Suy Niệm TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 7, Thường Niên, Năm A
“Vì nếu anh
em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ?” (Mt
5,46)
Như
thế, tình yêu được Đức Giêsu định nghiã hoàn toàn khác với tình yêu con người quan
niệm : yêu kẻ yêu mình, thương người thương mình, và tình yêu là tình của
hai người yêu nhau ; tình yêu của Đức Giêsu đề nghị không còn là tình yêu con người thực hiện cho
nhau : chỉ yêu người thương mình, chỉ thân thiện với người mình thân thương,
chỉ chào hỏi người mình có cảm tình ; và giới luật mới tình yêu mà Đức Giêsu muốn những ai đi theo
Ngài phải sống cũng không giống luật sống : “Mắt đền mắt, răng đền răng”, mà
con người coi như nguyên tắc căn bản trong tương quan ứng xử trong đời thường.
Qủa
thực, Đức Giêsu đã thay đổi hoàn toàn định nghiã của Tình Yêu, bởi từ nay, với
Ngài : Yêu không còn là yêu người yêu mình, mà còn là “yêu người không yêu
mình, yêu người yêu mình không hết tình, yêu người yêu mình không đúng, không đủ”.
Nhưng
vẫn chưa hết, tình yêu được định nghiã lại bởi Đức Giêsu còn đi xa hơn, lạ lùng
hơn, quyết liệt hơn, và cũng cam go, khó khăn, vật vã hơn rất nhiều, khi đòi phải
“yêu cả kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình” (x. Mt 5,44).
“Yêu
kẻ thù” thế nào được, vì đòi hỏi này hoàn toàn mâu thuẫn với luận lý bình thường,
bởi có yêu thì phải yêu người đáng yêu, người yêu mình, hay ít ra là người chưa
có ân oán, nợ máu, nợ xương gì với mình, chứ ai lại “ngu si, đần độn, khờ dại và
liều mạng” đến độ đi yêu kẻ thù, yêu kẻ chơi xấu mình, yêu kẻ lợi dụng mình, yêu
kẻ chỉ muốn dùng mình như bàn đạp, phương tiện, yêu kẻ đâm sau lưng mình, yêu kẻ
chống lại mình, yêu kẻ nguyền rủa, vu khống mình, yêu kẻ lên án mình, yêu kẻ tìm
mọi cách đốn gục mình, yêu kẻ muốn hãm hại mình, yêu kẻ muốn tiêu diệt mình ?
Yêu
kẻ thù còn là điều không thể quan niệm trong tình yêu, vì không những vô lý, mà
còn không thể thực hiện : vô lý, và bất khả thi, khi làm một điều ngược với điều
lý trí “coi là bình thường”, và với điều trái tim “bình thường cảm thấy”, nhất
là hoàn toàn đi ngược đường lối “khôn ngoan của xã hội” .
Tin
Mừng hôm nay với Tình Yêu được Đức Giêsu đề nghị các môn đệ Ngài thực hiện không
chỉ là tình yêu chịu đựng, hiền lành như “đừng chống cự người ác, trái lại, nếu
bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” (Mt 5,39) ; không
chỉ là tình yêu quảng đại, hào sảng : “Ai lấy áo trong của anh, thì hãy để
cho nó lấy cả áo ngoài” (Mt 5,41), “Ai xin thì hãy cho ; ai muốn vay mượn,
thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5,42) ; tình yêu kiên trì, nhẫn nại : “ai
bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm” (Mt 5,41), nhưng còn là Tình
Yêu vượt qua bình diện tự nhiên, để vươn cao đến siêu nhiên, chạm được Thiên Chúa
khi ‘gồng mình’ “cầu nguyện cho cả những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).
Đòi
hỏi cầu nguyện cho kẻ thù là tột điểm của tình yêu mà Đức Giêsu muốn các môn đệ
Ngài phải thực hiện. Là tột điểm của tình yêu, vì là hành vi cao cả, kỳ diệu,
thánh thiện, mầu nhiệm và tuyệt vời khôn sánh, bởi cầu nguyện cho kẻ thù không
những vượt tầm hiểu biết, suy nghĩ, mà còn vượt khả năng thực hiện của con người.
Vì
thế, trong tình yêu được đề nghị bởi Đức Giêsu sẽ không chỉ có con ngừơi yêu
nhau, không chỉ là tình yêu thuộc bình diện nhân loại, tình người yêu con người,
mà còn có Thiên Chúa là Tình Yêu hiện diện, có Thiên Chúa tình yêu hoạt động, có
Thiên Chúa tình yêu tham dự, có Thiên Chúa tình yêu ban sinh lực và nâng đỡ, tắt
một lời : trong tình yêu kỳ diệu này, luôn “có Thiên Chúa là Tình Yêu cùng
yêu với”, bởi đây là tình yêu vượt ra khỏi tự nhiên, vượt lên trên con người, để
đi vào vùng siêu nhiên, chạm được chính Thiên Chúa là Tình Yêu tuyệt đối.
Đó
chính là lý do Đức Giêsu đã công khai tuyên bố : sự thánh thiện của con người
chính là đạt đến tình yêu kỳ diệu này, tình yêu như giới luật mới của Thiên Chúa
truyền ban cho con người, vì chỉ khi ra khỏi “tình yêu theo khuôn khổ tự nhiên,
và định chế xã hội” để đạt đến tình yêu không biên giới, không điều kiện, không
đòi đền đáp, tình yêu mang hình ảnh của Thiên Chúa, tình yêu từ nguồn thánh thiện
của Thiên Chúa, tình yêu như ơn gọi trở nên con Thiên Chúa, Đấng “cho mặt trời
của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người
công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45), người môn đệ Đức Giêsu mới thực sự
sống theo Giới Luật mới của Thiên Chúa, và làm đẹp lòng Ngqài. Chỉ trong tình yêu
“có Thiên Chúa”, với tình yêu không theo tính toán của thế gian, phù hợp với kế
hoạch của loài người, bằng khôn ngoan của nhân loại, người môn đệ của Đức Giêsu
mới có thể “nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48), và
mới đáng được Thiên Chúa thưởng công đời đời (x. Mt 5,46-47).
Vâng,
Đức Ái Kitô giáo không còn là tình yêu như người đời quan niệm, không còn là tình
yêu như con người định nghiã, cũng không còn là tình yêu an nhàn, thoải mái, dễ
thực hiện, nhưng đòi vượt qua nhiều biên giới, nhiều cản trở, nhiều chướng ngại,
những chướng ngại của ích kỷ, tham lam, những cản trở của ganh ghét, đố kỵ, những
biên giới của kỳ thị chủng tộc, giai cấp, thành phần xã hội.
Đức
Ái ấy khó khăn, quyết liệt, và triệt để, đến cùng, nên khi thiếu yêu thương quên
mình, thiếu chia sẻ đến thiệt thân, thiếu tha thứ đến nỗi bị đời cho là khờ
dại, “người Giời”, chúng ta vẫn chưa được gọi là Con Thiên Chúa, vì bất xứng với
Tình Yêu kỳ diệu, thần thánh mà Thiên Chúa muốn chúng ta đi vào. Cũng vì lý do
này, Giáo Hội còn gặp nhiều khó khăn, khi những người con của Giáo Hội không sống
tình yêu theo định nghiã mới của Đức Giêsu, nhưng tiếp tục để “tình yêu” theo
kiểu thế gian hớp hồn, lôi cuốn.
Jorathe
Nắng Tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét