Có con
người là có bạo lực; nói cách khác, ở đâu có con người, ở đó có bạo lực. Kinh
Thánh Thiên Chúa giáo kể chuyện bạo lực của hai con trai nguyên tổ loài người
Ađam và Evà: Cain và Abel, hai anh em cùng dâng lễ vật lên Thiên Chúa, nhưng chỉ
lễ vật của Abel được Thiên Chúa nhận, còn của Cain bị từ chối. Ghen tuông và
căm phẫn, Cain đã giết chết em Abel.
Như thế,
bạo lực gia đình đã xẩy ra ngay từ buổi đầu của loài người trong chính gia đình
của hai ông bà nguyên tổ. Thế nên không
lạ gì, cũng chẳng phải bàng hoàng, ngạc nhiên khi bạo lực có mặt trước, trong
khi, và sau ly dị. Phần lớn vợ chồng đã ly dị vì không chấp nhận bạo lực, nhưng
như thứ vi trùng dai dẳng, bạo lực vẫn tiếp tục hăng say quấy nhiễu cả vào thời
hậu ly dị.
Nếu bạo
lực là nguyên nhân đã đưa đến nhiều cuộc ly hôn, thì bạo lực cũng là phương tiện
được dùng để trấn áp, đe doạ, làm áp lực trên nhau trong thời kỳ làm thủ tục ly
dị. Và cả khi mọi việc đã ngã ngũ sau khi đã ly dị, bạo lực xem ra cũng vẫn đeo
đẳng, không chịu buông tha.
Có nhiều
hình thức bạo lực: bạo lực tư tưởng, bạo lực
hành động, bạo lực ngôn ngữ. Tất cả đều quy về một mục tiêu là đốn hạ,
truy diệt, làm tổn thương tinh thần và thể xác nạn nhân.
Sở dĩ
ngay ở thời hậu ly dị, bạo lực vẫn hoành hành dữ dội là vì :
1. Sở hữu
mù quáng:
Sở hữu
mù quáng khi không chấp nhận phán quyết của toà án về phân chia tài sản, và
phương thức phân phối trách nhiệm đối với con cái.Vì thế, bạo lực được xử dụng
để hiếp đáp đối phương, không cho thực hiện dễ dàng phán quyết của Toà. Những
người có máu sỡ hữu mù quáng cố tình phủ nhận tính cách công bằng trong phán
quyết, nhưng khăng khăng đòi về mình “toàn quyền, toàn phần, toàn thể”; nghiã
là họ phải sở hữu tất cả, vì với họ, sở hữu chủ duy nhất chỉ là họ.
Họ muốn
sở hữu tài sản, con cái và ngay cả người chồng, người vợ mới ly dị, mặc dù luật
pháp đã chính thức và công khai tháo gỡ hôn nhân. Cũng vì tính sở hữu bệnh hoạn
mà người vợ cũ, chồng cũ của họ sẽ khó có thể được sống yên lành và tự do làm lại
cuộc đời.
2. Ghen
tuông, ganh tị:
Đã đành
ghen tuông khi còn là vợ chồng, nhưng với người có máu ghen tuông mãn
tính, tính ganh tỵ truyền kiếp thì ngay
cả khi đã ly dị rồi, họ vẫn dữ dội ghen tuông và điên cuồng ganh tị.
Ganh tị
nên không cho người khác bén mảng quen biết vợ cũ, chồng cũ đã ly dị. Ghen
tuông nên “quyết tử” với những ai mon men
gặp gỡ, rồi cùng người chồng cũ, vợ cũ của họ đi thêm một bước nữa. Tính
ghen tuông kinh niên, tính ganh tị “không đội trời chung” với bất cứ ai biến họ
thành hung bạo, tàn ác, nếu người cũ chạm đến cơn điên ganh tị, ghen tuông kinh
dị của họ.
Nhiều
người vì sợ chồng cũ, vợ cũ bạo hành, làm hại, trả thù đã không dám quen biết
ai sau khi ly dị, và tất nhiên không bao giờ dám nghĩ đến chuyện làm lại cuộc đời,
lập một gia đình mới, dù không thiếu cơ hội.
Tính sở
hữu mù quáng, cũng như tính ghen tuông, ganh tị bệnh hoạn, cả hai đều xuất phát
từ lòng ích kỷ: không muốn ai hơn mình, không muốn người đã cùng mình chung sống
và ly dị được may mắn, sung túc, hạnh phúc hơn mình. Trong đầu, họ chỉ có một ý
nghĩ bạo lực: bằng mọi cách dù thô bạo, dã man đến đâu cũng phải vùi dập, đánh
gục kẻ đã phụ bạc và ly dị.
3. Tính
tham lam, lợi dụng:
Cũng
không ít người khai thác bạo lực vì mục đích thủ lợi, tham lam và lợi dụng vật
chất của người bạn đời cũ đã ly dị. Họ dùng những bí mật biết được về người bạn
đời cũ trong thời còn chung sống để làm áp lực, tạo xì- căng- đan hầu triệt hạ
uy tín, danh dự và phá hoại sự nghiệp, tương lai của người này. Những trò đe doạ
qua điện thoại, chửi rủa, bôi bác trên mạng để gây hoang mang, tạo căng thẳng
tinh thần với ý đồ bắt ép nạn nhân phải nhượng bộ cung ứng tiền bạc không giới
hạn.
Những
người này không thấy ngượng khi ngang nhiên làm tiền, trấn lột chính người đã một
thời chung chăn chung gối. Họ vô liêm xỉ đến độ không ngại dùng bạo lực để cưỡi
trên đầu trên cổ và sống đê tiện bằng mồ hôi, nước mắt lao động của người vợ
cũ, chồng cũ.
Những
hoàn cảnh đáng thương bị bạo hành xẩy ra nhan nhản, nhưng không được mấy người
quan tâm che chở, bảo vệ, với lý do rất đơn giản, vô trách nhiệm: chuyện gia
đình người khác, can dự làm chi cho mệt.
Chính
vì thiếu tinh thần tương trợ và vì vô tâm, vô cảm mà xã hội xem ra đã không muốn
can thiệp và bạo lực gia đình, kể cả ở thời hậu ly dị vẫn còn là vết thương sâu
hoắm khó lành.
4. Tâm lý
không quân bình:
Đây là
tâm lý không lành mạnh thường thấy nơi những người ích kỷ, tâm địa hẹp hòi,
gian ác. Vì hẹp hòi nên không nghĩ đến ai; vì gian ác, nên không làm cho ai điều
tốt lành; trái lại, ai vui thì họ buồn; ai khóc thì họ vui; ai thành công thì họ
tìm phá đổ; ai hạnh phúc thì họ quậy phá tanh bành.
Họ là
người phá hoại hạnh phúc chuyên nghiệp. Nhiều khi phá để mà phá, phá cho thoả
chí ngông nghênh, chứ chưa hẳn đã biết phá để làm gì và tại sao phá. Những cú đấm vô cớ, những cú đá thình lình, những cơn phẫn
nộ bất chợt không nguyên do, những lời thô tục chửi rủa không cơ sở biểu hiện một tâm lý không quân
bình và bất ổn. Chính tâm lý chao động bất thường được bạo lực không ngừng làm
sôi sục đã gây ra không ít thảm cảnh gia đình rất đáng thương.
Như thế,
ly dị rồi cũng chưa được kể là xong, nếu phải ly dị với những người “sở hữu,
ghen tuông, tham lam, không quân bình tâm lý”; bởi những người này không ngại
dùng bạo lực như phương tiện để tiếp tục đòi quyền làm chủ, ganh tị, tham lam,
lợi dụng, phá hoại, quấy nhiễu.
Như thế mới biết, một khi đã bước chân vào hôn
nhân, người ta mang vào mình nhiều hệ lụy nếu chẳng may hôn nhân đổ vỡ. May mắn
là được ly dị bình an và hậu ly dị là chuỗi ngày yên lành, thong thả. Hạnh phúc
hơn là xây dựng một mái ấm mới với người mới dễ thương, tử tế. Nhưng bất hạnh
xem ra vẫn không buông tha hạnh phúc khi bạo lực vẫn lảng vảng, quanh quẩn đe dọa
đâu đó…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét