Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2020

“XIN CHO CHÚNG NÊN MỘT – UT SINT UNUM”

Suy niệm Chúa Phục Sinh
Ngay sau khi sống lại, Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ, và lần nào Ngài cũng hiện ra với “các ông”, mà không hiện ra riêng tư, riêng rẽ, riêng lẻ với “một ông” nào.
Những cuộc gặp gỡ giữa Thầy và anh em môn đệ, giữa Thầy và Nhóm cũng là những hẹn hò giữa Đức Giêsu và Giáo Hội, một cộng đoàn hiệp nhất, hiệp thông, một tập thể được tình yêu hiệp thông nối kết, làm cho tất cả nên một, như lời cầu xin của chính Đấng sáng lập: “Lậy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một trong chúng ta” (Ga 17,11).
Qủa thực, tất cả các môn đệ đều đã nghe Đức Giêsu dặn bảo nhiều lần phải hiệp nhất, phải đoàn kết, tương trợ, phải “thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Vào những ngày cuối đời trước khi lên Giêrusalem chịu chết, các ông còn được chứng kiến Đức Giêsu tha thiết cầu xin Chúa Cha cho  tất cả các ông “được nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21).
Tuy thế, phải chờ đến khi các ông chứng kiến Đức Giêsu phục sinh hiện ra giữa các ông, với các ông, các ông mới thấm thiá lời căn dặn phải hiệp nhất nên một của Thầy.
Thấm thiá đòi hỏi hiệp nhất, hiệp thông của Thầy không là chọn lựa nhiệm ý, nhưng là chọn lựa thuộc yếu tính của đời tông đồ. Các ông nhớ lại Đức Giêsu đã luôn sai các ông đi với nhau, mà không sai đi một mình; bắt các ông cùng  xuống thuyền, mà không để mỗi người tự bươn trải, chèo chống qua bờ bên kia (x. Mt 14,22), và lần nào cũng thế, Đức Giêsu đều có mặt với các ông, giữa các ông.
Các ông thấm thiá giá trị của hiệp nhất, vì chỉ khi ở với nhau, đi cùng nhau, các ông mới gặp được Đức Giêsu, Thiên Chúa, như hôm nay, khi Ngài hiện đến ban Bình An phục sinh cho các ông (x. Ga 20,19), và như hôm nao Ngài đã đi trên biển mà đến với các ông, đang khi thuyền các ông “bị sóng đánh vì ngược gió” (Mt 14,24).
Thấm thiá hiệp nhất, hiệp thông với nhau là điều Đức Giêsu mong đợi hơn cả ở người môn đệ, và các ông nhớ lại ưu tiên trên mọi ưu tiên mà Đức Giêsu muốn các ông lựa chọn chính là “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12), để tất cả được “ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9), cũng là ở trong tình thương của nhau, như cành nho hiệp nhất với cây nho để sinh nhiều hoa trái (x. Ga 15,1-6).    
Sở dĩ các ông thấm thiá hiệp nhất là đòi hỏi tối quan trọng, thuộc yếu tính của đời người môn đệ, vì các ông thấy Đức Giêsu phục sinh chỉ hiện ra khi các ông ở với nhau, như đã ở với nhau trong nhà (x. Ga 20,19-29), xuống thuyền với nhau ra biển đánh cá (x. Ga 21), đi với nhau trên đường từ Giêrusalem về Emmau (x. Lc 24,1-31).   
Từ những thấm thiá sau những lần Thầy hiện ra, và ký ức về những lần được sai đi khi còn ở với các ông, các môn đệ đã xác tín:
1.   Đức Giêsu luôn có mặt nơi có tình yêu hiệp thông, hiệp nhất:
Từ kinh nghiệm những ngày sống với Đức Giêsu, các môn đệ xác tín điều quan trọng nhất trong sứ vụ tông đồ, đó là ở với nhau, đi với nhau với tình hiệp thông, hiệp nhất, bởi thành qủa của sứ vụ hệ tại ở đòi hỏi hiệp thông, hiệp nhất này. Đàng khác, các ông dường như không thấy Đức Giêsu đặt nặng thành công truyền giáo cho bằng sự hiệp nhất, hiệp thông giữa các ông, và luôn luôn Ngài tạo cơ hội cho các ông đi với nhau, cùng ở với nhau, hợp tác với nhau, nhất là tỏ cho các ông chân lý: bất cứ  khi nào các ông ở với nhau, hiệp thông, hiệp nhất với nhau, thì Ngài luôn ở đó với họ.
Tin Mừng Matthêu kể: “Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước trong lúc Người giải tán đám đông… Giải tán họ xong, Người lên núi một mình cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị song đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với họ” (Mt 14,22-25).
Đó là kinh nghiệm ở với nhau mà các môn đệ đã trải qua “với nhau”. Qua kinh nghiệm này, các ông hiểu và xác tín: Đức Giêsu không bỏ các ông khi các ông ở với nhau, đồng tâm nhất trí với nhau, nhất là trong thử thách, gian khổ. Sự kiện Đức Giêsu đi trên mặt biển đến với các ông khi thuyền bị sóng đánh vì ngược gió minh chứng “ở với nhau” là đòi hỏi thứ nhất và quan trọng nhất mà Đức Giêsu muốn nơi các môn đệ Ngài.
2.   Sứ vụ đi loan báo Tin Mừng và lệnh truyền yêu thương, hiệp nhất với nhau nên một không thể tách rời:
Đức Giêsu lập Giáo Hội vì muốn các môn đệ của Ngài ở với nhau, muốn những người đi theo Ngài quy tụ với nhau quanh Ngài để làm thành một gia đình, một cộng đoàn. Ngài không muốn người ta theo Ngài một cách riêng lẻ, biệt lập, cá nhân, nhưng hiệp thông với nhau, hiệp nhất với nhau nên một trong Ngài.
Vì thế làm môn đệ của Đức Giêsu, làm Kitô hữu thuộc về Đức Giêsu, chúng ta không thể đứng một mình lẻ loi, cô độc; không thể lầm lũi bước đi một mình, ở một mình, hoàn toàn tách biệt, “độc lập” với những môn đệ khác, với tập thể những người cùng đi theo Chúa, với cộng đoàn Giáo Hội, vì ý muốn của Đức Giêsu khi lập Giáo Hội chính là tinh thần Hiệp Thông, Hiệp Nhất giữa những ai muốn đi theo Ngài.
Có những tôn giáo không đặt nặng tính cộng đồng và hiệp thông, hiệp nhất, nhưng mỗi người tin như mình muốn, tin như mình cảm nghiệm và đức tin ấy mang tính cá nhân, riêng tư, độc lập. Khác với những tôn giáo này, Kitô giáo đòi hiệp thông, hiệp nhất giữa những người cùng một đức tin, vì đó là ý muốn của Đức Giêsu, Đấng sáng lập: “Lậy Cha, xin cho chúng nên một như Cha với con”.
Chính vì thế, không thể có truyền giáo của môn đệ đơn độc, không thể có sứ vụ một mình ra đi, nhưng lệnh lên đường truyền giáo là lệnh mang tính cộng đoàn, gồm cả nhóm với đòi hỏi phải hiệp thông, hiệp nhất  “Anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).
Người được sai thi hành sứ vụ là “anh em” tức tập thể môn đệ, và đối tượng của sứ vụ là những con người sẽ nhận phép rửa để cũng được trở thành môn đệ như người được sai đi. Nói cách khác, tính cộng đồng hiệp thông giữa người rao giảng và người được rao giảng, tính hiệp nhất giữa những người thuộc về Đức Giêsu, tức môn đệ Ngài là điểm then chốt nổi bật trong giáo huấn của Đức Giêsu.
Đó cũng là lý do Đức Giêsu đã qủa quyết với các môn đệ của Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau(Ga 13,34-35).
Như thế, nếu không hiệp thông, hiệp nhất với nhau trong tình yêu thương, người môn đệ sẽ chẳng làm được gì trên đường truyền giáo, vì ngoài dấu chỉ yêu thương nhau, người đời không còn một dấu chỉ nào khác để nhận ra nhà truyền giáo là môn đệ của Đức Giêsu, là người loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu, giới thiệu Đức Giêsu Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Không yêu thương nhau, toàn bộ công trình truyển giáo sẽ trở nên vô ích, không sinh hoa trái thiêng liêng nào, cũng không đem lại lợi ích cho ai, kể cả nhà truyền giáo. Không đủ khả năng và thiện chí để  cùng nhau trở nên dấu chỉ là môn đệ đích thực của Đức Giêsu, nhà truyền giáo đừng mơ “đón về những con chiên mới, và đưa về những con chiên lạc”, bởi cả chiên lạc và chiên mới đều không nhận ra tiếng của mục tử nhân lành, vì thiếu tình yêu thương, tình hiệp thông, hiệp nhất giữa những người được sai đi. Không có lòng yêu thương nhau giữa những người được thánh hiến cho sứ vụ của Giáo Hội, Giáo Hội không hy vọng nhận về những hoa trái thiêng liêng được gặt hái, vì cành nho không liên kết với nhau và gắn chặt vào cây nho thì chẳng sinh hoa trái, mà chỉ đáng bị quăng ra ngoài, cho vào lửa đốt đi (x. Ga 15,5-6). Không hiệp nhất với nhau nên một, người môn đệ trước sau cũng sẽ như Giuđa lủi thủi một mình với những toan tính hơn thiệt cho bản thân, rồi tự bỏ Thầy, rời xa anh em đi vào hủy diệt.
Do đó, sẽ không có truyền giáo đích thực, truyền giáo như ý Chúa muốn, truyền giáo đem lại ơn cứu rỗi cho các linh hồn, nếu người môn đệ, nhà truyền giáo chủ trương “độc lập”: ở riêng, ăn riêng, làm riêng, chơi riêng mà bất chấp cộng đoàn, bất chấp anh em, bất chấp tinh thần hiệp thông, hợp tác, và coi thường đòi hỏi hiệp nhất nên một của Đức Giêsu, bởi khi tách khỏi Giáo Hội, tự cô lập mình khỏi cộng đoàn, tập thể, đội nhóm, người môn đệ không gặp được Đức Giêsu, như Ngài đã hiện ra và gặp gỡ “các anh em của Ngài”  khi họ ở với nhau, sau khi Ngài sống lại.
Tóm lại, những lần hiện ra sau phục sinh của Đức Giêsu với các môn đệ khi họ ở với nhau, đi với nhau, cũng như sự hiện diện của Ngài giữa các ông khi Ngài còn ở với các ông là bằng chứng về yếu tính hiệp thông, hiệp nhất của Giáo Hội, tập thể những người cùng đi theo Đức Giêsu. Chưa kể lệnh truyền và dấu chỉ duy nhất để thiên hạ nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người chính là “anh em có lòng yêu thương nhau”.
Bởi có yêu thương nhau, lời chứng về Thiên Chúa là Tình Yêu Cứu Độ của người môn đệ mới thuyết phục người nghe Tin Mừng. Bởi có yêu thương nhau, nhà truyền giáo mới là nhân chứng của Tình Yêu và ơn Bình An của Đức Giêsu phục sinh cho nhân loại bất an, bất ổn vì hận thù, bạo lực. Bởi có yêu thương nhau, những người thuộc về Đức Giêsu mới là những người đáng tin khi kể về những kỳ công của Thiên Chúa đã làm cho con người vì yêu thương con người. Bởi có yêu thương nhau, những người được thánh hiến để phục vụ mới là những gương sáng bác ái, nếu không, sẽ “phản chứng và phá hoại”.
Cũng chính vì “yêu thương nhau” là dấu chỉ để mọi người nhận biết Thiên Chúa, mà người môn đệ Đức Giêsu phải đặt ưu tiên cho hiệp thông, hiệp nhất giữa nhau, và luôn ý thức: công việc truyền giáo chỉ mang lại hoa trái thiêng liêng, một khi tình hiệp thông, hiệp nhất giữa nhà truyền giáo được củng cố vững chắc, bảo đảm.
Và điều quan trọng sau cùng người môn đệ cần lưu ý, đó là ở với nhau, làm việc với nhau, hiệp thông, hiệp nhất với nhau là ý muốn đời đời của Thiên Chúa, do Tình Yêu hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi. Cũng vì thế, Thiên Chúa chỉ có mặt nơi nào có tình yêu thương, và phần thưởng lớn nhất, trước nhất mà người môn đệ nhận được khi hiệp thông, hiệp nhất với nhau chính là được ở trong Chúa, có Chúa đồng hành, có Chúa phù hộ, nâng đỡ. Phần thưởng này mới thực là điều người môn đệ phải khao khát đi tìm trước những thành qủa truyền giáo bên ngoài mà nhiều khi chỉ là những thành qủa của thế gian, do tính toán, sắp xếp của đầu óc kinh doanh, bàn tay thủ lợi của người đời, mà nhiều nhà truyền giáo đã ngây thơ mắc bẫy.
Xin Đức Giêsu phục sinh, Đấng luôn có mặt giữa những ai “tâm đầu ý hiệp” khi phụng sự Chúa, phục vụ anh em ban ơn Bình An Phục Sinh của Ngài cho tất cả  chúng ta là môn đệ của Ngài. Alléluia!
Jorathe Nắng Tím

0 nhận xét: