Kinh
Thánh tràn ngập tâm tình và hành động trông cậy ở Chúa. Đặc biệt trong các thánh
vịnh, niềm hy vọng, lòng trông cậy ở Chúa được diễn tả rất sâu sa và sống động : “Con đặt hy vọng nơi Chúa, con hết lòng trông
cậy ở Lời Ngài” (Tv 129,5), “Lậy Thiên Chúa, chính Ngài sẽ đẩy chúng vào hố diệt
vong những phường khát máu và chuyên lường gạt. Phần con đây, con tin tưởng nơi
Ngài” (Tv 54,24), “Chúa để mắt trông nom người kính sợ và kẻ trông cậy vào lòng
Chúa yêu thương” (Tv 32,18), “Lậy Chúa, chính Ngài là Đấng con trông đợi, chính
Ngài là Đấng con tin tưởng ngay từ độ thanh xuân. Từ thuở sơ sinh, con nương tựa
vào Ngài, Ngài đã kéo con ra khỏi lòng mẹ, con ca tụng Ngài chẳng khi ngơi” (Tv
70,5-6).
Trong
Tân Ước, Đức Giêsu đã sống từng giây phút niềm Hy Vọng này, khi hết lòng trông
cậy vào Thánh Ý Chúa Cha, và trong mọi tình huống dù éo le, khắc nghiệt, nguy
hiểm đến đâu, Ngài vẫn một lòng tin tưởng như lời cuối cùng của Ngài trên Thánh
Giá trước khi tắt thở : “Lậy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”
(Lc 23,46).
Với
các môn đệ, Ngài dậy các ông đặt trọn vẹn hy vọng nơi Thiên Chúa quan phòng, Đấng
là Cha nhân hậu luôn biết con cái mình cần gì, thiếu gì để ban cho (x. Mt
6,25-34).
Nhưng
làm thế nào để biết mình thực sự trông cậy ở Chúa, hy vọng vào Ngài ?
Thưa có hai điều
kiện nền tảng để biết mình có lòng trông cậy đích thực, niềm hy vọng chính đáng :
1.
Biết
mình có khả năng ra khỏi “cái tôi” khép kín, đóng chặt
và những thành qủa do hoạt động của bản thân.
2.
Dám
tin tưởng vào mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Để
hiểu rõ hơn, chúng ta cùng chia sẻ tâm tình của thánh Gioan Tông Đồ, người môn đệ
được Chúa yêu đặc biệt qua thư của Ngài : “Điều có ngay từ lúc khởi đầu, điều
chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng,
và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Qủa vậy, sự sống đã được tỏ bầy,
chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời :
sự sống ấy vẫn hưóng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bầy cho chúng tôi. Điều chúng
tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng
được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức
Giêsu Kitô, Con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng
ta được nên trọn vẹn” (1 Ga 1,1-4).
Qua
trích đọan trên, chúng ta thấy thánh Gioan đã không giữ riêng cho mình bất cứ sự
gì nhận được từ Thiên Chúa, kể cả ơn được hiệp thông với Chúa Cha và Đức Giêsu,
nhưng muốn truyền đạt tất cả cho chúng ta, với mục đích làm cho niềm vui của chúng
ta được nên trọn vẹn, niềm vui mà theo Ngài chính là sự hiệp thông của toàn thể
cộng đoàn trong Thiên Chúa và với Thiên Chúa. Sự hiệp thông được hình thành từ
những liên đới ngày càng nhân rộng, ngày càng thêm mới, luôn vui tươi và chân
thực vì được nuôi dưỡng trong niềm Hy Vọng ở Niềm Vui sẽ được Thiên Chúa làm
cho hoàn hảo.
Qủa
thực, không thể trông cậy, nếu lòng trông cậy không hướng đến một Niềm Vui hoàn
hảo ; không thể hy vọng, nếu niềm hy vọng không tìm kiếm một Hạnh Phúc lớn
lao, trọn vẹn. Đức trông cậy ở người Kitô hữu là nỗi khát khao Lời Hứa Hạnh Phúc
của Thiên Chúa được thực hiện nơi họ ; là ước mơ, mong đợi, trông ngóng Niềm
Vui bất diệt và Hạnh Phúc đời đời đã được Thiên Chúa hứa ban, nên trong trái
tim Trông Cậy của người môn đệ Đức Giêsu luôn có bóng dáng của Niềm Vui Tin Mừng,
và những bước chân của người đi theo Đức Giêsu trên hành trình Hy Vọng lúc nào cũng dặt dìu, nhịp
nhàng tiếng ca ngày mùa Hạnh Phúc của Nước
Thiên Chúa.
Nhưng
niềm vui Tin Mừng và hạnh phúc Nước Trời không bất động như nước ao tù, nhưng sống
động, rộn ràng, nhộn nhịp như sự sống ; không im lìm thê lương như ốc đảo
hoang vu, tiêu điều, nhưng vui tươi gặp gỡ, hào sảng mời gọi, quảng đại trao
ban, vì niềm vui riêng lẻ của bản thân từ
nay đã biết ra khỏi mình để cộng hưởng với Niềm Vui lớn của cộng đoàn, hạnh phúc
riêng tư nay đã biết vươn mình ra khỏi vỏ ốc ích kỷ để chung sức góp phần làm nẩy
sinh nhiều hạnh phúc mới và làm cho “Hạnh Phúc chung” của mọi người ngày càng
lan rộng, bao trùm.
Thực
vậy, mầu nhiệm Hy Vọng của Thiên Chúa chính là Niềm Vui lớn của cộng đoàn, Hạnh
Phúc lớn của dân Chúa, mà những niềm vui nhỏ của từng cá nhân, những hạnh phúc bé của mỗi người đã tận tụy đóng góp, chung phần làm nên.
Vì
thế, lòng Trông cậy, niềm Hy Vọng của chúng ta ở Thiên Chúa không là lòng trông
cậy thụ động, niềm hy vọng ươn lười, “ngồi chờ sung rụng”, nhưng là Trông Cậy tích
cực, Hy Vọng hoạt động, Trông Cậy dấn thân, Hy Vọng nỗ lực xây dựng. Nói cách
khác, chính mỗi người Kitô hữu được kêu gọi cùng Đức Giêsu “cưu mang” niềm Hy Vọng
cho thế giới, “sinh ra” niềm Hy Vọng cho người nghèo, đau yếu, bất hạnh, và “làm
lớn lên” niềm Hy Vọng, Cậy Trông giữa những con người đang chối bỏ Niềm Vui Hy
Vọng của đời mình.
Để
được cùng Đức Giêsu bước đi trên con đường Hy Vọng, mỗi người Kitô hữu phải trở
nên người cộng tác tìm kiếm và xây dựng Niềm vui chung của cộng đoàn khi noi
gương Đức Giêsu thực hiện bốn điều sau :
· Chăm
chú lắng nghe người khác, như Đức Giêsu đã chăm
chú lắng nghe ông Nicôđêmô khi ông tìm đến gặp riêng Ngài ban đêm, vì ông là một
thủ lãnh của người Do Thái (x. Ga 3,1-21).
· Tuyệt
đối kính trọng mọi người, như Đức Giêsu đã luôn
trân trọng những người Ngài gặp : từ viên sĩ quan ngọai quốc, ngoại đạo (Lc
7,1-10), người đàn bà nghèo khó (Mc 12,41-44), chị phụ nữ ngoại tình bị bắt qủa
tang (x. Ga 8,1-11) đến người ăn xin mù loà (x. Ga 9), người thu thuế tội lỗi
(x. Lc 19,1-10) và các trẻ em (x.Mc 10,13-16).
· Chân
thành, chân thực với anh em như Đức Giêsu đã
chia sẻ chân thành và chân thực với người đàn bà Samari bên giếng Giacóp.
Để
có được những đối thoại chân thực, chân thành, người ta không những phải tôn trọng
đối tượng mà còn phải hết tình quan tâm, và ân cần đón nhận, chia sẻ tâm sự.
· Kiên
nhẫn với nhau trong đời sống, như Đức Giêsu đã kiên
nhẫn chịu đựng các môn đệ cũng như dân của Ngài. Kiên nhẫn khi không làm áp lực,
bắt ép người khác phải tin và làm theo ý
mình, nhưng tôn trọng chọn lựa tự do của mỗi người ; kiên nhẫn để kiến tạo
bình an và tự tin ở người khác, mà không biến bất cứ ai thành một thứ nô lệ
tinh thần phải tùy thuộc và phục vụ ý muốn riêng của chúng ta.
Vâng,
hình ảnh những con người đã được gặp Đức Giêsu trong Tin Mừng đã cho chúng ta
thấy lòng trông cậy phải hướng đến Thiên Chúa là Niềm Vui hoàn hảo bằng tích cực
cộng tác với Thiên Chúa “sinh ra và nuôi lớn” những liên đới mới, vì từ những
liên đới này mà niềm vui được ươm mầm và sinh hoa kết qủa đem lại Hạnh Phúc lớn
lao và trọn vẹn mà Thiên Chúa hứa ban cho những ai trông cậy ở Ngài.
Nói
cách khác, những người tin tưởng vào Lời Hứa của Thiên Chúa sẽ đặt niềm hy vọng,
lòng trông cậy của mình vào hành động xây đắp niềm vui chung, khi quên mình vì
niềm vui của người khác và tin vào chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa, bởi hành
trình Hy Vọng, con đường Trông Cậy của người môn đệ Đức Giêsu là dong duổi với
Chúa đến với người khác, và cùng người khác miệt mài tìm đến Chúa là Nguồn Vui
của Hy Vọng.
Xin
Đức Maria, gương mẫu của lòng Trông Cậy, người đã được Thiên Chúa ban trọn vẹn Niềm
Vui của lòng Trông cậy, vì tin ở Mầu Nhiệm Thiên Chúa đã lên đường “ra khỏi” nhà
mình, “rời bỏ” tổ ấm riêng tư của mình, ngay sau khi thụ thai Ngôi Lời Thiên Chúa
do quyền phép Chúa Thánh Thần, để đến thăm người chị họ Êlisabét. Vì đặt trọn
niềm Hy Vọng ở Mầu Nhiệm Thiên Chúa, và dám chia sẻ những gì “mình là” : là
Mẹ Thiên Chúa, “mình có”: có Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng, Đức
Maria đã đánh thức lòng dạ bà chị họ để bà được vui mừng vì nhận ra Hồng Ân của Thiên Chúa:
“Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên
vui sướng. Em thật có phúc vì tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói
với em” (Lc 1,44-45).
Vì
tin những gì Thiên Chúa đã nói, vì tin vào Mầu Nhiệm của Thiên Chúa, Đức Maria đã
thực hiện sứ vụ người cộng tác với Thiên Chúa để làm cho Niềm Vui của Hy Vọng được
lan rộng, lớn nhanh, và chính vì đã chia sẻ niềm vui bản thân với người khác,
niềm vui của Mẹ đã tăng lên gấp bội như lời ngợi khen tràn đầy hạnh phúc của người
Nữ Tỳ được Thiên Chúa yêu thương trong Kinh Tán Tụng Magnificat mà Mẹ đã hát lên
ngay sau lời khen ngợi, chúc mừng của bà chị họ Êlisabét : “Linh hồn tôi
ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới ; từ nay hết mọi đời sẽ
khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người
thật chí thánh chí tôn !” (Lc 1,46-49).
Jorathe
Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét