Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2019

ĐỨC MARIA, NGƯỜI KITÔ HỮU TUYỆT VỜI

                             ĐỨC MARIA,  NGƯỜI KITÔ HỮU TUYỆT VỜI
                                    (Mừng kính Sinh Nhật Đức Mẹ - 8 tháng 9)
Người Kitô hữu, tức người có Chúa Kitô, người thuộc về Chúa Kitô,người đi theo và phụng sự Chúa Kitô, nói tắt là người môn đệ của Đức Kitô. Trên hành trình đi theo Đức Kitô, người môn đệ đã gặp gỡ nhiều anh em môn đệ khác. Họ cũng là những người được Đức Kitô yêu thương, kêu gọi, huấn luyện và sai đi. Trong số những người tín hữu này, khuôn mặt của người tín hữu có tên Maria, mẹ Đức Kitô là tuyệt vời, và nổi bật hơn cả.
1.   Đức Maria là người Kitô hữu tuyệt vời vì  tin Thiên Chúa là  Đấng Cứu Độ :
Nhiều người chọn niềm tin ở Đấng mình sợ, ở vị thần làm mình rụng rời kinh hãi, ở thiên chúa lăm le trừng phạt. Cũng có người gắn bó niềm tin vào thần thánh mình không biết tên, vào thiên chúa chưa hề mặc khải, nói về mình bao giờ. Vì thế, không phải tôn giáo nào cũng cùng một niềm tin, vì có nhiều niềm tin khác nhau, có khi đối nghịch nhau làm nên nhiều tôn giáo khác nhau.    
Đức Maria đã chọn tôn giáo và sống niềm tin ở một Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ. Thiên Chúa của Đức Maria không là thiên chúa xa lạ, nghiêm khắc, vô cảm, nhưng Thiên Chúa giầu lòng thương xót, gần gũi, hay chạnh lòng. Chính vì hay thương xót, Thiên Chúa của Đức Maria mới có thể là Thiên Chúa Cứu Độ, Thiên Chúa cứu giúp, Thiên Chúa che chở, độ trì con người yếu đuối, thiếu thốn, khốn khổ. Chính vì gần gũi, Thiên Chúa của Đức Maria mới nghe được tiếng dân Ngài, hiểu được nỗi thống khổ của dân Ngài đang rên xiết dưới ách thống trị của Pharaô Ai cập (x. Xh 3,7) ; chính vì hay chạnh lòng thương cảm, Thiên Chúa của Đức Maria mới xuống thế làm người để gánh tội của con người để ban lại cho con người quyền và vinh dự làm con Thiên Chúa cũng như hạnh phúc đời đời con người đã đánh mất vì phạm tội.
Trước một Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, bao dung, người tín hữu Maria đã chọn đúng chỗ của thụ tạo trước Đấng Chủ Tạo, chọn đúng vị thế con người cần được  xót thương, tha thứ, xoá tội trước Đấng Cứu Độ ; và chọn đúng tâm tình hớn hở, vui mừng của người con vô cùng diễm phúc được Thiên Chúa, Cha của mình thương yêu, chiều chuộng . Và Mẹ đã cất lên tiếng lòng tràn đầy niềm vui, hạnh phúc được cứu độ :
Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới ; từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc (Lc 1,46-48).
Qủa thực, không có tôn giáo nào có được gặp gỡ tuyệt vời giữa Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ giầu lòng thương xót và con người cần được xót thương, cứu độ, như Đức Maria đã chọn cho mình, khi  Mẹ hớn hở mừng vui mừng hát lên Kinh Ngợi Khen, vì biết mình  là người diễm phúc, vì được Thiên Chúa yêu thương, cứu độ.
Người Kitô hữu tuyệt vời có tên Maria ấy đã cho chúng ta biết đức tin của Kitô giáo là gì và phải đặt nền móng ở đâu ? Thưa, đức tin ấy có đối tượng là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ, và nền móng của đức tin ấy chính là Thiên Chúa giầu lòng xót thương đã chỉ biết yêu thương và muốn cứu độ hết mọi người đang cần được Ngài xót thương, cứu chuộc.
Như Đức Maria, niềm tin của người Kitô hữu hôm nay cũng không thể ra ngoài cuộc gặp gỡ thần diệu giữa Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ vô cùng bao dung, nhân hậu và con người khiêm tốn biết mình tội lụy, luôn cần lòng thương xót. Chính vì được gặp gỡ Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ giầu lòng xót thương, mà con người được hạnh phúc. Do đó, sẽ không là người Kitô hữu, nếu không tin Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ, bởi Thiên Chúa Đấng Cứu Độ mới là Thiên Chúa chúng ta tìm đến, mới là Thiên Chúa của Đức Giêsu đã giới thiệu và làm chứng, mới là Thiên Chúa của Đức Giêsu, chứ không chỉ là Thiên Chúa toàn năng, Thiên Chúa hằng hữu, Thiên Chúa thông biết mọi sự, Thiên Chúa chính trực, công bình…  như  một số tôn giáo khác cũng tôn thờ Thiên Chúa chủ trương.   
Tin Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ đã đành, ngườI Kitô hữu còn phải sống đường lối của Thiên Chúa. Nhưng  đâu là đường, là lối của Thiên Chúa  Cứu Độ ?
Vì niềm tin Kitô hệ tại ở việc nhận biết Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ toàn năng nhưng rất nhân hậu, và con người tuy bất xứng nhưng được Thiên Chúa xót thương, cứu chữa, nên con đường Thiên Chúa muốn con người đi, lối ngõ Thiên Chúa muốn con người từng ngày tiến bước, chính là lòng khiêm tốn của thụ tạo trước Thiên Chúa Chủ Tạo, tình con thơ, bé bỏng, và thái độ phó thác, trông cậy đối với cha toàn năng và nhân lành. Và tất nhiên, con đường Thiên Chúa muốn người tín hữu phải đi không là con đường kiêu căng muốn bằng Thiên Chúa mà các thiên thần phản nghịch đã chọn, lối ngõ muốn biết mọi sự Thiên Chúa biết mà nguyên tổ Ađam, Evà đã đi, vì cả hai đều đã dẫn đến bất tuân phục, chống lại Thiên Chúa, và hậu qủa là tai ương, bất hạnh và sự chết đổ trên các thiên thần kiêu hãnh và loài người kiêu căng. Cũng  vì chọn con đường kiêu căng, và từ chối con đường khiêm cung tín thác của Thiên Chúa, mà nguyên tổ chúng ta đã làm toàn thể nhân loại mất đi ơn huệ làm con Thiên Chúa, và đó là lý do Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người để chuộc lại những gì con người đã vì kiêu căng, phản nghịch làm mất.         
Trong kinh Tán Tụng Magnificat, Đức Maria, người Kitô hữu tuyệt vời đã tuyên xưng đường lối của Thiên Chúa bằng tất cả tâm tình của nữ tỳ khiêm tốn, vâng phục :
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn ! Đời nọ đến đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giầu có lại đuổi về tay trắng (Lc 1, 49-53).    
Và đường lối chống lại kẻ kiêu căng, và thi ân cho người khiêm nhường chính là đường lối đời đời của Thiên Chúa, như lịch sử đã làm chứng và Đức Maria đã tuyên xưng : Đời nọ đến đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người (Lc 1, 50).
Kính sợ ai  không chỉ là khiêm tốn chân nhận người ấy vượt trội hơn mình, mà còn biết ơn người ấy đã thương mình và lo cho mình nữa, nên sợ ở đây không có nghiã sợ hãi, sợ sệt, nhưng là kính mến, kính yêu, kính trọng, tôn kính. Kính sợ của Đức Maria trong Kinh Tán Tụng là tôn trọng trong yêu mến, tín thác, biết ơn, như con kính sợ cha vì tình yêu của cha hơn vì cha nghiêm khắc, sợ làm cha buồn lòng, hơn sợ cha nổi nóng.
Vâng, để trở thành người Kitô hữu đích thực, đích danh, chúng ta cũng phải noi gương Đức Maria, người tín hữu đầu tiên và tuyệt vời, vì trước mọi người, Mẹ đã có Đức Giêsu ngay trong cung lòng Mẹ, để như Mẹ sống Khiêm Nhường là con đường Thiên Chúa chọn để đến với con người, như thánh Phaolô đã khẳng định với tín hữu cộng đoàn Philípphê : Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Pl 2, 6-8), và cũng là con đường Thiên Chúa muốn mọi người Kitô hữu đi trên đó, nếu muốn gặp Ngài : Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình mà theo » (Mt 14,24). Và để có thể vác thánh giá, chúng ta không thể không học bài học căn bản mà chính Đức Giêsu đã dậy các tông đồ và tất cả những ai muốn đi theo Ngài : Anh em hãy học với Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường tận đáy lòng (Mt 11,29).
Thực vậy, phải khiêm tốn, người tín hữu mới đủ nhẫn nhục và qủa cảm để yêu thương, tha thứ và cầu nguyện cho kẻ thù  như  Đức Giêsu dậy (x. Mt 5,43-45) ; phải hiền lành, người môn đệ Đức Giêsu mới có thể để người ta vả cả má bên trái, sau khi đã tát má bên phải (x. Mt 5,38-39) như Giới Luật mới đòi hỏi, phải hiền lành và khiêm tốn, người Kitô hữu mới có thể bình an khi người ta vu oan, giáng họa, đối xử bất công, như Hiến Chương Nước Trời mời gọi (x. Mt 5, 11), phải hiền lành và khiêm nhường, người tự nhậ mình có đạo Thiên Chúa mới có thể cầu nguyện nơi kín đáo, mà không khoe khoang công trạng (x. Mt 5,6) cho mọi người, bất luận tốt xấu, vì Thiên Chúa là Cha trên trời cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính (Mt 5,45).       
3.   Đức Maria là người Kitô hữu tuyệt vời, vì gắn bó với truyền thống đức tin của cha ông và đồng hành với Dân Chúa, quê hương, dân tộc mình :
Đức Maria không tin một mình đơn độc, không độc quyền sống đường hướng Thiên Chúa chỉ bảo, nhưng tin với niềm tin của cha ông, bước đi trên hành trình đức tin với truyền thống đức tin của cha ông, đồng thời sống niềm tin với tâm tình, thao thức, khắc khoải, ước mơ và nỗ lực phấn đấu của cả dân tộc, nòi giống, và cùng mọi người được Thiên Chúa kêu gọi bước chung trên hành trình của Lời Hứa.
Dân tộc Israel là dân được Thiên Chúa chọn làm dân riêng của Ngài để Ngài thực hiện công cuộc cứu độ nhân loại. Dân riêng ấy được khai sinh từ Lời Hứa, lớn lên và trưởng thành nhờ tin vào Lời Hứa của Thiên Chúa Giavê, và Lời Hứa ấy đã là điểm tựa, ngọn hải đăng cho từng bước chân lịch sử của cả dân tộc. Đức Maria cũng bước đi trên dòng lịch sử của cả dân tộc và lịch sử của đời mình với niềm tin sắt đá vào Lời Hứa của Thiên Chúa ấy, như bà Êlisabét, người chị họ đã thốt lên ca ngợi khi Đức Maria đến thăm bà: Em thật có phúc, vì em đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em (Lc 1,45).  
Trong Kinh Magnificat, Đức Maria cũng đã minh định niềm tin cộng đồng, đức tin của cả Dân Chúa, và truyền thống tín thác vào Lời Hứa của cha ông khi Mẹ vừa hân hoan chúc tụng Chúa, vừa kể hồng ân Chúa đã ban cho Dân Ngài : Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời (Lc 1, 54-55).
Như Đức Maria, người tín hữu công giáo Việt Nam  hôm nay không thể đi ngoài qũy đạo mà Đức Maria, người Kitô hữu tuyệt vời và gương mẫu lý tưởng đã đi : gắn bó với Giáo Hội để cùng Giáo Hội đồng hành với đất nước, dân tộc, cho dù đất nước ấy có tan hoang đến đâu, dân tộc ấy có băng hoại cỡ nào, thì đòi hỏi của đức tin vẫn thúc đẩy chúng ta ôm lấy mà thương yêu, băng bó, chữa lành, xây dựng ; cho dù hoàn cảnh đất nước có bi thương đến đâu,  dân tình, dân trí, dân sinh có  đáng chán chường, ngao ngán, não nề, tồi tệ đến cỡ nào, niềm tin Kitô như men, như muối, như ánh sáng muôn dân vẫn thôi thúc chúng ta  quên mình dấn thân, xóa mình phục vụ, vì chúng ta được gọi và sai đến từng thôn xóm, khu phố, tỉnh thành của mọi miền đất nước, và cho mọi người Việt Nam. Chính ở đây và lúc này, niềm tin Kitô của chúng ta cần được bén rễ, nẩy mầm và lớn lên, như niềm tin của Đức Maria, người Kitô hữu đầu tiên đã góp phần quan trọng làm trổ sinh Ơn Cứu Độ trên chính quê hương và dân tộc Ítraen của Mẹ.
Tóm lại, khi đi tìm một mẫu gương Kitô hữu lý tưởng, tức người Kitô hữu đẹp lòng Thiên Chúa và mưu ích cho mình và mọi người, chúng ta khó có thể bỏ quên khuôn mặt của Đức Maria, mẹ Đức Giêsu, người Kitô hữu đầu tiên và xứng đáng. Và những gì người tín hữu tuyệt vời Maria muốn hậu thế, giòng dõi, miêu duệ của mình noi theo, Mẹ đã diễn tả đầy đủ trong Kinh Tán Tụng – Magnificat. Đó là ba điểm nòng cốt  không thể thiếu :
·      Tin Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa Cứu Độ
·      Hiền lành, khiêm Tốn để đáng được Thiên Chúa xót thương
·      Gắn bó với Giáo Hội và truyền thống đức tin của Giáo Hội, để đồng hành và phục vụ quê hương, dân tộc, là vườn nho Chúa sai môn đệ vào làm, và đồng lúa Chúa sai  đến gặt.
Với tất cả tình yêu và niềm vui của đàn con đang quây quần bên Mẹ hiền, chúng con xin chúc mừng sinh nhật Mẹ Maria, Mẹ chúa Giêsu, Mẹ Giáo Hội, và Mẹ của mỗi người chúng con.
 Jorathe Nắng Tím