Mỗi
dịp Noel, các học sinh thành phố có thói quen chuẩn bị những món quà Giáng Sinh
để gửi cho các em bé nghèo ở vùng sâu vùng xa. Nhìn những gói qùa do chính tay
các em gói, đóng thùng gửi đi với tình yêu chia sẻ, tôi thấy dậy lên nỗi xúc động khôn tả và niềm vui tràn đầy hy
vọng ở tương lai.
Tôi
cũng tò mò quan sát những gói quà dễ thương, ăm ắp tình người và nhận thấy :
không gói nào vắng bóng một búp bê xinh xinh hay một chú chó, chú mèo, chú gấu
nhồi bông.
Tôi
tạm gọi chung là “búp bê” tất cả những
người bạn “nhồi bông” khó rời của tuổi thơ, những anh Gấu, chị Mèo, em Beo
trung thành luôn có mặt, không mấy khi chịu rời xa bé. Từ Á sang Âu, từ Pháp
qua Mỹ, từ New York đến Sydney, đâu đâu tuổi thơ cũng ôm một chú Gấu, một búp
bê trừ những em bé sinh ra trong hoàn cảnh
nghèo nàn, túng quẫn mà ngay cả nước gạo cũng không có để uống thay sữa, nói
chi đến những Gấu, Chó, Búp Bê đưọc xếp vào hàng “xách tay” xa xỉ.
Búp
Bê với bé là một người bạn thân tình, tri âm tri kỷ. Người bạn ấy :
1.
Biết
tất cả về bé :
Với
bé, không ai biết bé muốn gì, thích gì, buồn gì, nghĩ gì bằng Búp Bê, vì không
ai ở gần bé bằng Búp Bê. Đàng khác, bé không kể cho ai, ngay cả cha mẹ tất cả
những gì thuộc về bé. Đời sống của bé, Búp Bê biết hết rồi. Ngay cả bé mơ gì
trong giấc ngủ, bé tin rằng Búp Bê cũng biết hết, vì Búp Bê ngủ sát bên bé mỗi
đêm. Với bé, Búp Bê là người biết hết mọi
sự và bé có thể hỏi ý kiến Búp Bê về mọi vấn đề.
2.
Chăm
chú lắng nghe bé:
Lắm
lúc bé nói mà chẳng ai nghe, kể cả mẹ, vì mọi người mải mê lo chuyện riêng của
họ; chưa kể nhiều lúc người lớn bỏ bé nằm một mình. Bé có cảm tưởng chuyện bé
nói, điều bé kể không hấp dẫn, không lôi kéo chú ý của người lớn, bằng chứng là
chẳng mấy người quan tâm. Chỉ có Búp Bê là dễ thương quan tâm lắng nghe bé.
Không chỉ quan tâm thôi, mà còn yên lặng để bé nói cho đến hết những gì bé muốn
nói. Bé biết không ai dễ thương bằng Búp Bê, vì Búp Bê luôn nghe bé.
3.
Không
bao giờ nóng giận, khó chịu với bé:
Mấy
sáng nay, bé liên tục bị mẹ càu nhàu, khó chịu vì bé bú chậm làm mẹ mất thời giờ.
Bé thương mẹ vì mẹ cho bé bú, nhưng bé không thích mẹ khi mẹ nổi nóng, làm mặt
dữ với bé. Búp Bê của bé thì không dữ như mẹ. Búp Bê chẳng bao giờ biết giận dỗi
bé, ngay cả khi bé lười không bú, làm reo không ngủ…
4.
Trấn an bé:
Bé rất sợ ở một mình, nhất là giữa đêm
khuya khi bé thình lình thức dậy không
thấy mẹ. Bé tưởng tượng : nếu không có Búp Bê ở bên cạnh, chắc bé sẽ sợ đến
chết được.
5. An ủi, nâng
đỡ bé:
Bé rất hay bị mẹ mắng vì không chịu bú sữa, lại không ngủ đúng giờ, chưa
kể bé còn hay đái dầm nữa. Bị mẹ la, bé làm gì bây giờ, nên chỉ khóc thôi. Cũng
may có Búp Bê an ủi, nếu không bé buồn đến chết được, vì chẳng có ai hiểu tại
sao bé đã không bú, không ngủ...
Như thế, phần nào ta đã thấy vai trò khó thay thế của
Búp Bê trong đời sống thơ ấu của em bé. Thực sự em cần Búp Bê và coi Búp Bê như
bạn, như chị em, anh em song sinh. Ở đây ta cần lưu ý một điều: nhu cầu được lắng
nghe, được quan tâm, được an ủi,nâng đỡ là nhu cầu chung của con người và em bé
tuy còn bé nhưng đã là một con người,
nên có đủ những nhu cầu đó. Vì thế, nhu cầu có Búp Bê không chỉ dành cho các bé
gái, mà cho cả bé trai, chỉ khác một điều
giữa trai – gái là hình dạng của Búp Bê. Các bé gái thích Búp Bê là người, các
bé trai ưa Búp Bê bằng thú.
Kinh nghiệm nuôi con của nhiều cha mẹ cho thấy :
rất khó tách con nhỏ ra khỏi Búp Bê của em. Đi đâu xa nhà mà quên mang theo Búp
Bê là coi như con sẽ mất vui, khó ngủ…Búp Bê gắn liền đời sống của em bé và biến
thành người bạn lý tưởng của em. Những đối thoại nghe được của em bé với Búp Bê
càng cho ta thấy mức độ tin tưởng, tín nhiệm của bé dành cho Búp Bê của mình.
Ở đây, chúng ta nhìn nhận vai tró tích cực của Búp Bê
trong đời sống của em bé khi cho em cơ hội trút bỏ lòng mình, giải toả ấn ức, xả
bớt căng thẳng. Nó giúp em bé khám phá thế giới bên ngoài bằng tập diễn tả nội
tâm cách tự nhiên, không sợ hãi, mặc cảm. Nó cũng đồng hành với em bé những bước
đầu trong tiến trình tạo nhân cách qua tương quan.Và người ta có thể nói: Búp
Bê là dàn trải của tâm hồn em bé.
Nhưng bên cạnh những điểm tích cực này, Búp Bê có thể đưa
em bé đến tình trạng từ chối đối thoại với cha mẹ và những người khác. Em từ chối
vì thấy mình không cần; bởi những nhu cầu tâm lý cần cho em thì Búp Bê đã đáp ứng rồi. Vai trò của cha mẹ trong đối thoại vì thế giảm bớt trầm trọng, nếu
cha mẹ lơ là, ơ hờ không tìm dịp lắng nghe, nói chuyện với em.
Đối thoại là nhu cầu của em bé. Em có thể đối thoại
qua ánh mắt, tay chân quờ quạng, đôi môi chúm chím, lắp bắp bi bô. Đối thoại
giúp em ra khỏi mình để đến với người khác, hiểu người khác. Không có nhịp cầu
đối thoại, em sẽ bị giam trong pháo đài cô quạnh, buồn chán là “cái tôi đặc sệt,
ngộp thở”.Vì thế, cha mẹ không nên khoán trắng vai trò đối thoại cho Búp Bê vô
hồn, vô cảm, vô tri mà quên nhiệm vụ xây nhịp cầu đối thoại với con cái của
mình, mà hậu qủa tai hại có thể xẩy đến là biến em bé thành một người lớn suốt đời “độc thoại”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét