Trên đây là
những dòng tâm sự không đầu không đuôi, những cục “xì-trét” to đùng, những
phụng phịu, hờn dỗi, những giận dữ bất ngờ, những xót xa đột xuất, những mơ ước
bâng khuâng, những mòn mỏi đợi chờ… của hai người đã một thời tha thiết yêu, nay
vẫn còn yêu nhưng dật dờ, cô đơn, lặng lẽ.
Bạn đọc gặp ở
đây tâm sự buồn, rất buồn, vì tâm hồn hai người đang ngổn ngang trăm nỗi, không
khúc chiết, phân đoạn, vì trái tim họ đang rối rắm, hoang mang, sục sôi u uất.
Đây là cảnh sống
của không ít hôn nhân đang khủng hoảng, là tâm sự của số đông đôi lứa trong thử
thách. Thử thách, khủng hoảng là những thách đố cần thiết của đời người. Riêng
với hôn nhân, thử thách, khủng hoảng không chỉ là thách đố, mà còn là “lương thực
hằng ngày”.
Những chia sẻ
không lớp lang của hai người đang vừa lặng lẽ yêu thương, vừa lặng lẽ rẽ đường,
đổi hướng nhắc nhở người trong cuộc ý thức cái chênh vênh phức tạp của khúc
quanh đời vợ chồng.
Chính trong
vô trật tự của cảm xúc, trong xáo trộn của ký ức, trong hỗn mang của quay quắt
khát khao, trong miên man vô tận của thao thức mà người ta nói thật, viết thật,
nghĩ thật, chia sẻ thật; cũng như khi rớt xuống đáy sâu của hiện hữu, con người
sẽ tự nguyện tháo bỏ mọi mặt nạ.
Những sự thật
tình cảm trên có thể là sự thật của bạn. Rất có thể, hoàn cảnh của nhân vật Chàng
và Nàng cũng là tình trạng của nhiều người không tên, và sự thật của cặp vợ chồng
“Chàng - Nàng” cũng là sự thật của nhiều hôn nhân, gia đình.
Tình yêu đôi
lứa ở vào độ tuổi bốn mươi, năm mươi là tình giữa trưa hè nắng cháy nên hay choáng
váng, mệt nhoài khi bước chân nặng nề, vòng tay buông lơi, môi hôn hờ hững.
Cũng vào thời điểm này, nhiều căng thẳng phát sinh làm cho tình yêu trở nên ươn lười, lặng lẽ.
Mục đích của
người viết là chia sẻ những khó khăn của thời vợ chồng “khó ăn khó ở”, vì hằn sâu
nhiều hiểu lầm, lấn cấn nhiều tiêu cực, chất chồng nhiều lầm lỗi, bởi có mấy vợ
chồng tránh khỏi lục đục, và mấy cặp đôi được coi là hoàn hảo, có chăng là trên
màn ảnh, sân khấu, tivi…
Đời vợ chồng
giăng mắc nhiều vấn đề, vì là đời của nhiều người cùng lúc phải gắn với nhau: đời
vợ, đời chồng, đời cha mẹ, con cái, đời thân sinh hai bên.. Tất cả đan quyện,
chằng chịt như màng nhện, nên lắm lúc lôm côm, rối ren đến nhức đầu.
Có nhiều thái
độ trước hôn nhân lặng lẽ: Có người coi
chuyện “không muốn nói với nhau” là chuyện nhỏ, không cần quan tâm. Một khi rơi
vào tình trạng lặng lẽ lạnh lùng rồi, thì người chồng thường tiên phong để cuộc
tình trôi luôn, mà không nặng lòng tìm phương án cứu chữa; có người đợi chờ thời
gian như thần dược sẽ vực dậy hôn nhân đang hấp hối; nhiều người khác “án binh bất
động”, không phải vì không biết phải làm gì, nhưng vì không muốn làm gì, vì tự ái,
sĩ diện.
Tự ái, sĩ diện
là hai kẻ thù lớn trong khủng hoảng hôn nhân. Thực ra, hai người tận đáy sâu tâm
hồn đều muốn “tái lập hoà bình, ổn định ân ái”, nhưng tự ái to đùng, sĩ diện vĩ
đại, nên cả hai không ai mở lời, làm bước chân thứ nhất. Cứ thế cho đến khi cả
hai không còn nhận ra nhau, vì lặng lẽ đã giết chết tình yêu trong họ từ lúc nào.
Tự ái làm hai
người xa nhau, vì khi tự ái cả hai không nhìn nhau, không hướng về nhau, không
nghĩ đến hạnh phúc, nhu cầu của nhau, nhưng mỗi người chỉ nhìn mình, nghĩ về mình,
tìm chính mình. Trong hôn nhân, càng tìm mình, càng mất nhau; càng lo cho mình,
càng xa nhau; càng củng cố pháo đài bản thân, càng làm đổ vỡ lâu đài “hôn nhân”.
Bởi chấp nhận cưới vợ, lấy chồng là chấp
nhận quên một phần hay nhiều phần đời mình, có khi phải quên cả cuộc sống riêng
cho hạnh phúc chung của hai người. Khư khư giữ cho mình tất cả từ định kiến, đam
mê, thói quen, nếp sống, nhu cầu… e rằng sẽ chẳng có nhau lâu.
Lặng lẽ vì thế
không mang tính tích cực nào, nhưng rất nguy hiểm khi trở thành một loại siêu
vi trùng âm thầm, êm ả, nhẹ nhàng, kín đáo đục khoét cơ thể Hôn Nhân. Vợ chồng
bắt đầu bằng ngao ngán cái im lặng nặng nề, nhưng rồi sẽ quen và cho rằng: “im
lặng là vàng”, khi mỗi người một góc đời riêng, một góc phòng riêng, một góc tình
riêng, một góc phố riêng, mà tự nhiên và đương nhiên chẳng ai còn quyền đá động,
can thiệp trên ai. Cả hai thấy mình được tự do chắp cánh … cho đến lúc một tờ
ly dị có chữ ký vội vã, nguyệch ngoạc của hai người để hợp thức hoá tình trạng
“đời riêng, riêng đời” từ lâu đã thành nếp.
Nêu lên những
cạm bẫy của “lặng lẽ ” trong hôn nhân, người viết không bi quan, đầu hàng, thỏa
hiệp nhưng cùng bạn đọc tìm những phương án hữu hiệu để trả lại cho hôn nhân tiếng
nói cười rạng rỡ, và chia sẻ yêu thương rộn ràng.
1. Trước hết, cả hai cần khiêm tốn trở về :
Nghe hai chữ
khiêm tốn, người đang giận sẽ khó có thể chấp nhận, vì cho rằng: khiêm tốn là
thua, khiêm tốn là đầu hàng, là lép vế, là “sợ vợ, lụy chồng”, khiêm tốn sẽ làm
cho đối phương “thừa thắng xông lên”, mở
đường cho “địch ” thừa cơ hội lấn lướt, ra điều kiện, yêu sách.
Đúng vậy, người
ta sợ khiêm tốn sẽ trở thành cái cớ, cơ hội cho đối phương “thừa thắng xông lên”
để thêm một lần nữa mình bị vùi dập. Như “gà phải cáo”, người trong cuộc biết sợ,
và “nhất cử, nhất động” sẽ e dè, ngần ngại dấn thân. Cũng vì ngần ngại mà cả
hai không tỏ ra khiêm tốn trước nhau. Cũng vì e dè, mà chẳng bên nào chịu nhún
nhường, “xuống nước”, nhưng nuôi dưỡng một tình hình luôn căng thẳng, đối đầu !
Vì trở về là
trở về với nhau, nên hai người phải cùng khiêm tốn, cùng có thiện chí trở về. Đó
là chià khoá tháo cởi tranh chấp, gỡ mở đối kháng đang âm ỉ trong lặng lẽ chờ ngày bùng nổ.
Trở về với
nhau đòi ước muốn trở về của cả hai người, bởi một người không muốn thì làm sao
có nhau để trở về? Thiện chí là lòng muốn, thiện chí là khao khát, thiện chí là
ước ao, nên đường về với nhau sẽ mãi là “đường đi không đến”, nếu chỉ một người
thiện chí, còn người kia cố chấp, ngoan cố; chỉ một bên “xuống nước”, còn bên
kia cứ ào ạt tấn công. Thiếu thiện chí của một người, mọi cố gắng đều sẽ không đem
lại kết qủa xây dựng, hàn gắn hôn nhân của hai người.
Phải cả hai,
vì hôn nhân được hình thành bởi hai người. Có những công việc rất khó, nhưng chỉ
cần một người thiện chí đã đủ tái tạo, hình thành, cứu vãn, nhưng riêng hôn nhân,
vì là đời chung của hai người, là tập hợp của riêng hai người, nên không thay đổi
được gì, nếu cả hai không cùng cộng tác. Đã không thiếu những người vợ, người
chồng đơn phương “khiêm tốn trở về”, những người vợ sẵn sàng xuống sâu tận bùn
để cứu hôn nhân đang đổ vỡ, vớt gia đình đang chết chìm, nhưng thiện chí ấy cuối
cùng cũng đành bó tay trước người chồng cứng cỏi, mù quáng và thách thức, ngông cuồng.
Cái khó của hôn
nhân là làm gì cũng phải cả hai, nên đơn phương hoạch định, đơn phương hành động
đều không mang lại kết qủa mong muốn. Tính cách “cộng thể, tập hợp, hiệp nhất nên
một” trong hôn nhân đã thực sự đặt vợ chồng đang có vấn đề trước một khó khăn rất
nhiêu khê, phức tạp, đó là “phải cùng nhau bắt đầu lại”.
2. Can đảm bắt đầu lại:
“Bắt đầu lại”
mới nghe tưởng dễ, nhưng cực kỳ khó khăn khi phải bắt tay xây dựng lại mọi sự từ
đống tro tàn lạnh lẽo. Không dễ chút nào khi phải đứng dậy và làm lại tất cả từ
đổ vỡ hoang tàn. Nhìn lại quá khứ bẽ bàng, nhìn lại tháng ngày lặng lẽ, nhìn vào
sinh hoạt căng thẳng, nhớ lại những trận cuồng phong “đấu đá” kiểu chiến tranh “lúc
nóng, lúc lạnh”, người ta nghi ngờ hạnh phúc ở tương lai, và chột dạ lo lắng:
ngày mai sẽ chẳng có gì khá hơn, có khi
còn tệ hơn gấp bội. Vì thế, tâm trạng chung của những cặp vợ chồng đang có vấn đề là không tin
ở một tương lai sáng hơn.
Chính niềm
tin đang rất yếu đuối như tình yêu đang bấp bênh, chao đảo làm cho hai người không
dám tin ở nhau, và không đủ can đảm bắt đầu lại.
Nhưng nếu không
bắt đầu lại, thì cuộc tình sẽ tan vỡ, hôn nhân sẽ chết dần mòn, và gia đình sẽ
ly tan. Có những trái tim đã vỡ toang khi nghĩ đến thảm họa ly dị, nhưng lại không
đủ can đảm để cùng người ấy bắt đầu lại. Có những tâm sự đắng đót, chua cay khi
mường tượng đám con mỗi đứa mỗi ngả, rười rượi buồn bỏ tổ ra đi, nhưng bắt đầu
lại thì không đủ nghị lực, và liều lĩnh.
Người trong
cuộc không can đàm, thiếu nghị lực phần lớn vì không tin vào sức mình, khi người
kia vẫn hờ hững, dửng dưng, lạnh lùng, lặng lẽ. Bắt đầu lại trong hôn nhân không
những đòi can đảm, mà còn đòi hợp tác, vì hôn nhân không là chuyện riêng, việc riêng, đời
riêng của một người, nhưng là đời hai người cộng chung, việc hai người gom lại,
chuyện hai người cùng kể, lịch sử của hai người cùng viết. Cái khó của hôn nhân
là cái gì cũng chung, việc gì cũng làm cùng, vì thế mà dễ ”bất thành” khi thiếu một trong hai, dễ “bất
công” nếu chỉ một trong hai hưởng, dễ “bất nhân”, nếu một trong hai bị loại trừ,
khinh miệt, coi thường.
Tuy thế, vẫn
luôn cần một bàn chân bước trước, một bàn tay tiên phong để bàn chân kia bước theo, bàn tay khác bám vào.
Phải can đảm làm lại bằng liều lĩnh, xâm mình làm bước chân thứ nhất tuy rất
ngượng ngùng, khó khăn. Ngượng ngùng vì lâu ngày không làm cho nhau, nay “bắt đầu
lại” tự nhiên thấy “kỳ kỳ”. Khó khăn vì lâu nay bỏ quên, nay “làm lại” thấy “lạ
lạ, không quen”. Nhiều khi rất muốn, nhưng vì ngượng ngùng lại thôi, nhiều lần đã
sẵn sàng nhưng thấy khó lại bỏ cuộc. Tâm lý chung của con người là thế: không làm
chưa hẳn là không muốn làm, nhưng phần lớn vì ngượng ngùng, khó khăn nên bỏ không
làm.
Hiểu được điều
này, hai người một khi đã có cùng thiện chí hàn gắn sẽ mau mắn và tinh tế tiếp
tay bắt đầu lại. Chỉ cần một cử chỉ nhẹ nhàng, một nụ cười chúm chím, một ánh mắt
thông cảm, một bàn tay thân yêu đã đủ để hai người “thiện chí” tìm về chung lối.
Bắt đầu lại cũng
đòi tin tưởng vào tương lai. Cơn cám dỗ đời đời của con người là nghi ngờ tương
lai trước mặt. Nghi ngờ tương lai sẽ ngăn cản bước chân đi tới, bàn tay bắt đầu
làm lại. Nghi ngờ tương lai cụ thể trong hôn nhân là nghi ngờ thiện chí của người
bạn đời, nghi ngờ khả năng trở về, đổi mới của vợ hoặc chồng. Chính vì nghi ngờ
mà người ta không bao giờ dám bắt đầu lại từ hoang tàn, đổ nát của qúa khứ.
Hãy can đảm
nhìn tương lai với đôi mắt hy vọng. Phải có hy vọng, dám hy vọng, tương lai mới
ló dạng. Phải liều lĩnh với hy vọng, thì hạnh phúc ở ngày mai mới xuất hiện. Hôn
nhân là đời sống nhìn từ bên ngoải tưởng dễ, nhưng rất khó nếu phải sống, mà chỉ
ở trong cuộc mới biết, và thấm thiá cảm nghiệm.
Tóm lại, “bắt
đầu lại” là chuyện phải tính, việc phải làm, nếu không muốn khai tử hôn nhân một
khi hôn nhân đang bên bờ vực thẳm. Tuy bắt đầu làm lại là một việc khó, đòi can
đảm và nhiều hy sinh, nhưng không bắt đầu lại, hai người sẽ chẳng bao giờ gặp lại
nhau trên cùng tuyến đường đời.
Thực ra, không
phải chỉ “bắt đầu lại” khi hai người rơi vào khủng hoảng trầm trọng và sắp chia
tay, nhưng mỗi ngày sống với nhau là mỗi ngày phải cùng nhau bắt đầu lại. Những
cặp vợ chồng ý thức cuộc sống chung luôn có nhiều bất đồng, trái ý thuờng nhắc
nhau phải bắt đầu lại mỗi ngày để không bao giờ một trong hai người trệch hướng,
lạc đường. Bắt đầu lại trong ý nghiã này chính là cùng nhìn lại từng ngày sống
chung để cùng nhau chỉnh sửa cho tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn, tình nghiã hơn đời
hôn nhân.
Can đảm làm lại
còn đòi ý thức về thời gian và hạnh phúc. Thời gian thường làm người ta sợ, có
khi sợ vì dài qúa, lâu qúa, nhưng cũng có khi sợ vì ngắn quá, nhanh qúa. Khi
can đảm làm lại, hai người không nên quá chú tâm vào thời gian, nhưng nên đặt
trọng tâm vào chính hạnh phúc như giá trị đời đời vượt trên thời gian. Có như
thế, hai người mới không so đo tính toán với thời gian ít nhiều, mà chỉ đồng tâm
nhất trí cùng đạt hạnh phúc khi cùng đi tìm hạnh phúc như giá trị đời đời.
Can đảm bắt đầu
lại không bằng tìm những việc lớn, như đã từng làm lớn chuyện gây khổ cho nhau,
không đợi những dịp lớn, như đã từng chớp cơ hội làm lớn những chuyện nhỏ không
đáng nói của nhau, cũng không cần sự có mặt của đám đông như đã từng mượn sự hiện
diện của người này người nọ để diễu cợt, nói xấu, lên án nhau, nhưng bắt đầu lại
bằng những chuyện nhỏ, rất nhỏ để tạo lại từng ngày niềm tin đã mất hay đang mất,
bằng chắt chiu từng cử chỉ thân thương, từng hành động quan tâm đến nhau, từng
giọng nói, nụ cười chia sẻ, giao hoà.
Cuộc tình đã
vỡ, như chiếc bình thủy tinh qúy giá rơi bể trên sàn nhà, muốn hàn gắn phải nhặt
từng mảnh vụn, và kiên nhẫn, tinh tế, tỉ mỉ sắp xếp. Không nên vội vàng, ồ ạt,
xô bồ, trái lại, phải tế nhị, nhỏ bé, đơn sơ, và kiên trì, nhẫn nại. Bởi mỗi đổ
vỡ, mỗi rạn nứt tình cảm có độ dài, độ sâu, độ rộng của nó, như những nét gấp của
lịch sử. Phải nhẹ nhàng đừng làm thức giấc nỗi đau, nhưng đồng thời phải can đảm
đối diện để vết thương được chữa lành.
Can đảm làm lại
là cố gắng phi thường của con người, và chỉ con người mới có sức mạnh thần thánh
để cứu vớt, chữa lành tình yêu đã đổ vỡ, bị tổn thương.
Có những việc
rất khó làm, những cản trở rất khó vượt qua, nhưng không làm, không vượt qua,
người ta sẽ không còn cơ hội nào khác. Sửa sai, hàn gắn đều là những việc rất
khó, khó đến nỗi ít người dám nghĩ, dám làm. Ở vào tình trạng lặng lẽ ngày càng
lạnh lẽo, việc rất khó nhưng phải làm chính là can đảm bắt đầu lại những bước
chân đã cùng đi bên nhau trên đường tình ngày nào, bắt đầu lại những ước mơ ngày
xưa hai đứa cùng dệt, bắt đầu lại những “tay trong tay, vai kề vai, má áp má” của
ngày xưa thân ái. Bắt đầu lại như em bé quên mình đã phạm lỗi trong vòng tay của
mẹ. Bắt đầu lại như ngày mai mới thực là
ngày đầu biết yêu, biết sống.
“Bắt đầu lại”
còn đòi nhìn quá khứ trong toàn thể đời sống, để không quên, cũng không phủ nhận,
nhưng lương thiện đón nhận qúa khứ như một phần đời có buồn có vui, có cố gắng,
ngã qụy, có nước mắt, tiếng cười, có khổ cực, sướng vui, có nhục nhằn, vinh dự.
Không phủ nhận những thất bại trên đường tình, nhưng không cắt đường tình vì thất
bại, bởi đã là đường sao tránh khỏi những gai góc, cỏ rả, bùn lầy, hố rãnh. Con
đường của con người phải được hiểu là con đường chưa hoàn hảo, đúng hơn là không
bao giờ hoàn toàn êm ả, yên hàn, không sự cố, bởi bao lâu còn là người, còn đi
trên đường đời, bấy lâu còn vất vả, khó nhọc, khổ đau. Phận làm người là thế, đời
con người là thế, nên cầu toàn, muốn người của mình toàn hảo, đời hôn nhân không
sóng gió, tình yêu không thử thách là tự ru mình vào ảo tưởng nguy hiểm nhất.
Cầu toàn và
tuyệt đối hoá là kẻ thù của “đường về”, và
của “bắt đầu lại”, bởi người cầu toàn sẽ bị ám ảnh bởi một cuộc sống còn
thiếu sót, ở đó người yêu sẽ tiếp tục lỗi lầm, vợ, chồng sẽ còn trái ý, hục hặc,
và đường đời sẽ còn quanh co, gập ghềnh.
Nói cách khác,
vợ, chồng bên bờ vực thẳm chia tay, trong tình huống xem ra không thể cứu vãn
thường yếm thế đầu hàng trước lần ra trận sau cùng, thất vọng trước khi hành động,
buông xuôi trước khi bắt đầu lại, bởi một nỗi lo về khả năng đổi mới của người
kia, hơn là khả năng thay đổi của mình. Ý nghĩ “người kia sẽ rất khó thay đổi”
làm người ta ngao ngán một lần làm lại, và lo sợ thất bại sẽ ê chề hơn. Vì thế,
đế làm lại, bắt đầu lại, nối lại tơ hồng hôn nhân đã đứt tưởng không gì cần thiết
hơn là tin ở phép lạ tình yêu.
3. Tin ở phép lạ tình yêu:
Thời gian lặng
lẽ giữa hai người càng dài, tình yêu giữa họ càng bị rút ngắn. Lặng lẽ càng nặng
nề, yêu thương càng vơi nhẹ. Lặng lẽ càng bao phủ, niềm tin cho nhau càng lã chã
rơi rụng. Đó là hiện tình của những cặp đôi không còn nồng nàn, tha thiết để sống
với nhau hết tình, hết mình.
Nguyên nhân
chính đưa đến “lặng lẽ” dù tình rất cần xôn xao hạnh phúc, náo nhiệt niềm vui,
líu lo ân ái, ồn ào chia sẻ là vì hai người đã mất niềm tin ở nhau. Đọc những tâm
sự rất buồn của Chàng và Nàng ở phần trên, chúng ta thấy họ rất buồn, buồn vì
không còn tin nhau. Nàng không còn tin Chàng vì những chuyện ngoài luồng, Chàng
cũng không tránh khỏi tình trạng mất niềm tin, vì những chuyện “không đâu” của
Nàng. Hai người không còn tin nhau, dù trước đó đã trao nhau niềm tin trọn vẹn.
Hai người không còn dám “thật” với nhau, dù ngày xưa không dấu nhau một chuyện
nhỏ li ti, một phân li sự thật.
Như Ađam, Evà
thấy mình trần truồng sau khi phạm tội nên ngượng ngùng, mắc cở, lấy lá che thân,
hai người cũng lấy đủ thứ để chống chế, che đậy sự thật bẽ bàng về mình khi không
còn nồng nàn thương nhau, trọn vẹn tin nhau, dù trước đó họ chẳng hề che đậy, dấu
diếm nhau “cái mình” chân thật.
Thảm kịch của
con người là mất niềm tin, vì niềm tin là tất cả, cho dù mọi sự đã vụt mất, tiêu
tan. Mất niềm tin, người ta không còn chỗ dựa, không còn hướng đi, bởi niềm tin
tự nó đã là chỗ ở, bến bờ trông đợi của đời người. Đánh mất những cái khác còn
hy vọng tìm lại, vì còn niềm tin bảo kê, chuộc lại, nhưng mất niềm tin thì chẳng
còn gì để tìm, vì tất cả sẽ theo niềm tin tan biến.
Nhưng không lẽ
hôn nhân sẽ lặng lẽ chết vì không thể tìm lại niềm tin ?
Cứ bình thường
là thế, nghiã là hai người sẽ phải chia tay, nghìn trùng xa cách, vì không thể
mãi mãi ngột ngạt bên nhau. Giải pháp được ưu tiên cho hai người hết thương nhau
sẽ là “đường ai nấy đi, đời ai nấy sống”, và hôn nhân sẽ kết thúc lặng lẽ, không
trống không kèn như đã được chuẩn bị, báo trước bằng chuỗi ngày lặng lẽ yêu thương.
Thực ra, trong lặng lẽ, hai người đã quay quắt đặt lại vấn đề tình yêu của họ.
Hai chữ yêu thương đi liền “lặng lẽ” từ lâu đã được hiểu trong ý nghiã truy cứu,
xem lại, phản biện này.
Để cứu vớt tình
yêu đang lặng lẽ chết, hai người phải tin một điều: tình yêu là một mầu nhiệm mà cho đến tận cùng đời sống, người ta cũng
không hiểu hết căn tính, ý nghiã và giá trị của tình yêu. Tình yêu có sức mạnh
kỳ diệu, có khả năng biến đổi, có những sáng kiến lạ lùng mà bất cứ ai đã một lần
yêu đểu cảm nghiệm.
Tình yêu không
như những thực thể bình thường khác, nhưng nhiệm lạ, tuyệt vời bởi có quyền năng
biến không thành có, chuyển bại thành thắng, đánh thức trái tim đang ngủ, phục
sinh đời người đã chết. Tình yêu như ánh sáng làm sáng rực căn phòng tăm tối, và
ánh sáng kỳ diệu của tình yêu xua ngay đêm tối hận thù, đuổi hẳn đêm đen đố kỵ,
diệt tận gốc mù u ngờ vực. Ánh sáng toàn năng ấy làm sáng toàn diện, toàn phần.
Ắnh sáng không đội trời chung với đêm đen, không đồng lõa cùng tăm tối, nhưng
quyết liệt, dứt khoát, mạnh bạo dành lại toàn phần lãnh thổ tâm hồn, toàn quyền
thống trị trái tim.
Khi ý thức tình
yêu là phép mầu nhiệm lạ, phép mầu kỳ lạ làm con người hết xa lạ, thôi lơ là,
hai người đang lặng lẽ sẽ lấy lại niềm tin bằng tin vào tình yêu nhiệm lạ, tin
vào khả năng làm phép lạ của tình yêu.
Qủa thực, khi
tình yêu đã kề bờ vực thẳm thì người ta chỉ còn trông cậy vào phép lạ, vì ngoài
phép lạ không gì có thể cứu sống được tình yêu đang hấp hối, ngoài chính tình yêu.
Bệnh yêu chỉ có thể chữa bằng thuốc yêu,
và người chết vì thiếu thốn, cạn kiệt tình
yêu sẽ chỉ được hồi sinh nhờ yêu và được
yêu.
Vì thế, để tình
yêu hôn nhân thôi hết lặng lẽ “chết chóc”, hai người phải dám làm cho nhau những
phép lạ tình yêu, những phép lạ mang lại
ơn cứu sống, ơn phục sinh, ơn đổi mới, ơn hoà giải, ơn bình an. Chỉ có những phép
lạ của tình yêu mới vực dậy được tình yêu suy sụp. Chỉ phép lạ của tình yêu mới
trả lại da thịt hồng hào cho tình yêu đang chết. Chỉ phép lạ của tình yêu mới lấy
hai người ra khỏi cơn khủng hoảng tàn phá của buồn tủi, hờn giận, trách móc, nhất
là của sợ hãi, khinh miệt. Chỉ phép lạ của tình yêu mới ngăn được cơn giông phẫn
nộ “đòi nợ tình” của hai người đang căm tức vì lỡ làng, thiệt hại do bởi đã yêu
nhau. Chỉ phép lạ của tình yêu mới làm nguôi ngoai bão táp hận tình của hai trái
tim đang rực lửa tình thù. Chỉ phép lạ của tình yêu mới tái lập trời mới, đất mới,
ngày mới với bầu trời quang đãng bình an. Chỉ phép lạ của tình yêu mới trả hai
người về giòng sông hiền hòa, đại dương tha thứ. Chỉ phép lạ của tình yêu mới làm
cho hai người thôi tính sổ đời, và quên hết lỗi lầm của nhau.
Phép lạ tình
yêu là những bé nhỏ kín đáo gửi trao nhau, những quan tâm tế nhị dành cho nhau,
những thân thương nhẹ nhàng, những thấp
thoáng trải lòng, những tâm sự hối lỗi, những thao thức đợi chờ, những khắc khoải
vươn lên. Phép lạ tình yêu cần những bé
nhỏ, đơn sơ, chân thực để xóa những cồng kềnh, nặng nề, phức tạp, dối gian của
qúa khứ. Phép lạ tình yêu cần nhau, hơn cần những trung gian, cố vấn. Cần có
nhau trong thỏ thẻ đối thoại, cần có nhau trong trầm lắng ăn năn, để không ai ở
ngoài nhau, không gì ở bên lề cuộc tình có thẩm quyền điều khiển, chi phối sự
thật của nhau. Chính sự thật sẽ giải phóng hai người khỏi nhà tù lặng lẽ, và sự
thật sẽ thực sự có mặt khi hai người cùng cho phép tình yêu trong họ làm phép lạ.
Làm phép lạ tình
yêu để lấy lại niềm tin ở nhau đã mất. Làm phép lạ tình yêu để cả hai không còn
cay đắng dằn vặt. Làm phép lạ tình yêu là
“tập yêu nhau” như ngày xưa ngây thơ, khờ
dại.
“Tập yêu lại”
trong tình trạng tình yêu xuống cấp, đổ dốc không phanh tưởng là chuyện viển vông,
hoang đường, nhưng thực ra là việc khẩn cấp phải thực hiện, bởi không còn phương
án nào tốt hơn để cứu một cuộc tình sắp chết là mau chóng đem tình yêu trở lại
bằng bắt đầu tập yêu.
Tại sao phải
nói đến tập yêu khi cả hai đã dầy kinh nghiệm xương máu vì yêu?
Thưa vì cả
hai đã yêu, nhưng chưa nhận ra tình yêu là một mầu nhiệm, nên đã không yêu nhau
như những mầu nhiệm. Cũng vì giản đơn tình yêu, hai người đã giản đơn đời mầu
nhiệm của nhau, vì thế mà hai người cứ mãi hiểu lầm, ngờ vực, căng thẳng, mẫu
thuẫn, đối kháng trong đời sống chung. Vì không nhìn tình yêu, hôn nhân, và đời
nhau như những mầu nhiệm, nên người ta dễ dàng tự cho phép giải quyết hôn nhân
như giải quyết những vấn đề thấy được, kiểm chứng được. Vì hôn nhân mầu nhiệm bị
xếp xuống hàng vấn đề có thể đo lường, nghiệm thu, nên hôn nhân khó cất được đôi
cánh huyền diệu, thần thánh của mình.
Như thế việc
phải tập đầu tiên là nhìn tình yêu hôn nhân như mầu nhiệm để rồi tập yêu “người
yêu” như yêu một mầu nhiệm. Ý niệm mầu nhiệm có thể làm người ta sợ, không dám
yêu, nhưng nếu không yêu con người như yêu một mầu nhiệm, người ta sẽ không bao
giờ biết yêu người. Và vì không biết yêu như phải yêu, không biết yêu như con
người đáng yêu mà hôn nhân mãi mãi nhiêu khê, lấn cấn.
Tập yêu người
như yêu một mầu nhiệm sẽ không còn làm con tim nhức nhối, lòng dạ xót xa vì tình
lỡ, tình phụ, bởi tình yêu mầu nhiệm không ngừng mở ra những cánh cửa mầu nhiệm
mới, dẫn vào đường tình mầu nhiệm xa tít tắp, và dắt đến khung trời mầu nhiệm mênh
mông, vời vợi sau những vấp ngã, thất bại. Tình yêu mầu nhiệm sẽ không bị hạn hẹp
trong thời gian, không tính bằng năm tháng, không đo lường bằng thành công, thất
bại, nhưng sâu thẳm, bao la, cao vời,
tuyệt đối. Đời người nhờ mầu nhiệm tình yêu làm thăng hoa sẽ phong phú vô tận,
cao cả vô cùng, trải rộng vô biên.
Tập yêu người
như yêu một mầu nhiệm còn là một thách đố chỉ có ở con người cao cả. Thách đố
trước vận mệnh cuộc đời, thách đố trước thử thách của tình yêu là thách đố hiện
sinh vĩ đại nhất. Con người vốn vĩ đại, cao cả, nhưng chỉ qua thách đố, con người
mới nhận ra mình cao cả, vĩ đại.
Tóm lại, có
tin tình yêu hôn nhân là mầu nhiệm, hai người mới vượt nổi những sóng gió của
thử thách, khủng hoảng, vì mầu nhiệm sẽ đưa hai người vào một viễn tượng mới của
tình yêu tuyệt đối. Có tin vào mầu nhiệm, tình yêu hai người mới đủ sức vượt hữu
hình, vượt tự nhiên để đến một thế giới siêu hình, siêu nhiên mang tầm tuyệt đối.
Ở tuyệt đối, tình yêu gặp chính mình, nhận diện chính mình. Nhờ thế, những mâu
thuẫn giữa hai người ở bình diện tự nhiên, hữu hạn sẽ được hoá giải để cả hai cùng
mở lòng, tung cánh cho tình yêu hôn nhân của họ bay cao tít tắp đến tận Đấng là
TÌNH YÊU Tuyệt Đối, Vĩnh Cửu.
Paris, Muà hè 2014
Nắng Tím
- Mây Đen