Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

Của Cải

Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 18 Thường Niên, Năm C : (Lc 12, 13-21)
Của cải cần thiết cho cuộc sống, vì không có của, lấy gì nuôi con ? không “của ăn của để”, tiền đâu đi bệnh viện khi đau ốm? không của cải dành dụm, con cái cưới vợ, lấy chồng, tiền đâu lo cho chúng ? Và ai cũng phải lo kiếm tiền, gom của, vì không tiền bạc, đời sống bấp bênh; không của cải, tương lai mịt mờ.
Đức Giêsu làm người. Ngài biết tiền bạc cần thiết cho cuộc sống thế nào. Suốt ba mươi năm ở Nadarét với cha mẹ, Ngài đã phụ giúp thánh Giuse, cha mình trong công việc làm ăn để có tiền nuôi sống gia đình. Ngài hiểu thế nào là mồ hôi nhễ nhãi, chảy dài trên trán người lao động dưới cái nắng gay gắt, chói chan ; Ngài thấm thía nỗi cực nhọc của người thợ cần cù quên cả đời mình để có đồng lương cố định, vừa đủ nuôi vợ và đàn con thơ dại. 
Làm người và ở giữa mọi người, Đức Giêsu hiểu hoàn cảnh đáng thương của những người nghèo phải cật lực làm việc mới có cơm ăn, áo mặc, những người thất nghiệp kinh niên vì thiếu tay nghề, hoặc sức khỏe không cho phép ; cả những người có đủ điều kiện lao động, nhưng vì lý lịch không sạch, nhân thân không sáng, nên không cơ quan, xí nghiệp nào chịu thâu nhận làm việc.
Vì thế không thể kết tội Đức Giêsu chủ trương “bần cùng hoá” nhân dân bằng lời kêu gọi thơ ngây của “người cõi trên” không thực tế, chẳng hiểu gì cuộc sống nhiều nhu cầu và luôn cần có tiền bạc, của cải. 
Khi cảnh cáo : “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư dả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12,15), Đức Giêsu muốn nhấn mạnh hai nguy cơ, đó là tham lam và ki cóp của cải.
Tại sao tham lam của cải là nguy cơ ? Thưa vì khuynh hướng tự nhiên của con người là ích kỷ, chỉ nghĩ cho mình, nên khi không kềm chế, ích kỷ sẽ đốt nóng lòng tham không đáy, thúc đẩy con người đến điên cuồng chiếm đoạt của cải, say mê thu gom vật chất mà không nghĩ đến lẽ công bằng, đức bác ái, lòng vị tha. Người tham lam của cải không nể sợ ai, không kiêng kỵ, cũng chẳng lo mất thể diện, vô liêm sỉ, nhưng “chai mặt cứng lòng “ bốc hốt, tham lạm bao nhiêu có thể, để làm giầu cho mình. 
 Đức Giêsu lên án những người tham lam của cải, mà không nghĩ đến người chung quanh thiếu ăn thiếu mặc, vì sự dư thừa, phung phí của cải sẽ là nguy cơ cho số phận đời đời của họ, khi đến ngày chung thẩm, Thiên Chúa sẽ chỉ hỏi họ về lòng tốt của họ đối với anh em (x. Mt 25,31-46).
Và một khi lòng tham không đáy thống trị, người ta sẽ mải miết ki cóp, cặm cụi thu gom, cuống cuồng tích trữ cho thật nhiều, để rồi khi thần chết bất ngờ đến đòi mạng, thì tất cả của cải ấy sẽ chẳng còn thuộc về mình (x. Lc 12, 20).
Thế chẳng phải là ngu ngốc, dại khờ khi tham lam, ki cóp của cải trần gian cho đến cuối đời, để rồi phải bỏ lại tất cả, mà ra đi tay trắng và nghèo nàn khi ra trình diện Đấng Tối Cao ?
Tóm lại, Thiên Chúa không bảo chúng ta lười biếng, thụ động, dựa dẫm người khác, vì khinh thường của cải, tiền bạc, nhưng cảnh giác chúng ta cạm bẫy nguy hiểm của tham lam, ki cóp của cải mà không dùng của cải để mưu cầu hạnh phúc cho mình, cho người thân và những ai cần đến lòng tốt, quảng đại của ta. Chính của cải chúng ta có sẽ làm giầu hành trang khi Chúa gọi chúng ta về với Ngài, hành trang được sắm từ tình yêu vị tha, từ đức bác ái, từ cửa cải chúng ta có được do công khó của chính mình.
Xin Chúa giúp chúng con biết nhận ra giá trị cũng như giới hạn của tiền bạc, của cải, và đừng bao giờ lãng quên : gia nghiệp đích thực của chúng con là chính Chúa, và quê hương đời đời của chúng con là Nước Trời.
Jorathe Nắng Tím