Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2019

HÃY TRỞ VỀ


                                  Thứ Tư Lễ Tro : (Mt 6, 1-18)



   Trọng tâm của Lời Chúa hôm nay là hãy trở về với Thiên Chúa, vì Ngài là Đấng từ bi và nhân hậu.

   Ngôn sứ Giôen khoảng năm 400 trước Đức Giêsu đã kêu gọi mọi người : “Hãy hết lòng trở về, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Ngài từ bi và nhân hậu, chậm giận và giầu tình thương” (Ge 2,12-13).
    Ông kêu gọi xé lòng thay vì xé áo, và xây dựng việc ăn chay, thống hối trở về trên nền tảng lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Nói cách khác, sự trở về của con người chỉ có thể được thực hiện vì Thiên Chúa từ bi, nhân hậu.
   Thánh Phaolô khẳng định sự trở về của chúng ta là do ơn sủng : “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa” (2Cr 5,19). Nhưng mỗi người phải cộng tác “bằng cách” để mình được hoà giải với Thiên Chúa qua việc thống hối trở về (2Cr 5, 20).
Trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu không chỉ đồng tình với ngôn sứ Giôen khi chống lại việc ăn chay rềnh rang, hoành tráng bên ngoài, nhưng còn đi xa hơn, khi lên án thói giả hình, phô trương khi cầu nguyện và làm phúc bố thí. Như chúng ta biết : ăn chay, bố thí và cầu nguyện là ba cột trụ của Do Thái giáo, và Đức Giêsu đã công khai phê phán tệ nạn giả hình, khoe khoang, hãnh tiến và kêu gọi canh tân theo tinh thần mới của Tin Mừng:
1/ Tinh thần khiêm tốn, xoá mình khi làm phúc, bố thí :
    “Khi làm việc phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng khua chiêng đánh trống, như bọn đạo Đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá cốt để được người ta khen” (Mt 6, 1-2).
2/ Tinh thần khiêm tốn, phó thác khi cầu nguyện :
    “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả..., nhưng hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo... và thấu suốt những gì kín đáo” (Mt 6, 5-6).
3/ Tinh thần khiêm tốn, kín đáo, vui tươi khi ăn chay :
    “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩnhư bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay... Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6, 16-17).
    Qua Tin Mừng thánh Mátthêu, chúng ta thấy được hoạt cảnh xã hội tôn giáo thời Đức Giêsu. Đó là một thời chuộng lễ nghi hình thức, thích phô trương việc đạo đức, và tinh thần tục hoá gieo rắc thói giả hình cực kỳ nguy hiểm trong cộng đồng. Chính thói giả hình ngày càng làm mất tính thánh thiêng của tôn giáo và biến tôn giáo thành một cơ chế thuần trần tục, ở đó, người ta mượn tôn giáo để trục lợi, bất chấp cả quyền sống của đồng đạo.
    Là Đấng đến để giải phóng con người, Đức Giêsu mạnh dạn đả phá thói giả hình, phô trương, vì đây là siêu vi trùng phá hoại mọi tương quan, liên đới : giả hình không cho ta làm con Thiên Chúa vì giả dối là chiêu trò của ma quỷ ; giả hình phá hoại tình hiệp thông trong anh em, vì giả hình là nguyên nhân của mọi thị phi, đố kỵ, chia rẽ ; giả hình biến chủ thể thành người vong thân, đánh mất chính mình khi mang một lúc nhiều mặt nạ. Đả phá thói giả hình, Đức Giêsu giải thoát con người khỏi xiềng xích của điêu ngoa, dối trá, là nọc độc của Rắn Satan. Nó thúc đẩy con người kiêu căng muốn biết mọi sự Thiên Chúa biết, bằng điêu ngoa phỉnh gạt ; nó gieo mầm phản nghịch Thiên Chúa vào lòng con người bằng gian manh dàn dựng, bầy vẽ, thêu dệt những điều không có, hầu mê hoặc con người.
    Tóm lại, người giả hình là bạn của ma quỷ, bởi ma quỷ là loài gian dối, là cha đẻ của xảo quyệt. Vì thế Đức Giêsu đã không mệt mỏi tuyên chiến với đạo quân giả hình và thẳng thừng lên án thói phô trương trong sinh hoạt phụng tự, đạo đức, dù trong đám họcó nhiều người thuộc hàng chức sắc tôn giáo vị vọng . 
    Thực vậy, Đức Giêsu ủng hộ và đồng tình với các ngôn sứ kêu gọi mọi người trở về với Thiên Chúa bằng việc ăn chay, làm phúc, và cầu nguyện, nhưng nghiêm khắc cảnh giác và lên án thói giả hình, phô trương trong những việc đạo đức này, bởi người giả hình không đến gần được Thiên Chúa, và người phô trương, kiêu căng không thể trở về gặp Ngài, vì việc đạo đức họ làm không được Thiên Chúa đoái nhìn, như Đức Giêsu đã quả quyết : “Chúng đã được phần thưởng” với thế gian rồi (Mt 6, 2. 5.16). 

Jorathe Nắng Tím