Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

Rõ Gần Mà Quá Xa

Một linh mục già trong nhà hưu kể lại, nhân dịp sinh nhật thứ 95 của ngài : “Đêm qua, trong giấc ngủ chập chờn, tôi thấy Chúa ở sát bên, nhưng tôi lại cảm thấy xa Chúa vạn dặm ; tôi thấy Chúa nhìn tôi, nhưng tim tôi lơ đãng xa xôi ; tôi nghe Chúa nói chuyện, nhưng hồn tôi lạnh lùng, băng giá.
     Những hình ảnh gặp Chúa “nửa mơ nửa tỉnh” đêm qua chiếm đóng toàn thể con người tôi với nhiều câu hỏi : Tại sao tôi lại xa Chúa trong khi Chúa ở sát bên tôi ? Tại sao tôi không có cảm giác bình an đang khi phụng sự Chúa và cố làm cho mọi người cũng phụng sự Ngài như tôi ? Tại sao tôi không nghe rõ tiếng Chúa nói với tôi, đang khi tôi hăng say nói về Chúa ? Tại sao tôi không cảm thấy hoan lạc, mặc dù tôi đang giới thiệu Chúa là niềm vui cho nhiều người ? Tại sao tôi không nhận được hạnh phúc, mặc dù tôi biết mình đang hết mình xây dựng, củng cố sự trường tồn của Giáo Hội, là ngôi nhà hạnh phúc của Thiên Chúa ở trần gian ? 
     “Nhiều ngày trôi qua, một mình với Chúa, tôi cố lắng nghe tiếng Ngài. Và trong thanh tịch của đêm khuya, Ngài thì thầm dậy bảo : Không ai chối cãi con được Cha tuyển chọn để ở gần Cha ( x. Ga 15,16), nhưng con chỉ gần thôi chứ không yêu, nên mãi mãi vời vợi xa Cha”.
    “Không ai chối cãi con là người thân cận, bạn hữu ( x. Ga 15,15), nhưng vì con chỉ muốn độc quyền sở hữu Cha, bằng ngày đêm hăm hở xây bức tường rất dầy, rất cao, phủ thêm hàng kẽm gai sắc nhọn đến rợn người, để không ai có thể đến với Cha mà không được con cho phép, nên con mãi là người ở rất xa, xa như người khách lạ”.
      “Không ai chối cãi con là người được chọn làm quản lý trung tín, và khôn ngoan” ( x. Lc 12, 42), nhưng con không giống Cha vì thiếu lòng nhân ái, nên con đã biến thành người trung tín với quyền lực và khôn ngoan chắt chiu tiền bạc, của cải, mà chưa một lần trung tín và khôn ngoan đích thực như Cha muốn. 
     “Không ai chối cãi con là môn đệ, nhưng vì thiếu yêu thương như dấu chỉ duy nhất để nhận ra ai là môn đệ Cha” ( x. Ga 13, 35), nên con chỉ là người được ai đó sai đến để nghe ngóng, theo dõi, rình rập, quan sát, đánh giá Cha.
     “Không ai chối cãi con là mục tử, nhưng vi thiếu lòng thương xót, con biến chất thành mục tử chăn thuê làm tan nát đàn chiên” ( x. Ga 10, 1-18) : chiên con hốt hoảng liều mạng chạy tứ tán, chiên mẹ đói khát, yếu nhược, mình mẩy đầy vết thương, nên chẳng còn gì để nói với con về chuyện: con còn ở gần Cha hay đã “cao bay xa chạy” ?
      “Không ai chối cãi con là người tín hữu mang tên Cha”, nhưng “hữu danh vô thực”, vì con không muốn trở nên người “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới áo mặc, cho khách lạ nghỉ lại qua đêm, cho người bệnh viên thuốc, cho người tù một lần thăm nuôi, cho người cô quả, cơ nhỡ, bị đàn áp, bỏ rơi lời ủi an và bàn tay chia sẻ” ( x. Mt 25, 31-46), nên bóng hình con còn đó bên Cha, nhưng lòng con xa Cha lắm rồi.
      “Không ai chối cãi con là người đạo gốc, nhưng gốc rễ của đạo là Yêu Thương thì con không chăm bón, con chỉ phô trương cho hoành tráng, trình diễn cho ngoạn mục những ‘hoa, lá, cành’ rườm rà mang tính cao trào, bạo phát bạo tàn, nên hỏi sao tuy rõ gần mà con cảm thấy quá xa Cha”.
     “Không ai chối cãi con biết rõ từng ngóc ngách của nguyên tắc, từng chấm phẩy của lề luật, từng chi tiết li ti của nghi thức, và con chỉ đường cho người ta đi, nhưng rất tiếc, Cha mới là Đường, chứ Đường không là nguyên tắc, lề luật, nghi thức con thuộc nằm lòng và bám víu, nên có ở ngay bên Đường thì con vẫn lạc lối lầm đường”.
      “Không ai chối cãi con là người có học, nhưng kiến thức, khoa bảng mà con tìm kiếm và dùng làm vũ khí để chà đạp thiên hạ, thì không bao giờ được Cha coi là điều kiện để trở thành người thuộc về Cha, nên con chưa một lần hạnh phúc dù quanh năm suốt tháng con quanh quẩn trong Đền Thờ có Cha ngự”. 
     “Không ai chối cãi con thuộc dòng dõi dân riêng, nhưng con cậy là dân riêng để cấm vận ơn sủng , ngăn cản bước chân Cha đến với mọi người đang trông ngóng gặp Cha, và ganh ghét những người không là dân riêng nhưng được Cha xót thương, mời gọi. Vì thế, rõ là ở gần Cha, nhưng con lại quá xa Cha!”
      Chúa nói với cha già cố trong nhà hưu, hay nói với ai cũng là nói với chúng ta, với tôi, với bạn, bởi không ít thì nhiều, nhưng có lẽ nhiều hơn ít, những sai sót Chúa chỉ dạy đều là những điều chúng ta đã lỗi phạm, như thái độ kỳ cục của người con trai lớn trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” của Tin Mừng Luca (x. Lc 15, 11-32), khi anh vùng vằng bỏ ra ngoài vì ghen tỵ với đứa em “đã chết mà nay sống lại, đã lạc mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 32) ; đã bực bội với cha già vì cha rộng lượng thương xót em mình (x. Lc 15,28). Người anh lớn tuy ở với cha, gần kề bên cha đêm ngày, nhưng không biết rõ Cha, không hiểu ý cha, không đồng cảm với cha, tóm lại , tình yêu anh dành cho Cha quá ít ỏi, tầm thường, chưa nói đến tình huynh đệ dành cho em út còn cạn kiệt đến thảm thương, lố bịch hơn.
      Quả thực, người “có đạo” chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng “rõ gần mà quá xa” trong tương quan với Chúa, khi tính kiêu căng, tự phụ làm chúng ta ảo tưởng về sự thánh thiện của mình, ảo tưởng về đặc quyền, đặc lợi “dân riêng”, ảo tưởng về sức mạnh của Giáo Hội như một cơ chế trần thế bất diệt. Chính vì những ảo tưởng nguy hiểm này mà dù nói nhiều đến đâu, phô trương, trình diễn cỡ nào, chúng ta cũng vẫn mãi là những chứng nhân không thuyết phục, vì thiếu Thần Khí mà chỉ những người được ở trong Đức Giêsu như cành hiệp nhất với cây (x. Ga 15,4), ở trong tình yêu của Đức Giêsu như Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp nhất với nhau (x. Ga 15,10), mới được Chúa Cha ban cho, và chỉ lúc đó chúng ta mới thực sự ra khỏi tình trạng “rõ gần mà quá xa” Thiên Chúa trong đời sống đạo.
     Jorathe Nắng Tím