Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

CHỖ Ở


                                      Suy Niệm Tuần Thánh
Con người là con vật biết mình hiện diện ở một nơi và một thời điểm, nên đau khổ lớn nhất của con người là vào đời mà không có chỗ sinh ra, làm người mà không cha mẹ, gia đình, sống mà không chỗ ở, chết  không đất chôn, mộ phần.
Chẳng thế mà hình phạt kinh khủng, ác nghiệt nhất dành cho người tù là không cho biết họ đang ở đâu, và ở vào thời khắc nào, bởi con người là con vật chỉ sống hạnh phúc khi biết mình đang sống ở đâu và vào thời điểm nào.
Có nhiều hoàn cảnh trong cuộc đời đã cho chúng ta kinh nghiệm hãi hùng này, như trong  chiến tranh, khi tứ bề thọ địch, trên bom dưới mìn, chung quanh súng nổ, và không gian hoàn toàn tắc nghẽn, bít bùng, không đường ra, không lối thoát. Đó cũng là cảm nghiệm mất phương hướng khi lạc đường, hoặc biết có đường, nhưng đường bị đóng, đường bị cắt ngang, bịt kín, và trước sau, ngang dọc đều là tử lộ, đất chết.   
Những ngày này, ít nhiều chúng ta đang rơi vào tâm trạng “xao xuyến” vì mất phương hướng, mất khả năng an toàn định vị, mất khả thể phóng hoạ bước tới của thời gian, khi dịch Covid-19 xem như khống chế toàn diện, phá hủy toàn phần, làm đảo lộn toàn bộ đời sống.
Covid-19 làm đảo lộn toàn bộ đời sống, khi đời sống bỗng rơi vào tình trạng bị đe dọa khắp nơi, đến nỗi đóng cửa, ở yên trong nhà cũng không cảm thấy an tâm; bỏ quốc gia có dịch chạy về đất nước, nơi tưởng dịch biết sợ, không dám bén mảng tới cũng không thấy được bảo vệ an toàn. Covid-19 còn phá hủy toàn phần cơ nghiệp không chỉ của bản thân, gia đình, mà của cả quốc gia, thế giới, khi ngân sách đổ hết cho công tác ngăn dịch, và tương lai kinh tế hứa hẹn những ngày cực kỳ đen tối. Sau cùng, Covid-19 đã khống chế toàn diện mọi lãnh vực khi đạo đời, chính trị, xã hội, kinh tế, giáo dục, nhất là y tế đang mất quân bình và rơi sâu xuống vực thẳm suy thoái trầm trọng.
Thực vậy, tâm trạng xao xuyến là sự thật không ai có thể chối cãi hay tránh né, dù có lừa người và tự dối mình khéo léo, tài tình đến đâu, bởi đó là sự thật hiển nhiên, không cần chứng minh, lý giải. Không cần chứng minh, vì ai cũng biết thật hư của cơn đại dịch vẫn còn là một ẩn số to đùng, và bao lâu còn là ẩn số một nguy hiểm mang tính quốc tế, có tầm vóc địa cầu thì nỗi lo sợ vẫn còn đó, nếu không muốn nói là ngày càng lớn hơn, phình to ra đe dọa. Không cần lý giải, vì ai cũng phải tự hiểu  theo sau những ngày chống dịch sẽ là những năm tháng dài chống đói, chống nghèo, chống cướp bóc, khi người ta không còn biết tin ai, không còn dám tin vào thể chế nào, vì biết “không ai thương ta như là ta đâu”.
Tâm trạng xao xuyến như thế có căn gốc từ mất lòng tin: không tin nơi mình đang ở, không tin đường mình đang đi, không tin chỗ mình đang sống, không tin tay người hướng đạo, không tin đường ngày mai phải bước tới. Và không tin con đường, mặc dù đời là con đường; không tin nơi ở, dù thân phận người luôn cần một chỗ cắm dùi để làm người chính là nỗi khổ quay quắt của mỗi người trong những hoàn cảnh khắc nghiệt.
Tâm trạng xao xuyến vì mất niềm tin trên không mới lạ, như Tin Mừng Gioan đã tường thuật qua tâm tình an ủi của Đức Giêsu khi các môn đệ của Ngài xao xuyến, lo sợ: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi”  (Ga 14,1-4).
Biết các môn đệ xao xuyến, vì không biết sẽ ở đâu cho an toàn, ở đâu cho bình an khi chung quanh đầy sóng gió cuộc đời, tứ bề nhiều đe dọa, thử thách, Đức Giêsu đã bảo các ông: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Ngài biết: nguyên nhân của mọi lo sợ, xao xuyến trong tâm hồn các ông là do niềm tin còn non nớt, niềm tin còn mong manh, dễ vỡ, và bao lâu chưa tin vào Thiên Chúa và chưa tin vào Ngài, người môn đệ sẽ còn phập phồng lo sợ, hốt hoảng lo âu, thất kinh khiếp viá, không chỉ vì an sinh cho hiện tại, mà vì cả an toàn của tương lai. 
Nhắc bảo các môn đệ  phải tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy, Đức Giêsu không đưa ra một phương án nào khác để làm giảm cơn lo, một toa thuốc nào khác  làm hạ cơn sốt sợ hãi, ngoài đề nghị tin vào Thiên Chúa và tin vào Ngài. Và một khi đã tin, người môn đệ sẽ nhận ra Thiên Chúa là Đấng đáng tin, Đấng không lừa dối ai, như những khẳng định của Đức Giêsu:
a.   “Nhà Cha Thầy có nhiều chỗ”:    
Với niềm tin, người môn đệ sẽ nhận ra trái tim Thiên Chúa là mái ấm bình an cho tất cả mọi người chạy đến kêu cầu Ngài, vì ai cũng có chỗ tốt, chỗ đẹp, chỗ ân tình, chỗ nghiã thiết trong trái tim bao la tình yêu, mênh mông lòng thương xót và hải hà nhân hậu của người Cha Thiên Chúa.
“Nhà Cha Thầy có nhiều chỗ” là qủa quyết mang tính bảo đảm trăm phần trăm cho con người đang lo mình sẽ ở đâu, sống nơi nào, nỗi lo của thân phận lữ khách không chỉ lo những ngày dong duổi trên đường đời, mà còn lo cuối đường đời không biết sẽ về đâu, cập bến nào, trôi giạt nơi nao; nỗi lo không chỉ của người đang sống mà còn của ngày mai khi giã từ cuộc sống, không biết số phận ra sao, thưởng phạt thế nào…
Đức Giêsu biết chúng ta lo âu, như biết các môn đệ xao xuyến, nên không chỉ bảo đảm “Nhà Cha Thầy có nhiều chỗ”, mà còn xác quyết: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (Ga 14,3). Hai lần qủa quyết chắc chắn có chỗ ở cho các môn đệ, hai lần xác quyết chính Thầy đi trước để dọn chỗ ở cho anh em, Đức Giêsu muốn chúng ta tin Ngài là nơi ở vững chắc, nơi ở an toàn, nơi ở bình an, nơi ở hạnh phúc không chỉ hôm nay mà đời đời cho những ai tín thác ở Ngài, sau hành trình dương thế.
b.  “Để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”:
Khi bảo đảm với các môn đệ: Nhà Chúa Cha có nhiều chỗ và Ngài đi trước để dọn chỗ, Đức Giêsu đã cho các ông biết mục đích của việc làm này. Đó là Ngài ở đâu, thì những kẻ thuộc về Ngài cũng ở đó với Ngài.
Ở với Ngài, ở lại trong tình yêu Ngài là khao khát nóng bỏng của trái tim Đức Giêsu, là ước mơ duy nhất của tình yêu “Thiên Chúa làm người” lúc nào cũng bùng cháy tình yêu nhân loại, nên một lần nữa, Đức Giêsu cắt nghiã rõ hơn cho các môn đệ  tại sao nhà Cha Ngài luôn có nhiều chỗ, và Ngài đi  trước để dọn chỗ, rồi trở lại đón các ông về ở với Ngài (x. Ga 14,2-3).
Qủa thực, không còn tình nào đẹp hơn tình ao ước được ở gần người mình yêu, không trái tim nào dễ thương hơn trái tim luôn trông ngóng người mình yêu đến cư ngụ hạnh phúc tận thâm cung cõi lòng. Đức Giêsu đã bầy tỏ công khai ước mơ của Ngài là được ở với những người Ngài yêu thương, vì “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).
c.    “Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi”:
Như đã nói ở trên, chúng ta không chỉ lo âu về chỗ ở, mà còn âu lo về đường đi, hướng tới, bởi ở trên đường mà ngơ ngác, lạc lõng, cũng như mất hướng, lạc đường giữa chợ đời, nơi rừng sâu đều là tai ương khốn khó cho con người, và là nguyên nhân đẩy con người vào tình trạng hãi hùng, khiếp sợ, tuyệt vọng.
Đức Giêsu biết các môn đệ đã không chỉ xao xuyến vì không biết ở đâu cho an toàn, sống ở đâu cho bình an, mà còn hiểu rõ tâm trạng băn khoăn không biết ngày mai sẽ đi đâu, sẽ đi con đường nào để an toàn tính mạng, để không gục ngã giữa đường đời vì người đời cạm bẫy, không bị  hùm beo, chó sói xé xác, phân thây… và nhất là đâu mới thực là con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực, đâu mới là đường bình an viên mãn, bởi có rất nhiều con đường được chào mời, vô số con đường được khuyến mãi, ngàn vạn con đường lấp lánh hào quang quyến rũ, nhưng không chắc sẽ là đường thật, đường an toàn không cướp bóc, thú dữ, đường có niềm vui, hy vọng, bình an.
Nói với các môn đệ: “Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi”, Đức Giêsu nhắc các ông con đường Tình Yêu mà Ngài đã mở ra, con đường duy nhất có Thiên Chúa cùng đồng hành với con người, con đường đưa con người vào trong nhà Thiên Chúa, con đường dẫn con người đến và ở với Đức Giêsu. Con đường ấy cũng chính là con người Đức Giêsu, như Ngài đã khẳng định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). 
Lậy Đức Giêsu giầu lòng thương xót, xin nâng đỡ đức tin của chúng con và cứu chúng con khỏi cơn xao xuyến “không biết ở đâu cho bình an, không biết đi đường nào cho an toàn” trước cơn đại dịch không chỉ đe dọa đời sống thể lý, sinh hoạt xã hội, đời sống tương lai, mà còn là nguy cơ làm chúng con hoang mang, thất vọng, không còn dám tin vào Thiên Chúa, khi niềm tin vào người đời ngày càng cạn kiệt, băng hoại, nhưng xin dậy chúng con biết nhìn lên Thánh Giá là nguồn ơn cứu độ, để tìm lại chỗ ở bình an đã đánh mất là vòng tay thương xót của Chúa, để thấy lại con đường đã phũ phàng từ chối là đường tình dẫn con hoang đàng trở về nhà Cha, là nhận ra hướng đi đã bao lần phủ nhận là hướng về nơi Chúa ở, để Chúa ở đâu thì chúng con cũng được ở đó với Chúa trong bình an, hoan lạc.
Jorathe Nắng Tím  

0 nhận xét: