Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT PHỤC SINH, Năm
A
Người
ta chạy khi có chuyện khẩn cấp, hệ trọng, bất thường vừa xẩy ra, chứ không ai
chạy khi không vội vã, chạy khi không có việc cần, chạy khi còn được là “tỷ phú
thời gian”.
Tin Mừng Gioan của
Chúa Nhật Phục Sinh chỉ vỏn vẹn chín câu, nhưng có đến ba lần động từ “chạy” được
ba nhân vật trong trình thuật thực hiện:
“Sáng
sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì
thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người
môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng
tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”.
“Ông
Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ
kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống, và nhìn thấy
những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi.
Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu.
Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy
giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.
Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi
dậy từ cõi chết” (Ga 20,1-9).
Nhân
vật Maria Mácđala là người đến mộ rất sớm. Bà là người được Đức Giêsu yêu
thương đặc biệt, và bà cũng yêu mến Ngài “hơn các người khác”. Chẳng thế mà bà
luôn có mặt với Đức Giêsu suốt đường khổ nạn, dưới chân Thánh Giá và khi tẩm liệm,
mai táng, bên cạnh thân mẫu của Ngài. Ba Tin Mừng Mátthêu (Mt 27,56.61), Máccô
(Mc 15,40.47), và Gioan đều ghi nhận sự hiện diện yêu thương của bà trong những
giờ phút kinh hoàng, đau thương nhất của Đức Giêsu: “Đứng gần thập giá Đức
Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với
bà Maria Mácđala” (Ga 19,25).
Tin
Mừng cho thấy: bà là người đầu tiên ra viếng mộ, và là người đầu tiên thấy một
trống. Tin Mừng Mátthêu còn kể chi tiết hơn: bà đã được gặp thiên sứ, và chính
thiên sứ đã nói với bà đi gặp các môn đệ để nói cho các ông biết: “Người
đã trỗi dậy từ cõi chết” (Mt 28,7). Tin Mừng Gioan còn qủa quyết: Đức Giêsu Phục
Sinh đã hiện ra gặp bà, khi bà “đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc” (Ga 20,11), và
bà cứ tưởng Ngài là người làm vườn, cho đến khi Ngài gọi tên bà, lúc đó bà mới
nhận ra Ngài (x. Ga 20,11-18).
Sáng
sớm hôm ấy bà đã lầm lũi, ngậm ngùi ra viếng mộ với cõi lòng tan nát, vì người
bà yêu mến đã chết và yên nghỉ ngàn thu trong mộ. Bước chân đến mộ buồn thảm, nặng
nề, lê thê lắm, chứ không hớn hở, phấn chấn như những ngày đón Thầy ghé nhà nghỉ
ngơi trên đường truyền giáo.
Nhưng
bất ngờ bà ra khỏi buồn thương, sầu thảm, khi ánh sáng Phục Sinh bừng cháy, đốt nóng trái tim, và
thúc bách đôi chân bà, khiến bà hối hả chạy thật nhanh, nhanh bao nhiêu có thể
để báo tin Thầy đã sống lại cho các môn đệ.
Qủa
thực, Tin Vui Phục Sinh vĩ đại quá đã không cho phép bà chậm trễ dù một phút;
Tin Mừng “Chúa đã sống lại thật như lời Người đã hứa” vỡ oà niềm hạnh phúc vô
cùng lớn lao, mà không gì có thể ngăn cản, be bờ, đã khiến đôi chân thường ngày
vốn bé bỏng, yếu đuối của bà bỗng mạnh mẽ,
nhanh nhẹn, thoăn thoắt chạy đua với thời gian để Tin Mừng “Thầy đã sống lại !”
được mau chóng đến với các môn đệ.
Bà
vui như chưa từng vui, hạnh phúc như chưa bao giờ hạnh phúc, và Tin Vui Sống Lại
như nhấc bổng bà lên cao, chắp cho bà đôi cánh, để bà bay đi rất xa, đi thật xa
với Tin Vui “Chúa sống lại”, vì qủa thực, từ nay bà không còn muốn tìm kiếm gì
khác, bởi niềm vui, hạnh phúc, phần thưởng lớn nhất của một đời làm người hôm
nay bà đã chiếm trọn, khi mừng rỡ kể lại cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa !”
(Ga 20,18).
Bên
cạnh Maria Mácđala, người đàn bà đã chạy rất nhanh loan báo Tin Vui Phục Sinh
cho các môn đệ, là hai ông Phêrô và Gioan. Cả hai cùng chạy ra mộ, vì nhận Tin
Mừng Phục Sinh từ người đàn bà mà Đức Giêsu yêu thương đã từ mộ chạy về báo. Cả
hai cúi đầu chạy “bán sống bán chết”, vì niềm vui sắp được gặp Thầy sống lại từ
cõi chết trong tim chất ngất, vỡ oà.
Chính
khao khát được gặp Thầy đã thúc bách các ông hối hả, vội vã chạy thật nhanh đến
mộ. Vì thế mới có chuyện ông Gioan chạy nhanh hơn, đã đến mộ trước và bỏ ông
Phêrô ở lại phiá sau.
Chính
tình yêu hai ông dành cho Đức Giêsu đã làm cho đôi chân các ông trở nên săn chắc,
bạo dạn, vững mạnh, qủa quyết phóng nhanh trên đường ra mộ với duy nhất một niềm
vui đến từ hy vọng được gặp Thầy. Và niềm hy vọng đã thành sự thật, khi hai ông
đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng của người chết sống lại khi “những băng vải để
ở đó, khăn che đầu được cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” (Ga 20,6-7); khi hai
ông hiểu vì nhớ lại lời Đức Giêsu cũng như Kinh Thánh đã nói: “Đức Giêsu phải
trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,9), và niềm vui Phục Sinh tràn ngập tâm hồn khi hai
ông “đã thấy và đã tin” (Ga 20,8).
Vâng,
cả ba nhân vật trong trình thuật buổi sáng Phục Sinh đều chạy: Maria Mácđala đã
chạy từ mộ, hai môn đệ Phêrô và Gioan đã chạy đến mộ, nhưng cả ba
đều chạy do một động lực chung là đức tin, một niềm vui chung là Tin Mừng Sống
Lại, một Tình Yêu chung là Đức Giêsu Phục Sinh.
Thực
vậy, đức tin luôn là động lực thúc bách, vì đức tin bao hàm tình yêu mãnh liệt
dành cho một đối tượng là Đức Giêsu, và Phục Sinh luôn là tin vui vĩ đại, tin mừng
vô cùng lớn lao, không gì có thể so sánh, vì đã chết mà nay sống, đã tiêu tan
mà nay hiện hữu, đã không còn gì mà nay có tất cả, đã chết trên thập giá và chôn
trong mồ mà nay sống lại vinh quang, khải hoàn.
Nhận
được Tin Vui Phục Sinh, những con người hạnh phúc như Maria Mácđala, Phêrô và
Gioan mỗi người đã chạy theo kiểu của mình, chạy theo hướng riêng được Chúa
Thánh Thần hướng dẫn để loan báo “Đức Giêsu đã chết và nay đã sống lại”: Maria
Mácđala chạy báo tin vui “Thầy đã sống lại” cho các môn đệ; Phêrô chạy đi loan
báo Đức Giêsu, “Đấng mà nhờ danh Người mà mọi người nhận được ơn tha tội” (Cv
10,43) tại nhà ông Conêliô, người Rôma, sĩ quan đại đội trưởng thuộc cơ đội
Italia ở Xêdarê (x. Cv 10,1); còn Gioan, những bước chân chan chứa niềm vui Phục
Sinh đã dẫn ông vào con đường nội tâm của đức tin, để tìm kiếm “những gì thuộc
thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa…, chứ không còn chú tâm
vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2).
Nhận
Tin Vui Phục Sinh, các vị không còn đi
trên những con đường cũ, nhưng đi trên con đường mới đang mở ra, trên đó mỗi
người loan báo “Đức Giêsu sống lại” theo kiểu của mình, bằng kinh nghiệm bản
thân, nhờ cảm nghiệm thiêng liêng cá nhân với Đức Giêsu phục sinh.
Con
đường Phục Sinh mới này rực rỡ hy vọng và vượt qua những mặc cảm tội lỗi đã chối
Thầy, mặc cảm đã hèn nhát bỏ Thầy ở giờ phút đau thương, mặc cảm đã không tin
Thầy sẽ sống lại… để lên đường đến muôn dân với Đức Giêsu phục sinh và Bình An
của Ngài.
Nhận
Tin Vui Phục Sinh, chúng ta cũng như Maria Mácđala, Phêrô và Gioan được mời gọi
chạy nhanh trên đường đức tin, tình yêu và hy vọng vào Đấng đã sống lại
từ cõi chết và hẹn gặp các môn đệ Ngài ở Galilê, để từ đó Tin Mừng Phục Sinh được
lan toả đến các dân tộc và hết mọi thời, bởi niềm vui Phục Sinh chỉ tiếp tục tồn
tại và lớn lên, sinh sôi ơn cứu rỗi cho mọi người, khi chúng ta hối hả “chạy
nhanh” đến tận cùng thế giới “loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa
sống lại, cho tới đi Chúa đến”, như Maria Mácđala, Phêrô và Gioan đã
hối hả, vội vã chạy để báo tin Chúa đã chết và đã sống lại như lời Ngài đã hứa.
Alléluia!
Jorathe
Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét