Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

AI LÀ ANH EM TÔI ?



Sáng nay đọc một vài bài báo và lướt mạng xã hội quanh hình ảnh Đức Thánh Cha độc hành trên đường phố Rôma thê lương, tiêu điều những ngày Covid-19 tung hoành biểu dương sức mạnh phá hoại, tiêu diệt đáng sợ của nó, với những con số khó có thể tưởng tượng: Ở vào thời điểm hôm nay, thứ Ba 31.03.2020, toàn thế giới có 803.313 người bị nhiễm, với 39.014 ca tử vong, trong đó Tây Ban Nha có 8179 người, Mỹ 3170, Pháp 3024, và Ý 11.591. Bên dưới tấm hình người lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo giữa thánh đô vắng vẻ, người viết đọc được nhiều dòng “comment” với nội dung tương tự:
“Ích lợi gì chuyện đi một mình giữa thành phố hoang vu. Điều có ích cho tha nhân, mà Giáo Hội Công Giáo cần làm là lấy tiền từ các ngân hàng toà thánh để giúp các bệnh viện”, Chúng tôi không cần ai đại diện Chúa ở trần gian, vì đức tin của chúng tôi ở Thiên Chúa không cần đến các ông đại diện này, vì thử hỏi: trong khi nhân loại quằn quại vì đại dịch, các ông có tên là “đại diện Thiên Chúa ở trần gian” đã làm được gì cho trần gian?, “Cho chúng tôi được phép hỏi: Giáo Hội Công Giáo có còn nhận ra ai là anh em của mình nữa không?”
Ngoài những comment rất tiêu cực trên, còn một vài bài báo, đương nhiên trên những tờ báo không mấy thiện cảm với Giáo Hội, nhận định rằng: “Trong bối cảnh đại dịch Covid 19, người ta không nhắc đến Giáo Hội Công Giáo nhiều, và dường như người ta muốn quên đi sự có mặt ngày càng thờ ơ trước con người của Giáo Hội già nua, cằn cỗi, lỗi thời này…”.
Đọc những dòng này, người viết muốn lên cơn sốt, không sốt vì những phê phán thực sự phiếm diện và thiếu sót của các tác giả, nhưng sốt vì không ngờ Giáo Hội lại bị chính thế giới mình được sai đến, đi vào để phục vụ cô lập, cách ly, tẩy chay, từ chối một cách vô tình và đáng thương như vậy.
Thực ra, Giáo Hội không bao giờ có thể làm vui lòng được người đời, vì một lý do rất dễ hiểu, mà chính Đức Giêsu đã công khai dặn dò Nhóm Mười Hai trước khi lên Giêrusalem chịu khổ hình và tử nạn: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 15,18-19).
Lời khẳng định của Đức Giêsu cho phép chúng ta tin rằng những chống đối nhiều khi rất vô cớ, những bôi bác thường xuyên rất vô tình, những lên án thường rất đỗi vô duyên của rất nhiều người đều xuất phát từ nguyên lý: anh em không thuộc về thế gian, và thế gian chỉ yêu thích cái gì thuộc về nó, nên đó cũng là lý do để chúng ta tự an ủi vì biết số phận đã được dành sẵn cho những người không thuộc về thế gian đã đành, mà còn được  Đức Giêsu chọn và tách ra khỏi thế gian.
Chính vì không thuộc về thế gian, mà Giáo Hội thường bị coi là nhóm người “chướng đời, ngược đời, khác đời, lạ đời”: lạ đời với giáo lý kỳ lạ xây trên mầu nhiệm nền tảng “Thiên Chúa mà lại làm người: con người và Thiên Chúa cùng hiện diện nơi Đức Giêsu Kitô”; khác đời với giới luật mới phải yêu cả kẻ thù và cầu nguyện, thi ân cho cả kẻ ngược đãi, bách hại; ngược đời vì đời mong “nắm đầu cưỡi cổ” người khác, còn đạo thì khiêm tốn phục vụ, đời tìm “cái tôi” vinh quang, phú qúy, an nhàn, hưởng thụ, còn đạo thì tìm xóa mình, bỏ mình, vác thập giá, mất mạng vì tha nhân; chướng đời với những chủ trương không luôn đồng thuận với đòi hỏi, áp đặt của đời, như không a dua theo đời phủ nhận sự sống, hủy diệt thai nhi, không đồng loã với đời vi phạm nhân quyền, làm tổn thương nhân phẩm, không chạy theo quyền lực của đời để có miếng đỉnh chung, chỗ đứng, chỗ ngồi.
Nói chung thì thế gian khó có thể chung đường, chung lối với Giáo Hội, không chỉ vì thế gian ghét những ai, những gì không thuộc về nó, mà còn ghét Đức Giêsu, Đấng thành lập Giáo Hội mà thế gian được ma qủy tham mưu, tiếp tay trợ lực để không ngừng đánh phá (x. Mt 16,18). Đàng khác, thế gian không có những giá trị siêu nhiên, không tìm ơn cứu rỗi đời đời, không tin nhận Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người là Đấng Cứu Độ duy nhất của muôn dân, nên cho đến tận thế, thế gian vãn mãi căng thẳng với Giáo Hội của Đức Giêsu, và tìm những kẽ hở, những thiếu sót mang tính nhân loại để bôi bác, miệt thị, triệt hạ Giáo Hội, để không còn bị  Giáo Hội làm phiền, răn đe, khi Giáo Hội lên tiếng bảo vệ con người, bênh vực Chân Lý, làm chứng Thiên Chúa là “Đường, Sự Thật, Sự Sống”, Tình Yêu, Ơn Cứu Độ, và Hạnh Phúc đời đời của toàn thể nhân loại.
Ý thức vấn đề, chúng ta sẽ bình tĩnh trước những chống đối mà phần lớn đều phát sinh từ lòng ghen ghét của thế gian, căm thù của ma qủy đối với Giáo Hội, và bình an sống đức tin, làm chứng đức tin bằng sống đời bác ái, để đức tin không bao giờ trở thành đức tin chết, như thánh Giacôbê khuyến cáo: Đức Tin không có hành động của đức ái là đức tin chết (x. Gc 2,17), nhất là tuyệt đối tín thác vào Đức Giêsu, Đấng đã bảo đảm: “Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18), cũng như chính Ngài đã cầu xin Chúa Cha gìn giữ Giáo Hội: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật” (Ga 17,15-17).    
Nhưng bên cạnh sự thật “họ không thuộc về thế gian” (Ga 17,14), lại kèm theo một sự thật khác, đó là “như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian” (Ga 17,18). Cả hai sự thật đều là đòi hỏi sống chết, cả hai đều là bổn phận phải chu toàn, cả hai đều là sứ mạng phải thực thi: không thuộc về, nhưng được sai đến để làm chứng bằng yêu thương và phục vụ.
Qủa thực, Giáo Hội được sai vào thế gian, tuy như chiên đi giữa bầy sói, nhưng sứ mạng của Giáo Hội thì vô cùng cao đẹp, tuyệt vời thánh thiện: sứ mạng làm chứng Đức Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai đến để yêu thương, và hiến mình cứu độ mọi người.
Chính sứ mạng làm chứng Đức Giêsu là Tình Yêu từ Thiên Chúa đến trong thế gian, mà Giáo Hội, dù bị thế gian ghét bỏ vẫn không thể không yêu thương, dù bị người đời khinh mạn, chế diễu vẫn không thể từ chối sứ vụ phục vụ, dù bị đời “chơi xỏ”, “đâm sau lưng”, hay đánh thẳng mặt vẫn không thể bỏ quên ơn gọi thương xót. Nếu không, Giáo Hội sẽ không còn được gọi là Giáo Hội của Đức Giêsu, nhà của Thiên Chúa giầu lòng thương xót giữa nhân loại, nơi ẩn náu an toàn của tội nhân, sức mạnh của người cô qủa, yếu đuối, bị bỏ rơI. Đó cũng chính là lý do lệnh truyền duy nhất của Đức Giêsu là “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34), và dấu chỉ duy nhất để “mọi người nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Như thế “chắc nịch” là Giáo Hội hiện hữu từ Tình Yêu của Đức Giêsu, “chắc chắn” là Giáo Hội sống bằng Tình Yêu của Đức Giêsu, “chắc ăn” là sứ vụ đời đời của Giáo Hội là phục vụ trong yêu thương, làm chứng bằng yêu thương, “chắc cú” là người môn đệ Đức Giêsu, thành viên của Giáo Hội Ngài không thể sao nhãng, bỏ quên bổn phận yêu thương đồng loại, và phục vụ mọi người như người anh em.
Vì thế, câu trả lời chính xác người công giáo cần phải có lúc này, giữa tâm dịch đang đe doạ thế giới, cho những vấn nạn, cũng như những biện bác, phê phán của nhiều người, chính là thái độ khiêm tốn nhìn lại mình, xem lại cung cách phục vụ, nếp sống yêu thương, tâm tình chia sẻ qủang đại và thân thiện của mình với mọi người. Rất có thể chúng ta đã làm nhiều việc bác ái, nhưng ít người biết; có thể Giáo Hội đã và đang dồn mọi nỗ lực phục vụ, chia sẻ, nhưng chưa mấy người nhận ra, như thao thức và chương trình bác ái rất cụ thể
“chung sức lan toả yêu thương” đến những mảnh đời thiếu thốn, cơ cực sống từng ngày nhờ những tấm vé số, những thúng ve chai, bao nhựa góp nhặt trên đường phố của đức cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám Mục Sàigòn được chính ngài chia sẻ và kêu gọi mọi người chung tay cộng tác hôm nay 31.03.2020 qua clip phỏng vấn được đăng trên mạng xã hội.
Thực vậy, chúng ta không tìm lời khen, hay chạy theo những tuyên dương công trạng của thế gian cho những công việc bác ái là sứ vụ của Giáo Hội, nhưng không vì thế, chúng ta bất cần thiên hạ, coi thường nhận xét của người đời, vì biết đâu những nhận định của họ lại phản ánh sự thật về một tình trạng “đức tin đang chết dần mòn, vì thiếu sức sống là đức áinơi mỗi người, và trong cộng đoàn, tình trạng mà thánh Giacôbê đã không ngại ngùng cảnh giác: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? Cũng vậy, đức tin không có hành động thì qủa là đức tin chết. Đàng khác, có người sẽ bảo: Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin. Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm phải. Cả ma qủy cũng tin như thế, và chúng run sợ. Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không? (Gc 2,14-20).
Tóm lại, trước những “comment” tiêu cực lên án, chỉ trích, phê bình Giáo Hội cách này cách khác, trong những ngày đại dịch Covid-19, người viết tuy cảm thấy buồn, nhưng không lấy đó làm ô nhục hay chụp lấy như cơ hội để phản công, đốp chát dưới chiêu bài bảo vệ đức tin, bênh vực Hội Thánh, vì chúng ta không được kêu gọi để đấu đá, ăn thua đủ với bất cứ ai, nhưng “được chọn và được tách ra khỏi thế gian” để làm chứng cho thế gian Thiên Chúa là Tình Yêu cứu độ, và mọi người đều là con cái Thiên Chúa, anh em của chúng ta, nên dù có thế nào đi nữa, có phải chịu  thiệt thòi, bất công nhiều hơn nữa, mãi mãi sẽ chỉ có một lệnh truyền, một giới răn, một sứ vụ, một bài sai, một lý tưởng cho người  môn đệ đi theo Đức Giêsu là “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Yêu thương nhau là yêu thương hết mọi người, yêu thương nhau là xây dựng, thăng tiến nhau bằng tôn trọng, trân qúy, yêu mến, phục vụ nhau, nhưng khó nhất là khiêm tốn đón nhận nhau, khiêm tốn nhìn lại mình, khiêm tốn sửa đổi bản thân, cộng đoàn để trở nên tốt hơn trong tình yêu thương xót, và đức ái xả thân, quên mình vì  hạnh phúc của anh em, như lòng Chúa hằng mong ước ở  người môn đệ.
Jorathe Nắng Tím   

0 nhận xét: