Càng
sống, càng trải nghiệm, người ta càng thấm thiá giá trị của Bình An, càng trân
qúy hai chữ Hoà Bình, và Bình an không còn là mỹ từ che đậy những con sóng ngầm
chiến tranh, Hoà Bình cũng không còn là vỏ bọc ngụy trang tham vọng chiếm đóng,
thống trị, bởi kinh nghiệm xương máu mưu tìm Hoà Bình, kinh nghiệm gian khổ,
lao nhọc để có Bình An đã dậy chúng ta trưởng thành, khôn ngoan hơn, để nhận ra
con đường tìm kiếm Bình An, công trình xây dựng Hoà Bình không đơn giản, dễ
dàng như thiên hạ từ lâu đã từng thêu dệt, lừa đảo, bịp bợm.
Họ
lừa bịp chúng ta, khi vẽ ra bức tranh Hoà Bình bằng những cây cọ gian tham, những
mầu sắc ganh ghét, thủ đọan; họ đánh lừa chúng ta, khi vạch ra con đường Bình
An thênh thang, hoành tráng, choáng ngợp đèn hoa, nhưng rốt cuộc : chiến
tranh vẫn tràn lan, khi thế giới vắng bóng hoà bình ; bất an, tuyệt vọng vẫn
chiếm đóng, khi bình an không có mặt trong rất nhiều tâm hồn. Lời hứa hoà bình,
kế sách đem lại bình an xem ra đều là những lời “có cánh”, những “bánh vẽ” khổng
lồ lừa phỉnh, gạt gẫm quần chúng ngây thơ, nhẹ dạ, dễ tin.
Giữa
thế giới loài người loạn lạc vì ganh ghét, tranh giành, đố kỵ, hiềm khích,
Thiên Chúa đã xuống thế làm người ; giữa cuộc sống thiếu bình an, vì con
người mải mê chạy theo danh, lợi, thú, và kiêu căng, tham vọng, Ngôi Lời của
Thiên Chúa đã nhập thể và ở với chúng ta.
Đến
với con người không bình an, đi vào thế giới không hoà bình, Thiên Chúa đã loan
báo Tin Mừng “Bình An cho người thiện tâm” (Lc 2,14), và mặc khải chính Ngôi Lời
là “Thủ Lãnh Hòa Bình”, như ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm : “Vì một trẻ thơ
đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác
quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng
mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh Hoà Bình” (Is 9,5).
Và từ đó,
Ngôi Lời đã dẫn chúng ta đi trên Con Đường Hoà Bình, và đồng hành với chúng ta
trên Hành Trình Bình An :
1.
Bình An của
Thiên Chúa:
Đức Giêsu đã khẳng định với các tông đồ : Bình an
Ngài ban không là bình an của con người, và thế gian không ban được bình an
này : “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.
Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14,27).
Nhưng thế nào là theo kiểu Thiên Chúa, và bình an nào
là Bình An của Thiên Chúa ?
Thánh Phaolô cắt nghiã : “Một khi được nên công
chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào
hưởng ân sủng của Thiên Chúa” (Rm 5,1-2).
Như thế, để nhận được Bình An là ân sủng của Thiên
Chúa, chúng ta phải trở nên công chính, nghiã là được hoà giải với Thiên Chúa,
được trở lại tương quan cha - con với Thiên Chúa. Và để được hoà giải và nhận lại
vinh dự, cũng như quyền làm con Thiên Chúa, chúng ta cần đến máu của Đức Giêsu,
cần sự chết của Ngài như thánh tông đồ dân ngoại đã khẳng định : “Thiên
Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người”
(Rm 5,10), bởi ngoài Ngài ra, không ai có thể hoà giải chúng ta là những người
tội lỗi với Thiên Chúa , và “đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta”
(Rm 5,8).
Tóm lại, điều kiện quan trọng nhất để nhận được bình
an của Thiên Chúa, và được sống hoà bình dưới quyền của Ngôi Lời là Thủ Lãnh
Hoà Bình, chính là tin Thiên Chúa yêu thương chúng ta, và nhờ tin, chúng ta được
hoà giải với Thiên Chúa trong Đức Giêsu và nhờ Đức Giêsu, Con Một yêu dấu của
Ngài.
Bình An còn là hoa trái và “hướng đi của Thánh Thần”,
bởi “những ai sống theo tính xác thịt thì hướng về những gì thuộc xác thịt ;
còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi
của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an”
(Rm 8,5-6). Nhờ thế, chúng ta được bình an trong tâm hồn, “được vui luôn trong
niềm vui của Chúa” (Pl 4,4), “và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên
mọi hiểu biết” sẽ giữ cho lòng trí chúng ta được kết hợp với Đức Giêsu Kitô (x.
Pl 4,7). Đồng thời, tất cả chúng ta được liên kết, hoà bình với nhau, bởi “chính
Người là bình an của chúng ta” (Ep 2,14), “Người đã đến loan Tin Mừng Bình
An : bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần”
(Ep 2,17).
2.
Khởi điểm của
con đường Hoà Bình là Thiện
Tâm:
Là Thủ Lãnh Hoà Bình, là Bình An cho nhân loại, Đức
Giêsu là con đường dẫn chúng ta đi trong bình an, đưa chúng ta đến bến bình an,
và khởi điểm của hành trình bình an, hoà bình ấy, chính là trái tim trong sáng,
tâm hồn lương thiện. Nói cách khác, để nhận được ơn Hoà Giải với Thiên Chúa, điều
kiện để có bình an, con người phải có thiện tâm, mỗi người phải có tâm thiện, mọi
người phải có tâm hiền, lòng ngay.
Người có tâm gian dối, qủy quyệt, xảo trá, lưu manh
không thể đi trên đường Bình An của Thiên Chúa ; kẻ có tâm độc ác, ganh
ghét, hận thù, tham lam, bon chen, ích kỷ không bao giờ có thể cất bước trên
hành trình Bình An của Đức Giêsu, bởi Thiên Chúa chỉ ban “Bình An cho người thiện
tâm” (Lc 2,14), ban hoà bình cho người có lòng ngay thẳng, ban ơn hoà giải cho
những ai có trái tim yêu thương, và nhận làm con cái những ai khao khát và nỗ lực
xây dựng hoà bình (x. Mt 5,9).
Vì thế, không phải tất cả mọi người đều được bình an
trong tâm hồn, cũng như không phải tất cả dân Do Thái đã đến được Bêlem để
chiêm ngắm “Hài Nhi bọc tã, nằm trong máng cỏ”, nhưng chỉ một số ít người có
lòng ngay, có tâm thiện, có trái tim không là sào huyệt của gian tham, dối trá,
bạo lực mới được gặp Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Thủ Lãnh Hòa Bình, “Thiên
Chúa ở với chúng tôi”.
3.
Con đường
Hoà Bình của Thiên Chúa dẫn đến “những
người bé nhỏ nhất trong anh em” (Mt 25,40).
Nếu khởi điểm của con đường Thiên Chúa muốn chúng ta
đi là thiện tâm, nghiã là một trái tim đơn sơ, rộng mở, “một tâm hồn biết lắng
nghe” (1V 3,9), “một trái tim bằng thịt” ngợp tràn “Thần Khí mới” (Ed 11,19),
thì đích tới của hành trình Bình An, điểm đến của con đường Hoà Bình mà “Thiên
Chúa làm người” muốn chúng ta đi với Ngài lại là “những anh em bé nhỏ nhất của
Ta đây” (Mt 25,40), như chính Đức Giêsu đã qủa quyết trong Tin Mừng
Matthêu.
Như thế, con đường Hoà Bình có đích tới là những người
đói khát, trần truồng, bệnh tật, tù đầy, tị nạn, ít học, bần hàn, cơ nhỡ, thất
bại, bị ruồng rẫy, bạc đãi, khai trừ, bỏ rơi (x. Mt 25,35-37) ; hành trình
Bình An có điểm hẹn cuối cùng là giây phút Thiên Chúa bất ngờ công bố phần thưởng :
“Hỡi những người được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn
cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa…” (Mt 25,34), vì mỗi lần các ngươi làm phúc “cho một trong
những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt
25,40).
Qủa thực, sứ mệnh Cứu Thế của Đức Giêsu là cho nhân loại
một Con Đường, vì chính Ngài là Đường (x. Ga 14,6), con đường có tên “Hoà Bình”,
con đường mang tên “Bình An”, bởi Bình An là ơn cao trọng nhất, hạnh phúc lớn
nhất, và Hoà Bình là niềm vui vĩ đại mà ai cũng mong ước, bởi Bình An là chính
Thiên Chúa, và Hoà Bình là hoa trái của Thánh Thần.
Trên con đường này, Đức Giêsu muốn chúng ta đi theo
Ngài ; trên hành trình này, Ngài kêu gọi mỗi người chúng ta nên thánh “như
Cha chúng con trên trời là Đấng Thánh”.
Năm mới mở ra Con Đường mới với những bước chân mới,
năm mới bắt đầu Hành Trình mới, với hành trang mới : những bước chân thiện
tâm, và hành trang Yêu Thương, Phục Vụ.
Với những bước chân có khởi điểm Thiện Tâm, cùng hành
trang Bác Ái đi về chung một điểm hẹn là những người bé nhỏ, yếu đuối, bất hạnh
hơn mình, chúng ta sẽ nhận được ơn Bình An của Đức Giêsu, vua Bình An trong tâm
hồn, trong cuộc sống, và thế giới sẽ có Hoà Bình đích thực, bền lâu trong ân sủng
của Ngôi Lời nhập thể, vị Thủ Lãnh Hoà Bình. Và như thế hành trình Bình An của
mỗi tâm hồn sẽ dẫn đến Con Đường Hoà Bình cho toàn thế giới.
Xin Chúa chúc lành cho những trái tim đang mong mỏi
lên đường đi theo vị “Thủ lãnh Hoà Bình” để xây dựng Hoà Bình, và mọi người
thiện tâm đang mơ ước và nỗ lực để được biến đổi thành Khí Cụ Bình An, hầu suốt
đời được “phụng sự Chúa trong mọi người”.
Jorathe
Nắng Tím