Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

Tiền Và Nghèo


https://www.youtube.com/watch?v=9uBy1Oh84fA
Người có tiền được gọi là người giàu và người không tiền cũng được gọi là “người”, nhưng là người nghèo. Nghèo hay giàu khác nhau ở hai chữ “có hay không” tiền. Nhưng biết ai nghèo, giàu là chuyện rất khó; bởi có những người giàu kếch xù lại sống nghèo như người không tiền, trong khi người chẳng có xu dính túi lại ra mẽ giàu sang. Lại có những người giàu phải trá hình làm người nghèo để khỏi bị quấy rầy, cướp bóc và có những người nghèo thích kiểu “trưởng giả học làm sang”. Tin Mừng thứ hai Tuần Thánh mạc khải chuyện tiền và nghèo, đồng thời cho ta thấy bản chất thực của nghèo và mãnh lực của đồng tiền.
Thánh Gioan ghi lại bữa ăn của Đức Kitô tại nhà Matta, Maria, Lazarô ở Bêtania, nơi Ngài thường ghé nghỉ ngơi sau những ngày vất vả giảng dạy đây đó. Tất nhiên có các môn đệ cùng đi. Thấy cô Maria lấy dầu thơm đắt tiền rửa chân Đức Kitô, ông Giuđa khó chịu cho là phí phạm đã lên tiếng gắt gỏng: “Sao không bán dầu thơm mà lấy ba trăm đồng giúp người nghèo” (Ga 12,5). “Tuyệt vời lòng bác ái của con!” chính ra phải là lời Đức Kitô khen ông Giuđa, ai ngờ, Ngài đã đứng về phía cô Maria và trách Giuđa: “Mặc kệ chị ta,… Người nghèo thì còn mãi, nhưng Thầy thì không còn mãi đâu” (Ga 12,8). Giuđa tưởng “trúng quả” vì nhiệt tâm lo cho người nghèo nhưng đã “trúng đạn” vì Đức Kitô đã biết rõ ông muốn gì.
Trong trình thuật, có ba nhân vật: Đức Kitô, Maria và Giuđa gắn với ba thực tại: Nghèo, Tiền và Điên. Đức Kitô nghèo, Giuđa ham tiền và Maria “điên”. Ta bắt đầu bằng Giuđa - Tiền.

1.  Giuđa được đặt làm quản lý lo chuyện ăn uống cho nhóm môn đệ, ngoài ra ông đứng nhận tiền giúp đỡ và chi tiền giúp người nghèo. Được giữ chân quản lý chắc anh em lúc đầu cũng nhận ra ở ông khả năng quán xuyến tài chánh, nhưng ở lâu, anh em mới khám phá tính vụ lợi, thiếu ngay thẳng và xầm xì cho ông là người hay ăn cắp của công, thâm lạm công quỹ (Ga 12,6).
Hôm đến ăn cơm ở Bêtania, tình hình đã trở nên rất căng thẳng. Phe chống Đức Kitô đang ráo riết âm mưu gài Đức Kitô sập bẫy để có cớ bắt Ngài, vì chỉ còn sáu ngày nữa là đến đại lễ Vượt Qua, một lễ rất lớn với đông đảo giáo dân khắp nơi đổ về Giêrusalem. Họ phải tránh không để dân bị Đức Kitô mê hoặc bằng cách phải bịt họng Ngài trước, vì họ biết thế nào Ngài cũng xuất hiện với đám đông lên đền thờ dự lễ. Sáu ngày trước đại lễ với âm mưu đã được chuẩn bị, chắc chắn Giuđa ở thời điểm khẩn trương này đã bắt liên lạc xong với Hội Đồng Kỳ Mục là tổng hành dinh của âm mưu triệt hạ Đức Kitô. Vì thế, Giuđa dư biết chuyện gì sẽ xảy ra, vì ông đã được đối phương nhận làm chỉ điểm, nội gián, báo cáo thường xuyên tin tức, nhất là nơi ăn chỗ ngủ của Đức Kitô trong những ngày này. Lên tiếng “đạo đức kiểu bà Tú Đễ” ở nhà Mácta, Giuđa muốn đánh lạc hướng anh em môn đệ bằng cách hướng đến việc từ thiện giúp người nghèo khi trách Maria đã lãng phí dầu thơm một cách vô ích. Trong thái độ này, Giuđa đã bộc lộ mức độ rất thấp tình yêu ông dành cho Thầy mình trong khi Maria vì yêu đã chẳng tiếc gì dầu thơm hảo hạng, đắt giá khi lấy rửa chân cho Đức Kitô, người mà chị yêu mến, ngưỡng mộ và biết ơn. Đây là cơ hội hiếm có để chị được bày tỏ với Đức Kitô tất cả những tâm tình vừa kể. Trái lại, Giuđa cho đó là phí phạm, vì ông chẳng có tâm tình gì cho Đức Kitô, nếu có thì tình ấy cũng cỏn con, ít ỏi lắm, không đáng giá hơn bình dầu thơm. Tiền bạc mới thực là giá trị ông tìm. Tiền bạc mới là ước mơ ông đợi. Bằng chứng là khi tự ý xin làm nội gián, tiếp tay bắt Thầy, Giuđa đã đặt ngay câu hỏi: “Nếu tôi nộp Thầy tôi, các ông cho tôi bao nhiêu tiền?” (Mt 26,15). Như thế Giuđa đã chẳng bộc lộ rõ tâm địa ham tiền, háo tiền và ám ảnh của đồng tiền trong tâm trí ông? Tiền đã là niềm say mê. Tiền đã là hạnh phúc. Chính vì say mê và hạnh phúc vì Tiền, ông đã chọn phản bội Đức Kitô.
Hôm nay cau có, khó chịu vì thấy Maria lãng phí ba trăm đồng, lại một lần nữa mãnh lực đồng tiền đẩy ông xa Chúa, xa anh em và tự chọn vị thế tên phản bội. Giuđa ham tiền, vì tiền giải quyết cho ông nhiều việc riêng mà ông giấu không cho ai biết. Giuđa cần tiền nên chịu đồng tiền chi phối, điều khiển. Chỉ cần cho ông ba mươi đồng, ông đã có thể nhận chân chỉ điểm, phản bội. Ba mươi đồng nhỏ hơn ba trăm đồng, giá trị của bình dầu thơm hảo hạng mà Maria đã đổ rửa chân Đức Kitô. Từ ham tiền, ông phải kiếm tiền. Kiếm bằng lấy của công, gian lận và tệ hơn là kiếm tiền bằng phản bội người yêu mình. Giuđa đã phản bội vì ham tiền, nhưng phần lớn vì ông không hết lòng yêu Đức Kitô. Không yêu Đức Kitô nên mãnh lực của đồng tiền đã đánh gục Đức Kitô ra khỏi trái tim ông cách dễ dàng và “rẻ rề” khi ông phản bội để có ba mươi đồng. Ba mươi đồng là giá bèo đối với một mạng người, nhưng khi không còn tình cho nhau, thì cái giá rẻ mạt “ba mươi đồng” ấy cũng đã là giá cao.
Giuđa thích tiền và giỏi tính toán, nên cái gì, việc gì dù là việc của con tim, việc của tình nghĩa vô giá, Giuđa cũng đều chớp nhoáng quy ra tiền. Cô Maria rửa chân Đức Kitô bằng dầu thơm là đang làm một việc của nghĩa tình mà có tiền cũng chưa chắc làm được hoặc có tiền cũng chưa hẳn đã có cơ hội thực hiện. Giuđa quên Đức Kitô và chỉ nhìn, rồi tiếc xót bình dầu thơm đáng giá những ba trăm đồng.
Có những chuyện tình nghĩa mà bỏ lỡ cơ hội ta sẽ nuối tiếc suốt đời, vì không bao giờ có lần thứ hai. Có những người ta yêu, ta thương, ta mang ơn chỉ cho ta một cơ hội duy nhất trong đời để ta tỏ lòng yêu mến, biết ơn. Lỡ cơ hội, ngàn vàng cũng không mua được. Người có tình sẽ nhìn ra ngay ưu tiên phải chọn, nhưng người không có tình sẽ chỉ thấy giá trị của đồng tiền và chọn tiền là ưu tiên một. Từ người ham tiền đến người biển thủ công quỹ, rồi người phản bội. Giuđa đã bắt đầu bằng Tham Tiền, Tìm Tiền và kết thúc đời mình bằng Tự Tử. Đời ông đúng là hai chữ T dính liền. Còn hai chữ T: “Trả Tiền” nữa cũng dính đến đời ông, khi “thấy Chúa bị án tử hình, ông đem trả tiền lại cho các trưởng tế và kỳ lão mà rằng: “Tôi đã phạm tội bán máu người vô tội”, nhưng họ bảo ông: “Mặc kệ anh, can gì đến chúng tôi nữa”. Giuđa liền ném tiền vào đền thờ rồi ra đi thắt cổ” (Mt 27,3-5).

2.   Đức Kitô và Nghèo: Khi can gián Maria đừng phí phạm, Giuđa gián tiếp bảo: Đức Kitô không nghèo, vì ông muốn dành lấy ba trăm đồng để cứu trợ người nghèo. Lời ông phát biểu rất hay, rất có lợi cho người nghèo. Người nghèo cần những lời quảng cáo rùm beng, kêu gọi inh ỏi của ông cho quỹ từ thiện. Nhưng có một điều quan trọng là ông đã không nhận ra ai là người nghèo và người nghèo đang ở đâu.
Ở với Đức Kitô đã ba năm mà ông không biết Ngài nghèo đến cỡ nào. Ông không nhớ đã có lúc thầy trò phải bứt lúa đồng mà ăn cho đỡ đói và phải xin tá túc những người thân quen cho qua bữa, qua đêm. Ông không nhận ra Đức Kitô là người nghèo và đang có mặt. Mời Đức Kitô và nhóm Mười Hai ăn cơm, gia đình Matta hiểu hơn ai hết tình cảnh “bữa đói bữa no, ăn uống thất thường” của Chúa và các môn đệ nên thỉnh thoảng mời Ngài và cả nhóm, mục đích là để bồi dưỡng cho Ngài và các môn đệ. Có lẽ vì nhặt được nhiều tiền một cách mờ ám, nên Giuđa đã không nhận ra mình cũng là người nghèo, cùng sống đời nghèo với Thầy. Không nhận ra mình nghèo vật chất, Giuđa cũng không biết mình còn nghèo tình, nghèo nhân cách, nghèo đạo đức. Ông cứ tưởng có tiền là không nghèo. Ông quên rằng có nhiều người giàu mà tâm hồn nghèo xác xơ, trái tim nghèo đến “đứt bóng”, cõi lòng nghèo thê lương, ủ dột. Hơn nữa, ở vào tình thế gay go, trước nguy cơ bị bắt thình lình, Đức Kitô sẽ là người nghèo hơn ai hết khi rơi vào tay đối phương. Họ sẽ sỉ nhục, mạ lị, lột trần truồng, đánh đấm và xếp Ngài vào hạng phạm pháp. Ai sẽ nghèo hơn Đức Kitô khi chết không khăn liệm, mồ chôn? Ai sẽ nghèo hơn Đức Kitô trên đường Thánh Giá và khi giang tay chịu đóng đinh, trần truồng trên núi Sọ? Giuđa đã tước đoạt sở hữu sau cùng của Ngài: “danh hiệu người nghèo” cũng chỉ vì ám ảnh của đồng tiền khi phản đối cô Maria đang “bồi dưỡng” thân xác sắp chịu đòn vọt, tra tấn, đóng đinh, đâm thấu cạnh sườn của Đức Kitô.
Nếu tiền bạc của Giuđa kiếm được đã đưa ông đến tuyệt vọng, tự tử thì sự nghèo khó của Đức Kitô đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho cả loài người. Sự nghèo khó ấy đã làm giàu cho thiên hạ. Sự nghèo khó thảm hại trên Thánh Giá đã là giá “vô giá” mua hạnh phúc đời đời cho nhân loại. Nghèo khó của Thiên Chúa đã làm giàu con người khác với tiền bạc của con người đã làm nghèo Thiên Chúa trong họ.

3.   Maria - Điên. Cô Maria thì quả là điên vì yêu Đức Kitô. Cô điên có hạng, nên mới bất chấp thiên hạ xầm xì, bàn tán, bất kể chuyện gì xảy ra khi tự ý đem bình dầu thơm hảo hạng rửa chân Chúa. Đàn bà khi yêu là như vậy đấy… Vì khi yêu, người phụ nữ tuyệt vời hơn đàn ông, sống chết hơn đàn ông, hy sinh hơn đàn ông và liều thân thí mạng hơn đàn ông. Khi đã yêu rồi, đàn bà chẳng sợ gì, chẳng ngán ai, chẳng nề hà vất vả, chẳng tiếc công xót của, cũng chẳng cần biết ngày mai. Dư luận với họ chỉ là luận dư. Đám đông với họ chỉ là bầy kiến. Luật lệ với họ sợ nhỏ hơn củ khoai, bé hơn con thỏ. Cô Maria là người đàn bà say tình, điên cuồng yêu Đức Kitô. Cô yêu Đức Kitô vì Ngài dễ yêu. Hỏi cô: Ngài dễ yêu chỗ nào thì cô cũng chỉ chớp mắt xúc động: “Ngài dễ yêu vì Ngài là Tình yêu”. Cô đã nhiều lần ngồi dưới chân Đức Kitô để nghe lời Ngài dạy. Chính vì siêng năng ở gần Ngài, chăm chú lắng nghe Ngài, ân cần thực hiện lời Ngài mà Maria đã khám phá Ngài đích thực là Tình yêu. Maria đại diện cho những người thích gần Chúa, thích sống kề cận, thân mật với Đức Kitô. Vì nhận ra Ngài là Tình Yêu đích thực mà cô Maria đã không cần đến bất cứ điều gì ngoài Ngài: tiền bạc cô coi như không, dầu thơm đắt giá cô coi là chuyện nhỏ, “tiếng chì tiếng bấc” cô coi như tiếng muỗi rừng. Chẳng ăn nhằm gì so với người tình lý tưởng, thần tượng cô yêu.
Đức Kitô biết cô yêu Ngài nên đã để tình cô tuôn chảy cùng với dầu thơm trên chân Ngài, vì Ngài biết: chỉ còn mấy hôm nữa thôi, cô sẽ không còn được biểu lộ tình yêu trên thân xác con người của Ngài nữa. Biết cô say mê mình, Đức Kitô đã đáp trả tình yêu bằng để cô đứng dưới chân Thánh Giá, hiện ra đầu tiên với cô và trao cho cô sứ mạng rất vinh dự là loan báo Tin Mừng Sống Lại cho các môn đệ của Ngài (Ga 20,1-2). Tình yêu đáp trả tình yêu là thế đó… chẳng nghĩ ngợi, so đo, tính toán nhưng đơn sơ, chân thành, hồn nhiên, sẵn sàng trong tình cho nhau.
Maria điên, cơn điên của người dám yêu đến cùng một khi nhận ra tình yêu đích thực, cơn điên của người được Đức Kitô Tình yêu cuốn hút. Có bao nhiêu tâm hồn đã điên như Maria trước tiếng gọi Tình yêu của Đức Kitô. Họ là những nhà truyền giáo hiến mình cho những sắc dân man di mọi rợ, họ là những nữ tu dâng đời mình để phục vụ những người anh em phong cùi, sida, họ là những giáo dân tận tụy, âm thầm chăm sóc người già cơ nhỡ, trẻ em tật nguyền, những người mẹ còn vị thành niên trong lối xóm. Họ đang điên vì Tình yêu Đức Kitô, đang điên vì yêu mến Đức Kitô; bởi một khi khám phá Tình Yêu tuyệt đối của Đức Kitô, người ta chỉ còn duy nhất một lựa chọn là điên cuồng vì Tình yêu ấy.
Chuyện tiền bạc là chuyện muôn thuở. Sống vì tiền và mất mạng cũng vì tiền. Tiền giúp mua Nước Trời, nhưng cũng tiếp tay cướp đi Nước Trời. Giuđa đã chết vì tiền, mất Thầy, mất anh em, mất chính mình vì tiền. Cô Maria mất tiền, coi tiền nhẹ hơn tình nên được chính Chúa là Tình yêu ban niềm vui Sống Lại. Xin cho chúng ta biết đặt Chúa là ưu tiên số một và đừng để tiền bạc quy hoạch đời sống, tâm hồn chúng ta.