Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2020

NGƯỜI TRẺ VÀ ĐỨC TIN (3)


                                             TÔN GIÁO
Không có một định nghiã hoàn chỉnh của từ “Tôn Giáo” cho tất cả các tôn giáo, bởi mỗi tôn giáo đều có những đặc điểm khác nhau. Thí dụ: có những tôn giáo  tuy được gọi là tôn giáo, nhưng không đề cập đến Thượng Đế hay thần thánh, trong khi từ Tôn Giáo, theo nguyên ngữ latinh RELIGIO có nghiã: tương quan, liên đới giữa Thiên Chúa và con người. Vì thế, trong bài chia sẻ này, chúng ta sẽ tương đối hoá từ Tôn Giáo, và không nhất thiết áp dụng chặt chẽ định nghĩa Tôn Giáo theo nguyên ngữ latinh cho tất cả các tôn giáo được trình bầy.
A.  Một số tôn giáo lớn:
1.   Tôn giáo không có Thượng Đế:
Đó là những tôn giáo mang tên “tôn giáo”, nhưng hoàn toàn không bàn đến chuyện thần thánh, thượng đế, không bận tâm đến những chuyện siêu nhiên ngoài cuộc đời, không quan tâm đến những gì ở ngoài quỹ đạo cuộc sống, cùng lắm chỉ điểm phớt qua, mà không đi sâu vào lãnh vực siêu nhiên, cũng không đưa ra những giải đáp, phương án giải quyết những vấn nạn thuộc thế giới bên kia của con người bằng dựa vào một quyền lực thiêng liêng.
Ở đây chỉ xin nêu ra hai tôn giáo điển hình không thần thánh, thượng đế là Khổng Giáo và Phật Giáo.
a.   Khổng Giáo:
Khổng giáo xuất hiện vào thế kỷ thứ V trước công nguyên ở Trung Quốc, sáng lập bởi Khổng Tử (551- 479 trước CN), chủ trương thiết lập một trật tự xã hội hoàn hảo, ở đó, mỗi người đều có chỗ của mình, và nghiã vụ phải chu toàn đối với người khác, bổn phận phải làm tròn đối với xã hội. Tất cả đều được lập trình và hầu như bất di bất dịch, chẳng hạn người phụ nữ trong xã hội Khổng Mạnh, họ sẽ phải đi theo quy trình: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, nghiã là còn bé ở nhà thì tùng phục cha mẹ, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì lệ thuộc con, mà không khoảnh khắc nào của cuộc sống được độc lập, riêng tư.
Mục tiêu của Khổng Giáo là thiết lập và duy trì một xã hội trật tự, nề nếp, gồm những người sống theo lý tưởng làm người có Nhân, Lễ, Nghiã, Trí, Tín. Khi sống theo khuôn khổ được thiết kế, luật lệ được quy định, người ta sẽ trở thành người tử tế và xã hội sẽ bình yên.
Như thế, Khổng Giáo chỉ nhằm giúp con người sống luân lý làm người, hành động theo lương tâm, nhân ái, nhân đạo trong tương quan giữa người với người, mà không bàn về Thiên Chúa, Thượng Đế, mặc dù có nhắc đến Trời, nhưng chỉ như một ý niệm không mấy rõ rệt.
b.   Phật Giáo:
Bên cạnh là Phật Giáo xuất hiện tại Ấn Độ cũng vào thế kỷ thứ V trước công nguyên. Phật Giáo không chủ trương giải quyết những vấn đề “ngoài con người, nghiã là không lấn sang phạm vi siêu nhiên như đi tìm Thiên Chúa, hay Thượng Đế nào đó, cũng không đặt vấn đề của thế giới vô hình, thiêng liêng, ngoại trừ vấn đề luân hồi, đầu thai, nhưng ngay cả vấn đề có tính “siêu nhiên” này cũng vẫn không ra khỏi lãnh giới của con người, và luôn thuộc về con người, mà không cần sự can thiệp của thần thánh, hay thượng đế nào.
Vị sáng lập Phật Giáo là Đức Thích Ca Mâu Ni. Ngài là một người, một hoàng tử, và luôn luôn nhận mình là con người, chỉ khác ở chỗ đã giác ngộ. Thấy cuộc đời là bể dâu, biển khổ và đời người dệt nên bởi Tứ Khổ: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Đức Phật tự đi tìm phương án để giải thoát chúng sinh, và ngài đã tìm thấy giải đáp, đó là dục vọng, lòng ham muốn đã làm con người khổ. Chính dục vọng, lòng ham muốn làm quay quắt tâm can, úa tàn hạnh phúc, nên để hết khổ, con người chỉ còn cách diệt dục, bỏ đi lòng ham muốn.
Bàn về cuộc sống sau cái chết, Đức Phật cho rằng nguyên tắc Nhân Qủa sẽ là đáp số đúng cho vấn đề: nếu ăn ngay ở lành, nếu sống nhân ái, hoà thuận, yêu thương, nếu rộng lòng giúp đỡ người cô thế, nghèo hèn, con người sẽ nhận về phần phúc và chính phúc đó sẽ biến đổi nghiệp của mỗi người theo hướng tích cực, nghiã là nghiệp sẽ cao hơn, tốt hơn, lành hơn trong kiếp tới. Trái lại, kiếp này sống gian tham, độc ác thì kiếp sau sẽ phải trả bằng mang vào một nghiệp xấu, hèn hạ, khổ sở, bất hạnh hơn kiếp này… Điều đặc biệt ở Phật Giáo là không ai có thể can dự vào nghiệp của người khác, nhưng mỗi người tự quyết định phúc họa của mình, cũng như tự định đoạt cho mình nghiệp của kiếp sau.
Vì thế, giáo lý nguyên thủy của Phật Giáo không có chuyện xin Đức Phật cầu thay nguyện giúp, cũng không có chuyện khấn vái, cầu xin “thần thánh”, bởi giáo lý chủ trương chính con người làm nên phận số của mình, quyết định nghiệp của mình theo Nhân Quả mà không cậy dựa vào thần thánh nào ở cõi cao siêu phù trợ, bênh đỡ.      
2.   Tôn giáo đa thần:
Ấn Độ giáo tin vào nhiều “vị thần” được xem như những khuôn mặt khác nhau của cùng một thực thể thiêng liêng là Brahman. Có rất nhiều vị thần được thờ trong Ấn Độ giáo, trong số đó có ba vị thần chính: Brahma - Thần tạo dựng, Vishnu - Thần bảo trì, và Shiva - Thần hủy hoại.
Ấn Độ giáo tin đầu thai, luân hồi, và hạnh phúc lớn nhất của con người là thoát khỏi vòng luân hồi, đầu thai để đạt đến tình trạng hoàn toàn được giải thoát gọi là Nirvana.
Xuất hiện 1500 năm trước công nguyên với khoảng 900 triệu tín hữu, chiếm 80% dân số Ấn Độ. 
3.   Tôn Giáo độc thần:
Chúng ta tạm dùng từ “Thiên Chúa” để chỉ Đấng Thiêng Liêng có những thuộc tính như vô cùng quyền năng, vô cùng thánh thiện, vô cùng dũng mạnh, vô cùng chính trực, vô cùng khôn ngoan, thông biết mọi sự, tạo dựng mọi loài, thưởng phạt công bình, thương xót loài người, vinh quang tuyệt đối, Cội Nguồn và Cùng Đích…
Những tôn giáo độc thần tôn thờ Thiên Chúa duy nhất như Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Kitô Giáo, nhưng riêng Kitô Giáo có những khác biệt đối với cả Do Thái Giáo và  Hồi Giáo. Vì thế, riêng trong phần “tôn giáo có Thiên Chúa duy nhất”, chúng ta chỉ đề cập đến Do Thái Giáo và Hồi Giáo.
a.    Do Thái Giáo:
Do Thái Giáo được khai sinh từ khi Giavê Thiên Chúa tuyển chọn Ápraham làm tổ phụ của dân riêng Ngài muốn thành lập. Dân này có tên Israel, và Cựu Ước vừa là kinh thánh vừa là lịch sử của tôn giáo, dân tộc Do Thái. Sở dĩ vừa là kinh thánh vừa là lịch sử, vì dân tộc Do Thái cũng là tôn giáo Do Thái, nghiã là tất cả người Do Thái đều là tín hữu Do Thái Giáo. Điều này không còn đúng trăm phần trăm, kể từ khi Đức Giêsu, người Do Thái, quê Nadarét rao giảng một tôn giáo mới bắt nguồn từ Do Thái giáo, cách nay 2020 năm.
Kinh Thánh của Do Thái giáo ghi lại những biến cố, giai đoạn lịch sử, tiến trình hình thành từ bộ lạc đến vương quốc hùng mạnh, rồi bị lưu đầy cơ cực, cùng những bài giáo lý, giáo huấn của các ngôn sứ gồm đủ thể loại.  
Người tín hữu Do Thái tin thờ Thiên Chúa Giavê, Đấng đã chọn họ làm dân riêng và đã lập với họ một giao ước: Ngài là Thiên Chúa của họ, và họ là dân của Ngài. Trung tín với giao ước và Lời Hứa, Thiên Chúa Giavê đã cứu họ thoát khỏi ách nô lệ của Ai Cập, khi sai Môsê đi giải phóng và đưa họ về đất mà Thiên Chúa Giavê đã hứa ban, và trong mọi tình huống, hoàn cảnh dù thê lương, bi thảm đến đâu, Thiên Chúa Giavê vẫn luôn trung tín với giao ước và phù trợ họ như dân riêng của Ngài.
Mười Điều Răn được Thiên Chúa Giavê ban cho dân qua ông Môsê trên núi Xinai là hiến pháp của dân Do Thái, và nghi thức “cắt bì” các con trai là dấu chỉ của giao ước thánh thiện đó.
b.  Hồi Giáo:
Từ thế kỷ thứ VII, Hồi Giáo xuất hiện ở Arabi, với ngôn sứ Mahômét được coi là ngôn sứ cuối cùng của Thiên Chúa Allah. Đức Allah ban giáo lý của ngài cho ngôn sứ Mahômét và  được cẩn thận ghi chép, gìn giữ  trong kinh Coran. Hồi Giáo tin thờ một Thiên Chúa duy nhất, có nguồn gốc từ Ápraham, người được Thiên Chúa kêu gọi và trở thành cha của những kẻ tin.
Hồi Giáo là tôn giáo lớn thứ hai với khoảng 24% dân số thế giới, sau Thiên Chúa giáo và trước Ấn Độ giáo.
4.   Kitô Giáo:
Gọi là Kitô giáo, vì các tôn giáo này tin thờ Đức Giêsu Kitô, người Do Thái, có mặt vào thế kỷ thứ nhất ở Palestina. Ngài xuất thân từ một gia đình ở Nadarét, miền Giuđê. Cha mẹ Ngài là ông Giuse và bà Maria. Tín hữu Kitô giáo tin thờ Ngài là Thiên Chúa nhập thể làm người.
Đức Giêsu Kitô là người Do Thái, gia đình Ngài cũng như Ngài là những tín hữu Do Thái đạo đức. Vì thế, Kitô giáo do Ngài thiết lập bắt nguồn  từ Do Thái giáo được xem như một chuẩn bị cho Kitô giáo của Ngài.
Ngoài Công Giáo còn Chính Thống Giáo tách ra khỏi Công Giáo từ năm 1054, và Tin Lành ly khai khỏi Công Giáo vào thế kỷ XVI với Martin Luther (1483-1546).
B.  Trước Vấn Đề Chọn Lựa Tôn Giáo: 
Trước tôn giáo, có nhiều chọn lựa và thái độ khác nhau, vì tín ngưỡng, tôn giáo thuộc quyền tự do cá nhân, mà không ai, không tổ chức, chế độ nào có quyền ép buộc hay tước đọat quền căn bản thiêng liêng này.
Chính vì tự do chọn lựa, nên mỗi người có suy nghĩ, thái độ và chọn lựa khác nhau trước vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo.
Có người từ tấm bé đến tuổi già không bao giờ đặt vấn đề tôn giáo, và vui vẻ đi theo tôn giáo của ông bà, cha mẹ, vì coi đó là bổn phận trung thành của con cháu với truyền thống gia đình, gia tộc, nên việc cải đạo, tức thay đổi tôn giáo đối với họ là việc làm bị xem như hành vi “phản bội tổ tiên” không thể chấp nhận được. Với những người này, tôn giáo không là mối bận tâm lớn, nên hầu như không mấy khi được đặt thành vấn đề và tìm hiểu sâu rộng.
Có người sinh ra trong gia đình không tôn giáo, nên đến tuổi lớn, đã tìm cho mình một tôn giáo, khi cảm thấy nhu cầu tâm linh hối thúc. Họ có thể xin theo vì tình cờ biết một tôn giáo nào đó qua bạn bè, hoặc ấn tượng trước  giáo lý, hay tín hữu của tôn giáo đó.
Có người theo một tôn giáo vì đòi hỏi của xã hội, gia đình như theo đạo của vợ, hoặc chồng, theo đạo của ông chủ để có vị thế tốt hơn trong nghề nghiệp, theo đạo của đa số dân chúng trong vùng để tạo ảnh hưởng và dễ tiến thân trên đường chính trị.
Có người tin theo một tôn giáo, vì Thiên Chúa, hay vị thần, đấng thánh của tôn giáo đó đã “làm phép lạ” cứu chữa, giải cứu họ trong một trường hợp cực kỳ khó khăn, nguy hiểm nào đó. Và để tỏ lòng biết ơn, họ chọn tôn giáo đã đem lại cho họ và người thân may mắn, phúc lộc.
Có người tìm tôn giáo không vì tin cho bằng vì sợ: sợ khi gặp gian truân, thử thách không biết kêu cầu ai, nài xin Đấng nào phù hộ; sợ chết sẽ không được lên thiên đàng vì không Đấng thiêng liêng nào cứu  giúp; sợ ở thế giới bên kia cô thân cô thế, cô độc, cô đơn, không đồng đạo chở che, không cộng đoàn bênh đỡ. Tóm lại, vì sợ cuộc sống bấp bênh, sợ không biết đi đâu, về đâu  giờ chết, nên phải tìm cho mình một tôn giáo như bảo hiểm an toàn.
Có người tìm tôn giáo vì cần. Cần có tôn giáo để bớt lo âu, bớt thấy tâm hồn trống trải trước khát vọng tuyệt đối, bớt quay quắt trước ước mơ bao la, vô tận đêm ngày cuồn cuộn dâng lên trong tim óc. Họ đã đi tìm trong thế giới vật chất, hữu hình những đáp số, nhưng không đáp số nào được coi là thoả đáng đối với nhu cầu tâm linh, để tâm hồn họ được toại nguyện, an bình.
Cũng có người chọn tôn giáo làm khí cụ, phương tiện cho mục đích phi nhân, như nhiều tổ chức khủng bố thuần túy đã nhận mình là tôn giáo này, tôn giáo nọ để thực hiện những cuộc khủng bố đẫm máu cho chủ trương và mục đích hoàn toàn chính trị. Tôn giáo trong trường hợp này chỉ là bung xung, chiêu bài, mặt nạ, vỏ bọc bên ngoài, mà không mang một giá trị tâm linh nào.
Như thế, vì tự do chọn lựa, nên cửa ngõ các tôn giáo đều mở rộng, để mỗi người hoàn toàn tự do bước vào tìm hiểu và quyết định, theo tiêu chí riêng: có người đi đạo vì đạo mang lại nhiều lợi ích, có người theo đạo vì có thể xử dụng uy tín, ảnh hưởng của đạo cho đường tiến thân, có người đi đạo vì thời thế, hoàn cảnh, nhưng cũng có rất nhiều người đi đạo vì TIN, theo đạo vì muốn TÌM GẶP Đấng mà họ đi tìm, để một khi đã Tin và đã Tìm Gặp, họ nhận được ơn Bình An là Hạnh Phúc viên mãn cho cả đời này và đời sau, đúng như ý nghĩa đích thực của tôn giáo: liên đới, gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người.    
Thực vậy, trước mặt chúng ta, các tôn giáo như những con thuyền đưa con người vượt “biển đời” nhiều sóng gió để đến bờ bên kia là cuộc sống hạnh phúc, bình an, sau khi đi hết hành trình dương thế này. Chúng ta được phép quan sát, tìm hiểu từng con thuyền, để biết thuyền nào có đủ khả năng vượt sóng, đủ bảo đảm an toàn đưa ta vượt biển an toàn, đến bến bình an. Bởi có những tôn giáo mà giáo lý thiếu nhất thống, không chặt chẽ, tất nhiên không thể giải đáp toàn phần, toàn diện những vấn đề của con người, mà chỉ một phần; có tôn giáo chỉ giải quyết những vấn đề nhân sinh, mà không giải mã được những ẩn số của đời sau; có tôn giáo chỉ chủ trương luân lý làm người, mà không nói gì đến những khắc khoải siêu nhiên của tâm hồn con người. Đó là chưa kể vô số những “giáo phái” sáng lập bởi những nhân vật có tâm lý bất bình thường, với “giáo lý” cục bộ, kỳ thị, không chỉ phản nhân văn, mà còn nguy hại cho sự sống và nhân quyền, như những giáo phái chủ trương “trụy lạc tình dục, lọan luân và tự sát tập thể”.  
Tóm lại, không ai sống “vô thần” mà hạnh phúc, vì một lý do đơn giản: con người là con vật có tín ngưỡng, có niềm tin, có tôn giáo, vì không con người nào dễ dàng lọai bỏ được linh hồn, và không ai bịt miệng được linh hồn, khi linh hồn lên tiếng đòi hỏi nhu cầu tâm linh. Vì thế, tránh đối diện vấn đề tâm linh, lọại bỏ nhu cầu thiêng liêng của linh hồn, con người sẽ bất hạnh trăm bề, và không thể là người hạnh phúc, trong khi hạnh phúc là mục tiêu con người hằng mơ ước, đi tìm.  
Để kết luận, người viết xin được vắn tắt chia sẻ hành trình đón nhận đức tin Công Giáo của mình, với ước mong qúy bạn trẻ tìm được chút ít kinh nghiệm của một người anh lớn tuổi đã đi gần hết đường đời.
Tôi sinh trưởng từ gia đình công giáo gốc, nghiã là từ rất nhiều đời, gia đình tôi đã theo đạo Công Giáo. Lớn lên trong xứ đạo, tôi đi đạo như tất cả mọi giáo dân trong xứ, và suốt những năm tháng ấu thơ rồi niên thiếu, đi đạo với tôi chỉ là sống ngay lành, lương thiện, đi lễ hằng ngày, đọc kinh mỗi tối để “khi chết khỏi phải sa hoả ngục”, vì thiên đàng, hoả ngục là giáo lý được “ông quản, bà trương” nhồi nhét nhiều hơn cả. Và thuở ấy, tôi đi đạo trong tâm trạng lấm lét, sợ hãi Thiên Chúa, và Đức Giêsu với tôi vẫn còn rất xa lạ.
Sau này càng lớn, tôi càng khám phá dung mạo Đức Giêsu và Ngài hấp dẫn, lỗi cuốn tôi.
Ngài lôi cuốn tôi, vì Ngài là Thiên Chúa làm người: Thiên Chúa xuống trần gian mặc lấy xác phàm và sống như con người, chia sẻ đến tận cùng thân phận con người, kể cả đau khổ và cái chết, trong khi các vị sáng lập tôn giáo khác chỉ là con người như Đức Phật, hoặc con người được chọn làm ngôn sứ như ngài Mahômét.
Riêng một mình Đức Giêsu thì vừa là Thiên Chúa vừa là con người, nên những gì Ngài mặc khải về Thiên Chúa chắc chắn sẽ đúng, vì chỉ Thiên Chúa mới biết Thiên Chúa là ai, biết Thiên Chúa muốn gì, biết Thiên Chúa hoạt động thế nào… Cũng vì là Thiên Chúa, nên những gì thuộc thế giới siêu nhiên, những gì vượt xa tầm hiểu biết, suy đoán của con người thì Ngài đều biết, và cho con người biết như ý nghiã và giá trị của đau khổ, sự chết, sự sống lại của con người, và thiên đàng, hỏa ngục.
Ngài còn hấp dẫn tôi vì Ngài là con người. Là con người nên tôi thấy Ngài rất gần gũi và thương yêu con người. Tin Mừng mặc khải cho tôi Ngài không từ bỏ, xa lánh, kỳ thị bất cứ ai, dù là người tội lỗi công khai bị xã hội lên án, tẩy chay, khinh miệt, nhưng thân thiện, cảm thông, thương xót và cứu chữa tận tình hết mọi người đến với Ngài.
Tôi say mê cung cách khiêm tốn, chịu đựng của Ngài trước những xúc phạm của người khác, và lòng bao dung, cao thượng của Ngài.     
Tôi cũng thấy và cảm nghiệm hạnh phúc khi sống theo giáo huấn Yêu Thương của Ngài, vì Ngài là Tình Yêu. Chính vì là Tình Yêu nên Ngài chỉ có thể yêu thương, dung thứ và quên hết lỗi lầm, tội lụy của con người, miễn con người nhận mình là tội nhân chạy đến xin Ngài thương xót.
Ngày xưa, tôi rất sợ Thiên Chúa, nhưng từ khi được “sống gần” Ngài, tôi không sợ như tên nô lệ sợ ông chủ, như tội nhân sợ quan toà, cai ngục, hay như thần dân sợ vua chúa nữa, nhưng yêu mến và tín thác ở Ngài như người con tin yêu Cha mình, dù đời tôi thăng trầm muôn nỗi, vì yếu đuối, tội lỗi đầy mình. Tôi cũng hết lo âu, tính toán lợi lộc, ki bo, kiếm chác, cả đến chuyện thiên đàng, hoả ngục tôi cũng chẳng mất thời giờ quan tâm, bởi chỉ có một điều tôi dốc toàn lực để thực hiện, đó là thực hiện Giới Răn Yêu Thương là di chúc của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng tôi tin và tôn thờ, bởi tôi chỉ thấy Yêu Thương là điều Thiên Chúa đợi chờ ở tôi, chỉ Yêu Thương mới làm cho tôi được đổi mới nên giống Ngài, chỉ Yêu Thương tôi mới nắm chắc phần thưởng được cứu độ.
Tôi cũng say mê Đức Giêsu vì Ngài là Thiên Chúa tuyệt đối tôn trọng tự do của mỗi người. Ngài để con người tự nguyện tin Ngài mà không bắt buộc ai tin, để mỗi người tự chọn đi theo Ngài mà không mồi chài, dụ dỗ. Bên cạnh đó, Ngài tín nhiệm con người khi mời gọi cộng tác với Ngài trong mọi việc liên quan đến hạnh phúc của con người. Cũng chính vì thế mà nhiều công trình của Ngài làm cho con người đã bị chính con người phá hoại, làm đổ vỡ vì bất trung và bất hợp tác.
Vâng, tôi đã đi được phần lớn hành trình cuộc đời. Cũng như Bạn, tôi đã trải qua tuổi trẻ phân vân, do dự giữa ngã ba, ngã tư, ngã năm, ngã sáu trước niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo. Tôi mong Bạn hãy bình tĩnh, bình tâm và tiếp tục tìm kiếm. Thiên Chúa không bao giờ phụ lòng những tâm hồn thiện chí đi tìm Ngài, Thiên Chúa không bao giờ dửng dưng, hờ hững trước những trái tim khao khát tìm gặp Ngài. Sớm hay muộn, Ngài sẽ tự mặc khải cho Bạn khi đến bên Bạn và mời Bạn đến thăm chỗ ở của Ngài, như đã mời nhiều người trẻ ngày xưa đến gặp và xin theo Ngài: “Hãy đến mà xem”, và họ đã đến xem và ở lại làm môn đệ Ngài.
Phần tôi, cám ơn Bạn đã kiên nhẫn chia sẻ với tôi đến dòng này. Tâm tình cuối cùng tôi muốn trao gửi Bạn, đó là sẽ đến một lúc, khi ở với Đức Giêsu và yêu mến Ngài rồi, Bạn sẽ chẳng còn nghĩ đến chuyện đi đạo có lợi hay không có lợi, theo Đức Giêsu  sướng hay khổ, mà chỉ còn lại duy nhất một thao thức, một ước mơ, một nỗ lực, đó là: Tâm hồn càng trống trải, vì từ bỏ những ích kỷ, ganh ghét, hận thù, cuộc sống càng đầy tràn Thiên Chúa, và một khi được Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người ở cùng và đồng hành, chúng ta được sống bình an, dù gian truân ngập lối và thử thách bủa vây.
Mến chúc Bạn gặp Đấng đang trên đường đi tìm Bạn, để Ngài ở đâu, Bạn cũng được ở đó với Ngài.
Jorathe Nắng Tím

0 nhận xét: