Không
cha mẹ nào không hãnh diện với nhau và với người khác về con mình như kết qủa của
Tình Yêu. Khi khẳng định đứa con là kết qủa, hoa trái của tình yêu, cha mẹ đã mặc
nhiên chân nhận: con cái đã được sinh ra bởi tình yêu và chúng cũng sẽ lớn lên,
trưởng thành trong tình yêu. Nói một cách khác, cha mẹ đã định cho con cái Tình
Yêu như hướng đi vào đời.
Định
Tình yêu là hướng đi cuộc đời của con, cha mẹ
tất nhiên sẽ dậy con tình yêu là gì và thế nào mới thực là yêu.
1.
Yêu
hay được yêu?
Khi
vào đời, em bé biểu lộ qua tiếng khóc nhu cầu muốn được nhìn nhận, được biết đến
và được yêu. Em chưa biết yêu mà chỉ muốn được mọi người yêu. Em khóc khi không
ai để ý đến em, bỏ em một mình; em khóc khi không ai thay tã, cho em ăn; em
khóc khi mẹ chưa kịp ôm em khi em vừa thức dậy và mọi người đều biết : em
rất cần được yêu thương, che chở.
Nhu
cầu được yêu này sẽ theo em đến 9, 10 tuổi và em chỉ thích gần gũi những người lo cho em. Với những người này, em
tỏ ra đặc biệt gắn bó và người ta tưởng lầm em yêu họ. Thực ra em bé vẫn chưa
biết yêu và tình yêu ở em vẫn ở trong vòng phủ sóng của ích kỷ: chỉ muốn được
người khác yêu. Vì ích kỷ, em tìm sở hữu mình và sở hữu người khác; tìm khẳng định
quyền lực của mình trên người khác bằng cách khóc thét khi không vừa ý, khóc
nhè khi đòi mà khôngđược, khóc thút thít khi ai đó nói không thương em.
Tình
trạng tâm lý “chỉ muốn được yêu” này có thể kéo dài đến tuổi dậy thì khi tình
yêu thụ động, ích kỷ của em bắt đầu đương đầu với nội tâm nổi sóng tình cảm, tình dục. Ở tuổi
này, em chuyển dần từ tình yêu thụ động sang tình yêu chủ động; nghiã là em
khám phá khả năng yêu của mình. Nói cách khác, từ nhu cầu “Tôi muốn được yêu”,
em chuyển sang khả năng “Tôi có thể yêu”.
Ngay cả tình yêu thụ động “Tôi muốn được yêu” vào thời kỳ này cũng sẽ biến
thành tình yêu lựa chọn: “Tôi chấp nhận được yêu”.
Khoa
tâm lý nhi đồng cũng ghi nhận: có nhiều em bé không bầy tỏ nhu cầu được yêu;
trái lại biểu hiện thái độ từ chối được yêu. Những em bé này sợ hãi khi người
khác ôm hôn, bồng bế, nựng nịu. Ngay cả với người chăm sóc, em cũng tỏ ra sợ sệt,
tránh né. Đây là tình trạng tâm lý phức tạp: phức tạp vì em từ chối khám phá thế
giới bên ngoài, em sợ người khác vì người khác
đối với em chỉ là những tên kích động muốn phá vỡ không gian
thinh lặng, an toàn của em. Và em sợ một phần cũng vì không tin ở mình, nên đã không tin ở
người khác.
Giáo
dục tình cảm, tình yêu của con cái,
chính là nhận diện thái độ của em đối với người khác để hướng dẫn em đi đến một
tình yêu “hướng đến người khác”, một tình yêu quan tâm đến người khác chứ không
chỉ là tình yêu thụ động, đòi người khác phải quan tâm đến mình. Ý nghiã đích
thực của tình yêu là ra khỏi mình để đến với người khác, nên khi ích kỷ và chỉ
muốn ở hoài, ở mãi trong pháo đài an toàn giả tạo, em bé sẽ mất khả năng yêu và
sẽ rơi vào tình trạng trầm cảm, căng thẳng, xáo trộn tâm lý.
Để
em bé biết yêu và chấp nhận được yêu là hai đòi hỏi của tình yêu đích thực, cha
mẹ phải trở thành nhà giáo dục tình yêu của em bằng cách biểu lộ tình yêu dành cho nhau. Chính tình yêu
của cha mẹ dậy em biết yêu, vì tình yêu cao qúy, đúng nghiã là tình yêu tận hiến,
hy sinh cho nhau của hai người yêu nhau.
Em
sẽ học biết tình yêu đích thực là tình
yêu quan tâm đến người khác khi thấy mẹ quan tâm đến cha khi ra vào thấp thỏm: “Sao
hôm nay ba chúng con chưa về? Không biết có chuyện gì không?”. Hình ảnh của cha
mẹ yêu thương, lo lắng, hy sinh cho nhau là những bài học căn bản tuyệt vời về
tình yêu và con cái sẽ biết yêu nhờ có những
cha mẹ biết yêu nhau hết tình, hết mình.
Giáo
dục tình yêu là nền tảng của mọi giáo dục, vì em bé sẽ mất hết quân bình tâm lý
nếu không được yêu và không học yêu như tình yêu đòi hỏi. Chỉ muồn được yêu
thôi, em sẽ ích kỷ; nhưng chỉ yêu mà không chấp nhận được yêu cũng là một dấu
hiệu của mất quân bình. Tình yêu có hai chân: Yêu và chấp nhận được yêu. Có hai
chân khoẻ mạnh, đồng đều, tình yêu mới bước đi vững chắc trên hành trình hạnh
phúc của cuộc đời.
2.
Vì
ba mẹ yêu em, nên em biết yêu người khác.
Những
cử chỉ yêu thương, lời nói âu yếm của cha mẹ trước hết làm cho em bé cảm thấy
an toàn, được quan tâm; nhưng quan trọng hơn cả chính là những cử chỉ và lời nói yêu thương này giúp
em bé tạo niềm tin nơi ngưòi khác khi tự
nhủ: “Tôi có thể trông cậy vào họ, những người chung quanh tôi”. Dần dà, em
khám phá cha mẹ, anh chị, cô bác, chú dì là những người đang xây dựng những nhịp
cầu liên đới với em và mời gọi em ra khỏi chính mình để đến với họ. Như khi tập
đi, mọi người vỗ tay và luôn miệng khuyến khích, cổ võ em đi tới. Những bước
chân đầu đời chập chững của em chính là bài học căn bản dậy em: tình yêu là những bước chân đi tới người
khác.
Khi
quan sát cha mẹ thương nhau, em nhận ra cha mẹ cũng thương em và em kết luận:
tình yêu là liên đới: liên đời giữa cha và mẹ, liên đới giữa cha mẹ và em.
Chính liên đới làm nên tình yêu và trong liên đới, con người gặp được nhau và
cho nhau hạnh phúc, như em đang hạnh phúc trong liên đới với cha mẹ.
Cũng
từ liên đới với cha mẹ, em bé khám phá thêm một khả thể mới, đó là em sẽ yêu được
người khác, ngoài cha mẹ; nếu em chấp nhận đi vào liên đới với họ và liên đới
càng chặt chẽ, tình yêu càng nồng nàn, liên đới càng sâu sắc, tình yêu càng thiết
tha.
Tất
cả những hoa trái tình yêu nhận được từ những bài học đầu đời sẽ ảnh hưởng rất
lớn trên chọn lựa của em khi em đến tuổi
cập kê, lập gia đình. Nhờ học yêu nơi cha mẹ, em sẽ biết yêu người vợ, người chồng
tương lai của em. Nhờ hiểu biết yêu là đi vào liên đới, em sẽ không bỡ ngỡ khi
phải thiết lập tương quan thân thiết, liên đời bền chặt với người em chọn. Cuộc
đời ngày mai, chọn lựa ngày mai, nếp sống tương lai của một người hầu như đều
đã được vạch sẵn từ những ngày thơ ấu
bên gối mẹ.
3.
Giáo
dục tình yêu là phá tan ảo tưởng một tình yêu không sóng gió, một tình yêu lười
biếng, không đòi hỏi.
Nhiều
người trẻ hôm nay hiểu lầm tình yêu là giòng sông êm đềm không gợn sóng và cuộc
đời hai người yêu nhau là cuộc đời không có vấn đề, không đòi hỏi, không bổn phận,
không hy sinh. Chính vì lầm tưởng tình yêu mà người ta đã thất vọng khi tình
yêu không như họ tưởng, khác điều họ nghĩ, xa điều họ mơ.
Sống
với cha mẹ yêu thương nhau, con cái sẽ khám phá ra tình yêu đòi trách nhiệm
trên nhau, đòi chu toàn những bồn phận đối với nhau và nhất là đòi hy sinh để
chu toàn những trách nhiệm và bổn phận yêu thương đó. Em bé sẽ học được bài học
tình yêu quên mình khi thấy cha vất vả kiếm cơm bánh cho gia đình, tình yêu hiến
mình khi thấy mẹ tần tảo sớm hôm buôn
bán, về đến nhà là “tay năm tay mười” lo cơm nước cho chồng con, âm thầm nhặt
nhụm, vun vén, tiết kiệm từng chút cơm dư, cạnh thừa mỗi bữa để phòng khi khốn
khó, hữu sự. Rồi những biến cố không tránh khỏi như bệnh tật, những va chạm
trong tương quan xã hội, những trái ý, buồn lòng, những thất bại, thua lỗ…, tất
cả là những bài học về một tình yêu luôn đòi hy sinh. Một khi em bé đã chứng kiến
tận mắt và sống tình yêu hy sinh của cha mẹ, em sẽ không còn ảo tưởng tình yêu
là trái táo thơm mà em chỉ việc cắn. Không lý tưởng hoá tình yêu, không đem
tình yêu ra khỏi đời thường chính là tránh cho con cái những ảo tưởng nguy hiểm
về tình yêu và không để chúng rơi vào những thất vọng ê chề, những cú sốc không
thuốc chữa, những cơn đau tuyệt vọng khi bước vào đường tình.
Giáo
dục tình yêu là giáo dục sự thật về đời sống chung của hai người yêu nhau. Đời
sống ấy không thiếu buồn vui, nhục vinh, thành bại; cũng không thiếu cam go, vất
vả, khó nhọc. Nó là cuộc sống của hai người khác nhau tự nguyện yêu nhau và sống
chung nhau. Từ những khác biệt và vì có
khác biệt, hai người mới chung sống. Và vì thế, sống chung những khác biệt sẽ
không thể là cuộc sống thụ động, im lìm, đặc sệt, không có vấn đề.
Tóm
lại, yêu thương con là đang dậy con tình yêu là gì và làm sao để sống đúng cuộc
sống có tình yêu. Người mẹ là người thầy tuyệt vời, nhiều khả năng nhất trong
công tác giáo dục tình yêu. Bên cạnh là người cha, ông có sứ mệnh làm chứng
tình yêu là giá trị cao nhất và người ta có hạnh phúc thực khi yêu thương nhau.
Cha mẹ sẽ dậy con nhận diện tình yêu qua nhũng bước đi tới tha nhân, bên cạnh bước dừng ở
chính mình: yêu người và chấp nhận được người yêu. Cha mẹ sẽ hướng dẫn con đến
những liên đới mới khởi đi từ liên đới cha mẹ - con cái để con khám phá cái
phong phú của tình liên đới nhân loại, như điều kiện của tình yêu. Đồng thời nhắc
con những bổn phận, đòi hỏi của tình yêu mà chỉ với hy sinh người ta mới chu
toàn được.
Nhưng
có lẽ bài học quan trọng nhất mà cha mẹ vẫn luôn phải dậy cho con, chính là
tình yêu giữa cha mẹ; bởi từ tình yêu này và qua tình yêu này, con cái mới nhận
ra những tình yêu khác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét