Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

Của Cải

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 18 Thường Niên, Năm C : (Lc 12, 13-21)
Của cải cần thiết cho cuộc sống, vì không có của, lấy gì nuôi con ? không “của ăn của để”, tiền đâu đi bệnh viện khi đau ốm? không của cải dành dụm, con cái cưới vợ, lấy chồng, tiền đâu lo cho chúng ? Và ai cũng phải lo kiếm tiền, gom của, vì không tiền bạc, đời sống bấp bênh; không của cải, tương lai mịt mờ.
Đức Giêsu làm người. Ngài biết tiền bạc cần thiết cho cuộc sống thế nào. Suốt ba mươi năm ở Nadarét với cha mẹ, Ngài đã phụ giúp thánh Giuse, cha mình trong công việc làm ăn để có tiền nuôi sống gia đình. Ngài hiểu thế nào là mồ hôi nhễ nhãi, chảy dài trên trán người lao động dưới cái nắng gay gắt, chói chan ; Ngài thấm thía nỗi cực nhọc của người thợ cần cù quên cả đời mình để có đồng lương cố định, vừa đủ nuôi vợ và đàn con thơ dại. 
Làm người và ở giữa mọi người, Đức Giêsu hiểu hoàn cảnh đáng thương của những người nghèo phải cật lực làm việc mới có cơm ăn, áo mặc, những người thất nghiệp kinh niên vì thiếu tay nghề, hoặc sức khỏe không cho phép ; cả những người có đủ điều kiện lao động, nhưng vì lý lịch không sạch, nhân thân không sáng, nên không cơ quan, xí nghiệp nào chịu thâu nhận làm việc.
Vì thế không thể kết tội Đức Giêsu chủ trương “bần cùng hoá” nhân dân bằng lời kêu gọi thơ ngây của “người cõi trên” không thực tế, chẳng hiểu gì cuộc sống nhiều nhu cầu và luôn cần có tiền bạc, của cải. 
Khi cảnh cáo : “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư dả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15), Đức Giêsu muốn nhấn mạnh hai nguy cơ, đó là tham lam và ki cóp của cải.
Tại sao tham lam của cải là nguy cơ ? Thưa vì khuynh hướng tự nhiên của con người là ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình, nên khi không kềm chế, ích kỷ sẽ đốt nóng lòng tham không đáy, thúc đẩy con người đến điên cuồng chiếm đoạt của cải, say mê thu gom vật chất mà không nghĩ đến lẽ công bằng, đức bác ái, lòng vị tha. Người tham lam của cải không nể sợ ai, không kiêng kỵ, cũng chẳng lo mất thể diện, vô liêm sỉ, nhưng “chai mặt cứng lòng “ bốc hốt, tham lạm bao nhiêu có thể, để làm giầu cho mình. 
 Đức Giêsu lên án những người tham lam của cải, mà không nghĩ đến người chung quanh thiếu ăn thiếu mặc, vì sự dư thừa, phung phí của cải sẽ là nguy cơ cho số phận đời đời của họ, khi đến ngày chung thẩm, Thiên Chúa sẽ chỉ hỏi họ về lòng tốt của họ đối với anh em (x. Mt 25,31-46).
Và một khi lòng tham không đáy thống trị, người ta sẽ mải miết ki cóp, cặm cụi thu gom, cuống cuồng tích trữ cho thật nhiều, để rồi khi thần chết bất ngờ đến đòi mạng, thì tất cả của cải ấy sẽ chẳng còn thuộc về mình (x. Lc 12, 20).
Thế chẳng phải là ngu ngốc, dại khờ khi tham lam, ki cóp của cải trần gian cho đến cuối đời, để rồi phải bỏ lại tất cả, mà ra đi tay trắng và nghèo nàn khi ra trình diện Đấng Tối Cao ?
Tóm lại, Thiên Chúa không bảo chúng ta lười biếng, thụ động, dựa dẫm người khác, vì khinh thường của cải, tiền bạc, nhưng cảnh giác chúng ta cạm bẫy nguy hiểm của tham lam, ki cóp của cải mà không dùng của cải để mưu cầu hạnh phúc cho mình, cho người thân và những ai cần đến lòng tốt, quảng đại của ta. Chính của cải chúng ta có sẽ làm giầu hành trang khi Chúa gọi chúng ta về với Ngài, hành trang được sắm từ tình yêu vị tha, từ đức bác ái, từ cửa cải chúng ta có được do công khó của chính mình.
Xin Chúa giúp chúng con biết nhận ra giá trị cũng như giới hạn của tiền bạc, của cải, và đừng bao giờ lãng quên : gia nghiệp đích thực của chúng con là chính Chúa, và quê hương đời đời của chúng con là Nước Trời.
Jorathe Nắng Tím 

Rõ Gần Mà Quá Xa

Một linh mục già trong nhà hưu kể lại, nhân dịp sinh nhật thứ 95 của ngài : “Đêm qua, trong giấc ngủ chập chờn, tôi thấy Chúa ở sát bên, nhưng tôi lại cảm thấy xa Chúa vạn dặm ; tôi thấy Chúa nhìn tôi, nhưng tim tôi lơ đãng xa xôi ; tôi nghe Chúa nói chuyện, nhưng hồn tôi lạnh lùng, băng giá.
     Những hình ảnh gặp Chúa “nửa mơ nửa tỉnh” đêm qua chiếm đóng toàn thể con người tôi với nhiều câu hỏi : Tại sao tôi lại xa Chúa trong khi Chúa ở sát bên tôi ? Tại sao tôi không có cảm giác bình an đang khi phụng sự Chúa và cố làm cho mọi người cũng phụng sự Ngài như tôi ? Tại sao tôi không nghe rõ tiếng Chúa nói với tôi, đang khi tôi hăng say nói về Chúa ? Tại sao tôi không cảm thấy hoan lạc, mặc dù tôi đang giới thiệu Chúa là niềm vui cho nhiều người ? Tại sao tôi không nhận được hạnh phúc, mặc dù tôi biết mình đang hết mình xây dựng, củng cố sự trường tồn của Giáo Hội, là ngôi nhà hạnh phúc của Thiên Chúa ở trần gian ? 
     “Nhiều ngày trôi qua, một mình với Chúa, tôi cố lắng nghe tiếng Ngài. Và trong thanh tịch của đêm khuya, Ngài thì thầm dậy bảo : Không ai chối cãi con được Cha tuyển chọn để ở gần Cha ( x. Ga 15,16), nhưng con chỉ gần thôi chứ không yêu, nên mãi mãi vời vợi xa Cha”.
    “Không ai chối cãi con là người thân cận, bạn hữu ( x. Ga 15,15), nhưng vì con chỉ muốn độc quyền sở hữu Cha, bằng ngày đêm hăm hở xây bức tường rất dầy, rất cao, phủ thêm hàng kẽm gai sắc nhọn đến rợn người, để không ai có thể đến với Cha mà không được con cho phép, nên con mãi là người ở rất xa, xa như người khách lạ”.
      “Không ai chối cãi con là người được chọn làm quản lý trung tín, và khôn ngoan” ( x. Lc 12, 42), nhưng con không giống Cha vì thiếu lòng nhân ái, nên con đã biến thành người trung tín với quyền lực và khôn ngoan chắt chiu tiền bạc, của cải, mà chưa một lần trung tín và khôn ngoan đích thực như Cha muốn. 
     “Không ai chối cãi con là môn đệ, nhưng vì thiếu yêu thương như dấu chỉ duy nhất để nhận ra ai là môn đệ Cha” ( x. Ga 13, 35), nên con chỉ là người được ai đó sai đến để nghe ngóng, theo dõi, rình rập, quan sát, đánh giá Cha.
     “Không ai chối cãi con là mục tử, nhưng vi thiếu lòng thương xót, con biến chất thành mục tử chăn thuê làm tan nát đàn chiên” ( x. Ga 10, 1-18) : chiên con hốt hoảng liều mạng chạy tứ tán, chiên mẹ đói khát, yếu nhược, mình mẩy đầy vết thương, nên chẳng còn gì để nói với con về chuyện: con còn ở gần Cha hay đã “cao bay xa chạy” ?
      “Không ai chối cãi con là người tín hữu mang tên Cha”, nhưng “hữu danh vô thực”, vì con không muốn trở nên người “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới áo mặc, cho khách lạ nghỉ lại qua đêm, cho người bệnh viên thuốc, cho người tù một lần thăm nuôi, cho người cô quả, cơ nhỡ, bị đàn áp, bỏ rơi lời ủi an và bàn tay chia sẻ” ( x. Mt 25, 31-46), nên bóng hình con còn đó bên Cha, nhưng lòng con xa Cha lắm rồi.
      “Không ai chối cãi con là người đạo gốc, nhưng gốc rễ của đạo là Yêu Thương thì con không chăm bón, con chỉ phô trương cho hoành tráng, trình diễn cho ngoạn mục những ‘hoa, lá, cành’ rườm rà mang tính cao trào, bạo phát bạo tàn, nên hỏi sao tuy rõ gần mà con cảm thấy quá xa Cha”.
     “Không ai chối cãi con biết rõ từng ngóc ngách của nguyên tắc, từng chấm phẩy của lề luật, từng chi tiết li ti của nghi thức, và con chỉ đường cho người ta đi, nhưng rất tiếc, Cha mới là Đường, chứ Đường không là nguyên tắc, lề luật, nghi thức con thuộc nằm lòng và bám víu, nên có ở ngay bên Đường thì con vẫn lạc lối lầm đường”.
      “Không ai chối cãi con là người có học, nhưng kiến thức, khoa bảng mà con tìm kiếm và dùng làm vũ khí để chà đạp thiên hạ, thì không bao giờ được Cha coi là điều kiện để trở thành người thuộc về Cha, nên con chưa một lần hạnh phúc dù quanh năm suốt tháng con quanh quẩn trong Đền Thờ có Cha ngự”. 
     “Không ai chối cãi con thuộc dòng dõi dân riêng, nhưng con cậy là dân riêng để cấm vận ơn sủng , ngăn cản bước chân Cha đến với mọi người đang trông ngóng gặp Cha, và ganh ghét những người không là dân riêng nhưng được Cha xót thương, mời gọi. Vì thế, rõ là ở gần Cha, nhưng con lại quá xa Cha!”
      Chúa nói với cha già cố trong nhà hưu, hay nói với ai cũng là nói với chúng ta, với tôi, với bạn, bởi không ít thì nhiều, nhưng có lẽ nhiều hơn ít, những sai sót Chúa chỉ dạy đều là những điều chúng ta đã lỗi phạm, như thái độ kỳ cục của người con trai lớn trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” của Tin Mừng Luca (x. Lc 15, 11-32), khi anh vùng vằng bỏ ra ngoài vì ghen tỵ với đứa em “đã chết mà nay sống lại, đã lạc mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 32) ; đã bực bội với cha già vì cha rộng lượng thương xót em mình (x. Lc 15,28). Người anh lớn tuy ở với cha, gần kề bên cha đêm ngày, nhưng không biết rõ Cha, không hiểu ý cha, không đồng cảm với cha, tóm lại , tình yêu anh dành cho Cha quá ít ỏi, tầm thường, chưa nói đến tình huynh đệ dành cho em út còn cạn kiệt đến thảm thương, lố bịch hơn.
      Quả thực, người “có đạo” chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng “rõ gần mà quá xa” trong tương quan với Chúa, khi tính kiêu căng, tự phụ làm chúng ta ảo tưởng về sự thánh thiện của mình, ảo tưởng về đặc quyền, đặc lợi “dân riêng”, ảo tưởng về sức mạnh của Giáo Hội như một cơ chế trần thế bất diệt. Chính vì những ảo tưởng nguy hiểm này mà dù nói nhiều đến đâu, phô trương, trình diễn cỡ nào, chúng ta cũng vẫn mãi là những chứng nhân không thuyết phục, vì thiếu Thần Khí mà chỉ những người được ở trong Đức Giêsu như cành hiệp nhất với cây (x. Ga 15,4), ở trong tình yêu của Đức Giêsu như Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp nhất với nhau (x. Ga 15,10), mới được Chúa Cha ban cho, và chỉ lúc đó chúng ta mới thực sự ra khỏi tình trạng “rõ gần mà quá xa” Thiên Chúa trong đời sống đạo.
     Jorathe Nắng Tím

BỎ ĐẠO

Trung tuần tháng 7/ 2019 vừa qua, văn phòng báo chí toà thánh thông báo : Đức Thánh Cha Phanxicô rất đau buồn, vì chỉ trong năm 2018, đã có 216.078 người công giáo Đức tuyên bố bỏ đạo. Hiện nay có 23 triệu người công giáo trên 83 triệu dân số Đức. Chia sẻ nỗi buồn của vị cha chung, người viết ghi lại tâm tình đồng cảm, và một vài suy tư của mình trước hiện tượng bỏ đạo ngày càng nhiều trên thế giới.
Trước hiện tượng bỏ đạo “tập thể” và dồn dập, hội đồng giám mục Đức tỏ ra lo lắng và ráo riết làm việc để tìm ra những nguyên nhân đưa đến hiện tượng đáng buồn này. Đức Cha chủ tịch nêu ra ba nguyên nhân : vấn đề độc thân của linh mục, tình trạng giáo sĩ trị, và giáo lý về đạo đức tình dục.
Qủa thực, trong một xã hội mà khuynh hướng “vô thần lý thuyết” đang nhường chỗ cho “vô thần thực tiễn”, nghiã là người ta không chỉ vô thần trên giấy tờ, khi viết lý lịch, tự khai, nhưng vô thần trong toàn thể đời sống : từ suy nghĩ, lời nói, việc làm đến thái độ ứng xử, thao thức, ước mơ. Và các chủ nghiã thực dụng, hưởng thụ, hiện sinh đóng góp xây dựng nền tảng vững chắc của nếp nghĩ, nếp sống vô thần này.
Bên cạnh những người công khai từ bỏ Giáo Hội, chính thức tự gạch tên mình khỏi sổ bộ của giáo xứ, giáo phận như hơn hai trăm ngàn người công giáo Đức đã bỏ đạo, còn rất nhiều những người Công Giáo khác đã bỏ đạo cách khác “im hơi lặng tiếng”, âm thầm nhưng không vì thế mà kém phần dứt khoát, quyết liệt.
   Chúng ta cùng nhìn vào ba nguyên nhân đã và đang đưa đến hiện tượng bỏ đạo:
1.       Những sai phạm về luật độc thân nơi các linh mục ngày càng bị dư luận, truyền thông phanh phui, khai thác dữ dội trong nhiều năm qua làm không ít người nghĩ đến việc xóa bỏ luật độc thân, như một giải pháp hữu hiệu. Những người này đưa ra mẫu đời sống mục tử tương đối “bình an, ít sóng gió về tình dục” nơi các linh mục có gia đình như bên Giáo Hội Chính Thống, và Anh giáo. Tình trạng có gia đình, theo họ, tuy có ràng buộc, vướng bận vì trách nhiệm làm cha, làm chồng và không hoàn toàn tự do cho mục vụ, nhưng tránh được những lạm dụng tình dục cách này cách khác và những cám dỗ khó vượt qua khi ở một mình.
Những người này còn dựa vào đời sống có vợ con của các thánh tông đồ, trừ thánh Gioan vì còn trẻ, và cho đó là sự chọn lựa khôn ngoan của Đức Giêsu. Lý chứng của Giáo Hội khi chọn những người độc thân làm linh mục, vì Đức Giêsu, vị Thượng Tế Tối Cao là người độc thân không được nhóm này đón nhận như một lý chứng thuyết phục, bởi theo họ : nếp sống của các tông đồ mới thực là gương sống cần thiết và khả thi cho các linh mục.

2.      Tuy là một vấn nạn được bàn cãi, tranh luận từ bao nhiêu đời giáo hoàng, nhưng độc thân linh mục vẫn không được coi là “nguyên nhân lớn” gây ra hiện tượng bỏ đạo ngày càng đông. Trái lại, não trạng giáo sĩ trị mới thực là cái gai làm nhức nhối nhiều người.
Chủ nghiã “Giáo Sĩ trị” được hiểu nôm na là tình trạng giáo sĩ thống trị giáo dân bằng một đường lối độc tài, độc đoán, đôi khi khắc nghiệt dựa vào thần quyền. Nhưng giáo sĩ trị cũng không loại bỏ tình trạng giáo sĩ thống trị nhau, khi giáo sĩ có chức quyền đàn áp, khống chế các giáo sĩ kém cỏi, yếu thế khác. Chủ trương giáo sĩ trị được xây dựng và bành trướng quyền lực, ảnh hưởng bằng tạo ra và củng cố các cơ chế ở mọi mức độ trong sinh hoạt của Giáo Hội.  
    Đức thánh cha Phanxicô là vị giáo hoàng kịch liệt đả phá chủ nghiã giáo sĩ trị này. Theo Ngài : “Sự khốn nạn của chủ nghiã Giáo sĩ trị là một cái gì đó vô cùng tồi tệ ! Và nạn nhân của chủ nghiã này chính là dân chúng nghèo hèn và khiêm hạ, tức dân trông cậy vào Thiên Chúa… Chúa Giêsu đã không đem những con người khiêm hạ ấy ra để làm trò đùa, nhưng Ngài đi đến với các bệnh nhân, với những người nghèo, những người bị loại trừ, những người thu thế và các tội nhân… Thậm chí Ngài còn đi đến cả với những cô gái điếm. Cho tới tận hôm nay. Chúa Giêsu vẫn đang tiếp tục nói với chúng ta cũng như với những kẻ bị quyến rũ bởi chủ nghiã Giáo Sĩ trị rằng : Những tội nhân và những cô gái điếm sẽ bước vào Nước của Thiên Chúa trước các ngươi !” (Theo Radio Vatican, bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 13.12.2016, Lm. Đaminh Thiệu dịch - Nguồn : Hội Dòng Đaminh, Tam Hiệp).     
Cũng theo Đức Thánh Cha Phanxicô : chủ nghiã Giáo Sĩ trị đang đẩy nhiều người ra khỏi Giáo Hội, vì nó bóp méo hình ảnh Giáo Hội và Ngài công khai tuyên chiến với chủ nghiã nguy hiểm và tồi tệ này. Ngài còn nhấn mạnh : “Vấn đề này liên quan đến toàn thể Giáo Hội” và là vấn đề cấp bách đối với Giáo Hội.
Chúng ta không thể “vơ đũa cả nắm”, mà quên một số không nhỏ các linh mục thánh thiện, âm thầm tận tụy phục vụ dân Chúa trong khiêm tốn, nhưng cũng không thể chối cãi sức tàn phá kinh khủng của chủ nghiã Giáo Sĩ trị nơi một số linh mục chuyên quyền, hống hách, tiền bạc, phe cánh. Các vị này cạn kiệt tình mục tử, nên không sẵn sàng hy sinh mình vì đàn chiên, nhưng hy sinh đàn chiên vì mình. Các vị này cằn cỗi, khô héo lòng thương xót, nên đánh mất tâm hồn “hiền lành và khiêm nhường”, và trái tim “chạnh lòng thương” của Đức Giêsu đã ban cho các vị. Nơi các linh mục thuộc hàng ngũ “Giáo Sĩ trị”, tiền bạc, danh vọng, chức quyền, phe cánh, ảnh hưởng chiếm phần lớn cuộc đời, nên dễ hiểu khi đàn chiên các vị chăm sóc lần lượt bỏ đàn, giáo hữu bỏ nhà thờ, giáo dân bỏ giáo xứ, tín hữu bỏ niềm tin, dân Chúa bỏ Giáo Hội.
3.    Nguyên nhân sau cùng là giáo lý về đạo đức tình dục của Giáo Hội.
Trong một xã hội mà tất cả đều được phép, tất cả đều tự do, và không còn bất cứ cấm kỵ, cấm cản, cấm đoán nào có thể áp đặt trên con người, thì giáo lý về đạo đức tình dục của Giáo Hội bị coi là bức tường ngăn chặn bước tiến của xã hội, chủ trương thoái hoá, lạc hậu, đi ngược trào lưu khai phóng của thời đại. Vì thế, trước giáo lý vững chắc và thái độ kiên định của Giáo Hội trong những vấn đề như tự do phá thai, hôn nhân đồng tính, quyền tái hôn tôn giáo đối với người đã ly dị…, người ta khó chấp nhận và dễ dàng bất mãn, chống lại.
Rất nhiều phong trào chống Giáo Hội Công Giáo về giáo lý đạo đức tình dục, và hoạt động chống phá của các phong trào này ngày càng quyết liệt, dữ dội, và tất nhiên đã gây nhiều sóng gió ngay trong nội bộ Giáo Hội, khi nhiều người có trách nhiệm trong Giáo Hội bắt đầu có những dấu hiệu nghiêng ngả, nhượng bộ.
Vấn đề của chúng ta là trước hiện tượng bỏ đao ngày càng nhiều, chúng ta phải làm gì để chính mình không bị chao đảo, hoang mang, để rồi tự đầu hàng, qụy ngã, không nhất thiết vì hèn nhát, phản bội, nhưng vì áp lực của đám đông, và vì nhận ra chính mình cũng là nạn nhân như những người đã bỏ đạo. 
Trước hết, chúng ta cần biết : có nhiều khuynh hướng khác nhau trong phong trào bỏ Giáo Hội :
3.1                      Bỏ Giáo Hội, nhưng không bỏ Thiên Chúa ?
 Vì cho Giáo Hội là cơ chế nặng nề làm phát sinh nhiều ràng buộc rắc rối, nhiều khoản luật bất khả thi, nên một số chọn giải pháp “dung hoà” là bỏ Giáo Hội, như rời bỏ một bộ máy hành chánh, từ chối một tổ chức gây nhiều phiền phức, bực bội, nhưng không bỏ Thiên Chúa, vì bỏ Thiên Chúa là một chọn lựa nhiều rủi ro, có thể chuốc vào mình nhiều tai hoạ vô hình, nhất là phần rỗi đời sau.
Khuynh hướng này hiện rất ăn khách và được coi là “thời trang tôn giáo” khá thịnh hành, nhất là ở giới trẻ. Nhóm người này lý luận : tôn giáo là chuyện của mỗi người với Thiên Chúa, và Thiên Chúa biết rõ thiện chí muốn gặp gỡ Ngài của từng cá nhân, nên Giáo Hội, được xem như tổ chức trung gian sẽ không cần thiết. Và vì không cần thiết, nên không cần phải duy trì, gắn bó.
Khuynh hướng tin Chúa, nhưng từ bỏ vai trò trung gian của Giáo Hội đã phủ nhận hoàn toàn Giáo Hội là Thân Thể mầu nhiệm có Đức Giêsu là Đầu (x. 1 Cr 12,12-30), và “Ngài yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep  5, 25), và mặc nhiên khuynh hướng này chỉ coi Giáo Hội là một tổ chức thuần trần thế, một cơ chế trần tục không hơn không kém.  
3.2                 Bỏ Giáo Hội, bỏ Đức Giêsu, nhưng không bỏ Thiên Chúa :
Vì Đức Giêsu với Giáo Hội là một, như Thân Thể duy nhất, nên người ta khó có thể tách rời Đức Giêsu, “Thiên Chúa làm người” ra khỏi Giáo Hội của Ngài. Trước bế tắc này, không giải pháp nào hay hơn là phủ nhận thiên tính của Đức Giêsu, chối bỏ Đức Giêsu là Thiên Chúa và là con người, mà chỉ nhận nhân tính của Đức Giêsu, nghiã là Đức Giêsu không là Thiên Chúa, nhưng chỉ là con người.
Nhờ giải pháp này mà việc chối bỏ Giáo Hội không làm mất “chiếc phao phần rỗi” đã được “cầu chứng”, “đặt sẵn” ở Thiên Chúa, một thiên chúa chung chung, tổng quát, không có mặt trong lịch sử nhân loại như Thiên Chúa trong Đức Giêsu, Thiên Chúa của Đức Giêsu, Thiên Chúa là Đức Giêsu mà người tín hữu công giáo tôn thờ, phụng sự trong Giáo Hội của Ngài.
3.3            Không bỏ cũng không theo Giáo Hội:
Khuynh hướng sau cùng là “dở dở ương ương, không nóng không lạnh, hâm hâm dễ ói”. Đây là hình ảnh những người công giáo bỏ đạo trong đời sống thực tế : họ không chống đối Giáo Hội, nhưng thờ ơ, lãnh đạm, và ngại ngùng khi phải nhận mình là Kitô hữu. Đời họ chỉ hai lần đến nhà thờ, mà cả hai lần họ đều không biết, không thể tự mình quyết định : rửa tội khi vào đời, và làm phép xác khi lià đời.
Con số giáo dân “hữu danh vô thực” này đã trở thành vấn đề lớn của Giáo Hội, bằng chứng là công cuộc “tái truyền giáo”, nghiã là “truyền giáo lại cho những người đã được rửa tội” đang là ưu tư và hoạt động hàng đầu của Giáo Hội toàn cầu.
Thực ra, cám dỗ bỏ Đức Giêsu, và Giáo Hội của Ngài là cám dỗ đã có từ những ngày đầu khi Đức Giêsu quy tụ các tông đồ là rường cột của Giáo Hội. Bằng cớ là khi Đức Giêsu nói với những người Do Thái : “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết” (Ga 6,53-54), thì họ “tranh luận sôi nổi” và nhao nhao phản đối Đức Giêsu. Nhưng không chỉ những người Do Thái đã cho là chướng tai, mà chính các môn đệ của Đức Giêsu đã nói với Ngài : “Lời này chướng tai qúa ! Ai mà nghe nổi ?” (Ga 6,60). Và Đức Giêsu biết : nhiều môn đệ đã muốn bỏ Ngài, vì giáo lý của Ngài qúa khó nghe, qúa khó chấp nhận : “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư ?” (Ga 6, 61), và với nhóm Mười Hai, sau khi thấy “nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa” (Ga 6,66), Ngài đã nói : “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao ?” (Ga 6,67).
Đó là sự thực đau lòng, nhưng là sự thực đã xẩy ra ngay khi có mặt Đức Giêsu bằng xương bằng thịt, bởi giáo lý khó nghe, khó chấp nhận của Ngài. Điều này nói lên nguyên nhân làm nhiều người ngày xưa cũng như ngày nay và cho đến tận thế đã, đang và sẽ bị cám dỗ bỏ đạo, khi giáo lý của đạo ngăn cản lối sống dễ dãi, buông thả, hưởng thụ của họ, cũng như giáo lý của đạo đòi họ phải vượt qua những gì “cân, đo, đong, đếm, và thí nghiệm được” của khoa học để đạt đến ngưỡng cửa của mầu nhiệm, mà Đức Giêsu đã khẳng định khi nói về những người muốn bỏ Ngài mà đi, vì giáo lý khó nghe của Ngài : “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (Ga 6,53).
Thánh Gioan Tông Đồ trong thư thứ nhất cũng đã đặt tội lỗi là nguyên nhân cắt đứt chúng ta với Thiên Chúa : “Ai phạm tội, kẻ ấy là người của ma qủy, vì ma qủy phạm tội từ lúc khởi đầu” (1 Ga 3,8).
Cũng như hôm nay, nhiều người bỏ đạo, không vì giáo lý của đạo bị coi là sai lạc, phi lý, cho bằng giáo lý của đạo ngăn cản đời sống bê tha, dung túng, sa đọa của họ, và vì giáo lý đó, họ phải mang vào mình mặc cảm tội lỗi khi phạm tội, khi đi ngược đòi hỏi của giáo lý, nên tốt hơn là bỏ đạo để không còn bị giáo lý làm phiền, làm khó, làm khổ.
Như đã trình bầy ở trên : một nguyên nhân khác dẫn đến bỏ đạo chính là phủ nhận “Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người”. Nguyên nhân này cũng đã là nguyên nhân làm nhiều người bỏ đạo thời các thánh tông đồ. Bằng chứng là cũng thánh Gioan tông đồ đã cảnh báo tín hữu phải đề phòng những kẻ phản Kitô, nghiã là chống lại Đức Giêsu là “Thiên Chúa làm người” : “Ai là kẻ dối trá, nếu không phải là kẻ chối rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô ? Kẻ ấy là tên phản Kitô, là kẻ chối Chúa Cha và Chúa Con. Ai chối Chúa Con, thì cũng không có Chúa Cha ; kẻ tuyên xưng Chúa Con thì cũng có Chúa Cha” (1 Ga 2,22-23).
Theo thánh Gioan : việc đón nhận Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, Thiên Chúa làm người là đòi hỏi rất quan trọng để bước đi trong ánh sáng, nghiã là để sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa, bởi không chấp nhận Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, người ta cũng không chấp nhận Chúa Cha là Thiên Chúa, và tất nhiên : Thiên Chúa không hiện hữu. Nói cách khác, khi từ chối mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu, người ta đương nhiên khước từ mầu nhiệm Thiên Chúa.
Nguyên nhân thứ hai này trùng khớp cho những ngày đầu của Giáo Hội, và Giáo Hội hôm nay, cũng như mãi sau này : bỏ Giáo hội vì phủ nhận Đức Giêsu là “Thiên Chúa làm người”.
Nguyên nhân kế tiếp đưa đến bỏ đạo ở mọi thời chính là thiếu yêu thương, không bác ái, vắng bóng lòng thương xót, bao dung. Qủa thực, phần đông người ta đã bỏ đạo vì không thấy các môn đệ của Đức Giêsu yêu thương nhau như Đức Giêsu căn dặn ; không được đón nhận với tình yêu bao dung, thương xót bởi những con người trong Giáo Hội ; không được đối xử tử tế, huynh đệ trong lòng Giáo Hội ; không có chỗ đứng trong nhà Giáo Hội và bị coi là kẻ xa lạ, người ngoài cuộc, kẻ bị khai trừ, lên án bởi chính anh em mình trong gia đình Giáo Hội. Và bóng tối ganh ghét, đố kị cứ ngạo nghễ đe dọa như những đám mây dầy đặc trên đầu : “Những ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù loà” (1 Ga 2,11).   
4.     Tóm lại, thái độ của chúng ta trước hiện tượng nhiều anh em bỏ đạo, bỏ nhà Giáo Hội ra đi thiết tưởng sẽ phải là :
4.1                      Xác tín Đức Giêsu yêu Giáo Hội của Ngài như phu quân yêu hiền thê, nên không thể tách rời Đức Giêsu ra khỏi Giáo Hội của Ngài. Và điều rất quan trọng là Đức Giêsu không ngừng “thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5,26-27).
     Khi xác tín điều này, chúng ta sẽ nhận ra :
·      Giáo Hội gồm những con người yếu đuối, tội lỗi và luôn được Đức Giêsu kêu gọi nên tốt hơn, thánh thiện hơn, xứng đáng hơn mỗi ngày.
·      Đức Giêsu yêu Giáo Hội, yêu những con người yếu đuối trong Giáo Hội, và bảo đảm việc “thánh hoá, thanh tẩy” những con người bất xứng này của Giáo Hội, để Giáo Hội được trở nên thánh thiện, tinh tuyền .
Điều này giúp chúng ta không thất vọng trước những yếu đuối của Giáo Hội ; không bất mãn, bất trung với Giáo Hội, khi người của Giáo Hội cư xử bất xứng với đấng bậc của mình, bất công với đồng đạo, bất chính với xã hội, vì tin tưởng tuyệt đối vào ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội. Chúng ta sẽ không lên án, nhưng cầu nguyện với niềm tín thác ở Đức Giêsu và Lời Ngài hứa : “Thầy đây, đừng sợ !” (Mc 6, 50), và “Thầy ở cùng anh em  mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
4.2       Xác tín Đức Giêsu là “Thiên Chúa làm người” và Giáo Hội là nhà của Thiên Chúa giữa nhân loại, ở đó, “Thiên Chúa làm người” cư ngụ, để con người được trở  nên “đồng hình đồng dạng” với Thiên Chúa.
Với xác tín này, chúng ta đón nhận những thiếu sót, khuyết điểm, lầm lỗi, tội lụy hằng ngày xẩy ra trong Giáo Hội, trong đó có yếu đuối, tội lỗi của chính chúng ta, bởi tất cả những con người thuộc về Giáo Hội đều đang trên đường theo Đức Giêsu để được hoán cải, đổi mới, thanh tẩy ; đang trên hành trình tiến về Chân - Thiện - Mỹ tuyệt đối là Thiên Chúa ; đang ngày đêm khẩn cầu lòng xót thương, ơn tha thứ để được cứu độ.
Vì thế, nếu tội lỗi là nguyên nhân đưa đến bỏ đạo, thì tinh thần và thái độ thống hối sẽ giúp chúng ta yêu mến và gắn bó với Giáo Hội hơn, vì “nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta và thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1 Ga 1,9), bởi “Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2, 2). 
4.3       Xác tín sức sống của Giáo Hội là Yêu Thương :
Giáo Hội sẽ chết, nếu Giáo Hội không yêu thương ; Giáo Hội sẽ bị tiêu diệt, nếu con cái của Giáo Hội từ chối yêu thương nhau ; Giáo Hội sẽ sụp đổ, nếu Đức Giêsu là Tình Yêu và là Đầu của Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội không còn chỗ đứng, và tất nhiên người ta sẽ bỏ Giáo Hội hết, vì không ai có thể sống trong hoả ngục hận thù, ghen ghét, bạo lực, diệt vong. Thánh Gioan đã qủa quyết : sự chết là hậu qủa của ghen ghét, hận thù, nên “kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân. Và anh em biết : không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì : đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1 Ga 3,14-16).
Như thế, tình yêu là căn tính, dấu chỉ và là điều kiện để Thiên Chúa hiện diện, bởi “Đâu có tình yêu thương, ở đó có Thiên Chúa”, trái lại, Thiên Chúa không có mặt nơi ghen ghét, hận thù. Thế nên, Giáo Hội sẽ không giữ được con người mà bản tính là khao khát tình yêu, nếu Giáo Hội vắng bóng Thiên Chúa là Tình Yêu, nhưng điều đó sẽ không thể xảy ra, vì có Đức Giêsu, Đấng “yêu thương  Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep 5,25) ; Ngài còn “nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh” (Ep 5,29), vì “chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người” (Ep 5,22).
4.4       Xác tín cuối cùng là “Đấng ở trong chúng ta mạnh hơn kẻ ở trong thế gian” (1 Ga 4,4).
 “Kẻ ở trong thế gian” là những kẻ không thuộc về Thiên Chúa và đang ra sức lôi kéo chúng ta ra khỏi Giáo Hội, từ bỏ Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa làm người.  Đó là những ngôn sứ giả, những kẻ phản Kitô, những cánh tay nối dài của Satan dối trá, ganh ghét, bạo lực, chuyên gieo rắc chết chóc.
Thánh Gioan đã chỉ cho chúng ta cách nhận ra ai là “kẻ ở trong thế gian”, kẻ phản Kitô, kẻ chống lại Giáo Hội, cũng là cách phân định thần khí, vì có “thần khí dẫn đến sự thật và thần khí làm cho sai lầm” (1 Ga 4,6), khi ngài viết : “Anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không… Căn cứ vào điều này, anh em sẽ nhận ra thần khí của Thiên Chúa : thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa ; còn thần khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa, đó là thần khí của tên phản Kitô” (1 Ga 4,1-3).
Vấn để đã rõ : tất cả đều phải bắt đầu, và quy hướng về một mình Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ duy nhất, mà “nhờ Người, với Người và trong Người” Thiên Chúa được chúc tụng, vinh danh, và toàn thể nhân loại được cứu rỗi.  
Lạy Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chọn Giáo Hội làm hiền thê yêu dấu. Xin thêm đức tin cho chúng con những khi chúng con chao đảo, hoang mang, hoảng sợ trước “phong ba, bão táp” dữ dội của Satan như muốn nuốt trửng, nhận chìm con thuyền Giáo Hội, mà trên đó có chúng con là những tội nhân đang làm méo mó dung mạo của Giáo Hội vì tội riêng mình. Xin giữ gìn chúng con khỏi nỗi thất vọng đắng đót, chua cay của những người con chưa “toàn tâm toàn ý” yêu thương Giáo Hội là Mẹ mình, và giải thoát chúng con khỏi cám dỗ nguy hiểm hơn tất cả mọi cám dỗ là bỏ đạo, bỏ Chúa. Và xin nhắc bảo chúng con trong thử thách nặng nề lời tuyên xưng chất chứa ân tình và tín thác của thánh tông đồ Phêrô : “Lạy Thầy, bỏ Thầy, chúng con biết theo ai ? Vì chỉ  Thầy mới có Lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68).
Jorathe Nắng Tím        

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

PHÚC CHO AI THẤY VÀ NGHE !

    Mừng Kính hai thánh Gioakim và Anna, ông bà ngoại của Đức Giêsu
Hai cơ năng quan trọng của thân thể để tạo tương quan với người khác, và giao lưu với thế giới bên ngoài là mắt để nhìn và tai để nghe. Tai - mắt quả là nhịp cầu giao duyên, sợi giây liên kết, và cũng là máy chụp, máy thu những gì ở bên ngoài, từ người khác. Chẳng thế mà người ta hay nói : “Tai Mắt  khắp nơi !”  khi muốn cảnh giác ai đó phải cẩn trọng, kẻo người khác biết chuyện riêng, bí mật của  mình. Trong đời sống đạo, tai -mắt cũng giữ vai trò  không thể bỏ quên, như Đức Giêsu đã nói trong Tin Mừng Mátthêu được Giáo Hội chọn cho ngày lễ kính thánh Gioakim và thánh Anna, ông bà ngọai của Đức Giêsu : “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe. Qủa thế,Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Mt 13,16-17).
Hơn ai hết, hai thánh Gioakim và Anna là hai trong số những người diễm phúc vì đã được mắt thấy, tai nghe Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người. Và hơn mọi người đã được thấy và nghe Đức Giêsu, ông bà ngoại Gioakim và Anna còn được sống niềm vui chờ đợi Đức Giêsu sinh ra, từ khi nghe Đức Maria báo cho cha mẹ mình biến cố có thai. Rồi tháng ngày thơ ấu, chập chững tập đi, bi bô tập nói, thế nào ông bà ngoại chẳng âu yếm, nâng niu, cưng chiều cậu cháu ngoại Giêsu “càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn, và thêm ân nghiã trước mặt Thiên Chúa và loài người” (Lc 2,52).
Khi công bố hạnh phúc cho ai được thấy Thiên Chúa và nghe lời Thiên Chúa, Đức Giêsu khẳng định : điều làm cho con người thực sự hạnh phúc là được chiêm ngắm Thiên Chúa và lắng nghe Lời Ngài. Trên suốt đường truyền giáo, Đức Giêsu luôn nhắc nhở và đề cao hạnh phúc này, như khi “Đức Giêsu đang giảng dạy thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng” : “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú !”  Nhưng Người đáp lại : “Đúng hơn phải nói rằng : Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28).
Một dịp khác, “lúc đám đông đang ngồi quanh Người”. Có kẻ nói với Người rằng : “Thưa Thầy, có mẹ và anh chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy !” Nhưng Người đáp : “Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?”. Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói : “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,32-35).  
Trả lời người phụ nữ và đám đông ngồi chung quanh, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh hai điều : người lắng nghe và thực hiện Lời Thiên Chúa là người hạnh phúc thật, và người đang mang hạnh phúc thật ấy chính là Mẹ của Ngài. Đức Giêsu đã tế nhị và cung kính tuyên dương đức tin của Mẹ Ngài trước mặt mọi người.
Nếu Đức Giêsu đã ca tụng Mẹ mình là người có phúc lớn, vì đã thấy, đã nghe, đã thực hành Lời Thiên Chúa, thì Ngài cũng dành vinh dự đó cho ông bà ngoại rất yêu qúy của mình, bởi sự thánh thiện và đời sống đức tin sống động của Đức Maria là bằng chứng hùng hồn đời sống đạo hạnh, chuyên chăm lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa của ông bà ngoại Đức Giêsu, bởi có thánh thiện, các ngài mới có con gái được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa ;  có thuộc về Thiên Chúa trọn vẹn, ccá ngài mới có người con biết hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa cho chương trình Cứu Thế của Ngài được thành tựu tốt đẹp, qua tiếng “Xin Vâng” tín thác, khiêm hạ ; có tuyệt đối tin vào Lời Hứa cứu độ của Thiên Chúa, các ngài mới có được người con “đầy ơn phúc vì đã tin rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói” (Lc 1,45).
Mừng kính hai thánh Gioakim và Anna, ông bà ngoại của Đức Giêsu, chúng ta cầu nguyện cho ông bà nội, ngoại của tất cả các gia đình được nhận ra vai trò ươm trồng hạt giống đức tin trong tâm hồn con cháu. Các vị là những người chuẩn bị tâm hồn của con cháu mình, như người nông dân chăm sóc thửa đất phì nhiêu, mầu mỡ trước khi gieo hạt, để khi Lời Thiên Chúa, như hạt giống được gieo, “sẽ sinh hoa kết qủa : hạt thì một trăm, hạt sáu chục, hạt ba chục” (Mt 13,23).
Ước gì truyền thống Kitô giáo được vững chắc xây dựng từ gia đình, nơi có ông bà nội, ngoại là những nhà giáo dục đức tin đầu tiên, ở đó, khao khát chiêm ngắm Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể, và niềm say mê lắng nghe Lời Chúa trong Phúc Âm trở thành niềm vui không thể thiếu, và hạnh phúc vô tận của mọi thành viên trong đại gia đình có Thiên Chúa là Tình Yêu, ơn Cứu Độ ở với, và đồng hành. 
Jorathe Nắng Tím

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

“Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”



Cầu nguyện là giây liên lạc cần thiết và qúy giá, là trao đổi thân thương, là gặp gỡ tình nghiã giữa Thiên Chúa và con người, giữa Thiên Chúa và tâm hồn mỗi người. Không thể có tôn giáo nếu không có cầu nguyện, nếu hiểu tôn giáo là sự kết nối giữa Thượng Đế và con người.
     Vì thế, khi thấy ông Gioan Tẩy Giả dậy các môn đệ của ông cầu nguyện, một người trong nhóm môn đệ của Đức Giêsu đã xin Ngài dạy họ cầu nguyện. Và Đức Giêsu đã dạy các ông kinh Lạy Cha mà chúng ta cùng Giáo Hội cầu nguyện hằng ngày (x. Lc 11,1-4).
   Tin Mừng Chúa Nhật XVII Thường Niên, Năm C đã không dừng lại ở Kinh Lạy Cha là kinh nguyện chính Đức Giêsu đã dạy các môn đệ của Ngài, mà còn đi xa hơn với xác tín : anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho (Lc 11,9), vì nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ? (Lc 11,13).
     Vâng, chúng ta có nền tảng đức tin để tin điều Đức Giêsu hứa : Ai xin thì sẽ được, bởi chúng ta không xin gì ngoài xin cho Danh Thiên Chúa, Cha chúng ta là Đấng giầu lòng thương xót được cả sáng khi toàn thể nhân loại được thương xót cứu độ ; chúng ta không xin gì ngoài Nước Thiên Chúa là Nước dành cho những ai được Thiên Chúa thương xót, vì có lòng thương xót anh em mình, như dụ ngôn tên đầy tớ mắc nợ không biết thương xót, và quang cảnh ngày chung thẩm trong Tin Mừng Mátthêu 18,23-35 và 25,31-46 ; chúng ta không xin gì khác hơn ngoài Ý Thiên Chúa là mọi người được cứu độ được thực hiện dưới đất cũng như trên trời.
     Vì thế, lời cầu xin chủa chúng ta không chỉ làm đẹp lòng Chúa Cha vì chúng ta xin đúng ý Chúa, xin như Chúa muốn, xin vì yêu mến, tôn vinh, phụng sự Chúa, nhưng hơn tất cả, vì đó là lời cầu xin của chính Đức Giêsu, Con Một yêu qúy của Thiên Chúa Cha.
     Bên cạnh lời cầu xin cho Danh, Triều Đại, Thánh Ý của Thiên Chúa giầu Lòng Thương Xót được hiển trị, cả sáng, thực hiện, chúng ta còn được Đức Giêsu dạy xin cho chính mình, là những kẻ luôn cần lòng thương xót của Chúa và anh em, đồng thời được mời gọi sống lòng xót thương đối với mọi người, nhất là những người bé mọn, nghèo hèn.
    Chúng ta xin lương thực nuôi thân xác và linh hồn. Lương thực này chính là ơn phúc từ lòng thương xót Chúa, bởi nếu Chúa không xót thương, làm sao chúng ta được bình an tâm hồn, và no đủ thân xác ? Chúng ta xin ơn tha tội, vì tất cả tội lỗi đều là hành vi làm tổn thương tình yêu Thiên Chúa, và ngăn cản, phá hoại lòng thương xót đối với tha nhân. Chúng ta xin Chúa gìn giữ khỏi mọi cám dỗ, và tất cả cám đỗ đều nhắm lôi kéo chúng ta ra khỏi Tình yêu, khước từ lòng thương xót, khoá chặt cửa tâm hồn, đóng kín đường vào trái tim để  vô cảm trước đau khổ, thiếu thốn, khốn cùng của người khác. Và sau cùng, chúng ta xin Thiên Chúa tránh cho chúng ta những sự dữ trên đường đời, và những sự dữ đó chính là trái đắng của ganh ghét, hận thù, bạo lực do ta gây ra cho người khác, hoặc do người khác mang lại cho ta.
      Tóm lại, cầu nguyện với Đức Giêsu và bằng lời kinh của Đức Giêsu dậy, chúng ta nắm chắc sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì tất cả lời cầu xin đều quy hướng về Lòng Thương Xót của Ngài, tất cả ý nguyện đều là khát vọng tìm kiếm Lòng Thương Xót cho mình và mọi người, tất cả niềm hy vọng của lời cầu xin đều hướng về hạnh phúc của hết mọi người được Thiên Chúa thương xót, và đang học biết xót thương anh em mình.
      Lạy Đức Giêsu, xin dạy chúng con yêu mến cầu nguyện, vì chỉ với cầu nguyện, chúng con mới biết Chúa là Thiên Chúa của Lòng Thương Xót, và chúng con luôn cần tình Chúa xót thương, để đời chúng con trở nên lời kinh Xin Chúa thương xót liên lỷ, bất tận, như những nấc thang đưa chúng con lên Trời, vào vương quốc Chúa dành cho những người có lòng xót thương như Chúa.  
       Jorathe Nắng Tím   

“ĐỂ TẤT CẢ NÊN MỘT” (Ga 17,21)


    Với tư cách người tín hữu, chi thể của Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội, người viết đã chia sẻ tâm tình của mình về phong trào Lòng Thương Xót Chúa, cụ thể ở giáo điểm Tin Mừng, Nhà Bè, với hai bài dài. Bài thứ nhất với tựa đề Giáo Điểm Tin Mừng, trong đó người viết trình bày khách quan những gì mắt thấy tại Giáo Điểm và đưa ra những trường hợp có thể được coi là nguyên nhân gây ra sóng gió. Bài thứ hai : Tại sao phong trào Lòng Chúa Thương xót bị liên tục chống đối ?, với mục đích duy nhất : lật tẩy thủ phạm chính gây ra ghen ghét, chia rẽ, bất hoà, hận thù, bạo lực và tan nát, đổ vỡ là thần dữ Satan và bè lũ ma qủy. Với bài thứ ba : “Để tất cả nên một !, người viết mạo muội gửi đến qúy bạn ước muốn khép lại câu chuyện có thể vì hiểu lầm, hiểu chưa thấu đáo, hiểu chưa hết nhẽ, hiểu chưa tường tận đã ít nhiều làm tổn thương, nhức nhối tim gan những người con cùng một Cha, mà di chúc của Cha chỉ vỏn vẹn : Chúng con hãy yêu thương nhau (Ga 15,12), với lời cầu tha thiết cho chúng nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để chúng cũng ở trong chúng ta (Ga 17,21).     
      Trước hết, người viết khẳng định lập trường và xác tín : không người  Kitô hữu nào chống lại Lòng Thương Xót Chúa, như đã trình bày trong bài thứ hai, nói chi đến các Đấng Bậc là nhữngTông Đồ được chọn bởi Đức Giêsu, Dung Mạo đích thực của Chúa Cha giầu lòng thương xót, để loan báo Tin Mừng Thương Xót của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại.
      Vì thế, lên án người tín hữu này, giáo sĩ kia là kẻ chống lại Lòng Thương Xót Chúa là tố cáo sai sự thật, hoàn toàn bất công, là vu khống nặng nề và gây thiệt hại không chỉ cho cá nhân người bị công khai mạ lỵ, mà còn làm tổn thương uy tín Giáo Hội và ảnh hưởng xấu trong công cuộc truyền giáo.
   Thực vậy, không ai, kể cả người chưa biết Thiên Chúa cũng không dại gì mở miệng khích bác, vung tay đả đảo, đánh phá, hay giơ chân đạp đổ Lòng Thương Xót Chúa, vì đụng đến Trời, cản trở ý Chúa là việc làm cực kỳ nguy hiểm, luôn đem lại tai ương mà ai cũng né tránh, vì sợ, nên vấn đề còn lại chỉ là không đồng ý với nhau về cách cử hành, cách rao giảng, và cách biểu lộ, tâm tình cũng như cách cầu xin với Lòng Thương Xót Chúa. Vì thế, hoàn toàn không có bất đồng về nội dung giáo lý đức tin được rao giảng, cử hành, mà chỉ những cách thức thực hiện, phương cách rao giảng Lòng Thương Xót được đặt thành vấn đề.
   Qua những làn sóng hoặc ngầm hoặc nổi, âm ỉ hay bộc phát, người viết xin được nêu ra những bất đồng chính yếu, sau khi loại bỏ những nội dung mà một số không ít người của cả hai bên ngày đêm say mê khai thác, đó là lòng ghen ghét, ganh tị giữa các cá nhân, phe cánh được suy diễn, chú thích, cũng như đời tư của những nhân vật quan trọng liên quan bị bóc trần không gớm tay, kèm theo những phê phán không nền tảng, và lên án bất công, hồ đồ.
      Chúng ta tạm phân làm hai bên bất đồng : A và B 
1.     Bên A cho rằng :
a.     Lòng Thương Xót Chúa không thể mãi là phong trào được thổi phồng qua những kỹ năng bị coi là thế tục để lôi kéo đám đông dễ tin, dễ dụ, bình dân, mê tín.
b.     Có một số hình thức cử hành, rao giảng Lòng Thương Xót Chúa không theo đúng quy đỊnh phụng vụ, và hướng dẫn chung của Giáo Hội. Điều này dễ đưa đến cảm tưởng : phong trào trở thành mục vụ độc lập, và dần dà có thể đưa đến tình trạng mất kiểm soát.
c.      Người thành công trong việc lãnh đạo phong trào có nguy cơ biến tướng thành thần tượng và nguy cơ này sẽ làm lu mờ đối tượng của đức tin là Đức Giêsu, Thiên Chúa.
    Khuynh hướng của những người thuộc bên A là kéo giáo quyền về phiá mình, kêu gọi tinh thần vâng phục, và đặt nền tảng của quan điểm, lý luận, phê bình, lên án trên kỷ luật, kỷ cương, quy định của Giáo Hội, đồng thời lo sợ một tình trạng bất tuân phục, tự tách biệt, khi mà tình trạng sa lầy không thể cứu vãn sau này có thể xẩy đến với những lầm lạc về giáo lý, đức tin.
2.     Bên B chủ trương :
a.     Phong trào tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót không đi sai đường lối của Giáo Hội, và là việc thờ phượng chính đáng, được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khởi xướng cũng như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô và Phanxicô khuyến khích, ủng hộ.
b.     Phong trào đặt niềm xác tín trên hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng ban nhiều hoa trái thiêng liêng và mở ra những con đường trở về với Đức Giêsu cho người tín hữu cũng như cho lương dân.
c.      Phong trào khẳng định luôn ở trong Giáo Hội và tuân phục giáo huấn. Những sáng kiến và cách thức rao giảng chỉ có mục đích chuyển tải sứ điệp Lòng Thương Xót cho một tập thể không thuần nhất, gồm đủ thành phần, và một số không nhỏ là những anh em ngoài Kitô giáo.
      Cả hai đều không sai, và trong thực tế không hề chống phá nhau, vì cùng hướng đến Lòng Thương Xót Chúa. Nhưng thái độ dành cho nhau, vì thiếu thông tin cần thiết đã dẫn đến thiếu thân thiện, thiếu chân thành, thiếu thông cảm làm cho bầu khí ngày càng nặng nề và nên cớ vấp phạm cho nhiều người, khi nhiều lời bàn bạc tiêu cực, lời phê phán sôi sục thành kiến, như đổ dầu vào lửa làm bùng lên và lan rộng ngọn lửa bất hoà, đố kị. 
     Nhưng đó là những chuyện đang lui dần vào quá khứ. Lui dần vào qúa khứ khi những yêu cầu liên quan đến kỷ luật mục vụ  của Toà Giám Mục đã được cha phụ trách Giáo Điểm Tin Mừng, là trung tâm tuy không có DANH Trung tâm Lòng Chúa Thương Xót, nhưng lại có THỰC với sinh hoạt đặc biệt tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót tuân thủ, thi hành. Lui dần vào qúa khứ khi những phê phán, lên án có dấu hiệu nhẹ tay, xuống giọng hơn. Lui dần vào quá khứ khi giáo dân hiểu rõ hơn bản chất, giá trị và ý nghiã đích thực của Lòng Thương Xót Chúa. Lui dần vào qúa khứ khi anh em đã hiểu nhau, và làm nên thành công lớn là vượt qua sóng gió, vì Hiệp Nhất, Hiệp Thông với nhau trong Thiên Chúa là đích tới của con thuyền Giáo Hội, mà trên hành trình biển cả, có mấy khi  thiếu sóng to, gió lớn, đá ngầm đủ loại đe dọa. Vấn đề không phải là sóng gió, đá ngầm, nhưng là tất cả mọi người trên thuyền đã cùng vượt qua với nhau.
     Hôm nay là ngày mới, như mỗi người chúng ta được đổi mới hơn mỗi ngày với ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần. Chính Giáo Hội cũng cần được đổi mới, và luôn được mời gọi trở về để không xa Nguồn là Đức Giêsu, không mất hướng là Đức Giêsu, không quên Dung Mạo mà mình phải trở nên giống là Đức Giêsu, nhất là không quên Trái Tim mà Giáo Hội phải chung nhịp đập là Trái Tim bị đâm thủng vì xót thương của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ trên Thánh Giá.
     Hôm nay là ngày Thiên Chúa dựng nên, dựng nên tất cả chúng ta trong Hiệp Nhất, Hiệp Thông với Ngài, nên bất cứ ai đã ở trong Đức Giêsu, đi theo Đức Giêsu đều phải hiệp nhất, hiệp thông không chỉ trong Ngài, mà còn với anh em, như các chi thể của cùng một Thân Thể. Đó là lý do Đức Giêsu đã nói với các môn đệ : Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 15,12). Nghiã là yêu thương nhau vì tất cả đã được Thiên Chúa yêu thương trước. Điều đó còn có nghiã : nếu Thiên Chúa không yêu thương tất cả và từng người chúng ta như Ngài đã yêu thương thì không ai trong chúng ta có thể yêu mến người anh em mình được, vì ở ngoài Thiên Chúa, thiếu tình yêu Thiên Chúa, không có Chúa là Đấng nối kết, quy tụ, chúng ta không thể hiệp nhất, hiệp thông với nhau, bởi ai trong chúng ta cũng đều không dễ thương, dễ mến, dễ yêu, dễ gần như chúng ta thường ảo tưởng về mình.
     Đó cũng là nền tảng của Hiệp Thông, và lý do mà Đức Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha cho những ai đi theo Ngài : Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con, và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta (Ga 17,20-21). Nền tảng là trong Thiên Chúa, chúng ta mới hiệp thông nên một với nhau được, và như thế, bất cứ một cố gắng Hiệp Nhất, Hiệp Thông nào mà Giáo Hội mong ước và tìm kiếm, thực hiện, đều phải mong ước, tìm kiếm và thực hiện trong Thiên Chúa, với tình yêu của Đức Giêsu, và ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần, bởi chỉ Tình Yêu Thương Xót của Đức Giêsu mới uốn lòng chúng ta nên giống trái tim thương xót của Chúa ; và chỉ ơn của Chúa Thánh Thần mới đổi mới mọi sự trong ngoài chúng ta.
     Sở dĩ chúng ta cần ở trong Thiên Chúa nếu muốn hiệp nhất, hiệp thông với anh em, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới ban cho chúng ta sức mạnh để từ bỏ chính mình, cái mình luôn chồng chất nặng nề những ích kỷ, ganh ghét, quyền lực, lợi nhuận vật chất, ảnh hưởng, danh tiếng, chức tước, ngai bệ, ; chỉ một mình Thiên Chúa mới giúp chúng ta từ bỏ tất cả những gì ngăn trở Ơn Đổi Mới đang được Thánh Thần làm nẩy mầm trong chúng ta ; chỉ một mình Thiên Chúa mới cho chúng ta niềm Hạnh Phúc tuyệt vời của Hiệp Nhất, Hiệp Thông, vì không phải chỉ với anh em chúng ta hiệp nhất, trong anh em chúng ta hiệp thông, nhưng trước hết và trên hết, chúng ta được hiệp nhất, hiệp thông với và trong Thiên Chúa, Đấng là Nguồn Vui, Gia Nghiệp đời đời và Cùng Đích cuộc đời chúng ta.
    Xin Chúa thương giúp chúng ta can đảm giã từ quá khứ chia rẽ, bất hoà, hiểu lầm, đối kháng ; vượt qua sóng gió hôm qua của bới móc, lột trần, vạch áo, tố khổ, lên án, để tay trong tay lật qua trang mới, bước vào ngày mới, trở thành con người mới có Tình Yêu, Ơn Sủng của Thiên Chúa Hiệp Nhất chúng ta Nên Một trong Ngài, và Hiệp Thông chúng ta với nhau trong cùng một Tấm Bánh và một Thân Thể là Đức Giêsu Kitô, Đấng chúng ta cùng yêu mến, tôn thờ, phụng sự.
Jorathe Nắng Tím     

“AI YÊU NHIỀU THÌ ĐƯỢC THA NHIỀU” (Lc 7,47)

Lễ Kính thánh Maria Mácđala
      Tình Yêu luôn được biểu hiện rõ nét nơi phụ nữ, vì tình yêu nơi người nữ bao giờ cũng nồng nàn, tha thiết, sâu đậm và bền chặt hơn người nam. Chẳng thế mà ai cũng say mê nói về tình mẹ bao la, và mơ ước khối tình chung thủy của vợ hiền.
     Cũng vì gắn bó với tình yêu hơn người nam, mà người nữ dễ chết lên chết xuống vì tình, dễ sập bẫy tình, dễ sa lưới tình, dễ chết đuối trong biển tình, bởi khi yêu thì ngây thơ, khờ dại, khi thương thì chẳng tính toán được thua, hơn thiệt, nhưng liều lĩnh, hết tình, hết mình. Đó cũng là lý do phụ nữ khổ vì tình, đau vì tình  hơn người nam, và đàn bà tai tiếng vì tình, chết vì tình luôn chiếm đa số.
  Trong Tin Mừng có một phụ nữ mang nhiều nét giống hình ảnh vừa mô tả, tên Maria Mácđala mà truyền thống cho là người phụ nữ trắc nết, mang tiếng tội lỗi trong thành, biết Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà một ông Pharisêu, liền dem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đàng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người, và lấy dầu thơm mà đổ lên (Lc 7,37-38).
      Tất nhiên những người cùng dự tiệc hôm đó, đa số là bạn bè của ông Pharisêu đã thắc mắc và khó chịu trước cảnh tượng một vị đại ngôn sứ mà để người đàn bà trắc nết tha hồ vừa khóc vừa hôn chân, rửa chân, xức dầu thơm lên chân mình giữa chốn đông người. Và Đức Giêsu đã làm tất cả bỡ ngỡ, ngạc nhiên khi hỏi ông chủ nhà : Một chủ nợ kia có hai con nợ : một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn ?. Ông chủ nhà thưa : Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn. Đức Giêsu bảo : Ông xét đúng lắm (Lc 7,41-43). Vì thế tôi nói cho ông hay : tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít (Lc 7,47).
       Tuyệt vời nguyên tắc tha thứ và điều kiện để được tha thứ của Đức Giêsu : yêu nhiều thì được tha nhiều, yêu ít thì được tha ít. Và Thiên Chúa đã chỉ căn cứ vào tình yêu, lấy tình yêu làm thước đo ơn sủng, mà không dựa vào một công trạng hay việc làm nào khác của tội nhân.
       Người phụ nữ đã yêu nhiều và đựợc tha nhiều đó đã đi theo Đức Giêsu đên tận chân thánh giá khi Ngài chịu đóng đinh (x. Ga 19,25), và một lần nữa lại chứng tỏ tình yêu của mình với Đức Giêsu, khi vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ (Ga 20,1).
        Phụ nữ khi đã yêu ai rồi thì yêu đến cùng như thế đó : yêu cả khi vinh khi nhục, yêu lúc thành công, yêu khi thất bại, yêu khi sống, chết rồi cũng vẫn yêu. Và tình yêu trở nên tuyệt vời ở tính bất diệt và lòng trung tín của người yêu và được yêu.
     Qủa thực, người phụ nữ tội lỗi được tha nhiều vì yêu nhiều hôm nào trong bữa tiệc ở nhà ông Pharisêu đã được chọn làm người loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho các Tông Đồ, sau khi được thấy Đức Giêsu Phục Sinh mà bà không nhận ra Ngài (x. Ga 20,11-16). Chính Đức Giêsu sống lại đã đích thân ban cho bà vinh dự sứ giả của Tin Mừng Phục Sinh khi nói với bà : Hãy đi gặp anh em của Thầy và bảo họ : Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em (Ga 20,17).
       Xin Chúa cho chúng con niềm tin ở Tình Yêu Chúa, và bất cứ trong tình trạng, hoàn cảnh nào, dù yếu đuối, tội lỗi, tồi tệ, hoang đàng, bất xứng đến đâu cũng không để chết niềm hy vọng ở Thiên Chúa là Tình Yêu và nơi Ngài, chỉ có Tình Yêu là đáng kể, khi ơn Tha Thứ  hệ tại ở Tình Yêu của hối nhân, bởi Ai yêu nhiều thì được tha nhiều. Ai yêu ít thì được tha ít (Lc 7,47).   
Jorathe Nắng Tím