đau khổ và hạnh phúc trong thử thách, gian nan. Bao nhiêu tâm hồn vẫn giữ được hạnh phúc bình an giữa phong ba, bão táp và bao nhiêu trái tim vẫn rạng rỡ niềm vui dù dãi dầu sương gió. Bình an có thể tạm hiểu là khi lo âu, thất vọng vắng mặt, khi lo âu, thất vọng chùn bước, đầu hàng, khi lo âu, thất vọng bị cấm vận, phong toả. Và bình an là nguồn hạnh phúc vô tận làm con người vui sống, ham sống, tràn đầy hy vọng sống.
Người ta có thể sống với nhiều thứ thiếu, nhưng không thể sống thiếu bình an, vì thiếu bình an, con người sẽ sống như chết, cuộc sống sẽ điên đảo, xáo trộn, đời sống sẽ mất trật tự, mất quân bình. Sống mà không yên, sống mà không ổn thì làm sao có niềm vui sống, có hy vọng sống, có đời đáng sống? Bình an là khi cuộc đời được định vị, định hướng. Một khi đã định hướng, định vị, con người sẽ không chao đảo vì thất vọng, lo âu, bởi đã biết chỗ phải đứng, đường phải đi, người phải cậy, nơi phải đến. Bình an vốn là điều mong ước của mọi người, là kho báu con người tìm kiếm, chẳng thế mà khi hiện ra với các môn đệ, sau khi sống lại, Đức Kitô đã không trao tặng hay cầu chúc các ông điều gì khác ngoài Bình An. Khi ban Bình An cho các ông, Đức Kitô đã kéo các ông ra khỏi lo âu, thất vọng và định vị, định hướng lại cuộc đời các ông. Ngài định vị các ông là “chứng nhân” và định hướng cho các ông “đi đến các dân tộc” để loan báo Tin Mừng. Từ nay, các ông biết chỗ đứng của mình trong đời là Chứng Nhân do ơn gọi tông đồ, biết đường phải đi, hướng phải tới là Truyền Giáo. Nhờ biết mình là ai, ở đâu, phải đi đâu, đến đâu mà các ông biết mình còn sống, còn phải sống và còn đáng sống vì từ nay cuộc sống các ông có lý tưởng, đời sống có lẽ sống, sự sống có nguồn sống. Các ông không sống sợ sệt, lo âu, thất vọng, chán chường, vất vưởng như những người chết rồi, vì Đức Kitô là nguồn sống, lẽ sống, đường sống, đời sống của các ông khi Bình An của Ngài làm sống lại hạnh phúc trong các ông. Ban bình an cho các môn đệ, Đức Kitô đã giải phóng các ông khỏi nhà tù của lo âu bị bắt bớ, tra tấn, cô lập và vực thẳm thất vọng, buông xuôi. Bình an như ơn sống lại của Ngài đã làm các ông sống lại từ cõi chết “lo âu, thất vọng”. Bình an như ơn phục sinh của Ngài đã biến đổi các ông thành những chứng nhân tràn đầy sức sống: sống mạnh mẽ, sống mãnh liệt, sống mạnh bạo, sống hết mình vì sứ mạng làm chứng Tin Mừng. Lo âu, thất vọng không còn làm chủ con người “sống như chết”, nhưng nhường chỗ cho tín thác, hy vọng: tín thác vào Đức Kitô, hy vọng nơi Đức Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, cũng là cõi chết của lo âu, thất vọng trong tâm hồn các môn đệ Ngài.
Như thế, bình an không chỉ là tình trạng vắng mặt của lo âu, thất vọng, nhưng xa hơn, sâu hơn và chính xác hơn, Bình An là dấu hiệu của tín thác, hy vọng. Người tin ở Chúa, tin ở mình, tin ở anh em là người bình an. Người đặt hy vọng ở Chúa, ở anh em, ở mình là người an bình. Tin và hy vọng ở Chúa như Đấng Cứu Độ toàn năng, giàu lòng thương xót. Tin và hy vọng ở tấm lòng và thiện chí của anh em. Tin và hy vọng vào ơn đổi mới, trở về của chính mình. Đó là Niềm Tin và Hy Vọng cứu thoát, chữa lành, mang lại bình an. Đó là Niềm Tin, Hy Vọng mở ra chân trời hạnh phúc, khi tâm hồn ngập tràn ơn An Bình của Đức Kitô phục sinh. Ban Bình An cho các môn đệ sau khi sống lại, Đức Kitô đã trở nên nguồn Hạnh Phúc vô cùng của các ông. Nhờ hạnh phúc được bình an trong tâm hồn, các môn đệ đã đi vào cuộc đời mới, dấn thân vào cuộc sống mới, hiên ngang bước đi trên con đường mới mà không do dự, sợ sệt, thất vọng, lo âu, nghi nan, ngần ngại, nhưng an bình phấn đấu, an bình chịu đựng, an bình quên mình, an bình hy sinh mạng sống. Đức Kitô đã không đem các ông ra khỏi thế gian đầy cạm bẫy, chông gai, đầy gian truân, thách đố, nhưng đã để các ông làm chứng về Ngài giữa thế gian với hạnh phúc của ơn An Bình.
Ơn An Bình của Đức Kitô sống lại đã kéo các tông đồ ra khỏi cái chết lo âu, thất vọng. Các ông không còn đóng kín cửa nhà vì sợ người khác, không còn khép kín cửa lòng vì ghét người khác, không còn khoá chặt cửa hồn vì nghi ngờ, thù hận người khác. Ơn An Bình của Thiên Chúa phục sinh cho các ông sức sống can đảm khi mở toang cửa nhà đón con người mới, sức sống quảng đại mở rộng cửa lòng đón tâm tình mới, sức sống chân thành mở lớn cửa hồn đón hy vọng mới. Người khác không còn là khách lạ, kẻ thù nhưng là thân tình, bạn hữu. Người khác không còn ngày đêm ám ảnh, làm sợ nhưng là địa chỉ phải đến của Tin Mừng. Người khác không còn là đối phương, đối thủ nhưng là đối tượng của phục vụ, yêu thương. Người khác không còn xa xôi, cách trở nhưng là bà con lối xóm, láng giềng. Ơn An Bình của Thiên Chúa đã khổ đau, chết vì con người đã đổi mới con người. Ơn An Bình của trái tim bị lưỡi đòng đâm thấu, “có nước và máu chảy ra” của Đức Kitô chịu đóng đinh đã khai mở một đất mới, trời mới, con người mới của Yêu Thương. An Bình là ơn của Yêu Thương, vì trong yêu thương, khi yêu thương, tâm hồn được an bình. Bởi thế hết lo âu không phải vì đời sống đầy đủ nên không còn lo âu; hết thất vọng chẳng phải vì tương lai đã hoàn toàn nằm trong tầm với, vì đời người không bao giờ thiếu hoàn cảnh, lý do để lo âu, đường đời vốn sẵn giăng mắc dọc ngang những biến cố làm thất vọng, người đời muôn cách làm tương quan nặng gánh sợ hãi và lòng người phức tạp không ngừng bị cám dỗ thờ ơ, trở mặt.

Như thế, Bình an cũng không là tình trạng vắng bóng lo âu, thất vọng, nhưng là tình trạng lo âu, thất vọng được biến thành tín thác, hy vọng trong tình yêu. Chính tình yêu biến đổi lo âu thành tín thác, thất vọng thành hy vọng. Chính tình yêu ban bình an khi đặt lo âu, thất vọng dưới hướng dẫn của tín thác, hy vọng. Con người không tránh khỏi lo âu, thất vọng, nhưng con người có tình yêu để thay đổi cục diện, biến đổi tình thế, lật ngược thế cờ để lo âu thành tín thác, thất vọng nên hy vọng.

Đức Kitô đã đau khổ và chết: đau khổ vì bị vu oan, phản bội, chết vì tâm địa dã man, tàn nhẫn, ác độc của con người. Đau khổ và chết đã có thể làm Ngài lo âu, thất vọng như đã làm thất vọng, lo âu nhiều người, nếu rơi vào hoàn cảnh của Ngài, vì quả thực hoàn cảnh đã thật đáng lo âu, thất vọng. Nhưng tình yêu của Ngài đã chiến thắng đau khổ của lo âu, đã dẹp tan cái chết của thất vọng. Trên Thánh Giá, tình yêu đã mở cánh tay ôm hết nhân loại, tình yêu đã mở miệng xin ơn tha thứ và hứa Nước Trời, tình yêu đã mở toang trái tim đầy máu và nước để trở thành nguồn Tin Yêu và Hy Vọng, tình yêu đã khởi sự và hoàn tất sứ mệnh cứu độ được trao phó. Đức Kitô đã yêu đến cùng và bình an đến cùng để ơn Bình An của Ngài cũng sẽ khơi dậy trong tâm hồn những người theo Ngài niềm tín thác, hy vọng. Chính trong tín thác, hy vọng vào Đức Kitô, tâm hồn người môn đệ được bình an và càng bình an, càng hy vọng, càng an bình, càng ký thác.
Ký thác và hy vọng vào Đức Kitô phục sinh là điều kiện để nhận ơn Bình An của Ngài. Các tông đồ đã nhận được Bình An như món quà lớn từ Đức Kitô sống lại, món quà đổi mới tâm hồn, đổi mới cuộc đời, đồi mới đường đời, món quà tuyệt vời của hạnh phúc. Xin cho mỗi người cũng được chính Đức Kitô phục sinh đến thăm và chúc phúc Bình An để những nỗi lo canh cánh bên lòng như lo ăn lo mặc, lo nhà cửa, lo việc làm, lo con cái, lo hạnh phúc tương lai vẫn còn đó như cơm gạo nuôi đời thường, nhưng có Chúa là Bình An cho đời thường được biến thành đời có Chúa; để vất vả, khó nhọc, đe dọa, thử thách, gian nan vẫn có đó như hơi thở đời người, nhưng có Chúa là Bình An cho đời người trở thành đời có Chúa; để thời gian có tiếc nuối, xót xa của quá khứ, có vấp ngã, thất bại của hiện tại, có bấp bênh, vô thường của tương lai, như những cột mốc cây số đường đời, nhưng có Chúa là Bình An, đường đời biến thành đường có Chúa. Có Chúa là Đường, Sự Thật và Sự Sống: Đường Thánh Giá cứu độ, Sự Thật Thiên Chúa là Tình Yêu, Sự Sống đời đời của Thiên Chúa, Hạnh Phúc sẽ tràn đầy vì tâm hồn chan chứa ơn Bình An. Có tình Chúa xót thương quá khứ, tình Chúa yêu thương hiện tại, tình Chúa quan phòng tương lai, tâm hồn sẽ không “như người chết rồi”, nhưng được “sống và sống dồi dào” trong Đức Kitô phục sinh, Đấng làm chủ vận mệnh và lịch sử con người trong Hạnh Phúc được An Bình.