Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

TRUYỀN GIÁO


       Có thể khẳng định mà không sợ lạc đạo : Sống Đạo mà không truyền Đạo là giết chết Đạo  ngay trong đời sống của người có Đạo, bởi Công Đồng Vaticanô II trong Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội - Ad Gentes, ngày 7 tháng 12 năm 1965 đã xác tín : "Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là người được sai đi, vì cội nguồn của Giáo Hội gắn liền với việc Chúa Con và Chúa Thánh Thần được sai đến theo ý định của Thiên Chúa Cha ữ (Chương 1, số 2)" để thực  thi phận vụ rao giảng Phúc Âm và gầy dựng Giáo Hội nơi các dân tộc, hoặc nơi những cộng đồng chưa  tin vào Chúa Kitô, được gọi chung là sứ vụ thừa sai (Chương 1, số 5).
   Như thế mỗi người Kitô hữu là một nhà truyền giáo, một thừa sai, được  Giáo Hội sai đi, qua bí tích Rửa Tội,  để loan báo Tin Mừng cho mọi người, bất kể họ là ai, thuộc sắc dân, ngôn ngữ, địa dư, nền văn hoá, phong tục hay  chính kiến nào. Sẽ không còn não trạng khoán trắng việc truyền giáo cho các Đức Cha, các cha, các sơ ; càng không coi việc loan báo Tin Mừng là việc của người khác, chuyện của thiên hạ, nhưng là chính căn tính của đời người Kitô hữu, người có Chúa Kitô, người mang Chúa Kitô đến cho nguời khác.
   Nhưng truyền giáo bằng cách nào ? Thưa, bằng trở nên chứng tá tình yêu của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người ; trở nên chứng từ sống động hồng ân cứu độ của Thiên Chúa, như Công đồng đã qủa quyết : "Giáo Hội được Chúa Kitô sai đi để bầy tỏ và thông ban tình yêu Thiên Chúa cho tất cả mọi người" (Ad Gentes, chương 2, số 10)... nên tất cả các Kitô hữu, dù sống ở đâu, đều phải dùng chứng tá và gương mẫu đời sống để thể hiện con người mới họ đã tiếp nhận qua bí tích Thánh Tẩy..   ( AG Chương 2, số 11).
    Suy nghĩ về sứ mệnh truyền giáo của  mình  trong  vị thế người Kitô hữu, tôi đề nghị qúy bạn cùng tôi chiêm ngắm hai người mù được Đức Giêsu chữa trong Tin Mừng : người mù thành Giêrikô (Lc 18,35-43), và người mù từ thuở mới sinh (Ga 9, 1-41). Hai đoạn Tin Mừng về hai người mù được Chúa chữa sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi : Phải truyền giáo bằng cách nào ?
    Trước hết, ta tìm ra những điểm đặc biệt ở người mù được Chúa cho sáng mắt ở thành Giêrikô trong Tin Mừng Luca 18,35- 43 :
1.      Anh  khắc khoải, mong được gặp Đức Giêsu :
   Toàn thể mạch văn đã nói lên anh đợi chờ Đức Giêsu từ lâu và mong Ngài đi ngang qua chỗ anh ngồi để hy vọng được Ngài chữa, như anh đã nghe đám đông kháo láo, đồn đãi về  quyền năng chữa bệnh của Ngài . Tuy mắt mù, nhưng tai rất thính và bén nhậy đón chuyện từ đám đông, nên luôn miệng  "hỏi xem có chuyện gì" mỗi khi nghe xôn xao, ồn ào (Lc 18,36).
2.      Anh lớn tiếng kêu cầu Đức Giêsu dủ lòng thương xót anh (Lc 18,38).
    Ngay khi biết Đức Giêsu đang đi qua đó, anh đã xin Ngài thương xót cứu chữa anh. Chính thái độ khiêm tốn nhận mình cần được xót thương và lời van xin tha thiết phát xuất tự đáy lòng và thân phận tật nguyền đã làm Đức Giêsu chạnh lòng, đứng lại bên anh và thân mật trò chuyện : ỡ Anh muốn tôi làm gì cho anh ? (Lc 18,41). Anh tin tưởng thưa với Ngài : "Lậy Ngài, xin cho con được nhìn thấy".Và phép lạ đã lập tức  được thực  hiện khi Đức Giêsu nói : "Anh nhìn thấy đi ! Lòng tin của anh đã cứu anh" (Lc 18,39- 42).
3.       Anh đi theo Ngài, sau khi được chữa lành (Lc 18,43)
      Có nhiều người được chữa lành nhưng không đi theo Đức Giêsu, Đấng đã chữa mình, nhưng anh mù này đi theo Đức Giêsu sau khi được sáng mắt. Chúng ta cũng thấy thái độ không biết ơn này của chín người phong cùi được Chúa chữa, và duy chỉ một người trong số  mười người đươc chữa  đã  cư xử như một người có lòng biết ơn đối với ân nhân của mình trong Tin Mừng Luca  17,11-19. Thế mới biết, người đời có khuynh hướng chuộng quên ơn hơn nhớ ơn, và số người vô ơn, bạc nghiã  đông  gấp nhiều lần những người  ân sâu nghiã nặng.  
4.      Anh vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa và kể  cho mọi người việc lạ lùng Thiên Chúa đã làm cho anh (Lc 18,43).
     Vừa được sáng mắt sau bao nhiêu năm mù loà, anh vui lắm và niềm vui của anh trước hết hướng đến bổn phận  tôn vinh Thiên Chúa, Đấng đã cho anh được sáng mắt; đồng thời làm chứng trước mặt mọi người Thiên Chúa đã chữa anh. Anh trở thành chứng từ sống động và  chứng tá đích danh, đích thực của  tình yêu Thiên Chúa trên những thân phận tật nguyền, những con người khổ đau, yếu đuối. Mọi người tin anh nói đúng, nói thật, và cùng anh cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa, vì chính anh là người mù mà ai cũng biết vừa được Đức Giêsu làm cho sáng mắt cách nhãn tiền, không thể chối cãi.
   Những điểm đặc biệt ở người mù được Đức Giêsu chữa lành chính là tiến trình truyền giáo mà người Kitô hữu phải có, nói cách khác, đó là những tâm tình, thái độ và việc làm cần thiết nơi nhà truyền giáo, vị thừa sai, người Kitô hữu:
     Truyền giáo là  khao khát gặp gỡ Chúa:
 Không có lửa khao khát gặp Chúa, thiếu nồng nàn trong tương quan với Chúa, tắt một lời, không gắn bó, kết hợp mật thiết với Chúa, chúng ta không thể có được tâm hồn truyền giáo, vì có  Chúa đâu mà giới thiệu, có kinh nghiệm về Chúa đâu mà chia sẻ với người khác, có nhận ra việc lạ lùng Chúa làm cho mình đâu mà kể cho người chung quanh, có xác tín về tình yêu Chúa dành cho mình đâu mà thuyết phục  đám đông tin rằng Chúa yêu thương họ.
    Bởi truyền giáo không là chuyển tải kiến thức về Thiên Chúa, nhưng là làm chứng Thiên Chúa yêu thương tôi, kể cho người khác kinh nghiệm sống của một người có Chúa trong cuộc sống, giới thiệu một Thiên Chúa làm người đến để cứu độ và đang đồng hành với tôi trên mọi nẻo đường đời, nên không thể là nhà truyền giáo, thừa sai, nếu thiếu cảm nghiệm về Thiên Chúa đầy lòng thương xót và tâm tình của người được Thiên Chúa xót thương. Kiến thức thì chung chung, ai chuyển tải cho ai cũng được, tùy theo mức độ, nhưng truyền giáo thì khác, bởi kinh nghiệm về Thiên Chúa thì riêng tư, chỉ có được do tương quan giữa cá nhân mỗi người với  Thiên Chúa.
