Nếu biết rõ sẽ có những ngày "mặt chày, mặt thớt",
những bữa ăn "cơm không lành, canh không ngọt ", những đêm mất ngủ, lang thang
ngoài đường phố sau một trận cãi vả, thì tôi nghĩ chẳng ai dám xâm mình cưới
nhau. Nếu nhìn được tỏ tường, hết chiều sâu và trọng lượng của những nết xấu,
lỗi lầm, tội lụy trong tương lai và suốt cuộc đời của người mình sắp kết hôn,
tôi tưởng không mấy ai dám liều mạng ký vào giao ước hôn nhân. Tình trạng giới
trẻ ngày nay không muốn, đúng hơn là không dám dấn thân cưới nhau, mà chỉ sống
chung chờ thời, sống chung qua ngày là một trả lời có nhiều xác xuất đúng nhất
truớc những băn khoăn, ngao ngán kể trên.
Biết rằng đường tình có muôn lối, nhưng xem ra trên thực tế lối nào cũng
hứa hẹn nhiều bất ngờ không mấy vui. Không mấy vui khi thời gian kéo ta ra khỏi
giấc mơ thần tượng; khi thần tượng mệt mỏi xuống khỏi tượng đài "huyền hoặc, mơ ước",
kéo ta bổ nhào xuống bờ đường cát bụi. Ước mơ không là thực tế và thời gian
luôn trả về thực tế những diện mạo rất phũ phàng.
Cái phũ phàng đáng ngại trong tình yêu là tội lỗi của người mình yêu.
Khi mới yêu, ta có khuynh hướng chấp hết, xóa hết, muốn "tu sửa, tân
trang" tất cả để có một trời mới, đất mới cho con đường tình rất mới
của ta. Khi mới yêu, ta thích nhắm mắt hôn nhau, nhắm mắt thì thầm tâm sự; bởi
nhắm mắt sẽ hạnh phúc, nhẹ nhàng, thanh thản, lâng lâng hơn; bởi nhắm mắt sẽ
không thấy gì ngoài ước mơ, mộng đẹp. Nhắm mắt còn cho ta cảm tưởng ta đẹp,
người yêu ta đẹp, thế giới đẹp, đường tình ta đi đẹp. Cái đẹp bao trùm, người
đẹp chiếm ngự; ta chỉ còn một khả năng là chiếm hữu, tôn thờ. Nhưng đó chỉ là
lý tưởng và ngôn ngữ của trái tim đang sôi xục. Khi củi tàn, than nguội, máu
trong tim lạnh ngắt, ta sẽ không thể lặp lại cùng một ngôn ngữ, âm thanh "khuếch
đại" ấy bởi sự xuất hiện của yếu đuối tội lụy nơi đối tượng.
Bản chất của tội lỗi là phá hoại, nên khi khám phá và trực diện với tội
lỗi của người mình yêu, ta cảm thấy tình yêu ta dành cho họ bị phá hoại; hy
vọng ta trông chờ nơi họ bị đổ vỡ; hạnh phúc ta ấp ủ trong họ bị đạp đổ; sức
sống ta trao dâng cho họ bị hủy diệt. Tắt một lời, tội lỗi, yếu đuối nơi họ phá
vỡ toàn bộ cơ đồ và sự nghiệp yêu thương ta nhọc công xây dựng. Ta thấy mình là
chủ thể bị xúc phạm, ta xem mình là nạn nhân của phản bội, ta hận mình non nớt,
dại khờ bị phỉnh gạt. Tội lỗi của người ta yêu bỗng dưng biến họ và ta thành
thù nghịch và ta xa lạ dần, tránh né dần, khai trừ dần người ta yêu. Khoảng
cách từ đó được nối dài, mở lớn; hố sâu ngăn cách bị đào sâu, đục khoét cho đến
một lúc ta phải sững sờ thốt lên: "tôi hết chịu nổi; bởi xưa kia em không
thế; bởi lúc trước anh không vậy; bởi tự nhiên anh sinh tật; bởi bỗng dưng em
dở chứng..." Và như bệnh tật không báo trước, tội lỗi và yếu đuối cũng
không định ngày, chọn tuổi. Nó đến bất chợt như kẻ trộm, âm thầm len lỏi phá
hoại tất cả sự nghiệp của tình yêu; trong sự nghiệp này, nạn nhân trực tiếp là
hai người yêu nhau.
Vì thế, khi chiêm ngắm tình yêu của Đức Kitô, tôi say mê đến điên cuồng
hình ảnh "Đức Kitô, chiên gánh tội".
Trong Tin Mừng, Đức Kitô đã xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng qua
hình ảnh "Chiên gánh tội".
Gioan Tiền Hô đã long trọng giới thiệu Đức Kitô khi ông thấy Ngài: "Đây
là chiên Thiên Chúa, đấng gánh tội nhân loại" (Ga 1,29).
Hình ảnh đầu tiên về Đức Kitô nhập thể, nhập thế là hình ảnh một con
chiên trên vai mang hết tội lụy nặng nề của người khác. Hình ảnh này khiêm hạ,
bé nhỏ và tội nghiệp. Hình ảnh này không hấp dẫn mấy người, không lôi kéo được
ai. Nó khiêm hạ ở chỗ làm chiên hiền lành, không mưu mô như cáo, không dữ tợn
như hổ, không hiểm độc như rắn. Chiên vốn hiền lành, nhịn nhục, đơn sơ. Nhờ đơn
sơ, nhịn nhục, hiền lành, chiên luôn bé nhỏ, dễ thương. Cái dễ thương của một
trái tim không nuôi thù hận, nét bé nhỏ của một tâm hồn không cao ngạo. Nó còn
khiêm hạ ở chỗ cúi đầu cho thiên hạ trút tội trên lưng, trên cổ. Tội mình mình
mang đã đành; nay mang cả tội người, tội thiên hạ mà vẫn hiền, vẫn ngoan, vẫn
dễ thương, vẫn đằm thắm.
Bên cạnh nét khiêm hạ, chiên gợi lên niềm đau tội nghiệp. Không biết các
thầy cả trong đạo cũ khi làm nghi thức đổ tội trên chiên và đuổi chiên chạy xa
vào rừng, xa mạc, có cảm thương chiên không; chứ riêng tôi, tôi chạnh lòng
trước hình ảnh chú chiên có cặp mắt trong, to tròn ngơ ngác bị đuổi vào xa mạc
với gánh nặng tội lỗi người khác, bởi không ai trong sạch hơn nó để có đủ thong
dong mà gánh tội đời. Bởi vai ai cũng chồng chất tội mình, nên chỉ những bờ vai
trống vắng tội lỗi mới can đảm gánh vác tội người khác. Dưới mắt mọi người,
chiên bị đồng hóa với tội lỗi bởi trên mình chiên tội lỗi đầy tràn; nhưng chỉ
một mình chiên biết sự trong sạch của mình và sứ mạng anh hùng, qủa cảm, đầy hy
sinh khi gánh tội người khác.
Chọn hình ảnh "chiên gánh tội " trong lần đầu tiên ra
mắt quần chúng, Đức Kitô dã không mị dân vì vốn dĩ dân đang chờ nơi Ngài một
hình ảnh khác, huy hoàng, vinh dự hơn. Không những thế hình ảnh này đã có thể
gây thất vọng, nản chí nơi nhiều người.
Khi vào đời, Đức Kitô đã khẳng định chỗ đứng của mình trong đời qua tên
gọi "Emmanuel"- Thiên Chúa ở cùng chúng tôi; đồng thời khẳng
định vai trò, sứ mạng của Ngài: cứu độ nhân loại bằng yêu thương. Chọn hình ảnh
chiên gánh tội, Đức Kitô đã khẳng định thêm môt chân lý nữa: gánh tội người
khác là đòi hỏi của tình yêu.