   Khao khát gặp gỡ Chúa vì thế trở thành điều kiện không thể thiếu ở tâm hồn truyền giáo. Khao khát này không chỉ cho ta được thấy Thiên Chúa, mà còn thúc bách ta giúp  mọi người cũng được hạnh phúc thấy Thiên Chúa như ta, bằng kể cho mọi người  về Thiên Chúa dịu ngọt làm sao và tình thương của Ngài bao la, vĩ đại dường nào ! Kinh nguyện và các bí tích là phương thế giúp ta thể hiện khao khát cháy bỏng có Chúa.
 Truyền giáo là chân nhận ta cần được thương xót:
  Nhà truyền giáo, vị thừa sai, người  Kitô hữu mà nghĩ mình thánh thiện, đạo đức, hoàn hảo đến độ không cần ai thương xót, cũng chẳng quan tâm đến lòng Chúa xót thương, thì không gì nguy hiểm hơn cho bản thân, mà còn nguy hại khôn lường cho nhiều người khác, bởi các vị đã hủy bỏ chính đối tượng của truyền giáo là loan báo Thiên Chúa đầy lòng xót thương mãi mãi thương xót dân Ngài luôn cần  tình Ngài thương xót.

   Nhiều người lầm tưởng : truyền giáo là tuyên truyền về  cơ cấu, tổ chức, công trình có tên tuổi, để đời của Giáo hội; là cổ động lòng khâm phục đối với người công giáo; là tìm kiếm lòng ngưỡng mộ kho tàng  giáo lý có hệ thống chặt chẽ, khó có thể bắt bẻ của Đạo; là nhồi sọ, rửa óc người khác bằng những so sánh: người có Đạo ưu tú hơn người không Đạo, đi Đạo có nhiều mối lợi hơn ở ngoài Đạo; là khoe khoang, phô trương những nghi lễ hoành tráng; là biện luận, tranh cãi để dành phần thắng cho Đạo mình,  mà quên rằng: truyền giáo trước hết và trên hết là làm chứng Thiên Chúa xót thương và cứu chữa tôi là thân phận yếu đuối, bất toàn cần được thương xót.
  Vì thế, nhận mình cần được xót thương mọi nơi, mọi lúc vì mình yếu đuối, hèn mọn, dễ ngã, dễ vỡ, dễ đổ chính là chứng từ hùng hồn và thuyết phục nhất khi loan báo, rao giảng, làm chứng Tin Mừng của Đức Giêsu, bởi nội dung của Tin Mừng là lòng thương xót  Chúa, Đức Giêsu của Tin Mừng là dung mạo của Chúa Cha đầy lòng thương xót, sứ điệp của Tin Mừng là ơn cứu độ do lòng Chúa xót thương nhân loại.
   Với tâm tình cần được thương xót, nhà truyền giáo sẽ không làm tổn thương người khác, nhưng giúp cho họ nhận ra Thiên Chúa rất đáng yêu, vì Ngài đầy lòng thương xót, khi thấy nhà truyền giáo như đang gặp gỡ, đang lắng nghe, đang đi theo, đang ở cùng, đang sống với, đang kết hợp, hiệp thông với Đấng giầu lòng xót thương và tìm đến để thương xót con người, qua dung mạo,  lời ăn tiếng nói, cung cách, thái độ dễ thương, dễ gần, dễ cảm thông, dễ chạnh lòng thương cảm của nhà truyền giáo. Qủa thực, không  nhịp cầu nào ngắn nhất, dễ nhất đưa trái tim con người đến với trái tim Thiên Chúa bằng nhịp cầu thương xót của nhà truyền giáo, khi vị ấy biết mình cần được thương xót và biết xót thương mọi người. 
Truyền giáo là đi theo Đức Giêsu:
   Truyền giáo không phải một công việc được tách ra khỏi đời sống thường ngày, hay chỉ được coi như một phần được thêm vào cuộc sống, càng không phải một phụ lục của cuốn sách cuộc đời dầy cộm, nhưng truyền giáo phải là chính đời sống của người Kitô hữu, nghiã là, sống truyền giáo như hơi thở, như nhịp đập của con tim: tim ngưng là chết, hết thở là nhắm mắt, xuôi tay. Điều  này muốn nói : truyền giáo là sự sống, là cuộc đời, là ơn gọi làm người, hạnh phúc làm con Chúa, nên không thể quan niệm một vị thừa sai, một nhà truyền giáo, một người  Kitô hữu  thích truyền đạo, ham rao giảng Tin Mừng mà không chịu làm môn đệ đi theo Đức Giêsu, không chịu lên đường đồng hành với Đức Giêsu, không đồng sinh đồng tử với Đức Giêsu.
    Trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã gọi nhiều người, nhưng không nhiều người đã đi  theo Ngài.Và điều đặc biệt là Ngài đã chỉ sai những ai đi theo Ngài lên đường rao giảng Tin Mừng, mà không sai bất cứ ai, hay sai đám đông ô hợp, hỗn tạp. Tin Mừng Mátthêu cũng như Tin Mừng Luca, Gioan đều tường thuật rất rõ ràng : Đức Giêsu sau khi sống lại đã sai các môn đệ của Ngài lên đường truyền giáo cho muôn dân : "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất". Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dậy cho họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28, 18-20).
   Thực vậy, sứ vụ truyền giáo của người tín hữu xuất phát từ sứ vụ của các thánh Tông Đồ đã được Đức Giêsu trực tiếp ủy thác, nên sẽ không có truyền giáo tự phát, tự động; sẽ không có Thừa Sai tự sai mình, nhưng tất cả phải được Giáo Hội sai đi , như Công Đồng đã khẳng định : Ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã gọi đến với Người những kẻ Người muốn và lập thành nhóm Mười Hai để họ ở với Người và để Người sai họ đi rao giảng ..Từ đó, Giáo Hội nhận nhiệm vụ truyền bá đức tin và ơn cứu rỗi do Chúa Kitô mang đến, một đàng dựa trên sự ủy thác rõ ràng của các Tông Đồ cho hàng Giám Mục với sự trợ giúp của các linh mục, hợp nhất với Đấng kế vị thánh Phêrô cũng là Mục Tử Tối Cao của Giáo Hội, đàng khác do đòi hỏi của chính sự sống Chúa Kitô muốn thông ban cho các chi thể.. (Ad Gentes, chương 1, số 5).
     Xác tín truyền giáo là sứ vụ của đời người Kitô hữu trong lòng Giáo Hội của Đức Giêsu là điều rất quan trọng, để những bước chân truyền giáo không lệch đường, lạc lối, bởi đã có rất nhiều sáng kiến truyền giáo vì sơ ý đã tự tách ra khỏi Nhiệm Thể Đức Kitô là Giáo Hội và sinh ra những nguy hiểm cho việc truyền giáo khi Hiệp Nhất  của Giáo Hội bị  rạn nứt, đe dọa.
 Truyền Giáo là tôn vinh Thiên Chúa đầy lòng thương xót và kể cho mọi người về lòng thương xót Chúa trải qua từ đời nọ đến đời kia trên những ai kính sợ Người (Lc 1,50).
    Và trong số những người kính sợ Chúa có nhà truyền giáo, vị thừa sai, người tín hữu đang kể chuyện riêng của mình, câu chuyện riêng được Thiên Chúa thương xót,  kinh nghiệm riêng được Thiên Chúa ân cần,  âu yếm nâng niu, gìn giữ  như con ngươi của Ngài. Đức Maria đã không truyền giáo bằng cách nào khác là kể cho mọi người nghe những việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm cho nữ tỳ của Ngài : Phận nữ tỳ hèn mọn, Ngài đã đoái thương  nhìn tới (Lc 1,48); Đức Mẹ cũng không phát minh phương pháp loan báo Tin Mừng nào khác độc đáo hơn là ca ngợi lòng thương xót trung tín và đời đời của Thiên Chúa trải qua từ đời nọ đến đời kia.Tất cả đều tập trung ở  ca ngợi  Thiên Chúa giầu lòng xót thương và kể lại công trình thương xót kỳ diệu của Ngài.
      Người mù từ thuở mới sinh trong Tin Mừng Gioan đã gặp rất nhiều khó khăn khi kể lại phép lạ được chữa lành đôi mắt. Anh đã bị giáo quyền  hạch hỏi, đe nẹt, tố cáo, kể cả lên án: sau khi tra khảo Đức Giêsu đã làm gì khi chữa mắt cho anh, những cán bộ tôn giáo đã chụp mũ Đức Giêsu không thể là người của Thiên Chúa, vì không giữ luật ngày Sabát khi chữa mắt cho anh mù và người tội lỗi vì sai luật Môsê làm sao có thể làm được những dấu lạ ? (Ga 9,16).Trước những tấn công vũ bão của những người ghét và muốn giết  Đức Giêsu, anh mù vừa được chữa vẫn can đảm kể lại sự thật được Đức Giêsu lấy bùn làm cho mắt anh được sáng (Ga 9,14), nhất là dũng cảm biểu lộ ý nghĩ của mình về người đã chữa mắt mình : Người là một vị ngôn sứ ! (Ga 9, 17). Thánh sử Gioan đã khéo tả lại cảnh tượng hạch hỏi của đám Biệt Phái : Một lần nữa đám Biệt Phái qủa quyết Đức Giêsu là người tội lỗi, với ác ý quy kết phép lạ Đức Giêsu vừa làm chữa người mù bẩm sinh không thể là việc kỳ diệu từ Thiên Chúa. Họ tưởng sẽ bịt miệng được anh mù vừa được chữa lành, ai ngờ anh cho họ  gáo nước lạnh làm tái mặt khi dõng dạc trả lời: "Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được"! (Ga 9, 25) và hóm hỉnh trả đũa:  Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng ? (Ga 9,27), khi họ cứ lải nhải bắt anh kể đi kể lại phép lạ với dã tâm tạo áp lực để anh phải nói theo ý họ. 
   Như thế, truyền giáo không luôn là công việc dễ dàng, xuông xẻ, bởi ma qủy luôn tìm cách chống phá công cuộc rao giảng Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu. Lịch sử Giáo Hội đã minh chứng điều này với bao nhiêu cuộc bách hại, truy diệt các nhà truyền giáo, thừa sai. Trên giải đất Việt Nam này, máu của các vị cũng đã đổ ra để hạt giống đức tin được nẩy mầm và lớn lên. Do đó, truyền giáo đòi nhiều hy sinh, dũng cảm trước nhiều  thiệt thòi, mất mát vì Tin Mừng.
    Tóm lại, truyền giáo chính là loan truyền Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến. Khi loan truyền Chúa chịu chết, chúng ta truyền giáo bằng loan báo một Thiên Chúa làm người,  chết như con người vì xót thương con người. Thiên Chúa làm người ấy đã đi vào lịch sử của con người và  hiến mạng làm giá cứu chuộc con người để con người khỏi phải chết. Đồng thời, chúng ta cũng truyền giáo bằng tuyên xưng Chúa sống lại để thực hiện Lời Hứa thương xót, cứu chữa con người khỏi ách thống trị của thần dữ và sự chết bằng chính quyền năng thương xót của Ngài là Thiên Chúa vô cùng toàn năng và giầu lòng thương xót. Cả hai bản tính Thiên Chúa và Con Người nơi Đức Giêsu đều là Tình Yêu Thương Xót: Thiên Chúa của lòng thương xót đã làm người vì xót thương. Và Truyền Giáo sẽ không là gì khác hơn là kể lại tình Chúa xót thương trên mỗi người và  mọi người chúng ta.
    Câu chuyện hai anh mù được Chúa chữa trong Tin Mừng thiết tưởng phần nào đã soi sáng con đường Truyền Giáo của chúng ta, con đường Đức Giêsu đã đi, con đường các Tông Đồ và hàng hàng lớp lớp người Kitô hữu qua bao thế hệ đã hân hoan  đồng hành với Thiên Chúa làm người và ở giữa loài người vì thương xót  phận người của chúng ta.  

                                                                           Jorathe Nắng Tím