Nếu tình yêu có thể trọn vẹn và hoàn hảo, nếu tình yêu đạt được ý nghĩa
tuyệt đối của nó mà không cần đến công việc "gánh tội người mình yêu"
thì chắc chắn Đức Kitô đã không chọn hình ảnh "chiên Thiên Chúa"
khổ sở này. Nếu yêu mà không phải rạp mình, còng vai vì nặng nề tội lụy, yếu
đuối của nhau, thì hình ảnh "chiên Thiên Chúa" sẽ không có
nghĩa và giá trị gì. Nhưng vấn đề đã được đặt khác khi chính Đức Kitô vui lòng
đến trong đời như một chiên gánh tội, như một của lễ hy sinh, như một thân phận
tràn đầy tội lụy. Tình yêu nơi "Thiên Chúa làm người" ấy chắc
hẳn phải thâm sâu, tha thiết, tuyệt vời lắm mới có sức biến Ngài thành "người
gánh tội" trong khi Ngài là Thiên Chúa và có quyền biểu lộ sự trong
sạch tuyệt đối của Ngài.
Nhìn vào tình yêu này, ta thấy thiếu hẳn công lý và bình đẳng. Thiếu
công lý bởi người vô tội phải mang tội người khác, người trong sạch phải trở
thành ô uế, bị xua đuổi. Đức Kitô đã không tuân theo những lý lẽ của một công
lý bình thường khi Ngài chịu nhận phận tội lụy của người khác làm chính thân
phận mình. Ngài còn coi thường cả những nguyên tắc bình đẳng trong xã hội khi
chịu thiệt thòi đến tận cùng trong tất cả lựa chọn của tình yêu.
Như vậy tình yêu nơi Đức Kitô, trước hết bắt đầu bằng trái tim vui lòng
gánh hết tội người mình yêu. Tình yêu này không đổ tội, gán tội, bới tội, vạch
tội. Tình yêu này cũng không nhân danh công lý để buộc tội, không nhân danh lề
luật để xử tội, hành tội, trị tội. Nhưng tình yêu này lại hiền lành để nhắm mắt
che tội, khiêm hạ khi xét tội, can đảm đưa vai gánh tội và nhân ái bao dung xóa
tội. Tình yêu ấy chấp nhận chỗ thấp nhất để tình yêu có nền tảng vững chắc nhất
là thứ tha; nhờ nền tảng này mà tình yêu không bị sụp đổ. Tình yêu ấy chọn cho
mình gánh nặng để tình yêu trở nên nhẹ nhàng với đôi cánh hạnh phúc. Tình yêu
ấy vui lòng cúi xuống thật sâu để không một xúc phạm nào có thể làm tình yêu lung
lay, chao đảo.
Đức Kitô chọn tình yêu "gánh tội" này vì Ngài biết
không một tình yêu nào có thể sống nếu gánh nặng của nó không được những người
yêu nhau chia sẻ. Tình yêu có giá trị bởi có trọng lượng: trọng lượng của đời
người, của đời riêng mỗi người trong cuộc với tất cả quá khứ, hiện tại, tương
lai, với đầy đủ mọi ô nhục, vinh quang, những công đức, tội lỗi rất sâu và rất
dài. Vì cái giá trị huyền nhiệm này mà nhiều khi sức người không kham nổi, phải
cần đến sức Trời, tình Trời, ơn Trời. Nhờ Trời và nhờ sống tình yêu như Chúa
Trời muốn "gánh vác yếu đuối của
nhau", tình yêu mới có thể bước
đều trên đường tình về vĩnh cửu.
Như anh, như chị, theo gương Đức Kitô, tôi cũng muốn bắt đầu và làm sống
lại tình yêu bằng trở nên "chiên gánh tội" trong tình yêu cho
nhau mỗi ngày.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét